Đảo Quan Lạn

Đảo Quan Lạn thuộc tuyến đảo phía ngoài của biển Quảng Ninh, toàn diện tích 11 km2 trên đó có dân cư 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. Đảo Quan Lạn trải dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, tạo nên như bức tường ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ cho cư dân.

Quan Lạn nằm trên tuyến đường giao thônghàng hải quan trọng nối liền từ Trung Quốc, Nhât Bản, Thái Lan, Philipin... với Viết Nam. Vì vậy vào thế kỷ 12, Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh chính là thương cảng đầu tiên của Việt Nam do triều Lý xây dựng.Và nó đã từng là trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất và thịnh vượng, tàu bè vào ra tấp nập.
Ngày nay, đảo Quan Lạn vẫn còn giữ một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ không kém một hòn đảo nào trong quần thể thắng cảnh Hạ Long. Tại đây, hằng năm còn diễn ra lễ tế vua Lý Anh Tông và lễ hội chèo thuyền vào tháng năm, tháng sáu âm lịch. Nằm trong quần thể vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, đảo Quan Lạn (thuộc huyện đảo Vân Ðồn, Quảng Ninh) có một thiên nhiên hoang sơ đẹp không kém bất kỳ hòn đảo nổi tiếng nào trong quần thể thắng cảnh di sản văn hóa thế giới này.
Hơn nữa, Quan Lạn còn là một vùng đất có bề dày lịch sử, từ xưa vốn đã nổi tiếng bởi thương cảng Vân Ðồn có từ thời Lý, và cũng là nơi ghi tạc chiến công của người anh hùng dân tộc Trần Khánh Dư.
Quan Lạn nằm ở vị trí tiền tiêu đối mặt với Biển Ðông, cách Hòn Gai theo đường chim bay khoảng 45 km về hướng đông bắc. Chính vì vậy, vào thời Lý, Vua Lý Anh Tông đã chọn nơi đây lập ra trấn Vân Ðồn và thương cảng Vân Ðồn vào tháng 2 năm 1149. Sự kiện này đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giao thương của nước Ðại Việt với các nước lân bang đặc biệt trong khu vực Ðông Nam Á. Những chứng tích về thương cảng xưa vẫn còn tìm thấy tại bến Cái Nàng trên đảo với những dấu vết nền móng của các kiến trúc cổ, giếng nước và đặc biệt những đống mảnh sành sứ dày tới hàng mét chứng tỏ sự sầm uất của nơi đây.
Vào năm 1288, Ðô đốc Trần Khánh Dư đã tiêu diệt đoàn thuyền lương của quân Nguyên tại đây. Vì chiến công góp phần quan trọng đánh bại cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên, Trần Khánh Dư đã được vua Trần phong tước Hầu. Với một bề dày lịch sử như vậy, văn hóa lễ hội dân gian của xã đảo Quan Lạn rất phong phú. Ngoài lễ tế vua Lý Anh Tông trùng với ngày lễ tế 15 tháng 5 âm lịch hàng năm ở đền Ðô, Bắc Ninh (nơi thờ các vị vua triều Lý).
Giữa chốn biển khơi mênh mông ấy lại có những ngôi chùa to lớn cùng nhiều di khảo cổ đến vậy. Trên đảo có ngôi chùa Lấm được xây dựng từ thời Trần, ngoài ra còn có 3 ngôi chùa khác cùng một ngôi bảo tháp mà nay chỉ còn là phế tích. Đặc biệt trên đảo Quan Llạn có đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18 tuyệt đẹp, hiện nay còn gần như nguyên vẹn, các đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Quan Lạn còn có lễ hội chèo thuyền diễn tả chiến thắng Vân Ðồn vào ngày 18-6 âm lịch. Ngoài những giá trị văn hóa lịch sử được người dân đảo bảo tồn từ hàng trăm năm nay, thiên nhiên phú cho Quan Lạn những bãi biển tuyệt đẹp. Chạy dọc suốt theo hai bên đảo là những bãi cát dài tới hàng chục km, đây là nguốn nguyên liệu làm thuỷ tinh dường như vô tận của biển cả dành cho con người và là tài nguyên du lịch vô cùng hấp dẫn của Hạ Long.Ðảo có hai bãi tắm thiên nhiên rất đẹp là bãi Sơn Hào dài 3 km và bãi sau làng (hay còn gọi là đầu núi) dài 2km. Hai bãi tắm này là điểm hấp dẫn nhất đối với khách du lịch. Cùng với Cát Bà (Hải Phòng), Quan Lạn có thể trở thành hòn đảo kết hợp được các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái mới của quần thể vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Ngoài ra, người dân ở đây rất chân thật và mến khách.
Tiềm năng là vậy! Nhưng cái "vốn của Quan Lạn còn đang ngủ say như một nàng công chúa ngủ trong rừng..." đó là nhận xét của bất cứ ai đã đặt chân lên đảo. Ở Quan Lạn giờ này gần như chưa có một ai biết làm du lịch, không có một khách sạn, nhà hàng, dịch vụ nào cho khách du lịch. Nhưng đã không thiếu các đoàn khách trong và ngoài nước không quản ngại thiếu thốn, vẫn tìm đến đảo...