Hôm sau, tôi lại bị gọi ra. Thấy Huỳnh Ngự ngồi trong phòng hỏi cung, tôi quay ngoắt lại. Huỳnh Ngự nghiến răng ken két sai cai ngục đưa tôi sang phòng bên. Tôi ngồi đấy, một mình trong căn phòng trống rỗng, ngáp ngắn ngáp dài. Ðến gần trưa quản giáo mới đưa tôi về.Suất ăn lạnh ngắt đợi tôi ở xà lim. Trên phản, bên cái bát men đựng suất cơm tù là bộ quần áo tôi mặc trên người khi bị bắt.Trong khi tôi vắng mặt quản giáo đã đem thức ăn vào cho tôi, nhân tiện trả lại tôi quần áo. Về sau mới biết việc quản giáo đưa cơm vào tận xà lim cho tù là ngoại lệ. Có vẻ người trong vụ chúng tôi được đối đãi khác, được nể nang hơn so với tù thường. Tôi nghĩ không phải chúng tôi được Ðảng yêu mến, mà chắc Ðảng lo chúng tôi có thể gây chuyện om sòm, không có lợi.Chẳng có chuyện gì để nói, anh bạn tù nhẩn nha giới thiệu cho tôi biết về cảnh sống trong xà lim.Thường lệ, đến giờ ăn thì quản giáo mở cửa cho tù trong các xà lim ra nhận phần cơm, sau đó đóng cửa lại. Ðộ nửa tiếng sau, tính rằng tù đã ăn xong, họ lại trở vào mở cửa cho tù ra trả bát rếch. Ðối với tù xà lim không có hiệu lệnh cho giờ ăn, không kẻng cũng không trống. Người tù không có quyền được ăn đúng giờ. Quản giáo có khi bận việc riêng, nhà bếp gánh cơm cho khu xà lim cả tiếng đồng hồ rồi cũng chưa buồn vào mở cửa cho tù ra nhận. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông ăn nguội đối với tù là cực hình. Tôi rất muốn biết có ai cùng vụ với mình ở đây không, nhưng ngoài mấy tiếng ho khan, tiếng đằng hắng khe khẽ vẳng đến từ những xà lim gần tôi không nghe thấy người ta nói chuyện với nhau. Trong xà lim tù không được phép nói to. Mỗi lần tôi quên, hơi cao giọng một chút là anh bạn tù đã nhắc:- Chết, anh nói khẽ chứ!Nói to, gây tiếng động lớn bị cấm ngặt. Chỉ có một lần tôi thấy người tù nói to, nói oang oang, bất chấp mọi cấm đoán. Anh ta điên. Ðiên thì phải cho đi bệnh viện, lệ phải thế, ở nước nào cũng thế. Nhưng để tin chắc người tù điên thật chứ không điên giả, Ban Giám thị để anh ta trong xà lim một thời gian đã. Suốt thời gian ấy, những người tù xà lim đành chịu trận với những tiếng kêu gào xé họng, những bài ca ư ử như tiếng người bị bóp cổ, những cơn khóc lóc thảm thiết nghe rợn tóc gáy giữa đêm khuya.Cái cùm sắt dưới chân phản lúc nào cũng sẵn sàng ngoạm lấy cổ chân người tù nếu anh ta vi phạm nội quy, mà tội dễ bị phát hiện nhất là tội nói chuyện với xà lim bên cạnh.Thế hệ ông tôi không biết đến loại cùm này. So với cùm gỗ lim thời phong kiến đó là sự cải tiến mà bản quyền thuộc về nền văn minh thuộc địa. Nó là một thanh sắt bản rộng nối với một thanh sắt khác bằng bản lề. Khi người tù đã tra hai cổ chân vào hai chỗ lõm rồi, cai ngục mới chốt lại bằng khóa ở bên ngoài. Cái cùm không có cỡ, dùng chung cho mọi loại chân. Anh bạn tù dí dỏm nói rằng trông nó hao hao cái cổng tam quan.Vì cái cùm là biểu hiện quyền uy, cho nên cán bộ quản giáo khoái trưng nó ra lắm. Họ cũng chẳng ngần ngại dùng nó mỗi khi có dịp.Quản giáo thường xuyên rình mò bên ngoài, người ở trong khó mà biết được. Tưởng quản giáo đi rồi, tù buồng nọ liền í ới gọi buồng kia, thế là bị bắt quả tang. Cách rình mò của đám quản giáo giống hệt trò trốn tìm của trẻ con - quản giáo vờ loẹt quẹt đi khỏi khu xà lim, rồi rón rén đi những bước chân mèo quay trở lại. Không phải chỉ có quản giáo rình mò, các ông bộ đội cũng rình mò. Tóm được một tên tù phạm nội quy để cùm chân nó cái chơi là thú vui của lính tráng coi tù.Tôi chiến thắng lần thứ hai trong ngày tù đầu tiên, không để sót cọng rau nào. Chỉ có nước rau đen xì, quá mặn, là tôi bỏ. Những con mọt luộc không gây phiền nhiễu cho đường tiêu hóa, cả bèo tấm cũng vậy.Huỳnh Ngự trả lại quần áo nhưng lại quên phát chăn chiếu. Anh bạn tù nói rằng đêm Noen, hơn nữa lại chủ nhật, thủ kho nghỉ. Tôi nghĩ khác: nếu đã có người để phát quần áo thì cũng có thể phát chăn chiếu chứ. Người ta không phát là vì kịch bản của vụ bắt đã ghi không phát, để cho tôi nếm cái rét Hỏa Lò.Ðêm xà lim khó chịu nhất ở cái bóng điện sáng choang, có dễ tới 200 oát, treo ở chính giữa, bên trong rọ sắt. Nó sáng suốt đêm. Sau cái tranh tối tranh sáng ban ngày ngọn đèn chói chang làm cho mắt rất nhức nhối. Tôi lấy cái quần gấp lại che mắt nhưng ánh sáng vẫn luồn qua được mấy lần vải để chui vào võng mạc. - Kệ nó, rồi quen tuốt ấy mà! - từ phản bên anh tù nói vọng sang.- Hồi mới vào đây anh có khó chịu lắm không?- Ai chẳng khó chịu. Chẳng ai muốn sống như thế này.Anh bạn tù ngủ không cần che mắt. Ðể cho tôi đỡ rét, anh đưa cho tôi cái màn.- Anh cứ dùng, đừng ngại. Mùa đông ở đây thảng hoặc mới có vài con muỗi mắt, tôi chịu được.Tôi ngần ngại đắp cái màn lên người. Tôi lầm. Nó không hôi, nhưng cũng chẳng thơm tho. Trong ánh sáng chói lòa những con muỗi chui sâu vào bên trong gậm phản ẩn nấp chờ thời. Những con choai choai thiếu kiên nhẫn xông lên đốt chúng tôi đều bị tiêu diệt nhanh chóng. Trên tường đầy vết máu khô, di tích cuộc chiến hàng ngày của tù với muỗi và rệp. Anh bạn nói tôi số đỏ, Hỏa Lò vừa mới được phun DDT vài ngày thì tôi vào. Một tháng nữa xem, thuốc hả rồi ấy à, muỗi lại bằng trấu, rệp lại nhung nhúc. Anh kể rệp khôn hơn muỗi nhiều. Khi người tù chống lại bằng cách trải nylon lên phản, chui vào màn rồi gấp chân màn lại nhiều lần cho rệp không chui vào được, tức thì chúng dùng cách nhảy dù từ trên trần xuống. Tôi tặc lưỡi, trùm cái màn lên người. Rồi mình sẽ quen, tôi nghĩ, nếu người khác quen được. Lúc mới bước chân vào tôi không sao chịu nổi bầu không khí tù hãm đầy mùi xú uế trong xà lim. Thế mà mới có mấy giờ đồng hồ qua, tôi đã không còn thấy khó chịu như trước. Lúc mới vào cái im ắng trong khu xà lim đè nặng lên tôi, giờ tôi lại thấy nó thú vị - ở ngoài không phải lúc nào tôi cũng được yên tĩnh như thế. Nói tóm lại, chịu được Anh tù hóa ra không đến nỗi hà tiện lời như tôi tưởng. Dần dà anh cũng tâm sự với tôi chút ít. Anh cho biết anh tên Thành, hồi kháng chiến chống Pháp là bộ đội tình nguyện ở Thượng Lào.Thấy tôi không có ý định cởi mở với anh, anh ngừng ngay những lời tâm sự. Nét mặt anh không vui. Biết làm thế nào được, cần phải quan sát anh cái đã. Tôi tin rằng chúng tôi ở cùng nhau cũng là một phương án của công an.Tôi thao thức. Phản bên, anh bạn tù ngâm thơ:Lần này chị bước sang ngang,Là tan cả giấc mộng vàng từ đây.Rượu hồng em uống cho say,Vui lên cùng chị vài giây cuối cùngRồi đây sóng gió bão bùng,Ðầy thuyền hận chị lo không tới bờ.Miếu thiêng vụng kén người thờNhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em.Ðêm nay là trắng ba đêm,Chị thương thân chị con chim lìa đàn.Một vai gánh vác giang san,Còn vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.Lòng sầu tóc rối tơ vương,Em còn cho chị lược gương làm gì?...Trong tù tôi còn nhiều lần được nghe người ta ngâm Lỡ Bước Sang Ngang. Những vần thơ của Nguyễn Bính(1) không hiểu sao lại hợp với tâm trạng người tù đến thế? Cũng là một thứ lỡ bước trong cuộc đời, mỗi người một cách, chắc vậy. Mỗi người tù là một số phận riêng, chẳng số phận nào giống số phận nào. Mà chẳng phải người tù nào cũng có nỗi niềm oan ức. Hầu hết họ đều phạm tội đối với xã hội và họ đang bị sống cách ly, bị trừng phạt xứng với tội của họ. Họ có chung nỗi buồn của kẻ cô đơn, bị giam cầm trong cái chuồng thú giống cái chuồng của tôi và họ than thở nỗi mình qua những vần thơ Nguyễn Bính.Nguyễn Bính qua đời, theo người ta kể, vào đêm trừ tịch Bính Ngọ (1966) trong một hoàn cảnh bi thảm. Hàng xóm thấy mấy ngày ông không ra khỏi nhà, báo công an đến phá cửa vào thì thấy nhà thơ nằm chết còng queo bên chai rượu uống dở, trên manh chiếu rách. Cũng lại xóm giềng chung tiền mua cho ông cỗ ván mộc và cùng nhau đưa chân nhà thơ đã để lại một Lỡ bước sang ngang đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hội Nhà văn chỉ được biết về cái chết của ông sau khi ông đã mồ yên mả đẹp.Tôi không có hân hạnh quen biết Nguyễn Bính. Hồi Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa thì tôi đang ở Liên Xô. Tôi chỉ có hân hạnh quen Thiết Vũ, cán bộ Sở báo chí, người đã đánh Nguyễn Bính (theo nghĩa đen, thượng cẳng chân hạ cẳng tay). Trong một cơn yêu Ðảng ác tính, cho rằng Nguyễn Bính dám chửi xỏ Ðảng, Thiết Vũ đã nện Nguyễn Bính một trận dữ dội, đến nỗi các báo phải lên tiếng. Kể chuyện cũ Thiết Vũ tỏ ra ân hận(2), anh nói sau đó anh đã xin lỗi Nguyễn Bính.Theo lời đồn, và theo những lời kể không rõ ràng trong Cát Bụi Chân Ai của Tô Hoài, Nguyễn Bính chết đi còn để lại đứa con trai. Trước hôm chết, ông bế con ra phố, cho không một người qua đường. Người xin chắc cũng chẳng biết người cho là Nguyễn Bính. Ðứa bé sẽ lớn lên với họ khác tên khác, không biết nó là con nhà thơ dân dã tuyệt vời, một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam. Những thiên tài thường giàu linh cảm.Nguyễn Bính tiên đoán cuộc ra đi cuối cùng của ông sẽ diễn ra trong nỗi cô đơn bậc nhất mà con người có thể gặp:Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,Một mình làm cả cuộc phân ly.Tính từ ngày khởi đầu vụ đánh Nhân văn - Giai phẩm cho tới nay là sắp trọn một con giáp. Phải chăng lịch sử trận chiến hư cấu với những vết thương có thật đã đi được một vòng để quay lại với hình dạng khác? Trước ngày bị bắt không lâu tôi gặp Trần Dần(3). Anh giơ xe điếu dứ dứ vào mặt tôi mà phán:- Này, cẩn thận đấy ông nhá! Nhìn đây này!Anh chỉ cái sẹo ở cổ, nó được Nguyễn Sáng ghi lại trên bức ký họa bút sắt trên tờ Nhân Văn, kỷ niệm một cuộc tự vẫn không thành.Văn Cao(4) khó chịu với Trần Dần. Lý do: Trần Dần trong khi tự kiểm thảo đã đụng tới nhiều người, kéo họ vào cuộc với anh, làm cho họ điêu đứng.- Thằng Dần tiếng thế mà không có gan. - Văn Cao nói - Mới bị đánh đã gục, đã phản tỉnh lung tung. Nó khai với Tố Hữu rằng Văn Cao khuyên tụi nó phục xuống mà đánh. Mà mình có nói thế bao giờ đâu. Mình chẳng chủ trương đánh ai. Thằng văn nghệ làm văn nghệ, thằng chính trị làm chính trị, mỗi thằng mỗi việc. Mình chỉ bảo tụi nó: làm gì thì làm, phải từ từ, phải ngó trước ngó sau. Ðâu có cái câu phục xuống mà đánh... Văn Cao kể anh có gặp Nguyễn Hữu Ðang (5), Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Duy vài lần thật, nhưng chỉ bàn chuyện sáng tác, chuyện làm báo, không phải họp bàn chuyện chống lãnh đạo. Qua những lần trò chuyện với Trần Dần, Trần Duy(6), và những người khác trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, được nghe các anh kể về giai đoạn đen tối đối với văn nghệ sĩ và trí thức những năm 1956-1957, trong rất nhiều chi tiết rối rắm, bùng nhùng, cái thật cái giả, cái phải cái trái, lẫn lộn không biết đâu mà lần, tôi thấy nổi bật lên một điều - những nhà lãnh đạo của chúng ta rất giỏi xui nguyên giục bị. Sau trận đánh, hàng ngũ văn nghệ sĩ tan tác, người nọ sợ người kia, người này hận người khác, mọi người nói xấu nhau. Nghe mà buồn, mà ngán cho thế thái nhân tình.Tôi tin Văn Cao, nhưng tôi không nghĩ Trần Dần hèn(7). Tôi biết chỉnh huấn là thế nào. Trong không khí chỉnh huấn, con người có thể bị biến đổi do tự kỷ ám thị trong một tập thể tự kỷ ám thị, như trong cuộc lên đồng. Trần Dần, khi tâm thần hoảng loạn, lại bị xúi giục, có thể bị ám thị rằng Văn Cao đã nói như thế. Còn Văn Cao, trong tâm trạng hậm hực cũng dễ hiểu nhầm bạn mình lắm.Thỉnh thoảng lắm tôi mới rẽ vào thăm Trần Dần, vào nhanh rồi đi ngay. Anh cũng muốn thế, tôi ngồi lâu một chút là anh giục, sợ nguy hiểm cho tôi. Nhà cầm quyền nhìn anh như con bệnh suốt đời có khả năng gây ra lây nhiễm. Tôi thì lại không thấy ở anh bất kỳ sự nguy hiểm nào. Hồi mới ở Liên Xô về tôi thương Trần Dần, tôi nghĩ mình may mắn hơn anh. Bây giờ anh thương lại tôi, hóa ra anh còn may mắn hơn tôi. Dường như Trần Dần đã thấy trước, bằng trực giác, trận đòn thù tôi sẽ phải chịu. Trần Dần ít nói (hay bị đánh nặng quá mà thành ít nói?), có khi ngồi cả buổi với nhau anh chỉ nói vài câu tào lao. Nói cho đúng, nói thì vẫn nói, nhưng không bao giờ có chuyện về một đề tài cụ thể, mà là những mẩu độc thoại cần có hai người để thành đối thoại. Tôi nhớ một hôm anh thủ thỉ:"Này, mình cũng người Nam Ðịnh đấy, cậu ạ. Cái vùng đất thịt này nổi tiếng vì những văn tài và những kẻ bất phục. E rằng trong máu chúng ta có cả hai thứ." Anh hút thuốc lào liên tục, tiếng điếu bát ròn tanh tách vang trong căn phòng vắng lặng. Tôi tha hồ mầy mò những mẩu bản thảo vương vãi quanh cái điếu, lặng lẽ đọc, thỉnh thoảng lại giật mình bắt gặp một tia chớp chói lòa trong chữ nghĩa của anh. Nhưng dù anh rất quan tâm tới bộ cánh cho ý nghĩ của mình, tôi thấy những ý thơ của anh luôn luôn cảm thấy chật chội vướng víu trong những bộ cánh cách tân. Chia tay, anh hỏi tôi:"Cậu hiểu mình muốn nói gì chứ?". Tôi gật đầu. Nhưng tôi chẳng hiểu gì trong những lời ngắn ngủi và lộn xộn của anh, câu trước không ăn nhập với câu sau, chưa nói hết mà đã tưởng nói hết rồi. Nếu anh muốn truyền tâm trạng anh sang tôi bằng ánh mắt của anh để tôi hiểu tâm trạng đó thì đúng là tôi đã hiểu. Tôi hiểu và tôi buồn. Buồn cho anh. Buồn cho tôi. Trần Dần thương tôi, muốn tôi học được nết sợ hãi. Như anh đã học.Thế hệ chúng tôi bất hạnh: chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí.Tôi chạnh nghĩ đến cha tôi. Giờ này ông ở đâu? Theo lời đồn thì ông bị giam trong một biệt thự đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội. Tôi không tin. Lời đồn không thể kiểm chứng nọ chắc hẳn do một trung tâm có chỉ đạo tung ra. Cũng như trong những việc đồi bại khác, các nhà lãnh đạo vẫn thích chưng ra bộ mặt tử tế - các đồng chí tuy có sai lầm khuyết điểm thật, nhưng đều là người có công với cách mạng, cho nên cách đối xử với các đồng chí phải khác.Tôi lo cha tôi đêm nay lại bị cơn đau gan dày vò. Bệnh gan là hậu quả những cơn sốt rét rừng mà ông kiếm được từ trại giam Sơn La của Pháp. Nhưng ông còn đau đớn hơn bởi sự đối xử tàn nhẫn của những đồng chí ngày hôm qua.Dòng suy tưởng lan man dẫn tôi về năm 1949, khi tôi bắt đầu cuộc đời người lính. Khi ấy tôi chưa đủ mười sáu tuổi. Ðể được nhận vào bộ đội, tôi và mấy người bạn thân rủ nhau nhét đá vào túi quần cho đủ cân để vượt qua cuộc sát hạch. Súng sính trong bộ quân phục kaki mới tinh do mẹ may cho, tôi đứng vào hàng ngũ bộ đội, lòng tràn đầy tự hào. Cả trường đổ ra tiễn chúng tôi. Mẹ tôi, nước mắt lưng tròng, giúi cho tôi mấy đồng bạc phòng khi tôi cần đến. Sự săn sóc của mẹ làm tôi xấu hổ. Tôi vùng khỏi mẹ, chạy đi. Tôi đã là anh bộ đội cụ Hồ rồi mà mẹ còn coi tôi như bé bỏng lắm. Chúng tôi hành quân theo đường Kim Tân, Kiểu, Bái Thượng, qua Nho Quan, giữa những đồi sim hoa tím của Hữu Loan(8), qua những rừng lau sậy của Trọng Hứa, bằng những bài thơ, bài hát của các anh:Bông lau ngập ven đồi. Ðây đồi xưa, đây rừng xưa in bóng cô nàng...Chiều ơi, lúc chiều về rực nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều... Tôi nhớ chuyến đi gian nan vượt đường số 6, ở quãng giữa hai bốt Ðồng Bến và Ðồng Bái gần Lương Sơn. Lần đầu tôi giáp mặt với cái chết hiện hình trong những bộ xương người trắng hếu trong cỏ rậm mà những tên lính mới chúng tôi phải chúi vào đó để trốn đạn cối địch bắn cầm canh trong ánh hoàng hôn ảm đạm.Tôi nhớ đêm vượt dốc Sống Trâu trên đường từ Khu 3 lên Việt Bắc trong mưa tầm tã, trong ánh chớp xé rách bóng tối dày đặc của rừng già. Chúng tôi chặt cây làm gậy chống, người nọ bám vào người kia mà đi, mà vẫn ngã oành oạch trên triền dốc dựng đứng. Lên được đến đỉnh rồi, bắt đầu đổ dốc thì tôi bị cảm lạnh. Run lẩy bẩy, tôi loạng choạng ngã sấp mặt vào bùn, sặc sụa. Tôi cứ nằm đấy, nhổ phì phì những vốc bùn lợm giọng, cố hết sức cất mình lên mà không nổi. Trên lưng tôi là cái ba lô sũng nước mưa, quanh bụng tôi là cả yến gạo chứa trong hai ruột tượng, kèm theo khẩu mút-cơ-tông(9) nặng chịch bám chặt vào vai. Bỗng có ai đó dừng lại bên tôi, cúi xuống tháo từng thứ trên người tôi, tháo hết, rồi vực tôi dậy. Tôi luống cuống bám chặt lấy người ấy. Khi trên người tôi không còn vật nặng nào, tôi thấy tôi nhẹ bỗng, nhẹ đến mức tưởng chừng trong khoảnh khắc đó, không còn gì giữ lại, tôi sẽ bay vụt lên trên bầu trời đen kịt. Một ánh chớp lóe lên, tôi nhìn thấy anh Môn, trung đội trưởng của tôi, đang ôm chặt tôi trong tay. Anh lấy khăn lau mặt cho tôi và dìu tôi đi, trên người anh chồng chất gấp đôi trọng lượng hàng ngày. Tôi xấu hổ vì sự kém cỏi của mình, tôi nằng nặc đòi anh trả tôi những thứ anh phải mang đỡ tôi, anh nhất định không nghe. "Cậu sốt bừng bừng rồi đây này, đừng gắng thêm nữa. Ðường ta đi còn dài". Cuộc cách mạng này là cái gì vậy, khi người của nó không còn tình thương? Chỉ cần thấy một đứa trẻ như tôi trong một đêm hành quân cực khổ vì cách mạng thôi người có lương tri không nỡ đối xử với nó thế này.Một tiếng sấm nổ gần làm tôi giật mình. Thành bật dậy, mắt đỏ ngầu:- Cái gì thế?Một tiếng sét tiếp theo làm màng nhĩ muốn rách. Trong những xà lim bên cạnh những người tù cũng đồng loạt tỉnh giấc. Tiếng ho húng hắng. Tiếng người thì thào. Tiếng nước tiểu chảy vào bô. Lắng nghe, tôi biết mình lầm. Bên ngoài xà lim có ai đó đang đập rầm rầm vào những tấm tôn, như thể giận dữ ném chúng xuống nền xi măng. Những tiếng động vang dội bên trong những bức tường xà lim làm chúng tôi tưởng là sấm sét.Tiếng động chát chúa vừa lặng đi thì lại đến tiếng béc-giê tru lên từng hồi. Thì ra có một con chó được thả vào khu này. Nó lồng lộn đòi ra. Mọi lối ra đều đóng, nó nhảy chồm chồm lên những tấm tôn xếp nghiêng ngoài sân.- Quái lạ, sao họ lại thả chó vào đây nhỉ? Thành ngồi hẳn dậy, lẩm bẩm. Anh chậm chạp vê rất lâu một điếu thuốc lào. Con chó lại tru lên một hồi dài, như tổ tiên nó từng tru như thế trong những rừng thẳm nguyên khai. Tôi biết chắc đó là một con béc-giê. Những năm lâu rồi, khi gia đình tôi còn ở phố Nhà Rượu, đêm đêm tôi vẫn nghe tiếng những con béc-giê tru lên từng hồi như thế từ những chuồng sắt cũi sắt của Nhà thương Chó ở đầu Lò Ðúc.- Buổi chiều nghe có tiếng người ta xếp gì loảng xoảng bên ngoài mình đã nghi nghi - Thành nói - Mình nghĩ: xưởng thợ còn rộng chán, họ xếp nguyên liệu vào đây làm gì? Lúc đi cung ông có thấy gì ngoài sân không?- Tôi không để ý. - Lúc về cũng không?Tôi gật đầu. Chúng tôi không ngủ lại được. Thành hút thuốc lào. Ðiếu thuốc đầu tiên sau giấc ngủ làm anh say dúi dụi. Tôi sợ anh ngã xuống sàn nhưng anh chỉ đảo đồng đảo địa một hồi rồi tỉnh.- Hôm nay ông đi cung chắc có chuyện không bình thường?- Là thế nào?- Có căng không?- Cũng như mọi khi. - Không xảy ra cãi cọ gì?Tôi không muốn kể cho Thành nghe chuyện tôi làm cho Huỳnh Ngự tức tối. Nhưng tôi cũng không muốn nói dối. - Nói cho đúng, cũng không được êm dịu cho lắm.- Thế thì hiểu rồi. - Thành cười - Con chó được đưa vào đây là có tính toán cả đấy, ông bạn ạ. Cả những tấm tôn nữa. Người ta chơi ông đâm ra chơi luôn tụi tôi, tệ quá!Tôi cười gằn:- Tệ gì? Chó má ấy thì có! - Thây kệ, nghĩ làm đếch gì! - Thành dùng hai tay vuốt râu như tín đồ đạo Hồi - Coi như chuyện vặt đi. Ông biết chơi cờ không?Tôi lắc đầu. Về cái khoản cờ bạc tôi đặc cán mai. Tôi không biết chơi bất cứ thứ gì. Của đáng tội, hồi còn nhỏ tôi có biết chơi tam cúc. Nhưng tam cúc không được coi là bài bạc. Trẻ con nhà quê đứa nào mà không biết chơi tam cúc. Những ngày Tết trẻ con có tiền mừng tuổi, chúng chơi tam cúc để tập làm người lớn. Người lớn quê tôi mê đủ mọi thứ bài bạc, từ xóc đĩa cho tới tổ tôm. Nhất là cánh lái gỗ. Rời quê hương lên rừng làm thuê, giàu lên thì mở lối, trở thành lái. Những ông lái gỗ làm nhà trên bè, tài sản cóp nhặt được trong nhiều năm, đánh tổ tôm tài bàn suốt con đường lênh đênh về xuôi, đánh cho tới nhẵn túi, cho tới khi trở thành anh chân sào cho một lái khác, trên con bè trước kia là của mình. Thành ngáp trẹo quai hàm, nói:- Ngày tù nhiều khi dài ơi là dài. Rồi tôi sẽ dạy ông chơi cờ cho khuây khỏa. ông mới vào chưa biết chứ sống trong xà lim nhiều lúc mệt lắm. Phát điên lên được. Chơi cờ cũng vợi đi được một phần. Nhưng chơi một mình thì chán...Con chó lại tru lên. Nó chỉ ngừng từng lát khi quá mệt.Tôi định bụng hôm sau tôi sẽ phản kháng chuyện này. Họ muốn hành tôi thì cứ việc hành, nhưng không được làm khổ lây người khác.- Họ cũng đã chơi anh thế này? - tôi hỏi.- Không phải y như thế. Họ có nhiều bài bản. Với mỗi người mỗi khác. - Thành lửng lơ - Mình cứ phải tỉnh táo, tùy cơ mà ứng biến. Ðã ở trong tay người ta rồi nhất cử nhất động đều phải cân nhắc. Cũng chẳng nên gây sự với họ làm gì...Cứ rỉ rả như thế, Thành cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích cho đời tù của tôi sau này.- Ðã nói gì thì cứ thế mà nói, trước sao sau vậy, kẻo họ hành cho tới số đấy. Lại nữa, nói về mình thì lỡ miệng còn được - mình làm mình chịu. Lỡ lời làm hại người khác thì ân hận cả đời. Trong một vụ án người ta chú trọng nhất cái anh đầu vụ. Với người có liên quan họ nhẹ nhàng thôi. Cũng có khi không bẻ gãy được người đầu vụ, họ đôn người khác lên thay...Thành nằm xuống. Lát sau tôi đã nghe anh ngáy khe khẽ. Con chó vẫn cứ thế, thỉnh thoảng nó lại tru lên một hồi, giọng mỗi lúc một yếu. Nó thấm mệt, nó tuyệt vọng, hay là chúng tôi đã quen với nỗi tuyệt vọng của nó, tôi không rõ. Tôi tập trung tư tưởng vào một điểm trong hư vô, cố tách mình khỏi những ý nghĩ vẩn vơ, thở đều đều theo phương pháp khí công. (1) (1918-1966) Nhà thơ dân dã rất nổi tiếng với các tập Lỡ Bước Sang Ngang, Hương Cố Nhân, Mười Hai Bến Nước... Ðoạn người tù ngâm có khác với nguyên bản của nhà thơ.(2) Trong cuốn Cát Bụi Chân Ai Tô Hoài có nói tới việc tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính được mua giấy do Nhà nước cung cấp, khiến người đọc nghĩ rằng tờ Trăm Hoa là do Ðảng Lao dộng Việt Nam chủ trương, mà Nguyễn Bính là người thực hiện, để đối phó với phong trào đòi tự do, dân chủ của văn nghệ sĩ, trí thức hồi ấy. Tôi cho rằng không phải. Nếu Nguyễn Bính làm báo theo chỉ thị của Ðảng thì ở Sở Báo chí những cán bộ cỡ Thiết Vũ phải được biết, và như thế vụ Thiết Vũ đánh Nguyễn Bính khó có thể xảy ra. Trong những lần gặp Thiết Vũ tôi không thấy Thiết Vũ nói đến một chuyện như vậy.(3) (1926-1996) Nhà thơ cách tân, tác giả tập thơ Ta Nhất Ðịnh Thắng, tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, một trong những nhân vật bị coi là đứng đầu nhóm Nhân văn - Giai phẩm.(4) Nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng (1923-1995), tác giả Tiến Quân Ca, một bài hát rất phổ biến trong những ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Tám, được chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn làm quốc ca. Sinh thời ông bị chính quyền bạc đãi vì những tư tưởng tự do, dân chủ.(5) Nguyễn Hữu Ðang (1913), tham gia cách mạng năm 1929, năm 1930 bị bắt, ra tòa năm 1931, nhưng vì nhỏ tuổi nên chỉ bị quản thúc. Tham gia Mặt trận Dân chủ Ðông Dương, viết báo Ngày Mới, Thời Báo và các báo Tin Tức, Ðời Nay do Ðảng Cộng sản Ðông Dương chỉ đạo, tham gia Hội truyền bá quốc ngữ cùng Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thai Mai. Ðảng viên cộng sản từ năm 1943, năm 1945 là thứ trưởng Bộ Thanh niên. Năm 1956 bị kết án 15 năm tù. Mãn hạn, còn bị quản thúc 20 năm.(6) Nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Hoàng Cầm, họa sĩ Trần Duy là mấy nhân vật được nói tới nhiều nhất trong vụ Nhân văn - Giai phẩm. Trần Dần được coi như người đứng đầu nhóm Nhân văn - Giai phẩm, người phát ngôn của bộ phận trí thức đòi chia quyền lãnh đạo với Ðảng.(7) Theo một số nhân chứng, Trần Dần là người không biết sợ, Trần Dần không hèn. Câu phục xuống mà đánh là do Hoàng Cầm phát ra, nhưng Trần Dần đã "gánh" cho Hoàng Cầm.(8) Nhà thơ, rất nổi tiếng với bài "Màu tím hoa sim".(9) Súng trường Pháp.