Tiểu thuyết lịch sử
Chương 7

 
 Tháng bảy năm Bính Ngọ°, vua Anh Tôn cử Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung cầm đầu một sứ đoàn đi cùng sứ đoàn Chiêm Thành, hộ tống công chúa Huyền Trân theo đường biển sang Chiêm. Phó tướng Nguyễn Giải được cử chỉ huy một đội quân khoảng một ngàn người theo bảo vệ an ninh. Vua Anh Tôn cùng với các đại thần và những người thân thích đã theo đưa tiễn công chúa tới bến Đông Bộ Đầu. Quãng đường từ Thăng Long đến bến Đông Bộ Đầu dân chúng ra xem đông vô kể.
 Giữa tháng tám đoàn thuyền đưa dâu đến cửa Thị Nại. Mấy chiếc thuyền của sứ đoàn Chiêm Thành dẫn trước. Khắc Chung và Phó tướng Nguyễn Giải đứng bên nhau trước mũi chiếc thuyền «soái» của Đại Việt đi kế tiếp. Từ xa, trước mắt hai người đã hiện ra cảnh tàng lọng cờ xí rực rỡ và bóng người đông đúc lố nhố. Hai người cùng đưa bàn tay lên che bớt ánh sáng để nhìn được xa. Khắc Chung nói:
 -Chắc vua Chiêm cũng thân hành ra đón dâu!
 Nguyễn Giải nói:
 -Thưa đại nhân, chắc vậy. Kìa, có cả một đàn voi nữa.
 Liền đó có mấy viên quan Chiêm dẫn tiến ra gần đoàn thuyền, một tay phất cờ, một tay cầm loa đặt ở miệng lớn giọng ra lệnh bằng cả hai thứ tiếng Việt và Chiêm:
 -Lệnh của Quốc vương, yêu cầu đoàn thuyền Đại Việt dừng lại!
 -Lệnh của Quốc vương, yêu cầu đoàn thuyền Đại Việt dừng lại!
 Nguyễn Giải nghe lệnh quay lại truyền cho đoàn thuyền mình tạm dừng. Mấy viên quan Chiêm tiến lại gần chiếc thuyền chỉ huy của Đại Việt. Họ chỉ địa điểm cho đoàn thuyền tạm neo. Xong xuôi, một viên quan Chiêm nói với Khắc Chung:
 -Bây giờ xin mời ngài trưởng sứ đoàn đến hội kiến với Quốc vương!
 Gặp vua Chiêm, Khắc Chung vái chào xong trình văn thư và thưa:
 -Tôi thừa lệnh thiên tử, đưa công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành cho Quốc vương!
 Vua Chiêm Chế Mân nói:
 -Cảm tạ quan Tể tướng đã vất vả đưa công chúa đến Chiêm quốc an toàn. Nhiệm vụ bảo vệ công chúa của đội quân Đại Việt đến đây đã xong. Theo phép của Chiêm quốc, quân đội nước ngoài không được vào quốc đô. Xin quan Tể tướng cho đội quân đó tạm nghỉ ở đây. Sau khi công chúa ban thưởng cho họ xong, họ có thể trở về nước. Cho ta gởi lời thành thật cám ơn họ. Riêng sứ đoàn Đại Việt, xin mời về quốc đô để tiếp tục lo tròn nhiệm vụ. Bây giờ mời quan Tể tướng cùng ta đến vấn an công chúa cho phải phép.
 Khắc Chung dẫn vua Chế Mân đến thuyền của công chúa. Công chúa bước ra cúi chào:
 -Thiếp là Huyền Trân công chúa xin kính chào Quốc vương!
 Vua Chế Mân mới thấy công chúa mặt hoa da phấn đã rất đẹp lòng, lại nghe nàng nói tiếng Chiêm vói một giọng rất sỏi gương mặt ngài càng thêm hớn hở. Ngài nói:
 -Công chúa đi trên biển hơn một tháng nay chắc mệt nhọc lắm. Gắng chịu nhọc thêm một ngày nữa thôi. Ngày mai công chúa sẽ được nghỉ ngơi thoải mái. Quả nhân có cho người mang theo một số vàng bạc để công chúa dùng. Những binh lính Đại Việt đã theo bảo vệ công chúa khổ nhọc suốt cả tháng nay, nên ủy lạo chút đỉnh cho họ vui. Công chúa cứ tùy nghi lấy của ấy mà ban thưởng.
 Công chúa cúi đầu xá vua Chế Mân mà nói:
 -Thiếp xin cảm tạ Quốc vương đã ban ơn!
 Vua Chiêm đưa tay ra hiệu. Hai viên quan Chiêm liền bưng đến hai cái khay trên mặt đều phủ lụa hồng. Vua Chiêm thân dở những tấm lụa ra cho Huyền Trân xem. Một khay đựng vàng và một khay đựng bạc. Vua Chiêm nói:
 -Đây là số tiền thưởng quả nhân đã nói. Mời công chúa tiếp nhận.
 Công chúa sai hai thị nữ bưng lấy rồi cảm tạ vua Chiêm một lần nữa. Tiếp đó công chúa sai một tùy viên của Khắc Chung đi mời Phó tướng Nguyễn Giải. Khi Nguyễn Giải đến nghe lệnh, công chúa bảo:
 -Khay vàng và khay bạc này là của Quốc vương Chiêm Thành ban thưởng cho đội quân bảo vệ ta trên đường về Chiêm quốc. Phó tướng hãy nhận lấy đem về chia cho tất cả binh sĩ. Chúc Phó tướng và toàn thể binh sĩ trở về nước bình an!
 Phó tướng Nguyễn Giải xá vua Chiêm:
 -Xin đa tạ Quốc vương đã ban ơn!
 Rồi Nguyễn Giải quay lại xá công chúa, giọng run run:
 -Cám ơn công chúa. Từ nay tiểu tướng khó có ngày gặp lại công chúa. Thay mặt đội quân bảo vệ, tiểu tướng xin kính chúc công chúa ở lại bình an!
 Nguyễn Giải lại quay sang vái chào Khắc Chung:
 -Tạm biệt đại nhân. Tiểu tướng xin về nước trước. Đại nhân có dạy bảo gì nữa không?
 -Không. Ông cứ về trước. Ta xong việc sẽ về sau.
 Thế rồi Nguyễn Giải sai hai viên thuộc cấp mang hai khay vàng bạc thưởng theo ông trở về thuyền. Vua Chế Mân nói với công chúa:
 -Công chúa đã cỡi voi bao giờ chưa? Giờ xin mời công chúa chuẩn bị lên voi để về quốc đô.
 Huyền Trân lo ngại nói:
 -Thiếp chưa tập cỡi voi bao giờ, làm sao đi được?
 Vua Chế Mân cười:
 -Không sao đâu! Dễ lắm! Mấy tên nài voi sẽ giúp đỡ công chúa. Ngồi trên bành voi quen rồi còn thấy thú vị hơn đi kiệu nữa. Có cả người cầm lọng đứng hầu đàng hoàng. Ở nước Chiêm vận chuyển bằng voi là một trong những phương tiện chính. Đi voi hết sức tiện lợi khi qua vùng đồi núi, rừng sâu, lại nhanh chóng và an toàn.
 °
 Ba hôm sau, vua Chiêm cho tổ chức lễ tấn phong Huyền Trân công chúa làm hoàng hậu Chiêm quốc tức hoàng hậu Paramecvari.
 Hoàng hậu Paramecvari xin Chiêm vương giữ lại vú Diệu Hoa và năm người hầu cũ đã đi theo mình để sai khiến. Vua Chiêm vui vẻ nói đùa:
 -Hoàng hậu muốn giữ lại cả trăm người quả nhân cũng chịu nữa huống là bấy nhiêu. Có một điều quả nhân nghĩ mãi chưa ra: Hoàng hậu nói tiếng Chiêm không khác gì người Chiêm cả! Chắc kiếp trước hoàng hậu đã là người Chiêm nên bây giờ mới nói tiếng Chiêm nhuần nhuyễn lưu loát như thế! Quả nhân rất vui, rất thán phục!
 Hoàng hậu Paramecvari với vẻ hãnh diện nói:
 -Quốc vương đã quá khen làm thiếp thấy thẹn! Thật ra đàn bà Đại Việt vẫn theo truyền thống đạo nho, tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu… Thiếp được Phụ hoàng gả cho Quốc vương là người Chiêm nên thiếp phải lo học tiếng Chiêm cho hợp đạo. Hơn nữa, từ thuở nhỏ, thiếp đã nghe danh Quốc vương là vị anh hùng đã đánh bại quân Mông Cổ, cứu dân tộc Chiêm thoát khỏi ách nô lệ. Lòng mến mộ Quốc vương đã khiến thiếp càng yêu thích nước Chiêm, yêu thích tiếng Chiêm. Đó là lẽ thứ hai khiến thiếp rèn luyện tiếng Chiêm được kết quả như bây giờ.
 Vua Chiêm lại nói:
 -Như vậy thì hạnh phúc cho quả nhân biết mấy! Mấy hôm nay quả nhân đã bàn chuyện với quan Tể tướng Trần Khắc Chung về việc liên minh hợp tác giữa hai nước Việt Chiêm, mục đích để bảo vệ nền hòa bình chung của hai nước. Quả nhân thật phấn khởi tin tưởng từ nay giữa hai nước không còn chiến tranh tương tàn. Dân hai nước sẽ sống vui vẻ bên nhau mãi mãi. Cuộc liên minh này thành công được cũng chính nhờ công đức của hoàng hậu đấy!
 Hoàng hậu Paramecvari nói:
 -Bẩm, Quốc vương nói hơi quá lời. Thiếp không dám nhận mình có công trong việc đó. Nếu cuộc liên minh để giữ gìn hòa bình giữa hai nước được thành công, phải nói chính là nhờ lòng thương yêu con dân vô bờ của Phụ hoàng thiếp và của Quốc vương.
 -Hoàng hậu khiêm nhường quá! Nếu không có hoàng hậu thì cuộc liên minh hai nước không dễ thực hiện lâu dài đâu! Còn một điều này nữa, quả nhân muốn hỏi ý kiến hoàng hậu. Qua mấy lần đàm đạo với Trần Tể tướng, quả nhân biết được ông ấy có kiến thức rất rộng. Quả nhân rất nể trọng ông ấy. Quả nhân cũng biết được Trần Tể tướng là một trong hai vị đại thần Đại Việt chủ trương chắp mối lương duyên cho vợ chồng ta sau Phụ hoàng. Quả nhân muốn có một món quà đặc biệt để thể hiện lòng biết ơn của vợ chồng ta đối với ông ấy. Hoàng hậu nghĩ ta nên tặng ông ấy cái gì cho hợp?
 -Bẩm Quốc vương, Trần Tể tướng vốn là bậc văn nhân tài tử. Tánh tình ông ấy thanh khiết, không ham của cải vật chất. Tốt hơn hết là Quốc vương cho người đưa ông ấy đi du lịch các danh lam thắng cảnh của Chiêm quốc có thể ông ấy sẽ thích chí hơn!
 Chiêm vương khen:
 -Hoàng hậu nói có lý! Đối với một người như Trần Tể tướng, chút phần thưởng vật chất cũng chẳng có giá trị gì!
 °
 Nghe lời đề nghị của hoàng hậu Paramecvari, Chiêm vương đã cho cả sứ đoàn của Khắc Chung đi thăm viếng các đền tháp và những danh lam thắng cảnh quanh vùng kinh đô. Người hướng dẫn cuộc du ngoạn là một người nói giỏi tiếng Đại Việt. Ông ta có nhiệm vụ giải thích những gì người trong sứ đoàn cần biết. Lợi dụng dịp này, đến đâu Khắc Chung cũng quan tâm lắng nghe dư luận, tìm hiểu tình hình. Người Chiêm hoàn toàn không hề biết Khắc Chung rành tiếng Chiêm nên không ai dè dặt giữ miệng. Nhờ thế, Khắc Chung đã biết được quan dân Chiêm không mấy hài lòng khi vua Chiêm cắt hai châu ở biên giới cho Đại Việt. Cũng vì lẽ đó, phần lớn quan dân nước Chiêm không có thiện cảm với hoàng hậu Paramecvari. Biết được những tin tức này, Khắc Chung mừng lắm. Ông hứng chí định xin đi viếng thăm nhiều nơi khác nữa để tìm hiểu thêm. Rủi thay, thình lình ông bị mắc bệnh sốt rét, phải nằm giường mất mấy ngày. Cơn bệnh đã làm ông xuống sức nhiều khiến ông lo ngại lắm.
Đầu tháng chín, Khắc Chung vào bái yết Chiêm vương xin ngày trở về Đại Việt. Chiêm vương Chế Mân ân cần nói:
 -Ngài muốn về khi nào tùy ngài. Nhưng ngài vừa trải qua cơn bệnh, người chưa lại sức, cần phải tĩnh dưỡng, bây giờ về gấp có bất tiện không?
 Khắc Chung thưa:
 -Tôi sở dĩ bị bệnh vì thủy thổ không hợp, ở đây lâu sợ bệnh tái phát lại càng khó. Hơn nữa, Thánh hoàng đang trông đợi tôi về để biết tin tức. Xin đa tạ quốc vương đã lo lắng cho tôi.
 Chiêm vương sai thị thần lấy ra một bao thư đã niêm phong có đóng quốc ấn sẵn, trao cho Khắc Chung mà dặn:
 -Khi về nước, nhờ ngài dâng quốc thư này lên Thánh hoàng giúp quả nhân. Cho ta gởi những lời chúc tốt đẹp nhất lên Thánh hoàng. Chiêm Thành ta xin nguyện từ nay lúc nào cũng sẵn sàng sát cánh với Đại Việt để chống lại mọi kẻ thù chung của hai dân tộc. Quả nhân hi vọng hai nước sẽ luôn giúp đỡ lẫn nhau những khi gặp chuyện nguy biến. Mong Thánh hoàng hiểu được tấm lòng thành của quả nhân! Trước khi ra về, chắc ngài cũng muốn gặp hoàng hậu xem hoàng hậu có nhắn gì với Thánh hoàng và gia đình không chứ?
 Khắc Chung tâu:
 -Đa tạ bệ hạ đã quan tâm đến điều đó. Thật tình tôi cũng muốn được bái yết hoàng hậu để xem hoàng hậu có dạy bảo gì không. Chắc hẳn hoàng hậu cũng có chuyện cần nhắn với gia đình.
 Chiêm vương nói:
 -Được, việc đó không trở ngại gì. Hoàng hậu sẽ triệu ngài. Ngài đã định ngày nào trở về Đại Việt chưa?
 -Nếu không có gi trắc trở, xin bệ hạ cho ba ngày nữa.
 -Sao gấp dữ vậy? Quả nhân chưa có dịp để vui vẻ với ngài một bữa. Chiều mốt, trước hôm trở về nước, mời tất cả sứ đoàn vào vườn ngự uyển dùng với quả nhân một chén rượu tạm biệt.
 -Đa tạ Quốc vương đã trọng đãi sứ đoàn Đại Việt!
 °
 Bái yết vua Chiêm về, khi bước lên tầng cấp nhà quán dịch, Khắc Chung đã vô ý bị trợt ngã một cái. Bàn chân phải của ông bị sưng vù lên khiến ông không thể đi lại. Viên thầy thuốc của sứ đoàn đã thoa thuốc cho ông mấy lần nhưng không thấy hiệu quả. Suốt đêm đó ông bị đau đớn, không sao ngủ được. Hôm sau, một thầy thuốc người Chiêm đến mằn gân và rịt thuốc cho ông. Thầy thuốc người Chiêm nói:
 -Chỉ trẹo gân thôi, nếu để lâu thì cũng nguy hiểm, có thể thành tật. Nhưng giờ đã mằn sửa kịp, không có sao đâu. Tạm thời quan lớn cứ nằm tĩnh dưỡng, chớ nên đi lại thì vết thương mới mau giảm.
 Quả thật sau khi được ông thầy thuốc người Chiêm mằn gân rịt thuốc, Khắc Chung cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Bàn chân ông đã giảm sưng dần. Được một chốc thì có một viên nội thị mang tấm thiệp đến mời ông vào cung để gặp hoàng hậu Paravecmari. Khắc Chung vừa trải qua một trận sốt rét, người đã gầy đi nhiều. Hôm qua lại trợt té nhức nhối mất ngủ suốt đêm nên người uể oải phờ phạc lắm. Khi soi gương, ông giật mình thấy sắc diện sa sút một cách thảm hại. Vì thế ông xin hoãn lại cuộc bái yết hoàng hậu vì lý do chân đau đi không được.
 Viên nội thị ra về chưa bao lâu y đã trở lại. Lần này y báo cho Khắc Chung biết hoàng hậu sắp đến thăm ông. Khắc Chung hơi hốt hoảng, vội sai người hầu chuẩn bị đón tiếp. Không mấy chốc kiệu hoàng hậu Paravecmari đã đến. Bà cùng mấy thị nữ đi thẳng vào quán dịch. Khắc Chung bất đắc dĩ phải bảo người hầu đỡ ngồi lên một cái cáng, khiêng ra ngoài để tiếp kiến. Vừa thấy hoàng hậu, Khắc Chung liền chắp tay xá mà nói:
 -Nhọc công hoàng hậu quá! Thần xin chịu lỗi vì đau chân không thể giữ trọng lễ được!
 Hoàng hậu Paravecmari vừa nghiêng mình xá lại vừa khoát tay ra hiệu cho Khắc Chung ngồi yên, bà nói:
 -Thầy cứ bình thân. Nghe thầy bị đau chân không đi được nên ta đến thăm thầy đây. Nhân tiện, ta cũng có một bức thư gởi về cho hoàng huynh ta, nhờ thầy chuyển giúp.
 Một thị nữ mang bức thư tới trao cho Khắc Chung. Cùng lúc, người hầu của Khắc Chung cũng bưng một cái ghế bành ra cho hoàng hậu ngồi. Khắc Chung nói:
 -Đa tạ hoàng hậu. Kính thỉnh hoàng hậu an tọa.
 Hoàng hậu gật đầu ngồi xuống chiếc ghế bành rồi nói:
 -Xin thầy cứ tự nhiên nói chuyện. Thật không ngờ! Mới cách xa thầy chưa bao lâu mà giờ trông thầy khác hẳn. Thầy gầy đi nhiều, lại phờ phạc hốc hác quá!
 Khắc Chung nói hơi có vẻ cười:
 -Tâu hoàng hậu, theo luật tạo hóa, cây hết thời xanh tươi lại đến tiết vàng úa là thường. Thần năm nay đã ngót năm mươi rồi, không hốc hác phờ phạc sao được? Chỉ còn hai ngày nữa thần sẽ về nước. Hoàng hậu có điều gì dặn bảo thần nữa không?
 Hoàng hậu nở một nụ cười:
 -Xin thầy báo cho hoàng huynh ta biết, ta vẫn bình an! Chiêm vương cùng hoàng gia rất trân trọng đối với ta. Ta không gặp sự phiền toái nào trong cuộc sống mới. Chỉ có nỗi buồn nhớ quê hương, nhớ người thân thỉnh thoảng lại hành hạ ta. Nhưng hi vọng ta sẽ quen dần. Xin thầy giúp ta dâng lời chúc vạn an lên Thượng hoàng, thái hậu, hoàng huynh và Huệ Vũ vương.
 -Thần sẽ trình lại những lời hoàng hậu dặn! Với hoàng hậu, thần cũng có đôi lời xin hoàng hậu lưu ý. Vừa rồi hoàng hậu có nói Chiêm vương cùng hoàng gia rất trân trọng đối với hoàng hậu, thần rất mừng. Tuy thế, việc Chiêm vương dâng đất cho nước ta cũng làm cho đa số dân Chiêm bất mãn. Xin hoàng hậu phải luôn tế nhị trong cách cư xử hằng ngày. Nói trắng ra, hoàng hậu nên luôn dè dặt, đề phòng mới được!
 Hoàng hậu nhìn Khắc Chung với vẻ cảm động:
 -Cảm ơn thầy đã lo lắng cho ta! Những điều đó thật ra ta cũng đã thấy được ít nhiều. Ta xin nghe theo những lời thầy dặn. Ta cũng khuyên thầy chớ bi quan lắm. Ngày xưa ông Khương Thượng trên sáu mươi mới xuất chính, ông Liêm Pha trên tám mươi vẫn còn giữ yên được nước Triệu trước móng vuốt của bạo Tần! Thầy mới năm mươi sao lại than già? Trời sẽ gia hộ cho thầy. Xin bảo trọng. Ta hi vọng sẽ còn gặp thầy nhiều lần nữa.
 -Thần cũng hi vọng như thế. Xin trời ban phúc cho hoàng hậu!
 °
 Đầu tháng mười, Khắc Chung về tới Thăng Long. Ông dâng lên vua Anh Tôn bản tường trình công việc của sứ đoàn trong chuyến sang Chiêm cùng hai bức thư của Chiêm vương và của công chúa Huyền Trân. Vua Anh Tôn đọc xong thư vui mừng lắm, liền ra lệnh đem lụa và tiền ra thưởng cho những người trong sứ đoàn ít nhiều tính theo công trạng.
 Tới phiên chầu kế tiếp, vua đưa vấn đề tiếp thu hai châu Ô và Rí ra thảo luận. Ngài nói:
 -Trước đây trẫm định giao cho Phạm Điện súy cử một vài thuộc liêu quản lãnh hai châu Ô và Rí cũng được, nhưng bây giờ làm như vậy thấy không ổn. Theo lời tường trình của Khắc Chung thì dân Chiêm ở hai châu này rất bất mãn vì sự dâng đất của Chiêm vương. Họ có thể nổi loạn khi ta tiếp quản vùng đất ấy. Vì thế, trẫm nghĩ phải có một trọng thần có tài cai trị và vỗ về dân gánh vác việc đó mới tránh khỏi những sự đáng tiếc xảy ra. Khắc Chung đã biết rõ tình hình, có thể giúp luôn trẫm việc đó được không?
 Khắc Chung thưa:
 -Vì việc lớn của quốc gia, thần không dám tiếc sức. Ngặt vì trong chuyến đi Chiêm Thành vừa qua, thần đã mắc bệnh nặng, tới giờ vẫn chưa lại sức. Xin hoãn hoãn một thời gian nữa thần mới có thể gánh vác trọng trách ấy.
 Vua Anh Tôn nói:
 -Khắc Chung đang gặp trở ngại sức khỏe, vậy phiền Hành khiển Nhữ Hài giúp trẫm việc đó được không?
 Đoàn Nhữ Hài dõng dạc tâu:
 -Bệ hạ đã tin tưởng mà giao phó việc quan trọng như thế thần đâu dám chối từ!
 Vua Anh Tôn vui vẻ nói:
 -Khanh đã nhận gánh vác việc đó trẫm đâu còn lo gì nữa! Kể từ tháng giêng năm Đinh Mùi°, châu Ô và châu Rí sẽ đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Trẫm tin tưởng Nhữ Hài sẽ đặt nền móng cai trị vững chắc cho hai châu đất mới này trước khi trở về kinh sư.
 Đúng như Khắc Chung đã cảnh báo, khi Đoàn Nhữ Hài vào tiếp thu hai châu, người dân Chiêm ở địa phương đã tỏ ra hết sức bất mãn việc đó. Nhiều gia đình đã bỏ đất trốn sâu vào rừng làm ăn. Có kẻ đã trở thành trộm cướp. Những người còn ở lại thì rất hững hờ với người Đại Việt. Quan quân đến tiếp xúc thì họ cứ ngơ ngơ ngáo ngáo không buồn đối đáp…
 Đặc biệt nhất là dân các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng lại tự võ trang liều chết chống lại cuộc tiếp thu. Không lẽ dùng quân sự để đàn áp họ? Nếu làm ngơ đi thì họ sẽ được thế làm tới, những nơi khác bắt chước làm theo thì sao? Đó là vấn đề làm Nhữ Hài phải đắn đo hết sức.
 Nơi nào không có sự chống đối thì Đoàn Nhữ Hài không những cho giữ lại những chức việc cai trị cũ mà còn tăng thêm quyền hạn, chức tước cho họ. Đối với dân địa phương thì ông tuyên bố tha thuế ba năm, phong tục tập quán đều được giữ như cũ. Đối với những nơi có dân chúng võ trang chống đối, ông cho án binh bất động, ra lệnh tuyệt đối không được đánh phá, xâm phạm đến họ. Thấy quân lính Đại Việt hùng tráng, lại phòng ngự nghiêm chỉnh, những nhóm nổi loạn cũng không dám khiêu khích, gây hấn.
 Hành động quá dè dặt của Đoàn Nhữ Hài đã làm một số võ tướng nóng ruột. Họ nói với ông:
 -Thưa đại nhân, mấy tay giặc cỏ ấy đáng gì mà đại nhân phải dè dặt đến thế? Đại nhân chỉ cần nói một tiếng chúng tôi sẽ quét sạch chúng ngay. Cần gì phải đóng quân ở đây lâu ngày hao tốn công quĩ của nhà nước mà chúng lại khinh thường?
 Đoàn Nhữ Hài cười bảo:
 -Các ông nói không sai. Nhưng ý Thánh thượng lại không muốn làm như thế. Nếu không Thánh thượng đã giao việc này cho Phạm Điện súy rồi! Ý Thánh thượng muốn ta thực hiện kế hoạch cai trị lâu dài. Ta đã có cách hành động, các ông chớ nóng!
 Mấy hôm sau các tướng mới biết Nhữ Hài đã cho người đi tìm những người Chiêm có uy tín ở địa phương, tuyên dụ đức ý của vua và ban chức tước cho họ. Sau đó ông cử những người này giữ các chức vụ cai trị tại địa phương. Chính những người này lo việc khuyên dụ lại đồng bào của họ. Thấy quan quân Đại Việt không tỏ ra kỳ thị, không đàn áp, cướp bóc ai, những người chống đối không còn lý do để sách động đồng bào của họ nữa. Thế là những người trước đây bỏ đất mà đi giờ cũng lần lượt trở về. Chẳng bao lâu các cuộc chống đối chính quyền mới đều tự tan biến cả.
 Khi Đoàn Nhữ Hài báo cáo công tác tiếp thu hai châu xong, vua Anh Tôn vui mừng nói:
 -Khanh đúng là một bậc lương thần!

Chú thích:
°Những năm trong chương 7: Bính Ngọ: 1306, Đinh Mùi: 1307