Sau 26 năm lưu lạc, ngày 15 tháng 6 năm 1801, được sự trợ chiến của đại bác và tàu đồng của phương Tây, Nguyễn Ánh đã trở lại đô thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh lúc này đã bỏ ngai vàng, ấn tín, sắc phong (của Nhà Thanh) chạy ra miền Bắc bằng đường núi với hai ngàn lính và 60 thớt voi. Người vợ trẻ của ông là công chúa Ngọc Bình cùng một số cung nữ không kịp theo vua đều sa vào vòng tay của quan quân Nguyễn Ánh. Cơn ác mộng đầu tiên phủ ngay lên bà Ngọc Bình. Ngồi ẩn mình trong cung, bà Ngọc Bình nghe có tiếng chân người đi về phía mình. Nhìn kỹ bà thấy một người đàn ông tráng kiện uy nghi sừng sững trước mặt và cúi chào một cách lịch sự. Bà thảng thốt kêu: Này tướng quân Gia Định, ngươi muốn gì ở ta? Người được gọi là “tướng quân Gia Định” (tức Nguyễn Ánh, tiến quân từ Gia Định ra) cười và đáp: Không can chi đâu, bà đừng sợ. Tướng Gia Định cũng là người và có lẽ sẽ nhân từ hơn tướng Tây Sơn… Bà Bình lặng thinh. Vị tướng Gia Định nói tiếp một cách bóng bẩy: Dù triều đại có đổi thay như thế nào đi nữa thì cung điện này cũng vẫn là của bà. Bà Bình đã lấy lại bình tĩnh, đáp một cách cương quyết: Nhưng thưa tướng quân, đối với chúng tôi, cung điện này chỉ còn là một nhà tù. Nói xong bà ôm mặt mà khóc. Nét mặt bà càng khổ đau càng quyến rũ làm cho vị tướng “Gia Định” mềm lòng say đắm. Chung quanh bà tỏa ra một mùi hương khêu gợi khiến vị “tướng Gia Định” dù đã từng trải da thịt mỹ nhân cũng cảm thấy lạ đến ngây ngất… Vị tướng gượng giọng cố giữ bình tĩnh để an ủi người đẹp rồi nén lòng lui ra… Bà Ngọc Bình ở lại nội cung với nỗi sợ hãi khôn lường. Một khoảnh khắc không lâu, vị “tướng Gia Định” trở lại nội cung với trang phục uy nghi, vương hiệu lóng lánh trên ngực áo… Bà Ngọc Bình nhận ra ngay đó là Nguyễn Vương, người cừu địch của nhà Tây Sơn. Nỗi sợ hãi càng tăng thêm, bà ôm mặt kêu rú lên… Nguyễn Vương đến gần bên nhẹ nhàng vỗ về: Bà là một hoàng hậu tuyệt vời! Mặc dù có những đổi thay lịch sử, nhưng nước Nam vẫn y nguyên như cũ. Xin hãy khuây khỏa, dẹp mọi sợ hãi, ưu phiền. Cung điện lâu đài này vẫn thuộc về bà! Biết không thể nào ngăn được ước muốn của Nguyễn Vương, bà Ngọc Bình (em của Ngọc Hân Công chúa) đành phải xuôi theo số phận… Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, bà Ngọc Bình đứng trong hàng thứ phi. Phải chăng là trò chơi định mệnh? Nguyễn Huệ Quang Trung, chồng Ngọc Hân Công chúa, Nguyễn Ánh Gia Long, lấy bà Ngọc Bình, hai kẻ cừu địch không đội trời chung ấy lại trở thành anh em “cột chèo”! Về phần công chúa út của Vua Lê, bà Ngọc Bình lấy hai đời chồng đều làm vua (Cảnh Thịnh và Gia Long). Do đó, dân gian có câu hát: “Số đâu có số lạ lùng! Con vua mà lấy hai chồng làm vua” Bà Ngọc Bình làm thứ phi của Gia Long sanh hạ được hai trai là Quảng Oai Công (20-5-1809) và Thường Tín quận vương (20-10-1810). (Viết theo gia phả họ Nguyễn tài liệu của Việt Thường và Bửu Kế)