Mùi rượu ngô gay gắt của những quán nhỏ ven đường như muốn níu kéo chúng tôi lại và dù đã vượt qua rất xa, vẫn có cảm giác nó ở quanh mình. Phải chăng hơi rượu đã thấm đẫm vào không gian, đánh bạt đi lam sơn, chướng khí của miền "đất dữ" để tiếp thêm sức mạnh cho người khách bộ hành?Nếu được đứng trên triền núi ngắm những buổi hoàng hôn mênh mông nắng vàng hay đêm nằm run rẩy trong cái tịch mịch của rừng đá, mới thấy hết được ý nghĩa của cuộc sống nơi hoang vu, khi con người trở nên quá bé nhỏ trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, rượu ngô là thứ đồ uống chính của đồng bào dân tộc. Ăn có thể thiếu, mặc có thể không đủ nhưng rượu ngô luôn phải đầy bình. Rượu ngô uống cùng ớt ngâm, rượu ngô hoà vào bát cơm gạo hẩm, lùa vội hai miếng cho qua bữa... Thế nhưng, không phải lúc nào người H'Mông ở Đồng Văn cũng có cơm ăn. Sống trên đá, nguồn nước không có, họ chỉ có thể trồng ngô thôi chứ lấy đâu ra gạo. Ngô, cũng chỉ chế biến được thành món bánh "mèn mén" mà thôi. Người dân nơi đây có câu "Sống trên đá, chết vùi trong đá". Thế giới của người H'Mông ở Hà Giang thật đơn sơ, nó chỉ là đá, là rừng và nhiều sinh khí nhất là những nương ngô xanh rờn. Một quả núi lớn được chia theo từng hộ dân để canh tác. Đá núi mấp mô, nhọn hoắt, đâm thủng chân người, vậy mà họ vẫn đào được hố, được hốc rồi tra hạt, tỉa bắp. Bò kéo cày, có khi chỉ đi được vài bước chân đã phải quay đầu, vì "nương" nhỏ quá, đá xanh rắn qua. Đúng là dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Sống trên độ cao 1200m so với mặt nước biển, nguồn nước sinh hoạt của người H'Mông dựa hoàn toàn vào "thiện ý" của ông trời. Năm nào ông cho mưa nhiều thì người dân bớt khổ, chứ năm nào nắng to thì dù "có sức người, sỏi đá cũng thành ngô". Đồng Văn không hề có suối và nước mạch như các vùng núi khác, đá xanh Hà Giang lại nổi tiếng cứng hơn cả đá trắng Ninh Bình nên cũng không thể nào khoan giếng để trữ nước được. Sau mỗi cơn mưa, nước ở lại trong các hốc đá tai mèo và người dân phải đập đá để tạo ra dòng chảy về một hốc đá lớn với trữ lượng khoảng 100 lít. Những nhà ở xa hốc nước cũng phải mất cả ngày trời mới mang được can nước về, mà cũng vơi đi rất nhiều, vì họ phải uống trên đường đi. Nhà nào khá giả còn có ngựa thồ nước, chứ nhà nghèo chỉ biết dùng chính sức khoẻ của mình mà "cõng" nước về. "Nước chảy đá mòn", thế nhưng những giọt mồ hôi của người H'Mông nhỏ xuống không đủ thấm vào lòng đá, không làm cho đá mòn đi mà trái lại, dường như nó còn mài sắc thêm những cạnh đá để cào nát đôi chân trần của những người quanh năm sống cảnh "bán mặt cho đá, bán lưng cho trời". Vùng đá tai mèo đã tạo cho người dân nơi đây tính cách thậtdữ dội, nhưng cũng vô cùng chân thật. Dù khó, dù khổ đến mấy nhưng hiếm khi nụ cười tắt trên đôi môi họ. Một bữa ăn, một đêm ngủ trong căn nhà trống trải tường đá toả hơi lạnh buốt, một buổi len lỏi trên những con đường trải đá tới nương ngô nằm ở lưng chừng núi cũng đủ cho bạn quyến luyến vùng "đất dữ" này. Mọi người dân nơi đây ngay từ lúc sinh ra đã được đá tôi luyện, đá chính là cuộc sống của họ, còn đá thì còn họ, sức sống của họ là sức sống của đá. Những sinh linh tồn tại một cách hoang dã trong thế giới của đá là hình ảnh đẹp nhất của ý chí con người quyết chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn.