ởi vì lời phán của bà kế mẫu “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung”. Bởi vì con heo Nguyễn văn Lương không phải là thứ “Con lợn ủn ỉn ăn no lại nằm”. Nó đã dám cưỡi cọp Trần thị Phượng và vuốt râu cọp. Xỉa răng cọp nữa chứ! Bởi vì cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công rất mê xem bói toán. Nên nhà tôi đã lấy một chút niềm tin gửi nơi Chúa Kitô mà san sẻ cho mấy anh thầy bói mù.Nhà tôi đi xem bói như một người say mê làm công việc sáng tạo văn học. Nơi nào nghe đồn có thầy bói “nói quá khứ, hiện tại, tương lai vanh vách”, nơi ấy có nhà tôi. Tôi biết nhà tôi mê xem bói, không phải vì muốn hiểu con đường công danh, sự nghiệp của tôi. Nhà tôi là người đàn bà bằng lòng cuộc sống an phận thủ thường của chồng. Nàng đi coi bói cũng chẳng phải nghi tôi lăng nhăng tán gái. Mà chỉ muốn hiểu lý do nào vợ chồng hay cãi cọ nhau. Mê tín khác tín ngưỡng. Nhưng tôi đã thề không xen vào ý thích của nhà tôi. Nên tôi mặc nàng mở bóp móc tiền đặt vào đĩa của những anh thay bói mù, bói sáng, những chị bói bài tây.Mỗi lần cất công đi coi bói - xuống tận Thủ Đức, đi vô một thôn xóm xa lắc - về, nhà tôi đều kể lại cho tôi nghe. Thí dụ, ở Thủ Đức có con mẹ bói bài tây chuyên công kích chế độ Cộng Hòa và ca ngợi Cộng sản. Con mẹ này làm bộ kênh kiệu. Gieo quẻ hỏng, mụ trả tiền đặt. Nài nỉ cách mấy cùng không coi. Song chỉ vui vẻ tuyên truyền cho Cộng Sản. Thí dụ, ở Thủ Thiêm có con mẹ thầy bói treo bảng tiếp thân chủ nhưng tới gõ cửa hàng chục lần, mụ vắng mặt. Thí dụ, ở Hàng Xanh... Thí dụ ở... Bấy giờ “mét” Khánh Sơn đã vào Chí Hòa đoán riêng cái số phận mình, “ma đam” Vũ Nhân hết hổ phù Ai Cập, nước hoa ái tình nên đành đóng cửa tiệm, về với vòm tư để vui cùng cái xe, cái lọ, Mông xừ Xăng ta ra xình, tự Xiêm La hồi hương, dựng bảng khua võ quảng cáo inh ỏi một thời gian rồi cũng trở về cái nghề húi tóc cố hữu, gia truyền. Vì Phật không dạy ai coi bói. Mà móng xừ Xăng ta ra xình lại khoe “hai mươi năm học phép tích của Phật Thích Ca tại Xiêm tại Ấn”. Thân chủ hỏi: “Ông có bí kíp hẳn phải đoán nổi tương lai mình. Tại sao ông không dọn nhà trước giờ Bình Xuyên nổ súng. Để cửa tiệm tiêu ra tro khiến thân ông lêu bêu về dưới gầm cầu này”. Thầy bói Xiêm La thở dài, giải nghệ.Nhưng nền thầy bói không vì “mét” Khánh Sơn, “ma đam” Vũ Nhân, “mông xừ” Xăng ta ra xình mà sụp đổ. Nó đã vùng lên anh dũng nhờ nền đảng phái. Các chính khách đổ xô đi coi bói. Muốn biết mình sắp làm Tổng trưởng, đi coi bói. Muốn biết cuộc đảo chính chắc ăn, đi coi bói. Muốn làm cách mạng, đi coi bói. Cả Sàigòn chính trị biết tên thầy bói Canh, một ông mù lẩm cẩm! Nhà tôi đã đến thầy bói Canh, thầy bói Lộc, thầy bói Vị Xuyên. Cả ông thầy bói ngã tư Bảy Hiền đăng rao vặt nói phét nói lác. Anh này có thủ thuật. Lại có cả “mi cô” và “ô pạc lơ”. Hễ gặp thân chủ nào sừng sỏ mà đoán láo, bị chửi bới. Y rằng anh này “A lô, chú ý, vị thân chủ đó xuyên tạc. Tôi đoán trúng phóc gia cảnh, vị đó buồn phiền. Xin quý ngài đừng tin vị đó. Hãy chờ vô coi sẽ biết”.Một hôm, nhà tôi đi coi bói về, hì hục múc nước ở cái lu đem đổ đi. Tôi hỏi:- Bộ, nước dơ à?- Không.- Vậy tại sao em đổ nước đi?- Anh đừng hỏi, mặc kệ em.- Để anh múc nước giùm em nhé!- Không được, anh đi chơi đi. Thầy bói bảo cái lu nước kê gần bếp là xui. Nước và lửa kỵ nhau. Phải kê chỗ khác vợ chồng mình mới hết cãi cọ, gây lộn. Em sẽ đích thân kê lại cái lu nước.- Anh đi chơi, hả!- Dạ.Tôi bèn cám ơn anh thầy bói. Mẹ anh, giá anh “dạy” rằng “Hãy để chồng đi chơi vung vít. Chồng bà ưa lăng nhăng nhưng chung thủy, chỉ yêu bà thôi. Ông ấy thích ngồi tán gẫu với bạn bè nên về trễ, bỏ cơm. Ngoài bà ra, ông ấy cóc yêu ai đâu. Để ông ấy đi chơi vung vít, về khuya đừng càu nhàu thì gia đạo bình yên, hạnh phúc ra rít” có phải tôi chiêm ngưỡng anh không. Anh lại “dạy” đổi chỗ kê cái lu nước! Bố anh. Anh chống đối Sở Cứu hỏa rồi. Nước xa lửa, nhở cháy nhà thì sao? Buổi chiều hôm đó, tôi đi chơi thật kỹ, nửa đêm mới lò dò về. Tưởng anh thầy bói cứu mình. Ai ngờ vừa bước vào nhà, đã bị la lối:- Anh bảo em mua cá rô nấu canh bánh đa. Em làm tối tăm mắt mũi. Anh chê. Anh đi ăn ở đâu, với ai?Tôi xoa tay:- Từ từ kẻo uổng công kê cái lu nước.Nhà tôi nóng nảy:- Không từ từ gì cả.Tôi cáu tiết:- Em đi coi bói, anh đi chơi, hòa cả làng. Bộ em biết đi coi bài tây còn anh không đi chơi bài tây, à?Tôi biết mình đi quá phép của vợ. Nhưng ở cái thể làm chồng, không thể xin lỗi ngay được. Xin lỗi ngay là yếu. Phải vừa đánh vừa đàm. Bèn cù nhầy:- Em bảo anh đi chơi, anh tưởng đi chơi rồi đi ăn luôn.- Đấy là anh tưởng!- Tại sao không chịu dặn mấy giờ hết phép?- Bộ, anh giở cái giọng gì đó? Em không muốn mang tiếng lấy anh chồng sợ vợ.Tôi nổi tự ái giống đực:- Anh mà sợ em.Nhà tôi túm lấy câu đó, mỉa mai:- Phải, em biết anh đâu có coi em ra gì. Anh khinh thường em.- Yêu cầu giữ đúng tinh thần câu nói của tôi. Cô ưa xuyên tạc quá.- Tôi xuyên tạc anh à?- Chứ sao!Tình hình sắp bi đát đến nơi. Tôi cáu tiết, vò đầu, trút nỗi giận hờn vào đầu thằng thầy bói:- Mẹ bố anh thầy bói. Anh bảo kê lại chỗ lu nước thì hết cãi nhau. Vừa kê xong đã cãi nhau rồi!Nhà tôi bỗng cười toe:- Ừ nhỉ!Thừa thắng, tôi xông lên:- Còn “ừ nhỉ” cái con cóc chết. Nó xúi dại cô. Cô xúi dại tôi đi chơi. Cái chân tôi nó xúi dại cái đầu tôi. Cô làm ơn chỉ giùm địa chỉ thằng thầy bói này đi. Tôi sẽ đánh bỏ mẹ nó.Nhà tôi tiến gần, bá cổ tôi:- Thôi “mờ”, cưng, bỏ qua đi, “su su” của em.Tôi hất tay nhà tôi ra:- Thằng này giả đò nói thế chứ bụng thằng này đã có miếng nào đâu. Cô ở trong nhà cô không biết tôi đứng ngoài cửa ư? Tôi muốn hiểu sự linh nghiệm của cái lu nước.Nhà tôi âu yếm hỏi:- Anh chưa hề ăn gì thiệt, hả?- Đói thấy mồ.Nàng hớn hở xuống bếp hâm thức ăn. Và tôi đau khổ ăn thêm bát canh bánh đa cá rô. Đêm ấy, tôi bội thực. Nhà tôi phải đun nước nóng đổ vào cái chai đặt lên bụng tôi. Tôi rên hừ hừ. Nguyền rủa thằng thầy bói. Nhà tôi hứa sẽ không đi coi bói nữa. Hứa sáng mai kê cái lu nước ở chỗ cũ. Nhưng hễ có bạn đến chơi, giới thiệu một ông thầy bói trứ danh là nàng lại ghi địa chỉ và cất công... tìm thầy. Một hôm đọc tờ tuần báo Tâm Tình, thấy ông Hoàng Hải Thủy viết truyện ngắn “Người đàn bà tuổi Mùi” diễn tả một anh chồng bị vợ bỏ đi.Anh chồng lang thang khắp chốn tìm vợ, nhờ người tìm hộ vợ mình. “Người đàn bà tuổi Mùi” đi kỹ quá, hạc nội mây ngàn không dấu tích. Anh chồng, nhờ bạn mách nước, đi đò qua Thủ Thiêm, gõ cửa một bà thầy bói. Bà này dạy vài điều, bảo đừng kiếm mất công, thể nào cuối tháng “Người đàn bà tuổi Mùi” cũng về. Và về thật. Nhà tôi đọc xong, hết lời ca ngợi bà thầy đã đoán cho ông Hoàng Hải Thủy.Bởi vì nhân vật trong truyện của ông Thủy chính là ông ta, người chồng mê vợ nhất trên cõi đời này, người chồng không thua kém gì ai hay nếu có thua kém chỉ thua cái số, cái thời. Tôi yêu ông Hoàng Hải Thủy vì ông ấy mê vợ, dù vợ chồng ông ấy đã có bốn năm đứa con và đứa con lớn nhất đang được ví như cò bé trong thơ Nguyễn Bính. Vợ giận bỏ đi mà phải lặn lội tìm thầy bói đoán giùm vợ mình hiện đang ở đâu, bao giờ về thì tôi tưởng ông Hoàng Hải Thủy đã treo một tấm gương lớn cho những thằng chồng thô bạo, những thằng chồng phản bội. Và tôi, chỉ nghĩ đến tấm lòng của nhà văn Hoàng Hải Thủy đối với vợ, tôi đã xấu hổ những lần giơ tay tát nhà tôi. Tôi là con heo. Đúng vậy. Con heo vũ phu. Con heo bị nhốt trong câu tướng số nhập môn “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung”.Nhà tôi ao ước một lần qua phà sang Thủ Thiêm. Nhưng niềm ao ước của nhà tôi không thành. Sông nước cách trở. Kể tự đó, cái sự năng đi xem bói của nhà tôi xuống thang. Thay vì đi xem bói, nàng lại hay đi phố sắm hàng và ngắm hàng. Chiều nào nhà tôi cũng có thể đi phố. Không mua món nào, vẫn cứ đi. Nhà tôi giải thích:- Mình phải ngắm hoài, anh ạ! Nhỡ có hàng mới về, mình mua được ngay.Tôi nói:- Có hàng mà không có tiền thì sao?Nhà tôi cười:- Thì mình biết tiệm nào bán món gì, rồi hễ cần mua, mình đến mà mua, khỏi mất công. Ngắm chán chê sẽ mua được món mình vừa ý.Khi đàn bà lập luận, đàn ông nên đồng ý. Đồng ý với khuôn mặt rạng rỡ, với nụ cười tươi như hoa dù lòng héo hắt. Đàn bà không thích độc đoán và kỵ trung lập. Tôi hiểu điều đó song chẳng biết thực hiện. Tôi đã chống cái thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh. Cho nên, vợ chồng tôi luôn luôn gây gổ. Nói theo giọng ông cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công, vợ chồng tôi luôn luôn “cắn nhau”. Tôi ngại nhất những bận theo nhà tôi vào các hiệu bán vải. Đứng thộn mặt hàng nửa tiếng cơ hồ thằng bù nhìn coi... đàn bà, con gái. Lâu lâu, nhà tôi lại níu tay:- Màu này được không anh?- Được.- Em thấy nó chói quá.- Ừ.- Sao anh bảo được?- Ừ, được. Anh thích màu tím.- Màu xanh mà anh nói màu tím, anh chả hiểu gì về màu sắc.- Vậy em hỏi anh làm chi?Nhà tôi đùng đùng ra khỏi hiệu. Tôi vốn rất dốt về hoa và màu sắc. Nhà tôi thường mỉa tôi:- Thế mà cứ đòi vào văn học sử! Làm thơ không biết tên các loài hoa, viết văn không biết phân biệt màu sắc.Tôi nhe răng cười:- Anh sẽ viết ái tình tiểu thuyết xã hội phiêu lưu mạo hiểm, cưng ạ!Nhưng điều tôi ngán nhất là mang hàng đã mua đi đổi. Nhà tôi khó tính lắm. Mặc dầu đã ngắm kỹ, chọn hoài, đem món hàng về nhà ướm thử, nhà tôi lại chê lên chê xuống. Và sai:- Mai đi làm, anh ghé vô đổi cho em nhé!Tôi hỏi:- Hàng đã đem ra khỏi tiệm, ai đổi?Nhà tôi cam đoan:- Họ sẽ đổi cho em.Tôi chết nửa cõi lòng mang hàng đi đổi. Cảm giác của tôi lúc bước vô tiệm đổi hàng y hệt cái cảm giác ngày còn bé đi hớt tóc bị bố bắt sang hiệu bảo thợ cạo giùm hai cái tai vì tai còn nhiều lông. Không đi thì bố mắng. Đi thì thế nào cũng bị thằng thợ hớt tóc nhéo tai thật đau để... trả thù. Thành thử, hồi thơ ấu, tôi rất sợ bị bố bắt đi... cạo lại hai cái tai sau khi đã hớt tóc, cạo mặt và mẹ bắt đi đổi hàng vì món hàng mua sai lời mẹ dặn. Bây giờ, lấy vợ vẫn sợ bị... đi đổi hàng đã mua. Tôi rụt rè khúm núm nói lời vợ dặn với chủ hiệu. Họ lắc đầu ngây nguẩy. Về trình vợ, vợ nói mát:- Anh đâu có thì giờ đi đổi giùm em.Nhà tôi tự lo lấy. Và nàng đổi được món hàng vừa ý. Bố cái nhà anh chủ tiệm, anh ấy hại tôi rồi.Nhà tôi nói:- Em biết mà, anh đâu có thì giờ giúp em. Anh mãi lo tán gẫu.Tôi vò đầu:- Anh long trọng tuyên bố là anh đã đến hiệu. Thằng chủ nó xua tay, chỉ cái biển nhỏ “Hàng đã đem ra khỏi cửa xin miễn đổi hoặc trả lại”. Nó kê tủ đứng vào thiện chí của anh.Nhà tôi nói:- Tại sao em đổi được?Tôi nhún vai:- Đó là một vấn đề?Nhà tôi khó chịu:- Em xin anh đừng giở giọng chính khách. Anh ba xạo!Tôi vỗ đùi thật mạnh:- Sư thằng chủ hiệu, nó rỗ huê, răng hô, mắt toét, nó thấy anh đẹp trai nó nổi sùng và nó “chơi” anh. Nó đã học đòi nịnh đầm bằng cách chỉ đổi lại hàng đã mua cho đàn bà, con gái. Để được hưởng gỡ một nụ cười, một lời biết ơn, một sự nằn nì. Còn anh, anh trống thấy cái bản mặt rỗ huê của nó như mùa phát động trăm hoa đua nở của Mao Trạch Đông, còn tưởng mình hách, anh đã phát tởm, sức mấy anh nằn nì.Nhà tôi bĩu môi:- Anh không đi thì cứ bảo không đi, đừng biện luận và chê bai người khác. Thiên hạ rỗ huê mắc mớ gì đến anh. Rỗ mặt nhưng không rỗ trái tim.Tôi cười gằn:- À, thằng rỗ đó có duyên! Xin lỗi em, nó rỗ cả tim đó. Bằng cớ là nó không đổi lại hàng cho anh.Nhà tôi nguáy nguẩy giận hờn:- Không cãi lý với anh nữa.Tôi cáu tiết:- Chiều nay anh và em tới gặp nó.Nhưng gặp thằng “khốn nạn”, nó lại quên mất tôi. Nó vồn vã:- Ồ, ai chứ ông đây, muốn đổi bất cứ món gì tôi cũng đổi. Nhà hàng chiều khách.Tôi nghiến răng để nhịn một sự “xì nẹc”. Rồi niềm nở giả vờ:- Ông chủ tốt quá. Chỉ tiếc ông đã không đổi hàng cho tôi khi tôi đi một mình. Ông quên tôi rồi à?Nó kịch coọc:- Trời ơi, ông nghĩ xấu cho tôi.Thằng này không ngu. Nó thủ đoạn đầy mình. Tôi xỏ ngọt:- Hôm nay cái biển “Hàng đã đem ra khỏi cửa xin miễn đổi hoặc trả lại” đâu rồi?Nó nheo mắt:- Với khách lạ thôi. Còn ông bà đây là khách quen.Tôi đã hứa nếu tôi làm Đô trưởng, tôi sẽ đóng cửa tiệm thằng này. Nó bắt tôi mang một nỗi “oan ơi ông địa”. Tự đó, nhà tôi nhờ tôi lấy áo dài hay đổi món hàng nào nàng không vừa ý, tôi phải gồng mình bằng mọi cách để lấy được, đòi được. Và khi không thành công tức là bị hẹn thêm hay bị từ chối, nhà tôi bèn nói: “Em biết mà, anh mãi tán chuyện gẫu!” Nỗi khổ tâm nhất của tôi còn phải kể những lần tháp tùng nhà tôi đi mua... coóc xê, xú cheng, xì líp! Ôi chúa Ki tô, Ngài đâu có nỗi khổ của con?Tôi thường đứng ngoài cửa hiệu, hút thuốc lá và ngắm xe cộ. Trong lúc nhà tôi tỉ mỉ chọn... quần áo lót.Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dầnTôi nói sẽ gớm sao mà lâu thếSao mà lâu thế chứ không phải sao mà nhớ thế. Nhờ thi sĩ Hồ Dzếnh mộy tí đấy. Tôi có dịp nhận xét người và vật. Thí dụ, những chiếc xe díp của mấy bố Phi Luật Tân. Đó là những chiếc xe díp nặng phần trình diễn nhất thế giới. Cờ quạt “tếch ních cô lo”. Đồ trang sức bóng nhoáng, phù phiếm kinh khủng. Sợi dây “ăn ten” cao lêu nghêu. Và những cái kèn, chao ôi, những cái kèn đếm hoài không hết trên cái nắp đậy máy. Lại thêm cái kèn đặc biệt toét ra một điệu nhạc phổ thông quốc tế. Như câu đầu bản “Cầu sông Kwai”! Tôi lấy làm phục nền... văn hóa chỉ có bề mặt của người Phi Luật Tân. Thấy họ tỉnh bơ giữa đám nhân loại nhìn họ trình diễn, tôi càng phục.Ngoài những nụ cười thêm lời chửi tục khi nhận xét cảnh đời, tôi còn được chiêm ngưỡng cảnh “chơi chó” của người Việt Nam ta. Những ông bà da vàng mũi tẹt dắt chó, cưng chó, bế chó hôn hít rất Tây phương. Tôi liên miên nghĩ ngợi. Giá những ông Mít “chơi chó” lẩm cẩm ngáp được con ruồi Tổng trưởng, cai trị dân mà thương dân như chó, như chó thôi, dân tộc ta cũng hạnh phúc chán. Ấy nhưng những kẻ “chơi chó”, đàn bà yêu chó hơn chồng, đàn ông yêu chó hơn vợ, đâu còn tình yêu dân! Tôi đâm ra giận đời để giận nhà tôi bắt tôi chờ quá lâu. Cảnh đời nhí nhố, ngắm mãi chỉ muốn mù giống Trần Tế Xương Tản Đà ngày xưa, vì ngắm cảnh bờ hồ Hoàn Kiếm mà hậm hực:Bờ hồ những gió cùng giăngNhững giăng cùng gió lăng nhăng chuyện đờiLòng tôi bỗng cuồn cuộn giấc mộng viết báo: Tôi phải viết phóng sự như các ông Phan Nghị, Hoàng Hải Thủy. Tôi bắt đầu thấm men đời, cần mượn hơi rượu đời phát ngôn vung vít mới được. Than ôi, nhà tôi đã không muốn tôi viết báo, viết văn. Và nhà tôi ra khỏi hiệu kia kìa.- Anh đợi em lâu không?- Không.- Lựa mãi mới vừa ý. Cái “coóc xê” này bị sứt móc sắt.- Vô đổi lại đi!- Thôi, để về em sửa. Chừng sửa không được sẽ đổi.Tôi đứng tim. Nhà tôi mà bắt tôi đi đổi “coóc xê” thì tôi đến phải thuê em bé bán thuốc lá vỉa hè vài bò nhờ nó đổi hộ. Tôi vốn bướng bỉnh, không sợ ai. Vậy nhưng bước chân vào hiệu nào sang trọng là tôi ngần ngại. Mặc cảm bấn cố nông chăng? Lại đem cái “coóc xê” đi đổi... Thôi, tôi không dám nghĩ tiếp chuyện hãi hùng, “Mission impossible” ấy nữa.Bây giờ, xin kể chuyến đi Vũng Tầu nghỉ mát hay về Cần Thơ ăn tết của nhà tôi.- Anh ạ, Sàigòn dạo này nóng quá, các con nổi sẩy khắp mình. Chủ nhật này mình đi Vũng Tầu nhé?- Ừ, đi thì đi, sợ quái gì!- Anh nói chi kỳ vậy? Bộ, anh không muốn đi, hả?- Đi chứ sợ gì!- Sợ gì là sợ gì?- Là sợ Việt Cộng đón đường lùa vô rừng bắt nghe tuyên truyền. Niềm sợ hãi nhất của anh là nghe mấy bố ngọng huyênh hoang chuyện cách mạng, giải phóng dân tộc.Nhà tôi hiểu ra, cười xòa:- Người ta đi nườm nượp.Tôi nói:- Vậy mình đi.Chiều thứ bảy, tôi phóng xe một vòng (lúc này ông già vợ đã tậu cho cái Dauphine mới toanh, phú quý sinh lễ nghĩa bèn nảy trò hóng mát xa lộ và nghỉ mát Vũng Tầu) thăm “ga ra” và cây xăng. Rồi tối về lên giường ngủ sớm, lấy cớ mai lái xe cần ngủ đẫy con mắt. Nhà tôi hì hục soạn quần áo tắm cho con cái. Chẳng hiểu nhà tôi định chở ra Vũng Tầu những gì mà ngủ một giấc, mở mắt, điện vẫn sáng choang. Và nhà tôi vẫn say sưa soạn đồ.- Mấy giờ rồi em?- Một giờ sáng.- Sao em chưa ngủ?- Em chưa soạn xong đồ.- Định ở Vũng Tầu mấy tháng đây?Nhà tôi xô cánh cửa tủ đánh rình. Tôi nín thinh. Và nhắm mắt ngủ. Tưởng rằng sáng hôm sau hết đi nghỉ mát. Nhưng nhà tôi quên nỗi giận hờn. Tôi đã thức song vẫn giả vờ ngủ say, chờ đợi “thái độ” của nhà tôi. Nàng mở mùng, vỗ nhẹ vai tôi:- Dậy đi anh!Tôi ngáp một cái dài bằng đường Cà Mau ra Bến Hải:- Sáng rồi, hả?Nhà tôi thân ái:- Các con đang ăn sáng kia kìa. Bố mãi lo ngủ không à...Tôi bèn vùng dậy như người vừa thoát nạn, như một thí sinh biết mình ra khỏi phần thi vấn đáp. Thấy bố đầu tóc bù xù, quần áo nhầu nát, các con cười ầm ỹ. Thằng con trai đầu lòng phê bình:- Bố giống hề hết sức vậy đó. Bố ơi, bố giễu đi bố! Bố giễu “dzui” ghê “ơi”...Cái tiếng “ơi” còn chở một âm điệu đằng trước. Một nốt nhạc trầm. Hình như “à ơi”. Con nít miền Nam nói tiếng này là nhất. Dễ thương đến lịm người. Tôi bảo con tôi:- Ừa, con sẽ xem bố giễu. Bố ca vọng cổ nhá!- Quê quá “à ơi”!Đứa con gái thứ hai khuyến khích bố:- Bố làm “thằng” Tùng Lâm đi!Rồi khoe:- Con mang cái xô với lại cái xẻng với lại cuốc với lại hộp ra Cấp, bố ạ! Con chơi cát ở bãi biển.Thằng con trai dọa:- Con mang hai cái phao.Còn cậu út chỉ trố mắt ngó anh chị nói. Nhà tôi mắng yêu:- Để bố rửa mặt sửa soạn đi.Sau mười phút vệ sinh mặt mũi, răng lợi, tôi mở cửa rồ máy xe. Và mở nắp “ca bô”. Nhà tôi bắt liên tử khuân dần “đồ nghề” ra. Đủ thứ. Như một chuyến di cư còm. Nhô con đã mang giầy, mỗi đứa thêm một đôi dép. Rồi chiếu. Chiếu trải ngoài bãi biền ngồi, nằm sướng hơn vải “tăng”. Cát sẽ không làm bỏng mông! Khi cái “ca bô” đầy cứng, tôi hỏi:- Còn gì nữa không?Nhà tôi đáp:- Còn. Để trong xe được mà.Vậy là thêm ba cái giỏ. Cái đựng vài chai nước lộc mí lỵ ca uống. Cái đựng bình thủy chứa nước, hai bình sữa và một hộp sữa. Cái đựng bánh mì, chả lụa, dao và giấy đi cầu. Vài chai nước mắm nhỏ! Đã có “magie” còn chở nước mắm theo làm gì, hỡi Chúa Ki tô? Lại gối chăn nữa mới khiếp đảm. Tôi ngứa miệng:- Mang thêm cái màn đi, em ạ!Nhà tôi tưởng bở:- Ừ, mang thêm cái màn đi, nhỡ cần ở đêm, không sợ muỗi đốt.Và, nhà tôi cuốn theo cái màn. Còn cẩn thận vơ thêm cuộn dây gai.- Em ơi, mang thêm cái chổi.Nhà tôi cười:- Để làm gì?Tôi phịa:-Thị trưởng Vũng Tầu đang kêu gọi khách du lịch giữ vệ sinh cho thành phố. Ta nên mang chổi đi để quét rác chỗ ta ngồi nghỉ mát.Nhà tôi ra lệnh:- Hai, mày vô lấy cái chổi!Tôi đi một lời trào phúng... Bắc kỳ khi biết xe không còn chỗ nào chứa đồ nữa:- Em nghĩ có nên chở theo cái ghế bố nhà binh không?Nhà tôi nói:- Ngoài Cấp thiếu gì ghế cho thuê.Tôi cố làm vẻ quan trọng:- Nhưng ghế dơ lẳm. Bao nhiêu người ngồi. Đâu cần chơi bời bậy bạ mới bị bịnh hoa liễu. Ngồi trên chỗ của người có bệnh hoa liễu mình cũng có thể mắc bệnh như thường.Nhà tôi nhún vai:- Rất tiếc xe chật cứng. Thôi, anh ạ, đã có chiếu.Quả thực người miền Nam yêu dấu không thể hiểu nổi tinh thần hài hước xỏ lá kềnh của người Bắc. Vì thế, tôi đã lấy vợ Nam. Nhà tôi bực tức điều gì, tỏ thái độ liền. Không ưa nói bóng nói gió. Có gì thì phô bày ngay, chẳng thích màu mè riêu cua. Từ nhà tôi, tôi suy luận người Nam chỉ biết làm cách mạng và không biết làm chính trị. Chính trị phải thớ lợ. Ngoài mặt tử tế, nhã nhặn, xin lỗi loạn xà ngầu nhưng trong bụng dao găm đâm tua tủa. Biết đâu mình về nhà đã thấy trái mìn nổ chậm của kẻ vừa xin lỗi mình gài sẵn. Người Nam ruột thẳng như ruột ngựa, giận nhau dám giết nhau song nếu được xin lỗi ngọt ngào, bèn xuề xòa bỏ qua hết chuyện cũ. Những tay gian ngoan độc ác theo Cộng Sản cả rồi. Tôi yêu người miền Nam, vì thế.Khi bốn cánh cửa xe đã đóng thình thình và tôi vừa đạp “ăm-bay-a” kéo lùi số 1, nhà tôi hốt hoảng:- Quên.Tôi hỏi:- Quên cái gì?- Khăn ướt. Nhỡ con nó ói dọc đường.Lại vỗ “poăng mo” đúng là cái “poăng” chết ở trong lòng.- Thì lấy đi, lẹ lên!Liên tử Hai xuống xe, mở khóa cửa vô nhà lấy khăn.- Mày lấy vài cái túi ni lông nữa.Thằng con đầu lòng bỗng hét:- Bố ơi!Tôi gắt:- Cái gì?- Con quên cái keo.- Bộ con dán giấy hay sao mà quên keo!- Cái keo, cái lọ thủy tinh bố ạ, con quên mang đi bắt cá đem về nuôi.- Rồi, cậu vô lấy keo nhanh nhanh một chút.Tổng cộng mười lăm phút... quên. Tôi bắt chước anh lơ xe đò:- Xong chưa bà con cô bác?Nhà tôi biết là tôi bực mình lắm rồi. Nàng đáp gọn:- Xong.Xe vừa ra tới lộ, nhà tôi chợt nhớ một điều quên còn sót.- Này anh!- Gì?- Quên ve dầu Nhị Thiên Đường.Tôi đập nhẹ tay lên “vô lăng” thở dài ai oán:- Lại quên!Nhà tôi nói:- Dầu Nhị Thiên Đường để xoa bụng con khi nó bị ói.Tôi cằn nhằn:- Quan trọng vậy tại sao em không lo từ đêm qua.Nhà tôi “xì nẹc”:- Mình em sửa soạn đâu kịp. Anh mải lo ngủ không à...Tôi cãi:- Không ngủ rồi mắt nhắm mắt mở lái xe xuống ruộng về nước... Địa ngục thì ai lên Thiên đường.Tuy cứng lý lẽ nhưng tôi vẫn “de” xe và rẽ vào ngõ nhà mình. Sợ rằng cuộc đi nghỉ mát có thể bị hoãn vì lý do... gây gổ, tôi bèn im. Im lặng là nhận lỗi vậy. Thằng con trai đầu lòng, tự nhiên bênh bố rất bay bướm:- Mặt trời lên cao quá rồi, bố ơi!Tôi an ủi nó:- Đừng lo, bố sẽ chạy trăm cây số một giờ.Nhà tôi thấm đòn của bố con tôi, không cằn nhằn gì cả. Nhưng xe vừa ra tới xa lộ nàng lại chép miệng:- Vẫn còn quên!- Quên gì?- Con dao. Không có dao phải lấy tay xé chả lụa vậy.Tôi cười thân mật nói:- Ông Hoàng Ngọc Liên xuất bản tập thơ nhan đề “Vẫn còn thương” nếu em chấp thuận để anh vào văn học sử, anh sẽ mần thơ và cuốn đầu đặt tên là“Vẫn còn quên” đề tặng em.Nhà tôi hất hàm:- Lo lái xe đi anh, đừng mơ mộng hão.Khi chạy xe tới Quán Chim, các công tử và tiểu thư kêu gào nước. Nhà tôi “rửa hận” tôi:- Anh thấy chưa, không mang nước bây giờ con uống bằng gì?Uống xong nước, cậu út ói tùm lum. Đã có giấy báo lót sàn xe, túi ni lông, khăn ướt và dầu Nhị Thiên Đường. Tôi bắt đầu phục tài lo xa của nhà tôi. Rồi đến lúc các công tử và tiểu thư ngủ gục. Đã có gối. Và mền. Và khăn tắm căng lên bít cửa kính xe để nắng khỏi chiếu làm bỏng da thịt trẻ thơ. Nhà tôi hỏi tôi:- Anh không còn khó chịu cái tính ôm đồm của em nữa chứ?Tôi đáp:- Nhất em rồi.Hãy để đàn bà lo xa. Đó là một đức tính. Đức tính ấy không bao giờ có ở một người vợ ăn xổi ở thì. Một trăm người vợ đảm đang thì chín mươi chín người rưỡi biết lo xa. Đàn ông, các ngài chỉ biết kiếm tiền và phục vụ vợ con, xin các ngài đừng xía vào những chi tiết lẩm cẩm của đàn bà. Tôi nghĩ đàn bà mới là những người “tri thiên mệnh”. Như nhà tôi chẳng hạn. Ra ngoài Vũng Tầu tôi càng phục nhà tôi. Những món đồ đạc nàng khuân theo không một món nào không được dùng tới. Nhà tôi hãnh diện điều đó. Và tôi cũng hãnh diện điều đó. Anh nên nhớ giùm tôi: Khi còn là tình nhân, dưới mắt anh toàn mộng, toàn ảo ảnh, toàn những lời ngọt ngào yêu đương. Cả hai đều sợ giận hờn nên cố tránh chuyện hờn giận, nhưng khi đã trở thành vợ chồng, riêng cái bếp đã hết mơ mộng rồi. Anh tưởng tượng ra cái bếp đi. Có thùng rác, có lu nước mắm! Không ảo ảnh nữa chứ?Vậy anh phải chấp nhận những sự lỉnh kỉnh của vợ anh. Vì ngoài bổn phận làm vợ, nàng còn bổn phận làm mẹ lũ con anh. Người mẹ quên mơ mộng mà hy sinh cho con cái. Người mẹ không thích luộm thuộm nhưng vẫn bằng lòng luộm thuộm vì con cái. Nhà tôi đâu thích khuân “đồ nghề” theo trong những chuyến đi nghỉ mát. Chẳng qua lại có con. Có con, người đàn bà đâm ra xồ xề, lếch thếch. Hãy chiêm ngưỡng sự xồ xề lếch thếch. Đó là hình ảnh của những người mẹ thuần túy Việt NamKhổ cho tôi một nỗi là trái tim tôi nó hãnh diện, nó cảm phục cái sự đeo đá lên lưng mà phục vụ con cái của nhà tôi nhưng miệng tôi vẫn càu nhàu và mặt tôi vẫn sưng lên rất đáng ghét mỗi khi gia đình làm một chuyến du lịch còm. Tôi không dám kể thêm sự đèo bồng đồ đạc của nhà tôi những bận nghỉ dài hạn ở Vũng Tầu, Đà Lạt. Đàn bà nào cũng biết thắt kỹ túi tiền và chặt bạc ra tiêu. Tôi muốn nói về những người đàn bà hy sinh cho chồng con thôi.Nhà tôi sợ ăn cơm hiệu lâu ngày tốn tiền nên đã chở nồi niêu xoong chảo và bếp dầu hỏa theo. Lúc khuân đi, trông rất tiêu điều, thê thảm. Song nhìn chú cá chim, cá hồng tươi ngon nằm gọn trêu chảo mỡ, lại nhỏ rãi ra. Nhà tôi có tật... tiếc tiền. Mua món hàng bạc ngàn mà bị hố hay không vừa ý, cả đêm thở dài ân hận. Tôi phải an ủi:- Mua là được, em ạ.- Được gì? Mất tiền toi.Đó cũng lá tính tốt của nhà tôi. Và vì vậy, hễ tôi được cử đi mua món gì hay tự ý mua tặng nhà tôi, luôn luôn tôi đóng vai cố vấn kinh tế của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mua mười, nói bảy.- Bao tiền đó anh?- Có ngàn tư.- Rẻ quá há?- Ừ họ bảo bán cho đàn ông họ không ăn lãi.Thực ra tôi phải trả hai ngàn bạc. Nhà tôi khen rối rít, khoe ầm ỹ. Bạn bè của nàng tưởng bở, nhờ tôi mua giùm. Tôi đành nói dối tiệm quen hết hàng. Rỡn hoài, “tiền phụ trội” chỉ để mua sự hài lòng của vợ tôi thôi chứ. Nhờ các bà khác một tí. Sau này, nhà tôi khám phá ra sự thật. Và bất cứ món hàng nào tôi mua về nàng cũng thêm ba mươi phần trăm. Ấy, đại khái như vậy. Người đàn bà miền Nam đâu phải chỉ biết hôm nay mà không lo ngày mai như những bà mẹ chồng Bắc kỳ tưởng tượng. Mẹ tôi ở mãi miền Bắc xa xôi, vời trông chỉ thấy mây và mưa. Giá mẹ tôi có mặt hôm nay, ngó ba đứa cháu mặt mũi sáng sủa, quần áo thơm tho, nói năng lễ độ, học hành chăm chỉ, không hề mở miệng chửi thề như bố chúng nó, tôi chắc mẹ tôi sẽ gắn lên ngực nhà tôi một cái Đảm Đang bội tinh với ngôi sao bạch kim! Tôi không hiểu tại sao tôi ăn tục chửi càn suốt ngày, mà con cái tôi không bắt chước. Mãi mãi mới tìm ra câu trả lời. Vì mẹ chúng nó chịu khó dạy dỗ chúng nó. Hỡi những đứa trẻ trên cõi đời này, nếu các con có bố làm nghệ sĩ hay chính trị, các con đừng hòng hưởng của bố một tí giáo huấn nào. Các con sẽ bất hạnh nếu mẹ các con chỉ biết tứ sắc, chắn cạ... Bố các con sẽ đi tối ngày. Bổn phận cao quý nhất của bố các con là thẩy tiền mua gạo, đóng tiền trường, lâu lâu dẫn các con đi xem chiếu bóng hay vô sở thú xem khỉ. Chính mẹ các con sẽ dạy dỗ các con nên người đó. Bố các con là nghệ sĩ, các con hãy coi “bố thà là như chiếc lá bay” các con nhé! Công của những thằng cha nghệ sĩ không thể ví như Thái Sơn được. Nhưng nghĩa mẹ đúng là “như nước trong nguồn chảy ra”. Bởi những lẽ kể trên (cứ như giấy tờ thầy cãi), nhà tôi phải đeo đá lên lưng, những tảng đá Hy Sinh vĩ đại, những tảng đá mà, thi sĩ Hồ Dzếnh, khi diễn tả “cô gái Việt Nam” để kính tặng mẹ ông, đã muốn nạm vàng.Những năm gần đây, tôi đã quen với sự đèo-bồng-có-ích-lợi của nhà tôi. Chẳng hạn, mỗi dịp Tết về Cần Thơ thăm gia đình bên ngoại của ba cháu nhỏ, nhà tôi không quên làm một sự “kết toán niên để...” những vật dụng đã bị sa thải.- Những vỏ hộp thuốc ba số năm đem về cho anh Tư thẹo. Anh ấy mừng lắm. Hộp thuốc ba số năm đựng hai mươi điếu mà chứa thuốc rê vấn sẵn thì nhất.- Thuốc bổ còn lưng chai đem về cho lũ con chị Mậu.- Quần áo cũ của con đem về cho mợ Tư.- Áo dài cũ của em đem về cho vợ chú Năm.- Quần áo cũ của anh đem về cho thằng Thảo, thằng Trọng.- Đồ chơi con chê rồi, đem về cho con ông quản lý góp lúa.Vân vân... Tất cả những gì tôi yêu cầu vất đi, nhà tôi đều chống đối. Nàng đem lên gác tập họp chúng lại. Và phân phát dần mỗi bận có người họ hàng nghèo nào ghé thăm hay “tuyển lựa” đem về Cần Thơ tặng bà con lối xóm không lấy chi làm khá giả.- Cái xe ba bánh của con anh đừng liệng đi, chờ con Cúi nó tới nó xách về cho con nó.Thoạt đầu, tôi tưởng thiên hạ sẽ chê... đồ bỏ. Nhưng khi tận mắt nhìn nỗi hân hoan của kẻ được tặng... đồ bỏ, tôi mới phục nhà tôi. Hạnh phúc của những kẻ khốn cùng thật nhỏ nhoi, khiêm tốn và cảm động. Thằng Hồng con trai của Cúi, nàng liên tử gần một đời người của gia đình nhà tôi, đã vồ lấy cây súng lục hết bắn nổi. Nó giấu trong cạp quần, mắt lấm lét chỉ sợ con tôi đòi lại. Ôi cái sự lẩm cẩm, lỉnh kỉnh của đàn bà, đàn ông chớ xía mõm vô can thiệp. Hãy để mặc các bà lo liệu. Đôi khi chuột có nổi loạn hay mèo có “lâm bồn” ở nơi chứa đồ phế thải, đừng ngứa miệng “lời bàn Mao Tôn Cương”. Phải biết nghĩ đến đám người sắp nhận ân huệ. Như con Cúi, như anh Tư thẹo của tôi. Và sẽ thấy lòng dậy lên tình thương yêu vợ tuyệt đối.