Cũng như ở nước ta, mùa thu ở nước Nhật là mùa của ái tình, mùa nên thơ nhất bởi vì là mùa đẹp nhất ác bạn đã biết mùa thu đối với Tàu và ta nó thi vị thế nào và thi sĩ đối với mùa ấy có cảm tình đến thế nào. Giờ ta cũng nên biết một nước đàn anh của ta ở Á Đông là nước Nhật, xưa nay vẫn có tiếng là thượng võ, đối với mùa ấy ra sao và mùa thu nó khác Tàu và ta những gì. Thực vậy, các nước ở Á Đông ta, có lẽ nước Nhật là một nước yêu mùa thu nhất, và tuy là một nước thượng võ thực, nhưng đến văn thơ thì rất buồn, và “những ngày thu” và “những buổi chiều thu” vẫn là đầu đề rất thông dụng ở trong thi giới Nhật. Người Tàu buồn về thu đã có thơ: Lác đác rừng phong hạt móc sa, Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ, Lưng trời nhạn liệng dòng sâu thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa… Khóm trúc như tuôn dòng lệ cũ Con thuyền buộc chặt mối tình già. Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước Thành Bạch gần xa, bóng ác tà… Cái buồn như thế kể đã là sâu sắc và não nuột, nhưng thơ người Nhật cũng não nuột và sâu sắc một cách khác mà lại nhẹ nhàng hơn. Giữa nơi thanh vắng, Ở nhà bước ra Ta nhìn quanh ta Đó đây chỉ thấy toàn là chiều thu…! Văn thơ Nhật, theo như ông Chamberlain đã nói, là một bài văn phong phú nhất. Thi văn Nhật, ta không nói tới thời thái cổ làm gì, cứ xét về thời đại cận kim thì quả có một linh hồn riêng khác hẳn của Tây phương. Nhà thi sĩ Nhật có một cảm giác: cũng như nhà nghệ sĩ của Phù tang, nhà thi sĩ ghi cái cảm giác đó lại bằng vài nét mạnh mẽ hay du dương, rồi thôi, không cần diễn tả những cái mà họ nghĩ bằng văn xuôi. Cho nên văn thơ của họ rất ngắn và lối thơ đáng làm tiêu biểu cho thi ca Nhật nhất là lối tannka có 5 câu (5, 7, 5, 7, 5) vị chi là một bài thơ tất cả có 31 chữ. Tả cái đẹp của giăng thu, nhà thi sĩ Nhật chỉ vẻn vẹn có mấy câu này, chúng tôi lược dịch sau đây: Những khi tôi ngắm giăng thanh: Dầu trăm nghìn vẻ cảnh tình không vui! Thu đâu riêng một mình tôi, Thu là của khắp mọi người thế gian. Ánh giăng thanh với gió thu và mây thu, những đêm trời đẹp như ngày rằm tháng tám làm cho nhà thi sĩ xúc cảnh sinh tình: Giăng thanh mọc giữa bầu trời Qua mây, tia sáng rọi ngời trần gian Gió thu đưa đám mây tàn. Con chim gáy, lúc ấy cũng như người, cất tiếng hót vang: Nhìn vào cụm cây Có con chim gáy hót Ta chỉ còn thấy bóng trăng thu tàn. Trai gái đợi chờ nhau ở dưới bóng trăng. Chàng không lại, nàng buồn với bóng trăng thu: Không chờ anh ở chốn này Buồng hoa, em đã nhắp say giấc vàng! Chao ôi, giăng đã gần tàn… Và trăng thu sẽ trả lời ra thế nào? Trong khi nặng tấm lòng sầu, Phải chăng giăng đã bên lầu bảo ta: − “Khóc đi người đẹp như hoa!” Mặt buồn phút bỗng chan hoà lệ châu. Thôi thế là mất cả một đêm rằm tháng tám: Trên manh chiếu lạnh đêm thu, Dế kêu như khóc ở bờ tường hoa, Nằm lên trên mảnh khăn là, Giấc cô miên, đến với ta hỡi trời? Muốn ngủ mà nào có ngủ được đâu. Từ phía xa xa đưa lại những tiếng vang của ngày hội, khách đa tình lại trở dậy trông trăng: Theo ngọn gió thu Lá bay tan tác Vào chốn nào? Không ai biết! Đối giăng ta thấy lòng ta âu sầu. Một con thuyền đi qua khúc sông ở trước cửa sổ của cô con gái đa tình và ngừng lại: Cái gì đã giữ mái chèo Của con thuyền nhỏ đang vèo trên sông, Phải chăng cây quế trăng trong? Trăng lặn là cả một trời buồn. Nhà thi sĩ gửi tâm sự của mình ở trong người đẹp sầu trăng, cảm khái nên một câu tuyệt diệu đêm hôm rằm tháng tám: Giăng thu lặn ở sau đèo, Lạnh lùng ngán nỗi sầu gieo bên mành Chao ôi, ánh sáng giăng thanh, Ước ao mãi với mình với ta.
TIÊU LIÊU
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 30 (22/9/1940)