Chương 6

Tôi gặp lại Út Thêm vào sáng hôm sau.
Ăn cơm sáng xong, chờ cho Nhạn và Dế đi ra đồng, tôi liền tót ra trước cổng nhà ông Hai Đởm, tha thẩn dạo tới dạo lui. Tôi vừa ngóng về phía cầu tre trông chừng Út Thêm, vừa lấm lét nhìn quanh, sợ anh Thoảng hoặc thằng Thể thình lình bắt gặp.
Một lát sau, Út Thêm xách giỏ đi ngang. Hôm nay không có thúng thóc đội trên đầu, trông nó duyên dáng và mềm mại hơn. Nhác thấy tôi, nó mỉm cười hỏi ngay:
- Xoài của Út đâu?
Trời đất, sáng sớm gặp tôi, nó không thèm chào hỏi mà nhắc ngay đến chuyện ăn uống! Con nhỏ này... tham ăn dễ sợ! Tôi than thầm trong bụng và bối rối xòe tay ra:
- Đâu có đây! Tôi cất trong nhà. Lát nữa, đợi Út Thêm đi chợ về, tôi mới đưa.
Út Thêm không nói gì. Nó cười với tôi thêm một cái nữa và tiếp tục... đi thẳng.
Tôi đứng nhìn theo Út Thêm một hồi lâu. Cho đến khi nó rẽ ngoặt sau một khúc quanh, tôi mới lững thững bỏ vào nhà.
Tôi lục chồng tập của Nhạn, xé một tờ giấy và nắn nót viết một dòng chữ to tướng "Hôm nào tôi ghé nhà Út Thêm chơi nghen!" Xong, tôi gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo. Rồi tôi trèo lên đầu tủ, lấy trái xoài giấu trên đó, cho vào túi quần. Trước khi đến chỗ hẹn, tôi còn đi vòng ra sau bếp, rút cái cần câu Nhạn nhét trên mái lá, cầm theo.
Trang bị đâu đó xong xuôi, tôi thả bộ xuống cầu tre. Ngồi bên chân cầu, tôi ngoan ngoãn đóng vai Lã Vọng. Xưa, ông Lã Vọng câu cá bằng lưỡi câu thẳng đuột. Nay tôi câu cá chẳng có lấy một con giun. Nhưng tôi khác ông. Ông chờ sự nghiệp. Còn tôi, tôi đợi... tình yêu.
Tình yêu đi chợ đến trưa trờ trưa trật. Mặt trời gần đứng bóng, nó mới đủnh đỉnh về ngang.
So với lần trước, lần này tôi đã bớt đần độn hơn. Vừa thấy bóng Út Thêm từ xa, tôi đã đứng bật ngay dậy, miệng cười toe toét.
Út Thêm thong thả tiến lại. Nó nhìn cái cần câu đang vung vẩy trên tay tôi, mỉm cười:
- Anh đang câu cá hả?
- Ừ.
- Câu được mấy con rồi?
- Chẳng được con nào hết.
- Chẳng được con nào? - Út Thêm tròn mắt.
Tôi gật đầu và vung cần trúc lên. Tôi đưa qua đưa lại cái lưỡi câu sáng loáng trước đôi mắt mở to của nó, hắng giọng nói:
- Tôi đâu có móc mồi.
- Không móc mồi làm sao câu cá được? - Giọng Út Thêm kinh ngạc.
Tôi cười:
- Tôi đâu có câu cá.
Tôi nói thật nhưng Út Thêm coi bộ không tin. Nó tưởng tôi thích giễu hề. Vì vậy, nó cười:
- Anh chỉ đùa!
Tôi liếm môi:
- Tôi nói thật mà. Tôi chỉ giả bộ câu cá thôi. Tôi ngồi đây chính là để... đợi Út Thêm.
Những tiếng cuối cùng, tôi nói một cách khó khăn. Dường như nỗi xúc động đã khiến tôi đánh mất tự nhiên. Nhưng Út Thêm chẳng để ý đến vẻ lúng túng của tôi. Đối với nó, thế giới chẳng có gì thay đổi sau câu nói "tình tứ" của tôi. Hẳn nó xem việc tôi ngồi đợi nó ở chân cầu hay thằng Dư ngồi đợi nó ở nhà cũng chẳng khác gì nhau. Nó reo lên một cách hồn nhiên:
- A, anh đợi Út để đưa xoài phải không?
Út Thêm làm tôi buồn quá chừng. Tôi uể oải móc trái xoài trong túi quần ra đưa cho nó:
- Nè!
Út Thêm cầm lấy trái xoài. Nó mân mê một hồi rồi bỏ vào giỏ:
- Thôi Út về nghen! Trưa rồi!
Giọng Út Thêm hờ hững. Nó từ giã tôi, cũng vội vã như những lần tôi từ giã nhỏ Thơm. Ý nghĩ đó khiến tôi ai oán:
- Trưa đâu mà trưa!
Út Thêm không buồn cãi nhau với tôi. Nó chỉ nói:
- Út phải về nấu cơm!
Lý do của Út Thêm chính đáng đến mức tôi không dám giở giọng nài nỉ. Tôi chỉ lẽo đẽo đi theo nó và chờ lúc nó không để ý, tôi nhanh tay móc tờ giấy trong túi áo ra tuồn vào chiếc giỏ trên tay nó.
Út Thêm chẳng hay biết gì. Nó vẫn vô tình rảo bước, không hay trái tim tôi đang nằm trong giỏ đồ chợ của nó, đang cựa quậy không ngừng giữa mớ rau, mớ cá tanh nồng.

*

Khi lén lút bỏ "lá thư" vào giỏ của Út Thêm, tôi không nghĩ nó khờ khạo đến mức tưởng đó là giấy lộn. Vì vậy, khi gặp lại nó và sau một hồi dò hỏi, tôi không tránh khỏi sững sờ.
- Hôm qua Út Thêm có thấy gì lạ trong giỏ đồ chợ không? - Vừa gặp, tôi hớn hở hỏi ngay.
- Thấy gì là thấy gì? - Út Thêm ngơ ngác.
- Có một tờ giấy... - Tôi đáp lấp lửng.
Út Thêm nhíu mày:
- Tờ giấy hả? Ờ, ờ... có.
Tôi tằng hắng:
- Út Thêm đã đọc chưa?
- Đọc gì kia?
Tôi nuốt nước bọt:
- Thì đọc... tờ giấy! - Và tôi ấp úng nói thêm - Tờ giấy của tôi đó!
- Của anh?
- Ừ. Hôm qua tôi bỏ vào.
Út Thêm mở to mắt:
- Anh bỏ vào lúc nào, sao Út không biết?
Tôi cười:
- Làm sao Út Thêm biết được! Tôi bỏ... lén!
Út Thêm cũng cười. Và nó tò mò nhìn tôi:
- Anh bỏ giấy vào giỏ Út chi vậy?
Vẻ ngây thơ của Út Thêm khiến tôi phát bực. Đây là lần thứ hai nó dùng cái từ "chi vậy" oái oăm để hỏi tôi. Sau một thoáng phân vân, tôi đánh liều giải thích:
- Cái đó người ta gọi là... gửi thư.
Đến đây, dường như Út Thêm đã mơ hồ hiểu ra hành động của tôi. Nó không hỏi mà bẽn lẽn quay mặt đi. Nhưng nó không hỏi thì kệ nó. Tôi cứ hỏi:
- Sao, Út Thêm đã đọc "lá thư" đó chưa?
Út Thêm lắc đầu và lí nhí đáp:
- Chưa! Út liệng mất!
Câu trả lời của Út Thêm khiến tôi chưng hửng:
- Trời đất! Sao lại liệng?
- Út đâu có biết! - Út Thêm đáp với giọng biết lỗi - Út tưởng giấy người ta... gói rau!
Trời ơi, thư tình của tôi mà nó tưởng là giấy gói rau ngoài chợ! Con nhỏ này sao nó vô tình quá xá vậy không biết! Sự tưởng lầm của nó khiến tôi dở cười dở khóc, không biết phải trách nó hay nên tự trách mình.
Thấy tôi mặt mày bí xị, Út Thêm lo lắng hỏi:
- Mà anh viết gì trong đó vậy?
- Đọc không đọc, bây giờ đi hỏi! - Tôi đáp, giọng giận dỗi.
- Thì Út có biết đâu!
Tôi nhún vai:
- Không biết thì mai biết!
Thấy Út Thêm lộ vẻ ngơ ngác, tôi tặc lưỡi giải thích:
- Ngày mai tôi sẽ bỏ vào giỏ của Út Thêm một tờ giấy khác.
Út Thêm chớp mắt:
- Lại "gửi thư" nữa hả?
- Ừ.
Tôi đáp. Và nhìn đăm đăm vào mắt Út Thêm.
Út Thêm tránh ánh mắt của tôi. Nó nhìn bâng quơ lên ngọn sầu đông, khẽ nói:
- Muốn nói gì với Út, anh cứ nói Út nghe! Đừng gửi thư cho Út nữa!
Tôi liếm môi:
- Sao vậy? Út Thêm sợ bị mẹ mắng hả?
Út Thêm lắc đầu:
- Mẹ Út chẳng bao giờ mắng Út!
Tôi gãi cổ:
- Thế thì tại sao?
Út Thêm không trả lời ngay. Nó cũng chẳng nhìn lên ngọn sầu đông nữa. Mà nhìn xuống đất. Mãi một hồi lâu, giọng Út Thêm mới vang lên, xa xăm và buồn bã:
- Tại Út không biết đọc!
Lời thổ lộ bất ngờ của Út Thêm khiến tôi há hốc mồm:
- Không biết đọc?
Buột miệng xong, tôi chợt nhận ra mình vừa hỏi một câu ngu ngốc. Út Thêm đã thú nhận điều đó một cách khổ tâm, vậy mà tôi lại dại dột nhắc lại sự đau lòng của nó thêm một lần nữa.
Chẳng biết làm gì cho đỡ áy náy, tôi cúi xuống nhặt một nhánh sầu đông khô gãy dưới chân, vò vò trong tay và bâng khuâng hỏi:
- Hồi nhỏ, Út Thêm không đi học hả?
- Có. Nhưng Út chỉ học tới lớp hai! - Út Thêm đáp, vẫn không ngẩng đầu lên.
Tôi ngạc nhiên:
- Học lớp hai Út Thêm phải biết đọc chứ?
- Hồi đó thì biết. Nhưng nghỉ lâu quá rồi, Út quên hết trơn.
Hóa ra vậy. Tự dưng tôi cảm thấy bùi ngùi:
- Sao hồi đó Út Thêm nghỉ học vậy?
Út Thêm không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó chỉ thở dài:
- Nhà Út đông anh em lắm!
Nhà đông anh em, hẳng ba mẹ Út Thêm không đủ sức cho tất cả con cái đến trường. Và điều không may đó đã rơi vào Út Thêm. Nó không nói rõ, nhưng tôi hiểu. Tự dưng tôi đâm buồn lây nỗi buồn của Út Thêm. Tội nghiệp nó ghê! Hèn gì hôm trước tôi gạ cho nó mượn truyện, nó cứ một mực chối từ.
- Vậy là anh biết rồi hén? - Út Thêm bỗng lên tiếng phá tan sự im lặng nặng nề.
Tôi liếc nó:
- Biết gì?
- Biết Út không biết đọc.
- Ừ. Mà sao?
- Vậy bây giờ anh nói cho Út nghe đi!
Tôi vẫn chưa hiểu:
- Nói gì?
Út Thêm cười:
- Nói cái gì anh viết trong thư đó!
- À. - Tôi ấp úng buột miệng - Trong thư ấy hả? Trong thư tôi chỉ viết có... một câu thôi!
- Câu gì vậy?
Tôi ngập ngừng:
- Câu... hỏi.
- Thì là câu hỏi. Nhưng anh hỏi gì?
Tôi gãi đầu:
- Tôi muốn hỏi Út Thêm là... hôm nào tôi đến nhà Út Thêm chơi được không!
Tôi vừa nói xong, Út Thêm che miệng cười khúc khích:
- Có vậy mà cũng viết thư! Anh buồn cười ghê!
Út Thêm cười, tôi đành nhe răng cười theo:
- Sao, được không?
- Được gì kia?
Tôi khịt mũi:
- Chuyện tôi đến chơi nhà Út Thêm ấy!
- Khi nào anh muốn đến thì cứ đến, có gì mà không được!
Tôi mừng rơn:
- Thật hén?
- Ừ.
Bỗng nhớ đến một chuyện quan trọng, tôi vội hỏi:
- Nhưng nhà Út Thêm ở chỗ nào? Dễ tìm không?
- Dễ ợt hà! - Vừa nói, Út Thêm vừa chỉ tay về phía tán phượng đang cháy đỏ bên kia trảng - Anh thấy cây phượng đằng kia không?
- Thấy.
- Cây phượng trước sân nhà Út đó! Nhà Út nằm ngay đầu xóm!
Tôi gật gù:
- Vậy hôm nào tôi ghé chơi hén?
- Ừ. Nhưng anh đừng ghé buổi sáng. Buổi sáng Út đi chợ.
- Được rồi, tôi sẽ ghé buổi trưa! - Đang nói, tôi sực nhớ buổi trưa tôi phải học võ với anh Thoảng, liền vội vàng chữa lại - Thôi, tôi sẽ ghé vào buổi chiều vậy!
Út Thêm dễ dãi:
- Ừ, buổi chiều.
Đang hân hoan với viễn ảnh xán lạn trong đầu, đột nhiên tôi nhớ tới con Hắc-Ín và con Đụp trong vườn nhà ông Tư Thiết, mặt tôi bỗng xám ngoét:
- Nhưng mà này...
- Gì?
- Nhà Út Thêm có nuôi chó không?
- Cho hả? Có!
Vừa buột miệng, chợt bắt gặp nỗi lo lắng trong ánh mắt tôi, Út Thêm hiểu ngay. Nó mỉm cười trấn an:
- Nhưng con Vàng nhà Út hiền khô à!
Thấy Út Thêm nói trúng ngay tim đen, tôi đỏ mặt chống chế:
- Tôi chỉ hỏi vậy thôi, chứ chó hiền hay dữ đâu có thành... vấn đề.
Khi nói như vậy, tôi đang dóc tổ. Tôi bốc phét là tôi không sợ chó để giữ thể diện trước mặt Út Thêm. Nhưng khi về nhà, ngẫm lại, tôi thấy câu nói của mình không đến nỗi hoàn toàn sai sự thật. Bởi vì suy cho cùng, thái độ của con Vàng quả thực không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở thái độ của cô chủ nó kia!

*

Định bụnh sẽ ghé thăm Út Thêm vào một ngày gần nhất, nhưng rồi tôi cứ nấn ná hoài. Lúc này, Nhạn và Dế đã bắt đầu để ý đến thái độ lạ lùng của tôi. Tụi nó cứ thay phiên nhau hỏi:
- Sao dạo này anh không ra suối nữa?
- Anh hết thích trò bắn chim rồi hả?
- Anh sợ tụi xóm Miễu phải không?
Những lúc đó, tôi phải căng óc tìm cách trả lời. Tôi bảo tôi hết ham trò bắn chim bởi vì tôi bắn ẹ quá. Khi nào bắn giỏi bằng thằng Nhạn, tôi mới đi lùng bọn chim. Còn về "vụ" tắm suối thì tôi vẫn đi tắm hoài. Có điều tôi đi bơi vào buổi sáng, lúc Nhạn và Dế không có nhà, nên tụi nó không biết đó thôi. Tôi cũng thề là tôi không ngán gì tụi xóm Miễu, nhưng từ ngày học võ với anh Thoảng tôi đâm ra ngại đánh nhau. Người không có võ đánh nhau túi bụi không sao, còn người có võ như tôi, thoi một cú, đối thủ hộc máu chết tươi liền. Tôi chưa muốn chạm trán với tụi thằng Dư là vì vậy.
Thằng Nhạn khù khờ chỉ biết ngồi nghển cổ nghe tôi bốc phét. Chỉ có Dế là đồ ranh con. Tôi đang thao thao bất tuyệt, nó chen ngang một phát khiến tôi cụt hứng:
- Anh nói anh không muốn đánh tụi nó. Nhưng rủi gặp nhau ngoài đường, tụi nó xúm lại đánh anh thì anh làm sao? Không lẽ anh đứng im đưa lưng cho tụi nó thụi?
- Đứng im sao được mà đứng im! Tao thụi lại ấy chứ!
Dế cười hì hì:
- Anh thụi lại, tụi nó hộc máu thì sao?
- Hộc máu hả? - Tôi lúng túng - Tao sẽ thụi... nhè nhẹ! - Rồi tôi chép miệng nói thêm - Nhưng làm gì có chuyện đó! Tao sẽ nói Út Thêm bảo tụi nó đừng gây sự với tụi mình nữa!
Dế nheo mắt:
- Lần trước anh cũng bảo vậy, nhưng rồi anh có nói gì đâu!
Tôi vung tay:
- Nhưng lần này tao sẽ nói! Tại bữa đó đến nay tao... đâu có gặp lại nhỏ Út Thêm!
Tôi mới cả quyết hôm trước, trưa hôm sau đã xảy ra một trận đụng độ nảy lữa.
Tôi ở nhà anh Thoảng về, đang đứng kỳ cọ tắm rửa bên thềm giếng, bỗng thằng Dế ở đâu ngoài bờ rào chui vô, la bài hãi:
- Anh Nhạn đang bị tụi xóm Miễu vây đánh ngoài suối kìa! Anh chạy ra mau đi!
Nói xong, Dế vọt mất.
- Đi đâu vậy? Chờ tao với! - Tôi gọi với theo.
- Em đi kêu anh Thể! Anh mặc quần áo nhanh lên!
Khi tôi và Thể theo Dế ra đến ngoài suối thì Nhạn đang bị tụi thằng Dư vây chặt trong rẫy khoai mì hôm nọ.
Chúng tôi không nhìn thấy Nhạn. Nó nấp đâu ở giữa đám khoai mì, đánh cầm chừng để chờ viện binh. Tụi xóm Miễu vây bốn mặt, nã đất ầm ầm vào đám cây lá um tùm.
Đang say sưa tấn công, chợt thấy chúng tôi xuất hiện, đối phương lập tức rút nhanh về phía suối.
Dế hăng hái băng lên, miệng hét toáng:
- Đuổi theo tụi nó!
Thể cúi xuống nhặt mấy cục đất cầm tay và co giò chạy theo Dế. Chỉ có tôi là cố ý tụt lại phía sau. Tôi sợ thằng Dư nhìn thấy. Tôi định làm anh nó, bây giờ lại lượm đất chọi nó, thật chẳng ra làm sao!
Dế quay lại, thấy tôi lếch thếch đằng sau, bèn la lên:
- Lẹ lên anh Chương! Làm gì như rùa bò vậy!
Tôi giả vờ nhăn nhó:
- Tao bị đạp gai!
Vừa nói tôi vừa co chân nhảy lò cò theo nó, ra vẻ ta đây đã cố gắng hết sức.
Nhưng dù tôi tham gia trận đánh chẳng mấy tích cực, rốt cuộc tụi xóm Miễu vẫn phải tháo lui trước sự gan lì của thằng Thể. Hai tay hai hòn đất, nó nhắm mắt nhắm mũi xông lên giữa luồng đạn, ném ào ào. Nhạn và Dế bám sát phía sau, bốn cánh tay chọi như máy, miệng hò hét ầm ĩ để cướp tinh thần đối phương.
Tụi thằng Dư vừa ném trả vừa rút dần về phía suối và thừa lúc phe tôi ngừng tay chúng thi nhau nhảy tòm xuống nước và vội vã bơi sang bờ bên kia.
Trên đường về, Thể, Nhạn và Dế mặt mày hớn hở, cười nói oang oang. Chỉ có tôi là dàu dàu.
- Làm gì buồn thiu vậy? - Thể hỏi tôi.
Tôi cười gượng gạo:
- Khi nãy tao đạp gai, giờ còn đau!
Tôi phịa y như thật. Ba ông tướng tin ngay. Tụi nó tưởng tôi đau chân trong khi thật ra tôi chỉ đau... lòng. Vừa mới đánh nhau với thằng Dư, làm sao tôi dám dẫn xác đến nhà thăm chị nó. Cái "hôm nào" tôi hứa với Út Thêm bỗng trở nên xa lăng lắc. Cây phượng rực rỡ trước sân nhà nó những ngày này tôi chỉ thấy trong mơ.