CHƯƠNG 8

    
a Phổ nguyên là nhân viên ty công an tỉnh. Hắn về làm cảnh sát trưởng Kỳ Bường và bí thư chi bộ đảng "Cần lao nhân vị" đã ngót năm năm.
Lần đầu ra mắt dân, hắn gườm gườm ngó quanh một lúc, để mọi người kịp trông rõ vóc người cao lớn, đôi vai gò về phía trước như chực chồm, hai bắp tay xăm bùa chàm, và nhất là đôi mắt lồi chạy tia đỏ của hắn. Rồi đột ngột hắn nổ ra:
- Cáười coi kỹ cái mặt mười năm chống cộng đây. Hung thần ác sát đây. Hiệp thương hiệp thiếc à? Giảm tô giảm tiếc à? Lấy ruộng lấy riếc à? Thằng này không chánh trị với các người đâu. Hễ ai còn chút tư tưởng cộng sản nào trong bụng, tôi mổ bụng moi cộng sản ra cho tiệt nọc. Cần ác là tôi ác tới chữ 1! Hừ!
Hắn chỉ gầm bấy nhiêu rồi bước xuống.
Khi dạy bọn đàn em, hắn nói rất hiền và cặn kẽ:
- Bay thấy chưa? Tao đánh phủ đầu một đòn tâm lý, tụi nó xanh mặt hết trơn. Bay đừng nói dài hao hơi. Dân ở đây tao biết, từ con nít lên ba tới bà già đi sấp đều cộng sản gốc, cộng sản toàn tòng, cộng sản từ trong trứng cộng sản ra. Bởi vậy tao mới nói xã này có bốn chục đảng viên và bốn ngàn cộng sản. May ra có số nhà ngói chịu lui tới với bay, chớ đám nhà tranh thì hằm hằm nuốt sống bay đó. Đừng có hòng dân thương. Còn lãnh việc quốc gia thì ngàn đời dân nó còn rủa. Bay muốn sống phải làm cho dân sợ. Già đòn non lẽ. Bay cứ đám đảng viên cũ là một, người nhà bọn nằm vùng nhảy núi là hai, gia đình tập kết là ba, đánh nhào đầu cho kinh cho khiếp đi. Đứa nào cứng đầu, tao cho mổ bụng lấy mật, uống thì uống, bán thì bán. Ngoài ra có mấy thằng ba gai ba ngạnh, bay cũng ghép luôn vô cái tội cộng sản mà trị cho dễ.
Thấy bọn tay chân liếc nhau có vẻ hoảng, hắn cười:
- Bay tưởng tao hung lắm hả? Cần ác tao mới ác. Còn giữa tụi mình với nhau, tao hiền hơn ông Phật. Đứa nào túng tiền cứ xin tao. Muốn lấy con gái nhà ai, tao kiếm cho. Ăn dầm nằm dề với tao cũng được. Đánh cộng giỏi tao thưởng. Nhớ vậy mà ăn ở Ba Phổ làm như đã nói.
Chỉ một năm sau khi nhận chức, hắn đã tự tay mổ bụng hoặc cắt tiết mười bốn người kháng chiến cũ và ba người hắn muốn thủ tiêu để cướp ruộng, hiếp vợ. Hắn ác mà không hung. Lão Châu hói trán, ty trưởng công an, đã dạy cho hắn biết giết người một cách lạnh, tỉnh, thích thú. Hắn không nốc rượu say mèm hay hò hét như một số tên công an hạng tồi khác, cần hơi men hoặc cơn giận để bốc máu. Trong nhà hắn có sẵn chai rượu, bát gừng, lọ muối hầm, gói quế bột, mấy cái ống trúc gọt vát một đầu. Khi sắp giết một người khỏe mạnh, hắn gọi đàn em đến để dạy nghề "giết cộng sản có hoa tay". Tay trái hắn tì ống trúc vào mạch máu cổ, tay phải hắn cứa ngọt một nhát dao cạo. Thịt vừa đứt, ống trúc đã nống gọn vào mạch, dẫn dòng máu tươi chảy ồng ộc vào cái liễn đựng rượu, gừng, quế, muối, có khi thêm rau răm thái vụn. Hắn ép bọn đàn em uống máu người. Nhiều đứa sợ quá không dám uống, hắn cười:
- Thằng nhát quá ta! Thôi em cầm sơ cái ly, cụng ly với anh Ba mày cho phải phép. Vậy coi như uống rồi.
Từng bước rất khéo, hắn làm cho đám tiểu yêu dưới quyền dần dần nhúng tay vào máu hay ít nhất cũng mang tiếng nhúng tay vào máu đồng bào, để hết hẳn đường lui.
Hắn thích hiếp đàn bà một con hơn gái chưa chồng. Hắn giảng rành rọt:
- Gái một con nó thay da đổi thịt coi mòn con mắt, cái đó đã đành. Tao chơi tụi nó còn là chơi chánh trị, hiểu chưa? Đàn bà ở đây, đứa nào thơm thịt một chút đều đua nhau lấy cán bộ, bộ đội Việt Minh sạch trơn. Tụi nó lại hay đi xa, sau đi tập kết, giỏi lắm đúc được một đứa con là cùng. Bay soát lại coi. Thứ gái một con trong xã mình, hễ đứa nào trơn láng nết na là vợ Việt Minh hết, còn phần tụi bay chỉ có ba con đĩ thập thành với mấy mụ ma chê quỉ hờn, nửa ngây nửa dại, đúng vậy không?
Đợi bọn đàn em tỏ lòng kính phục xong, hắn mới dạy:
- Tao cho bay chơi thả cửa đó. Ve được thì hay. Tụi nó không ưng, bay kêu lên lấy cung rồi mần. Tụi nó có chửa hoang mới dứt tình với đám tập kết được. Để yên cho tụi nó chờ chồng, đến khi chồng về, tụi nó nổi dậy cắt cổ bay liền một khi!
Hắn khoe toang toang những điều như thế. Duy có một việc hắn làm kín tiếng: hắn đang thu góp lại cái gia tài họ Trịnh và cố "mở mang bờ cõi". Cha hắn, trước làm chánh tổng hét ra lửa, có bốn chục mẫu thượng đẳng điền và ba tòa nhà ngói lớn ở Đồng Mè. Phần chú hắn được ít hơn, chừng hai chục mẫu ruộng với sáu mẫu vườn dừa. Hồi đầu kháng chiến, khi liệu bề Pháp không chiếm nổi xã Thành Bường, hắn tản cư về vùng tự do để giữ cái gia tài ấy. Đến ngày phát động giảm tô, hắn chạy theo Pháp cũng để chờ ngày quay lại với cái gia tài ấy.
Khi mới về vùng địch, Phổ còn trẻ, chưa oán ghét kháng chiến cho mấy. Cha hắn trúng bom Pháp chết ở Kỳ Sơn, được chính quyền Cụ Hồ và bà con chôn cất tử tế. Nhà hắn bị Pháp phá lấy gạch xây bót Đồng Mè, không phải du kích phá. Hắn chỉ sợ khổ, thèm sướng. Ở vùng ta hắn thấy khổ quá. Có tiền, muốn mua chai rượu mùi hay gói thuốc thơm cũng không kiếm ra. Cả ngày chui hầm lấm lem tránh máy bay. Lại còn phải đi phá đường, đi dân công. Đến khi giảm tô, hắn thử tính, thấy mình còn nhiều tiền nhiều thóc hơn bất cứ ai trong xã. Nhưng hắn vẫn lén bán dần của cải, mua vàng, rồi nhảy về tề.
Hắn đi được một mùa lúa, ủy ban kháng chiến mới đem ruộng đất nhắn tạm giao cho nông dân cày cấy, coi như ruộng vắng chủ. Nghe tin ấy, hắn tuy tiếc của cũng phải nhận rằng "Việt Minh thật là mềm dẻo".
Hắn ăn chơi lu bù chừng một năm. Bán hết vàng hắn đâm túng, lại sắp bị bắt vào lính ngụy. Một người bà con bảo lãnh cho hắn vào làm Sở an ninh liên bang, dặn hắn: "Ở đây, hễ thù cộng sản thì được tin cậy, ác với cộng sản thì mau tăng chức". Hắn cần được tin, cần lên chức. Hắn tự tô vẽ thành một nạn nhân khốn khổ của cộng sản: cha bị giết, nhà bị phá, ruộng đất bị cướp. Hắn tập ác với tù chính trị. Ban đầu hắn phải uống nửa chai rượu mới đánh người được, về sau hắn chỉ uống sau khi đánh, sắp ngủ. Uống huyết người khó hơn, buồn nôn lắm, hắn cố tránh. Về sau bị bọn cùng Sở khích mãi, hắn liều uống trong khi say, quen dần. Món gan người cho nhiều gia vị cũng dễ ăn thôi.
Với cái đà ấy, đáng lẽ hắn đã được thăng chức từ lâu nếu hắn không bị bỏ tù vì ăn cắp quỹ công. Hắn được ân xá nhân dịp Diệm lật Bảo Đại. Lão Châu, ty trưởng công an và quan thầy của hắn, gọi hắn đến giữa bữa rượu:
- Ba Phổ à, mày ngu hết chỗ ngu. Đành rằng từ ông trên cho chí thằng dưới, đứa chó nào cũng muốn đầy túi, có điều phải lựa chỗ mà hốt bạc cắc chớ. Viện trợ Mỹ phải để cho các ngài cấp đèn trời, mày rờ vô mày chết. Phần tụi bay phải dòm xuống dưới, moi tiền của dân mà tiêu. Đừng có chê tiền trăm, khinh bạc chục. Giả sử tao cầm dầu dính tay một cú mười ngàn, tao còn lo chưa biết bị sửa lưng ngày nào. Mày bỏ túi mỗi lần một trăm, lấy trăm lần cũng cứ gọn hơ. Chẳng lẽ dân nó đâm đơn kiện mày ăn hối lộ của nó một trăm bạc sao? Bây giờ mày cầm dùi cui như cũ cái đã, rồi tao xếp chỗ cho về quận về xã mà kiếm chác. Huấn đạo thăng lại mục, phủ quan giáng tham tri 2 l vậy đó. Cho mày đi làm giàu một năm rồi tao mới nhận ơn nghĩa.
Bài học ấy, cộng với tám tháng tù, giúp Ba Phổ quyết định hẳn con đường tiến thân. Khi Kỳ Bường khuyết chân cảnh sát trưởng, hắn chạy chọt đút lót, gạt được mấy thằng ở chi công an quận tranh ăn, được bổ về quê. Đuôi trâu không bằng đầu gà. Hắn cầm quyền sinh sát ở cái xã giàu có này, nhờ đó hắn thu ruộng đất lại khá nhanh. Có ruộng đất, hắn biếu xén đãi đằng cấp trên rộng tay hơn, được tin yêu hơn. Tiền và quyền, chức cảnh sát trưởng và ruộng đất là hai cái pê đan xe đạp nương vào nhau mà bon: hắn đạp đều hai chân. Bọn tề khác kiềng mặt hắn, lũ đàn em đua nhau theo hắn, dân ghét và sợ hắn. Tất cả đều đúng với ý muốn của hắn.
Cái bóng cao lớn của tên bí thư "Cần lao nhân vị" với bùa trên tay và máu trong mắt trở nên một ám ảnh khủng khiếp đè nặng trên đất Kỳ Bường đã năm năm nay.
Bởi vậy, sau cuộc chạm trán với Ba Phổ, Tư Sỏi lập tức được bọn dân vệ kính nể hơn trước. Một số miễn cưỡng cầm súng phục Sỏi dám bướng với ác ôn. Những tên hay bị bắt nạt thấy Sỏi đủ sức che chở cho mình. Tên tiểu đội trưởng và lũ ton hót nịnh bợ lại nghĩ khác. Chúng đoán Sỏi có thế thần gì đây nên mới cả gan đương đầu với "ông hung thần ác sát". Có thể là công an chìm của tỉnh hay trung ương, là mật vụ, tình báo Mỹ. Cái điệu lì lì kia không phải vừa. Chúng thôi nạt nộ sai vặt Sỏi, bắt đầu gọi Sỏi bằng anh Tư.
Cảnh sát phó Huỳnh cũng gọi Sỏi đến hỏi thêm. Tuy không ưa Sỏi ăn nói như đấm vào tai, nhưng hắn vẫn rất thú chuyện này bởi hắn bị Ba Phổ coi như rác. Hắn nghĩ có lẽ hắn sinh vào năm Sửu nên quá nửa đời người chưa bao giờ ngớt bị khinh rẻ, chèn ép. Khi biết Sỏi tuổi Thìn, hắn bỗng thấyạo cậu này có những nét quí tướng. Cầm tinh con rồng mà lại! Hắn cho Sỏi nghỉ phép hai ngày liền "để chú mày ngủ đã đời một trận".
Sỏi đếm từng bước nặng trĩu, về nhà.
Đôi giày vải dính xuống đất không cho Sỏi nhấc chân. Cây súng săn rất nhẹ đè lệch vai. Sỏi phải ngồi nghỉ hồi lâu bên miếu âm hồn.
Một tuần qua, Sỏi không tạt về nhà. Chung quanh Sỏi vắng tiếng dịu dàng của má và ríu rít của em, chỉ có những tiếng thét, chửi, đùa bẩn mà Sỏi phải hứng vào tai, vì tai không nhắm được như mắt. Những bữa cơm ăn hỗn ăn giành khiến Sỏi lợm giọng, càng nhớ xót xa những đũa mắm thơm 3 xổi với cá chuồn băm mà má gắp bỏ trong chén cho con.
Đêm ấy má hốt hoảng và Sâm đay nghiến. Sỏi phải trốn ngay, sợ phải thấy nước mắt của người thân. Sỏi sợ em hơn sợ má. Má từng trải nên hiểu bụng Sỏi. Còn Út Sâm... trong đôi mắt trong veo của Sâm, tròng đen đen láy và tròng trắng phớt xanh, không có những chỗ mờ đục pha lẫn đen và trắng như mắt người lớn tuổi. Sâm nhìn đời bằng đôi mắt ấy, không thấy mà cũng không chịu thấy những cái nhập nhằng pha trộn, Sâm nhìn Sỏi một cách đơn giản, rạch ròi, tàn nhẫn nữa.
Làm sao bây giờ?
Sỏi lê chân với câu hỏi ấy lộn lên lộn xuống trong người. Lúc này hễ vấp ngã, Sỏi sẽ ngủ luôn trên mặt đường.
May quá, Sâm đang trồng khoai ngoài bãi. Má đón Sỏi tử tế Sỏi thở cái mùi nồng ấm trong căn nhà nhỏ như người nghiện hít khói thuốc: mùi áo quần cũ khói củi, hom tre ngâm, điểm từng lúc cái hương chua ngọt khi má dỡ nắp cái liễn đựng mắm thơm xổi mà chỉ có má mới làm ngon như thế.
Trong góc nhà, cái cuốc bàn của Sỏi rầu rĩ phơi lưỡi sắt gỉ vàng lấm tấm. Tháng chạp này một ngày làm một tháng ăn. Cả nhà trồng khoai trỉa đậu. Đây má và Sâm đang đánh luống trên bãi sông lộng gió. Sỏi gánh phân ra trút rải trên miệng luống. Chung quanh ba má con là tiếng con sông rì rào kể chuyện trăm nơi mang về, từng lúc chen tiếng cười buộc mọi người cười theo của Sâm... Đây Sâm đang thoăn thoắt ấn từng hạt đậu vào lòng đất mịn tơi cho Sỏi lấp, láu táu cười má đem vỏ đậu đổ ra đường cho người qua lại xéo nát để đậu mùa sau lên tốt hơn. Má bẻ bánh đường Minh Huy vàng trong chia cho hai anh em ăn với sắn luộc, lườm Sâm: "Tao làm vậy mới có hột cơm nuôi tụi bay lớn tới giờ"... Hôm nay Sâm cùi cụi cuốc đất một mình. Má tất bật chạy đi chạy về, gánh phân, nấu cơm, coi trâu. Trong căn nhà này suốt tuần qua hẳn thiếu tiếng cười.
Má vừa nói chuyện vừa trút khoai khô vào nồi cơm. Sỏi rướn cổ nhìn: nồi cơm sôi nhưng bọt không lên đến miệng. Khoai mốc xám xỉn, thứ người ta bán đổ tháo năm sáu đồng một ang tha hồ lắc. Má và Sâm ăn khoai mốc thay cơm.
Sỏi len lén rút hai tờ bạc trăm, đặt trên chõng. Đợi má ngửng lên, Sỏi nói khẽ:
- Tôi mới lãnh nửa tháng lương...
Má cúi xuống thổi lửa. Giọng má khô:
- Nhà đủ ăn rồi.
- Má may cho con Út một bộ. Áo quần nó chật hết
Má Bảy lặng im. Đúng là áo quần Sâm ngắn cũn cỡn, xuống lai hạ gấu bao nhiêu cũng không kịp sức lớn của Sâm. Bây giờ má mặc áo Sâm thải ra, thấy rộng thênh. Má nghe Sỏi khẩn khoản mà thương, nhưng biết Sâm sẽ giãy nảy lên nếu má nhận lương dân vệ. Má đủng đỉnh:
- Nó có thân để nó lo liệu cho quen. Mày có nghĩ thì nộp thuế cho nó. Xâu cộng đồng kiến thiết còn thiếu bảy ngày công nữ, vị chi trăm tư nữa.
- Kìa, đủ ba mươi ngày rồi mà?
- Họ lật sổ nói mới hăm ba ngày. Lừa thưng tráo đấu đủ vành. Tiền của họ trả về tay họ cho xong.
Nói riêng với Sỏi má lại gọi bọn tề là họ, không gọi tụi nó. Sỏi bắt đầu thành người lạ.
Út Sâm đi làm về. Vẫn tiếng cười bay trước như con sáo nuôi nhớ ngõ, lọt vào nhà một lát mới thấy Sâm qua của. Sâm chào cụt lủn "Anh!", không cười nữa. Chưa bao giờ Sỏi sợ em gái đến thế.
Bữa cơm tối lạnh ngắt. Trời mưa nặng hạt, gió hú dưới mái nhà. Sỏi chép miệng nghĩ đến khoai nhà trồng muộn, gặp mưa đất nhão tha hồ bị sùng phá. Còn lúa nữa. Bọn xã thường bắt các gia đình loại A và B đi "tố cộng" vào vụ cấy vụ gặt, để đồng bào sốt ruột tố nhanh mà về. Nhà má thường phải cấy thật sớm, "chạy tố cộng". Con sông Nhỡn lòng cạn bờ hẹp không chứa xuể nước mưa từ núi gần đổ xuống, hay nổi lụt trái mùa vào đầu tháng chạp, có khi cuốn băng hàng trăm mẫu lúa cấy sớm. Ba má con lại trút hết thóc giống để dành, ra giêng cấy tái giá. Liệu nhà còn giống không, hay bị lụt lại đi vay của thằng Phổ để nó cắt cổ chục rưỡi 4?
Má bỗng quay lại Sâm:
- Út, pha nước cho anh đi con.
Sỏi biết má sắp nói chuyện quan trọng. Má vốn không ưa cái thói bạ đâu nói đó, thường đợi cả nhà ăn cơm uống nước xong mới bàn việc. - Rõ ràng má và Sâm hẹn nhau đón Sỏi một cách nhẫn nại; như dạo nào má và Sỏi thì thào với nhau khi sắp tiếp bà mối hay chủ nợ. Sỏi biến thành người khách nhiễu sự để má với em phải dè chừng.
Má thong thả kể lại những chuyện xảy ra trong tuần, từ cái đêm thằng Phổ soát nhà và anh Dõng đến thăm. Sỏi nghe, vẫn lì lì, nhưng rất ngạc nhiên. Chỉ đi vắng mấy ngày mà trong nhà đã có bao nhiêu biến động, nhiều hơn cả mấy năm Sỏi ngủ nhà. Má và Sâm khác hẳn. Giọng má đĩnh đạc, không rầu rĩ cam chịu như trước. Sâm được học chính trị với thầy Dõng, gặp cả bác Chín Chuyền. Hôm qua bọn dân vệ còn kháo nhau: "Lão Việt cộng đó được giá nhất, mỗi ký thịt hai ngàn bạc", bởi địch treo giá bác Chín một trăm ngàn đồng. Sỏi ngửng nhìn em. Sâm ra dáng người lớn hẳn, đang ngắm Sỏi bằng cặp mắt thương và trách của người chị thấy em hư.
Nhưng Sỏi không mừng. Câu hỏi cũ vẫn bò quanh, nhức nhối. Má chưa đả động đến việc Sỏi lãnh súng.
- Thầy Dõng nhắn gì tôi không?
- Anh nói... mang súng như vậy là có tội với dân với nước.
Sỏi thấy nó
- Biết rồi. Tôi nghĩ nát óc mới vô dân vệ, rán ở lại xã mà đợi Cách mạng. Bây giờ thầy Dõng tính sao? Trả súng, đi quân dịch cho khuất mắt, cái đó dễ ợt, nhưng tránh đó lại gặp đăng. Hay là tôi nhảy núi. Tôi đi êm phần tôi, còn má với con Út ở lại thì sao? Tụi nó đánh lên đánh xuống, bắt đi dinh điền, chịu nổi không? Tôi lo là lo bấy nhiêu, chớ cái mạng tôi tôi đâu có kể!
Sâm trả lời thay má. Cô em lanh chanh của Sỏi nói rành rẽ:
- Anh Dõng nhắn anh lỡ lãnh súng thì mang tạm đó đã. Anh tìm một số bạn tin cậy nhứt, rủ họ theo Cách mạng.
- Kéo lên núi à?
- Không, cứ ở đây, nổi lên diệt ác ôn, phá kẹp... phá thế kìm kẹp...
Sâm đang cố nhớ, Sỏi đã hỏi dồn như hỏi một chị cán bộ:
- Diệt ác ôn thì dễ, sau đó tụi nó giết hết tông chi họ hàng, làm sao?
- Giết sao được. Toàn dân khởi nghĩa mà.
- Khởi nghĩa...
- Y như Cách mạng tháng Tám lấy chánh quyền vậy đó. Rồi bầu ủy ban, tổ chức du kích, rào làng cắm chông, đánh gắt như hồi chín năm.
- Đúng rồi!
Đến lượt Sâm ngạc nhiên. Lâu lắm Sâm mới lại tấy anh cười rạng rỡ.
Con đỉa trong người Sỏi biến mất.
Ngay đêm ấy. Sỏi mang súng trở về trung đội dân vệ.

1

2

3

4
Hết mức.
Ý nói: xuống cấp mà lợi, lên cấp mà thiệt.
Quả dứa.
Qua một mùa lúa, mười ang phải trả thành mười lăm ang.