Lĩnh nhíu mày khi thấy người đàn bà đó đi về phía mình. Anh bưng ly nước cam lên và quay mặt nhìn ra sân tennis, nơi ấy mấy đứa nhóc "Đệ Tử" của Sao Khuê đang chạy tới chạy lui lăng xăng nhặt banh cho khách. Anh muốn tránh người đàn bà này, nhưng bà ta đã đứng trước mặt anh và cất giọng: - Tôi có thể ngồi chung bàn với cậu được chớ? Lĩnh nhìn bà ta với cái nhìn lạnh lẽo: - Xin mời, nếu bà cảm thấy thoải mái bê n một người hút thuốc liền tay như tôi. Bà ta cười: - Không sao. Tôi cũng ghiền thuốc mà. Dứt lời, người đàn bà lấy trong túi xách ra một hộp thuốc lá mạ vàng. Lấy một điếu, bà ta gõ gõ điếu thuốc lên nắp hộp rồi bật quẹt y như dân chơi sành điệu. Thấy Lĩnh nhìn mình bằng nửa con mắt, bà ta phà khói và nói: - Nhìn cậu giống ông Tuân hai mươi mấy năm về trước quá, khiến tôi cứ tưởng mình đang mơ ấy. Lĩnh cười khẫy: - Cũng may là giấc mơ của bà không thành hiện thực. Nếu không đã có một gia đình nát tan đổ vỡ vì bà rồi bà Loan. Bà Hồng Loan ngạo nghễ: - Giấc mơ của tôi có thế nào đi chăng nữa, gia đình cậu cũng có nguyên vẹn đâu. Lĩnh căm phẫn: - Bà tự hào về sự độc ác của mình lắm sao? Bà Hồng Loan nhịp ngón tay lên đầu điếu thuốc: - Độc ác à! Chắc cậu chưa từng yêu? Khi đã yêu, người ta bất chấp thủ đoạn. Nói là nói thế, chớ tôi có làm gì để bị buộc tội độc ác? Phải ngày xưa ông Tuân mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn trong chuyện ly hôn, có lẽ bây giờ mẹ cậu không dở dở ươn ươn như thế. Lĩnh sa sầm mặt: - Bà không được nói động tới mẹ tôi. Bà Loan nhìn xoáy vào mắt Lĩnh: - Tại cậu vô phép với tôi trước. Độc ác cũng là bản chất của con người. Người ác nhất không phải tôi, bởi vậy gia đình cậu đã phải trả giá. Lĩnh đứng dậy. Không nói lời nào anh xách túi đựng vợt ra bãi gởi xe. Mụ đàn bà đó độc còn hơn rắn rết. Cô Cầm dặn anh không để mẹ tiếp xúc với mụ là đúng. Thần kinh của bà làm sao chịu đựng nổi những câu châm chọc đầy ác ý đó. Sao ma quỷ không bắt mụ ta đi. Bẵng đâu hai mươi mấy năm, giờ chợt xuất hiện để khuấy động quá khứ, xáo trộn hiện tại. Còn tương lai, chắc chỉ yêu tinh mới đoán được mụ ta muốn gì. Bất chợt Lĩnh nuốt tiếng thở dài. Anh phóng xe về nhà với tất cả bực dọc trong lòng. Trưa nay bà Ngọc Hiệp mời anh dùng cơm, Lĩnh muốn đến với Sao Khuê với một tâm hồn sảng khoái nhưng xem ra anh khó sảng khoái được vì những gì vừa gặp. Vừa mở cổng cho anh, bà Tý vừa... báo cáo bằng nét mặt khẩn trương: - Bà đang khóc, khóc dữ lắm. Lĩnh cau mày: - Ba mẹ tôi cãi nhau à? Bà Tý lắc đầu: - Không phải. Ông đi rồi bà mới khóc. Hồi nãy bà mới khóc. Hồi nãy bà có thơ. Coi thơ xong bà mới khóc vì mấy tấm hình gì ở trong á. Lĩnh mím môi lại để ngăn tiếng chửi thề. Anh vốn lịch sự, trầm tĩnh, thế mà... Chạy vào phòng mẹ, anh thấy bà ngồi thừ ra, trên gương mặt thất thần vẫn đang đầm đìa nước mắt. Không đợi Lĩnh hỏi trước như mọi khi, bà Nhẫn lên tiếng bằng giọng thều thào như hết hơi: - Thằng Triều... thằng Triều... Lĩnh vội cầm mấy tấm hình trắng đen trên bàn lên và bàng hoàng nhận ra đứa bé trong hình chính là Hồng Triều, đứa em đã chết mất xác cách đây hai mươi năm... Bà Nhẫn nức nở: - Nó vẫn còn sống. Lĩnh cầm ba tấm hình lên so sánh. Đúng là Hồng Triều, nhưng ở những lứa tuổi khác nhau. Tấm nào cũng rõ nét và ai nhìn vào cũng phải công nhận đó là một đứa với những giai đoạn lớn cách biệt vài ba năm. Bà Nhẫn tiếp tục lải nhải: - Đúng là thằng bé rồi. Chỉ vào quyển album gia đình bà bảo: - Con so với hình cũ của nó đi, có gì khác đâu. Đúng là không nét gì khác nếu so tấm hình nhỏ tuổi nhất trong hai tấm được gởi tới. Điều đó có nghĩa là hai mươi năm trước đây, Triều bị bắt cóc chớ không phải chết trôi sông như gia đình Lĩnh vẫn tưởng. Ai? Ai đã làm điều thất đức đó rồi bây giờ gởi những tấm hình này tới để làm khổ mẹ anh. Lĩnh nghĩ ngay tới bà Hồng Loan. Không tiếp cận được với mẹ anh, bà ta đã bày ra trò này để tra tấn tinh thần mẹ. Cúi xuống, Lĩnh nhìn thật kỹ những tấm ảnh. Đây là những tấm hình được chụp lại chớ không phải hình gốc. Thời buổi vi tính này, từ một tấm hình, người ta dễ dàng sửa đổi để thành nhiều tấm với những nét già trẻ, tóc tai, mặt mũi, quần áo, phong cảnh khác nhau. Chắc chắn con mụ phù thủy ấy đã phù phép để biến một tấm hình nào đó của bé Triều trước đây thành những tấm hình khác rồi gởi tới. Nhìn vẻ thất thần của mẹ, Lĩnh nhỏ nhẹ nói: - Những tấm hình này là giả do người ta làm ra bằng vi tính. Bà Nhẫn ngắt ngang lời Lĩnh: - Bé Triều là người thật, vi tính nào lại làm giả thằng nhỏ được? Con định nói láo mẹ à? Mau mau đăng báo tìm nó cho mẹ. Giọng Lĩnh vừa ôn tồn vừa cương quyết: - Con không nói dối. Đã có người bày ra chuyện này để cợt đùa trên nỗi đau của gia đình mình. Con nhất định sẽ tìm ra kẻ độc ác đó. Bà Nhẫn lại hiểu sai ý anh: - Con nên tìm họ để hỏi về thằng Triều. Nó vẫn còn sống mà không biết lưu lạc về đâu. Sao họ chỉ gởi tới mấy tấm hình hồi nhỏ chớ không gởi thêm vài tấm lúc nó lớn, cũng không nói coi bây giờ thằng bé sống ra sao cho mẹ biết nhỉ? Lĩnh bảo: - Con đã nói họ làm giả mà. Mẹ đừng tin cho khổ thân. Bà Nhẫn cầm tấm hình lên: - Hình chụp sờ sờ ra đây. Không tin cũng không được. Nhìn trong hình thấy em con mập mạp, ăn mặc cũng đẹp, chắc người nuôi nó cũng khá giả. Lĩnh lật tới lật lui quyển album gia đình. Anh cố so sánh nhưng không tìm được hình nào có bố cục, khung cảnh giống với n những tấm hình được kẻ bí mật nào đó gởi tới. Như vậy đây là hình thật, nếu là hình thật thì bé Triều vẫn còn sống. Bất giác Lĩnh rùng mình khi nghĩ tới số phận của đứa em trai suốt hai mươi năm qua và thấy thương mẹ. Đúng là bà bị sốc khi nhận được những tấm hình này. Bà Nhẫn lại sụt sùi khóc: - Ngày xưa không biết ai đã ác nhân thất đức bắt nó khiến cả nhà tưởng nó đã chết. Lĩnh không thể im lặng được, anh buộc miệng: - Mẹ nghĩ xem còn ai bây giờ. Tay bấu thành ghế, bà Nhẫn lắp bắp: - Con nói vậy là nghĩa gì? Lĩnh chậm rãi: - Đây là một đòn thù chí mạng kéo dài cả hai mươi mấy năm, mẹ nghĩ xem ai là người có mối thâm thù sâu sắc với ba mẹ? Bà Nhẫn tái xanh mặt: - Không lẽ là… là Hồng Loan? Nếu là cô ta, chắc Hồng Triều không còn sống tới bây giờ đâu. Lĩnh chưa kịp nói gì, bà Nhẫn đã bảo: - Hình như Hồng Loan sống ở nước ngoài mà? Nghĩ oan cho người ta là có tội đó. Lĩnh muốn khóc hết sức khi nghe mẹ nói thế. Bà hiền lành, cam phận thế kia sao không được hạnh phúc nhỉ? Hết khóc vì thói vô thủy vô chung của chồng, lại khóc vì nhớ tới con. Nếu không làm rõ tung tích của Hồng Triều, chắc tới cuối đời mẹ anh sống không yên, chết không nhắm mắt. Anh gấp quyển album lại: - Mẹ cứ bình tâm đi. Con sẽ tìm hiểu chuyện này và hứa sẽ kiếm cho bằng được thằng Triều. Tạm thời mẹ đừng nói với ba về những tấm hình này. Con sẽ giữ chúng. Bà Nhẫn lặng lẽ gật đầu. Về phòng mình, Lĩnh lấy điện thoại di động gọi cho bà Cẩm và nghe giọng bà nheo nhéo bên kia. - Mẹ mày làm sao à? Lĩnh ậm ự: - Cô rảnh không? - Rảnh, mà... vụ gì? - Nội đâu hả cô? - Đi chùa rồi. Ở nhà có mình tao hà... - Chờ con qua. Con sẽ cho cô coi cái này. Không đợi bà Cầm hỏi thêm câu nào, Lĩnh dắt xe ra phóng đi. Tới nhà bà nội, anh chưa nhấn chuông, cổng đã mở. Bà Cẩm nôn nóng: - Cho tao coi cái gì đâu? Lĩnh ngồi phịch xuống cái ghế mây. Lấy trong túi áo ra ba tấm hình, anh hạ giọng: - Cô biết ai không? Bà Cầm nhíu mày rồi la thất thanh như gặp ma giữa ban ngày. - Thằng Triều! Lĩnh hỏi gặng: - Đúng là nó không cô? Bà Cầm săm soi tới lui ba tấm hình rồi dè dặt: - Là nó. Nhưng hai tấm này trông nó lại lớn hơn lúc nó chết cầu ba bốn tuổi. Ở đâu con có vậy? Lĩnh trả lời: - Có người gởi đến mẹ con qua đường bưu điện. - Ai vậy? - Con không biết. Cô thử nghĩ xem ai đã làm thế? Đứa bé trong hình có đúng là thằng Triều không, hay chỉ giống nó thôi? Bà Cầm phân vân: - Không thể trả lời được, những tấm hình này cũ quá rồi. - Mẹ con quả quyết đây là Hồng Triều, bà khóc suốt buổi sáng rồi bắt con phải tìm cho ra thằng nhỏ. Bà Cầm chép miệng: - Trời! Còn khó hơn mò kim đáy biển. Lĩnh nói: - Con nghĩ bà Hồng Loan là tác giả của trò này. Bà Cầm vỗ đùi như đàn ông: - Đúng rồi. Con quỷ đó chớ ai. Hồi nào tao từng nghĩ nó có liên quan tới chuyện thằng Triều mà. Lĩnh hối hả: - Nghi như thế nào? Cô kể đi. Bà Cầm thở dài: - Kể ra thì đụng chạm tới bà nội, nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó. Hồng Loan có làm điều thất đức cũng tại nó hận bà nội. Lĩnh thắc mắc: - Bà ta hận vì nội cản không cho ba mẹ con ly dị à? - Đó chỉ là một phần. Nguyên nhân sâu xa là từ cái chết của con cô ta. Lĩnh trợn mắt: - Bà Hồng Loan đã có con với ba? Bà Cầm gật đầu: - Đó là một bé gái. Nó bị bệnh sốt xuất huyết nhưng được phát hiện trễ nên không qua khỏi. - Như vậy cũng đâu liên quan gì tới bà nội. - Hồng Loan cho rằng tại nội không giúp đỡ bằng cách đưa ghe để mang con bé ra bệnh viện tỉnh sớm nên nó mới phải chết. Lĩnh thắc mắc: - Mà có đúng như vậy không? Bà Cầm lại thở dài: - Có như vậy thật, bà nội con vốn kỹ tính, bà không muốn dây dưa với Hồng Loan nên lần cô ta mang con tới, nói năn nỉ như vừa ăn vạ vừa ép buộc nội phải đáp ứng đòi hỏi của mình, nội đã từ chối thẳng thừng. Chính vì vậy Hồng Loan rất hận. Cô ta đi rêu rao khắp xóm khắp làng rằng nội là người thất đức, rồi đám cháu đích tôn của bà cũng chết trôi chết chìm cả bọn thôi. Im lặng một lát, bà Cầm nói tiếp: - Năm đó lũ về rất lớn, lớn hơn mọi năm rất nhiều. Nhà của ba mẹ nền cao thế mà nước mấp mé vô nhà, nhìn quanh sân chỉ thấy nước trăng trời, xuồng ba lá cập vô tới cửa. Ngồi trong nhà tha hồ buông câu câu cá lóc. Thằng Triều gần ba tuổi, rất hiếu động nên mẹ con phải nhốt nó trong một cái cũi gổ để rảnh tay làm công việc nhà. Hôm đó, sau khi dỗ nó ngủ trong củi, mẹ con ra sau bếp lo cơm nước. Khi trở lên nhà trên thì thấy cái cũi gỗ ngã sang một bên, thằng Triều biến đâu mất. Ngừng lại, đợi cơn xúc động qua đi, bà Cầm kể ; - Mọi người ở gần nghe la mới túa nhau lặn tìm, nhưng thằng nhỏ mất tăm. Mẹ con hoá điên sau đó khi bị ba con trút hết mọi tội lỗi lên đầu. Ba con cho rằng thằng Triều đã leo lên một bên cũi khiến cái cũi bị lật do mất thăng bằng. Vì không ai thấy, nó đã đi ra cửa và rơi xuống nước. Riêng cô lại nghĩ khác, cái cũi khá nặng lại đóng toàn những thanh dọc cao, thằng Triều không có chỗ nào để bám vào để leo lên hay làm ngã cũi được hết. Phải có bàn tay người nào đó làm chuyện này. Cô mới rụt rè nói lên nghi ngờ của mình, ba mày đã mắng át nạt đùa vì thừa biết cô muốn ám chỉ ai. Lĩnh ngập ngừng: - Con lúc đấy còn quá nhỏ để có thể hiểu rõ vấn đề. Khi lớn lên, mọi chuyện đã là quá khứ, một quá khứ nhiều buồn đau mà không ai muốn vực nó dậy. Bà Cầm ngậm ngùi: - Giờ đã có người làm chuyện đó rồi. Cô cũng nghi chín mươi phần trăm là Hồng Loan bày trò này. Như vậy là thằng Triều còn sống. Hai người im lặng với những suy nghĩ đầy mắc mứu trong lòng. Bà Cầm thắc mắc: - - Hồng Loan có toan tính gì khi làm thế nhỉ? Chẳng lẽ cô ta không sợ à? Lĩnh cười nhạt: - Sợ gì khi chúng ta đâu có bằng cớ để quy tội bà ta. Bà Cầm bức rức: - Vậy phải làm sao để tìm ra tung tích thằng Triều? Lĩnh vuốt mặt: - Chắc chuyện này con nhờ cô... Bà Cầm nhìn anh: - Tao với ba mầy sẽ có chuyện đây. Nhưng tao không sợ ông nữa đâu. Cái tao lo là cách nào buộc Hồng Loan chịu nói thật. Hà! Không dễ chút nào khi mụ ta đúng là một con cáo già. Lĩnh có vẻ khinh bỉ: - Con cho rằng bà Hồng Loan muốn tiền. - Cô lại thấy mụ ấy chả túng thiếu. Cô nghĩ mụ ta chỉ muốn trả thù thôi. Mà người ta có thể làm giả những cái hình đó phải không? - Con không rõ nữa. Tạm thời cô đừng nói với nội cũng như với ba con. - Tao hiểu rồi. Nhìn đồng hồ, Lĩnh đứng dậy: - Con về đây! Về nhà, Lĩnh tắm, thay chiếc áo sơ mi ca rô màu nước biển, chiếc quần tây màu xanh đen rồi đến nhà Sao Khuê với một chai rượu Tây trong cốp xe. Bước vào phòng khách, Lĩnh được bà Hiệp vồn vã mời vào, ngoài Lĩnh ra, còn có vợ chồng bà Luỹ. Đang trò chuyện với ông Luỹ, ông Thông liền tay bắt mặt mừng cùng Lĩnh. Anh chợt hãnh diện khi thấy mình như ngang tầm với những người thành đạt. Ông Luỹ mỉm cười: - Chúng tôi đang bàn hướng làm ăn mới, không biết cậu Lĩnh có hứng thú tham gia không? Lĩnh tỏ vẻ nhún nhường: - Hậu sinh như cháu đây chắc chỉ dám ngồi nghe thôi. Ông Luỹ cười to: - Cậu hơi... bị khiêm tốn đó. Thôi thì xin mời cậu nghe vậy. Tằng hắng giọng, ông nói tiếp: - Chúng tôi đang nói về siêu thị Mây Tre nội thất chỗ này chắc cậu biết mà. Bà Luỹ vuốt đuôi chồng: - Thì cậu ấy đã từng mua hàng ở đây còn gì. Lĩnh nhỏ nhẹ: - Cháu chỉ là khách hàng bình thường nên thú thật cũng chưa biết gì về siêu thị này cả. Ông Thông ôn tồn: - Cậu nên tìm hiểu đi. Mặt hàng mây tre lá cao cấp chuyên dùng để trang trí nội thất là một mặt hàng mới, đầy triển vọng trên thị trường quốc tế đó. Ông Luỹ nói: - Tôi có quen với tay phó giám đốc siêu thị, ông ta cho biết họ định mở thêm một siêu thị như thế ở Hà Nội, họ đang cần cổ đông lắm. Ông Thông tò mò: - Ông ta là ai vậy? - Ông ta tên Đông, một tay giàu có nhưng rất giỏi nguỵ trang. Bà Hiệp thắc mắc: - Nguỵ trang nghĩa là sao? - À, nghĩa là nhìn bề ngoài đố ai biết ông ta giàu. Áo thun Thành Công, dép nhựa lếch thếch với cái xe Citi giò gà cà tàng, trông ông ta giống bác xe ôm hơn. Tuy là giàu nứt vách đổ tường, nhưng ông ta hà tiện lắm. Lĩnh nhếch môi: - Tiền ông ta làm ra để làm gì mà không tiêu xài nhỉ? Bà Luỹ góp lời: - Đễ làm từ thiện. Ông Đông là một mẫu người đặc biệt, một nhà từ thiện giấu mặt mà giới mạnh thường quân ở thành phố này rất nể phục. Lĩnh cười nhạt: - Giấu mặt nhưng mọi người ai cũng biết ông ta. Đúng là một chiêu tự quảng cáo mình. Bà Luỹ nhíu mày: - Cậu cho là ông ta vờ giấu mặt, giấu tên là để nâng mình lên cao hơn sao? Tôi lại không nghĩ thế, vì ông ta làm việc thiện chớ đâu có lấy danh nghĩa siêu thị để tài trợ. Bà Hiệp vội lái câu chuyện sang chiều hướng khác khi thấy không khí có vẻ căng thẳng: - Ông ta có nhiều con cái không? Mặt bà Luỹ dịu xuống: - Chỉ có mỗi một cậu con trai duy nhất. Ông Thông nói: - Chắc là con cầu tự? Cậu ta hẳn nhiên thuộc hàng quý tử, được cưng như trứng hứng như hoa rồi. Ông Luỹ lắc đầu: - Ai cũng tưởng vậy, nào ngờ không phải vậy. Cậu quý tử ấy được giáo dục theo kiểu ép xác rất cực khổ. Tuy con nhà giàu, nhưng cậu ấy phải tự kiếm sống, phải tự lập từ nhỏ. Do đó, cậu con cũng như ông bố, nhìn qua đố ai biết thuộc hàng đại gia và tiểu thiếu gia. Bà Hiệp gật gù: - Ông ta giáo dục cao theo kiểu Âu Mỹ, phải tự thân vận động, chớ không được ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ. Hay đấy chớ! Ông Thông hóm hỉnh: - Khen hay, vậy chớ em dám cho con nhóc Sao Khuê... tự thân vận động bằng cách đi làm thêm như tiếp thị sản phẩm, hay bưng ly, rửa bát ở nhà hàng không? Bà Hiệp xua tay: - Chắc là không rồi. Ông Thông cười: - Vậy thì đừng vội khen nha. Bà Luỹ chợt hỏi: - Sao nãy giờ không thấy con bé Sao Khuê đâu cả vậy? Lĩnh ra vẻ không quan tâm, nhưng thật ra anh thắc thỏm chờ nghe câu trả lời của bà Hiệp. - Con bé đang phụ dưới bếp. Bà Luỹ trầm trồ: - Sao Khuê ngoan thật đấy! Bà Hiệp chép miệng: - Cô khen thế chớ con bé có lớn nhưng chưa có khôn. Nó còn ham chơi lắm. Tôi phải bắt nó vào bếp cho quen. Chớ phụ nữ mà dở bếp núc là hỏng. Ông Luỹ bảo: - Bọn trẻ bây giờ đứa nào cũng vậy, chỉ cần có gia đình là biết lo ngay, chị ép làm chi tội nghiệp con bé. Bà Luỹ nhìn bà Hiệp: - Dạo này Sao Khuê còn đến với bọn trẻ đường phố không chị? - Vẫn còn. Thú thật, tôi không thích lắm việc làm của nó. Mất thời gian lẫn công sức mà kết quả khác nào đem muối bỏ biển, nhưng nếu cấm thì nó buồn. Lĩnh lên tiếng: - Cháu lại nghĩ Sao Khuê làm tình nguyện viên có kết quả đấy chứ. Bằng cớ là những đứa trẻ vào làm ở câu lạc bộ tennis đều rất ngoan. Ai cũng khen chúng được dạy dỗ tốt. Bà Luỹ cười cười: - Đấy! Chị nghe chưa mà cứ chê con bé mãi. Bà Hiệp nhỏ nhẹ: - Không chê nó sẽ tự cao. Bây giờ xin mời tất cả vào phòng ăn. Lĩnh nhẹ cả lòng khi nghĩ mình sắp gặp Khuê. Cô bé đang lấp ló ở cửa phòng ăn và mỉm cười với mọi người nhưng Lĩnh có cảm giác nụ cười đó dành cho riêng Lĩnh. Ông Luỹ cao giọng: - Vất vả cho Sao Khuê quá. Đan hai tay vào nhau, Khuê nói: - Cháu chỉ lặt rau, rửa rau, sắp xếp chén đủa thôi chớ có làm gì đâu ạ. Bà Luỹ mồm mép: - Ôi dào! Thời buổi này nhiều cô gái còn không biết cả rửa rau, rửa chén đấy cháu. Ông Thông khui chai rượu của Lĩnh: - Bữa nay phải say mới được về nhé. Cậu Lĩnh thấy sao? Lĩnh gãi ót: - Cháu uống dở lắm. Ông Luỹ cười khà khà: - Nhìn cậu là biết chưa uống đã say rồi. Sao Khuê chợt đỏ mặt khi thấy vợ chồng ông Luỹ nhìn mình cười. Cô ấm ức mang món khai vị sang đặt trên bàn. Bà Hiệp phân công cô ngồi cạnh Lĩnh: - Con ngồi đây đi Khuê. Lần này Khuê biết mình khó lòng trốn như lần trước. Dầu gì... người ta cũng tạo việc làm cho đám nhóc, rồi tặng gia đình cô bộ bàn ăn đắt tiền, Khuê không thể bất lịch sự được. Ông Thông nâng cốc lên trước, Lĩnh cũng nâng cốc lên, anh ngọt ngào: - Cháu rất mong được thường xuyên ăn cơm nhà bác. Bà Hiệp tán đồng ngay: - Chỉ sợ không hợp khẩu vị cậu thôi, chớ có thêm người, chúng tôi càng vui. Cậu thấy đấy, nhà vắng vẻ lắm, nên tới bữa cơm buồn hiu. Sao Khuê bưng ly Pepsi lên thay cho ly rượu như mọi người. Cô uống một ngụm nhỏ và nhỏ nhẹ ăn món tôm sốt nấm mà cô rất thích. Dịu dàng thế này chắc vừa lòng mẹ lắm rồi. Chỉ mong sao bữa... cơm trưa thân mật mau tàn cuộc để Khuê trốn về phòng của mình. Lĩnh nói: - Sao Khuê bữa nay hiền như con mèo nhung ấy. Khuê vênh mặt lên: - Em ghét nhất là mèo nên không thể hiền giống nó được. - Vậy thì dữ lên cho anh xem nào? Khuê hấp háy mắt: - Khi ăn nên tập trung tinh thần để thưởng thức, dữ lên sẽ mất ngon. Đề nghị anh nên tập trung tinh thần để ăn. Bà Hiệp nhìn cô: - Sao Khuê! Lý sự gì vậy? - Dạ con không có lý sự ạ. - Vậy thì để cậu Lĩnh ăn ngon miệng đấy. - Vâng ạ. Lĩnh vội vàng gắp một con tôm vào chén. - Cháu vẫn đang rất ngon miệng đây. Ông Thông nói: - Vậy phải uống cho cạn chứ. Sao Khuê đợi Lĩnh uống xong mới nói: - Rượu ngon không? Lĩnh ậm ự: - Tàm tạm. Cô hỏi tới: - Bao nhiêu tiền chai rượu đó vậy? Lĩnh lảng đi: - Anh quên rồi. Sao Khuê chép miệng: - Một... sự lãng quên đầy cố ý. Điều đó chứng tỏ chai rượu không rẻ. Uổng tiền thật! Giọng bà Hiệp nghiêm khắc: - Khuê! Con nói nhiều quá đấy! Để cậu Lĩnh ăn nữa chứ. Lĩnh lại bênh vực: - Khuê đang nói chuyên vui, vui lắm bác ạ. Sao Khuê tủm tỉm cười, cô thấy thích khi thấy Lĩnh luôn... đỡ đạn cho cô. Anh hạ giọng thì thầm: - Nếu tiền mua rượu để làm việc thiện thì không uống, đúng không? Sao Khuê reo nhỏ: - Anh đúng là... đúng. Lĩnh bật cười vì cách nói ngộ nghĩnh của Khuê. Anh nhìn cô: - Vậy thì anh sẽ không mua rượu nữa. Bằng lòng chưa? Sao Khuê chớp mi vì ánh mắt của Lĩnh. Cô ậm ự: - Thật khó trả lời. Em có quyền gì đâu... Lĩnh nói: - Có chứ. Tại Khuê chưa nhận ra đó thôi. Sao Khuê bưng ly Pepsi lên, cô suýt bị sặc vì câu nói như tán tỉnh của Lĩnh. Thì ra anh ta không đến đổi khô khan và ít lời như cô nghĩ. Lúc Khuê chưa biết sẽ đối đáp thế nào thì Lĩnh lại nói tiếp: - Em có nhiều quyền lực với anh lắm đó. Khuê chun mũi vì hơi gas trong nước ngọt. - Thế à! Vậy mà em không biết... Liếm môi, Khuê hạ giọng: - Với con gái nào anh cũng nói như thế à? Lĩnh hơi bất ngờ vì câu hỏi thẳng tuột của Khuê, nhưng anh vẫn bình thản nói: - Còn tùy theo cô gái ấy là ai nữa. Sao Khuê nhìn anh: - Em không thích cách nói đó. Lĩnh chủ quan: - Rồi em sẽ thích. Khuê từ tốn: - Không bao giờ, vì em đã thích cách nói của người khác rồi. Lĩnh máy móc bưng ly rượu lên uống cạn và nghe máu nóng trong người chảy mạnh. Anh đặt ly xuống bàn: - Ai mà tốt số thế? Anh rất muốn biết. Được chứ? Sao Khuê láu cá: - Được. Nhưng không phải lúc này. - Không sao. Anh sẽ chờ cho đến lúc em tìm ra anh chàng chỉ có trong tưởng tượng ấy. - Anh biết gì về những riêng tư của em mà nói thế? Lĩnh tỏ vẻ ngạo mạn: - Có thể anh chưa biết nhiều về Sao Khuê, nhưng những cái biết chút ít của anh thường rất chính xác. Sao Khuê nhấn mạnh: - Chính xác nào cũng có sai sót. Chỉ cần một phần trăm của sai sót thôi anh đã hiểu không đúng về em. Lĩnh nheo mắt: - Em ranh lắm. Anh rất thích cá tính này của em. - Anh khen hay chê em vậy? Lĩnh lấp lửng: - Đâu phải người ta chỉ thích những cái hoàn hảo. Sao Khuê phịu mặt: - Vậy là chê rồi. Lĩnh tủm tỉm cười. Anh thấy mình như trẻ lại hàng chục tuổi. Tiếc là cái thời đôi mươi, Lĩnh chỉ biết lao vào việc học chớ không hề tơ tưởng một cô gái nào. Đến khi ra trường đi làm, anh lại ham mê quyền lực nên tập trung vào công việc. Ở công ty rồi trong các cuộc giao tiếp, Lĩnh luôn gặp những cô gái chững chạc, họ thừa cáo già để săn đón anh theo kiểu khôn ngoan, lọc lõi. Họ khiến Lĩnh ngán ngẩm vì sự già đời. Các cô ấy không ai như Sao Khuê, hồn nhiên, nghịch bướng khiến Lĩnh có cảm giác mình đang chơi trò cút bắt với một con thỏ bạch hay sóc nâu trong khu vườn cổ tích đầy hoa mà anh đã lãng quên từ đời kiếp nào. Gắp vào chén Khuê một miếng cua lột chiên bột, anh bảo: - Ăn đi chứ, không lại đói đấy. Sao Khuê nói: - Em đang giảm cân nên không sợ đói chút nào. Lĩnh trợn mắt: - Giảm cân à? Không khéo gió thổi em bay mất. Bà Luỹ đang trò chuyện với bà Hiệp bỗng gọi Khuê: - Khuê nè! Nhà cô có dư một số đồ dùng như bàn, ghế, tủ, giường... vẫn còn tốt lắm. Không biết Khuê có thể giúp cô mang cho Nhà Mờ hay Mái Ấm gì đó không? Sao Khuê mau mắn: - Dạ được quá đi chớ. Thế bao giờ cháu có thể đi chở được? Bà Luỹ mỉm cười: - Lúc nào cháu thấy tiện cứ tới chở. Bà Luỹ lắc đầu: - Đồ cồng kềnh và nặng, bạn cháu làm sao chở, lỡ có chuyện gì phiền lắm. Sao Khuê khoe: - Bạn cháu vừa đi học vừa kiếm thêm bằng cách chạy xe ba gác máy. Ảnh sẽ chở ngon lành cho cô xem. Bà Luỹ cười cười: - Bạn mà gọi là anh là ảnh. Chắc không phải bạn học cùng lớp rồi. Khuê chưa kịp trả lời, bà Hiệp đã nói hộ cô: - Cái thằng hôm trước chở bộ bàn ghế mây về đây đó. Là bạn học thêm Anh Văn với cháu chớ có thân thiết gì đâu cô. Bọn trẻ thời bây giờ nghĩ cũng lạ, chỉ trò chuyện đôi ba câu đã cho là bạn. Sao mà nông nổi, dễ dãi thế chứ. Sao Khuê nói: - Nhưng mà... Bà Hiệp ngọt ngào ngắt lời cô: - Mang trái cây ra đi con. Khuê đứng vậy: - Vâng. Lĩnh nhìn vẻ mặt Sao Khuê và nhận ra có gì đó bất ổn. Nét nhíu mày của cô khiến anh tò mò muốn biết về gã lái xe ba gác mà Khuê gọi là "anh" nghe hết sức thân thiết vô cùng. Khuê đã nhắc tới gã bằng một giọng điệu hết sức trìu mến, chắc chắn vị trí của gã trong tình cảm của Sao Khuê không thể tầm thường. Bất giác, Lĩnh nhức nhối một nỗi ghen tuông kỳ cục. Cảm giác khó chịu này, anh chưa hề gặp từ trước tới giờ. Lĩnh hốt hoảng tưởng tượng Sao Khuê đã yêu một người khác, cô chỉ xem anh như một chỗ quen biết của gia đình. Nếu đúng như vậy thì sao? Từ nhỏ, Lĩnh luôn là người đạt kết quả cao trong mọi cuộc thi. Lớn lên, anh luôn gặt gái thành công trong công việc. Anh không chịu nổi khi nghĩ mình là người thua cuộc. Có lẽ anh nên đặt vấn đề cưới hỏi Sao Khuê với ba mẹ mình và với vợ chồng ông Thông. Anh không thể đến sau gã ba gác nào đó. Và nhất định anh sẽ có được cô.