1. Thánh nhân thiết quái, quan tượng, hệ từ yên nhi minh cát hung. Dịch: thánh nhân đặt ra quẻ, xem tượng ở trong quẻ, rồi ghép (1) lời đoán vào sau mỗi quẻ mỗi hào để tỏ rõ lẽ tốt, xấu. Chú thích: (1) Hệ có nghĩa là buộc. Thời xưa khắc chữ lên thẻ tre, và buộc các thẻ vào với nhau. 2. Cương nhu tương thôi nhi biến hoá. Dịch: Cương (quẻ hào dương), nhu (quẻ và hào âm) dời đẩy nhau mà sinh ra biến hoá (dương thành âm, âm thành dương). 3. Thị cố (1) cát hung giả, đắc thất chi tượng dã: hối lận giả, ưu ngu chi tượng dã. Dịch: Tốt xấu là cái tượng của sự đắc thất; hối tiếc là cái tượng của sự lo ngại. Chú thích: (1) chữ thị cố này thời xưa dùng để chuyển, không thực có nghĩa nhân quả, cho nên chúng tôi không dịch. 4. Biến hoá giả, tiến thoái chi tượng dã; cương nhu giả, trú dạ chi tượng dã; lục hào chi động, tam cực chi đạo dã. Dịch: Biến hoá là hình tượng của sự tiến thoái; cương (dương) nhu (âm) là hình tượng của ngày đêm; sáu hào động là cái lý cùng cực của tam tài (trời, người, đất) (1) Chú thích: (1) Hào 6 và 5 là trời, hào 4 và 3 là người, hào 2 và 1 là đất; vì vậy bảo sáu hào là tam tài. 5. Thị cố quân tử sở cư nhi an giả. Dịch chi tự dã; sở lạc nhi ngoạn giả, hào chi từ dã. Dịch: Người quân tử khi tự xử nhờ xem cái thứ tự của đạo Dịch (1) mà yên tâm; nhờ lời đoán các hào mà vui thích, ngẫm nghĩ không chán. Chú thích: (1) thứ tự của đạo Dịch tức lẽ đương nhiên sự việc nó phải biến đổi theo trình tự nào đó, chẳng hạn thịnh rồi thì suy, cùng rồi thì biến thông. 6. Thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng nhi ngoạn kỳ từ; động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiêm; thị dĩ tự nhiên hữu chi, cát vô bất lợi. Dịch: người quân tử khi ở yên thì xem tượng mà ngẫm nghĩ lời kinh (10; khi hữu sự (muốn hành động) thì xem sự biến hoá mà ngẫm nghĩ lời đoán quẻ (2) nhờ vậy mà được trời giúp cho gặp điều tốt, không có gì chẳng lợi. Chú thích: (1) Chữ từ ở đây là lời giảng về mỗi quẻ, mỗi hào (quái từ, hào từ) tức là lời Kinh của Văn Vương, Chu Công. (2) chiêm là lời quẻ bảo về sự tốt xấu sẽ gặp, khi mình xin quẻ.