êm nay trời không trăng, nhưng sáng sao. Lưu bắt ghế ngồi ngoài hành lang dùng làm sân thượng và gọi Bích: - Bích ơi, ra đây anh kể chuyện nầy cho nghe, hay lắm. Bích cứ đan mãi chiếc áo len chưa cần, giữa mùa nực, đan rồi tháo ra để đan lại. Nàng làm theo chỉ thị của bác sĩ nhà thương điên, vì công việc đan len rất hay ở chỗ nó ngăn người làm việc nghĩ vớ vẩn vì họ bận đếm mũi kim. Ðêm nay nàng lại còn cần đan hơn những đêm khác nữa. Bích cũng rất muốn trò chuyện với anh, mong tìm được một cách may mắn, giữa câu chuyện, lối nói khéo léo thế nào mà Lưu biết sự thật lại vừa không bị sét đánh vào tai. Nàng bỏ cả, nhắc ghế ra sân thượng rồi hỏi: - Gì đó anh? - Anh vừa thấy hỏa châu, hướng nầy, chắc là ở trong Gò Vấp. - Vậy mà hay cái nỗi gì? - Ậy, nó hay về chuyện khác. Anh có một thằng bạn ở trong cư xá Phú Thọ Hòa nó kể câu chuyện nầy rất là buồn cười. À, em biết hay không là trái hỏa châu nhẹ, chớ không phải thứ dù lớn của lính nhảy dù đâu. - Rồi sao? - Trẻ con rất mê dù hỏa châu. Để chơi cũng hay, mà bán cho trẻ con nhà giàu thì cũng được mấy mươi đồng một chiếc. Cái đêm Giáng Sinh vừa rồi, tại khu Phú Thọ Hòa, quân đội bắn hỏa châu gần suốt đêm để dân chúng đi nhà thờ, vì trong ấy hẻo lánh lắm và tối lắm. Như vậy, em biết số hỏa châu đêm ấy trong đó có đến cả ngàn không ít. - Rồi sao nữa? - Có hàng trăm đứa trẻ đi săn dù ở ngoài cư xá. Mà chung quanh cư xá là đồng hoang ruộng vắng minh mông. Lúc chạy đón dù, thì ở đâu cũng sáng như ban ngày, nhưng lối hai giờ đêm, thình lình chiến dịch hỏa châu chấm dứt, có hàng trăm đứa trẻ bỗng dưng bị rơi vào vực thẳm đen tối. Cư xá có đèn, nhưng đèn ngày thường chỉ cháy có mấy tiếng đồng hồ, hôm ấy có cháy lâu hơn, nhưng cũng không lâu như hỏa châu, thành thử chúng không thể nhắm ánh sáng của khu mà mò về nữa. Trẻ con Sàigòn ba-gai [9] lắm, nhưng không can đảm như trẻ con ở thôn quê mà biết đâu cả người lớn cũng thế, thành thử bị bóng tối thụp xuống thình lình rồi vây quanh chúng, chúng nó khóc thét lên, tiếng khóc của nhiều đứa vang dậy cho đến trong cư xá cũng nghe và người lớn mới đổ ra đi săn lại chúng nó. Bích cười ngất khi nghe câu chuyện ngộ nghĩnh nầy. Tuy nhiên Lưu thấy là vẫn chưa phải lúc điều tra, nên tìm một vấn đề khác để dẫn dắt lần lần Bích đến chỗ tự nhiên cởi mở. Nhưng Bích lại có câu chuyện để nói trước anh nàng. Nàng triết lý vặt: - Ðang ở ngoài sân mà bị bóng tối chụp xuống thình lình, con người phải mù ngay, nhưng nếu đang ở trong bóng tối, bỗng nhiên bị xô ra trước một thứ ánh sáng dữ dội quá thì con người lại ngất đi. Ý nàng muốn bàn tổng quát về phản ứng tai hại của anh nàng, khi Lưu nghe nàng tiết lộ những điều nàng đã thấy. Bàn xong nàng sẽ phê bình rằng dầu phải ngất cũng nên hoan nghinh ánh sáng nó soi rõ cho ta. Xong đâu đấy, nàng sẽ kể câu chuyện trong cầu Hội Đồng Sầm. Nhưng Lưu cãi ngay: - Ðâu có, ai mà ngất. Người ta hóa lòa mắt, nhưng cũng chỉ trong năm mười phút thôi. - Vậy à? Nói vậy thì không có gì nguy hết? - Ừ, và nếu người ta đeo kiếng mát (kính râm) thì người ta sẽ không việc gì hết ráo. - Em muốn đeo kiếng mát cho anh đây. - Để làm gì? Lưu ngạc nhiên hỏi, vì chàng hiểu ngay lối nói bóng của em gái chàng nó báo hiệu một tiết lộ quan trọng nào, đối với chàng. Đồng thời Lưu cũng chợt hiểu rằng nỗi buồn của Bích từ sáng đến giờ không có tánh cách cá nhân cho riêng Bích. Ðó là nỗi buồn vay giùm kẻ khác. Lưu bỗng đâm lo sợ, tim đập thình thình, muốn hỏi ngay về Liễu, nhưng cũng muốn cho Bích đừng vội nói ngay. Chàng lại còn mong cho chàng đoán sai và Bích định nói về chuyện khác. Ðể làm gì? Là một câu hỏi vội vàng, ngoài ý muốn của chàng nên chi chàng vội hủy bỏ nó bằng một câu hỏi khác: - Bích nè, hình như là từ sáng tới giờ em không được vui? - Có thể, Bích đáp. - Còn có thể gì nữa! Em héo sầu, khiến má lo lắm. - Vậy hả? Trời, em đâu có dè! Thôi để lát nữa, em cố vui vẻ như thường cho má an lòng. - “Cố vui vẻ”, tức là không vui vẻ thật sự? Bích không xác nhận, cũng chẳng đính chánh, vì đính chánh không được nữa, mà xác nhận là phải kể ngay, dưới trận mưa câu hỏi của anh nàng. Mà nàng thì rất sợ phải kể ngay. Nàng không đoán trước được phản ửng của Lưu sẽ thế nào, và rất lo chuyện không may xảy ra. Đã nói gia đình nầy bị ám ảnh vì bịnh điên và cả người điên vừa khỏi cũng lo sợ cho người thân yêu của họ mắc cũng chứng bịnh với họ. Sự lo sợ nầy bắt nguồn từ tin tưởng sai lầm của dân ta là bịnh điên là bịnh có nòi, em điên thì anh cũng rất dễ điên. Sư kiện ấy, cũng đôi khi xảy ra, nhưng đó không phải là luật di truyền, luật đồng máu mủ gì cả mà do nguyên nhơn khác. Nhưng Bích có biết đâu, nhìn anh và tưởng tượng đến sự biến đổi của gương mặt thông minh sáng sủa, đầy sự sống của Lưu ra một gương mặt mường tượng như gương mặt của cô gái đồng buồng với nàng tối ngày cứ nhìn trần nhà mà cười, cười bằng miệng nhưng đôi mắt không tham gia vào những trận cười ấy, đôi mắt đi vắng không hẹn ngày về. Sở dĩ nàng lo sợ phản ửng tai hại của anh nàng là vì nàng không biết tình cảm của Lưu đã lên tới mức độ nào. Có thể là Lưu đã yêu nhiều lắm rồi, nhưng bề ngoài làm bộ như vậy, vì chàng mặc cảm sai lầm rằng si tình là bậy. Nàng thả thử một trái ba-lông [10] dọ dẫm: - Anh đừng có lầm mà tưởng em chưa quên được mối sầu của em. Em đã lành bịnh hẳn rồi, bịnh “yêu” ấy, chớ không phải bịnh điên đâu nhé. Nếu em có buồn thì chỉ buồn vì lẽ khác thôi, chớ không buồn vì si tình như anh vậy đâu. - Anh si tình? Lưu ngạc nhiên, nhìn Bích trừng trừng mà hỏi câu đó. Không. Chàng chỉ yêu Liễu vừa chừng thôi, nên mới đắn đo được tới mức dè dặt của một người đàn ông đứng tuổi và vốn được giáo dục khá khắc kỷ, chàng rất giỏi giấu giếm tình cảm thật của chàng. Vậy mà Bích nó lại thấy như thế thì kỳ lạ quá. Bích nói láo có ý thức và mục đích, nên cười mà rằng: - Không si lắm thì cũng vừa vừa. Thế nào, chị Liễu mà không làm cho anh rung động được thì em rất ngạc nhiên. Lưu bật cười rồi thú nhận: - Quả anh đã rung động trước Liễu, nhưng nói là anh si tình là nói quá. - Chỉ rung động vậy thôi sao? - Ừ, anh yêu nó, nhưng chưa quyết định gì hết và chưa nói gì với nó cả. - Còn dò xét? - Ừ. Ý Bích muốn nói đến cuộc dò xét về hạnh kiểm, nhưng Lưu thì chỉ dò xét chuyện khác thôi. Thế nên Bích lại hỏi: - Theo anh thì hạnh kiểm thế nào là được? - Kể ra thì cũng chẳng biết thế nào, vì hạnh kiểm gồm nhiều thứ quá, đòi hỏi đủ thứ, chắc không ai đủ điều kiện đâu. Anh thì anh chỉ cần một tâm hồn đẹp và một tấm lòng tốt. - Anh dễ dãi quá! Bất kể dĩ vãng à? Lưu lại cười: - Nó còn bé con lắm, làm gì đã có dỉ vãng. - Ai biết đâu được. Em nghe nói đời bây giờ có đứa nó yêu từ năm mười sáu. - Tình yêu trẻ con không có gì đáng kể. - Anh Tây quá. - Chỉ về điểm đó thôi. - Nhưng anh thấy chị ấy có đứng đắn không? - Cũng khá đứng đắn. - Khá là như thế nào? Ðứng đắn hay là không đứng đắn chớ đâu có ba bốn bậc đứng đắn. - Khó nói lắm. Nếu anh là Lục Vân Tiên, thì anh sẽ cho rằng nó không đứng đắn. - Em không hiểu. - Em không có học Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu à? - Có, nhưng vẫn không hiểu anh muốn nói gì. - Cái anh Lục Vân Tiên gàn ấy, ảnh cấm cô Kiều Nguyệt Nga khoát rèm để thấy mặt ảnh, vì ảnh cho rằng trai gái thấy nhau, là không đứng đắn. Anh thì anh chỉ cấm Liễu thấy mặt người khác thôi, còn nó muốn thấy mặt anh, anh thích lắm. Lẽ cố nhiên là nên hiểu hai tiếng thấy mặt theo nghĩa ngày nay, nghĩa là “thân mật”. Bọn đàn ông ích kỷ suy luận như thế nầy: “Nếu một cô gái bằng lòng thân mật với ta thì cô ấy cũng sẽ bằng lòng thân mật với người khác”. Họ không chịu nhận rằng người ta có thể chỉ chọn một người thôi, và chọn xong, người ta có quyền thân mật với người đó. - Nếu như vậy thì thật chưa biết chị ấy chọn ai? Lưu cũng chợt thoáng hiểu cái gì qua câu nói trên đây, một câu nói rất tầm thường, nhưng có nhiều yếu tố khiến chàng linh cảm rằng không tầm thường. Nhưng chàng cũng phụ họa theo một cách tầm thường như vậy. - Ừ, anh cũng chưa biết nó chọn ai, vì thế mà anh không dám để tình cảm anh tiến sâu lắm. Bích tin rằng anh nàng thành thật nên thấy rằng nàng đã có thể kể câu chuyện khi sáng rồi. Nàng nói: - Ừ, như vậy đó. Hồi sáng, em có đi thăm chị ấy. Em gặp một người khách của chị ấy, một người bạn trai. Coi bộ hai người thân với nhau lắm. Im lặng hoàn toàn. Nhưng Lưu không nghe tim chàng đập vì chàng suýt đứng tim. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn buồng ngủ phiếm du ra tới ngoài nầy, Bích không thấy được sự tái lợt của da mặt của anh nàng, và nàng cũng không dám nhìn thẳng vào mặt Lưu để mà thấy cái gì. Sự im lặng nầy nghe dễ sợ quá và nàng hoảng hốt vô cùng cứ lo Lưu sắp nhảy từ nơi nầy xuống dưới kia. Nhiều đêm hai anh em ngồi đó hàng giờ mà không ai nói qua một lời nào hết nhưng sự nín lặng có mấy phút ngắn ngủi của Lưu đêm nay lại có vẻ rất là bất thường. Lưu cố trấn tĩnh và chợt nghe rằng mô bản tay chàng i-ỉ mồ hôi. Thái dương cũng thế và những giọt mồ hôi rịn rỉ rả nầy sẽ hợp lại để chảy xuống thành giọt như nhiều khe nước nhỏ họp thành suối. Chàng rất muốn nói ngay cái gì kẻo Bích nó nghĩ rằng chàng đã bị xúc động mạnh quá đã bị chấn động tâm thần nhưng bươi trí mãi mà không tìm được ý nào hết. Rốt cuộc chàng nói láo: - Anh biết nó có nhiều bạn trai khá thân, nhưng không rõ thằng nào đã hoặc sẽ lọt vào mắt đen của nó. - Mắt chị ấy đen thật đó chớ. - Đen và sâu vô cùng. Câu nói của Lưu rất là tầm thường, hợp tình, hợp cảnh, hợp lúc, nhưng tình cảm thật của chàng, chàng không thể giấu được Bích vì cái giọng run run nghèn nghẹn của nó. Bích đã hết sợ hãi thái quá, nhưng vẫn còn lo, nhứt là hoang mang, không biết có nên thêm chi tiết nào hay không. Rốt cuộc nàng nhứt định thôi, không kể gì nữa. Cuộc báo động nào cũng phải có ba bực, số l, số 2, số 3. Nàng không nên thảm kịch hóa gì cả. - Anh ấy thế nào? Để xem coi có phải thân không? Lưu lại bịa ra câu hỏi đó, làm như quả sự “nhiều bạn trai thân” là có thật, và chàng biết gần hết lũ ấy. - Để em tả anh nghe: tóc Beatles, mặt còn non choẹt mà lại hút thuốc, điếu nầy mồi qua điếu khác, sơ-mi vẽ con chim con cò, quần Texas nhầu nát ống, giày Santiago. - Đích thị là thằng Hát Giang trường Cao đẳng Mỹ thuật. - Không, anh ấy tên Nhựt. - Ừ, nhưng Hát Giang là biệt hiệu của nó. Ừ, nó cũng khá thân với Liễu đấy. - Té ra anh đã biết? Ờ, chắc là thân lắm nên mới được xem một tập ảnh của chị ấy với lại được chị ấy đưa ra tận cổng, lại gọi chị ấy là Liễu nầy Liễu nọ nữa. Lưu nghe no ghê lắm, sự no, nghe trễ rất lâu sau bữa ăn là chứng khó chịu mà người miền Nam gọi là “ở nơi cổ”. Đó là dấu hiệu sự tiêu hóa bị ngưng trệ thình lình vì một cảm xúc mạnh. Có một chi tiết mà nếu Bích nói ra, chắc Lưu sẽ ngất đi, là Liễu không có hỏi thăm Lưu lấy một lời. Bấy giờ mồ hôi của chàng đã chảy thành giọt, khiến Lưu nghe ngứa nơi cần cổ, chỗ da cổ chạm với bâu áo bi-da-ma, chàng khó chịu nhưng không dám rút khăn ra để lau. Chàng đã gần làm chủ được thần kinh hệ của chàng rồi thì không dại gì mà tự tố cáo cho Bích nghi thêm cái gì. Chàng còn cố nói cho nhiều, để tỏ ra ta đây không xúc động đã đành, mà cũng chẳng hơi buồn chút nào: - Em thấy Liễu thế nào? - Khá đẹp, nhưng về élégance thì số dách. Chị ấy lại rất thạo ăn mặc, đi đứng, tự tôn mặc cảm nữa thì làm một người đàn bà mông-đen tuyệt diệu. - Nhưng nó giàu quá! - Ừ, chị ấy giàu quá! Bích không biết gì hơn về tài sản gia đình của Liễu trừ ngôi biệt thự xưa và chiếc xe cũ. Nhưng nàng dốt về cảnh giàu sang, nên cũng cho rằng như vậy là giàu lắm rồi. Bỗng nàng bật cười sau tiếng “ừ” từ miệng nàng bay ra. - Em cười gì? - Anh với em làm như giàu là một cái tội. - Lắm khi tội, đôi khi không. Nhưng dầu sao, kẻ nào rắp ranh bắn sẻ ở gia đình đó, cũng có vẻ trèo đèo, coi không được. - Ừ, em cũng nghĩ vậy. Bích muốn chọc cho con cá nhả miếng mồi nó toan táp, mà nàng cũng nghĩ như vậy thật. Trước kia thì Lưu cũng chỉ nghĩ như vậy thôi, vì chàng không thể tách rời yêu đương và hôn nhơn. Nhưng về sau nầy, đôi khi chàng quên mất hôn nhơn đi, nên không còn luôn luôn nghĩ như vậy nữa. Nhưng những điều chàng nói ra nãy giờ chỉ để cho có chuyện, chỉ để được nói huyên thiên mà thôi, không cần diễn đúng ý của mình hay không. Và chàng thấy là mình đã nói khá đủ rồi, dám nghĩ ngợi và ừ hử qua loa với em. Bích lập lại ý nghĩ của anh nàng xong rồi, thêm: - Chị ấy không có làm phách, em nói tự tôn mặc cảm, nhưng em hiểu bốn tiếng ấy khác nghĩa. Tuy nhiên, biết đâu cha mẹ chị ấy lại chẳng được tử tế như chị ấy. - Ừ. - Với lại họ sẽ đồn rằng anh sẽ đào mỏ. - Ừ. - Anh sợ mang tiếng là kẻ đào mỏ hay không? - Hử? Lưu giựt mình, hỏi lại em, bằng tiếng “hử” ấy mà Bích chỉ ngỡ là chàng nghe không rõ câu. Nàng nói lại ý đó, hơi khác đi: - Anh có thích đào mỏ hay không? - Không. Lưu không còn chối với chàng được nữa rằng chàng đã yêu nhiều lắm rồi. Chỉ có kẻ nào yêu nhiều quá mới nổi ghen lên một cách vô lý như thế nầy. Vâng, chàng nhận rằng mình ghen vô lý. Những gì Bích kể cho chàng nghe, không chứng tỏ gì cả, không chứng tỏ điều mà chàng lo sợ. Chàng chưa được xem một tập ảnh của Liễu không có nghĩa là chàng ít thân với Liễu hơn là cái anh chàng Nhựt nào đó. Đôi khi chủ nhà cho khách xem tập ảnh, vì họ không biết nói gì với khách nữa, mà như vậy là không thích nhau lắm đâu. Còn bạn học mà gọi nhau bằng tên là chuyện dĩ nhiên, chính chàng cũng đã gọi vài chị bạn bằng tên thì đã sao. Lưu nhìn em, mỉm cười và thấy nó lạc hậu quá. Mà chàng cũng lạc hậu tuốt, muốn tập làm văn minh, nhưng chưa thuộc bài, còn chứa rất nhiều tàn tích nam nữ thọ thọ bất thân trong bụng. Chàng lại thấy mình đã giả dối với mình. Chàng không đi thăm Liễu nữa, bụng bảo dạ để Liễu tự do lựa chọn vì biết đâu đêm “ra ngoài xã hội”, mà người Pháp nói là “vào xã hội”, nuốt mất đi hai tiếng “mông-đen”, biết đâu đêm đầu tiên ấy nàng đã chẳng gặp ngay người lý tưởng. Tự nói với mình là thế, nhưng lại muốn giữ độc quyền, và giờ nghe đau như giần. Khi nãy chàng chỉ bị choáng váng thôi, y như một kẻ bị xe đụng, mấy mươi giây đầu mất tri thức nhưng lại có vẻ tỉnh táo như thường, rồi sau đó, thức giác trở lại với y, y nghe thấm đòn, đau đớn chịu không nổi. Lưu lắng nghe lòng mình, nhưng chỉ nghe được một cách vật chất, vị trí của một cơ quan. Kỳ lạ quá, làm như là trái tim chàng teo lại nhỏ hơn, và nó được treo lủng lẳng bằng một sợi dây, chớ không phải có chỗ nằm vững chãi như trước, hoặc được treo kiên cố như trước. Chàng nhớ có đọc một quyển tiểu luận y học của bác sĩ người Đức, ông ấy cho rằng bịnh tình là một bịnh vật chất chớ không riêng gì tâm thần, và quả trái tim có bị teo và bị rạn nứt thật sự. Chàng hơi sợ nên cố gắng vượt khỏi đau khổ bằng suy luận sau đây: “Cứ theo lời Bích thì thằng ấy “non choẹt” mà đứa non choẹt đâu có xứng tay đối thủ với mình. Ấy, các ông già khinh thường bọn có tuổi, bọn có tuổi coi rẻ bọn đứng tuổi, bọn đứng tuổi miệt thị mấy thằng “nhãi ranh”, và trái lại sự xem thường ấy cũng bắt từ dưới mà đi lên y hệt như thế, từng chặng tuổi tác, nhưng chỉ ngược chiều mà thôi. Chắc cái anh bấm ra sữa ấy mà thấy mặt Lưu, nó cũng sẽ nói: “Ối cái thằng già ấy mà nước non mẹ gì”. Nhưng Lưu không ý thức được về sự khinh nhau thăng thiên và giáng hạ ấy mà phải có tuổi rồi mới nhận thấy là tình trạng ấy có, nên chàng an dạ được phần nào. Bích bàn: - Anh không thích đào mỏ, em không thích có chị dâu văn minh. Nhưng cũng rất tiếc, chị ấy dễ thương quá. - Tiếc nhiều hay ít? - Lưu hỏi đùa. - Chỉ vừa vừa thôi. Em tiếc một người bạn hơn là tiếc một chị dâu. - Ơ, em định tuyệt giao với nó sao chớ? - Không, nhưng chắc em không cho chị ấy vào hàng bạn thân của em nữa. - Em mau thân quá, mà mau lợt quá. - Ðó là khuyết điểm của em. Nhưng cốt là xét thử coi sự lợt lạt sắp tới của em, đúng hay là sai. - Sai, vì em khen nó bảnh, tức phục cái bảnh của một cô bạn, như vậy sao lại lợt lạt tình bạn. - Em đã trót pha lẫn tình chị dâu với tình bạn. Bích nói rồi cười ngất. Quả tình cảm của nàng đáng buồn cười thật, nhưng Lưu không cười vì chàng chợt thấy rằng mình cũng đã trót pha lẫn tình yêu với tình bạn, nên nghĩ sâu về căn bản “lạc hậu” của chàng: chàng đã không chịu tin rằng có thể có tình bạn suông giữa trai và gái, như bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ khác đã tin. - Thôi, anh cần làm việc đây! Lưu đột ngột nói như vậy rồi đứng lên ngay, đi vào buồng chàng, trong khi Bích còn ngồi đó mà tiếc một người bạn thân. Lưu thắp đèn bàn giấy lên ngay và ngồi lại bàn liền, để Bích thấy quả rằng chàng cần làm việc. Thật ra chàng chỉ giở sách ra lấy lệ, trong một tâm trạng bấn loạn như vậy, truyện trinh thám cũng nuốt không trôi, chớ đừng nói là làm việc. “Mình nên làm gì đây?” Lưu tự hỏi, và tự đáp: “Thì cứ để vậy, chớ còn làm gì bây giờ!” Nhưng không thể được. Mặc dầu đó là những câu đối thoại thầm lặng nhưng nó vẫn cứ là của ý thức. Tiềm thức luôn luôn lặng thinh nhưng hoạt động vô cùng. Nó là một đảng trưởng bí mật, giựt dây cho những người ở ngoài ánh sáng hành động, những người nầy nói gì thì nói, nhưng vẫn phải tuân lịnh nó, không sai chạy được. Chàng nhứt định sẽ vô Bà Chiểu “để xem sao”. “Ðể xem sao” cũng là cái cớ giả dối và gạt gẫm của ý thức, bởi có gì đâu mà xem và bởi chàng rất tin em gái chàng nói thật chớ không bịa chuyện. “Mình sẽ vô Bà Chiểu để dứt khoát”. Thật vô 1ý! Dứt khoát cái gì mới được chớ? Dứt khoát tình bạn à? Nhưng sao lại dứt khoát tình bạn tốt đẹp giữa hai người. Dứt khoát tình yêu chăng? Chàng đã nói gì đâu và người ta đã nhận đâu mà đòi dứt khoát với lại không dứt khoát. “Mình phải vô Bà Chiểu để bắt tại trận vì con Bích nó nói thằng đó hay tới ban đêm”. Lêu lêu mắc cở! Bắt tại trận cái gì? Và nếu người ta có gì, ai thèm mở cổng mà muốn bắt tại trận. Với lại lấy quyền gì để bắt ai? Những kẻ yêu vô lý và điên dại hết chỗ nói. Không, không phải thế. Liễu nó cũng yêu, nhưng sao nó khôn thế, nó điều khiển vở kịch giỏi như một tay thầy, và vài năm nữa, nó sẽ là một người đàn bà oanh liệt. Có lẽ chỉ có nam phái mới là vô lý và điên dại đến thế thôi. Mà cũng không đúng tuốt. Bằng cớ là Bích đã điên. Phải rồi, chỉ có kẻ đa cảm mới là vô lý điên dại, bọn thực tế thì khôn luôn luôn, cho dẫu họ yêu nhiều, tàu mà chở cũng không hết. Lưu hình dung ra “thằng bấm ra sữa” và thấy mình hơn nó rõ rệt. Chàng nghiêm trang, chững chạc, rất xứng đáng làm một anh chồng, chớ chồng gì mà non choẹt cặp tay vợ đi dạo phố, người ta sẽ ngỡ hai đứa trẻ vừa thôi bú. Lưu rất chủ quan vì chàng thấy đời bây giờ con gái thích lấy chồng đứng người hơn là lấy chồng đồng lứa. Chàng quên rằng người chồng khác người tình. Biết đâu họ thích lấy chồng vững chãi, mà đồng thời cũng thích yêu bọn trẻ măng. Các ông già cũng thế. Nếu góa bụa họ bắt buộc phải tục huyền với một cô trên ba mươi, để xem cho được, nhưng biết đâu họ lại chẳng mê con gái mười chín hơn. Nhờ chủ quan như vậy mà mấy anh con trai hăm tám mới tin được vào tình yêu không bợn của các cô vợ trẻ của họ đối với họ, và tất cả các ông chồng mới tin được rằng dưới mắt vợ họ, chỉ có họ là người đáng yêu. Họ có biết đâu rằng các cô quả có lần đã yêu họ một cách chơn thành, nhưng nếu đợi không được thì người ta yêu anh chàng khác chớ câu chuyện đá Vọng Phu có lẽ là chuyện thế gian hi hữu. “Mình phải vô Bà Chiểu mới được!” E ngại của chàng về một cuộc hôn nhơn không môn đăng hộ đối, được Bích phụ họa theo, nên khi mộng hôn nhơn hầu gần tan rồi. Nhưng lâu đài tình yêu thì vững chãi, vững chắc hơn bất kỳ ngôi đền cổ bằng đá nào, tưởng chừng như thời gian hoàn toàn bất lực trước sức kiên cố của nó. Lần đầu tiên trong đời chàng, người con trai đạo đức nầy dám nghĩ đến yêu ngoài vòng lễ giáo, vì hai mâu thuẫn mà hắn cố dung hòa mãi mà không xong: “Xứng vợ xứng chồng, mà không xứng suôi gia”. Chàng đã trót yêu nhiều, không thể không yêu được, chàng cũng đã tính chuyện trăm năm, nhưng thấy là khó thành. Như vậy, chàng quyết chọn một trong hai điều đó, chớ không thể bỏ trôi cả như chàng đã định từ bao lâu nay. Cơn ghen vừa hừng lên, lại phải cố đè nó xuống, kẻo em chàng biết được tình cảm của chàng, cơn ghen ấy không có chỗ xì hơi, bị dồn ép mãi vào bên trong, nhập cục lại với tình yêu theo lý trí biến thành một khối tình yêu to lớn hơn, nhứt là mù quáng chớ không còn sáng suốt nữa. “Cứ yêu, rồi sau, ra sao sẽ hay!” Ðó là quyết định cuối cùng của Lưu, giống hệt quyết định đầu tiên của những anh con trai si mê không chừa một chỗ ngồi nhỏ xíu nào cho lý trí ngồi vào bàn để thảo luận cả. Con trai đời bây giờ, có thể nói là đều như vậy hết, trừ ra một cái mẫu lẻ loi là Lưu, mà cái mẫu ấy lại cũng vừa “phá giới” rồi. Mà sở dĩ con trai có thể yêu bừa bãi được là nhờ sự tùng đảng của con gái, chớ trong các vụ nầy, người ta không thể liều đơn phương. Sự du nhập của cảm nghĩ bên ngoài vào xứ ta trong vòng bốn, năm mươi năm nay đã làm lung lay nền móng luân lý kiên cố mấy ngàn năm của ta, rồi hai mươi năm ly loạn đã đánh cái vố cuối cùng, làm sập đổ cả nhơn sinh quan và tập quán cổ truyền. Vâng, con gái họ cũng liều mà yêu, nhắm mắt mà yêu, điên dại còn hơn con trai nữa, bởi họ chịu thiệt hại nhiều hơn nếu xảy ra cuộc đổ vỡ nào. Hễ có một trở lực nào xem ra giải quyết không nổi thì họ nghĩ ngay đến giải pháp cho mà không đòi gì cả. Thật ra thì Lưu cũng không hẳn tốt từ căn bản, và chàng không phải không hề chịu ảnh hưởng của thời đại. Chàng chỉ dè dặt vì thường bị giựt mình do cái tai họa trong gia đình chàng làm chàng cứ đánh thót lên mỗi lần tình yêu lởn vởn trước tâm trí chàng. Căn bản chỉ là một cái nếp thôi, mà cho cả đến bản năng cũng chỉ là cái nếp chớ không phải có căn bản thật. Cái nếp mà tay người làm ra được, cứ vuốt cho có lằn xếp lâu ngày chầy tháng thì nó thành nếp. Mà cái gì tay người làm được, thì tay người cũng xóa được, và biến đổi đi được. Căn bản cũng thế. “Tay người” ở đây, phải hiểu rộng ra là hoàn cảnh, là điều kiện khách quan, là nguyên nhơn gần hay xa. Lưu chỉ bị nguyên nhơn gần đột ngột xui chàng thay đổi ý kiến. Nguyên nhơn gần ấy là sự e ngại của Bích trước cái giàu sang của Liễu, và là cơn ghen bị đè nén. Lạ quá, vừa quyết định xong là chàng muốn vụt chạy đi ngay, làm như là người ta hiện đang chinh phục Liễu trong một đêm cuối cùng và Liễu sắp ngã, chàng tới trễ vài giây là đã quá muộn. Lạ hơn nữa là chàng đã chê “thằng bấm ra sữa” rằng hắn kém cỏi hơn chàng nhiều, về học lực và tác phong, vậy mà chàng lại cứ sợ nó được. Chàng suy luận như thế nầy: “Con Liễu nó chưa biết yêu là gì cả, hay chỉ mới bắt đầu mơ yêu thôi, chưa có đối tượng cụ thể. Tại mình giúp cho tình yêu vừa chớm nụ nơi nó trưởng thành lên nên nó thành ra kẻ khát yêu dữ dội. Rồi đợi mình mãi không được nó rơi vào tay bất kỳ thằng bá vơ nào”. Suy luận của chàng rất đúng, nếu Liễu đã hết hy vọng và nếu Liễu là một cô gái thật thà. Nhưng nàng đã hết hy vọng đâu, và nàng giàn cảnh giỏi như một chuyên viên sân khấu lỗi lạc, bố trí tài như một nhà chiến lược cừ khôi, thì đâu có rơi càng như vậy. Kể từ giờ phút nầy cho đến bảy giờ tối đêm mai, tức suốt hai mươi tiếng đồng hồ, Lưu phải uống đến ba lần thuốc an thần, mỗi lần một liều tối đa, lần bây giờ, lần sáng mai hồi mười giờ và lần trưa mai hồi ba giờ, không thôi chàng hóa điên mất. Chàng nghe như là chàng rất muốn đá đạp cái gì, bởi chàng rất bứt rứt ở hai chơn. Đó là dấu hiệu của sự kích thích thần kinh quá độ. Không, Lưu không phải là người trầm tĩnh lắm đâu, bằng cớ là chàng có thuốc an thần trong nhà tức là đã qua nhiều cơn bứt rứt vì chuyện gì đó, hoặc vì mệt nhọc trong người. Chàng có vẻ tỉnh queo trong mối tình với Liễu nhưng chỉ là cái vẻ bề ngoài, sự sôi nổi trong lòng chàng được cái nắp “giựt mình” đậy kín lắm, mà có lẽ vì quá kín nên nó càng sôi nổi tợn hơn nơi người khác nữa. Lòng chàng giống một cái nồi Na-Uy, loại nồi đặc biệt của ba xứ lạnh Bắc-Âu: Na-Uy, Thụy-Ðiển và Phần-Lan, nồi nầy chỉ là nồi thường thôi, lối nấu cũng thường, nhưng khi cái nồi sôi rồi, người ta hạ xuống khỏi lò, đặt nó vào một cái thùng kín như loại thùng tích trữ nước đá ở các nơi thôn quê không có điện. Nhiệt độ trong nồi, được sự kín quá mức của cái thùng giữ nguyên vẹn nhiều giờ, và nồi tiếp tục sôi mà không cần lửa, sôi ùng ục trong thùng mà không ai hay cả. Trên bản giấy của Lưu, luôn luôn có một chai nước lọc; chàng uống viên “Librium 10” đầu với một ngụm nước, ống thuốc không đậy, vì chàng sợ quên uống thêm. Cái liều đêm nay của chàng là ba viên. Thuốc nầy không phải là thuốc ngủ, nhưng hễ an thần được là ngủ được. Chàng rất cần ngủ để khỏi háo hức, mà cũng rất cần hai cái chơn được yên, không thôi chàng cứ rung đùi mãi như một nhà nho tìm vần cho một bài thơ Ðường mà bạn của ông thách ông làm xong trước khi chung trà nguội. Giở sách ra lệ sa ướt sách Quên chữ đầu bài vì bởi nhớ em Hai câu hát huê tình nhà quê nầy đúng một trăm phần trăm, nếu thay cái việc “lệ sa” bằng tình trạng nô nức trong lòng Lưu. Ðời nay, học trò khỏi phải học thuộc lòng nữa, trừ cậu nào quá dở, nhưng Lưu vẫn không sao hiểu được chữ “đầu bài” nói gì, mặc dầu chàng đã đọc dòng chữ đầu hằng mấy mươi bận rồi. Nguời xưa kể chuyện con trai con gái sầu tình, đau tương tư rồi chết, điển hình nhứt là truyện “Khối tình” của Tàu được thi hào Nguyễn Du ám chỉ trong Kiều và truyện Trương Chi của ta. “Láo khoét! Bịnh sầu tình chỉ là một bịnh tưởng tượng mà thôi và không ai chết vì bịnh tương tư bao giờ cả!”. Nhà văn Khái Hưng đã viết na ná như vậy và hầu hết người thời nay đều nghĩ như vây. Nhưng Lưu hơi sợ vì chàng biết nhiều hơn người khác, biết một sự thật mà y học Thái Tây vừa khám phá. Mấy năm sau nầy, hàng trăm vị bác sĩ danh tiếng Tây phương đã chứng minh rằng sầu tình và ghen là một chứng bịnh thật sự, vật chất, như là đau gan, đau phổi chẳng hạn, và quả tim của những kẻ sầu tình quả có rạn nứt, quả có se thắt lại thật, chớ không phải là các cô các cậu nói láo trong những bức thơ vĩnh biệt người yêu hoặc những bức thơ tuyệt mạng đâu, và con người đã chết thật sự vì sầu tình (lẽ cố nhiên là không kể các vụ quyên sinh). Vị y sĩ nghiên cứu cái bịnh khó tin ấy một cách nghiêm trang hơn hết là vị danh y Ðức Quốc, bác sĩ y khoa Kurt Joachim Fischer. Nhiều bác sĩ khác nối gót theo ông ấy, như bác sĩ Pháp, Pons, bác sĩ Thụy sĩ Held Evans, bác sĩ Ý Allendy, tất cả đều xác nhận công trình nghiên cứu của bác sĩ Fischer và khám phá thêm nhiều chi tiết mới lạ. Trong nhiều trường hợp, các vị ấy đã ghi nhận nhiều đường rạn nơi các bắp thịt tim của các con bịnh sầu tình, những đường rạn nầy do sự teo lại của các huyết quản nhỏ nơi tim gây ra, mà các huyết quản ấy sở dĩ teo lại vì các con bịnh đã bị một sự chấn động tình cảm mạnh quá, sự chấn động nầy, hễ không tàn phá tâm thần, bản ngã của các con bịnh, thì gây hại cho các phát quản nơi tim họ. Trường hợp (tim se thắt) còn thường thấy hơn là việc máu huyết lưu thông không đều đặn nữa. Lưu hơi sợ vì quả chàng nghe tim mình đang se thắt lại và chàng chợt nhớ ra những điều trên đây mà chàng đã đọc thấy trong một quyển sách ngoại quốc. Chàng vội uống viên Librium 10, thứ nhì. Nửa tiếng đồng hồ nữa, chàng xếp sách tắt đèn được rồi mà khỏi lo Bích nghi ngờ gì, chừng đó, chàng sẽ uống viên thứ ba và nằm độ nửa tiếng động hồ là có thể ngủ yên. Lưu đưa tay lên ngực một cách bất giác, lòng bàn tay ngửa lên trời như để hứng nước mưa, bợ sát dưới vú để nâng đỡ lấy trái tim mà chàng có cảm giác rõ rệt rằng nó được treo lủng lẳng hơn lúc thường nhiều quá, làm như là vì nó teo nhỏ lại nên không còn nằm được trong cái ổ thịt kềm cho nó nằm vững và nằm yên. Chàng nghe thỏn mỏn như đói quá bữa, đói gần lả đi, chứng nầy là dấu hiệu của sự mất thăng bằng trong việc trao đổi hóa chất trong cơ thể, các y sĩ thường khuyên uống một ly nước đường là khỏi được khó chịu ấy. Lưu cũng biết nhưng lúc nầy chàng quên đi, chỉ nghe rằng mình đau khổ vì tình nên chỉ có biết đau khổ mới khỏi mà thôi. Không biết bao nhiêu thì giờ đã trôi qua, và chứng đói bụng giả tạo cũng qua, có lẽ đó là hiệu nghiệm chậm của thuốc an thần. Bây giờ Lưu mới chợt tỉnh, xếp sách lại, tắt đèn rồi đi nằm. Thấy rõ là tuổi tác, mà cho cả kinh nghiệm nữa, không giúp con người khôn ngoan trên đường tình. Hình như là phải mang một dòng máu thế nào ấy mới biết thủ đoạn và nhứt là mới bình tĩnh để nghĩ ra thủ đoạn như Liễu trong trường hợp nầy. Liễu trẻ hơn Lưu đến năm tuổi, cũng chưa có kinh nghiệm yêu đương lần nào, và cũng yêu rất nhiều như Lưu, có lẽ yêu nhiều hơn chàng nữa, vậy mà đầu nàng vẫn lạnh được để mà âm mưu một cách tinh quái hầu hớp hồn người con trai mà nàng yêu. Vâng, rõ là Lưu bị hớp hồn, chàng còn linh hồn, nhưng nó không tỉnh lắm vì một nữ phù thủy cao tay ấn đã đọc thần chú, tóm thâu một phần hồn của chàng trong tay nàng hoặc nhốt nó vào một chiếc lọ thủy tinh nào. Lưu nhắm mắt lại là hình ảnh ngôi nhà chalet [11] giả vờ trong đầu cầu Hội đồng Sầm hiện ra, và trong biệt thự ấy, một “thằng bấm ra sữa” với cái đầu bù gọi là bù nghệ thuật của nó, đang tán riết cô gái mà chàng yêu. “Không biết nó xê dịch bằng xe gì, chàng tự hỏi như vậy và vừa hỏi vừa đưa chiếc đồng hồ dạ quang đang đeo nơi tay lên xem: mười giờ hơn rồi! Có lẽ nó đang ra về và Liễu tiễn nó ra tận cổng. Chẳng biết hai đứa nó nói gì với nhau mà không rõ Liễu có cười với nó hay không và cười thường hay cười rất có duyên như đã cười với mình?” Gã con trai nào yêu, cũng chủ quan lắm. Gã tin chắc rằng cô gái mà gã ta yêu, để dành cho gã nụ cười xinh nhứt, tình tứ nhứt của nàng, còn có cười với mấy thằng khác chỉ cười một cách xoàng thôi bởi mấy thằng khác, thằng nào cũng kém gã ta cả, chẳng hạn như cái “thằng bấm ra sữa” nầy! Lưu lại hình dung ra “thằng đó”. Nó dễ ghét lạ, nó lại xấu nữa, dốt không chỗ chê, nhứt là lưu manh, đểu giả, thuộc dòng họ Sở và hèn lắm. Để chàng cho nó một bài học đích đáng cho nó biết tay! ° ° ° ° ° Lưu dậy tương đối trưa hơn mọi ngày, và nghe ngầy ngật vô cũng mặc dầu thuốc an thần mà chàng uống là loại thuốc ít độc hơn hết trong các loại thuốc an thẩn khác. Chàng phải bỏ bữa tập thể dục sáng thường lệ, bần thần như đau ốm vừa khỏi, như một cơn sốt rét liên miên vừa qua đã làm chàng lừ đừ, và sự lừ đừ nầy dây dưa rất lâu. Chàng thèm nước đá ghê lắm, nhưng không dám sai bà bếp đi mua. Ðó là dấu hiệu hốc trong người vì mỏi mệt, mẹ chàng mà hay biết, bà sẽ cuống lên, làm tở mở vì ngỡ con bà sắp bịnh nặng, sắp chết đến nơi thì phiền lắm. Lưu cố nuốt cho hết tô phở một cách khổ sở và gỡ gạc bằng tách cà phê sữa tuy nó không mát như nước đá, nhưng chất lỏng và ngọt xóa được sự ngấy ngán món phở rất khó tiêu đối với kẻ mà dạ dày đang no nóc tâm sự. Hôm nay chàng có làm một việc sai thời dụng biểu là đi hớt tóc sớm hơn thường lệ 5 ngày. Thường thì mỗi tháng chàng đi thợ cạo hai kỳ, ngày mùng một và ngày mười lăm dương lịch, mà hôm nay thì mới có mùng mười. Háo hức đã dịu đi, Lưu mới sáng trí được để nhớ lại những chi tiết lặt vặt nhưng rất cần thiết: chàng phải đẹp trai đêm nay. Trước kia, không định chinh phục ai, chàng bất kể bề ngoài, bây giờ thì phải bảnh hơn “thằng bấm ra sữa” mới được, nhứt là phải trẻ, không trẻ hơn nó được, cũng phải có vẻ tươi trẻ, mà tóc mới húi là một yếu tố quan trọng tạo cái trẻ nhân... tạo ấy. Nội cái việc đi húi tóc đủ chứng tỏ rằng Lưu đã liều rồi, liều trong việc yêu đương ấy. Khi mà người ta nghĩ đến hôn nhơn một cách nghiêm trang, người ta ít chú trọng, ít o bế bề ngoài mà chỉ băn khoăn tự hỏi địa vị mình có đủ vững cho người ta tín nhiệm hay không. Làm dáng tức là tính chuyện chơi chơi, miễn hào nhoáng cho người ấy vừa con mắt, nếu người ấy lại không vừa mắt thì làm dáng thêm, tán riết, hoặc tìm mẹo gì khác cho kỳ được mới thôi. Đành rằng có những người cẩn thận trong sự trình diện với tất cả mọi người, đi thăm người quen thường, bên nam, họ vẫn săn sóc thân thể và y phục của họ, nhưng đó không phải là trường hợp của Lưu, chàng rất lười cạo râu, lười chải gỡ, lười cả thay y phục nữa và có lần Liễu đã nói đùa rằng đáng lý chàng là nghệ sĩ mới phải cho. Lưu đã nghiên cứu kỹ lưỡng thái độ mà chàng phải có lúc tới người bạn gái ở đầu cầu Hội Đồng Sầm, gặp cái “thằng bấm ra sữa”” thì phải làm sao, không gặp hắn phải thế nào. Đại để chàng thấy rằng mình phải bình tĩnh là khôn ngoan hơn hết, xem như hắn không có, hoặc có mà chàng chấp nhận sự có mặt của hắn, chấp nhận sự kiện có bạn trai của Liễu là chuyện thường. Trong trường hợp Liễu không đang tiếp người bạn trai đó thì nên quên sự kiện ấy, làm như không hay biết gì cả. Chàng nghĩ rằng mình nên “văn minh” mới được, không thôi Liễu nó chê cười rồi không chấm đậu chàng đâu. Liễu nó “mới” lắm mà chàng ghen xằng thì nó sẽ cho là chàng lạc hậu. Mà thật quả lạc hậu. Riêng với chàng, chàng cũng thấy rằng xử đẹp, khi một người con gái mà ta thầm yêu đang có bồ, là một thái độ có cái gì rất là mã thượng trong đó, và chàng thấy cảnh sau đây sáng lạn hào quang tu mi nam tử: hai tình địch phái nam rút gươm ra khỏi vỏ để so tài, anh nào hạ anh kia là được nàng mến phục và yêu, bởi chiếm lòng cũng như chiếm thành, phải yêng hùng, quân tử, chiến đấu ra mặt, không đánh lén, không thù hận mới là hay. Chàng là một thanh niên tiểu tư sản mà huyết quản thấm nhuần những câu chuyện Ðông Châu liệt quốc, những truyện hiệp sĩ Trung cổ Âu châu, thích vẻ đẹp của những lối rửa sạch danh dự, lối chiếm mỹ nhơn của các hiệp khách thời xưa. Ðịnh bụng là như vậy, nhưng khi cổng mở ra sau hồi chuông mà chàng bấm lên, chàng hỏi chị người nhà bằng một giọng sân si làm như chủ nợ đi kiếm con nợ: - Có cô Liễu ở nhà không? Chị người nhà không nhận thấy gì cả, lễ phép đáp: - Dạ thưa có, mời cậu vô. Lâu dữ cậu mới tới chơi! Người ta nói nhiều như vậy mà Lưu chỉ ngậm câm lặng lẽ bước qua cổng, mặt hơi hầm hầm. Tuy nhiên rồi chàng thấy kịp ngay rằng mình vô lý nên định nói cái gì hơi ngọt với chị nầy, nhưng chị ta đã dông mất rồi. Ði chầm chậm vào cửa giữa nhà, Lưu chợt nghe rằng tim mình đập mạnh và mau lắm! Không, chàng không hồi hộp, cái cơn hồi hộp của một anh nam trinh sắp gặp gái đẹp mà hắn có hẹn. Chàng đang nổi giận, nổi giận lại một cách trễ muộn, cơn giận đã nổi lên rồi một lần khi nghe em gái chàng kể chuyện “thằng bấm ra sữa”. Chàng lại giận mình đã xử sự không đẹp với một chị người nhà rồi phải bẽn lẽn sau đó, giận mình, chàng tìm thủ phạm đã xui chàng hạ cấp như vậy, mà thủ phạm ấy không ai đâu lạ hơn là kẻ đã chọc giận chàng nên chàng lại tức giận nàng hơn, tim càng đập mạnh hơn và mau hơn. Cửa mở ra và buồng khách sáng đèn nên chị người nhà mới thấy rõ gương mặt đâm heo thuốc chó của Lưu. Chị ta hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn bình thản nói: - Mời cậu vào ngồi, cô tôi xuống ngay bây giờ. Chị người nhà nầy chỉ là một chiếc dĩa hát, chị ta nói lên câu đó với bất kỳ ai, trong bất kỳ trường hợp nào, chớ “cô tôi” lần nầy bắt khách đợi hơi lâu sánh với bao nhiêu lần trước. Lưu đâm sợ. Người đẹp không hoan nghênh chàng nữa chăng? Mà nàng không hoan nghinh chàng, vì đã hoan nghinh một người khác mà nàng thấy là hơn chàng chăng? Vâng, chàng sợ chớ không dám giận nữa, vì chàng chợt thấy rằng mình không có quyền gì cả đối với người bạn gái có thể yêu thầm chàng một lúc. Cái quyền ghen có được hay không, không cần tánh cách song phương của mối tình, mà cần có nói ra là mình yêu. Chàng chưa có nói gì cả thì ghen là vô lý. Chàng càng sợ hơn khi thấy người đẹp xuất hiện như một cô đào hát vừa ra sân khấu, tức cô ta ma-ky-dê [12] chớ không phải mặt trần như bao lâu nay. Lưu nghe như là một cuộc tang thương đã qua đây, khi vừa thấy sự thay đổi nho nhỏ ấy. Nhưng chàng không có thì giờ để “đau đớn lòng” trước cuộc bể dâu đó vì nỗi sợ lấn át cả mọi thứ tình khác. Chàng sợ Liễu sắp về tay người khác và nàng hóa trang để tiếp người đó. Nàng làm dáng như vậy thì hẳn là rất sợ người ấy không yêu nàng, và như thế là người ấy phải bảnh lắm. Nguy to rồi! - À, anh, ngỡ ai chớ! Liễu vẫn tươi cười, mừng rỡ nhưng Lưu tế nhận được rằng sự mừng rỡ của nàng chỉ ở vào mức độ trung bình thôi. Rõ ràng là Liễu mừng gặp lại người bạn tốt, không hơn không kém. Nhưng sao lại “ngỡ ai”? Lưu rất tức giận ở điểm đó. Chị người nhà của gia đình nầy phải báo tên người khách, như chàng đã biết khi vào đây lần đầu thì chủ nhà sao còn ngỡ chàng là ai? Liễu chưa làm mặt lạ hẳn, nhưng nàng đang bước trên con đường ấy. Tức mình, nhưng chàng lại không dám tức, có tủi thân chưa. Tệ hơn thế, chàng phải cố nịnh kẻ mà chàng định bụng sẽ mắng cho một trận như tát nước vào mặt: - Em đẹp như một cô dâu. - Chưa chắc cô dâu nào cũng đẹp. - Không, cô dâu luôn luôn đẹp. - Nếu vậy sao còn có đám đánh nhau vì cãi cọ về nhan sắc của một cô dâu? - Hồi nào và ở đâu? - Hôm tháng trước, tại tửu lầu Ðộng Phát, dưới Chợ Cũ. Lưu cười ngất rồi nói: - Em thuộc thời sự làu làm. Nhưng riêng cô dâu nầy thì đẹp không thể chối cãi. - Nếu thế thì thật đáng tiếc! - Sao lại đáng tiếc? - Vì nàng chưa được cái hân hạnh làm cô đâu, và khi được, sợ cô hết đẹp chăng. - Thật chưa được à? - Còn lâu. Liễu sẽ trở nên một người đàn bà oanh liệt, ngày kia. Nàng cân chiến lược của nàng bằng cân tiểu ly như tiệm thuốc cân độc được, đánh Lưu vài roi cho bớt hách cái hách của một thằng ghen và quyết liều, đánh xong, nàng vuốt ve hắn cho hắn dịu cơn đau. Vì sợ nên Lưu không dám nói bậy, đó là điều tối kỵ, vì nói bậy xong, chàng sẽ phải cút luôn, không bao giờ dám trở lại cả. Giờ hết sợ rồi bởi nàng khai thật rằng chưa được làm cô dâu, chàng bận mừng, quên mất tức giận trước. Chiến lược của Liễu là chiến lược bên bờ vực thẳm, sai một tí là hỏng cả đại cuộc. Kẻ nào nghĩ ra được trò chọc ghen, trò nhát cho con trai sợ, trò vuốt ve hắn sau đó, nghĩ ra được và thi hành xuôi rót như bánh xe lăn trên đường sắt là kẻ ấy phải sống nhiều lắm, hoặc phải thừa tự của một ông cha và một bà mẹ giàu bản lãnh, rất nhiều khôn ngoan ở đời. Lưu còn chưa biết nói gì thì Liễu hỏi: - Sao lâu quá, anh không tới chơi? - Anh bận. - Bận gì? - Bận học. - Trước đây không bận học sao? Liễu vừa hỏi, vừa cười hóm hỉnh, khiến Lưu hiểu được rằng tình thân giữa nàng và chàng vẫn còn nguyên vẹn. Nếu nàng thờ ơ với chàng, nàng đã không chế giễu lối nói láo rất dở của chàng đâu. Thật là kỳ lạ! Trước đây mấy phút, Lưu thấy rằng đã đổ vỡ cả rồi, giờ rõ lại thì không có gì cả, y như là một trò quỷ thuật kia, nhà ảo thuật đập dĩa kêu lổn cổn, chừng xem lại thì cái nào cũng còn y nguyên. Chàng đâm ra nghi đây chỉ là mưu mẹo của Bích. Nó thuyết phục chàng không được nên bịa chuyện cho chàng hoảng để mà cựa quậy hầu tiến tới cái đích mà nó mong mỏi giùm chàng và Liễu. Chàng vừa giận em gái của chàng bởi có thể đã đổ vỡ cả rồi, nếu chàng không kiểm soát lại, nhưng đồng thời chàng cũng vô cùng cảm động trước hảo ý của em. Trong khi đó thì người nhạc trưởng bí mật đã điều khiển cuộc hòa tấu nầy lại được xem là kẻ ở ngoài cuộc, rất là ngây thơ, đáng yêu không biết bao nhiêu. - Anh học một cách rất là thi sĩ, Lưu cười đáp, khi nào có hứng thì vùi đầu vào sách vở mà học một cách mê say, còn lúc nào không thì vứt cả để đi chơi, như dạo nầy chẳng hạn. - Ra dạo nầy anh rảnh rang lắm? - Hoàn toàn rảnh rang. - Anh đi chơi ở đâu? - Thì cũng chỉ quanh quẩn trong thành phố thôi, chớ đi xa đâu có tiện. Hôm nào em đi ăn cơm với anh một bữa được chớ? - Không. - Vậy à? Lưu hỏi bằng một giọng thất vọng, tuyệt vọng nữa là khác. Nhưng Liễu giải thích ngay: - Ăn cơm có vẻ gì trịnh trọng quá. Nếu anh cho em uống nước, hoặc đi xi-nê, hay chỉ đi dạo phố không mà thôi thì em rất hoan nghinh. - À, ra vậy. Cũng tốt, miễn ra ngoài là đủ rồi. Ăn cơm chỉ là cái cớ để đi dạo vậy thôi. Nhưng chừng nào? - Chừng nào tùy anh. Tuy nhiên em phải thú thật rằng em ghét đi chơi ngày thứ bảy và chúa nhựt lắm, nhứt là vào đầu tháng. - Vậy là ta đồng chí với nhau rồi. Anh cũng rất sợ những ngày mà thiên hạ đông nghẹt ở các hiệu ăn, các nơi giải trí. Vậy chiều mai ta đi ăn cơm nhé. - Nữa, lại đi ăn cơm nữa! Tại sao anh cứ bám níu vào cái ý định đi ăn cơm? - Vì có ăn cơm em mới không đòi về để ăn cơm nhà. - Cần đi lâu lắm hay sao? - Không biết, nhưng nếu rủi ro gặp lúc có gì thú lắm chẳng hạn như một buổi mặt trời lặn mà ta thích ngắm, mà em lại đòi về thì rất uổng. - Em không ăn cơm, vào lúc mặt trời lặn đâu mà anh lo. - Mặt trời lặn chỉ là một thí dụ thôi. - Thôi thì đồng ý ăn cơm vậy. Nhưng đỉ bằng xe hai bánh nhé? - Đi bộ cũng được, và càng hay. - À, quên cho anh uống nước. Vẫn cứ nước lạnh chớ? - Ừ. Liễu ngồi đó mà gọi nước rồi cười nói: - Bích biếu em mứt gừng mà hễ ăn mứt gừng thì luôn luôn em phải có sẵn một ly nước mát bên cạnh, hễ cay quá chịu không thấu nữa thì em uống nước vô liền. Lưu chợt nhớ ra cái gì, nói: - Ờ, hay là ta ăn cơm Chà, nghĩa là cơm Ấn Độ? - Sao lại có vụ “nghĩa là” ấy? - Ðể lịch sự với một quốc gia bạn. Tiếng “Chà” đã sai, lại có ý khinh miệt, họ biết thế nên không ưa bị ta gọi là Chà. Với lại để phân biệt với cơm Hồi Quốc. - Hai giống dân ấy cũng đều ăn cơm cà-ry chớ có khác nhau đâu. - Có khác. Cà-ry Ấn Độ cay hơn nhiều lắm, hiệu ăn lại rất bình dân. Anh nghĩ đến cơm Ấn Độ là tại ly nước mát chống cay mà em vừa cho biết. Trong hiệu cơm Ấn Độ họ cũng cho ta một chén nước me chua thật chua, hễ khi nào ta chịu cay không thấu nữa thì ta hớp một ngụm nước me là đỡ khổ ngay. Liễu cười giòn lên mà rằng: - Họ lạ thật! Ăn cho thật cay vào rồi tìm cách xóa cái cay ấy để rồi tiếp tục ăn thật cay liền sau đó. - Họ tin tưởng từ ngàn đời rằng ăn càng cay càng được sức khỏe dồi dào, tránh được mọi bịnh tật. - Họ có tránh được hay không? - Dân Ấn Độ chết bịnh gần như là nhiều nhứt thế giới. Ðôi bạn cười xòa với nhau. Liễu không chú ý đến hai tiếng “bình dân”, tánh cách của các hiệu ăn Ấn Độ mà Lưu đã nói ra, nên không hỏi gì cả. Lưu có dụng ý rõ rệt về điểm ấy! Chàng quyết tránh các nơi sang trọng quen thuộc của Liễu, để xem phản ứng nàng ra sao khi nàng vào một hiệu ăn tồi tàn, bê bối và kém vệ sinh. Chàng báo trước bằng một tĩnh từ mà chàng chỉ nói qua một cách nhẹ nhàng vậy thôi, xem Liễu có phản đối hay không, để thực hiện ý định của chàng. Nàng như không chú ý đến điều đó. - Thế nào, dạo nầy vẽ nhiều hay ít? Lưu hạ ly nước xuống rồi hỏi như vậy. - Cũng vậy vậy thôi. Chàng cụt hứng. Chàng định đi vòng quanh thế nào để tới cái “thằng bấm ra sữa” bạn học vẽ của Liễu, nhưng nàng trả lời như vậy, chàng không còn biết hỏi gì nữa. Chàng lặng thinh hồi lâu rồi dò dẫm rất dở: - Trong số bạn đồng học với em có cô cậu nào hứa hẹn một tương lai rực rỡ hay không? Liễu cười một cách hóm hỉnh bằng đôi mắt tinh ranh của nàng rồi đáp ngay: - Có, có anh Nhựt, anh ấy chắc sẽ đi xa. Anh ấy thường tới đây chơi, nhưng tiếc rằng em không học thêm được gì với anh ấy, vì hình như nghệ thuật không thể học được thì phải. Trường chỉ dạy kỹ thuật thôi, và vài yếu tố nghệ thuật, nhưng đó là những yếu tố căn bản để học trò không phản nghệ thuật chớ không phải để họ làm được nghệ thuật. Người con gái thông minh nầy biết rằng thế nào Lưu cũng hỏi đon hỏi ren về cái anh chàng tóc dài ngậm mãi điếu thuốc Ăng-Lê trên môi, nên nàng đã chuẩn bị câu trả lời ấy, đợi dịp là nói ra. Nói xong, nàng sung sướng vô cùng mà nhìn trái bom của ông A-Đam chạy lên chạy xuống trên cổ của Lưu. Lưu nghe nghèn nghẹn, nên bưng ly lên để uống một ngụm nước hầu tống cho cục nghẹn chìm xuống. Giây lát sau, cuống họng chàng đã được giải tỏa, chàng muốn dọ thêm, nhưng thẹn quá vì biết rằng Liễu đã biết, nên lại thôi. Chàng hơi tức giận trước sự khiêu khích của Liễu nên định nói một câu rất mỉa mai và rất ác, mà không đủ can đảm nói. Rồi tự an ủi rằng dầu sao chàng vẫn còn ưu thế bởi Liễu tiếp đón chàng không kém trước, lại nhận lời đi ăn cơm với chàng nữa. Hơn thế, nàng khiêu khích là để khuyến khích, để thúc giục, chớ khi không, không ai khiêu khích ai làm gì. Sự khiêu khích chỉ có hai mục đích: chọc tức để trả thù một cuộc bội phản; hối thúc để ngườ kia sốt ruột mà bước tới. Đó là luận điệu vững nhứt khả dĩ an ủi chàng được, chớ hai điểm trên, như là nhận lời cùng đi ăn với chàng, không có nghĩa gì rõ cho lắm, người ta đi ăn cơm với một người bạn trai là chuyện quá thường, không cứ gì phải yêu người bạn trai ấy. Yên lòng lại được, Lưu làm lành với Liễu, vâng, chàng làm lành vì chàng đã xung đột ngấm ngầm với Liễu và Liễu đã hiểu như thế thì mặc dầu không cãi nhau ra mặt, vẫn phải làm lành. - Anh quên báo trước cho em biết là con Bích nó ít giao thiệp nên vụng về lắm. Có thể nó đã hoặc sẽ có những lời nói, những cử chỉ không cố ý nhưng lại làm mích lòng em. Nếu trường hợp ấy xảy ra, xin em hiểu giùm cho vậy. - Đâu có, chị ấy dễ thương lắm và chơn thật lắm. - Ấy, chính vì nó quá chơn thật mà hóa ra như là kém nhã. - Em lại thích như vậy hơn. - Vậy thì càng hay. Nó mến em lắm, cái đó thì đã đành, nó lại phục em nữa. - Về điểm nào? - Toàn diện. Lưu nói sự thật nhưng chỉ là sự thật ở giai đoạn trước mà thôi, sự thật mà Bích trình bày sau nầy một cách úp mở đã suýt làm gãy đổ cây cầu – không phải cầu Hội Đồng Sầm – cây cầu liên lạc giữa Liễu và chàng. Lưu xin phép ra về vì chàng muốn lịch sự, trả tự do lại cho một người có thể đang đợi ai, bằng vào sự làm dáng của người ấy đêm nay với lại để xem Liễu có thái độ nào. - Chưa chi đã về! Đúng là cái bộ tịch và cái giọng nhõng nhẽo ngày nào. Nếu Liễu giả dối thì nàng phải là một ả giang hồ thâm niên, chớ gái buôn hương bán phấn tập sự cũng chưa điêu luyện đến mức đó, thế nên Lưu sướng phồng mũi lên vì chàng tin chắc rằng nàng nũng nịu thật, và cái giả thuyết kia không thể nào mà đúng. - Vì anh có hẹn, xin em biết cho. Liễu không cả quyết cầm khách. Nàng đứng lên để tiễn bạn và hỏi: - Hẹn với cô nào? - Đâu có bắt buộc hễ có hẹn là phải hẹn với “cô”. - Nhưng nếu hẹn với “cậu” thì đâu có vội như vậy. À, anh khoan về đã. Lưu chưa kịp hỏi lý do thì Liễu day vào nhà gọi lớn: - Toto! Tức thì một con chó loại Lévrier đâm sầm chạy ra. Nó chỉ sủa có một tiếng rồi thôi khi thấy nữ chủ nó làm hiệu cho nó im đi. Liễu nói với nó: - Khách quí đó, làm quen đi nào! Con Toto ngước lên nhìn người khách mà nó đã thấy rồi mấy lần, nhưng chưa quen hơi, bước tới ngửi giày rồi ngửi quần của Lưu. Lưu đưa tay ra vò đầu nó, nó lại ngước lên liếm tay chàng. - Hình như là loại chó săn chớ không phải chó giữ nhà, phải không em? - Ừ, hồi xưa ông nội rất thích đi săn. Nó là cháu bốn đời của mấy con chó săn hồi thuở em chưa sanh ra. Lưu tự nhiên nghĩ ngay rằng tổ tiên con Toto hẳn đã chứng kiến tấn thảm kịch trong nhà nầy - nếu có tấn thảm kịch mà chàng đoán. Nhưng thế hệ nó thì nó chỉ chứng kiến mối tình của Liễu và chàng thôi. Tại thềm, Liễu với tay lên khóa công-tắc [13] đèn sân, và đôi bạn thình lình chìm trong bóng đêm. Đêm nay là đêm hăm mốt, và “mười chín trăng nín một canh” thì hăm mốt hồi mười giờ, chỉ mới thấy trăng ló dạng thôi, Liễu than: - Con “trăng tới” cũng đã qua rồi, mà ta chưa thưởng trăng ở đây. - Còn hằng ngàn con trăng nữa mà em, lo gì. Lần đầu tiên, Lưu nghe mùi nước hoa nơi Liễu và chợt nhớ ra là nàng đã “ma-ky-dê”, chàng hồ nghi lắm, mặc dầu Liễu song đôi với chàng gần nhau quá nên đã vài lần hai người chạm nhau mà Liễu không buồn tránh né gì cả. Đành rằng con gái thời nay xem những chuyện đụng chạm như vậy là quá thường vì “phố phường chật hẹp, người đông đúc” nhưng đây không phải là trường hợp chen chúc cần thiết bởi đường giữa sân trước rộng minh mông, nhưng Lưu nghe như là Liễu cố ý đi sát vào chàng, không phải vì lẳng lơ trắc nết mà vì nàng muốn được thân thật là thân với chàng. Chàng hồ nghi và nảy ra một ý... Qua cổng, ra tới lề cỏ, Liễu cũng vịn xe của bạn như vào buổi đầu họ quen nhau. Nàng hỏi: - Mai đi ăn cơm bằng xe nầy hả? - Ừ. Em có thấy là bất tiện chăng? - Còn trái lại nữa. Nhưng anh muốn em ăn mặc thế nào? - Tùy thích em. - Em muốn tùy thích anh hè. - Em nên chọn bộ y phục xấu nhứt, cũ nhứt và màu u tối nhứt. Liễu cười ngất rồi nói: - Anh là người kỳ lạ nhứt. - Rồi em sẽ hiểu. Anh có dụng ý. Thôi, chia tay. Chiều mai anh đến hồi sáu giờ. - Chúc anh ngủ ngon. - Chúc lại em như vậy. Lưu biết rằng Liễu nhìn theo chàng rất lâu nên cho xe chạy thẳng chớ không ghé lại một nơi kia như chàng vừa định khi nghe mùi nước hoa nơi Liễu. Khỏi rạp Cao Đồng Hưng, chàng mất hút trong đám đông và chắc bụng rằng Liễu đã vào nhà nên chàng quanh chữ U để trở lại rồi rẻ vào một con phố nhỏ, tên bảng đường là Phan Châu Trinh, nhưng dân chúng ở đây quen gọi là đường “Hầm Sỏi”, hoặc đường “Lò heo mới”. Dừng tại ngã ba Hàng Thị và Hầm Sỏi mà rình cổng nhà Liễu thì tuyệt, ai vào ra nơi đó chàng đều thấy được rõ ràng, mà người trong nhà không thể thấy chàng, kể cả ban ngày nữa, nếu chàng biết cách núp. Khi người ta yêu, người ta lố bịch trước mặt gái, người ta làm nhiều việc rất là kém đẹp trong bóng tối. Nhưng người sinh viên luật khoa nầy lại thấy mình “có quyền rình”, quyền nầy không được nhìn nhận về mặt pháp lý, nhưng rất chánh đáng. Và chàng rình. Chàng vừa rình vừa băn khoăn tự hỏi trong thời gian ngắn ngủi mà chàng đi khỏi nhà Liễu có khách nào tới hay không? Chàng tự trả lời rằng một chuyện như thế không thể xảy ra mà chàng không thấy! Nhà Liễu luôn luôn thắp đèn sân mỗi khi có khách. Chàng chỉ đưa lưng lại phía đó có hai phút thôi, rồi quay lại ngay. Nếu có khách tới, đèn sáng lên thì đèn vẫn chưa kịp tắt khi chàng đảo lộn trở lại cầu Hội Ðồng Sầm, bởi mở cổng, rồi mở cửa có nhanh thế nào cũng mất hai phút. Chàng yên lòng và tiếp tục rình. Cửa sổ lầu mở và ánh đèn chong lờ mờ trên lầu cắt lên bóng tối một ô hình chữ nhựt nằm dài, bởi cửa sổ lầu rộng lớn đến bốn cánh cửa. Sân trước tối hù và đèn điện ở đầu cầu như không thèm biết đến ngôi Chalet giả ấy. Khu phố nầy là bờ rạch, nên đất là nê-địa [14], cây cỏ còn rậm ri nhiều nơi, và đó là cái ổ muỗi tốt nhứt nhì của thành phố Sàigòn và Gia Ðịnh. Lưu bị muỗi tấn công tới tấp, chàng đập không hở tay mà vẫn không khỏi bị đốt và nó đốt chính hai bàn tay chàng. Hình như chúng nó không sợ cái gì động đậy, chỉ cần tránh né các nơi bị đập thôi nên hai tay Lưu hươi lia mà vẫn bị chúng bám riết vào. Ngứa ở những ngón tay khó chịu hơn ngứa ở các nơi khác nhiều lắm, mà hễ ngừng tay đập muỗi để gãi ngứa thì lại bị chúng đốt, bấy giờ thì nơi nào cũng có thể là chỗ hút máu rất an ninh cho muỗi cả. “Yêu sao mà khó thế nầy! Lưu than thầm. May là mình chưa bị phụ tình đa. Hèn chi mà con Bích nó loạn tâm trí cũng không có gì lạ. Hiện giờ mình nghi ngờ cả bóng tối nữa, và cứ tưởng chừng như Liễu có nhơn tình và nhơn tình của nó đang nương bóng tối để nhảy rào mà vào nhà!”. Khi đoán rằng không còn khách nào mà đi thăm ai vào một giờ khá khuya khoắt, Lưu mới chịu lên xe để về, lòng hơi thèn thẹn với chính mình nhưng an dạ thì chàng rất an dạ. Chàng chỉ hơi băn khoăn một tí, một tí thôi về cuộc giới thiệu chàng với con Toto. Tại sao Liễu đợi tới ngày nay mới làm cuộc giới thiệu ấy, mà xem ra không cần thiết bao nhiêu, bởi nó đã quen giọng chuông mà chàng bấm, không có sủa nữa, từ lâu rồi. Đêm nay Lưu không trằn trọc vì chàng đã bình thản được phần nào rồi, nhưng chàng cũng thức quá canh để nghĩ xem mình phải làm thế nào để đi tới “cái ấy”. “Cái ấy” đó là việc tỏ tình. Không có gì khó khăn đâu, nếu chàng bằng lòng với sự nói ra theo lối cổ điển. Chàng không thích làm chuyện huê dạng, ngoạn mục, nhưng chàng rất biết phụ nữ ngày nay họ không ưa cái gì cổ điển. Ði hỏi vợ và đi cưới vợ là cổ điển đấy. Nếu các anh con trai mà đủ điều kiện, các cô buộc lòng phải “ừ” nhưng các cô bất mãn lắm vì các cô hụt hưởng cái giai đoạn thơ mộng tiền hôn nhơn. Trong cuộc yêu thương ngoài hôn nhơn cũng thế, chàng mà tỏ tình thì Liễu phải “ừ”, chắc chắn là như vậy (nếu chàng không lầm về âm mưu chọc ghen của Liễu mà chàng đã đoán biết trước sau khi suy nghĩ nhiều về vụ ấy). Nhưng nàng “ừ” mà trong bụng nàng sẽ rủa chàng là thằng ngốc! Đợi một dịp tốt, một đêm trăng trên đầu rào, bên bờ rạch như tháng trước thì lâu quá mà chàng thì muốn được ngay, vì dầu sao, chàng vẫn cứ còn sợ “thằng bấm ra sữa” phỗng tay trên. Còn như mà tỏ tình trong đêm sau, trong, hoặc sau buổi ăn thì nó khô cạn làm sao ấy. Sàigòn không có cảnh thơ mộng nào đưa Liễu đến đó hầu không cần nói gì mà cô cậu vẫn cảm thông được với nhau, lối tỏ tình mà Liễu thích. Chàng ngủ quên đi, với sự bí tì mang theo trong giấc cô miên của chàng. ° ° ° ° ° Liễu ngơ ngác hỏi, khi xe rẽ tay phải. Từ 6 giờ tới bây giờ. Lưu chở Liễu ra bờ sông bến Bạch Đằng, ngồi lẫn lộn với dân chúng trên những băng đá để hóng mát. Chàng chưa nghĩ ra được cái gì, nên giết thì giờ bằng cách ấy để đợi giờ ăn, chớ nơi đó không phải là không khí thuận tiện cho những câu chuyện lòng. Nàng hỏi: - Đây là đâu, anh? Khi xe chạy trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Liễu cứ đinh ninh rằng bạn nàng sẽ cho nàng ăn cơm ở một tửu lâu nào, đường Đồng Khánh hoặc ở trong xa nữa. - Đại lộ Nguyễn Tri Phương. Lưu đáp. Nhưng dân chúng cứ tiếp tục gọi là đường La-Ca. Xe dừng lại độ một trăm thước sau đó, và Liễu rất ngạc nhiên vì sức sáng của đèn ở đây. Nàng rất quen với đèn mờ của những hiệu ăn sang trọng nên không hiểu sao ở đây mỗi hiệu ăn chỉ hẹp có một căn nhà mà họ thắp trên mười ống đèn nê-ông [15] thứ một thước hai mỗi ống. - Đây là xóm ăn bình dân. Lưu giải thích khi chàng đẩy xe qua bên kia đường và Liễu đi theo sau chàng, Xóm nầy nổi danh về mì vịt tiềm, nhưng ta ăn cơm chớ không phải ăn mì. - Mì ở đâu? - Trong các hiệu trước chỗ ta đậu xe khi nãy. Họ đã tới bên kia phố và Lưu đẩy xe lên cái vỉa hè đất trước một căn nhà có vẻ là tiệm cơm. Liễu vẫn cứ ngơ ngác không khí lạ lùng đối với nàng, mặc dầu nàng không phải là gái khuê môn bất xuất. Nếu Bích không hề biết có một hiệu ăn tên Givral thì trái lại, Liễu cũng không hề biết có một hiệu ăn tên là Lạc Viên mà thực khách trong đó mặc áo bà ba, mặc áo xá-xẩu, mặc sơ-mi mà mấy nút trên đều mở ra, phơi ngực. Nàng lặng lẽ theo bạn vào hiệu, đi tuốt vô phía trong cùng vì các bàn bên ngoài đều có người chiếm, và chợt thấy hiệu ăn có lầu, và hai thực khách mặc âu phục, lên gác theo một chiếc cầu thang lầu gỗ hẹp. Nàng ngạc nhiên mà thấy Lưu kéo ghế cho nàng ngồi dưới nhà, trên lầu hẳn phải sạch sẽ và mát hơn chớ. Ðây là một chiếc bàn tròn rất lớn, bàn gia đình theo lối Trung Hoa, mười người ngồi vây lấy cái bàn cũng còn cựa quậy tay chơn được một cách tạm bợ để ăn hối hả. Phía trong bàn là một chiếc trường kỷ càng chứng tỏ rằng đây là một bàn để dành cho gia đình lớn. Nhưng không hiểu sao Lưu nhứt định chiếm cái bàn nầy. Người hầu sinh (hầu xáng) mà ở đây thì người ta gọi lầm bằng thổ ngữ Quảng Ðông là phổ ky, mang thực đơn tới cho họ. Liễu lại ngạc nhiên một lần nữa mà thấy bạn nàng bỏ cả lề lối xã giao, cả phép lịch sự đối với phụ nữ mà không thế nào một sinh viên luật khoa lại không biết. Chàng giành lấy thực đơn, liếc sơ qua rồi vứt đi chớ không trao cho bạn, rồi tự động gọi lấy các món ăn, gọi thuộc lòng: l) Há loóc 2) Cấy khầu 3) Cai xôi cáy 4) Hắc cấy thón. Người hầu xáng đi rồi, chàng mới cười nói với bạn: - Em không quen ăn ở đây, không biết món nào ngon, nên anh mới bất lịch sự như vậy, em hiểu cho. À, em uống gì? Mặc dầu ở đây có gắn đến ba cây quạt trần. Liễu cũng nghe nực nội vô cùng và khát nước ghê lắm. Nhưng nàng không muốn gì cả vì nàng lợm giọng khi nhìn gạch nền nhà dưới ấy đầy dẫy những món ăn rơi rớt. Cả cái mặt bàn bằng đá hoa giả cũng đáng nghi ngờ về điểm sạch sẽ bỡi nàng thoáng thấy gì như là mỡ lau chùi không kỹ và từ đó xông lên một mùi tanh tanh khiến nàng buồn nôn. Lưu cứ nhìn bạn mà mỉm cười, nhưng chàng cảm động đến rưng rưng nước mắt mà thấy Liễu nổ lực để che giấu sự ghê tởm của nàng. Nàng ngần ngừ giây lâu rồi cười nói: - Xá xị hiệu con nai, nhưng đừng cho nó rót ra ly. Anh thấy hay không là em cũng đã thưởng thức món ăn món uống của chú Ba kém vệ sinh? Xá xị hiệu con nai là xá xị do người Trung Hoa trong Chợ Lớn chế tạo, có lẽ không được tinh khiết lắm, nhưng lại ngon hơn xá xị hiệu con cọp của hãng Tây Larue. Lưu cười ngất rồi nói: - Hoan hô cố gắng của em. Phổ ky, xá xị con nai, mở nút mà đừng rót ra ly. Kêu xong chàng quay lại nói với bạn: - Em nhờm ly của nó vô ích, bởi lát nữa cũng phải ăn cơm bằng chén đũa của hiệu. Chạy trời đâu có khỏi nắng. - Nhưng sao lại ăn ở đây? - Vì lối nấu đồ Tàu ở đây ngon hơn các cao lâu nhiều lắm. Lưu nói đúng sự thật, nhưng lại nói láo. Chàng chỉ muốn thấy phản ứng của Liễu thôi, chớ không có ý đãi bạn một bữa ăn ngon. Với lại chàng muốn Liễu suy nghĩ lại lần cuối cùng. Nàng có thể ngỡ chàng nghèo lắm, không đủ tiền để đãi bạn một bữa cơm nơi một hiệu ăn bực trung, và đổi ý chăng? Thà là thế, chớ nàng “ừ” vì quá bồng bột bây giờ rồi ngày sau, cơm không lành, canh không ngọt thì chàng sẽ đau lắm. Lưu gắp một cọng cải bỏ vào chén của Liễu rồi nói: - Em thưởng thức rồi cho anh biết tin. Liễu ăn món đó, ngậm mà nghe rồi khen thật tình: - Quả thật là ngon, ngon hơn ở các cao lâu nhiều. Chàng lại bỏ cục thịt gà rút xương vào chén bạn, Liễu cũng ăn, rồi cũng khen như thế. Rồi đôi bạn cứ ăn, Liễu quên mất sự ghê tởm khi nãy đi. Liễu ăn cơm rất ít, chỉ ăn các món ăn mà thôi, nhứt là món cai xôi trải trên thịt gà hấp. Nàng hỏi, tự hỏi, nhưng nói to ra: - Không biết cải gì mà ngon quá. - Anh hỏi má anh thì má anh nói đó là cải bẹ xanh chớ không có gì lạ. Nhưng anh không tin, hỏi bọn hầu xáng thì họ nói đó là cải Gò Công. Nhưng người Gò Công lại không hề biết thứ cải nầy. - Bí mật của người Tàu! Ðôi bạn cười xòa sau ám chỉ của Liễu về tánh hay giấu nghề của người Trung Hoa. Thình lình Lưu cười ha hả một mình, một hơi rồi nói: - Con Bích nhà quê! Nó kể rằng hôm em đưa nó vô Givral ăn kem, em ép nó ăn Yaourt, nó buồn nôn ghê lắm, nhưng cố mà ăn, sợ em cười là nhà quê. Liễu cũng cười mà rằng: - Nếu không biết cái gì là nhà quê thì ai cũng nhà quê tuốt, như em chẳng hạn, em chưa hề biết có một hiệu ăn ngon như thế nầy. Chỉ có anh là không nhà quê. Anh có vẻ thổ công lắm. - Anh chưa biết yêu. Thế là nhà quê rồi. - Chưa yêu hay chưa biết yêu? - Cả hai thứ đều chưa. - Cái thứ nhì có lẽ không có. Không có khoa yêu. Yêu là yêu, yêu thế nào cũng được, không cần học của ai, vả lại chắc cũng không có gì để phải học, phải biết, miễn yêu là đủ rồi. - Yêu thì anh yêu ghê lắm, nhưng... nhưng bây giờ anh mới thật sự là nhà quê khi nói chuyện yêu trong một nơi nực nội như thế nầy. - Vậy tạm gác lại nhé. Ở đây ai cũng ăn vội và vội đi cả. Họ không phải là khách thừa lương, khí hậu cũng xua đuổi họ nữa, và chỉ có Liễu và Lưu quen tánh ăn chậm nên còn chiếm bàn, trong khi các thực khách khác vô ra đã nhiều lớp rồi. Nhưng rốt cuộc đôi bạn trẻ nầy cũng đi. Ra tới vỉa hè, Liễu nghe nhẹ cả người và bấy giờ Lưu mới chợt chú ý đến y phục của nàng và nàng mới chợt hiểu vì sao mà Lưu căn dặn nàng mặc xấu. Bàn ghế ở đây hay để kỷ niệm lại trên y phục sạch sẽ và màu sáng, và sự chen chúc, đụng chạm, lúc vô ra cũng dễ làm bẩn áo quần lắm. Thì ra Lưu đã định trước sẽ đi ăn ở hiệu bình dân. Hèn chi mà, Liễu tự bảo thầm, anh ấy nói là có dụng ý. Thoạt tiên Liễu nghĩ rằng Lưu ít tiền nên muốn tiết kiệm, nhưng rồi nàng lại đoán đúng, sau mấy phút nghĩ sâu thêm về chỗ dụng ý thứ nhứt của người bạn trai nầy, là muốn thử thách nàng. Khi xe rẽ tay trái để trở ra đại lộ Trần Hưng Ðạo, Lưu rất bối rối không biết phải đi đâu. Nếu mời Liễu đi xi-nê xuất đêm thì thật lãng xẹt. Mời đi xi-nê là chuyện của buổi sơ giao hoặc chuyện của thời gian gần chán nhau, hay thời cưới nhau lâu rồi, không còn gì cho lắm để nói với nhau nữa, họ thì đang ở vào thời kỳ “tình trong như đã, mặt ngoài vừa hết e”, mà chàng lại cần bước tới một cách cấp tốc, kẻo nguy mất thì sao lại chui đầu vào cái nhà tối ấy! Nhưng đi đêm ở đâu bây giờ? Sàigòn chỉ là một thành phố thương mãi, mà mấy trăm ông đô trưởng kế tiếp nhau trong nhiều thế hệ rồi không ông nào khá thi sĩ một chút để trang trí cho nó một cái xó nên thơ, chẳng hạn như cái đảo ở ngã tư bốn con kinh rạch: rạch Bến Nghé, rạch Ong, kinh Tẻ và kinh Ðôi, cái đảo ấy rất dễ trở nên một đảo thần tiên, nếu bắt thêm một cây cầu gỗ nho nhỏ cỡ cầu Thê Húc và xây giữa đảo một ngôi đền kỷ niệm nào. - Em mặc ta, anh thấy thế nào? Xe cộ làm ồn ghê lắm, lời của Liễu lại bị gió ngược chiều đưa ra sau, nên Lưu phải “hử?” một tiếng và Liễu phải lặp lại câu hỏi, hét to lên: - Em mặc ta xem được hay không? - Anh mới thấy em mặc ta lần đầu. Cũng đẹp y như mặc đầm hoặc mặc phăng-tê-di. Nhưng trông em già dặn hơn. - Nghĩa là hết trẻ con rồi hử? Liễu hỏi bằng giọng hóm hỉnh. - Hết từ lâu rồi, từ ngày anh hiểu em. - Anh hiểu em làm sao? Hét to mãi rát cả họng nên Liễu đưa cằm sát vào bả vai phải của bạn, vào bả vai chớ không phải vào lưng, vì lưng cản tiếng nói của nàng phần nào với lại Liễu cần nhìn tới đằng trước, ai bị đèo sau các loại xe hai bánh cũng thế, rất khó chịu phải làm người mù. - Anh hiểu rằng tâm hồn em đi nhanh quá, nó mau bước hơn cái tuổi thật của em nhiều lắm. Liêu nhấn càm thật mạnh lên bả vai của bạn và than đùa: - Như vậy năm năm nữa, em sẽ là bà già rồi! - Càng hay. - Sao lại càng hay? - Tâm hồn nó không bạc đầu mà sợ ai thấy, như vậy nó có là bà già, chỉ lợi cho em và cho chồng của em thôi. Em sẽ là một thiếu phụ thạo đời như một mạng phụ phu nhơn thì còn gì hay bằng? - Nhưng nó sẽ hết đẹp đi chăng? Liễu thấy bạn quẹo xuống cầu Ông Lãnh để rồi chạy dọc theo bờ sông. Chàng chưa tỏ ý nghĩ về sự hết đẹp của một tâm hồn già thì Liễu thấy xe ngừng lại trước một công trường bờ sông mà nàng chưa đến lần nào. Công trường tương đối tối, xe đậu trước đó rất nhiều mà toàn loại hai bánh không mà thôi, chớ không có chiếc ô-tô nào cả, trừ vài chiếc “ca” [16] thật khổng lồ, có vẻ là xe chuyên chở công cộng, nhưng không phải xe buýt. Ðôi bạn vào công trường không có hàng rào, sau khi Lưu khóa xe. Băng đá nào cũng có người chiếm, mà toàn là những cặp nam nữ, vợ chồng, nhơn tình hay bạn hữu không biết, vì ở đây trống trơn, họ bắt buộc phải đứng đắn cả, âu yếm lắm cũng chỉ cặp tay nhau mà đi bách bộ trên các lối đi trong công trường, hoặc ôm lưng nhau trên băng đá là cùng. Nói “công trường" vì quả nó khoảng khoát như một công trường, mặc dầu công trường nầy rộng lớn như vườn hoa và có ý muốn làm vườn hoa lắm. Ðôi bạn cũng đứng đắn mà sánh vai nhau mà tiến tới, Liễu hơi ngạc nhiên tự hỏi tại sao Lưu lại đưa nàng đến một nơi kém thơ mộng như thế nầy: vườn hoa đằng bến Bạch Đằng, cách công trường nầy chỉ độ hai trăm thước thôi, tuy cũng chẳng đẹp là bao, nhưng ít ra đằng ấy họ còn được thấy trước mặt họ khoảng thênh thang của con sông Bến Nghé, và bên kia sông, chơn trời được viền bằng một khối cây lá xanh um, khối xanh nầy, ban đêm cắt lên nền trời mờ mờ những răng cưa đen thui, và xa hơn, ngoài kia, những chiếc thương thuyền ngoại quốc gợi hình ảnh những cuộc viễn du kỳ thú. Cũng đằng xa, mà về phía trái, hai hàng đèn màu xanh trên chiếc cầu lưng lừa của xa lộ nhắc nhở xa xôi đến cái cầu vòng đèn màu trước khi vào thành phố cờ bạc Las Vegas, cho ta phần nào ảo tưởng rằng Sàigòn to lắm để an ủi ta về điểm kém đẹp của nó. Còn ở đây, trước mặt họ chỉ là một con rạch con mà nước không được đèn soi sáng, trông đen như mực Tàu. Bên kia rạch những kho, những xưởng, kiến trúc rất là kỷ hà, khép cái chơn trời hạn chế nầy lại một cách khô khan và thô bỉ vô cùng. Bỗng Liễu chợt hiểu tất cả. Bờ rạch bìa của công trường, được cẩn đá. Mấy ngọn đèn hiếm hoi của công trường không soi sáng tới đây. Trước mặt họ là bóng tối, sau lưng họ là bóng tối. Bên hữu của họ là vách tường cao của một công sở, sở thủy lâm, bên tả của họ là một đôi nam nữ có lẽ đang tưởng họ du lịch cung trăng, nghĩa là không hay biết mọi việc xảy ra xung quanh họ. Và lạ nhứt là đàng kia có cảnh sát canh chừng không cho khách hóng mát ngồi trên bờ đá, còn ở đây thì thả giàn. - Ở đây mát chớ em? - Mát lắm. Thật ra thì gió ở đây rất ít nhưng Liễu cứ muốn cho là mát “lắm”, sợ Lưu lại đưa nàng đi nơi khác, không tốt bằng ở đây. - Và nhứt là hơi giống hàng rào trụ sứ của nhà em. - Ừ, nhưng chỉ tiếc là không có trăng. - Anh thích không có trăng. - Sao lạ vậy? - Vì có trăng, em bận ngắm trăng rồi quên anh đi. - Ta tin rằng trăng là con gái, cô Hằng ấy mà, như vậy nếu có kẻ nào mê trăng thì kẻ đó là anh, chớ đâu phải em. - Thôi, ta ngồi xuống đây hóng mát một hồi, để nhớ lại cái đêm đầu mà ta ngồi trên đầu rào nhà em. Cả hai đều thòng chân ra ngoài, nước bây giờ đang lớn đầy “mà” nên bàn chơn họ chỉ còn có vài phân nữa là đụng mặt rạch. Lưu im lặng lắng tai và không nghe hơi thở mạnh của Liễu nữa như vào đêm ấy. Đêm nay Liễu không chờ đợi gi cả, vì nàng yên trí rằng một là Lưu bị mặc cảm, hai là chàng nhát, nên chắc còn lâu chàng mới dám nói cái gi. Nàng giàn cảnh để chọc cho chàng ghen mà lui tới thường vậy thôi. Nhưng cũng có phần nào vì nàng đã sống. Vâng, Liễu đã sống, về phương diện yêu đương, kể từ đêm ấy, nhưng đừng hiểu rằng nàng đã yêu ai, đã hiến thân cho ai. Vấn đề hết sức tế nhị, gần như là chuyện tưởng tượng của những kẻ chẻ tóc làm đôi, nhưng quả thật là có. Yêu suông, yêu trong tinh thần, cũng là yêu, và sự chờ đợi lần đầu tiên trong đời người con gái, sự chờ đợi một cái hôn nó kích thích họ làm cho họ hưởng lạc gần như là đã được hôn vậy. Rồi sau đó không có gì xảy ra, họ thất vọng, họ tức giận, họ buồn bực, họ đau khổ, bao nhiêu cảm xúc và tình cảm ấy đều có họ hàng xa với một lần yêu đương. Cơ thể và tình cảm của nàng đã lắng dịu xuống đôi phần và rồi bây giờ nàng mới bình thản được như thế đó. Nhưng những điều trên đây, Lưu không dè rằng có, vì chàng thiếu kinh nghiệm, một thứ kinh nghiệm không phải thông thường, mà là kinh nghiệm vi tế về lòng và thể chất con người, nên chi chàng đâm lo rằng đã muộn quá rồi, và sở dĩ Liễu nhận lời đi ăn cơm với chàng, đi hóng mát với chàng là vì tình bạn chơn thật của gái tân thời mà thôi. - Sao anh không nói gì hết vậy? Thấy bạn làm thinh lâu quá, Liễu hỏi duyên cớ vì nàng thuộc vào hạng người mà đời sống bên trong khá nghèo nàn, không thể im lặng lâu được. Ở nhà một mình, nàng vẫn phải ca hát, hoặc nghe nhạc dĩa, không thôi không biết lắp những hồi im lặng bằng cái gì. - Ngồi gần em là đủ rồi, còn phải nói gì nữa. Liễu cười giòn lên rồi nói: - Hay, anh nghệ sĩ lắm, và học luật là anh đã “chọn lầm thế kỷ” đó. - Hình như là như vậy. - Còn hình như gì nữa. Anh là nghệ sĩ đứt đuôi rồi. Mấy ông luật sư thường thì ba hoa lắm chớ. - Không cứ. Họ chỉ cần ba hoa khi nào biện hộ cho ai thôi. - Sao mà lúc mới quen nhau anh nói nhiều thế? Anh cứ theo em mà lải nhải hoài. - Vì lúc đó anh chưa yêu. Im lặng hoàn toàn. Lưu đã nhắm mắt mà trút bừa một cục nợ nó cứ đè nặng lên chàng và trút xong, chàng hết cả hồn vía, không phải vì nhát gái mà vì thấy mình hành động đột ngột quá, không chuẩn bị tinh thần của Liễu, sợ hỏng việc đi chăng? Liễu thì đứng tim vì thình lình một mũi tên bắn ngay vào ngực nàng, mũi tên mà nàng mong đợi, nhưng không phải đêm nay, và bối rối quá, không biết phải có thái độ nào. - Em! Lâu lắm và lâu lắm, Lưu mới gọi khẽ bạn. - Dạ. - Em không mắng anh, chắc không phải vì sợ mích lòng một người bạn? - Dạ không. - Nhưng em lại làm thinh, chắc em đang do dự? - Thật ra thì... em... không mong đợi lời ấy... đêm nay... em bối rối quá! - Anh cũng biết rằng anh đã làm cho em bối rối, nhưng chính vì anh cũng bối rối, nên anh mới hành động không đúng điệu chút nào hết. Xin em tha thứ cho anh, không phải tha thứ cái tội yêu em, vì anh yêu em mà tỏ tình đường hoàng chớ không phải tán tỉnh em một cách sỗ sàng thì anh không có tội gì cả, nhưng tha thứ về tội làm mất vẻ đẹp của một cuộc tỏ tình, nó phải thơ mộng, nhứt là nó chỉ được thốt ra sau một thời gian chinh phục mà thôi. - Ông thầy cãi tương lai đã ba hoa theo thường tình rồi đó, Liễu cười nói, không, em không thể tha thứ cho anh về điểm đó đâu. Anh đã làm mất vẻ đẹp của một cuộc tỏ tình thật đó, và hai mươi năm sau, ta sẽ không thể cùng nhau nhắc nhở một kỷ niệm “thơ” nhứt của đời ta, bởi cái lẽ giản dị là kỷ niệm ấy không có. - Hai mươi năm sau! Em... không tha thứ cho anh... nhưng mà... em nói đến chuyện hai mươi năm về sau thì hẳn... em không dửng dưng với lời... tỏ tình kém đẹp của anh đêm nay? Ðáng lý gì em phải hất hủi anh chỉ vì tức giận anh đã kém đẹp. Em đã thấy nhiều cô gái tốc-kê [17], phá hoại một cuộc tình duyên vì một lý do không đâu hơn thế nữa. Nhưng em không tốc- kê, em rất là bình thường về tâm trí, em thuộc vào loại người mà y học Thái Tây gọi là “NORMAL” thì một xung đột sâu sắc hơn, có thể em cũng sẽ bỏ qua được. Nhưng thật cũng đáng tiếc. Thế là đã rõ nghĩa. Chàng được, mặc dầu người nữ không đẹp lòng vì hụt hưởng cái thú huyền ảo của những phút độc nhứt trong đời người mà họ nghe như họ bị tác động của một thứ ma túy nó làm cho thân họ và hồn họ nhẹ lâng lâng, bay bổng tuyệt vời. Một bàn tay mò kiếm một bàn tay, bàn tay kia không chạy trốn, nhưng không được phấn khởi lắm. - Em! - Dạ! - Anh quan niệm rằng tình yêu thọ lâu lắm, chớ không phải chỉ phù du trong chốc lát đâu. Những phút giây diễm lệ nhiều vô số kể, kết thành một sợi dây dài hằng tháng hằng năm, chuyền hằng đời, hằng kiếp, thì em tiếc một mất mát là chính đáng, nhưng anh sẽ bù lại cho em bằng tất cả tấm lòng tôn ái của anh mà anh hiến dâng trọn vẹn và trọn kiếp cho em... em nhé! Hai tiếng “em nhé!” Lưu thốt ra vì chàng không được tiếng vang nào đáp lại hết. Nhưng khi thốt xong hai tiếng ấy, bàn tay trong tay chàng cựa mình như để thoát thân. Chàng trả tự do cho nó. Nó không thoát mà chỉ tìm cách mở ra để nắm lại bàn tay nhốt nó mà thôi, rồi siết nhẹ một cái. Đó là tiếng “ừ” câm 1ặng, rồi thì hai người khỏi phải nói với nhau gì nữa cả về vụ đó. Lưu đưa tay ra sau lưng bạn, vói nắm cánh tay bên kia của Liễu và Liễu ngã đầu lên vai chàng. Chàng day mặt lại phía bạn, toan hôn lên tóc Liễu một cái thì thình lình Liễu ngồi thẳng dậy, ngó ngoái ra sau, sợ hải và nói khẽ: - Đừng anh. Ở đây trống trải lắm, người ta cười cho. - Đâu có. Ta chìm mất trong bóng tối. Cái cặp ngồi gần nhứt cũng cách đây năm sáu thước, nhưng họ kể như là không có ta. - Nhưng cái nhà gì ngoài sau, đồ sộ quá và sáng quá. - Thôi được. Ta cứ ngồi gần nhau là đủ cho anh lắm rồi. - Nhưng không đủ cho em... Bấy giờ Lưu mới nghe hơi thở dồn dập của Liễu và của chính chàng nữa. Ðôi bạn siết tay nhau tưởng chừng như muốn ép cho nó dập ra để rồi dính liền lại với nhau như hai viên sáp. -... vì em cần được gần gũi anh thật là gần... anh nè! - Sao đó em? - Tối mai, anh vào thăm em nhé. - Lẽ cố nhiên. - Nhưng anh sẽ vào một cách không bình thường. Anh vô như một phi hành dạ khách. - Là làm sao? - Trên lầu chia ra làm bốn buồng. Cô em chiếm buồng phía sau và về hướng rạp Cao Ðồng Hưng. Buồng của em ở phía trước và hướng rạch. Hai buồng nầy không thông thương với nhau do cái cửa nào hết. Phía bên rạch, buồng em cũng có cửa sổ không chấn song sắt, y như cửa sổ của mặt tiền mà anh thấy. Một cây bông giấy lớn tuổi hơn em nữa, mọc từ dưới sân, sát tường, bò lên cao hơn cửa sổ của em nữa, bông giấy là loại dây leo, nhưng vì nó cao niên quá nên thân nó to hơn cổ tay của em nữa. - Anh đã hiểu rồi, chỉ sợ con Toto. - Không, anh chưa biết chi tiết đâu. Dây bông giấy có gai, nhưng chỉ có gai những nhánh nhỏ đầy hoa lá, còn gốc của nó thì trơn lu. Nếu cánh cửa của em mở ra thì nó cách cây bông giấy lối ba tấc. Leo cái dây to ấy thì hẳn là anh leo được, nhưng liệu anh có thể níu cánh cửa sổ để bước qua khung cửa được hay chăng? - Ðược, nếu bản lề cửa thật chắc, không thôi cả cái cửa sẽ long ra và cửa và anh sẽ rơi xuống đất. - Cửa bằng cây “sao”, mới đổi mới cách đây sáu năm, nghĩa là chắc hơn là cửa mới bằng gỗ tạp nữa. Bản lề là loại bản lề nhập cảng. - Như vậy thì không có gì dễ dàng bằng. Anh sẽ với tay qua níu một “lá sách”, anh đu mình qua, dùng đầu của mười ngón chơn mà bám vào cái bệ cây ở gốc lá sách phía dưới hết. Rồi thì bước qua một cái là tới khung cửa. Chỉ lo con Toto nó báo động. - Không. Rào thấp lắm, anh nhảy qua dễ dàng. Anh nhớ mặc đen hay một màu thật u tối. Em chỉ lo lúc anh nhảy rào và leo tường người đi đường trông thấy thì rầy, chớ con Toto thì em đã cho nó quen thân với anh rồi. Bấy giờ Lưu mới chợt hiểu vì sao có sự giới thiệu trễ muộn chàng với con chó Lévrier của Liễu. Chàng mừng quá, thích quá, bất kể e ngại của Liễu, ôm đầu nàng mà hôn thật mạnh và thật dài: - Em... thì ra em đã tiên liệu có ngày nầy? Liễu không đáp, căn dặn thêm: - Vậy trước khi nhảy rào, và leo tường, anh nên cẩn thận nhìn trước xem sau, đợi đường vắng mới hành động nhé. - Anh không quên đâu. - Và nhứt là không nên đi bằng xe của anh. - Sao vậy? - Rồi anh để xe ở đâu? - À, em thật chu đáo. Vâng. Anh sẽ gởi xe đằng rạp hát rồi đi bộ lại nhà em. - Như vậy cũng tiện. Hay là anh vô trong ấy ngay đêm nay? - Không nên. Bây giờ đã gần mười giờ rồi. Ta sẽ bị giờ giới nghiêm ám ảnh khó chịu lắm! Em ăn cơm tối mấy giờ? - Hồi đúng tám giờ. Chính đó là giờ anh nên leo rào, leo tường vì cả nhà đều ở dưới nhà và phía sau, cả con Toto cũng xấn rấn quanh bàn ăn vào giờ đó. - Em mở cửa sổ chớ? - Cố nhiên. Thường thì em đóng vì sợ ăn trộm, nhưng đã có hẹn với anh thì em mở banh ra, và nhứt là không để đèn chong. - Ô-kê. - Chưa hết đâu. Ðể đề phòng anh bị trở ngại bất ngờ, không tới được mà rủi ro đêm mai trộm lại rình - ấy, có những sự trùng phùng tai hại như vậy, - nên ăn xong, em lên lầu, và trước khi mở khóa cửa, em gõ cửa hai tiếng! Anh phải đáp lại bằng hai tiếng nhặt và một tiếng thứ ba lơi ra. Lưu lại ôm đầu bạn mà hôn và nói: - Em của anh người lớn hơn cả anh nữa. Em không bỏ sót chi tiết nào hết. Nếu Lưu kinh nghiệm, đa nghi và ít bồng bột, chàng phải sanh nghi rằng Liễu không còn là một cô gái ngây thơ trong trắng nữa, và đã tiếp nhơn tình bằng đường... hàng không như thế ít lắm là một lần rồi. Thật ra thì chỉ vì Liễu thông minh, lại đã cố tìm cái mẹo nầy nhiều ngày rồi và nhứt là, y như Bích đã nói, nàng bị phim Roméo và Juliette in đậm nhiều hình bóng vào tâm trí nàng. Cái lối vào buồng nhơn tình ở tận trên lầu cao một cách kiếm hiệp như thế, nàng đã phục lăn khi xem anh chàng Roméo quăng cái móc sắt cho nó máng vào bao lơn trước cửa sổ của Juliette, rồi phăng dây mà leo lên đó.