ấy tiếng chim hót sau vườn, dài và trong trẻo.
Tâm đứng dạy mở cửa trông ra. Ánh bình minh có một vẻ đẹp khác thường sau mấy trùng núi biếc. Những vùng cây hỗn độn trong sương hồng tía là những hình ảnh mới lạ, như ở tận đâu hiện lên đêm vừa rồi. Ruộng lúa và đồi núi chung quanh sạch sẽ như mới gột rửa.
Tâm vươn vai, sung sướng, thấy lòng cởi mở ra trước cái buổi sáng rực rỡ tốt lành kia.
Anh lấy cái áo trắng dài mặc cho đỡ lạnh, rồi chạy lên phía đồi cạnh nhà, miệng nở tươi, tâm hồn phơi phới xác thịt khoan khoái được tắm trong thứ gió dịu ngọt và tĩnh mịch của cảnh thiên nhiên này.
Anh không đi trên lối đường đất nhõ, cứ lăng băng để cho đôi guốc nhẹ dẫm tan từng đám mạng nước chăng trên nền cỏ non. Đế guốc mộc trắng phau vì được chùi sạch trên tấm thảm xanh ướt.
Đứng trên đỉnh đồi. Tâm nhìn xuống làng Nưa Tóc bé nhỏ trong đám cây lá chen xít giữa quãng đồng rộng mênh mông. Vài ngọn núi đá xanh lẫn với màu sương trên các mái nhà. Tiếng gà gáy sót, tiếng vịt ngỗng ỉ eo đưa vang đến tai Tâm.
Một cái suối nhỏ chảy vờn chân đồi. Anh nhoẻn cười, liếc nhìn bầu trời mỗi lúc một xanh thêm, một tươi thắm hơn lên và lắng nghe tiếng nước reo không ngớt. Rồi anh chạy xuống bờ suối, thọc tay xuống tận đáy trong vắt quờ nhặt những đá cuội đủ các màu. Một dòng nước nhỏ chảy rẽ sang một bên tới một cái lều con, cách đó chừng ba chục bước. Trong lều đưa ra những tiếng kẽo kẹt nhịp theo những tiếng đập êm và đều. Anh biết đó là một cái cối giã gạo chạy bằng sức nước như anh thường thấy ở đây.
Tâm chạy lại đứng bên lều, chăm chú nhìn cái máy móc cổ sơ kia và ngẫm nghĩ đến cái đời thong thả bình thường của người Thổ.
Thực là một đời giản dị mà sung sướng, sản vật thiên nhiên dồi dào, sự cần dùng cũng ít, công việc cày cấy không vất vả lắm. Rồi đến lúc được thóc thì đã có suối nước đến giã gạo hộ người.
Anh lại gật gù, và hứng khởi đầy lòng, anh lẩm bẩm nói một mình bằng tiếng Pháp:
- Ở đây sự sống mới đáng yêu làm sao! Người ở đây họ có biết là sung sướng? Ô! Những người mộc mạc, những tâm hồn mộc mạc!
*
Bỗng một tiếng gọi đằng sau khiến Tâm quay lại:
- Kìa thầy giáo! Thầy giáo đi chơi sớm thế!
Trên bờ suối bên kia, một cô gái Thổ xinh tươi đang bước lại gần, cô mặc bộ quần áo chàm gọn ghẽ, thắt ở ngang lưng, trên vai cô đeo một cái “dậu” (một thứ thúng có hai quai) treo ở đầu đòn đằng trước, miệng vẫn tươi nở và đôi mắt đen láy nhìn Tâm cũng tươi cười.
Lúc tới bờ suối, cô với một tay xuống kéo hai ống quần để lội qua. Hai chân trắng khoa dưới nước suối như đôi chân ngọc. Tâm sững sờ không nói. Cái tiếng gọi đột nhiên lúc nãy, cái thân hình kiều diễm với khuôn mặt sáng sủa bây giờ với cái tình thế khác thường anh gặp cô ta trong lúc cả buổi sớm mai huyền ảo dưới sương hồng nắng dịu; tất cả mọi sự đều như hoa mỹ văn vẻ theo một nhịp thơ.
- Thầy giáo vừa rồi nói chuyện với ai thế?
Đôi mắt của cô lại ra chiều hỏi tiếp câu hỏi vừa rồi. Một câu hỏi yên lặng mà Tâm tưởng đoán đựơc ý nghĩa. Anh cũng mỉm cười đáp:
- Tôi ấy à?! Không? Tôi nói một mình thôi.
Rồi anh lại tiếp luôn:
- Tôi thì còn có ai mà nói chuyện với nữa.
- Thiếu gì? Chỉ sợ không có người đáng được nói chuyện với thầy giáo thôi.
Câu ấy khiến Tâm êm dịu cả tâm hồn. Anh biết rằng đấy là khởi đầu một câu chuyện thơ ngây êm đềm, từ đó vang dậy những cảm tình man mác, nhẹ nhàng và chân thực. Anh chân thực trả lời:
- Không cô ạ. Tôi lên đây chẳng biết ai cả, ở một mình cũng chán, chỉ ước được một người bạn gái ở chung cho vui.
- Người bạn gái à? Người ấy không biết là ai, thầy giáo nhỉ?
Tâm cười và lặng im.
Cô Thổ đã sang bờ bên này và đi đến bên cái cối gạo. Tâm thấy trong “dậu” có thóc thì hỏi:
- Cô đem thóc đến cho vào cối phải không?
- Vâng. Em đem thóc cho vào cối đấy. Em đổi chỗ thóc này lấy chỗ kia đem về. Chắc ông không biết em. Em là chị của Minh, học trò ông ấy mà!
- Thế ra cô là cô Thơ phải không?
- Vâng, em là cô Thơ nhưng sao ông giáo biết?
- Tôi hỏi chuyện Minh nên biết. Trước cô có đi học, sao bây giờ lại thôi?
Thơ cười nụ:
- Vì em lớn rồi. Em thôi học từ năm ngoái, trước khi ông giáo đổi về đây cơ. Lớn rồi, đi học em thẹn quá.
- Nhưng sao lại thẹn?
- Là vì em thẹn.
Câu chuyện cứ dớ dẩn như thế, nhưng cũng làm Tâm ngây ngất lòng. Anh thấy cô Thổ cười nói tự nhiên, và vì thế vẻ đẹp cô lại trong sáng thêm, nên không e ngượng như lúc mới gặp. Anh say sưa khen
- Cô Thơ! Cô đẹp quá!
Thơ không đáp, cúi xuống dựng cần cối lên đổi mẻ thóc; một lát sau cô đứng lên.
Cô nhìn Tâm và hỏi:
- Ông vừa nói ông muốn có bạn gái cùng ở với ông à? Thế mà em cứ tưởng ông chỉ muốn ở một mình thôi.
- Sao cô lại tưởng thế, cô Thơ?
- Vì em chẳng thấy ông vào làng chơi bao giờ, cũng chả thấy ông cười nói mấy khi. Em vẫn biết ông là thầy giáo của Minh, em cũng trông thấy ông luôn, nhưng em thấy ông trang nghiêm quá. Em đến ở với ông nhé, có được không?
Tâm như được một lời hứa hẹn, ân ái, mừng rỡ quá, vội đến gần để tay lên vai cô ta. Người thiếu nữ gỡ ra, nhắc “dậu” thóc lên rồi bước về phía bờ suối.
Anh chạy theo gọi:
- Kìa cô Thơ! Cô giận tôi đó sao?
- Không! Em không giận ông giáo đâu.
Nhưng cô đã lội qua suối và thoăn thoắt đi xuống làng, không quay lại nữa.
Sương sớm đã tan gần hết. Nắng hồng đã vàng tươi. Trên những thửa ruộng xa xa, một vài người Thổ đang lom khom, da mặt hoe đào trên những bộ quần áo phơi màu như mới.
Lòng Tâm rạng rỡ tình yêu, một thứ tình mờ ảo như buổi gặp gỡ trong sương mai, đẹp đẽ như ánh nắng ấm dịu. Anh lững thững bước về, không muốn tìm hiểu những cử chỉ lạ lùng của cô Thơ. Vì anh mong và tin chắc rằng sẽ được gặp Thơ nhiều lần nữa.
Cái tâm hồn người con gái Thổ, anh đã hiểu. Họ là những tấm lòng lúc nào cũng sẵn sàng rung động vì sự yêu đương. Tình yêu của họ là thứ tình đậm đà thấm thía giản dị và chân thực; họ như những người khát nguồn ân ái, thèm những lời thơ mộng não nuột và chỉ đợi dịp để gợi những thứ tình cảm êm đềm trong lòng người con trai.
Tâm vẫn nói với các bạn hữu ở vùng xuôi rằng:
Mỗi cô gái Thổ là cả một bài thơ mộc mạc và trong trẻo.
Cả ngày hôm ấy tuy anh bận dạy học, nhưng trong trí lúc nào cũng nghĩ mơ tưởng đến hình ảnh cô Thơ. Đến chiều tan học về nhà, Tâm sửa soạn để định đi vào trong làng, có ý mong cho sự tình cờ lại xui mình được gặp người thiếu nữ. Bỗng nhiên, lúc bước ra, anh thấy Thơ hiện ngay đến, ngoan ngoãn và lẳng lơ như một cô tình nhân.
Tâm cầm lấy tay Thơ vừa hỏi vừa vồn vã:
- Cô Thơ. Sao sáng nay cô giận tôi thế?
- Không, em không giận ông giáo bao giờ, sáng nay em vội về thôi. Bây giờ em đến đây ở với ông nhé. Ông có cho em ở không?
Tâm chỉ cầm lấy hai vai cô, không trả lời.
Thơ nhẹ nhàng gỡ ra, đi xem xét khắp phòng Tâm, hỏi từng thứ đồ vật và lật gối lật chăn lên xem. Sau cùng, cô ngồi hắn vào giường, nghiêng đầu nhìn Tâm:
- Ông, ông cho em ngủ đây nhé?
Tâm cười:
- Tùy cô.
Cô Thổ ngả lưng xuống. Nũng nịu như đứa trẻ rồi lại ngồi ngay lên:
- Ông ngồi xuống đây với em đi ông.
Tâm đến ngồi bên vuốt ve cô, âu yếm nói:
- Em Thơ....
- Dạ!
- Bây giờ ta gọi nhau là anh em cho thân, rồi em ở đây luôn với anh nhé!
- Thưa anh vâng.
Nhưng Tâm thấy thoáng vẻ buồn thương trong đôi mắt trong sáng ấy. Tâm hỏi, cô mỉm cười lắc đầu nói là không có gì cả; rồi thở dài một tiếng rất ảo não; cô chạy đến bên cửa nhìn ra ngoài.
Trời tối dần và tối rất mau như những ngày gần rét. Ánh trăng non đã rải màu lạnh sáng lên những khóm dâm bụt chạy qua nhà.
Tâm được có người đẹp bên mình, im lặng để hít thở lấy cái không khí sung sướng. Rồi anh đem bao nhiêu lời ngọt ngào của lòng âu yếm ra nói với Thơ. Anh say sưa man mác như chính những câu ân ái của mình đến du lòng mình, đến vuốt ve mình. Bỗng để ý đến đôi mắt đăm đăm của Thơ, anh thấy đôi mắt ấy đầy những lệ.
- Trời ơi, Thơ của anh khóc đấy ư?
- Vâng!
- Mà sao em khóc?
- Em buồn lắm anh ạ. Chẳng biết anh có thương em thực không?
Tâm ôm rõ chặt Thơ vào cánh tay cứng mạnh của anh áp má mình vào má Thơ, rồi dìu Thơ trở vào nhà.
- Thơ ơi, Thơ ơi, Thơ ơỉ! Yêu Thơ anh yêu Thơ nhiều lắm!
*
Tâm không nghĩ đến những điều ngang trái của cuộc tình duyên thầm kín này. Bởi vì ở đây, luân lý giản dị của người ta không coi đó là một sự ngang trái. Yêu nhau thì đến với nhau và đó là lẽ tự nhiên.
Một đôi khi Tâm cũng có e dè và vì thế trong lúc giáp mặt Thơ anh được hưởng cái thứ oái ăm của những người “ăn quả cấm”. Anh mỉm cười tự nghĩ: “Ta đem cái tình cảm văn minh vào trong một chuyện ái ân hoàn toàn sơn dã thế này, cũng hơi có vẻ một nhà khảo cứu lấy lý luận phân tích những câu thơ hồn nhiên đơn giản của phong dao...”
Tâm rất nồng nàn trong sự yêu đương.
Thơ thì giản dị và im lặng, nhưng trong nhan sắc bình tĩnh ấy. Tâm biết là ẩn chứa một tâm hồn đắm đuối, ham yêu tha thiết và chan chứa những tình tứ lãng mạn thơ ngây.
Từ lúc quen nhau, thỉnh thoảng cô lại đến thăm Tâm ở nhà riêng và chọn những giờ tối vắng người qua lại.
Lần nào cũng thế, trước khi bước vào, cô còn đứng nán lại nhìn qua khe cửa để xem Tâm ngồi đọc sách hay soạn bài dưới ánh đèn. Thơ ưa đến một cách đột nhiên nên Tâm không bao giờ biết trước mà chờ đợi.
Cửa mở, cô ta lẹ làng bước lại gần bàn giấy chào Tâm một câu khẽ rồi bỏ khăn, bỏ áo ngồi xuống giường. Lần nào Tâm cũng lộ hết sự vui mừng. Anh đứng lên cầm lấy bàn tay cô để vào ngực mình. Nói những câu sôi nổi say sưa khiến người con gái giương mắt nhìn anh như không hiểu gì hết. Thơ đưa tay vuốt tóc anh, vịn tay anh kéo ngồi bên cạnh và khi thấy cử chỉ âu yếm của anh đã dịu, mới bắt đầu thuật chuyện cô nói dối nhà để đến với anh:
Hôm nay em bảo em đi “chơi hương” bên nhà chị Tươi...
Hôm nay ăn cưới bên làng, nhưng em không đi... Hoặc một câu tương tự như thế.
Rồi cô lại bẳo: “Anh, anh kể chuyện đi nhé, anh kể những chuyện anh vẫn kể cho em nghe đi nào... Em thích nghe!”.
Những lời ân ái của Thơ bao giờ cũng chỉ có ngần ấy câu, mà Tâm nghe lúc nào cũng vui tai và có vẻ mới lạ.
Anh đem hết nỗi lòng ra nói với người thiếu nữ mà mỗi ngày anh thấy một yêu dấu hơn. Lời anh toàn là những lời êm dịu chân thành, anh dịch ra bằng thứ tiếng Thổ gọn gàng nhưng tươi đẹp. Thơ nhắm mắt lại để nghe, im lặng một cách trầm ngâm hoặc se sẽ rùng mình lên, thu nhỏ người áp má vào cánh tay anh. Tâm thấy những giọt nước mắt nhỏ xuống thấm lên áo. Anh hỏi:
- Thơ của anh khóc đấy ư?
Thì bao giờ Thơ cũng trả lời bằng câu:
- Thưa anh vâng
- Mà tại sao em khóc hả Thơ?
- Tại em buồn.
Nhưng không lần nào Thơ nói rõ vì sao Thơ buồn, dù anh có căn vặn hỏi. Có lần Tâm nói mãi, Thơ mới dùng những lời bóng gió thường sẵn thay ở các câu hát tự tình mà trả lời Tâm:
- Em buồn vì em thấy buồn... vì em thấy anh yêu em; vì em nghĩ rằng những lá cây mùa xuân trên rừng, xanh tốt ít lâu rồi rụng héo. Mà em được yêu anh cũng chỉ giống như thế thôi.
Anh viện các lẽ để tỏ lòng yêu dấu không cùng cửa anh; anh tìm hết lời say đắm để an ủi Thơ; anh chọn những câu thề thốt chặt chẽ nhất để chứng thực lòng anh. Nhưng Thơ vẫn thế. Giữa lúc gần gũi anh, hoặc sau cuộc ái ân, hoặc đang lúc tự tình đằm thắm bỗng nhiên không vì sao cả, Thơ sinh ra ủ rũ gục xuống vai anh khóc, và bíu chặt lấy anh một cách đau đớn van lơn.
Tâm trước còn cho đó là một cách nũng nịu, một lời xúc động của nhũng tấm lòng giàu tình cảm ủy mị và mơ hồ. Nhưng sau anh cũng phải lấy làm lạ. Một hôm, anh vuốt tóc Thơ mà nói:
- Em Thơ ạ, anh hiểu tại sao em buồn rồi cơ.
Thơ giương mắt yên lặng hỏi Tâm. Anh nói tiếp:
- Anh chắc tại Thơ không muốn anh yêu Thơ như thế này mãi, Thơ muốn cho anh kết duyên với em lâu dài...
“Nghĩa là... Nghĩa là anh cũng muốn thế... Anh ở đây vắng vẻ một mình, quê quán anh, anh cũng không tưởng đến nữa, vì anh không còn thân thích nào... cảnh thượng du với lòng yêu của em đã giữ anh rồi, đã là sự yêu đương thiêng liêng của anh rồi, em có hiểu không, nghĩa là... anh không tưởng đến bao giờ nỡ bỏ em; anh là bạn em, là chồng em, anh sẽ hỏi em làm vợ”.
Tâm chưa nói dứt lời Thơ bỗng nức lên, khóc mấy tiếng, ngồi thẳng dậy vội vã, sợ hãi, đội khăn mặc áo rồi không để cho Tâm kịp hiểu, cô ta vùng chạy ra ngoài.
“Lòng một người con gái Thổ sao mà phức tạp đến thế kia ư?” Tâm vẫn tự hỏi lại cho rõ ràng. Anh đã nhất định tìm hiểu cho bằng được, nhất định không để cho Thơ còn có những cử chỉ lạ lùng như thế nữa, và bắt đầu thấy quyến luyên, thấy yêu chân thực, và thấy lòng trống trải vì vắng bóng Thơ.
Nhưng Thơ lại không trở lại nữa.
Bao nhiêu tuần lễ ủ rũ, u ám, Tâm đi thơ thẩn các nơi gần đó sau những giờ học, nhưng không thể nào gặp được Thơ. Anh đến chỗ cối giã gạo là nơi gặp gỡ ban đầu, anh quanh quẩn ở gần làng, anh hỏi dò Minh là em Thơ học ở lớp anh một cách kín đáo. Nhưng đều vô ích. Thơ không đến nữa, không để gặp anh nữa, và hình như không còn tưởng gì đến anh.
Tâm bây giờ mới nhận thấy cái mênh mông của sự buồn thương, thấy nỗi đau đớn nhớ tiếc của lòng yêu đương, và thấy lời nói anh dùng để an ủi Thơ hôm nào chính là lời rất thành thực.
Anh nhắc đi nhắc lại:
“Ô hay! Thế ra mình đi mê một người con gái Thổ ư? Một người Thổ mà cũng làm cho mình buồn tủi đến thế được ư? Vô lý thực!”
Mùa đông tới vội vàng, đem lại tất cả cái lạnh lẽo, buồn tẻ ở nơi chỉ có những rừng núi này.
Mưa phùn bay mù mịt dai dẳng, phủ kín cả cảnh vật, những ngày u ám phóng lên nhau, ngày nọ nhắc lại màu thảm đạm của ngày kia. Trên mấy quãng đồng nước rải trắng xóa giữa những vừng cây âm tối nặng nề. Những nhà trong các thôn xóm đều im lặng trong mưa và như so ro lại vì rét.
Được một ngày chủ nhật tạnh ráo, Tâm mặc ấm áo mở cửa ra đi. Hôm ấy Tâm mới thấy trong người hơi nhẹ nhàng và mừng rằng anh đã có cách ruồng đuổi hình ảnh Thơ vẫn vấn vương trong tâm tưởng.
Bầu trời không có một tí mây nào, không khí trong sạch khiến những cây cỏ không sai lạc màu đi như mấy ngày mưa. Nhưng gió ầm ầm thổi mạnh trong các rừng cây, siết qua mặt người, và khí lạnh thấm vào tận da thịt Tâm đi bít tất dày và kéo cổ áo lên bước nhanh trên mặt đường bắt đầu khô ráo, rồi mạnh bạo bước theo phía Đàng Lang. Đến một cái cầu con hai bên dóng gỗ đóng thành lan can, anh đứng lại tựa vào một bên và lấy thuốc lá ra hút.
Trong khu rừng gần đấy có tiếng chặt cây đưa ra. Tâm liền tìm lối đi vào chỗ đó. Giọng nói chuyện vui vẻ của hai người thiếu nữ khuất sau một bụi cây lớn khiến anh vừa lạ vừa mừng.
“Tiếng ai như tiếng của em Thơ”.
Anh nghĩ bụng thế rồi lại dấn bước lên.
Thì quả thấy Thơ đang ngồi trên một cái cây lớn mới bị chặt đổ, bên một đống lửa bốc cao. Thơ đang vừa khêu lửa cho cháy to thêm vừa nói chuyện với người bạn gái đang chặt một cành củi.
Mặt Thơ bên ánh lửa trông hồng hào, đẹp tươi tắn. Tâm đứng lặng, mắt bao bọc lấy tấm thân yêu quý ấy, lòng hồi hộp như trước một nhan sắc mới gặp gỡ lần đầu.
Anh đứng ở một chỗ khuất đến hơn năm phút, không dám cử động mạnh, hình như sợ rằng Thơ sẽ biến đi. Rồi anh rón rén bước lại gần nhẩm tìm một câu gì để nói cho khỏi đột ngột.
Bỗng một tiếng cành cây gẫy rắc dưới chân anh.
Thơ quay lại, nhận ra anh, kêu lên một tiếng rồi vùng chạy.
Cô lách qua những vùng cây dây leo chằng chịt, nhẹ nhàng như một cái bóng, và bỏ anh một quãng xa. Tâm cố hết sức đuổi theo. Ra khỏi khu rừng, đến nơi thung lũng thẳng và rộng thì anh thấy người con gái chạy rẽ về một lối tắt rồi sau cùng, nhọc quá lăn mình lên một đống rơm phơi khô. Tâm chạy ngay lại đó, thì người con gái ngồi dậy, buộc lại cái khăn xổ, nhìn anh bằng đôi mắt van lơn.
- Sao ông cứ theo đuổi em mãi thế? Ông tìm em làm gì nữa. Đôi ta còn có duyên gì nữa đâu!
- Trời ơi! Sao Thơ lại nói thế?
- Thực đấy, ông ạ. Ông quên em đi là hơn. Bởi vì số em chỉ biết được ông có thế thôi.
- Mà tại sao lại lạ lùng thế, Thơ?
Người con gái quay mặt đi không nói. Anh cầm chặt lấy hai tay cô, giọng tha thiết:
- Sao em nỡ tệ với anh thế? Em không biết rằng vắng em, anh khổ, anh buồn biết chừng nào ử?
“Em không biết bao lâu nay anh chỉ tìm em, anh chỉ mong gặp em, mà em thì...”
- Không, em biết lắm chứ. Em biết ông vẫn ra chỗ cối giã gạo là chỗ ta gặp nhau hồi nọ, vì lúc ông ra đấy, em cũng có ở đấy, nhưng em không muốn ông trông thấy em thôi.
- Mà tại sao thế, hở Thơ?
- Tại... ta không thể gặp nhau được nữa.
Đáp lại lời căn vặn của Tâm, cô Thơ chỉ rưng rưng nước mắt. Anh không hiểu và cũng không biết nên làm gì! Những câu nồng nàn của anh xem ra cũng không thể yên ủi được người thiếu nữ.
Sau cùng, gỡ tay anh ra, cô nói:
- Thôi, ông về đi. Rồi chiều nay em sẽ đến nhà ông... Vâng ông về đi, đừng đứng ở đây...
Tâm chực kéo cô vào lòng, nhưng cô lắc đầu:
- Không! Ông đừng hỏi em gì nữa.
Cả buổi chiều giá lạnh ấy, sự chờ đợi đã làm lòng Tâm ấm áp hẳn lên.
Anh thắp đèn trong nhà được ngót nửa giờ thì Thơ vui vẻ bước vào, ăn mặc gọn gàng và đỏm dáng hơn mọi bận. Thơ ngoan ngoãn để cho anh vuốt ve, rồi nói:
- Anh ạ, tại sao anh yêu em quá thế? Anh coi em như một người bạn gái thường có được không? Chúng ta thân yêu nhau một ít lâu rồi ngày kia ta xa nhau, ta đừng yêu nhau nữa. Như thế có hơn không? Em thấy anh yêu em nhiều, em sợ lắm.
Tâm hỏi sao Thơ lại sợ kỳ quặc thế, thì cô ta chỉ lắc đầu mỉm cười. Nhưng ngoài sự lạ lùng ấy ra thì Thơ vẫn tỏ ra mình âu yếm dịu dàng, và đối với người bạn trai, có một lòng chân thực trong sự ân ái. Sau cùng cô rỉ tai Tâm nói nhỏ:
- Anh yêu em thực lòng nhé. Vì em chỉ gặp anh được lần này nữa thôi. Không, anh đừng hỏi em, anh cứ yêu em thôi. Đêm hôm xưa, em thấy anh nói anh muốn lấy hẳn em làm vợ anh, em biết anh đối với em đã có tình nặng lắm... cho nên em khổ. Em chỉ muốn hễ lúc nào em không gần anh thì anh quên em ngay. Chúng ta đừng thề thốt gì với nhau, thỉnh thoảng em lại đến với anh để được nghe anh nói những câu em rất thích nghe... Duyên ta, em chỉ muốn có thế thôi... Nhưng anh lại muốn lấy em làm vợ! Anh yêu em quá, chỉ làm cho em thêm tủi, vì bây giờ... vì đã lâu... (Thơ nghẹn ngào nói càng nhỏ) vì đã lâu... em đã có chồng rồi.
Lúc ấy Tâm mới tỉnh ngộ ra. Anh cảm động vô cùng. Anh hiểu sự yêu đương trong lòng người con gái Thổ lắm. Đó là sự khao khát những lời ngọt ngào, đẹp đẽ, những cái vuốt ve êm dịu, những tình tứ yên lặng và những tiếng thở dài thấm thía nồng nàn... Bao nhiêu điều đó một người con gái Thổ không thấy trong đời sống mộc mạc với chồng, và phải đi tìm trong những lúc gặp gỡ tình cờ ở các chốn hội hè, hoặc ở những cuộc tình duyên thầm kín. Tính lãng mạn hồn nhiên là bản tính của người đàn bà Thổ khi còn xuân sắc. Tâm thấy nó thực thà, ngây thơ và có những thi vị man mác như cảnh đẹp của núi rừng.
Tâm mỉm cười theo đuổi ý nghĩa riêng và ôm người thiếu nữ trong cánh tay, lẩm bẩm nói bằng tiếng Pháp:
- Ồ, con chim xanh bé nhỏ của lòng tôi... Tôi yêu cái tâm hồn rất chất phát, nhưng rất văn vẻ của em. Tôi yêu em hết sức...
Hai mắt của Thơ tròn xoe đen láy, nhìn Tâm ngạc nhiên ra ý hỏi:
- Anh nói cái gì thế, anh Tâm?
Rút trong tập “Gió trăng ngàn”