Hồi 72
Ma Thiên Cư Sĩ Ðuối Lý Nhận Thạch Lang

Nguyên Sử bà bà họ Sử nhủ danh là Tiểu Thúy. Hồi tuổi đương xuân, dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường. Bọn tử đệ thanh niên võ lâm vì mụ mà mê mẫn tâm thần không phải là ít. Trong bọn này thì Bạch Tự Tại và Ðinh Bất Tứ là hai nhân vật được chú trọng hơn hết.
Bạch Tự Tại vốn là con người ngông cuồng tự đại, Sử Tiểu Thúy không ưa lão, nhưng song thân mụ lại vừa lòng về võ công và danh vọng của lão. Thế là mụ được gã cho chưởng môn phái Tuyết Sơn.
Những ngày đầu sau khi thành thân, Sử Tiểu Thúy thường đấu khẩu với trượng phu, mỗi phen mụ gây lộn lại oán trách song thân mình. Mụ nói là nếu gã cho Ðinh Bất Tứ thì mụ không nổi chịu khổ sở cùng cực thế này.
Trò đời đứng núi này trông núi nọ là thường. Hơn nữa Sử Tiểu Thúy cố ý chọc tức trượng phu nên nói là yêu thương Ðinh Bất Tứ, khác nào mụ lửa cháy đổ thêm dầu. Dù mụ có khuynh hướng về Ðinh Bất Tứ phần nào, nhưng cũng cố ý thổi phồng thêm cho to chuyện.
Bạch Tự Tại căm tức vô cùng nhưng không biết làm thế nào. May ở chỗ hai người thành hôn chưa được bao lâu liền sinh hạ Bạch Vạn Kiếm. Từ đó Sử Tiểu Thúy chăm sóc con cưng, không rời khỏi thành Lăng Tiêu nửa bước. Mấy chục năm trời mụ không gặp Ðinh Bất Tứ lần nào nữa. Dù Bạch Tự Tại có dạ ghen tuông, nhưng cũng không ngờ vợ có ngoại tình được.
Dè đâu đến lúc tuổi già lại xảy chuyện Thạch Trung Ngọc toan cưỡng hiếp A Tú rồi nàng nhảy xuống vực thẳm tự tử.
Sử Tiểu Thúy bị Bạch Tự Tại đánh cho cái tát. Mụ tức giận ra khỏi thành Lăng Tiêu đi xuống vực thẳm cứu A Tú.
Mụ vẫn chưa nguôi giận, dắt cô cháu gái vào Trung Nguyên để giải lòng bực bỏ, đồng thời để trượng phu phải một phen hoang mang.
Thật là 'chẳng phải oan gia tất không chạm trán'.
Mụ đến phủ Võ Xương thì gặp Ðinh Bất Tứ. Hai người này chia tay trong thiếu thời. Ngờ đâu lại trùng phùng vào hồi tóc bạc.
Ðinh Bất Tứ say mê Sử Tiểu Thúy đến độ không chịu lấy ai nữa. Bây giờ gặp mụ, lão năn nỉ mời mụ lên chỗ ở tại núi Bích Loa để cùng nhau hàn huyên mấy bữa.
Hai người đến tuổi đã lục tuần thì còn đâu nữa là mối tình trai gái. Sở dĩ Ðinh Bất Tứ mời mụ lên chơi chẳng qua là để thỏa mãn mối tâm nguyện từ hồi còn trẻ. Lão chỉ cần ý trung nhân hai chân đặt lên núi Bích Loa là lão có chết cũng cam tâm.
Sử bà bà ngỏ lời cự tuyệt, nhưng Ðinh Bất Tứ cứ năn nỉ hoài. Lão theo đuổi nhất định không chịu buông tha.
Sử bà bà khí tức xông lên gây cuộc động thủ.
Hai người đánh nhau mấy lần, võ công Sử bà bà còn kém Ðinh Bất Tứ, may mà lão không có ý sát hại mụ. Hễ gặp lúc đi vào chỗ sinh tử quyết liệt thì lão lại nương tay.
Sử bà bà vừa tức giận vừa nóng nảy. Mụ ở trong thuyền trên sông Trường Giang gấp rút luyện nội công đến nỗi bị tẩu hỏa nhập ma. Mụ thấy mình sắp bị Ðinh Bất Tứ cưỡng bách lên núi Bích Loa thì khéo sao lại gặp Thạch Phá Thiên được giải vây.
Sau Sử bà bà lên đảo Tử Yên lại gặp hai anh em họ Ðinh. Mụ không muốn gặp lão liền dắt A Tú lánh đi.
Ðinh Bất Tứ tâm tình rất đỗi quật cường. Mấy chục năm lão không gặp Sử Tiểu Thúy thì chẳng sao, phen này lại được trùng phùng liền dở trò chó đen giữ mực.
Lão tính kế dù sao cũng cưỡng ép mụ đặt chân lên núi Bích Loa một lần mới nghe. Lão tự biết một mình không địch nỗi phái Tuyết Sơn, phải cố nén lòng đến cầu viện hai vị huynh trưởng là Ðinh Bất Nhị và Ðinh Bất Tam, dù trước nay anh em lão vẫn không giữ tình hòa với nhau.
Ba người cùng nhau đến thành Lăng Tiêu chuẩn bị cưỡng đoạt Sử bà bà đem về núi Bích Loa. Lão chỉ mong được mụ đặt bàn chân lên núi này một lần rồi lập tức đưa xuống thuyền thả về Tây Vực.
Sử bà bà chưa về tới thành Lăng Tiêu, Ðinh Bất Tứ đã đến phao ngôn nói là Sử bà bà lên núi Bích Loa cùng lão bàn luận về quyền kiếm và kể lể những mối tinh sau khi tương hiệp.
Ban đầu Bạch Tự Tại không tin. Nhưng Ðinh Bất Tứ mồm năm miệng mười kể võ công của Sử bà bà đã đến chỗ tuyệt diệu phi thường. Lão trình bày một cách rõ ràng đến công phu mà Sử bà bà đã luyện ba bốn chục năm trời, khiến cho Bạch Tự Tại không khỏi đem lòng ngờ vực.
Hai người lời qua tiếng lại rồi xảy cuộc động thủ ngay ở trong thư phòng.
Ðinh Bất Tứ đánh đến chiêu thứ ba mươi hai thì trúng phải một chưởng của Bạch Tự Tại và bị trọng thương.
Hai vị huynh trưởng của lão liền hộ vệ lão rời khỏi thành Lăng Tiêu.
Vụ này chẳng có chi quan hệ, nhưng Bạch Tự Tại vừa nóng giận vừa căm tức. Bao nhiêu nổi hờn giận trong lòng không có chỗ nào phát tiết làm cho lão phát điên. Lão tàn sát những người vô tội rồi gây nên cuộc phong ba bão táp trong thành Lăng Tiêu.
Sử bà bà về thành rồi thấy tình hình trượng phu như vậy thì trong lòng rất là hối hận.
Bây giờ mụ nghe Thạch Phá Thiên bảo trượng phu giục mình lên núi Bích Loa vĩnh viễn đừng trở vê nữa. Chàng còn nói thêm: trượng phu mụ tự biết gây nên tội lỗi thâm trọng, nên ở lại trong thạch thất quay mặt vào tường để ăn năn sám hối, mụ liền quyết định chủ ý:
-Hai người đã đồng tịch đồng sàng gần hết đời người. Bây giờ đến lúc tuổi già, có lý đâu lại còn chia tay. Lão ta đã ở trong thạch lao để tự trừng phạt mình thì ta cũng ở trong nhà lao bầu bạn với lão cho đến ngày chết là xong, hầu tránh khỏi cái thảm cảnh lão chết còn không nhắm mắt được.
Sử bà bà lại nghĩ thầm:
-Ta bắt tôn nữ tế phải nhường chức Chưởng môn chỉ vì ta muốn thay gã lên đảo Long Mộc phó ước để tránh cho A Tú khỏi cái họa góa bụa ngay từ thuở nhỏ, phải chịu phòng không chiếc bóng cả một đời. Vụ này khó mà lưỡng toàn được. Bây giờ biết làm thế nào? Hỡi ơi! Ta đành bỏ mặc gã. Vụ lên đảo Long Mộc rồi sẽ tính sau, bây giờ hãy vào xem lão điên khùng là việc khẩn cấp hơn.
Mụ liền chuyển mình vào thạch thất.
Bạch Vạn Kiếm lo lắng cho phụ thân cũng muốn theo vào nhưng hắn lại nghĩ đến đại địch ở trước mắt. Bản phái lâm vào tình trạng nguy vong. Vậy việc đối phó với Tạ Yên Khách là quan trọng hơn.
Tạ Yên Khách hết nhìn Thạch Trung Ngọc lại ngó Thạch Phá Thiên. Lão ngần ngừ không nhất quyết. Coi cử chỉ và cách nói năng thì Thạch Phá Thiên giống Cẩu Tạp Chủng hơn.
Rồi lão nghĩ tới võ công cao thâm của Thạch Phá Thiên vừa nhấc bỗng Bạch Vạn Kiếm lên thì lại sinh lòng nghi hoặc. Lão cho là bản lãnh này không phải của chàng thiếu niên quê mùa ở Ma Thiên Lãnh với lão ngày trước. Chàng mới chia tay được mấy tháng thì khi nào võ công lại tăng tiến mau đến thế được?
Ðột nhiên mặt lão xanh lè lớn tiếng quát hỏi:
-Hai thằng lỏi con này! Gã nào là Cẩu Tạp Chủng?
Tiếng quát của lão làm chấn động tâm thần mọi người, trái tim ai nấy đập loạn lên. Ðất cát trên nóc nhà đổ xuống ầm ầm. Ai cũng nhìn thấy mỗi cái cất tay của lão là muốn giết người.
Thạch Trung Ngọc không biết ba chữ 'Cẩu Tạp Chủng' là tên thật của Thạch Phá Thiên. Gã cho là Tạ Yên Khách đang lúc nổi lôi đình lớn tiếng thóa mạ. Gã còn tưởng mưu kế của mình đã bị lão khám phá. Bấy giờ chỉ còn cách mặt dạn mày dày chống chế được lúc nào hay lúc ấy, rồi sau sẽ tính chuyện trốn đi.
Gã nghĩ vậy liền đáp:
-Tại hạ không phải là Cẩu Tạp Chủng. Gã kia mới đúng.
Tạ Yên Khách trợn mắt lên nhìn Thạch Trung Ngọc cười the thé hỏi:
-Mi không phải là Cẩu Tạp Chủng thiệt ư?
Thạch Trung Ngọc sợ quá khắp mình nổi gai ốc, gã đáp ngay:
-Tại hạ không phải.
Tạ Yên Khách quay lại nhìn Thạch Phá Thiên nói:
-Thế thì mi là Cẩu Tạp Chủng ư?
Thạch Phá Thiên gật đầu đáp:
-Phải rồi! Tạ lão bá! Ngày trước cháu ở trên núi được lão bá dạy võ công. Ðột nhiên toàn thân cháu phát hàn phát nhiệt, đau khổ không chịu nổi rồi ngất đi, sau cháu tỉnh lại thì tình trạng quái đản lúc hàn lúc nhiệt tiếp tục xảy ra.
Tạ Yên Khách không còn nghi ngờ gì nữa, lão quay lại nhìn Thạch Trung Ngọc quát:
-Mi mạo xưng gã này để giỡn chơi với ta. Hà hà! Mi thật là lớn mật.
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu thấy mặt Tạ Yên Khách xanh lè một cái rồi hai mắt quắc lên, thì biết ngay con mình đã lừa gạt lão, khiến lão phẫn nộ đến cực điểm. lão chỉ vung tay một cái là lập tức gã chết không kịp ngáp.
Hai người vội vàng nhảy ra đứng chắn trước mặt Thạch Trung Ngọc.
Mẫn Nhu cất giọng run run nói:
-Tạ tiên sinh! Tiên sinh là đại nhân lượng cả, xin tha thứ cho thằng nhỏ này chưa biết gì. Tại hạ xin bắt gã dập đầu chịu tội với tiên sinh.
Tạ Yên Khách cười lạt nói:
-Tạ mỗ bị thằng nhỏ chưa ráo máu đầu lừa gạt thì đâu có thể dập đầu mấy cái mà xong việc được? Tôn giá hãy lui ra!
Chưa dứt lời lão vung tay áo một cái. Hai luồng đại lực lay non dốc biển xô ra.
Thạch Thanh, Mẫn Nhu nội lực không phải hạng tầm thường mà chân đứng không vững bị hất ra hai bên xa mấy bước.
Thạch Phá Thiên thấy Mẫn Nhu kinh hãi vô cùng thì hai hàng nước mắt trào ra. Chàng vội la lên:
-Tạ tiên sinh đừng giết gã nữa.
Tạ Yên Khách đã vận nội lực vào bàn tay phải sắp đánh tới. Lúc này giả tỷ cả mấy chục người trong nhà đại sảnh đều đứng ra ngăn cản vị tất đã cứu mạng được
Thạch Trung Ngọc, nhưng Thạch Phá Thiên chỉ hô một tiếng đã khiến lão sửng sốt quay lại hỏi:
-Ngươi yêu cầu ta không giết gã ư?
Lão nghĩ rằng tha mạng cho một gã thiếu niên hèn hạ mà xong được lời thề ngày trước thì là một việc dễ nhất. Bất giác lão lộ vẻ mừng thầm.
Thạch Phá Thiên lại nói:
-Ðúng rồi! Vị này là con yêu của Thạch trang chúa và Thạch phu nhân. Ðinh Ðinh Ðang Ðang cũng thương y lắm. Nhưng... nhưng y có những hành vi bất hảo, khinh khi A Tú lại lừa gạt mọi người. Lúc y là bang chúa bang Trường Lạc đã làm nhiều chuyện tồi bại. Tạ Yên Khách ngắt lời:
-Ngươi đã nói rồi mà, ngươi yêu cầu ta đừng giết gã chứ gì?
Tạ Yên Khách tuy là một tay kiêu hùng, ỷ mình võ công tuyệt đỉnh. Thế mà lúc này lão nói câu đó thanh âm hơi run lên, vì lão sợ Thạch Phá Thiên đổi quẻ.
Thạch Phá Thiên đáp:
-Phải rồi, cháu yêu cầu lão bá đừng giết y. Nhưng y hại người đã nhiều. Hay hơn hết là lão bá đem y theo bên mình giáo huấn điều hay lẽ phải để y biến thành hảo nhân rồi hãy ly khai y. Tạ lão bá! Cháu biết lão bá tâm địa rất tốt. Lão bá đem cháu đi mấy năm nuôi dạy lại rèn luyện võ công. Từ khi cháu không tìm thấy má má toàn nương nhờ lão bá dưỡng dục mới thành người. Thạch đại ca đây mà đi theo lão bá, nhất định được lão bá trông coi cho y biến thành người tốt.
Bốn chữ 'tâm địa rất tốt' để trỏ Tạ Yên Khách lão vừa nghe thấy rất lấy làm phẫn nộ cho là Thạch Phá Thiên có ý mỉa mai mình. Mặt lão lại xanh lè. Nhưng lão nghĩ lại không khỏi cười dở khóc dở.
Lão thấy lúc Thạch Phá Thiên nói câu này đã tỏ ra một tấm lòng thành thật. Lão liền hồi tưởng lại mấy năm ở cùng với chàng trên Ma Thiên Lãnh. Lúc nào lão cũng cơ mưu hại chàng mà chàng vẫn chất phác thủy chung ngây thơ thành thực. Lão chắc rằng, sau khi chàng lạc mất mẫu thân đem lòng quyến luyến mình, nên việc gì cũng chỉ trông vào khía cạnh tốt đẹp. Lão đã truyền thụ 'Viêm viêm công' là cố ý làm cho chàng mất mạng mà chàng lại cảm ơn lão một cách rất sâu xa. Bây giờ thấy chàng yêu cầu cai quản Thạch Trung Ngọc, lão liền bụng bảo dạ:
-Tạ mỗ đi đâu cũng chỉ một mình mới là một trang kỳ nam tử, không đàn đúm với ai. Khi nào chịu để thằng lỏi đê hèn ấy quấn quít bên mình?
Lão nghĩ vậy liền đáp:
-Ta đã ưng thuận làm cho ngươi một việc. Ngươi yêu cầu ta đừng giết gã, ta theo lời ngươi tha cho gã là đủ rồi. Chúng ta từ đây ly biệt, vĩnh viễn không gặp nhau nữa.
Thạch Phá Thiên nói:
-Không được! Không được! Tạ lão bá mà không giáo huấn y, y lại đi lừa người, hại người rồi giết người cũng có và gây nên mối thương tâm cho Thạch phu nhân cùng Ðinh Ðang. Cháu yêu cầu lão bá giáo huấn y, trông nom cho y. Nếu y chưa biến thành hảo nhân thì đừng để y ly khai lão bá.
Tạ Yên Khách chau mày lẩm bẩm:
-Việc này thật dây dưa rắc rồi! Kể ra nó chẳng khó gì nhưng cũng không phải là chuyện dễ. Chính mình có phải là hảo nhân đâu thì dạy ngã thành người tốt thế nào được? Huống chi, Thạch Trung Ngọc là một đứa hoạt đầu gian trá, e rằng đức Khổng Phu Tử có sống lại giáo huấn gã vị tất hắn đã thành hảo nhân được. Nếu mình ưng thuận việc này há chẳng bị phiền lụy vĩnh viễn một cách vô ích?
Nghĩ vậy lão lắc đầu lia lịa đáp:
-Không được! Việc này ta làm không xong. Ngươi đề nghị việc khác dù khó hơn ta cũng làm cho.
Thạch Thanh đột nhiên cười ha hả nói:
-Ai cũng bảo lời nói của Ma Thiên Cư Sĩ xem nặng bằng non. Vì thế mà 'Huyền Thiết Lệnh' khét tiếng giang hồ. Nếu sớm biết chủ nhân 'Huyền Thiết Lệnh' cự tuyệt lời yêu cầu của người ta thì đâu đến nỗi bao nhiêu người ở Hầu Giám tập bị chết một cách oan uổng.
Tạ Yên Khách đột nhiên cặp lông mày dựng ngược, lớn tiếng hỏi:
-Sao Thạch trang chúa lại nói thế?
Thạch Thanh đáp:
-Chú em đây yêu cầu tiên sinh dạy dỗ hài nhi cho tại hạ, tuy là cưỡng bách tiên sinh vào chỗ khó khăn. Nhưng ngày trước tấm 'Huyền Thiết Lệnh' kia do chú em đó giao tận tay cho Tạ tiên sinh. Lúc ấy chính mắt vợ chồng tại hạ trông thấy. Ngoài ra còn Cảnh huynh, Vương huynh, Kha huynh, Hoa cô nương và nhiều khác nữa cũng chứng kiến. Tại hạ từng nghe danh đã lâu: Ma Thiên Cư Sĩ nói ra điều gì, ngàn vàng khôn chuộc. Thế mà sao lúc chú em đây có lời thỉnh cầu thì Tạ tiên sinh lại tù chối?
Tạ Yên Khách tức giận nói:
-Các hạ đã sinh con sao không biết dạy con? Thằng con bất hiếu làm bại hoại đến gia phong này sao không phóng chưởng đánh chết nó đi cho rồi?
Thạch Thanh đáp:
-Sở dĩ hài tử hèn kém như vậy là chưa được nghiêm sư gia công mài dũa, gã thành đồ dùng thế nào được?
Tạ Yên Khách càng tức giận hơn đáp:
-Mài dũa cái con quỷ. Tại hạ mà đem thằng lỏi đi thì chỉ trong ba ngày là dũa cho gã người chẳng ra ngươi, quỷ chẳng ra quỷ.
Mẫn Nhu đưa mắt ra hiệu cho Thạch Thanh rồi la lên:
-Thanh ca!...
Bà nghĩ bụng:
-Thằng con mình mà giao cho Tạ Yên Khách đem đi thì dữ nhiều lành ít. Bà muốn nhắc Thạch Thanh đừng nói khích lão nữa.
Ngờ đâu Thạch Thanh lờ đi như không biết. Ông cười nói:
-Bội tín lời thề há phải là hành vi của một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm như Ma Thiên Cư Sĩ?
Tạ Yên Khách bị Thạch Thanh dồn cho một hồi, khiến cho lão cứng lưỡi. Lão biết là cãi lẽ với anh chàng Thạch Phá Thiên không hiểu thế sự thì còn dễ, nhưng cãi lý với con người lịch duyệt giang hồ như Thạch Thanh thì thật khólòng. Lão biết thòng lọng đã quàng vào cổ, chỉ còn cách ưng thuận đi cho rồi. Lão liền đáp:
- Ðược lắm! Tạ mỗ không ngờ đã quá nửa đời người mà còn bị gã Cẩu Tạp Chủng này làm cho phiền lụy.
Lão mắng Cẩu Tạp Chủng để trỏ Thạch Phá Thiên mà thực ra là ám chỉ Thạch Trung Ngọc. Thế là lão thóa mạ người theo đường lối quanh co.
Thạch Thanh làm gì chẳng hiểu, nhưng ông chỉ mỉm cười mà không trả lời.
Mẫn Nhu mặt đỏ lên rồi biến sang màu xanh lợt.
Tạ Yên Khách quay lại ngó Thạch Trung Ngọc nói:
-Thằng lõi kia! Mi lại đây mà đi theo ta! Nếu mi không biến thành hảo nhân thì mỗi ngày lão gia ba lần lột da mi đó.
Thạch trung Ngọc hoảng vía, hết ngó song thân lại nhìn Thạch Phá Thiên, chỉ mong chàng đổi lời yêu cầu. Thạch Phá Thiên nói:
-Thạch đại ca! Ðại ca bất tất phải sợ hãi. Tạ lão bá bề ngoài tuy giả vờ hung dữ mà thật ra lòng dạ rất tốt. Hàng ngày đại ca chỉ cần thổi cơm nấu rau cho lão bá ăn, giặt giũ quần áo cho lão bá, hoặc trồng rau nuôi gà. Lão bá có giơ tay lên nhưng cũng không đụng đến đại ca đâu. Tiểu đệ từng ở với lão bá mấy năm. Lão bá đối với tiểu đệ chẳng khác gì má má đối với mình vậy. Lão bá còn luyện võ công cho nữa.