CHƯƠNG 5

Quan Điện Tiền liền sai dọn dẹp cung Thủy Tĩnh bầy hương án, đốt lò trầm, hâm rượu thạch xương bồ. Rồi ông đi thay mũ áo đại thần. Bữa nay ông đội mũ tiến hiền, áo thụng dài màu tía biếc. Với khổ người cao lớn, thân hình vạm vỡ, chân tay thô cứng, vụng về, chỉ quen đường cung kiếm, nhưng được phủ lên người bằng thứ mũ áo đó, nom ông lại có dáng một văn nhân hơn là một võ tướng.
Trần Thủ Độ cung kính mời Hoàng tiên sinh an tọa trên bộ ván sơn then, có vẽ hình chim phượng múa. Hoàng tiên sinh mặc áo đạo sĩ, búi tóc, quấn khăn vành dây màu huyết dụ. Tiên sinh có khuôn mặt xương xương, vầng trán cao, ấn đường rộng, tròng mắt trắng đen phân biệt, lóng lánh như có thần nhãn, lông mi rậm dài hơi xếch, mũi thẳng, hai cánh mũi và chuẩn đầu đầy đặn. Miệng rộng, hai khóe miệng hơi cong lên, cặp môi dày vừa phải, màu sắc tươi nhuần, lại được chiếc cằm vuông vức, nước da sáng sủa hồng hào và bộ râu dài rậm bạc trắng như cước, tiên sinh có vẻ ung dung siêu thoát như một nhà tu đắc đạo.
Vừa phân ngôi chủ khách xong thì lão bộc dâng hầu một tuần rượu. Rượu hâm nóng rót vào hai chiếc chén có nắp đậy tỏa hương thơm. Chén dâng rượu là một loại gốm cực quí men độc sắc màu tiết dê, trong lòng láng men trắng ngả xanh. Rượu được ba tuần, Trần Thủ Độ mới nhập đề bằng câu chuyện vừa bắt được một thị nữ, đem chiếu của Huệ tôn sai khiến Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn mang quân về kinh diệt trừ gian đảng, khôi phục lại kỷ cương của nhà Lý.
Việc tầy trời thế mà Trần Thủ Độ nói như chuyện chơi, khiến tiên sinh hơi ngạc nhiên. Ông thầm nghĩ: “Vậy là viên tướng này đã rèn được bản lĩnh”. Tiên sinh không khỏi mừng thầm về những lời khuyên nhủ của ông, đã được Trần Thủ Độ tiêu hóa một cách ngoạn mục đến thế. Hoàng tiên sinh bèn hỏi:
- Vậy chớ quan ông đã xử như thế nào rồi?
- Bẩm tiên sinh, chưa có xét xử gì cả. Tôi chỉ thu giữ tờ chiếu, còn con thị tì lại cho về cung thái hậu, ngầm sai người giám sát, vẫn coi như không có chuyện gì.
- Trong việc này quan ông có nghi cho ai không? Đây chỉ là một hai người vì lòng tức giận nhất thời, hay họ đã hợp nhau thành bè, đảng? Quan ông đã cứu xét đến những điều tôi vừa nói chưa?
Trần Thủ Độ bậm môi nén giấu một điều gì bực bội, thoắt ông đã lại bình thản đáp:
- Thưa tiên sinh, cứ theo như sự suy ngẫm của tôi, thì việc công chúa Chiêu Thánh lên ngôi có làm cho một số người an tâm, nhưng một số khác lại nghi ngại. Trong số những người khắc khoải lo âu về vận mệnh nhà Lý, tôi thấy có quan thừa chỉ là người đáng lưu tâm hơn cả. Dạ bẩm tiên sinh, quan thừa chỉ là người trung hậu, nghĩa khí, dám xả thân vì nước. Cứ như lời văn trong tờ chiếu, tôi ngờ rằng quan thừa chỉ là người thủ bút. Kẻ úy tử tham sinh, ngu hèn, bần tiện không thể viết ra được lời văn hào sảng như thế. Thưa tiên sinh, tôi đồ rằng quan thừa chỉ bất bình vì thế lực họ Trần quá lớn, nên muốn nhờ sức Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn chặt bớt vây cánh. Việc này quan thừa chỉ có dự mưu, nhưng không cố kết với ai. Vì xét ra, còn ai là người có nhân cách lớn để mà cố kết. Dạ không, không có chuyện đích thân nhà vua thảo được. Bao nhiêu năm chầu chực bên ngai vàng tôi biết, nhà vua mỗi khi cầm bút chỉ viết không qua ba chữ tên mình. Nói xong quan điện tiền buông một tiếng thở dài.
Càng gần trưa, trời càng buốt giá, lão bộc gầy thêm một chiếc hỏa lò, đặt gần nơi chủ khách hội kiến. Hoàng tiên sinh không thể nén giấu nụ cười vui. Vì cách xét đoán bình tĩnh và sáng suốt của Trần Thủ Độ, khiến tiên sinh tin ông ta có thể làm được nhiều việc lớn có ích cho quốc gia. Tiên sinh vuốt chòm râu dài tới hai ba lần, dấu hiệu chứng tỏ trong lòng tiên sinh vui lắm. Nhìn thẳng vào khuôn mặt dạn dày sương gió của vị quan lớn đầu triều mới ngoài ba chục tuổi, tiên sinh lại hỏi:
- Quan ông liệu định việc này ra sao?
- Bẩm tiên sinh, lòng tôi thật phân vân. Nếu ở vào vị thế của quan thừa chỉ, hẳn tôi cũng không thể làm khác được.
- Nhưng còn đối sách của quan ông với quan thừa chỉ?
Như nhìn thấu cả gan ruột Trần Thủ Độ, Hoàng tiên sinh vuốt nhẹ chòm râu rồi một tay che miệng, một tay cầm cả chén rượu đã nguội ngắt ngửa cổ uống một hơi cạn. Khẽ dằn chiếc chén xuống lòng khay, tiên sinh nói:
- Người hiền là tài sản vô giá của quốc gia. Nước không có người hiền để treo gương đạo hạnh là nước suy. Biết chùn tay trước khi đụng đến người hiền, ấy là dấu hiệu tốt của lương tri. Thu phục được nhiều người hiền quy tụ, ấy là khả năng trì quốc đã ló rạng.
- Trị quốc, Trần Thủ Độ khẽ mấp máy miệng như có ý nhắc nhở Hoàng tiên sinh. Tiên sinh dừng lời tắp lự, ông nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy phách lực của Trần Thủ Độ, với giọng trầm hẳn xuống, như có ý răn dặn:
- Tôi nói trì quốc. Vẫn biết tình hình nước sôi lửa bỏng như bây giờ, kỷ cương mục nát, rương mối rối rắm, cương thường đảo lộn, sự hung bạo tràn lan, con giết cha, tôi giết vua, cái ác nghiễm nhiên ở ngôi thì phải lấy việc trị quốc làm đầu. Ngay việc con giết cha, tôi giết vua không phải một sớm một chiều đã xảy ra. Nó giống như cái ung, cái nhọt đã tích tụ các khí chất độc từ lâu rồi. Bởi những kẻ lèo lái con thuyền quốc gia không những không lo phòng bị những việc ấy mà không tự biết. Nhưng nước yên rồi thì phải chuyển từ “trị” sang “trì”, nếu không sẽ thay thế cái ác cũ bằng cái ác mới. Hiện nay nói đến “trì” là hơi sớm. Song vì đã chớm thấy cái mầm thiện trong quan ông ló ra, tôi phải kịp khơi lên để cho nó tỏ sáng. Thấy tiện, tôi nói luôn để quan ông có dự liệu về sau.
Quan ông làm những việc như thế này là một sự nghiệp chính trị lớn. Việc làm chính trị là cốt ở dùng người hiền tài.
- Làm thế nào để dùng được người hiền tài, thưa tiên sinh? Trần Thủ Độ vội vã chen lời.
- Sửa mình. Có sửa mình thì mới dùng được người hiền tài.
- Lấy gì để sửa mình vậy?
- Lấy đạo mà sửa mình.
- Đạo là thế nào?
- Đạo là cái vừa cao minh vừa thiết thực. Người trí thì nhìn thấy được, kẻ ngu thì sờ thấy được. Đạo là cái mà người ta tâm cảm và trực cảm được. Người hành đạo phải hội đủ các đức nhân, nghĩa, lễ, trí tín.
- Thưa tiên sinh, trong năm điều ấy có thể bỏ được điều nào không ạ? Trần Thủ Độ hỏi, vì ông chợt nghĩ trong lúc nhiễu nhương như vậy, làm sao mà giữ được đủ các thứ tín điều kia.
- Không. Không thể bỏ được điều nào, Hoàng tiên sinh nghiêm giọng trả lời.
Trần Thủ Độ lại hỏi:
- Vậy chớ trong năm điều ấy, thì điều nào là quan yếu hơn cả.
- Năm điều đó hợp lại mới thành cái đức của người hành đạo. Cho nên điều nào cũng quan yếu. Nhưng suy cho cùng, thì nhân là gốc của đạo, cũng là gốc của việc chính trị. Người thức giả sửa mình cho đến bậc nhân, rồi mới đem đạo của mình ra thi hành khắp thiên hạ. Có sửa được mình cho ngay chính, thì người hiền tài mới theo mà giúp mình. Nhiều người hiền tài giúp mình thì việc chính trị mới có cơ thành tựu. Ở đời, mọi hành động của con người, không gì bằng việc chính trị. Vì chính trị quan hệ đến sự hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên hạ.
- Thưa tiên sinh, kẻ thô lậu quê mùa như tôi có làm chính trị được không? Vì chính trị là phải có đức qui tụ được người hiền.
Hoàng tiên sinh cười khà khà. Giọng ông trở nên khoan hòa:
- Các việc quan ông đang làm, chẳng phải làm chính trị sao? Quan ông có phong độ của một nhà chính trị lớn. Công nghiệp của quan ông có thể lưu dấu cho đời sau. Nhưng đúng là quan ông còn phải sửa mình nhiều lắm, nếu không, việc lớn sẽ hỏng từ những tiểu tiết.
- Thưa tiên sinh, từ khi tiên sinh nhận lời xuống núi, nghe chỉ dẫn của tiên sinh, anh em họ Trần nhà chúng tôi điều hành công việc trong triều, đã làm cho đường lối ngày một tỏ sáng thêm. Đi đến đâu dân chúng cũng theo về, hào kiệt bốn phương lác đác đã tìm đến. Song có một điều tôi vẫn cứ băn khoăn. Trong khi thế lực của họ Trần lớn, thì thế lực của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng cũng lớn. Lại còn châu Đại Hoàng, các vùng Quảng Oai cùng mấy động, sách người Man đánh dẹp mãi không xong. Tôi luôn luôn lo sợ, tự răn mình không được làm điều gì xằng bậy. Nhưng đối với các bậc hiền giả, các bậc thức giả, nho sĩ, tôi không biết cư xử thế nào cho phải đạo. Vì rằng tôi xuất thân quê mùa, lại dốt nát, chữ nghĩa hầu như chẳng biết được là bao. Dám xin tiên sinh vì sự nghiệp lớn của Đại Việt ta, hết lòng chỉ bảo. Tôi hứa sớm tối sửa mình để làm việc nghĩa cho thiên hạ, quyết không phụ lòng dạy bảo của tiên sinh.
Hoàng tiên sinh gật đầu, như một sự hài lòng về các lời nói khiêm nhường của quan điện tiền chỉ huy sứ. Tiên sinh chậm rãi nói:
- Quan ông danh thì là điện tiền chỉ huy sứ, thâu tóm hết thảy quân cấm vệ, nhưng thực ra, quan ông nắm giữ trọn quyền lực của triều đình để sai khiến thiên hạ. Phàm người đã ở ngôi cao, quyền lớn là những người dễ tự mãn. Tưởng mình ngồi trên thiên hạ, là mình giỏi hơn thiên hạ. Nên không chịu nghe, hoặc không thể nghe được những lời chỉ trích mình. Chừng nào quan ông còn muốn nghe lời chỉ trích không chỉ ở miệng bọn học giả, mà ngay từ miệng đám lê dân, chừng ấy quan ông còn sáng suốt. Vừa đây, tôi mới nghe Đoàn Thượng giết một viên tướng giỏi. Chỉ vì viên tướng kia không chịu tiến binh theo ý Thượng. Trước tôi còn ngờ Thượng có thể đối địch được với quan ông. Là vì y chiếm giữ suốt một dải châu Hồng giàu có, đất rộng, dân đông, y lại có sức khỏe hơn đời như Lã Bố, Trương Phi. Nay thì rõ rồi. Y chỉ là giặc cỏ, với lũ quân ô hợp, sớm tối tự tan. Tôi nói thế là vì, các việc làm của Đoàn Thượng, bộc lộ kiến thức của y, không hơn gì lũ thất phu. Bởi chưng, mở rộng đất đai là nghiệp lớn, là thuộc về kế sách lâu dài của một vị chủ soái. Nhưng chiếm được thành kia, lấy được đất nọ vào lúc nào, việc ấy lại do ở các viên tướng. Trong lúc còn đang tranh đoạt với bên ngoài, mà giết tướng giỏi của mình, thế có khác gì tự chặt tay chân mình. Đoàn Thượng là kẻ tự tiêu diệt mình gấp trăm lần các thế lực của triều đình, và phe phái khác đánh dẹp hoặc tranh đoạt với y. Quan ông cứ ngẫm lời tôi nói, xem có đúng vậy không. Đoàn Thượng đã treo một tấm gương xấu rực sáng của kẻ thất phu, quan ông không thể xem đó là bài học quí, để tự sửa mình.
Được, được, để tôi sẽ nói những điều mạnh, yếu nhất trong nhân cách của quan ông, là những điều quyết định thành bại của một sự nghiệp chính trị, sự nghiệp của một tể thần, chứ không phải sự nghiệp của một anh ngư phủ.
Sắp nói ra những điều hệ trọng trong sự nghiệp của một quan lớn đầu triều. Sự nghiệp ấy sẽ dẫn dắt cả quốc gia Đại Việt này tới đâu, không phải là chuyện vui trong tiệc rượu. Hoàng tiên sinh đưa hai tay lên sửa nắn lại vành khăn, vuốt lại nếp áo, rồi dùng mười đầu ngón tay chải lại chòm râu rậm.
Trần Thủ Độ vẫn ngồi nghiêm chỉnh lắng nghe. Lúc này, ông như cũng ý thức được các điều hệ trọng từ người mà ông tôn làm thầy sắp nói về mình. Tự nhiên, ông cũng làm theo tiên sinh; sửa lại mũ áo, và nếp ngồi cho ngay chính.
Lão bộc, lặng lẽ tiếp thêm trầm vào lò, rồi khẽ đặt bình rượu vừa hâm và xế góc quan điện tiền đang ngồi. Xong đâu đó, lão bước ra ngoài nhà như một cái bóng.
Hoàng tiên sinh nhận chén rượu nóng từ tay Trần Thủ Độ, nhẹ nhàng đặt về phía mình, rồi ông nói:
- Từ bấy lâu ăn ở với quan ông, xét các việc quan ông đã thi hành ở trong nhà cũng như ngoài cung đình, hoặc trong dân chúng, xét những việc hiển nhiên cũng như những suy tư và các chủ trương mai hậu của quan ông, tôi tạm qui quan ông có bảy cái mạnh đáng được giữ gìn để làm gương sáng cho đời:
Cái mạnh thứ nhất của quan ông là tính quyết đoán. Người có tính quyết đoán là người dám chịu trách nhiệm về công việc mình làm, và cũng là người có khả năng đón định được thời cơ làm việc lớn. Việc đáng quyết mà chần chừ không quyết, tức là bỏ mất thời cơ, và đã chuyển từ cái nhân chiến thắng thành cái quả thất bại. Vì như việc sách lập Chiêu Thánh kế vị. Việc ấy, biết bao người đã xui quan ông phế truất Lý Huệ tôn để lên ngôi hoàng đế, nhưng quan ông nhất quyết gạt đi. Cái khôn ngoan là ở chỗ đó. Một đứa bé tám tuổi thì biết gì mà chấp chính, thành ra quyền hành vẫn thuộc về quan ông. Làm việc này quan ông có hai cái lợi. Lợi thứ nhất là quan ông giữ được tiếng tôi trung, trước sau vẫn khuông phò nhà Lý. Cái lợi thứ hai là trên danh nghĩa nhà Lý, quan ông sai khiến thiên hạ. Triều đình không bắt bẻ vào đâu được, các thế lực kình chống với quan ông cũng không lấy cớ gì để tiến binh. Nói đâu xa, dạo Chiêu Thánh kế nghiệp, Nguyễn Nộn tưởng quan ông tức vị(1) đem quân về kinh hỏi tội. Nhưng quân đến Bồ Đề, y thấy bố cáo của triều đình, bèn tự ý lui quân. Vì rằng y không còn danh nghĩa gì để đem quân về kinh sư nữa.
- Thưa tiên sinh, Trần Thủ Độ nói xen vào - Việc sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để nhường ngôi, là ý của tiên sinh chứ đâu phải ý của tôi. Tôi chỉ biết nghe lời tiên sinh.
Hoàng tiên sinh cười rạng rỡ. Ông quơ lấy chén rượu uống một hơi can sạch, như để tự thưởng cho cái mưu của ông đã được người học trò dũng lược đem ra thi thố thập phần hoàn hảo. Tiên sinh nói, giọng hồ hởi:
- Một bên là “tôi xui” quan ông, một bên là cả “triều đình xui” quan ông. Nếu quan ông không có bản lĩnh chắc là phải nghe triều đình chứ. Tôi nói thì dễ, chứ quan ông làm khó lắm. Sự phản trắc đầy triều. Lúc nào cũng có kẻ rình rập. Không phải là tay trí dũng hơn đời, không thể làm nổi các mưu sâu chước lạ. Vả lại nếu không dẹp bỏ được lòng tham vô lối, tức là coi ngai vàng hơn xã tắc(2) để hướng về cái cao đẹp hơn, dễ gì quan ông đã nghe tôi. Tôi chỉ lý giải một trong bảy đức tính quí báu đó của quan ông, để tự xét mình mà thôi.
- Dạ được, tôi sẽ lần lượt nói cho đủ bảy đức tốt của quan ông:
- Một là quyết đoán.
- Hai là không thiên kiến.
- Ba là trọng người hiền.
- Bốn là không tham lợi nhỏ.
- Năm là không nghe lời gièm.
- Sáu là dũng lược.
- Bảy là biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thảy.
Có bảy đức tính đó, lo gì việc kiêm tính thiên hạ.
Thấy Hoàng tiên sinh nói đến việc kiêm tính thiên hạ, Trần Thủ Độ giật mình lạnh toát cả sống lưng. Ông phải lấy việc gọi lão bộc vào pha trà để tự trấn tĩnh. Giây lâu, ông mới cất tiếng hỏi:
- Bẩm tiên sinh, quả là tiên sinh quá yêu, nên tiên sinh đã cho kẻ quê mùa này nhiều thiện đức của các bậc kỳ tài trong thiên hạ.
- Quan ông điện tiền chỉ huy sứ, xin hãy cứ bình tâm. Không phải quan ông chỉ có thiện đức cao quí, mà quan ông cũng có nhiều điều bất thiện, còn ẩn náu kỹ càng dưới chiếc mũ tiến hiền và trong bộ tử phục(3) hầu kia.
- Dạ, thưa tiên sinh, nếu tiên sinh dạy cho kẻ hậu sinh này biết được những điều bất tiếu, còn tiềm ẩn trong nhân cách, để sớm tối lo việc sửa mình, ngõ hầu mới có thể gần gũi được các bậc tài đức trong thiên hạ, cùng lo việc nước.
Tiên sinh chậm rãi:
- Nói về những đức tốt của người là điều cực dễ. Nhưng nói về những điều xấu, những điều ác độc còn chất chứa trong họ mới thực là khó. Khó hơn nữa, người nghe lại là người quyền cao chức trọng, kẻ nói mất đầu như chơi. Song, tôi vì đại nghĩa, còn vì tình tri kỷ với quan ông, nên tôi nói mà không sợ quan ông đổi dạ.
Trên kia tôi đã nói về bảy điều thiện đức của quan ông, bây giờ tôi nói về bảy điều bất thiện trong quan ông:
- Một là nhỡn quan hẹp.
- Hai là tri thức hẹp.
- Ba là chưa có lòng bao dung.
- Bốn là chưa thật bụng tin người.
- Năm là nặng bè đảng, nhẹ hợp quần.
- Sáu là tàn bạo.
- Bảy là chưa hết lòng thương dân. Nhiều vùng qui phụ triều đình lâu rồi mà vẫn để dân lưu tán, đói khổ.
Cứ sau mỗi điều, Hoàng tiên sinh lại khéo để ý xem quan điện tiền chỉ huy sứ có còn muốn nghe nữa không. Tiên sinh thấy dù Trần Thủ Độ có là bậc thánh, cũng không thể không gai người khi nghe đủ bảy điều xấu hoàn hảo của mình. Cho nên mặt quan ông cứ tái dần, tái dần cho tới lúc sạm đen như người say xỉn. Và bỗng nhiên, mồ hôi trán vã ra như người bị trúng độc.
Hoàng tiên sinh trầm hẳn giọng xuống gặng hỏi:
- Thưa quan ông, liệu tôi có quá lời chăng?
Trần Thủ Độ vụt đã tươi tỉnh hẳn lên. Ông sụp lễ Hoàng tiên sinh hai lễ. Hoàng tiên sinh vội vàng nâng quan điện tiền dậy:
- Quan ông làm thế, tôi khó nghĩ quá. Tôi đâu dám nhận lễ của quan ông.
- Bẩm tiên sinh, quả là tiên sinh vừa cho tôi uống một liều thuốc tróc độc. Mà đã tróc được đôïc, thì cơ thể không khỏi mỏi mệt. Tôi toát hết cả mồ hôi, lạnh buốt cả xương sống sau mỗi điều tiên sinh nói. Nếu không có tiên sinh là người sáng suốt và thẳng thắn vạch cho, tôi vẫn cứ ngỡ rằng mình thập phần hoàn hảo. Bẩm tiên sinh, về bảy điều thiện đức mà tiên sinh chỉ ra, tôi cũng lờ mờ cảm thấy như mình có cả. Còn như bảy điều bất thiện, thì lần đầu tiên nhờ có tiên sinh tôi mới nhận thấy. Và xét các việc đã làm, quả tôi còn nhiều điều dở quá. Dở quá. Từ nay tiên sinh không những là thầy tôi, mà tôi còn thờ tiên sinh như một bậc quốc phụ. Xin cam kết với tiên sinh, tôi quyết đổi lỗi chứ không đổi dạ thờ tiên sinh. Mong tiên sinh chỉ giáo, nếu chẳng may có một điều nào trong bảy điều trên, nó trở thành cố tật rồi thì có hại gì cho sự nghiệp không?
- Những điều bất thiện kia ai mà chẳng có. Nhưng ở người thường, nó không tác hại nhiều lắm. Còn như ở người cầm cân nảy mực quốc gia, chỉ cần một trong bảy điều trên được bành trướng ra như một thế lực, cũng đủ tiêu tan cả nghiệp lớn.
- Nhỡn quan hẹp ư? Nhìn sao thấu được thiên hạ. Biết trong nước thế nào, ngoài nước thế nào để sắp đặt then máy quốc gia?
- Tri thức hẹp ư? Sao có thể ngồi trên được kẻ sĩ?
- Hẹp lượng bao dung ư? Sao có thể ôm trùm được thiên hạ.
- Chưa thật bụng tin người ư? Còn ai dám tận tâm làm việc lớn?
- Nặng bè đảng ư? Làm sao mà cố kết được toàn dân?
- Tàn bạo ư? Kẻ sĩ quay mặt, người hiền bỏ đi.
- Không thương dân sao? Dân sẽ rủ nhau làm loạn.
Nghe Hoàng tiên sinh nói, Trần Thủ Độ như người ngủ mê chợt tỉnh. Oâng tiếp lời:
- Bẩm tiên sinh, nhờ tiên sinh tận tâm chỉ bảo, tôi như người mù vừa thấy lại mặt trời. Mong tiên sinh từ nay đừng coi tôi như một bậc tể thần, mà hãy coi tôi như một lũ “ấu ấu tu tri” để dạy dỗ.
Hoàng tiên sinh gật gật, ông lại đưa tay lên vuốt nhẹ chòm râu. Ông vuốt như thế mãi một lúc lâu, cứ như là ông đang kéo dài, dài mãi những sợi râu để biến nó thành những sợi tơ trời. Bất chợt ông lại nói:
- Cái khó không phải là con người ta còn làm điều bất thiện, mà khó là ở chỗ, con người có tận tâm đổi lỗi để đạt tới cõi thiện?
Mới nửa chiều, sương đã giăng trắng cả kinh thành. Giá buốt lùa vào đại sảnh. Lò than đã tàn. Chỉ có hương trầm như còn đọng lại, còn đông kết lại cùng với những lời nói tâm huyết của hai vĩ nhân trong một chiều sương giá. Phải chăng đây là khởi đầu buổi bình minh của một triều đại mới?
=================
(1) Tức vị: lên ngôi vua.
(2) Theo sách Chu lễ: Xã: là nơi thờ thần Thổ địa. Tắc: là nơi thờ thần Bách cốc. Dân trong một nước cần thiết nhất là ruộng đất và thóc lúa, nên đời xưa dùng chữ Xã tắc để tượng trưng cho quốc gia.
(3) Tử phục: quần áo màu tía. Theo chế độ các nhà Lý - Trần, các quan có tước vương, tước hầu mới được mặc áo màu tía.