---~~~mucluc~~~---


Phần 1 (4)

    
ưu thấy là tình bạn giữa hai cô gái nầy sẽ gây rối cho chàng, nên chàng tỏ vẻ không hài lòng. Liễu rất lanh lợi và thông minh, đoán biết ngay ý của bạn, nên nàng ôm chầm lấy Bích, nhưng mắt lại nhìn Lưu mà nói:
- Ta sẽ là bạn nhau đời đời, mặc dầu sóng gió nào đi nữa nghen chị?
- Ừ, tôi sung sướng lắm.
Bích thật thà nên xúc động mạnh quá, nàng nghẹn ngào mà nói như vậy, mắt rưng rưng lệ hạnh phúc, vò đầu Liễu như Liễu là một đứa em nhỏ của nàng.
Lưu không thích để hai cô bé nầy làm thân thêm với nhau nên nói:
- Thôi, anh về kẻo lát nữa nắng lắm. Em có nhắn gì ba má, có cần gì hay không?
- Không. Má nhớ lên ngày thứ tư là đủ rồi.
Liễu giẫy nẩy:
- Chưa gì hết đã đòi về. Ở lại với chị Bích tới trưa không được hay sao?
Lưu cười ha hả mà rằng:
- Ai dám cấm người lớn, nhưng tôi chỉ e người lớn về xe đò thì khổ, tôi thì tôi sợ nắng ăn da, nên phải về bây giờ.
- Bỏ rơi em thật à?
- Nếu không sợ tai nạn xảy ra cho cô, tôi dám để cho cô về xe đò lắm, vì xem ra cô mê con Bích quá. Nhưng tôi đã rước cô đi, tôi chịu trách nhiệm, thành thử tôi năn nỉ cô nên về với tôi.
- Thôi, chị nên về là hơn.
Bích cũng thông minh, biết rằng đôi bạn mới nầy đã có chương trình ăn dọc đường thì không nên đồng lõa với cô bé áo đỏ nầy cho chương trình ấy hỏng đi. Biết đâu chẳng nhờ bữa ăn trưa nầy mà rồi họ sẽ nên vợ nên chồng và sẽ hạnh phúc với nhau đời đời.
- Thiểu số phục tùng đa số.
Liễu nói và thâm tâm cũng xui nàng về, bởi thật ra nàng mê Bích đâu có bằng mê buổi nói chuyện tay đôi với Lưu.
Bích đưa họ ra tận cổng nhà thương, đôi bạn gái có chiều lưu luyến với nhau lắm.
Xe chạy rồi, Liễu vẫn quay lại và đôi bạn vẫy tay, nhìn nhau rất lâu.
Có lẽ khó chịu vì nắng. Lưu chạy mau hơn khi sáng và sang tốc độ xong chàng bóp hết ga, khiến không muốn, Liễu vẫn phải ôm eo ếch của chàng và gác cái đầu day nghiêng trên lưng chàng.
Hai người không nói gì với nhau cả, có lẽ để tận hưởng cái sung sướng đầu mùa của họ và chắc chắn về phía Lưu là chàng đang tìm nơi để ăn trưa.
Cái nơi ấy, chàng đã định rồi, là một sở cao su ở vệ xa lộ. Nhưng giờ chàng nghĩ lại thì không nên, nhứt là khi chàng nghe một mơn trớn dịu đàng nó chạy khắp thân thể chàng từ lúc Liễu ôm eo ếch của chàng.
Cái đêm sáng trăng mà hai người ngồi trên đầu rào, chàng đã chiến đấu và đã toàn thắng thì không nên dại gì mà ngã hôm nay. Mà điều kiện tránh ngã hữu hiệu hơn hết là không vào một chỗ kín đáo. Chàng sợ Liễu mà cũng sợ chính chàng nữa, có lẽ sợ chính chàng nhiều hơn.
Thế nên khi tới ngã tư Thủ Ðức, thấy xe giảm tốc độ và quẹo tay phải, Liễu hơi ngạc nhiên, ngồi thẳng dậy và hỏi:
- Ra chợ Thủ Đức à?
- Ừ.
- Mình đã mang đồ theo, còn ghé chợ làm gì?
- Ðâu có ghé chợ.
- Nhưng đường thiên lý, từ Thủ Ðức xuống Sàigòn, đâu có chỗ nào ta ngồi ăn trưa được?
Ý Liễu muốn nói. “Ðâu có chỗ nào kín đáo”.
- Có chớ, Lưu cãi lại.
Thật ra thì Liễu cũng chẳng có ý gì. Nhưng kẻ nào mới yêu cũng nhiều tưởng tượng và vẽ vời ra trong trí một cảnh thơ mộng giữa rừng mà nơi đó, họ ăn cơm cách biệt hẳn thế gian.
Khi thấy Lưu đẩy xe vào một đám đất gò cạnh quán “Con gà quay”, Liễu hơi ngạc nhiên nhưng không thất vọng bao nhiêu.
Vì cuộc đất cao, đất lại là đất cát, nên đem xe qua khỏi lề cỏ là Lưu để chiếc xì-cút-tơ của chàng lại nơi đó rồi cùng bạn leo dốc.
Đất ở đây không trống hẳn, có cây mọc lúp xúp, ngồi xuống đất thì khuất đầu. Có lẽ đất được khai hoang để xây cất, nhưng rồi chưa dùng liền, nên cây mọc lại.
Lưu trải lên trên mặt cát trắng một tấm vải nhựa xếp mỏng cất trong thùng xe mà mãi tới bây giờ Liễu mới thấy. Chàng đặt giỏ lên tấm vải rồi đôi bạn ngồi xuống.
Liễu xem lại đồng hồ tay rồi nói:
- Chỉ mới mười một giờ thôi.
- Em ăn cơm theo đồng hồ sao?
- Không, nhưng em chưa nghe đói.
- Ừ, một tiếng đồng hồ nữa sẽ ăn, anh cũng chỉ nghe hơi hơi muốn ăn thôi, chớ cũng chưa đói lắm. Ðây, ông chủ đất nầy mới là thi sĩ, nếu không, mình đâu có bóng mát của cái cây lớn nầy để mà đụt nắng.
Liễu lại nói chuyện khác, không phụ họa với bạn.
- Chị Bích cũng đẹp chớ.
- Chớ hổm nay, em tưởng tượng nó ra sao?
- Cũng đẹp và rất dễ thương. Em tưởng tượng à? Thật khó mà nói ra.
- Nhưng chắc là tưởng nó xấu lắm?
- Không.
- Sao vậy?
- Nếu chị ấy xấu lắm thì đã không có người yêu rồi bị bỏ rơi.
- Nhưng đó là bằng cớ chứng tỏ rằng nó không đẹp lắm.
- Thật sự thì chị ấy chỉ đẹp vừa chừng thôi chớ không thể làm hoa hậu Sàigòn được. Nhưng chị ấy bị bỏ rơi không phải vì vậy.
- Chớ vì sao?
- Chán vạn cô gái xấu hơn chị ấy nhiều lắm, và Sàigòn chỉ có một hoa hậu thôi. Nhưng số người bị bỏ rơi thì có giới bạn. Tại chị ấy không may gặp phải một người bạn tình không tốt. Chỉ có thế thôi.
- À, người lớn ơi, tối nay người lớn mới hẳn là người lớn đó nghen.
- Sao vậy?
- Chớ em quên rằng tối nay em theo ba mà dự buổi tiếp tân ấy à?
- Không quên. Nhưng điều ấy sao lại...
- Ba đã nói rằng em “phải bắt đầu giao thiệp”. Theo tục lệ Âu châu, hễ ai có con gái trưởng thành rồi thì họ cho ra đời, tiếng trong giới là cho “ra ngoài xã hội”, người Âu Mỹ nói là “vào xã hội”. Nhưng thành ngữ thật đúng là “vào xã hội mông-đen”, họ nuốt mất hai tiếng sau cùng. Họ cho con họ vào một buổi dạ hội có khiêu vũ, một là để đánh dấu ngày đáng ghi nhớ ấy, hai là để quảng cáo đứa con họ lấy chồng...
Liễu cười ngất mà rằng:
- Quảng cáo có lùng tùng phèng như dầu cù là vậy hả?
- Gần như thế.
- Phong tục dễ ghét lạ!
- Bộ em tưởng trong xã hội ta không có quảng cáo? Các cụ quảng cáo dữ dội đấy chớ, nhưng bằng lối khác, âm thầm kín đáo hơn, mà không kém phần ráo riết chút nào.
Nhưng hồi nãy anh nói chưa hết câu. Chính đêm nay ba với má mới xem là em đã trưởng thành.
- Còn anh?
- Mười năm nữa, em cũng vẫn cứ là em nhỏ của anh.
Lần nầy Liễu không bị mặc cảm trẻ con, không bị mích lòng nữa, vì câu nói của Lưu có ý nghĩa khác rõ rệt, ý nghĩa ấy làm cho nàng sung sướng vô cùng.
Hai người cùng đeo kiếng mát như hôm tắm nắng và đôi bạn nhìn nhau say đắm. Cái nhìn của họ trốn dưới kiếng màu nên họ không còn ngượng với nhau.
Vì mặc duýp ngắn, Liễu không thể co chân lên để khoanh tay lên gối như hôm nọ, nàng ngồi xếp tè he nhưng một bàn chân vẫn đánh cái nhịp 3/4 bất di bất dịch ấy, Lưu nói:
- Lạ quá! Em nói ba má cấm em học nhảy hả?
- Dạ.
- Ba má theo Tây, nhưng chỉ theo có nửa chừng thôi. Ðáng lý vì đêm nay là đêm khiêu vũ đầu tiên trong đời em.
- Anh nhảy giỏi hay không?
- Chỉ lai rai vậy thôi. Anh nhảy rừng.
- Nhảy rừng là làm sao.
- Là anh không bao giờ học nhảy cả, có dịp, anh cứ nhảy bừa, thét rồi biết.
- Sao anh không học?
- Dễ quá, học làm gì cho mất công.
- Nhưng anh không thể nhảy giỏi được.
- Anh đâu có tham vọng vô địch nhảy.
Họ nói chuyện nhảy nhót vì Liễu hỏi lôi thôi về vụ đó chớ Lưu bận lấy làm kỳ cho cái ông tỷ phú Long lắm. Nếu ông ta bắt con ông khuê môn bất xuất thì không nói gì. Đằng nầy...
- Hình như là anh không muốn cho em thân với chị Bích lắm?
Liễu hóm hỉnh hỏi bạn như vậy. Lưu khôn ngoan giải thích giả dối nhưng rất ổn:
- Ừ, anh sợ em trẻ tuổi, lỡ lời thì hại cho nó.
Liễu tin bạn bằng lời nên hứa:
- Em sẽ dè dặt, thận trọng lời ăn tiếng nói, cố tránh gợi nhớ xa hay gần chuyện cũ.
- Thiện chí em thì như vậy, nhưng đôi khi người ta sai lầm, ngoài ý muốn.
- Em sẽ cố gắng và em tự tin lắm.
Lưu lo ra, và Liễu ngỡ chàng bận nghĩ về Bích, về mối giao thiệp giữa nàng và Bích.
Thật ra thì Lưu đang hình dung buổi tiếp tân đêm nay. Chàng tưởng tượng đến một cuộc gặp gỡ, mà người con trai ấy không như chàng.
Hắn không bị nghi ngờ tầm ruồng nào xui hắn dè dặt, mà trái lại hắn có thể bị gia sản của ông Long làm hắn tối mắt. Hắn sẽ tấn công Liễu tới tấp và hắn sẽ được Liễu.
Nghĩ tới đây chàng đâm hoảng muốn trước bạ tên mình tức khắc vào tâm trí Liễu để xí chỗ.
Không phải chàng lo sợ hảo đâu. Lắm cô gái, không đủ điều kiện như Liễu mà nhờ cái “doan” [35] của họ, họ vừa bước ra đời là gặp dịp tốt ngay.
Nơi chàng, nhiều mâu thuẫn quá. Nếu Liễu đáng yêu thì cứ bước tới, bằng như ngờ rằng nàng có tỳ vết trong dòng họ thì thôi.
Chàng cứ linh đinh giữa chừng mãi, không muốn tiến mà cũng chẳng chịu lùi.
- Tiếp tân là làm sao anh?
Liễu vừa soạn thức ăn ra vừa hỏi như vậy.
- Tiếp tân không phải để cho tuổi trẻ đâu, vì nó không vui như dạ hội.
- Nhưng họ tiếp thế nào?
- Họ mời tưới hột sen, tuy vẫn có chọn lựa, nghĩa là hễ biết ai tăm tiếng ở ngành nào thì họ cứ mời, không quen cũng mời, mà có lẽ chính vì không quen mới mời.
Chủ nhà nhiều khi không biết mặt khách, khách có những người chưa biết nhau. Mục đích của họ là mở rộng vòng quen biết.
- Nhưng mời đông như vậy, chỗ đâu mà ngồi?
- Thường thì họ đứng, cả ngoài sân nữa, rượu bánh có người lưu động mang đến từng nhóm người.
- Chỉ có thế thôi à? Vậy thì vô lý lắm?
- Không vô lý đâu, đối với người lớn, họ nói chuyện với nhau chớ.
- Nói chuyện gì?
- Tùy ngành hoạt động, tùy cá tánh, tùy cái khôn khéo của từng người chớ!
- Như vậy em sẽ chuồn trước.
- Đâu có được với ba má. Ổng bả sẽ bị người ta níu kéo rồi v.v...
Má của Lưu đã quên cho chàng một món đồ gì như là một cái chén để rót nước mắm tương ớt từ ve ra. Bích thì đã có chén từ nhà thương, chớ chàng, giữa đồng, làm thế nào bây giờ?
Liễu lật ngửa cái nắp hình thủy đựng nước trà, nắp nầy bằng nhựa, rồi rót đại nước mắm vào đó.
Lưu rất buốn cười vì thấy Liễu ngông bướng y như chàng, y như Bích, y như lớp tuổi trẻ bây giờ. Các cụ mà thấy làm như vậy thì các cụ sẽ mắng cho một trận. Nếu mẹ chàng mà thấy cách “mần ăn bê bối” ấy của Liễu thì nhứt định không thể bà chịu cho chàng cưới Liễu làm vợ đâu.
Cái nắp ấy, có túng thế lắm thì người ta rót nước trà vào đó là cùng, chớ bắt nó hoen ố vì mùi nước mắm thì rửa mấy thùng nước cho sạch được?
- Anh cười gì?
- Cười cô dâu hư. Cô làm dâu mà “mần ăn” lối đó thì bị cho ra riêng tức khắc.
Liễu cũng bật cười, nàng cười ngặt nghẹo rồi nói:
- Em chưa được chuẩn bị để làm dâu. Nhưng chắc không ai thèm cưới cô thợ vẽ gàn đâu.
- Ai biết đâu được cái gì. Tôi chỉ lo có người bị tiếng sét của cô đêm nay thôi.
- Anh lo giùm họ à?
Ðây là một câu hỏi rất khéo và rất khó trả lời. Liễu hiểu rằng Lưu lo cho chàng, nhưng nàng lại cứ hỏi thử xem chàng dám xác nhận hay chăng, nếu chàng xác nhận thì đó là một lối tỏ tình, không chạy chối đi đâu cả.
- Không biết.
Lưu đã tránh được cái bẫy, nhưng rất dở.
- Anh lo giùm họ cũng phải. Em thiếu điều kiện lắm.
Liễu nói lẩy rồi mắc nghẹn miếng bánh hỏi. Bánh làm bằng bột nếp, dẻo lắm, nhưng lại rất dễ mau khô. Ăn bánh hỏi trưa mà không hấp lại thì nghẹn là thường.
Nhưng Liễu nghẹn vì nguyên nhân khác.
Nàng lắng nghe cục bánh xuống từ từ, dài theo cuống bao tử của nàng, làm cho nàng đau đớn vô cũng về mặt thể xác, nhưng đồng thời tim nàng cũng đau, nó quặn đau một cách vật chất thật đó, nhưng nguyên nhơn lại là tinh thần.
- Cô nói sai một tiếng. Tại cô dư điều kiện quá. Rất lắm kẻ ham giàu, nhưng cũng rất lắm người sợ giàu.
- Giàu là một cái tội hay sao?
- Không. Theo quan niệm của xã hội không cộng sản thì giàu không phải luôn luôn là một cái tội. Nhưng người ta bị mặc cảm, với lại người ta ngán cái hách có thể có của nhà giàu. Tôi chỉ nói “có thể có” thôi. Cô không có, nhưng ai biết được rằng cô không có.
- Hừ, con người bất công quá.
- Con sâu làm sầu nồi canh. Chỉ tại một hạng giàu xấu kia.
Lưu không nói thật ra nguyên nhơn chánh của do dự của chàng mà chỉ thổ lộ nguyên nhơn phụ thôi, nhưng Liễu ngỡ vừa được biết vì sao mà người con trai nầy đang tiến, lại dừng chơn một cách đột ngột và khó hiểu như thế.
Nàng bỗng đâm ra nghĩ ngợi nhiều về ưu thế của nàng, ưu thế nầy lại có thể biển thành một chướng ngại tai hại cho nàng.
Lưu cũng thình lình bắt đầu nghiền ngẫm vấn đề mà trước đây chàng cho là phụ thuộc.
Một ông tỷ phú không thích gả con cho một gia đình tối tăm. Mà tai hại hơn nữa là ông tỷ phú ấy đã sa sầm nét mặt xuống khi lo ngại chàng biết cái gì về gia đạo của ông.
Chàng có thể là kẻ biết quá nhiều trong con mắt của ông.
- Em nè!
- Gì hả anh?
Liễu đã nuốt trôi từ lâu miếng bánh hỏi và đôi bạn lẳng lặng ăn như thường.
- Ba có bao giờ hỏi em về anh không?
- Anh lo sợ cái gì?
- Không biết.
- Ba tốt lắm. Ba cũng không có thói quí phái. Ba xem người giàu với người nghèo cũng như nhau.
- Không, anh không hỏi điều đó. Ba có hỏi gì khác về anh không?
- Có.
- Ba hỏi gì?
- Ba hỏi em quen với anh trong trường hợp nào?
- Em trả lời làm sao?
- Thì em nói sự thật chớ sao.
- Với tất cả chi tiết?
- Không, em chỉ nói rằng anh có cô em gái dưỡng bịnh trên ấy, anh đi thăm cô đó, còn em thì đi thăm bà nội lớn, và vì vậy mà hai đứa quen nhau.
Hình như là anh sợ em nói chi tiết ra. Sao vậy? Giữa anh với em, ta có làm gì tội lỗi đâu.
- Không, không phải chi tiết về tình bạn giữa đôi ta. Chi tiết về... a... ơ... về cuộc quen biết nhau giữa ta.
- Em chỉ nói thế thôi, không biết như vậy có phải là chi tiết hay không.
- Em có nói rằng anh đã vào thăm bà nội lớn chăng?
- Không.
- Và kể lại câu chuyện với ba, em có dùng danh từ “bà nội lớn” hay không?
- Có, vì em quen miệng, nên nói ra một cách bất giác. Nhưng có gì đâu!
- Ừ, không có gì hết. Anh chỉ hỏi vậy thôi.
- Anh không thành thật với em. Em thấy rõ là anh lo lắng về vụ ấy lắm.
- Không mà!
Lưu rửa nắp bình thủy bằng nước trà đến năm bảy lượt rồi mới rót nước cho bạn. Liễu rót lấy chén nước ứng dụng ấy và cười nói:
- Ăn cay rồi uống nước nóng thì xé miệng.
- Người Ấn Ðộ họ ăn uống như vậy từ ngàn đời rồi mà miệng họ vẫn tốt, bằng cớ là họ nói lia lịa, nghe không muốn kịp.
Đôi bạn cười xòa với nhau rồi quên được lo nghĩ, băn khoăn của họ.
Lưu đề nghị:
- Anh có tật ăn trưa rồi thì buồn ngủ liền. Nhưng nếu ngủ ở đây, lát nữa bóng mát xê đi xa chỗ khác thì ta sẽ bịnh chắc chắn. Vậy ta về ngay em nhé.
- Nhưng buồn ngủ thì có lái xe vững hay không nè?
- Bận lái xe, dễ chống lại với cơn buồn ngủ hơn là ngồi không. Về nhà lại được ngủ liền.
- Tùy anh vậy.
Ðôi bạn thu xếp để ra về.
° ° ° ° °
Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam các bực cha mẹ vẫn có làm quảng cáo cho con họ, đúng y như Lưu đã nói.
Ðây là lần đầu tiên mà Liễu được biết điều đó.
Nàng lại có dịp nghiên cứu nghệ thuật quảng cáo của của các cụ nữa. Cuộc quảng cáo nầy chia ra làm hai lối quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.
Bà tham sự Kiều, ông chồng làm chánh sự vụ ở một Nha lớn kia, trình diện ái nữ của bà với ông bà chủ nhà thế nầy:
- Đây cháu của anh chị đây. Mặc dầu nó học Dược khoa nhưng anh chị muốn ăn bánh ngon thì cứ điện thoại cho nó. Nó nghiên cứu bánh như là nghiên cứu thuốc, nghĩa là cẩn thận lắm. À anh chị nè, nó chế được một thứ thuốc ho thần hiệu, năm tới ra trường, tôi không mở nhà thuốc mà chỉ mở viện bào chế thôi, và nội cái thứ thuốc ho đó, đủ ăn tiền rồi, tuy nhiên nó sẽ làm đại lý độc quyền và mua bằng bào chế của một viện bào chế danh tiếng của Tây Ðức.
Con út của bà Ðốc Phủ Tấn không có bằng cấp gì hết ráo thành thử bà khoe hàng như một hiệu may áo kia: “Đây, các cô ca sĩ X, cô ca sĩ Y, đều may áo tại hiệu tôi”.
Đó là quảng cáo gián tiếp, cáo mượn oai hùm. Bà nói:
- Rất tiếc là con Thu của tôi nó phải đi lấy chồng nên không thi thố gì được.
- À, té ra cháu đã có nơi rồi? Chừng nào chúng tôi được uống rượu đó chị?
- Cũng chưa biết. Vợ chồng tôi đang điên cái đầu không biết chọn cậu nào. Tới ba ông bác sĩ, hai ông dược sư, một ông kiến trúc sư, tất cả đều học bên Tây về, thử hỏi vợ chồng tôi còn biết đâu mà ừ với lại không?
Bà Long, mẹ của Liễu cũng không kém quỷ quyệt. Bà thở dài rồi than:
- Chỉ có con Liễu của tôi là ế chồng! Ai mà thèm cưới nữ họa sĩ.
- Chị nói chớ...
- Nó chỉ nổi danh bên Tây thôi. Báo gì ấy có chụp hình của nó nữa, chụp chân dung nó và tranh của nó. Nhưng ở nước nhà coi bộ hổng ai hoan nghinh nghệ sĩ hết. Người ta cho học bổng để nó đi La Mã, nhưng tôi nhớ nó, không đành để cho nó nhận. Với lại thôi, học bổng thì mình nên nhường cho con nhà nghèo.
Bà kỹ nghệ gia Quan, ở đại lộ Trần Hưng Đạo, treo giải thưởng hẳn hòi:
- Mại dô! Con gái tôi, hễ bác sĩ cưới nó thì sẽ được một biệt thự và một chiếc Mercedès, còn dược sư thì tôi mở dược phòng cho, ở một chỗ rất tốt, có thể sang ngay một cái tại đại lộ Lê Lợi nữa, phố ba từng, dưới bán trên ở, và lẽ dĩ nhiên cũng có xe hơi, luật sư sẽ có văn phòng gần kề tòa án, xe hơi chọn kiểu nào tùy thích, còn kỹ sư thì tôi mở kỹ nghệ cho mà khai thác, khỏi phải làm việc, ăn không bao nhiêu lương.
Các cô hổ thẹn rút lui lần lần, có cô thẹn thật sự như Liễu, có cô rất hãnh diện trông thấy nhưng vẫn làm bộ thẹn, để coi cho đươc.
Liễu tần ngần khi nhớ đến thành kiến của Lưu về con gái nhà giàu. Quả thật nhà giàu khó ngửi, mà cả con họ, thuộc thế hệ nầy, đáng lý gì phải tiến bộ hơn cha mẹ, nhưng Liễu thấy rằng rất nhiều chị cũng nặng mùi trưởng giả ghê lắm.
Nàng nhập bọn ngay với một đám thanh niên vì nàng vừa nghe được một câu rất ngộ nghĩnh của một cậu trong đám ấy:
- Có tủi thân giáo sư hay không tụi bây? Các cụ chỉ nhắm bác sĩ, kỹ sư, luật sự, dược sư, còn mấy thằng godautre [36] đừng hy vọng gì nghen cậu Nghĩa!
Nghĩa cười ha hả mà rằng:
- Nhưng mầy là Quốc gia hành chánh sư, sẽ làm ông Quận trưởng, ông Tỉnh trưởng mà vẫn bị họ bỏ quên như thường.
- Chỉ tội cho tôi, không sư mà cũng không sĩ. Thú y gọi là gì tụi bây?
- Là thú y chúa. Chúa oai hơn sư và sĩ nhiều lắm.
Thấy Liễu bước tới, tất cả đều nghiêng mình thi lễ rồi nhường cho nàng một chỗ đứng vì họ đứng sát nhau thành một vòng tròn.
- Các cụ quảng cáo không thua gì hãng kem đánh răng Perlon, phải không các anh? - Liễu nói.
- À, chị nầy chơi được. Chị chống sĩ và sư?
- Tôi không chống ai cả, chỉ chống quảng cáo thôi.
- Thì đồng chí vậy. Nè, chị có thấy con gái nhà giàu của ta học Dược nhiều quá hay không? Nãy giờ tụi tôi đếm có tới tám cô Dược tất cả.
- Hình như thế. Nhưng các anh lại không học Dược à?
- Đâu có, đêm nay chỉ có một anh Dược thôi, đằng kia. Và chị vào Dược khoa đếm thử xem có phải con gái đi Mercedès đông hơn con trai đi vết-pa [37] hay không.
Sự nhập bọn bất ngờ của Liễu khiến cho mấy thanh niên nầy đoán rằng nàng là nữ sinh viên nên họ mới thân mật với nhau mau lẹ như vậy, và nãy giờ tuy Liễu chưa hề khoe “chức tước” của nàng ra, họ cũng thấy rằng quả nàng là “đồng chí” của họ.
- Nhưng nào có hại gì, cái việc đó?
- Chị cũng Dược nữa sao?
- Không. Nhưng tôi binh vực cho công lý.
- Cong lý thì có. Cong chữ O không có đội mũ.
- Sao vậy? Sao lại CONG?
- Vì lý của chị không ngay.
- Thế nào mới ngay?
- Thôi chị nầy không phải tụi mình rồi tụi bây ơi. Chị trường nào cái đã nè?
- Cao đẳng Mỹ thuật.
- À ra vậy. Hèn chi...
- Hèn chi làm sao?
- Hèn chi mà chị không là “đồng chí” của tụi nầy. Nhưng hoan hô Cao đẳng Mỹ thuật cái đã. Xin cho biết quí danh.
- Liễu.
- Hân hạnh, toàn thể hân hạnh đón chào chị. Và xin báo trước cho chị rõ rằng chúng tôi không có tên trong cái danh sách của bà cụ kia thảo ra, danh sách bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư. Chị thì có lẽ cóc cần nên mới nhập bọn, nhưng coi chừng bà cụ của chị.
- Má tôi không là “đồng chí” của các bà kia.
- Càng hay.
- Sao chúng tôi chỉ mới gặp chị lần đầu?
- Là vì đây là lần đầu tôi “ra ngoài xã hội”.
- Chúng tôi đoán rằng chị sẽ đi xa lắm.
- Gì làm cho các anh nghĩ như vậy?
- Trong một buổi tiếp tân, kẻ nào lạ mặt mà tìm bạn được ngay là kẻ đó sẽ oanh liệt.
- Và rất mong gặp chị. Một người con trai khác nói như vậy.
- Tôi cũng mong được gặp lại các anh. Nhưng các anh nhiều thành kiến lắm.
- Về vấn đề gì?
- Về vụ con gái học Dược.
- À, chị nầy muốn gây sự đây. Sao chị binh họ vậy?
Một mâm bánh, rượu mạnh và nước ngọt được bưng đến. Một thanh niên lấy một chiếc bánh caviar trao cho Liễu rồi hai tay hắn cầm lên hai ly coca-cola, mà một, hắn để dành cho người bạn gái mới của họ.
Tất cả đều cắn miếng bánh đầu, bận nhai, nên chỉ có một cậu kêu lên:
- Trời, caviar còn mặn hơn mắm nêm của ta nữa!
Liễu đã nuốt miếng bánh của nàng. Nàng đáp:
- Tôi không thấy học Dược là bậy ở chỗ nào hết.
- Chúng tôi cũng vậy.
- Nhưng các anh đã kín đáo chế giễu mấy chị học Dược.
- Nè chị biết không, con gái nhà giàu mà học Dược thì rất hạp với sở thích của... cha mẹ họ.
- Ừ, thì đã sao chớ?
- Mà không lẽ bao nhiêu cô ấy đều là con hiếu thảo cả.
- Ừ, rồi sao nữa?
- Mà cũng không lẽ bao nhiêu cô đều thích Dược cả.
- Ừ, rồi sao hả chớ?
- Thế nghĩa là... ơ... hơ... hơ các cô đều ham làm nhà buôn cả.
- Làm nhà buôn có tội tình gì?
- Đâu có. Nhà nước của nước nào cũng cho phép hoặc khuyến khích làm nhà buôn cả, trừ thế giới cộng sản ra. Nhưng nếu đi học cho nhiều vào để rồi làm nhà buôn thì tưởng nên học Cao Đẳng Thương Mại Ba Lê thì hơn.
- Nhưng nếu không có ngành Dược thì làm thế nào?
- Thì chạp phô bán thuốc như bên Huê Kỳ. Dược chỉ bào chế thôi.
- Tại ta bắt chước Pháp thì biết sao giờ.
- Tôi thì tôi biết làm sao.
- Anh làm sao?
- Tôi không học Dược để rồi làm nhà buôn.
- Thôi dẹp lại, tao băn khoăn về ấn tượng trọng đại nầy lắm, một thanh niên nói.
- Cái gì đó?
- Tại sao ai cũng Sư hết mà bác sĩ lại là Sĩ.
- Vậy từ đây tao phong đại cho bác sĩ chức bác sư là mầy hết mất ngủ.
Thình lình Liễu nói:
- Xin lỗi các anh, tôi vừa thấy một người bạn gái. Các anh cho phép?
- Chị cứ tự tiện.
Tất cả đều nhìn theo người con gái mà cậu nào cũng thích cái phong cách đặt biệt cả.
- Khá lắm!
- Tụi bây biết thuộc gia đình nào không?
- Bồ biết hả?
- Ừ, con của ông Đức Long đó.
- Nhà tỷ phú Ðức Long?
- Ừ.
- Nhưng sao lại khiêm tốn và dễ thương đến thế?
- Tại còn học trò thì người ta em nhỏ như vậy, chớ ra đời rồi, hay lên mạng phụ phu nhân rồi, biết đâu người ta lại không hách một cây.
- Mấy cô đằng kia cũng học trò, nhưng cái bộ khinh khỉnh thấy mà bắt ngán. Không, hễ ai khiêm tốn thì khiêm tốn từ trong bụng mẹ khiêm tốn ra, còn ai kiêu hãnh lên ba đã kiêu hãnh.
° ° ° ° °
Mười hôm liền Lưu không tới thăm Liễu, không phải vì Bích đã về nhà hôm thứ tư ấy. Quả chàng bận mừng em, và cả nhà không muốn ai đi vắng lâu cả. Nhưng cũng vì chàng để xem sao. Chàng tin rằng rất có thể một cuộc gặp gỡ rất là hay ho đã xảy ra trong đêm tiếp tân mà cả nhà Liễu đều đi dự.
Ðể xem Liễu còn nhớ đến chàng hay không. Mặc dầu rất sợ Liễu tới nhà, chàng cũng mong Liễu tự ý tới. Nếu nàng tới là không có gì thay đổi cả. Bằng không? Có lẽ chàng sẽ đau ghê lắm, nhưng rồi cũng lết đầu vào đại lộ Hàng Thị, cũng chỉ để... xem sao.
Ừ, con người tò mò như vậy, nhứt là Lưu. Họ biết rằng họ sẽ chứng kiến những điều làm cho họ đau, nhưng họ vẫn ưa thấy tận mắt điều ấy, thà là đau còn hơn là cứ mơ hồ về điểm mà họ hồ nghi.
Lần lánh mặt trước của Lưu đã kéo dài đến hai tuần lễ, vậy mà biết địa chỉ của chàng, Liễu không ham tìm bạn như lần nầy. Lúc đó, nàng không có lý do để mà đến, đối với Lưu, nàng lại sợ mẹ của Lưu thủ cựu rồi khinh rẻ nàng chăng?
Lần nầy lý do đã có, tuy hơi bấp bênh bởi có thể Bích đã về rồi, mà cũng có thể chưa. Nếu Bích chưa về thì khi bà cụ hỏi tìm ai, thật là không biết nói sao. Phải có người cho nàng tìm thì mới ổn, mà cái người ấy phải có mặt để nhìn nhận nàng mới xong.
Vì vậy mà nàng cũng để mười ngày trôi qua, nhưng trong khi Lưu không muốn tới nhà nàng thì nàng lại nóng lòng tới nhà Lưu.
Đến hôm thứ mười, nàng suy luận: “Xem nào! Nếu chị ấy không về bữa thứ tư, thì cũng về ngày chúa nhựt, mà nay là thứ tư của tuần sau đó rồi thì hẳn chị ấy phải về rồi, nếu chị ấy không điên trở lại. Mà xem ra chị ấy không điên trở lại đâu”.
Thế rồi nàng sửa soạn sáng hôm sau thứ tư để đi Hiền Vương.
Liễu mặc ta không được đẹp bằng mặc đầm, nhưng nàng thấy rằng không nên “mới” trong một gia đình có lẽ thủ cựu. Và nàng đi bằng Taxi chớ không dùng xe nhà.
“Lạ quá!” Liễu nghĩ bụng, khi xe đừng lại trước một căn nhà cách hiệu ba-da của má Lưu hai căn, vì xe qua khỏi hiệu rồi, nàng thấy bảng hiệu, mới bảo tài xế ngừng lại. Lạ quá! Hình như đô thành cấm cất nhà hẹp dưới bốn thước. Ở trong xóm, người ta làm đại, chớ ở đây mặt tiền đường, nhà lại mới cất, thì sao mà nhà nào cũng hẹp quá, chỉ độ ba thước bề ngang thôi.
Nàng nghĩ tới đây thì đã bước tới của hiệu rồi.
Tủ kiếng cao, kê sát hai bên vách. Tủ kiếng năm mặt, thấp, giữa nhà. Đường đi vào, ở hai bên cái tủ thấp năm mặt kiếng ấy, cỡ một người quá mập, vào không lọt.
Cuộc buôn bán rất là bơ thờ vì hàng ba-da không chạy như hàng chạp phô, mặc dầu Lưu đã cho nàng biết rằng cha chàng là một tiểu công chức về hưu, có hưu bổng, chỉ buôn bán thêm cho vui, Liễu cũng thấy rằng họ khá bẩn chật.
Một người đàn bà tóc hoa râm ngồi sau cái tủ kiếng thấp năm mặt giữa nhà, mắt đeo kiếng già xệ xuống, đang đọc một quyển sách gì thật mỏng để trên mặt kiếng.
Nàng bước vào, bà ấy ngẩng lên. Nàng nghiêng mình thi lễ, bà chủ hiệu đáp lễ lại rỗi hỏi:
- Cô mua gì hả cô?
- Dạ con tìm chị Bích.
Bà già này hơi ngạc nhiên rồi hỏi:
- Xin lỗi, cô là ai?
- Dạ con là bạn của chị Bích.
- Vậy à! Có thân lắm không?
- Dạ rất thân.
- Nếu vậy cháu cứ đi thẳng lên lầu. Chỉ có một mình nó trên ấy thôi.
Liễu mừng quá, mừng vì không bị việt-vị [38], nên vội chạy vào trong, quên nói gì nữa, vả nàng cũng chẳng biết phải nói gì.
Trong khi đó thì bà cụ réo vói lên:
- Bích ơi, có bạn sắp lên thăm con đó!
Liễu chỉ nghe Bích “dạ” một tiếng chớ không có hỏi thêm gì, nhưng nàng nghe tiếng chơn không guốc dép, chạy mau ra thang lầu.
- Chị Liễu!
Liễu mới leo lên được có ba nấc thang là Bích đã ra tới nơi, nhận diện được nàng và kêu lên thế.
- Chị Bích! Trời, nhớ chị lắm.
- Tôi cũng trông đợi chị ghê đi.
- Chị về hồi nào?
- Hôm thứ tư ấy.
Họ đã gặp nhau tại cầu thang lầu và Liễu ôm chầm lấy Bích mà nói:
- Nhớ lắm.
Nàng nhớ lắm thật, nhưng nhớ người con trai ruột rà với cô nầy, chớ nhớ cô ta không bao nhiêu đâu.
Bà già má bỏ tiệm, chạy lên lầu để chứng kiến cảnh ấy. Bà cười, rất bằng lòng mà thấy con bà vui, quên mất ngạc nhiên trước người bạn thân và cử chỉ rất thân của nàng, thân mà từ thuở giờ bà chưa hề thấy tới đây lần nào cả.
Bà hỏi:
- Té ra cháu Liễu có đi thăm Bích trên nhà thương và biết ngày về của Bích?
- Thưa bác có, cháu có lên trên ấy.
- Thôi chị em vui với nhau đi.
Nói rồi bà vội chạy xuống nhà kẻo có khách không ai tiếp.
Liễu nói:
- Tôi muốn ra đây lâu lắm rồi, nhưng không chắc chị đã về.
- Chớ anh Lưu không có cho chị hay sao?
- Từ chúa nhựt đó tới giờ ảnh biệt dạng luôn.
- Ðược, để chúa nhựt, tôi bắt ảnh chở đi thăm chị.
Căn lầu giống y như dưới nhà, chỉ có khác là phía trước có hành lang lộ thiên. Phía sau, nhà bếp được cơi [39] lầu thành một buồng nhỏ, Liễu đoán rằng đó là buồng của Lưu, vì ở đây có hai giường, mà một đang bề bộn, bừa bãi đồ thêu may, đồ đan len, thì chắc là Bích ở ngoài với cha mẹ.
Buồng nhỏ dính với trong nhà bằng một hành lang có nóc nhưng không vách. Cửa sổ buồng mở lớn nhưng cửa chánh thì được khóa lại bên ngoài, chìa khóa còn nằm trong ổ khóa. Như vậy là Lưu không có ở nhà.
Liễu nghe buồn và thất vọng, mà không được biết lòng dạ Lưu có thay đổi chăng, bằng được vào lối chàng tiếp đón nàng hôm nay, nếu chàng có ở nhà.
- Chị còn đi học hay không, Liễu hỏi.
- Tôi nghỉ học lâu rồi, từ ngày đậu Trung học, tức từ ba năm nay. Ở nhà để học nấu ăn với lại may vá ấy mà!
Bích vừa nói vừa cười, chế giễu thầm lặng sự chuẩn bị làm dâu của nàng, chuẩn bị khổ công như thế mà cũng chẳng được làm dâu. Các cụ không hay rằng đời đã thay đổi nhiều lắm rồi, và con trai chúng nó tìm cái khác hơn là tài nấu ăn, tài may vá.
- Ðể rồi tôi cũng phải học, nhưng tôi học với chị.
Liễu nói.
- Tôi lại nghĩ rằng không biết có lợi hay không, những trò nầy. Ðời nay thợ may, thợ làm bánh, thợ nấu ăn nhiều quá, coi bộ không ai cần nội trợ nữa.
- Nhưng đâu có thợ làm mẹ.
Bích kinh ngạc trước sự thật lớn ấy mà nàng không dè lại được thốt ra từ miệng một thiếu nữ nhỏ hơn nàng đến hai tuổi.
Nàng lại nhìn Liễu, cười thương mến và thấy rằng anh nàng chọn khéo lắm. Liễu đẹp không chỗ chê, còn ít tuổi như vậy lại có được một quan niệm mà rất hiếm người con gái thời nay có.
- Chị biết hôn, Liễu lại thêm, nấu ăn và may vá, riêng nó, không cần lắm. Nhưng đó là một kỷ luật để luyện con người như bao nhiêu là kỷ luật khác.
- Ừ, chị nói đúng lắm.
- Anh Lưu đâu rồi?
- Ảnh đi “cua” [40].
- À, tôi quên mất, tôi cúp cua và ngỡ ai cũng cúp cua hết.
- Chị học Cao đẳng Mỹ thuật có thích không?
- Ai nói cho chị biết trường tôi?
- Anh Lưu chớ ai.
Liễu mừng quá. Té ra Lưu có nói đến nàng, không biết chỉ nói riêng với Bích hay là cho cả nhà nghe.
- Chúa nhựt chị vô tôi hén? Nàng hỏi mà như đòi.
- Hứa chắc, Bích đáp giọng quả quyết.
- Nên vô vào buổi sáng. Xế lại, tôi ra đây rồi ta cùng đi xi-nê nhá.
- Ðược.
- Nếu anh Lưu cũng đi càng hay, bằng không, chị em ta đi riêng vậy.
- Ðể tôi rủ ảnh đi.
- Ừ, thử rủ coi. Nhưng tôi chắc chị thất bại.
- Sao vậy?
- Ảnh không hề mời tôi đi xi nê lần nào cả. Tôi chắc ảnh muốn tránh việc ấy.
Bích hơi ngạc nhiên. Nàng cứ ngỡ Liễu là nhơn tình của anh nàng. Té ra họ chỉ là bạn thật sự với nhau thôi mà chưa thân nữa.
- Nè, Liễu lại nói. Chưa chắc ảnh sẽ chở chị đi. Vậy chị nên biết địa chỉ là hơn. Tôi ở nhà số 45, tại đầu cầu phía bên Gia Định, chỗ gặp nhau của hai đầu đường Hàng Thị và Hàng Sanh.
- Xanh hay Sanh?
- Sanh. Tôi thấy nhật trình họ viết là Hàng Xanh nhưng thật ra là Hàng Sanh. Thuở tôi còn bé, cây Sanh trồng ở hai bên đường chưa bị đốn, tôi có thấy cây ấy.
- Nó ra thế nào hả chị?
- Đó là một loại cây to nhưng lùn, tàng lớn lắm, rất mát đường.
- Nghe đâu là đường Hàng Sanh nên thơ lắm hả chị?
- Có lẽ, nhưng giờ họ đốn mất cả rồi. Hình ảnh của đường Hàng Sanh thật, của thời thơ ấu của tôi, giờ lờ mờ quá, tôi không hình dung rõ được. Ở chơi lâu, có bị rầy hôn chị?
- Ðâu có.
- Má không khó tánh hả?
- Không.
- Còn ba. À, ba đâu rồi?
- Ba đi chơi. Bạ cũng dễ tánh như má, nhứt là đối với bạn hữu của tụi nầy.
- Anh Lưu nhiều bạn không chị?
- Ít. Hay có, mà bạn thân thì ít lắm.
- Còn bạn gái?
- Tôi không thấy ảnh có bạn gái nào khác hơn chị. Có lẽ cũng có, mà là bạn học, không thân, không có chị nào tới đây hết.
Liễu muốn gợi chuyện để biết thêm về Lưu, mặc dầu nàng ý thức rằng rất nguy hiểm cho Bích mà nhắc tới bạn hữu của Lưu vì Bích là nạn nhân của một người trong đám bạn ấy.
Nàng hối hận quá, khi thấy Bích chau mày trước câu hỏi: “Anh Lưu nhiều bạn không chị?”
Nàng thấy mình khốn nạn quá mà đã thất hứa với với Lưu, đã phản bội cam kết của nàng. Nhưng biết sao giờ, nếu không đi bằng lối ấy thì không thể nào đến đích được cả. Không lẽ đột ngột hỏi ngay về bạn gái của Lưu.
- Chị ăn mứt nhá? - Bích mời.
- Hoan nghinh, nếu là mứt của chị làm.
- Mứt chùm ruột, chính tay tôi làm. Vậy chị ngồi đây, để tôi xuống...
- Không, tôi xuống nhà với chị, rồi ta ở dưới luôn.
Đôi bạn gái cùng xuống thang lầu.
Má của Bích bỏ sách quay lại nhìn con và bạn của nó. Con bà ít bạn, nên bà quí những đứa bạn hiếm hoi tới chơi ở đây. Bà hỏi:
- Sao hai đứa không ở trển cho tự do, xuống đây làm gì?
- Chị Liễu đòi ăn mứt má à!
- Cái con nầy! Lại nói thêm nói bớt cho bạn. Nó làm gì biết mầy có mứt mà đòi. Họa may là mầy khoe tài thì có.
Hai chị em cười rúc rích với nhau rồi đi luôn xuống bếp.
Bây giờ đã mười giờ rồi và bà bếp đang nấu ăn.
Cái hành lang trên lầu, đưa ra buồng nhỏ là nóc của hành lang dưới nhà. Nơi hành lang nầy có đặt bàn ăn mà Liễu đoán rằng đây là buồng ăn của gia đình nầy.
Đôi bạn ngồi lại bàn và Bích nói:
- Cho hũ mứt của tôi đi bà Tám, với lại hai cái muỗng cà phê.
Liễu bỗng dưng đâm ra thèm nghèo, hay nói cho đúng ra, đâm ra thèm chỉ đủ ăn như nhà nầy.
Cái giàu của nàng là một trở ngại, còn sự không giàu ở đây, lại không có gì khổ hết thì thà là chỉ khá giả như họ mà hơn. Nếu nàng không giàu, có lẽ Lưu đã tiến xa rồi.
Nàng nhớ có đọc một thiên hồi ký của một bác thợ may kiêm văn sĩ, bác thợ ấy kể chuyện được gọi tới may y phục cho hoàng thái tử Bảo Long tại Sàigòn năm xưa.
Ông hoàng thái tử ấy hỏi bác ta khi nghe bác ta nói đến tĩnh từ “nghèo”:
- Nghèo là làm sao anh thợ?
Không là hoàng thái tử trong cấm cung, Liễu vẫn chưa biết nghèo là thế nào cả, mà cho đến cuộc sống trung lưu như ở nhà nầy nàng cũng chưa hề biết.
Quả nàng có đi ngang qua những xóm nghèo, đã thấy những căn nhà tôn, những căn nhà lá tồi tàn, nhưng nàng không chú ý tới và không thấy bên trong họ sống thế nào.
Đây là lần đầu mà...
Bà Tám nấu bếp đã đem các thứ lại. Bích mở nắp cái hũ bằng sứ trắng ra rồi đôi bạn thọc muỗng vào trong đó mà múc mứt.
- Ngon chớ, Liễu ăn trái đầu rồi khen, chị làm đâu có thua gì thợ. Mứt họ bán cũng y hệt như vầy chớ không hơn chút nào hết.
- Tại món nầy dễ làm lắm!
Ðây là lần đầu mà nàng vào sâu trong cảnh thân mật của một gia đình không giàu.
Nghèo chắc khổ lắm, nhưng sống trung lưu thì nàng chịu được và sẵn sàng hòa mình với gia đình bạn nầy.
Trong giây phút, Liễu có cái ý ngông nầy, không phải là ý riêng của nàng mà là ý trong các tiểu thuyết lãng mạn rẻ tiền mà nàng đã đọc được và đã chịu ảnh hưởng phần nào, cái ý bỏ cả giàu sang của nàng để “đi theo tiếng gọi của tình yêu”.
Lần đầu tiên nàng đọc loại tiểu thuyết ấy, nàng thấy như vậy là đẹp lắm, không có mối tình nào cảm động hơn được. Cô bé chăn cừu mơ vị hoàng tử đẹp trai, giấc mơ ấy pha trộn với giấc mơ của nàng công chúa mơ anh chăn cừu. Ðó là kết quả của mặc cảm giai cấp, mặc cảm của con cháu nhà giàu mà sinh tư tưởng xã hội.
Nhưng mặc cảm ấy càng giảm theo thời gian thì theo thời gian giấc mộng lãng mạn đó cũng bớt nên thơ đi.
Nhưng hôm nay, những dấu vết in đậm vào tiềm thức buổi thiếu thời của Liễu lại lộ rõ lên như là một thứ mực bí mật kia lộ ra dưới một hóa chất gây phản ửng.
Liễu đã thừa tự thực chất thực tế bên ông nội của nàng nhưng đồng thời cũng thừa tự dòng máu nghệ sĩ của phía bà nội của nàng, nên nàng chỉ mơ yêu vừa chừng, theo lý trí, mà khi tình yêu có đối tượng rồi thì nàng lại có khuynh hướng si mê.
Thế nên giấc mơ của nàng công chúa bỏ cả giàu sang, lầu son gác tía, để đi theo anh đốn củi có tấm lòng vàng, giấc mơ trẻ con của nàng hồi bốn năm trước sống dậy thình lình với tất cả màu sắc tốt tươi rực rỡ của nó.