Chương 6

Tối nay bác Trân mời ba và tôi đi ăn ở nhà hàng Năm Sao. Thật là xịn, nhưng quả lòng tôi không muốn đi chút nào, tính tôi rất ghét đến những nơi ồn ào náo nhiệt và quá sang trọng như vậy. Chả bù cho đám bạn quậy nhất của lớp tôi, chúng thuộc loại đi nhà hàng Năm Sao như cơm bữa và thường huênh hoang tuyên bố, đứa nào chưa vào đó là đồ cù lần, không phải là "dân chơi". Rất nhiều lần chúng rủ tôi vào băng của chúng nhưng tôi từ chối, chả bao giờ tôi thích làm "dân chơi", tôi chỉ muốn là "dân học" và bạn bè tôi chỉ gồm năm sáu đứa học hành chăm chỉ, vậy đủ rồi. Lấy cớ ngày mai chưa thuộc bài chuyên môn, tôi để ba đi một mình, rồi giở sách xem lại bài văn. Một cánh thiệp màu đỏ rơi ra, thiệp mời sinh nhật của Tuấn. Tôi đếm đốt ngón tay, vậy là chủ nhật này rồi, chả biết Tuấn thích gì để liệu mua quà cho thích hợp, thôi để gặp Minh Châu rồi tính. Tuấn là nam sinh hiền nhất của lớp tôi, tuy học không giỏi nhưng Tuấn chăm chỉ và hòa đồng với mọi người nên rất được thầy cô thương. Đó là nói về văn hóa, còn về chuyên môn, Tuấn là một học sinh rất xuất sắc, tiếng đàn violon của Tuấn mượt mà và truyền cảm, nhất là khi nghe Tuấn chơi bài Thais, hay đến lạnh cả người. Gia đình Tuấn khá ổn định. Ba Tuấn là bác sĩ làm việc tại bệnh viện Chợ Rẩy, mẹ Tuấn là giáo viên nhưng khác với má là hiện giờ bà vẫn còn đi dạy, và phụ trách môn văn ở trường Lê Quí Đôn. Vì khá đông con nên cuộc sống gia đình Tuấn không được thoải mái lắm, nhưng về phương diện tinh thần, Tuấn được diễm phúc hơn tôi nhiều, bạn luôn luôn được sống bên cạnh cha mẹ và anh chị trong một gia đình tràn đầy hạnh phúc.
Chị Hai đến bên cạnh:
--Sao cô không đi ăn nhà hàng với ông?
Tôi uể oải vươn vai:
--Em bận tập đàn, mai phải trả bài cho cô.
Nghĩ đến ngày mai đến giờ chuyên môn, sao nghe hồi hộp lạ. Tin hành lang tôi được chôn đi tham dự cuộc thi "Tài năng trẻ", được các bạn loan đi một cách khẳng định, đến giờ vẫn chưa nghe cô Nguyệt Hằng nói gì với tôi cả, cô chỉ cho tôi những bài tập khó hơn bình thường và luôn luôn khuyến khích tôi hãy cố gắng tập dượt bằng tất cả khả năng của mình. Ăn cơm xong, tôi chăm chú ngồi đánh đi đánh lại một đoạn étude rất khó, nhiều đoạn lặp đi lặp lại rất gần giống nhau làm tôi cứ lộn tùng phèo. Ghét ghê, tôi bỏ đàn, vào bếp mở tủ lạnh tìm ly nước lọc uống vào cho tỉnh táo. Một chiếc bánh sinh nhật khá lớn trình bày rất mỹ thuật hiện ra trước mắt tôi như một phép lạ, vì bánh để trên tầng cao của tủ lạnh nên tôi không thấy được hàng chữ viết bên trên.
--Chị Hai ơi, bánh ở đâu thế này?
Chị Hai đang rửa chén, chạy lại:
--Ông mới mang về hồi chiều.
--Chị lấy xuống cho em xem đi.
--Tay tôi dính xà bông dơ lắm.
Tôi kéo chiếc ghế đẩu đến sát tủ lạnh.
--Thôi để em leo lên ghế xem cũng được.
Hàng chữ xanh trên mặt kem vàng làm tôi cảm động đến run lên: "Mừng sinh nhật thứ 15 của Thảo Phương 25-4". Dưới ký tên của ba: "Trần Vĩnh Khôi".
Tôi nhìn lên tấm lịch treo tường, 24-4, vậy là ngày mai, cách đây 15 năm, tôi đã ra đời. Thật lu bu đến nỗi ngày sinh của mình tôi cũng không nhớ nữa, ngớ ngẩn ghê. Tôi đóng tủ lạnh lại, ra ngồi bên đàn, tay lướt lên phím mà hồn thả đâu đâu. Tội nghiệp ba, má thật sai khi bảo ba đã đánh mất hết tình cảm, ba mất tình cảm sao ba còn nhớ đến ngày sinh của tôi? Tôi tin rằng ba vẫn nhớ cả ngày sinh của má nữa đó, chỉ tại má giận ba nên ba không dám gửi quà đến thôi. Tôi ngồi lại ngay ngắn, nhìn lên bản nhạc để trước mặt, những nốt nhạc, móc đơn, móc kép, khóa fa, khóa sol, nhảy múa lộn xộn trước mắt. Sao chóng mặt quá, nhưng phải cố gắng thôi, vì tình thương của ba, vì ánh mắtư đầy tin tưởng của cô Nguyệt Hằng, Thảo Phương sẽ không phụ lòng mọi người đâu. Tôi tập đàn đến 11 giờ khuya, ba vẫn chưa về.
Buổi sáng khi tôi còn mơ màng trong giấc ngủ muộn, một nụ hôn nhẹ nhàng lên trán đánh thức tôi dậy, trên tay ba là bó hoa hồng trắng còn ngậm sương mai:
--Chúc con gái cưng của ba một ngày sinh nhật vui vẻ.
Tôi ngồi dậy, dúi đầu vào vai ba:
--Đêm qua con chờ ba mãi, sao ba về khuya vậy?
Ba âu yếm vuốt tóc tôi:
--Tại bác Trân giữ ba lại bàn một vài công chuyện làm ăn, nhưng con yên tâm đi, ngày hôm nay ba ở nhà với con.
Tôi thòng chân xuống đất tìm đôi dép nhẹ:
--Sáng nay con phải lên trường học chuyên môn, chiều lại có hai tiết văn và hai tiết lý.
Ba cắm bó hoa vào chiếc bình thủy tinh đặt nơi bàn học tôi:
--Ba sẽ lo bữa tiệc trưa nay cho con, con nhớ rủ vài người bạn đến chơi cho vui nhé.
Tôi chu môi:
--Sao bao không nói trước để con mời chúng nó.
--Thú thật với con, ba bận quá, khi gặp mặt con thì lại quên.
--Hay ba để chiều tối đi, sợ sáng nay không gặp đủ tụi nó.
--Chiều ba lại bận, thôi thì gặp ai tiện mời, con cứ mời cũng được.
Nghĩ vừa giận vừa thương ba ghê, giá có má thì mọi việc sẽ chu đáo chứ đâu có lúng túng như giờ.
Tôi vào trễ, đến chín giờ mới được học cô. Tôi trả bài thật thông suốt, kể cả bài étude hóc búa, may mắn thay tôi chẳng vấp nốt nào, cô Nguyệt Hằng rất hài lòng. Khi tôi thu xếp ra về, cô giữ tay tôi lại:
--Thảo Phương, cô muốn nói với em một chuyện.
Tôi đã đoán được chuyện gì nhưng lòng vẫn hồi hộp, tôi ngồi xuống bên cô. Cô vuốt nhè nhẹ bờ vai tôi:
--Thảo Phương, mùa Thu năm nay em sẽ được ra Hà Nội dự cuộc thi "Tài năng trẻ", cô định chọn cho em hai bài của Chopin để tập ngay từ bây giờ, em nghĩ sao? Nói cho cô biết.
Tôi bối rối:
--Em.. em ra Hà Nội hả cô?
--Đúng rồi, cô đã đăng ký tên em vào danh sách dự kiến, sẽ qua một cuộc thi để lọc lại lần nữa, nhưng cô tin chắc là em sẽ được chọn.
Tôi cúi đầu mân mê tà áo, cô nói tiếp:
--Cô đã cho em tập bài Nocturne số 9 của Chopin rồi, cô sẽ lựa cho em một bài nữa, sao, em thích nhạc Chopin chứ?
Tôi ấp úng:
--Thưa cô, em rất thích và em cũng rất vui mừng khi cô đặt niềm tin nơi em.
Cô Nguyệt Hằng siết chặt tay tôi:
--Cô rất tin ở em.
Tôi ra về, trời đã rất trưa, chạy vội qua phòng 20 để tìm Tuấn đang học chuyên môn ở đấy, nhưng phòng đã đóng cửa, học sinh về hết cả rồi. Qua phòng nhạc dân tộc, may quá, còn ba bạn đang ngồi đấu láo: Minh Châu, Ngọc Minh và Thanh Hằng. Không lẽ mời một mình Minh Châu, thôi đành rủ thêm hai cô nàng này nữa cho đông đúc buổi sinh nhật. Bốn đứa chạy xe đến nhà Tuấn vẫn không thấy Tuấn đâu, người chị của Tuấn bảo anh chàng đi chơi không biết lúc nào về, Minh Châu đề nghị:
--Mặc kệ nó, về nhà Thảo Phương đi, càng ít người dự tụi mình càng ăn được nhiều.
Chị Hai sửa soạn bàn tiệc nơi hàng hiên mát mẻ. Hôm nay chị diện rất bảnh bao, chiếc quần xoa đen mượt mà, áo bà ba hồng có thêu những đóa hoa trắng. Ba đang ngồi chờ tôi, thức ăn đã được dọn ra bàn, cả chiếc bánh sinh nhật của tôi nữa. Tất cả đều thơm tho và lộng lẫy bên chiếc bình thủy tinh cắm mười lăm đóa hoa hồng trắng tượng trưng cho tuổi của tôi. Nhân có đem theo đàn, ba nhỏ bạn của tôi, một đàn tranh, một đàn nguyệt, và một tì bà, đã hòa tấu cho chúng tôi nghe những bài dân ca thật hay. Người khoái nhất có lẽ là chị Hai, chị cứ ngồi há hốc mồm đến quên cả dọn ly tách, và sau buổi tiệc chị đã nói với tôi:
--Sao cô không học đàn tranh, tôi thấy hay hơn loại đàn cô đang học nhiều.
Rồi chị cứ níu lấy Minh Châu hỏi lung tung:
--Cô có biết đàn bài "Ai ra xứ Huế" không? Cô biết đàn bài "Đêm tàn bến ngự" không?
Minh Châu gật đầu lia lịa:
--Em biết, em biết, nhưng bây giờ em phải đi học.
--Khi nào rảnh cô tới chơi, đàn cho tôi nghe với nhé.
Ba phải giục lắm chị Hai mới chịu đi dọn dẹp. Điều tôi nghĩ lúc này là chị Hai rất thích dân ca và tôi sẽ thu một băng nhạc toàn dân ca cho chị nghe những lúc rảnh rỗi, để bù lại những tình cảm chị đã dành cho tôi từ trước đến nay.
Sinh nhật của Tuấn được tổ chức vào buổi chiều tại phòng khách chỉ với những người bạn rất thân mà thôi. Chiếc bàn tròn đặt giữa nhà phủ khăn ren trắng làm nổi bật bó glaieul đỏ thẫm cắm trong chiếc bình sứ men xanh. Chị Thu của Tuấn đang sắp chén đũa, thấy tôi và Minh Châu tới, chị vồn vã:
--Vào đây hai em, chờ Tuấn chút xíu nhé, nó đi đón mẹ chị, sắp về rồi.
Một lát, có thêm Hùng và Bảo học cùng khoa với Tuấn, hai anh chàng khệ nệ mang một thùng quà gói giấy hoa, không biết bên trong đựng gì mà xôm thế. Riêng tôi và Minh Châu, suốt sáng nay chạy xe vòng vòng chợ Bến Thành hết một lít xăng vẫn chưa biết mua cái gì cho Tuấn. Buổi trưa Minh Châu ở lại nhà tôi ăn cơm, ngủ một giấc mới chợt nhớ:
--Nè Phương ơi, ta nghĩ ra rồi, nên tìm mua cho Tuấn một bộ dây ngoại thật xịn để anh chàng đương đầu với các địch thủ trong kỳ thi "Hà Nội mùa Thu" sắp tới.
Tôi vỗ tay reo:
--Hay quá, nhưng mà mắc lắm đó, tụi mình hùn tiền nha.
Bây giờ thì hai chúng tôi thật yên tâm với gói quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong xắc. Chắc là Tuấn phải thích mê đi.
Chị Xuân, người chị thứ hai của Tuấn mang từ nhà trong ra một chiếc bánh sinh nhật nhỏ xíu nhưng rất đẹp, bên trên cắm 15 cây nến hồng và hàng chữ "Mừng sinh nhật Hoàng Tuấn 28-4". Tuấn sinh sau tôi ba ngày, đây là điều làm Tuấn khổ tâm nhất mỗi lần có ai nhắc đến, vì sau đó thì y như rằng tụi bạn bắt Tuấn gọi tôi bằng chị để nhìn vẻ lúng túng của anh chàng mà cười đùa với nhau. Hùng kéo ghế cho tôi ngồi:
--Nghe nói kỳ này Thảo Phương cũng được ra Hà Nội dự thi hả?
Tôi gật đầu. Bảo đưa cho tôi ly nước cam:
--Chúc mừng Phương.
Minh Châu hỏi:
--Còn hai bạn thì sao?
Hùng rùn vai:
--Kỳ này có mỗi thằng Tuấn được chọn, tụi này lọt sổ hết.
Tôi vui vẻ ngắm nhìn Hùng và Bảo. Chà, hôm nay hai người ăn mặc đứng đắn ghê, quần sọc thẫm, áo sơ mi nhạt màu bỏ vô quần hẳn hoi, chả bù những lần gặp họ ngoài phố, mô đen thất kinh luôn.
Tuấn chở mẹ về bằng xe đạp. Mẹ Tuấn đã lớn tuổi (vì Tuấn là con út) nhưng trông còn khá trẻ, bà ăn mặc giản dị, quần đen, áo dài màu xanh nhạt, tóc búi cao cài chiếc trâm đồi mồi. Thấy chúng tôi bà mừng rỡ:
--Ồ, Phương và Châu, lâu quá bác mới gặp lại hai cháu, chà, càng lớn hai cháu càng trổ mã đẹp hẳn ra.
Tuấn, Hùng và Bảo phụ hai chị mang thức ăn ra, nhất định không cho tôi và Minh Châu động đến móng tay. Xong xuôi, Tuấn xoa hai tay vào nhau:
--Thôi, chúng ta bắt đầu đi.
Mẹ Tuấn hỏi:
--Ba không về sao con?
Tuấn sửa lại bình hoa:
--Ba bận trực nhưng có hứa sẽ về vào giờ con cắt bánh, mẹ ạ.
Mẹ Tuấn gật gù:
---Vậy cũng được, nào các cháu, ngồi vào bàn đi.
Minh Châu ngập ngừng:
--Thưa bác, còn hai anh đâu rồi ạ?
Mẹ Tuấn vui vẻ:
--Chúng nó đi picnic cháu ạ, chắc phải tối mới về, chúng ta cứ ăn đi.
Bữa tiệc đơn sơ nhưng thật ngon miệng, chúng tôi được ăn gỏi ngó sen và hủ tiếu Nam Vang do hai chị Xuân và Thu trổ tài.
Đang ăn bỗng Minh Châu giật mình, tôi ngạc nhiên hỏi:
--Gì vậy Châu?
--Chết cha, chiều nay tới phiên tao hứng nước.
--Cho biến đi!
--Biến sao được, tụi nó chửi chết, vả lại tối lấy nước đâu mà tắm.
Thấy nó thấp thỏm, tôi nhíu mày:
--Sao mày không tính trước, đổi cho đứa khác một bữa?
--Tao quên, giờ làm sao đây?
Tôi giữ nó lại:
--Vì lịch sự, bắt buộc mày phải ngồi lại, tối ghé nhà tao tắm rồi rửa tai cho sạch để nghe chúng nó chửi. Ô kê?
Minh Châu thừ người ra, miễn cưỡng gật đầu.
Mẹ Tuấn nhìn chúng tôi:
--Hai cháu có chuyện gì vậy?
--Dạ... không ạ.
--Hai cháu ăn cho no nhé.
--Dạ.
Tuấn nhắc:
--Các bạn nhớ để dành bụng ăn bánh nhé.
Ba của Tuấn về đúng lúc Tuấn thổi tắt mười lăm ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật của mình. Chờ mọi người vỗ tay xong, ba Tuấn đứng ra nói:
--Cách đây mười lăm năm, vào ngày này và cả giờ này nữa - Ông quay sang mẹ Tuấn - phải không em?...
Mẹ Tuấn cảm động gật đầu, ông nói tiếp:
--Vâng, vào giờ này, Tuấn đã ra đời, và hôm nay, để kỷ niệm ngày đáng nhớ đó, các cháu đã đến chung vui với Tuấn và hai bác, hai bác rất cảm kích. Hai bác sinh chúc Tuấn, con trai của hai bác cùng các cháu học thật giỏi và luôn luôn đạt được mọi ước mơ.
Chúng tôi lại vỗ tay. Ba Tuấn lấy trong túi ra một gói nhỏ:
--Đây là quà của ba mẹ tặng Tuấn - Ông mở lớp giấy hoa - một bộ dây đàn violon của Ý, niềm ao ước của Tuấn từ bấy lâu nay nhưng mãi đến bây giờ ba mẹ mới chiều được lòng con.
Minh Châu bấm tay tôi, vậy là món quà của chúng tôi bị trùng lặp mất rồi, nhưng không sao, có hai bộ dây đàn, niềm vui của Tuấn lại được nhân gấp đôi.
Nhìn Tuấn cầm gói quà sung sướng đứng bên ba mẹ, tôi thấy tủi thân quá. Ba mẹ già hơn ba má nhiều, nhưng ẩn trong mắt họ là cả một thời mộng mơ áo trắng đã xa vời, nhưng dường như đang trở về thấp thoáng sau nụ cười hạnh phúc của họ. Sao ba má lại không được như họ nhỉ. Đã có một thời ba má yêu nhau biết bao, sao không vì con mà hai người xích lại cho trái tim non nớt của Thảo Phương ấm nồng qua nỗi xót xa.
Chị Thu mang lên một bình trà:
--Mời các bạn uống trà ăn bánh nhé.
Hùng và Bảo cùng song tấu bài "Múa kiếm" để tặng Tuấn, không hiểu hai anh chàng tập tành làm sao mà vấp lung tung, Minh Châu che miệng khúc khích sau lưng tôi làm tôi cũng tức cười và quên đi nỗi buồn vừa thoáng qua. Tuấn vào nhà đem cây đàn tranh của chị Thu ra để trước mặt Minh Châu, thế là cô nàng trổ hết tài nghệ khiến mọi ngừơi phải sững sờ. Châu đáp ứng tất cả mọi yêu cầu, từ cổ nhạc đến tân nhạc, ngay cả những bài ngoại quốc Châu vẫn diễn tả được bằng hai bàn tay điêu luyện của mình. Thảo nào từ hơn năm nay cô nàng mang danh là "Trùm" của giàn nhạc cũng không ngoa. Đến phiên tôi, vì không có piano, nên tôi hát tặng Tuấn bài "Tuổi mười lăm" của Trương Quang Lục: Em bước vào tuổi mười lăm, bao mới lạ đến dần theo tháng năm. Bao ước vọng và mộng mơ nhẹ nhàng như vần điệu những dòng thơ, dịu dàng như lời mẹ hát ầu ơ..".
Buổi tiệc sinh nhật chấm dứt trong vui vẻ. Minh Châu theo tôi về nhà để tắm. Đã hơn tám giờ tối, chị Hai ra mở cổng, tôi hỏi:
--Ba em về chưa?
--Chưa, à, có lá thư của ông, tôi để trong phòng cô.
Tôi đau đớn gieo mình xuống ghế, lá thư nằm thản nhiên trên mặt bàn như một thách thức tàn nhẫn nhất. Hàng chữ nơi góc bì "Tòa Án Nhân Dân" quen thuộc đã cho tôi biết rằng cuộc hòa giải thứ hai của ba má sắp bắt đầu và với tình trạnh căng thẳng như hiện nay, chắc rồi cũng thất bại thôi.
Nước mắt tôi chảy ràn rụa trên má. Minh Châu đã tắm xong, ái ngại đến ngồi bên tôi:
--Thảo Phương, mày đừng buồn nữa...
Tôi mếu máo:
--Thế nào ba má tao cũng ly hôn Châu ơi!
Minh Châu cầm tay tôi, định lựa lời an ủi nhưng nghĩ mãi không ra, nó ôm chầm lấy tôi và hai đứa cùng khóc.