Phnom Penh là một thành phố được thiế kế cho giác quan. Ở khắp mọi nơi là hoạt động, âm thanh và những mùi vị trên người. Tại đây dường như người ta không cảm thấy cái bóng tối của chiến tranh đang đè nặng lên họ. Lúc này là mùa hè 1972. Chúng tôi thì cảm thấy sung sướng vì sự bình thường đột ngột của họat động con người. Thiên hạ tản bộ suốt phố. Nhiều người quây quần trước các xe bán hàng rong, xô nhau trước các hàng bán bún chiên, những thanh xoài xanh ngâm dấm chua lè cắm trên que dài chấm với một chút muối ớt; hay các quả chuối chiên vàng dòn rụm tẩm bột mì và hạt mè. Tôi thích nhất là món săng uých pa tê, hai lớp bánh mì dày ở giữa nhét các loại thịt xắt mỏng, cùng với các lát dưa chuột xắt mỏng và hành xanh. Phnom Penh thật sự là một thành phố thủ đô. Khắp nơi chúng tôi thấy chợ, hiệu thuốc, tiệm ăn, trường học… Những hoạt động bình thường của cuộc sống đô thị. Ngay khi vừa đặt chân đến đây, chúng tôi đã đón chào một người khác vào trong gia đình: Mak sinh được một cậu bé trai khỏe mạnh, Pa và Mak đặt tên cho cậu là Putheathavin, một cậu bé trai đẹp, có lông mi dài, dài hơn bất cứ ai trong gia đình tôi, có làn da sạm mịn rất giống Pa. Chúng tôi gọi nó là Vin, dùng âm cuối của tên nó. Cũng giống như vậy, tên tôi là Chanrithy, và mọi người gọi tôi là Thy hay Athy. Chị Ra tức là Chantara, chúng tôi gọi chị là Ra, như Pa và Mak gọi chị là Ara, vì họ lớn hơn nên họ có thể dùng chữ A gọi trước tên chị. Cũng như vậy, chị Ry là Channary, anh Than là Chanthan, và Avy là Putheathavy, nhưng chị Chea thì chỉ là Chea vì đó là tên cúng cơm đặc biệt của chị, có nghĩa là “lành”, nhưng ở trường các bạn chị gọi chị là Chanchhaya. Bây giờ Pa và Mak đã có bảy người con, đông hơn gia đình người hàng xóm. Hàng xóm ở phía tay phải của chúng tôi là hai gia đình người Trung Hoa, lặng lẽ và nhã nhặn. Bên phía trái là một gia đình người Cambodia dễ thương. Đó là những người Cambodia thuần chủng, như Mak nói, có làn da sậm và cặp mắt to. Bên kia đường là một gia đình Cambodia khác, gồm một người cô cùng gia đình và một người cháu gái còn độc thân, làm nghề cảnh sát. Cô ta tên là Veth và tôi rất kính sợ cô này. Trường tiểu học Sala Santeu Mook là nơi tôi học và cũng là trường của anh Than nữa. Có những chậu hoa nhiều màu sắc đặt ở lối vào trước mỗi toà nhà trong trường, cả quanh cột cờ, nơi mỗi buổi sáng chúng tôi mặc đồng phục sắp hàng chào cờ và hát bài quốc ca: “Chúng ta là dân tộc Cambodia nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta đã từng xây nên những đền đài vĩ đại. Nền văn minh, tôn giáo rực rỡ của chúng ta, di sản của tổ tiên ta đã được gìn giữ trên trái đất này. Hỡi người Cambodia, hãy đứng lên, đứng lên, chiến đấu bảo vệ nền cộng hoà. Khi kẻ thù tấn công, chúng ta bảo vệ, chúng ta chiến đấu”. ° Hai năm sau khi Vin ra đời, Mak lại sinh một đứa bé khoẻ mạnh khác. Nó trông đáng yêu với cặp mắt nâu đen và làn da sáng giống như Mak nhưng khuôn mặt thì lại giống Pa. Sau khi nó ra đời, cô điều dưỡng bảo Mak rằng cuống nhau đã cuốn quanh người nó. Điều này có nghĩa là khi nó lớn lên, nó sẽ là thầy giáo, rằng nó lớn lên sẽ thông minh và có tình. Điều này làm Mak mỉm cười, đưa mắt ngắm bộ mặt hồng hào của nó. Tên nó là Phalkunarith, nhưng đôi khi Pa gọi nó là Map (có nghĩa là mập) vì hai má nó mập chù ụ. Bây giờ tôi đã tám tuổi,quên hết quá khứ, kẻ thù cùng bom đạn. Tôi đã học những điều mới mẻ ở nhà trường, trong đó có lịch sử Cambodia mà tôi phải thuộc lòng. Đôi khi tôi thấy môn học này chán phèo, vì nó đầy các cuộc chiến tranh, các trận đánh với các nước láng giềng, với các vua Cambodia đã chết cùng cái tên dài thòng bằng cả tên và họ của tôi ghép lại. Có vẻ như suốt trong lịch sử, Cambodia đã không là một quốc gia hoà bình. Chị Chea bảo tôi rằng cần phải học lịch sử Khmer. Thế nhưng lúc này tôi thà học toán còn hơn, vả chăng tôi muốn biết nhiều hơn nữa về quyền năng huyền diệu của các dược phẩm chất đầy trong ngăn kéo nơi bàn viết của Pa. Khi không có ai ở chung quanh, tôi nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như bao giờ, kéo khẽ một trong những ngăn đựng thuốc của Pa ra. Trước mắt tôi là những hộp đựng thuốc bột theo từng lọ, và thuốc dưới dạng chất lỏng màu sáng đựng trong các ống thuỷ tinh được thổi thành hình dạng khác nhau. Còn có các lưỡi cưa bằng kim loại nhỏ xíu mà Pa dùng để cưa các ống thuốc và các tấm giấy tẩm cồn để theo từng gói nữa. Tôi đứng ngây người trước các dãy kho tàng huyền diệu đang lấp lánh đó. Rồi cuối cùng mắt tôi dừng lại trên hai vật: thứ thuốc chích Pa đã cho vào người tôi và chất lỏng ông đã tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay tôi. Vậy là có một loại bùa chú trong nhà tôi: dược phẩm. Tôi không biết chắc cha tôi đã học ngành y khi nào và ở đâu, nhưng ông đã làm vậy với hy vọng rằng mình không bao giờ bất lực như thời anh Tha và em Bosaba bệnh. Pa là như vậy. Với ông, đời sống là một chuỗi vấn đề đang cần được giải quyết. Pa là một người cha tốt và bây giờ ông còn là một bác sĩ giỏi. Khi tôi đau ốm vì chứng suyễn, ông luôn luôn chăm sóc tôi. Khi tôi thở khó khăn, ông áp tai vào ngực và lưng tôi lắng nghe tiếng khò khè. Đôi khi ông còn mang tôi đến bệnh viện để chụp X quang và thử máu. Từ đó ông biết phải cho tôi thứ thuốc nào. Dẫu có đến bảy đứa con để chữa trị, ông vẫn sẵn sàng dành chỗ cho các bệnh nhân khác. Cũng không cần phải hẹn giờ trước. Trông ông giúp đỡ các anh chị em họ của tôi bị đau ốm và những đứa bé hàng xóm, tôi hết sức ngưỡng mộ. Tôi nắm tay Pa và nói với ông “Pa, khi con lớn con muốn giống như Pa. Con muốn chữa cho người ta. Làm cho họ khoẻ hơn”. Bên cạnh Pa, chị Chea là thần tượng thứ hai của tôi. Chị rất thông minh. Chị thường được nhận quà và phần thưởng vì đứng đầu lớp. Pa và Mak rất hãnh diện vì chị. Tôi muốn được giống như chị - luôn làm tóan trong cuốn sổ ghi dầy cộm và có nhiều bạn bè tốt. Chị dạy tôi hát bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Tôi thường nhớ chị tập cho tôi đếm từ một đến mười “bằng tiếng Mỹ”. Thấy tôi ham mê ngoại ngữ, chị hứa khi tôi lên mười, chị sẽ nói với Pa ghi tên cho tôi vào một trường tư thục Anh ngữ tên là Engloria. Chắc chắn Pa sẽ cho tôi học. Cha mẹ tôi rất vui lòng khi thấy anh chị em chúng tôi đều được đi học. Điều này khiến tôi nghĩ đến bài thơ có lần chị Chea đọc cho tôi nghe; “Tri thức không thể để cho mối mọt huỷ hoại… người ta có thể dùng và đừng bao giờ để cho nó bị cạn” Nơi ở của chúng tôi lại bị xáo trộn thêm một lần nữa. Pa giúp tổ chức đám cưới cho cô Cheng, rồi đưa cô và chồng cô về ở chung nhà với mình. Họ ở với chúng tôi cho đến khi tìm được nhà riêng. Thật vui khi có cô Cheng ở bên cạnh. Thật lạ khi thấy cô lấy một người cô không quen biết. Tôi rất nhớ cô, người cô tôi biết trước khi cô lấy chồng. Cuối cùng thì cô Cheng cũng chuyển đi ở nơi khác, nhưng chú Seng, em trai út của Pa, ở với chúng tôi từ khi chúng tôi mua nhà, thì ở lại. Tôi rất thích chú, chú là người hay cù vào bụng tôi. Chú Seng còn độc thân và rất là bảnh trai, nhất là sau khi chú mang kính mát và mặc bộ đồ đồng phục phi công. Có lần Pa bảo với các bạn ông khi họ đến ăn tối rằng chú Seng bay với nhiệm vụ do thám cho Không lực Cambodia. Ông bay đi tìm Khmang, tức kẻ thù, Pa giải thích nhẹ nhàng. Tôi biết ông muốn nói đến Khmer Đỏ. Tôi bắt đầu chú ý đến thế giới bên ngoài và điều mà người lớn quan tâm. Tôi thường ngồi yên lặng trên chiếc đi văng màu gụ xem tin tức truyền hình cùng với Pa hoặc lắng nghe radio. Tôi không hiểu nhiều lắm nhưng tôi biết là quan trọng. Có những tin tức về cuộc chiến với Khmer Đỏ, về hoàng thân Sihanouk, vị “vua thần” mà nhiều người Cambodia lớn tuổi tin rằng có quyền năng thần thánh, người mà bằng cách nào đó đã để mất quyền lực và đang liên minh với Khmer Đỏ. Pa nói, chính bằng giọng của ông ta, Sihanouk, đã kêu gọi trên radio ở Bắc kinh, Trung Quốc, khẩn thiết hô hào dân chúng Cambodia liên kết với Khmer Đỏ trong rừng, kêu gọi chúng tôi liên kết với “vua cha” và chống lại những kẻ “ủng hộ đế quốc Mỹ”. Người phát thanh tường thuật vô số tai hoạ, chết chóc của binh sĩ và thường dân, chỉ ra những tỉnh ở xa thủ đô, nơi những cuộc đụng độ đã xảy ra. Những tin tức đó dẫu sao cũng còn quá xa vời. Mặc dù tôi tốn nhiều thì giờ với tin tức của người lớn, tôi vẫn quay lưng lại với chuyện đó, tôi vẫn hướng mình vào công việc chính của một đứa trẻ - đó là chơi đùa. Khi anh Than và bạn anh đang sửa soạn chơi trò đá lon, tôi vội băng ra mở cổng. Tôi hy vọng họ vẫn chưa chia phe xong. Tôi chen người vào giữa đám con trai “Này, em chơi với được không?” Từ phía sau anh Than gọi “Athy, em đến đây” Anh vẫy tay làm hiệu cho tôi ra khỏi đám bạn của anh. “Sao?” “Đừng chơi với bọn con trai, mày là con gái mà. Đi mà chơi với bạn của mày. Đi!” “Nhưng em muốn chơi đá lon cơ! Anh có thể chơi với mấy anh ấy được, còn em thì tại sao lại không?” “Nhưng tụi nó là bạn của tao. Nếu mày chơi, tao sẽ mách với Mak. Mak sẽ đánh mày vì tội chơi với con trai”. Anh trừng mắt với tôi rồi bước tới chỗ đám bạn. Tôi nói với sau lưng anh “Coi kìa, bạn anh đâu có bảo em không chơi được!” Tôi không thể không chú ý đến phong tục hay Mak sẽ làm hoặc nói với tôi như thế nào. Tuy nhiên các bạn của anh Than có vẻ không phiền gì khi tôi chơi với họ. Thế là tôi nhập cuộc. Trong suốt cuộc chơi, tôi chạy nhanh không thua gì họ. Tôi vui thú và quên đi tất cả những điều anh Than đã cảnh cáo. Anh Than chạy về nhà. Tôi chạy theo. Tôi đi ngang qua Mak đang ngồi trên đi văng còn Pa thì ngồi ở bàn giấy, kính đeo mắt, đang nghiên cứu cái gì đó. “Athy, con đi đâu về mà người ướt đẫm mồ hôi vậy?” Mak hỏi tôi. “Con chơi”. “Mak, nó chơi với tụi con trai đó. Con đã bảo là không được nhưng nó ngoan cố lắm”. “Athy, tại sao vậy?” Tôi quay lui lại phòng khách để tự biện hộ. “Athy, chúng không muốn con chơi, tại sao con không nghe?” “Tại sao con không chơi được? Bạn anh Than không hề nói con không được chơi. Chỉ có anh Than là bảo con không được chơi mà thôi!” Tôi cãi. “Vì nó là con gái mà, Mak!” “Nhưng tụi bạn em tối nay có chơi trò gì đâu. Thế tại sao em không chơi trò đá lon với bạn anh được? Anh ích kỷ lắm!” Tôi vặn lại “Anh chỉ muốn mình anh được vui chơi mà thôi!” Mak bật cười, thú vị nghe chúng tôi cãi nhau. Bà quay qua Pa, đang ngồi ở bàn làm việc, và nói “Ba nó, nghe các con ông kìa”. Tôi ngước mắt nhìn Pa, hồi hộp xem Pa sẽ nói gì. Tôi tự hỏi không biết ông sẽ bắt tôi quỳ trên bàn giấy để phạt, như ông đã làm thế khi tôi lén chuồn ra ngoài coi tivi tại nhà bạn sau khi ông bảo tôi ngừng xem tivi tại nhà vì đã đến giờ đi ngủ. Bây giờ thì chắc Pa đã biết rằng loại kỷ luật như thế chẳng bao giờ có tác dụng với tôi. Lúc đó tôi cố khóc hết cỡ, chầm chậm leo lên ghế để lên bàn chịu hình phạt. Tiếng khóc chói tai của tôi có lẽ đối với Pa còn khó xử lý hơn là việc bắt tôi quỳ trên bàn giấy nữa. Chính vì thế bây giờ tôi không biết Pa sẽ làm gì khi ông chầm chậm ngước đầu nhìn lên. Ông quay sang Mak, nhìn bên trên cặp kính đang treo tòn teng ở chóp mũi. Tôi nhẹ nhõm khi thấy ông nhoẻn miệng cười. Bản án thế là rõ rồi. Tôi được thoát tội. Thật lạ, nằm ngoài sự hiểu biết của tôi, điều giống như vậy, điều tiếp tục nơi trò chơi đá lon thời thơ ấu của chúng tôi đã leo thang trên khắp đất nước, trên một quy mô chính trị lớn lao và nguy hiểm hơn nhiều. Giống như các bạn tôi và tôi thách thức nhau lẻn vào và đá chiếc lon thiếc qua làn ranh chiến thắng, chính phủ Cambodia và các đạo quân thường dân cũng thách đố nhau, xô đẩy nhau giành chiến thắng. Cũng giống như các đứa bé hàng xóm tăng cường đội bóng của mình, chiêu mộ những đứa chơi giỏi nhất, phe Khmer Đỏ cũng tăng cường đồng minh của mình. Ở ngay giữa tất cả những lực lượng đó, Cambodia đã trở thành cái lon thiếc được thèm muốn. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy tiếng dội của trò chơi vượt ra khỏi tầm tay của chúng tôi. Cuộc chiến trên khắp đất nước đang leo thang. Khi Khmer Đỏ bắt đầu chiếm được các tỉnh ở vùng xa, hàng ngàn, hàng ngàn gia đình rời bỏ nhà cửa, tìm cách tị nạn ở Phnom Penh. Chỉ trong vài tháng, dân số ở thủ đô tăng lên trên gấp ba lần, từ 600.000 lên đến gần 2 triệu người. Với một số dân đông như thế sống tại đây, vật giá tăng vọt lên trời. Và sự tham nhũng của các viên chức chính phủ cũng tăng nhanh như vậy. Khi chồng của cô tôi, một sĩ quan trong quân đội Cambodia bị bắt vì đã lén bán vũ khí cho Khmer Đỏ, cha tôi choáng váng. “Thật tham lam, ngu ngốc biết chừng nào. Nó đã bán cả đất nước!” Pa thì thầm, không thể hiểu nổi tại sao dượng tôi lại phản bội. Cô tôi khóc, nói với Mak và Pa về án tù và tiền bảo lãnh. Không biết bằng cách nào đó, cuối cùng dượng tôi cũng được phóng thích. Tệ hơn nữa, hoạt động khủng bố cũng len lỏi vào thành phố. Chất nổ được cài đặt ở những nơi công cộng như rạp hát, chợ. Chúng tôi nghe tin này trên đài phát thanh làm Mak luôn luôn nhắc anh Than phải cẩn thận “Than, con nghe chưa đấy?” Báo chí cũng nói rằng Khmer Đỏ đang khủng bố cả đất nước, đặc biệt là chính quyền Lon Nol. Hàng đêm Pa cập nhật cho Mak nghe về những gì đã xảy ra tại nơi ông làm việc hoặc các tin tức ông đọc trên báo. Ông nói về những gia đình từ bỏ quê đi tản cư. Càng ngày càng có nhiều người ăn xin trong thành phố và bây giờ thêm những gia đình không nhà, không cửa. Trẻ con lẻn vào tiệm xin khách hàng thức ăn thừa. Chủ hiệu đuổi chúng đi, nhưng chúng chỉ biến mất một lát rồi lại xuất hiện. Tối hôm ấy Pa kể cho tôi về một câu nói thông dụng của Cambodia. Pa bảo tôi “Rồi đến một ngày khi có một hạt cơm dính vào đuôi chó, mọi người sẽ giành giật hạt cơm đó”. Ông nhìn tôi,vẻ nghiêm trọng, mẹ tôi cũng vậy, họ chờ phản ứng của tôi. Nhưng tôi không hiểu gì cả. “Đừng kén ăn, koon,” Mak nói thêm “Hãy ăn những gì mình có”. “Koon, có nhiều người đói khát ngoài kia đấy” Pa bảo. Trong mắt ông, tôi thấy hết nỗi quan tâm của ông đối với tôi. Chỉ đến lúc đó tôi mới bắt đầu nhận thức rằng cha mẹ tôi yêu tôi biết chừng nào, họ muốn dạy dỗ tôi, chuẩn bị cho tôi trước năm mới, năm Mão, trước những điều bất ngờ mà nó mang lại. Rồi đã đến thời của các Thiên thần mới. Năm mới của Cambodia đã đến, ngày 13 tháng tư. Đó là lúc mọi gia đình trên khắp đất nước bắt đầu chào đón các lễ hội kéo dài theo truyền thống đến tận ngày 15. Trên đài phát thanh, tôi nghe các bài nhạc kể chuyện các thiên thần cũ được đưa trả về trời, thay thế bằng các thiên thần mới có nhiệm vụ chăm sóc người phàm trần. Thường thường, gia đình tôi đi đến Wat Phnom, một ngôi chùa đẹp đẽ xây trên một đỉnh đồi ở Phnom Penh, hoặc đến Đài kỷ niệm độc lập, một đài tưởng niệm quốc gia giống như một công viên. Ở nhà thì chúng tôi dâng thức ăn thức uống lên bàn thờ Phật để chào đón các thiên thần mới bằng gạo, nến, hương và trái cây. Nhưng năm nay, 1975, không có thần linh của năm mới nào cả. Nỗi sợ hãi, chứ không phải thần linh, bay đầy trên không trung. Khmer Đỏ đã lớn mạnh và nguy hiểm. Chúng đã chiếm phần lớn các tỉnh bên ngoài. Từng tấc một, họ áp sát Phnom Penh. Chúng pháo kích vào thành phố. Tuy bom đạn chưa làm chết ai trong gia đình chúng tôi, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng pháo rit lạnh người trên đầu. Mọi gia đình đều hối hả đào đất, xây những hầm dã chiến và hầm trú bom trong sân nhà mình, sử dụng bất cứ khoảng không nào có được. Trường học đóng cửa chờ thông báo. Riêng trường tôi thì biến thành một bệnh viện dã chiến, nơi ở tạm của hàng trăm người lính, đa số đều bị thương. Chúng tôi phải ở rịt trong nhà, không dám đạp xe đi chợ nữa. Vào lúc đó, chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho những người thân yêu của mình được an toàn. Mặc dù tôi chỉ mới chín tuổi, trí óc tôi thường xuyên niệm kinh Phật, điều mà chỉ những người lớn mới thường làm, nhưng tôi đã thấy, lắng tai nghe họ và đã thuộc lòng. Khi dân chúng đông đảo ở Phnom Penh phơi mình trước đạn pháo, tôi đọc đi đọc lại lời Phật dạy nhiều lần: “Sadtrow mok pa mol ay romlong. Sadtrow mok pe croay ay rarliey”. “Nếu kẻ thù đến trước mặt con, hãy tránh nó đi, nếu nó ở phía sau, hãy làm cho nó tan biến”.