Oan…!

Mùa gặt tới rồi. Khắp đồng như một mâm xôi lớn. Gió thoảng qua, lúa cửa mình như than thở, lào xào. người ta tưng bừng đầy ruộng. Ai cũng lo làm hối; không, lúa ngã sẽ hư hao nhiều.
Tôi chưa kịp đi mướn người gặt tiếp thì ông Chủ tới nhà:
- Coi, sao thằng Sáu không lo gặt để lúa rực rã hết còn gì?
Ông quay lại mẹ tôi như để méc:
- Thím coi, đêm ngày nó cứ lo đờn địch ca xang. Thím la rầy nó chớ! Tôi nghe đâu nó lại nhà ông thầy pháp Mạnh thường lắm. Ðố khỏi nó bị người ta dụ dỗ, sa đà rồi quên hết việc ruộng nương.
- Cám ơn Chủ có lòng lo lắng cho mẹ con tôi. Tôi nhắc nó hôm qua, song nó còn phải vần công với chú hai Hoá rồi mới gặt được đất nhà.
- Ừ, thì lo sớm sớm, chớ cũng đã muộn rồi!….
Ông Chủ có mòi lo cho tôi lắm. Ông đã lậm bùa của tôi rồi. Hôm ấy ổng cứ nhắc nhở tôi về việc làm ăn, lại còn ở ăn cơm tại nhà tôi nữa. Báo hại tôi chạy hết hơi mới kiếm được cá và đồ nhậu. chai rượu thứ nhì tôi kiếm được, chưa kịp đem cho thầy tôi, bị ổng ực vơi đi hết hai phần. Ổng ăn, ổng uống, ổng nói chuyện huyên thiên!
- Sao nó lớn rồi mà thím không lo vợ cho nó? “có vợ có chồng tát biển đông cũng cạn”. Ðể nó có một mình kham khổ quá, mà thím cũng không ai coi sóc miếng uống, miếng ăn. Nè để tôi chỉ cho. Con gái thằng hai Hoá đó, con gì mầy Sáu?
- Dạ, con tám Én!
- Ừ, con tám Én, tám ơi gì đó. Con nhỏ coi phải thế, dễ thương lắm. Con nhà làm ăn đa. Cày giỏi, cấy gỉoi, gặt cũng giỏi nữa. Cha chả phải chi thím đi hỏi cho thằng Sáu thì nhờ được biết bao nhiêu!
- Nó chưa chịu cưới vợ, Chủ à. Nó nói còn nhỏ.
- Trời ơi, nhỏ quá! Nhỏ mà gần thành yêu. Thím để nó lại nhà ông thầy pháp Mạnh hoài thầy sẽ bắt hồn cho con gái thẩy mà coi!
Tôi giãy nãy:
- Bẩm Chủ, đâu có kỳ vậy được! Con đó còn nhỏ xíu.
Ổng cười khè khè nặc hơi rượu:
- Mười lăm, mười sáu tuổi mà mầy nói còn nhỏ! Tại nó đẹt, nó ốm yếu như vậy, chóo phải là con dòng “làm ăn” coi! Mầy thử so sánh nói với con tám Én thì biết. Cũng một tuổi chóo gì. Ðàng nầy coi có phải đúng câu “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” không. Ý là nó chưa mười bảy đa. Vậy mà nó làm ăn “dàng trời đổ lửa” đi mầy ơi! Một mình nó mà ban đêm chống xuồng đit uần ruộng thì đố cha thằng ăn trộm nào dám lại gần, đó họ thằng câu nào dám lén vô! Nó cho “guỵ thủ chủ” hết thẩy.
Tôi tức tối, nhưng không biết cãi làm sao, đành trề môi lén một cái rồi bỏ đi ra sau.
Mẹ tôi đỡ lời:
- Tôi cũng tính để rồi coi đâu đó phải chỗ hỏi đại cho nó. Chỉ sợ là nhà không đủ ăn. Chủ coi, một đồng một chữ không có, lấy gì làm sở phí.
- Thì hỏi để đó, rán làm ít mùa ruộng là xong!
Ổng ăn, ổng uống, ổng say, ổng nói, rồi ổng nằm liệt tại nhà tôi mà ngủ cho đến chiều.
Mẹ tôi coi bộ khó chịu, kêu tôi nói nhỏ:
- Ổng làm như vậy, tao sợ người ta nói…
- Ối hơi đâu mà lo. Bất quá mình làm “thân” với ổng cho qua mùa lúa nầy rồi sau sẽ hay.
Ngày sau, tôi khởi đầu gặt vần công với con tám Én.
Thấy nó, tôi bợ ngợ và tức tối vô cùng. Nhưng cũng phải nhìn nhận lòi ông Chủ nói:
- con nhỏ làm ăn “dàng trời đổ lửa”.
Nó cầm vòng hái gọn gàng, gặt lia lịa, bó giỏi, “cò” hay. Tôi theo gần đuối mà cũng không làm sao rồi công khi nó xách vòng hái đi về.
Con nhỏ lại độc, cứ bắt công gần tôi để chuyện trò.
Lúc đó tôi mới nhận được ở con nhỏ một tài đặc biệt nữa: tài hò.
Ở nhà quê, khi tụ tập đông, người ta thường đối đáp chơi. Con trai ghẹo, con gái trả lời. Ít thua con trai, nhứt là con tám Én, mà có khi lại còn cho tụi kia “cứng họng” nữa là khác.
Trong bọn gặt con trai, có thằng tư Bồ là hò lấn hơn hết và nghe đâu nó phải lòng con tám Én lâu rồi.
Có lần con tám Én bực mình, tính hạ nó một mẻ:
Tiếng anh ăn học làu thông,
Hỏi anh có biết khăn lông mấy đường?
Ái chà chà, cái con nh3o chơi quá quắc. Nhưng thằng tư Bồ đâu có lẽ chịu lép vế. Nó cũng lẻo mép ghê:
Em về đếm hết cỏ vườn,
Lại đây anh nói mấy đường khăn lông.
Không biết có phải con tám Én bị “nghẹn” ở đó rồi nó sanh ra ghét thằng tư Bồ, hay tại nó thấy mấy bài vọng cổ của tôi hơn điệu hò mấy bực, mà nó theo chuyện trò với tôi. Tôi thì vẫn cứ rủa thầm nó. Vậy mà thằng tư Bồ đâu có hay. Nó thấy con tám Én cứ men men lại tôi là nó nghi, rồi nói ghen. Bởi vậy, nó nhè tôi mà oán “ra mặt”.
Nhiều lúc nó nói xéo tôi trước đông người. Tôi vẫn mỉm cười, không coi vào đâu:
- Tao mà vẽ bùa, thì mười thằng như mầy cũng tán mạng!
Tôi hăm thầm như vậy chớ chẳng nỡ xuống tay, mà cái thằng tư Bồ u mê không biết thân, lại ham làm già cho sanh chuyện.
Có một bữa nọ ứng khẩu hò:
Thấy cô nho nhỏ, tôi muốn bỏ cái nghề đờn,
Theo cô làm tùng giả, đánh quờn cho cô coi.
Có chán chường chưa? Có rõ rệt chưa? nghề đờn là nghề của tôi, còn biết xem quờn là con tám Én. Ông già hai Hoá có truyền lại cho con gái một mớ nghề.
Khi nó hò xong câu đó, con tám Én gặt bê lại gần tôi, nói nhỏ:
- Cái thằng có giọng hò đáng ghét quá anh há?
- Ừ, bữa nào “qua” sửa lưng nó một cấp cho nó tởn.
- Ý không nên! thằng đó là học trò ruột của ba em. Nghề võ nó giỏi lắm.
- Giỏi mặc nó chớ. Nó mà làm gì đuợc “qua”.
- Vậy anh cũng biết nghề nữa à?
- “Qua” không biết gì hết. Nhưng sức của nó, “qua” sè bàn tay là nó nằm một đống!
Con tám Én dòm tôi với một vẻ mặt kinh dị:
- Anh có tài như vậy mà hồi giờ em không dè chớ!
- Dè sao được mà dè! Còn có nhiều cái “lạ lùng” mà em không dè nữa! việc đó sau rồi sẽ thấy.
Nói rồi tôi nghinh nghinh nó như trâu đang hăng. Con tám Én cười:
- Anh nói chơi…
- Thuở giờ “qua” có nói chơi với em lần nào đâu? “Qua” mà, em!
Nói chuyện vỏn vẹn với con tám Én có bấy nhiêu đó mà hôm sau thiên hạ đồn rầm lên rằng: “Con tám Én “tò tí” với thằng “Sáu đờn kìm” ngoài ruộng!”
Phật mà có nhào lộn ngược xuống bàn cho chưa! Cái thù chưa trả, cái hận còn đây, “tò tí” là “tò tí” làm sao?
Nhưng tôi rán dằn lắm, dằn lắm mới chỉ ấm ức lầm thầm: “Rồi một ngày kia mấy người “tò tí” hay “tí tò” gì cho biết!”
Trả công qua lại gần nửa tháng mới rồi, nhưng lúa vẫn còn “cò” phơi ngoài ruộng.
Tôi phải đi tuần nghiêm nhặt vì bọn trộm lộng lắm. Hở một chút, mất cả lúa xuồng.
Vào một đêm không trăng, trời chuyển mịt mù tối đen, rồi mưa rỉ rả.
Mẹ tôi lo lắng không cùng, kêu tôi than vãn:
- Trời mưa trái mùa như vầy hư lúa hết, thêm một nỗi trộm đạo thừa dịp ăn cắp không chừng, con chịu khó đi canh một vòng rồi về ngũ.
Trời lạnh thấu xương, nhưng không nỡ để cho mẹ lo buồn, tôi xách áo tơi bưng lồng đèn ra đi.
Tôi chống xuồng giáp một vòng ruộng, đến gần ranh của con tám Én, bỗng nghe có tiếng rù rì. Tôi lập tức ngừng xuồng lại lóng tai nghe: Ai kìa? Những hột mưa rơi lắc rắc trên vành nón lá làm lấp tiếng mất tiếng còn.
Tôi đứng tần ngần suy nghĩ coi kẽ trộm hay người nhà. Cái đèn lồng tắt mất hồi tôi mới ra ruộng. Tiếng rù rì ngưng đi rồi lại nổi lên từng chặp.
- Giờ không lẽ đứng hoài đây chịu? Tôi nghĩ vậy bèn gò xuồng tằng hắng. Tiếng người mất hẳn. Thôi, phải rồi ăn trộm.
Tiện đường không nỡ để con tám Én mất lúa oan uổng, tôi chống lẹ xuồng qua nạt lớn!
- Ai đó? Ăn trộm lúa phải không?
Có tiếng giầm rớt bên be xuồng, rồi tiếng chạy ào ào. Thình lình một cây đèn ló chịa vào mặt tôi…
- Hà, đi đâu đấy, mầy mới quả thật là ăn trộm!
tôi vừa kịp nhận ra là thằng tư Bồ thì một cây sào dài đâu vụt tới.
Tôi hoảng hồn biết không xong, bấm tay đọc bùa hộ mạng: …Ôm mà xơ… nhưng trễ quá rồi, cây sào đưa một cái “rốp”, ống quyển tôi như muốn gãy lìa. Tôi té nhủi xuống nước, bị hai người áp lại đè thúc đầu gối vào lưng tôi.
Thằng tư Bồ đắc thắng:
- Mầy cả gan dám qua đây ăn trộm lúa hả?
- Ðồ khốn nạn, đừng lầm, tao đi tuần…
- Hứ, đi tuần! Sao nhè lại… đi tuần trong ruộng tao?
- Nói bậy, ruộng của cậu Hai mà!
- Ruộng của câu hai thật, nhưng tao lãnh canh giùm. Còn mầy… đồ ăn trộm!
- Khốn nạn, tiểu nhân, vu cáo!
- Có vu cáo không rồi sẽ biết. Xuồng đây, lúa đây, tao bắt được mầy tại chỗ nầy là cứ đem về cho cậu Hai định đoạt!
Tôi tức quá, phần bị nó nhận cứng dưới khoang xuồng, phần bị nghẹt, thở chẳng ra hơi, tôi không thèm cãi vã làm chi nữa, cầu cho nó đem về nhà phức đi là hơn.
Thằng tư Bồ cùng với bạn nó lấy chăn tắm trói ké tôi lại, mở lòi tòi xuồng xiềng chơn tôi, dòng chiếc xuồng tôi sau lái, hối hả chống về….