"Ba sinh" do chữ "Tam sinh" nghĩa là ba kiếp luân chuyển: kiếp này sang kiếp khác. Duyên nợ ba sinh là duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ý nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do số kiếp tiền định. Trong bài thơ "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" của Hồ Xuân Hương có câu: Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi, Cái nợ ba sinh đã trả rồi! Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du cũng có câu: Ví chăng duyên nợ ba sinh, Thì chi đem giống khuynh thành trêu ngươi. Sách "Truyền đăng lục" và sách "Quần ngọc chú" có chép: Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ tự, nằm chơi, bỗng ngủ quên, chiêm bao thấy mình đi chơi non Bồng. Tỉnh Lang nhìn thấy một nhà sư ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ, hỏi. Nhà sư đáp: - Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ba kiếp rồi. Kiếp đầu nhà Đường, đời vua Huyền Tông, làm quan Phủ sứ ở đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cũng đời Đường, đời vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba, sinh ra tên Tỉnh Lang. Tỉnh Lang nghe đến tên mình bỗng giựt mình tỉnh dậy, nhưng lòng nửa tin nửa ngờ. Lại có một điển tích khác. Đời nhà Đường (618-907), có nhà sư tên Viên Trạch, một hôm cùng bạn là Lý Nguyên Thiện đi chơi. Gặp một mụ đàn bà gánh nước, Viên Trạch nói: - Người đàn bàn này đã có mang ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây, không thể nào trốn được. Hẹn ba ngày nữa, bạn đến, ta lấy nụ cười làm tin. Mười ba năm sau, ta lại sẽ gặp nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, vào đêm Trung Thu trăng sáng. Chiều đó, sư Viên Trạch mất. Người đàn bà nọ sinh con trai. Ba hôm sau, Lý đến thăm. Quả nhiên đứa bé thấy Lý thì cười, đúng như lời hẹn. Mười ba năm sau, Lý đến chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, thấy một cậu chăn trâu hát rằng: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn, Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân, Tàm qui tình nhân viễn tương phỏng Thử thân tuy dị, tính thường đồng. Nghĩa: Là tinh hồn cũ đã ba sinh, Trăng gió làm chi để bận mình. Thẹn với người quen xa viếng hỏi, Thân này tuy khác, tính nguyên lành. "Ba sinh" có nghĩa là số kiếp tiền định. "Nợ ba sinh" là nợ số kiếp tiền định, duyên số với nhau từ kiếp trước.