Như chúng ta đã biết, triều đình nhà Nguyễn từ triều Gia Long lên ngồi Hoàng đế, những bà vợ của vua đều được chọn từ khi vua còn nhỏ, tức là từ thời còn là Hoàng tử nên đa số các vua Triều Nguyễn đều có vợ trước khi lên ngôi vua. Vì vậy khi đã lên ngôi vua rồi, ông nào cũng có thêm hàng chục cung nữ được tiến vào cung để hầu hạ và làm thiếp cho vua. Trong cung vì có nhiều thiếp, mặc dầu vua đã có một bà chính thất do gia đình lấy cho rồi, nhưng các bà sau hợp nhãn vua nên được chiều chuộng và yêu mến hơn các bà khác. Vì vậy nhà vua sợ các bà tranh nhau quyền nên không bà nào được phong làm Hoàng hậu mà chỉ sau khi vua tạ thế, hoặc bà nào đó được vua thương mến mới được phong làm Hoàng hậu sau khi bà đó tạ thế. Triều đình Nhà Nguyễn cũng sợ việc tranh quyền, như bà vợ chính thất của vua mà không có con trai, bà thứ có con trai khi vua tạ thế người con trai của bà thứ sẽ được phong làm Thái tử để được nối ngôi và khi đó bà thứ có con trai mới được phong làm Hoàng hậu. Bảo Đại là niên hiệu của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy ( cũng có tên là Nguyễn Phước Thiện ) lên ngôi kế nghiệp vua cha Khải Định ta thế năm 1925. Bảo Đại sinh ngày 22-10-1913 tại Huế. Năm 1920, vua Khải Định đã ban sắc xuống đổi Tiềm Đế thành An Định cung cho Hoàng trưởng tử Vĩnh Thụy ở. Sắc ban ngày 20-2-1920, Khải Định năm thứ 5. Ngày 28-3-1922, Khải Định sách lập Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử, nghĩa là người sẽ kế ngôi vua cha. Nước Pháp trong thời kỳ đang cai trị Việt Nam, nghĩa là chế độ thực dân Pháp đang toàn trị xứ Đông Dương, triều đình nước Việt chỉ “hữu danh vô thực”, tất cả quyền hành, từ chính trị đến quân sự, xã hội, giáo dục... đều do chính quyền Pháp đặt ra cho triều đình Việt thi hành. Vì vậy, người Pháp muốn tương lai nước Việt sẽ có một ông vua da vàng mũi tẹt, nhưng có đầu óc Tây phương, nếp sống và tình cảm Tây phương do Pháp đào tạo. Cho nên chính quyền Pháp đã ngỏ ý với Khải Định là cho Vĩnh Thụy được đi du học bên Pháp để đào tạo văn hóa, nhưng sự thực là đi học “nghề làm vua” do chính quyền Pháp đào tạo. Năm 1922, Vĩnh Thụy xuất ngoại cùng thân phụ Khải Định sang Pháp và ở lại để nhập trường Lycee Condorcet rồi sau đó là trường Sciences Po. ( École libre des Siences Politique ) tại Paris, thủ đô nước Pháp. Tháng 2 năm 1920, cựu Khâm sứ Huế của Pháp là Charles được Khải Định phong tước Tế Nam công vì Charles đã có công với triều đình Huế và cũng là người nhận làm cha nuôi đỡ đầu cho Vĩnh Thụy sang Pháp du học. Trong thời gian theo học ở Paris, Vĩnh Thụy được ở nhà vợ chồng Charles và được dạy cách sống theo Tây phương. Tháng 12-1925, Vĩnh Thụy trở về nước thọ tang cha. Ngày 8-1-1926 triều đình tôn Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi Hoàng đế kế nghiệp vua cha vừa tạ thế. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lấy niên hiệu là Bảo Đại và là ông vua thứ 13 triều Nguyễn. Năm này Bảo Đại cũng vừa đúng 13 tuổi. Sau khi đã học xong trường Hattemer, Vĩnh Thụy được đổi sang học trường Khoa học Chính trị ( Sciences Po ), một trường chuyên đào tạo những người tương lai sẽ ra nắm những chức vụ quan trọng trong các quốc gia thuộc địa của Pháp cai trị. Vĩnh Thụy bước vào trường Sciences Po từ niên khóa 1930. Tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã học xong và trở về nước để chính thức cầm quyền ngôi vua mà trước đó Bảo Đại vắng mặt đã ủy quyền cho cụ Tôn Thất Hân là Chủ tịch Tôn Nhân Phủ và cũng là Phụ chánh Đại thần để lo những việc triều chính trong khi nhà vua vắng mặt. Năm 1932 cũng là năm Bảo Đại đã 19 tuổi nên trong triều ai cũng đã nghĩ tới việc chọn vợ cho vua Bảo Đại hồi loan. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết thì: Trước khi về nước, tại Huế đã có nhiều cô gái trong những gia đình quyền quý đã để mắt tới một nhà vua trẻ, đẹp trai và có học nước ngoài. Và bà Từ Cung, thân mẫu của Bảo Đại cũng đã chọn cô Bạch Yến là con ông Thượng Nguyễn Đình Tiên, người làng Chí Long, quận Phong Điền ( Thừa Thiên ) để chọn vào tiến cung chuẩn bị làm vợ Bảo Đại. Trước đó, cô Bạch Yến cũng đã được chỉ dạy đàn ca, thơ phú, và cách xã giao ăn nói, đi đứng theo cung cách của một vương phi. Rồi hàng ngày cô Bạch Yến còn được chăm sóc tắm rửa bằng sữa cho thân người được trắng và làn da thơm mát... Nhưng việc không ngờ, có biết đâu ngay từ những ngày du học ở Pháp, vợ chồng cựu Khâm sứ Charles là cha nuôi của Bảo Đại đã có ý định sẽ chọn một thiếu nữ Việt, có Tây học, con nhà giàu lại có đạo Công giáo để kết hợp làm vợ cho Bảo Đại. Mục đích của người Pháp là phải đào tạo Bảo Đại thành một ông vua sống theo nếp sống Tây phương, vợ phải có học và có đạo Công giáo để tương lai các con của Bảo Đại sinh ra sẽ theo đạo Công giáo, rồi nghiễm nhiên khi kế vị ngôi vua sẽ là một ông vua có đạo Công giáo đúng ý đồ của người Pháp. Vợ chồng cự Khâm sức Charles vốn đã quen biết với gia đình họ Lê Phát An từ khi còn ở Nam bộ nên đã ngỏ ý để người cháu gái bên ngoại của Lê Phát An là cô nữ sinh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào ( tức Nguyễn Hữu Thị Lan ) là con của gia đình cự phú Nguyễn Hữu Hào sẽ làm vợ của Bảo Đại. Pierre Nguyễn Hữu Hào thuở nhỏ đi tu, học trường dòng, nhưng không làm tu sĩ mà sau ra đời làm doanh thương, gia đình cũng không phải giàu nếu so sánh với đình Huyện Sỹ. Nhưng vì gia đình Nguyễn Hữu hào đạo dong, và lại ngoan đạo nên gia đình Huyện Sỹ đã gả con gái là Marie Lê Thị Bình cho Nguyễn Hữu Hào. Như chúng ta đã từng nghe nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”, Ngược lại gia đình Huyện Sỹ tuy giàu nứt đố đổ vách tại Nam bộ, nhưng cũng không có chức trọng quyền cao gì, mà chỉ có chức Huyện, hàm được chính quyền Pháp ban cho vì có công với người Pháp trong việc trị nhậm thời Pháp mới sang cai trị xứ Nam Kỳ. Pierre Nguyễn Hữu Hào nhờ bên vợ giúp đỡ vốn buôn bán nên sau trở thành giàu có và vào làng Tây. Vợ chồng Nguyễn Hữu Hào đã sinh được hai người con gái. Người con gái đầu là Agnès Nguyễn Hữu Hào; người con gái thứ nhì là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, nhưng sau này ghi trong giấy khai sinh quốc tịch Việt đề là Nguyễn Hữu Thị Lan, và tên Pháo tịch lại ghi thêm là Marie Thérèse ( là tên bổn mạng - còn tên Pháp tịch phải ghi thêm là Jeanne Mariette Thérèse, nhưng viết tắt là Mariette Jeanne ). Để cho đôi trai tài gái sắc được biết nhau trước khi về nước, vợ chồng Charles đã khôn khéo tới trường nữ trung học Couvent des Oiseaux tại Paris gặp bà giám đốc trường này và ngỏ ý ngày làm lễ mãn khóa niên học năm 1932 sẽ mời Hoàng đế Bảo Đại của nước Việt tới dự và chọn nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan đến tặng hoa dâng kính Hoàng đế Việt Nam. Dĩ nhiên giữa hai bên, nữ tu Giám đốc của trường và cựu Khâm sứ Charles cũng đã bàn nhau về việc ý định chọn cô gái đất Nam bộ, có đạo để có thể làm vợ vua Bảo Đại khi nhà vua về nước cầm quyền. Khi Bảo Đại tới chủ tọa lễ mãn khóa đúng như sự sắp xếp từ trước, một thiếu nữ xinh xắn đã ôm bó hoa tươi thật đẹp tới dâng kính vua Bảo Đại, và được nhà vua chú ý. Và khi cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan tới trường Convent des Oiseaux để từ giã Mẹ Giám tỉnh ( nữ tu Giám đốc dòng ), thì nữ tu Ambroise đã khuyên Nguyễn Hữu Thị Lan: “Con ơi! Nếu Chúa khiến cho ông vua thấy con, rồi lấy con làm vợ và con trở thành Hoàng hậu thì con nghĩ sao?” Lúc đó, Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ nghĩ câu đó là lời vui miệng của Mẹ Bề trên mà thôi. Nhưng không ngờ, câu nói trên lại đúng là “định mệnh” đã báo trước.