NHỮNG ĐỨC CHÚA DƯỚI LÒNG ĐẤT
- 2 -
46. TIẾNG HÁT

    
heromon trí nhớ số 85
Chủ đề: Tiếng hát tiến hóa
Kiến tiết dãi: Kiến chúa Chli-pou-ni
Tôi là kẻ đánh lạc hướng vĩ đại.
Tôi lôi các cá thể ra khỏi con đường quen thuộc của họ và điều đó khiến họ vô cùng hoảng hốt.
Tôi thông báo những sự thật kỳ quặc và những tương lai đầy rẫy mâu thuẫn.
Tôi là sự hỏng hóc của hệ thống, nhưng hệ thống cần bị phá hỏng mới có thể tiến hóa được.
Không ai ăn nói rụt rè, vụng về và thiếu tự tin như tôi.
Không ai mắc phải điểm yếu vô tận của tôi.
Không ai bị nhiễm loại gien khiêm tốn giống tôi.
Bởi tình cảm đã thế chỗ trí thông minh trong tôi.
Bởi tôi không sở hữu bất kỳ hiểu biết hay kiến thức nào làm nặng gánh tôi.
Chỉ có bản năng trôi nổi trong không khí dẫn bước tôi.
Và bản năng ấy, tôi không biết nó từ đâu đến.
Và tôi không muốn biết nó.
47. Ý TƯỞNG
Augusta Wells vẫn nhớ.
Jason Bragel bụm tay vào ho, mọi người vây tròn quanh ông và còn uống lấy từng lời của ông hơn nữa bởi trong tình trạng họ đang rơi vào, họ không thấy chút bóng dáng nào của một ý tưởng có thể giúp họ thoát thân.
Không đồ ăn, không mảy may cơ hội ra khỏi cái hang dưới lòng đất, không cơ hội liên lạc với mặt đất, làm thế nào mà mười bảy con người trong đó có một bà cụ trăm tuổi và một thằng bé con có thể hy vọng sống sót?
Jason Bragel đứng thẳng người.
- Chúng ta hãy xem xét lại từ đầu. Ai dẫn chúng ta đến đây? Edmonds Wells. Ông ấy muốn chúng ta sống trong cái hang này và tiếp tục sự nghiệp của ông ấy ở đây. Ông ấy từng dự báo rằng chúng ta có nguy cơ rơi vào tình cảnh đen tối, tôi tin chắc điều đó. Việc xuống hang là một quá trình mang tính nhập môn của mỗi cá nhân. Điều chúng ta phải đối mặt hiện giờ là thử thách quan trọng đối với quá trình mang tính nhập môn của tập thể. Điều gì mà chúng ta, mỗi chúng ta đã tự vượt qua thì chúng ta cũng sẽ phải cùng nhau vượt qua được. Sở dĩ tất cả chúng ta giải quyết được câu đố về bốn hình tam giác là vì chúng ta đã biết thay đổi cách lập luận. Chúng ta đã mở một cánh cửa trong tâm trí chúng ta. Chúng ta cần phải bền chí. Để làm được như vậy, Edmond còn trao cho chúng ta một chiếc chìa khóa. Chúng ta không thấy chiếc chìa khóa ấy bởi nỗi sợ hãi đã khiến chúng ta trở nên mù quáng.
- Đừng làm ra vẻ bí mật nữa! Chìa khóa nào chứ? Ông định đề xuất giải pháp nào? một lính cứu hỏa càu nhàu.
Jason nhẫn nại:
- Các bạn hãy nhớ lại câu đố về bốn hình tam giác. Nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ. “Phải nghĩ khác đi”, Edmond vẫn nhắc nhở như thế. “Phải nghĩ khác đi...”
Một viên cảnh sát cười khẩy:
- Nhưng chúng ta bị kẹt ở đây như lũ chuột cống. Đó là điều hiển nhiên dễ thấy. Chỉ có duy nhất cách nghĩ ấy trong tình huống này.
- Không. Có rất nhiều cách nghĩ. Chúng ta bị kẹt về thể xác, chứ không bị kẹt về tinh thần.
- Lời nói, lời nói, lại là lời nói! Nếu ông có gì muốn đề xuất thì cứ đề xuất đi! Nếu không thì mời ông câm miệng lại.
- Đứa trẻ sơ sinh ra khỏi cơ thể mẹ không hiểu vì sao nó lại không được tắm nước ấm nữa. Nó muốn quay về chỗ trú ẩn trong lòng mẹ, nhưng cánh cửa đã khép lại. Nó ngỡ mình là một con cá không bao giờ có thể sống giữa trời tự do. Nó lạnh, ánh sáng khiến nó lóa mắt, có quá nhiều tiếng động. Ngoài bụng mẹ là địa ngục. Như chúng ta lúc này, nó đánh giá mình không thể vượt qua thử thách bởi nó nghĩ về mặt thể chất, nó không thích nghi nổi với thế giới mới. Tất cả chúng ta đều đã trải qua khoảnh khắc ấy. Thế nhưng chúng ta không chết. Chúng ta đã thích nghi với không khí, ánh sáng, tiếng động, cái lạnh. Chúng ta đã chuyển từ dạng bào thai quen với cuộc sống trong nước thành đứa trẻ sơ sinh hít thở khí trời. Chúng ta đã chuyển từ con cá thành động vật có vú.
- Phải, thế thì sao?
- Chúng ta đang trải qua đúng khoảnh khắc nguy kịch ấy đây. Vậy chúng ta hãy thích nghi nữa đi, chúng ta hãy trôi vào thế giới mới này.
- Ông ta mê sảng, ông ta mê sảng hoàn toàn rồi! thanh tra Gérard Galin thốt lên, mắt ngước lên trời.
- Không phải đâu, Jonathan Wells thì thầm, tôi nghĩ mình hiểu những gì ông ta muốn nói. Chúng ta sẽ tìm ra giải pháp bởi chúng ta không còn lối thoát nào khác ngoài việc tìm ra giải pháp.
- À phải, chúng ta luôn có thể kiếm tìm nó, cái giải pháp ấy mà. Thậm chí chúng ta cũng chỉ có mỗi việc đó để làm trong lúc đợi chết vì đói.
- Hãy để Jason nói, Augusta ra lệnh. Nó vẫn chưa nói xong.
Jason Bragel đi về phía giá để kinh và lấy quyển Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối.
- Tôi đã đọc lại nó đêm qua, ông nói. Tôi tin chắc rằng giải pháp được viết hết sức rõ ràng trong đây. Tôi đã tìm kiếm rất lâu và cuối cùng tôi cũng tìm ra đoạn này, đoạn mà tôi muốn đọc to cho các bạn nghe. Hãy lắng nghe nhé.
48. BÁCH KHOA TOÀN THƯ
SỰ ĐIỀU BÌNH: Mọi dạng sống đều tìm kiếm sự điều bình.
“Điều bình” có nghĩa là cân bằng giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài.
Mọi cấu trúc sống đều hoạt động trong sự điều bình. Chim có xương rỗng để có thể bay. Lạc đà có các bướu giữ nước để có thể sống sót trên sa mạc. Tắc kè hoa thay đổi sắc tố của da để những kẻ săn lùng nó không nhận thấy.
Các loài ấy, cũng như nhiều loài khác, đều sống đến tận ngày nay bằng cách thích nghi với mọi biến động của môi trường xung quanh. Những loài không biết hòa hợp với thế giới bên ngoài đều đã biết mất.
Sự điều bình là khả năng tự điều tiết các cơ quan của chúng ta trước những ràng buộc bên ngoài.
Chúng ta luôn ngạc nhiên khi nhận thấy một cá thể đơn giản nào đó lại có thể bền bỉ chịu đựng thử thách khốc liệt và khiến cơ thể mình thích nghi với thử thách ấy đến mức nào. Trong các cuộc chiến, các cảnh huống mà ở đó con người buộc phải vượt qua chính mình để sống sót, người ta bắt gặp những người cho tới lúc ấy vẫn chỉ quen với tiện nghi và sự thanh bình đã thích nghi không một lời phàn nàn với nước lã và bánh mì khô. Trong vòng vài ngày, những cư dân thành thị mất tích trên núi đã học được cách nhận biết các loại cây ăn được, học được cách săn bắt và ăn những con vật từng khiến họ thấy ghê tởm: chuột chũi, nhện, chuột nhắt, rắn...
Robinson Crusoé của Daniel Defoe hay Đảo bí mật của Jules Verne là những cuốn sách ca ngợi những thành công mà khả năng điều bình của loài người mang lại.
Chúng ta, tất cả chúng ta luôn ở trong trạng thái kiếm tìm sự điều bình hoàn hảo, bởi các tế bào của chúng ta mang sẵn mối bận tâm ấy rồi. Chúng thường xuyên thèm muốn có được mức chất lỏng dinh dưỡng tối đa ở nhiệt độ lý tưởng nhất và không đụng phải sự tấn công của chất độc hại. Nhưng khi không có được thì chúng thích nghi. Chính bằng cách ấy mà các tế bào gan của một kẻ hay say rượu quen với việc đồng hóa rượu hơn tế bào gan của một kẻ không rượu chè gì. Các tế bào phổi của một kẻ nghiện thuốc sản xuất ra nhiều kháng chất chống lại nicotin. Vua Mithridate thậm chí còn luyện cho cơ thể mình chịu đựng được arsenic.
Môi trường bên ngoài càng đối nghịch, nó càng buộc tế bào hoặc cá thể phải phát huy những tài năng chưa được biết đến.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
Bầu không khí im lặng kéo dài sau khi Jason Bragel đọc xong. Ông phá vỡ bầu không khí ấy để nhấn mạnh vấn đề thêm nữa:
- Nếu chúng ta chết, đó là vì chúng ta không thích nghi được với môi trường cực đoan này.
Gérard Galin nổi đóa:
- Môi trường cực đoan, ông bỡn cợt sao! Thế đám tù nhân của Louis XI bị nhốt trong cái nhà tù “bé bỏng xinh xinh” vỏn vẹn một mét vuông ấy, họ có thích nghi với đống thanh chắn không? Thế những kẻ bị xử bắn có thể mài cứng da ngực mình để đẩy đạn ra không? Thế người Nhật có trở nên dẻo dai hơn để chống lại những tia bức xạ nguyên tử không? Ông bỡn cợt sao! Chúng ta không thể thích nghi với một vài loại hình tấn công, dù chúng ta vô cùng mong muốn!
Alain Bilsheim tiến lại gần giá để kinh.
- Cái đoạn trong Bách khoa toàn thư ông vừa đọc thú vị thật đấy nhưng với những gì liên quan đến chúng ta tôi lại chẳng thấy chi tiết cụ thể nào.
- Thế nhưng những điều Edmond nói với chúng ta lại rất rõ ràng: nếu muốn sống sót, chúng ta phải biến chuyển.
- Biến chuyển ư?
- Phải. Biến chuyển. Trở thành động vật ở hang, sống dưới lòng đất và ăn ít. Sử dụng nhóm như phương tiện kháng cự và sống còn.
- Nghĩa là?
- Chúng ta đã làm hỏng mối quan hệ giữa chúng ta với loài kiến và chúng ta phải chịu đựng đau đớn vì chúng ta không tiến đủ xa. Chúng ta vẫn là những con người, sợ rét và thương thân.
Jonathan Wells tán đồng:
- Jason có lý. Chúng ta đã vượt qua chặng đường dẫn chúng ta, về mặt thể xác, đến tận cùng cái hang này. Đó mới chỉ là một nửa hành trình. Dù sao thì tình cảnh buộc chúng ta phải tiếp tục chuyến phiêu lưu.
- Anh muốn nói sau cái hang này vẫn còn cái hang nữa à? Galin cười khẩy. Anh muốn chúng ta đào phía dưới ngôi đền để tìm ra cái hang của ngôi đền, cái sẽ dẫn chúng ta đến chỗ mà chúng ta chẳng biết là đâu ấy à?
- Không. Xin hãy hiểu đúng ý tôi. Một nửa chặng đường là về mặt thể xác và chúng ta đã thực hiện nửa chặng đường ấy bằng cơ thể của chúng ta. Chặng đường còn lại liên quan đến tâm lý chúng ta và tới đây thì mọi chuyện còn chưa được thực hiện. Hiện tại, chúng ta phải thay đổi tư tưởng, phải biến chuyển trong chính đầu óc chúng ta. Chấp nhận sống như những động vật ở hang, những động vật mà chúng ta đã trở thành. Có lần một trong số chúng ta từng nói rằng nhóm chúng ta không thể hy vọng vận hành được với một con cái duy nhất giữa mười lăm con đực. Điều này là đúng với một xã hội loài người, nhưng còn với một xã hội côn trùng thì sao?
Lucie Wells giật bắn người. Cô hiểu lập luận của chồng mình dẫn đến đâu. Để tất cả cùng nhau sống sót, dưới lòng đất và với rất ít thức ăn, cách duy nhất là biến thành... biến thành...
Cùng một lúc, cùng một từ bật ra trên môi mọi người.
Những con kiến.
49. MƯA
Không khí đầy ứ điện tích. Sét châm ngòi một vòi rồng ion ít nhiều mang điện tích âm. Một tiếng gầm nặng nề tiếp nối sau đó rồi một tia chớp mới xé toạc bầu trời thành muôn mảnh, ném lên đám cành lá thứ ánh sáng trắng-tím đáng lo ngại.
Bầy chim bay xuống thấp, phía dưới những con ruồi.
Lại một tiếng sấm gầm nữa. Một đám mây hình cái đe tan vụn ra. Lớp vỏ của con bọ hung bay lóe sáng. 103 683 sợ bị trượt ra khỏi bề mặt sáng bóng này. Nó cảm thấy đúng cái cảm giác bất lực mà nó từng trải qua khi đối mặt với các Ngón Tay, những kẻ canh giữ nơi tận cùng thế giới.
Phải quay về thôi, nó làm cho con bọ của mình hiểu.
Nhưng mưa rơi rất mau. Mỗi giọt đều có thể gây chết chóc. Những hạt chấm chấm nặng nề ấy cứ nối tiếp nhau tạo thành các thanh pha lê trong suốt. Mọi tiếp xúc với cánh của con côn trùng to lớn đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Con bọ cánh cứng hoảng hốt. Nó bay ngoằn ngoèo giữa trận bom mưa xối xả dày đặc, thử mọi cách để len qua giữa những giọt mưa. 103 683 không kiểm soát nổi gì nữa. Nó chỉ còn biết bám víu bằng toàn bộ móc và giác mút dưới chân mình. Mọi thứ diễn ra rất nhanh. Nó thích nhắm đôi mắt hình cầu của mình lại bởi đôi mắt ấy đồng thời nhìn thấy mọi nguy hiểm phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới! Nhưng loài kiến không có mí mắt. Ôi! nó nóng lòng trở về cái sàn của lũ rệp làm sao!
Một giọt mưa nhỏ mịn quất thẳng vào 103 683, khiến râu nó ép chặt vào lồng ngực. Nước dìm ngập cần thu phát của nó và cản trở nó cảm nhận diễn biến sự việc.
Cứ như thể người ta cắt mất tiếng nó vậy. Nó chỉ còn nhìn thấy hình ảnh và như vậy còn kinh khủng hơn.
Con bọ hung to lớn mệt lử.
Các đường bay ngoằn ngoèo giữa những giọt mưa tựa mũi lao này càng lúc càng trở nên khó thực hiện. Mỗi lần hai đầu cánh bị ẩm, cả cơ thể con vật bay lại trở nên nặng thêm một ít.
Chúng vừa tránh được một giọt nước nặng trĩu hình cầu. Con bọ tê giác nghiêng 450 và chuyển hướng để tránh giọt thứ hai còn lớn hơn. Vừa kịp. Nhưng nước rớt vào chân nó rồi bắn ra và tóe vào râu.
Lại một tia chớp sáng nữa. Sấm gầm.
Trong khoảnh khắc, con vật bay mất khả năng nhận thức thế giới bên ngoài. Cứ như thể nó bị hắt hơi vậy. Khi nó lấy lại được khả năng kiểm soát đường bay thì đã quá muộn. Chúng đâm thẳng vào một cột nước trong vắt lấp lánh dưới những tia sét sáng.
Con bọ hung phanh lại bằng cách giữ hai cánh ở vị trí thẳng đứng. Nhưng chúng lao quá nhanh. Phanh ở tốc độ ấy không ăn thua. Chúng bị cuốn đi trong một cú lộn nhào kế tiếp cả một loạt cú lộn nhào khác trước đó.
103 683 bám mạnh vào lớp vỏ của con chiến mã bay tới nỗi các móc của nó vừa chọc thủng lớp kitin. Bộ râu ẩm ướt quật vào mắt nó và dính chặt ở đó.
Lúc đầu chúng va vào một cột nước, rồi cột nước này quăng chúng vào một dòng nước mưa lấm chấm. Cơ thể chúng ướt sũng. Giờ chúng nặng gấp mười lần trọng lượng ban đầu của mình. Chúng rơi như một quả lê chín xuống mái phủ bằng cành con của Cấm Thành.
Con bọ tê giác vỡ tung, sừng gãy dập, đầu nát bươm. Đôi cánh cứng của nó chổng lên trời như để tiếp tục bay đơn lẻ. 103 683, con kiến nhẹ hơn, đã thoát khỏi thảm họa mà không hề hấn gì. Nhưng cơn mưa không để nó được ngơi nghỉ. Nó lau râu qua loa và lao về phía một cổng vào của thành phố.
Một ống thông gió xuất hiện. Các kiến thợ đã bịt nó lại để bảo vệ Cấm Thành khỏi lũ lụt nhưng 103 683 phá tan được cái đập ấy. Bên trong, đám kiến canh gác chửi rủa nó. Thế nó không biết là nó đang đặt Cấm Thành vào tình trạng nguy hiểm sao? Quả vậy, một dòng nước nhỏ tiếp bước nó. Con kiến lính không bận tâm, nó tiếp tục chạy nước kiệu trong khi đám kiến thợ nề vội vàng đóng buồng thông áp an toàn lại.
Khi nó dừng lại, kiệt sức nhưng khô ráo, một con kiến thợ đầy lòng thương đề nghị trao đổi dinh dưỡng với nó. Kẻ thoát nạn chấp nhận với lòng biết ơn.
Hai con côn trùng mặt đối mặt và bắt đầu chạm miệng vào nhau, rồi ợ ra các thức ăn nằm sâu dưới đáy diều của chúng. Sự ấm áp, món quà của cơ thể, là tất cả những gì nó yêu thích.
Rồi 103 683 lao vào một đường hầm và đi qua rất nhiều hành lang.
50. MÊ CUNG
Những hành lang tối tăm và những con đường chật hẹp ẩm ướt. Trong đó trôi nổi những mùi khác thường. Trên mặt đất là những mẩu thức ăn thối rữa và đống rác thải đủ màu. Đất dính dáp vào chân, các bức tường bốc mùi ẩm.
Những cái dạ dày người xuất hiện. Dân vô gia cư, ăn xin, nhạc sĩ giả danh, dân vô công rồi nghề thực thụ tụ lại với nhau thành những cái dạ dày phát lộn mửa.
Một trong số những kẻ ấy, quấn chặt mình trong chiếc áo blouson màu đỏ, tiến lại gần, cái miệng móm nở nụ cười ranh mãnh:
- Thế nào, cô nàng nhỏ bé này đi dạo một mình trong tàu điện ngầm ư? Cô ta không biết như thế là nguy hiểm à? Cô ta không muốn có vệ sĩ à?
Hắn cười gằn, múa may quanh cô.
Tùy từng lúc, Laetitia Wells biết cách buộc những kẻ thô lỗ phải tôn trọng mình. Cô cau đôi mắt màu hoa cà lại, hai tròng mắt tím gần như chuyển sang màu đỏ máu, rồi phát đi thông điệp: “Tránh ra!” Gã đàn ông vừa chuồn đi vừa làu bàu:
- Tránh thì tránh, hừ, đồ kênh kiệu! Nếu bị tấn công thì cứ việc mà tìm hắn!
Lần này, chiến thuật ấy đã tỏ ra hiệu nghiệm nhưng không có nghĩa là lần nào nó cũng có tác dụng. Thế mà, nếu tàu điện ngầm trở thành phương tiện lưu thông hợp lý nhất thì nó cũng sẽ là sào huyệt của những kẻ săn mồi thời hiện đại.
Cô đi ra bờ kè và vừa nhỡ một chuyến tàu. Hai, rồi ba đoàn tàu chạy qua theo hướng ngược lại trong khi quanh cô, đám đông cứ mỗi lúc một lớn thêm, cô tự hỏi không biết có phải lại xảy ra một vụ đình công bất ngờ không hay một tên ngốc nào đó nảy ra ý định tự tử tồi tệ cách đó vài trạm dừng.
Rốt cuộc, hai hình cầu ánh sáng cũng xuất hiện. Tiếng phanh rít lên ken két gần như chói tai xoáy vào màng nhĩ cô. Cái ống dài bằng tôn được sơn vẽ và gỉ sét ấy trải dài trên bờ kè, trưng ra đủ loại graffiti: “Chết đi những thằng ngu”, “Đứa nào đọc cái này đứa đấy thật khốn kiếp”, “Babylone sắp đến ngày tận thế của mày”, “Mẹ kiếp cái lãnh thổ của bọn con trai điên khùng khốn nạn”, đó là chưa kể những thông báo nhỏ và các bức vẽ tục tĩu được phác họa vội vã bằng bút dạ hoặc dao nhíp.
Khi các cánh cửa mở ra, cô kinh hãi nhận thấy các toa đã đầy ứ đến độ muốn nổ tung. Những khuôn mặt và những bàn tay áp vào kính. Dường như không ai có đủ can đảm để kêu cứu.
Cô cũng chẳng còn nhớ đâu là động lực thúc đẩy những người kia ngày ngày tình nguyện (thậm chí mất tiền) để dồn đống lại thành năm trăm mạng trong cái hộp tôn nóng nực vài mét vuông ấy. Không con vật nào đủ điên để tự mình đặt mình vào tình huống tương tự!
Ngay tức thì, Laetitia phải đối mặt với hơi thở chua loét của một bà già ăn vận rách rưới, mùi nôn mửa của thằng bé bị ốm được một bà sặc mùi nước hoa rẻ tiền bế trên tay, một thợ nề bốc mùi mồ hôi khắm lặm. Quanh cô cũng có một quý ông sành điệu đang tìm cách sờ mông cô, một nhân viên soát vé đang yêu cầu kiểm tra vé của cô, một kẻ thất nghiệp đang xin xỏ những đồng xu còm cõi hay vé ăn, một tay ghi ta gào rát cổ bỏng họng bất chấp tiếng ồn ào inh ỏi.
Bốn mươi lăm thằng nhóc của một lớp dự bị đại học lợi dụng lúc mọi người không chú ý lấy đầu nhọn bút bi đâm thủng lớp vải giả da của mấy cái ghế chúng ngồi, một tốp quân nhân gào lên “Giải ngũ rồi!”. Các cửa kính mờ đi vì hơi nước tỏa ra từ hàng trăm hơi thở không ngớt ấy.
Laetitia Wells hít bầu không khí ô nhiễm đó một cách chậm rãi, cô nghiến răng lại và kiên nhẫn kìm chế cơn buồn nôn của mình. Dù sao cô cũng không nên phàn nàn, cô chỉ mất nửa tiếng để đi từ nhà đến chỗ làm. Nhiều người còn ngồi mất ba tiếng mỗi ngày trong cái thứ này vào giờ cao điểm ấy chứ!
Chẳng diễn viên giả tưởng nào từng hình dung nổi cảnh tượng tương tự. Một nền văn minh mà ở đó con người chấp nhận bị ép nén bởi hàng nghìn người khác trong những cái hộp tôn!
Cỗ máy bắt đầu chạy, trượt trên đường ray làm lóe lên những tia sáng.
Laetitia Wells nhắm mắt lại để cố lấy lại bình tĩnh và quên đi mình đang ở đâu. Bố cô từng dạy cô cách giữ tâm trạng thanh thản bằng cách kiểm soát hơi thở. Khi kiểm soát được hơi thở, người ta hẳn sẽ cố gắng thuần hóa nhịp tim để chúng đập chậm hơn.
Các suy nghĩ linh tinh ngăn cản cô tập trung. Cô lại nghĩ về mẹ mình... không, đặc biệt không nên nghĩ về... không.
Cô mở mắt ra, nhịp tim và nhịp thở của cô lại tăng lên.
Xung quanh đã quang quẻ. Thậm chí còn có một chỗ ngồi bỏ không. Cô vội ngồi xuống đó và thiếp ngủ. Dù sao cô cũng chỉ xuống ở trạm cuối. Và càng bớt ý thức được việc mình đang ở trên tàu điện ngầm, cô càng khỏe khoắn.
51. BÁCH KHOA TOÀN THƯ
THUẬT GIẢ KIM: Mọi thao tác giả kim đều nhằm mục đích bắt chước hoặc tái tạo sự ra đời của thế giới. Có sáu thao tác cần thiết. Đốt Cháy. Phân Hủy. Hòa Tan. Chưng Cất. Nhào Trộn. Làm Thăng Hoa.
Sáu thao tác này diễn ra qua bốn giai đoạn: tác phẩm ở dạng màu đen, hay còn gọi là giai đoạn nấu chín. Tác phẩm ở dạng màu trắng, hay còn gọi là giai đoạn làm bốc hơi. Tác phẩm ở dạng màu đỏ, hay còn gọi là giai đoạn nhào trộn. Và cuối cùng là giai đoạn làm thăng hoa tạo ra những bụi vàng. Thứ bụi này giống với thứ bụi của Merlin l’Enchanteur trong truyền thuyết về các Hiệp sĩ Bàn tròn. Chỉ cần đặt nó lên một người hay một vật nào đó là đủ để khiến nó trở nên hoàn hảo. Trên thực tế, có rất nhiều truyện kể và huyền thoại giấu công thức này phía sau cốt truyện. Chẳng hạn truyện Nàng Bạch Tuyết. Nàng Bạch Tuyết là kết quả cuối cùng của một quá trình giả kim. Làm thế nào mà ta có được nàng? Với bảy chú lùn (lùn, xuất phát từ “thần giữ của”, hay sự hiểu biết). Bảy chú lùn ấy đại diện cho bảy kim loại: chì, thiếc, sắt, đồng, thủy ngân, bạc, vàng, bản thân bảy chú lùn cũng có mối liên hệ với bảy hành tinh: sao Thổ, sao Mộc, sao Hỏa, sao Vệ Nữ, sao Thủy, Mặt trăng, Mặt trời, bản thân bảy chú lùn cũng có mối liên hệ với bảy tính cách đặc trưng của con người: cáu bẳn, chất phác, mơ mộng, v.v.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
52. CUỘC CHIẾN NƯỚC
Những tia chớp vẫn lóe lên dọc ngang trên bầu trời giông bão, nhưng không con kiến nào còn lòng dạ chiêm ngưỡng những áng mây nâu ánh vàng bị những tia sáng trắng xé toạc. Cơn giông đúng là một tai ương.
Bao nhiêu giọt mưa rơi xuống Cấm Thành là bấy nhiêu trái bom và những kiến chiến binh nấn ná bên ngoài để thực hiện những chuyến săn muộn đã bị thứ đạn lỏng ấy quật vào.
Trong lòng Bel-o-kan, một trong những thử nghiệm được Chli-pou-ni tiến hành hồi mùa xuân giờ đang khiến thảm họa thêm trầm trọng.
Kiến chúa từng cho đào kênh nhằm thúc đẩy quá trình lưu thông từ khu vực này sang khu vực khác. Đám kiến đi lại trong đó trên những chiếc lá nổi dập dềnh. Song dưới cơn mưa rào, những dòng suối nhỏ dưới lòng đất ấy trào lên thành những con sông, đám đông kiến canh gác vất vả lắm mà không ngăn nổi cơn giận dữ của những con sông đó.
Trên đỉnh vòm, tình hình còn tệ hại hơn. Những hạt mưa đá khoan thủng lớp lót bằng cành con của Cấm Thành. Nước ào qua những vết thương chi chít ấy.
103 683 cố hết sức bít lỗ hổng lớn nhất.
Tất cả đi vào phòng sưởi nắng, nó kêu lên, cần phải cứu các ấu trùng!
Một nhóm kiến lính vội vàng đi theo nó, bất chấp những ngọn sóng ồ ạt.
Phòng sưởi nắng nằm ở vị trí cao đã mất đi ánh sáng quen thuộc. Trên trần, đám kiến thợ bị nỗi âu lo giày vò đang cố thử lấp mấy cái lỗ hổng bằng lá rụng. Nhưng nước lại ào vào ngay sau đó và chảy thành những dải dài ánh bạc trên sàn. Tất cả đều sũng nước. Không thể cứu được toàn bộ đám vỏ kén quý báu, có quá nhiều. Đám kiến vú em vừa kịp cứu thoát một vài ấu trùng chín sớm. Đống trứng bị quẳng vội cho đám kiến thợ vỡ tan ngay sát mặt đất.
Khi ấy, 103 683 nghĩ đến lũ kiến nổi loạn. Nếu nước rút, mà nước thì luôn rút, rút đến tận mấy chuồng bọ hung, lũ kiến nổi loạn sẽ chết hết!
Báo động giai đoạn 1: Các pheromon kích động lan tỏa hết mức có thể, chúng thường bị hơi nước làm nhiễu.
Báo động giai đoạn 2: Kiến lính, kiến thợ, kiến vú em, kiến hữu tính, tất cả cùng dùng đầu bụng dưới gõ vào các bức tường, gõ rất dữ dội và kiên trì. Tình cảnh chiến trận lộn xộn ấy làm cả Cấm Thành rung chuyển.
Bùng, bùng, bùng. Báo động! Nghìn lần báo động!
Nỗi hốt hoảng mới kinh khủng làm sao!
Ngay cả đám kiến đã mắc kẹt trong những vũng nước cũng cố gõ vào đất qua làn nước để toàn thành phố ở trong tình trạng báo động. Tiếng khua đập giống như tiếng máu đứt rời trong các động mạch.
Trái tim thành phố hổn hển.
Đáp lại tiếng hổn hển ấy là tiếng mưa đá khoan đục vòm. Bốp, bốp, bốp.
Những cái hàm dưới dù vô cùng sắc bén liệu có thể làm được gì chống lại những giọt mưa?
Báo động giai đoạn 3: Tình huống đang trở nên cực kỳ nguy kịch. Một vài kiến thợ hóa cuồng chạy tứ tung. Những cái râu chìa ra của chúng tuôn ào ạt các pheromon gào thét khó hiểu. Trong cơn náo loạn, một vài con còn làm đồng loại bị thương.
Ở loài kiến đỏ hung, pheromon báo động mạnh nhất là một chất được tuyến vỏ gai tiết ra. Mang tên n-decane, đó là một hydrocacbon bay được có công thức hóa học C10-H22. Một mùi đủ nặng để khiến một kiến vú em đang ngủ đông phát điên phát cuồng.
Không có sự hy sinh của đám kiến gác cổng, hẳn cơn sóng thần đã chẳng buông tha Cấm Thành. Bằng cách dùng đầu phong tỏa kín bưng các lối vào, những lính gác anh hùng này đã ngăn không cho kẻ xâm chiếm lỏng dìm ngập gốc cây trung tâm. Toàn bộ cư dân Cấm Thành, đứng đầu là kiến chúa Chli-pou-ni đều bình an vô sự.
Tuy nhiên, giờ nước đang tràn xuống các phòng rệp. Lũ vật màu xanh lá ấy thốt ra những tiếng kêu tỏa mùi vô nghĩa.
Bị dồn vào thế phải bỏ trốn, lũ kiến chăn rệp chỉ có thể cứu được một nhúm rệp sắp đến kỳ sinh nở.
Khắp nơi, lũ kiến tìm cách xây cao các con đập. Chúng miệt mài gia cố con đập được đặt một cách chiến lược ở hành lang chính và đang gắng sức kìm chế cơn thác lũ điên cuồng. Nhưng sức nước là điều khó lòng chống nổi. Con đập vỡ vụn, nứt toác và tan tành. Công trình vỡ tung, khiến một cuộn nước đột ngột òa ra cuốn theo những con kiến thợ nề dũng cảm.
Cuốn theo những kẻ chết đuối, con nước tràn qua các hành lang, làm sụp các mái vòm, nhổ tung các cây cầu, làm xáo trộn địa hình dưới lòng đất trước khi ập vào các phòng trồng nấm. Cả ở đây nữa, đám kiến trồng trọt cũng chỉ kịp hái một vài bào tử quý rồi bỏ chạy.
Đám bọ cánh cứng sống trong nước, cái đám niềng niễng trứ danh mà Chli-pou-ni rất muốn thuần hóa ấy, hiện diện khắp nơi, chúng sung sướng nô giỡn trong môi trường quen thuộc, ngấu nghiến lũ rệp, xác kiến và ấu trùng đang hấp hối.
Vòng đi vòng lại nhiều lần, vượt qua các chướng ngại vật, cuối cùng 103 683 cũng đến được chuồng bọ tê giác. Lũ vật tội nghiệp đang xập xòe bay chỗ này chỗ kia hòng tránh bị chết đuối. Nhưng trần thấp tới nỗi chúng bị va vào đó ngay lập tức và hết sức kinh hãi.
Ở đây cũng như ở mọi nơi, bất chấp hiểm nguy, các kiến thợ chăm chỉ vẫn lo lắng cứu sống con bọ nhỏ và đẩy những viên phân bò hình cầu đầy trứng ra chỗ khô ráo. Tuy nhiên, chúng cũng biết, mất mát rất lớn và không thể tránh khỏi.
Chân ẩm khiến lũ bọ hoảng sợ và húc sừng lên trần. Phải nhờ có tính cảnh giác của lính chiến binh, 103 683 mới lướt qua được giữa những cú húc điếng người.
Rốt cuộc cũng đến được lối vào chỗ trú ẩn của đám kiến nổi loạn. Hữu thần hay vô thần, tất cả đều ở đó. Nhưng nếu lũ kiến vô thần căng thẳng nháo nhào thì lũ kiến hữu thần lại bình tĩnh một cách kỳ lạ. Tai biến không khiến chúng sửng sốt.
Chúng ta không nuôi dưỡng các đức chúa đầy đủ, chính vì vậy họ dìm ướt chúng ta.
103 683 cắt ngang những lời ê a của chúng. Sắp chẳng còn lối thoát nào nữa. Nếu chúng muốn cứu phong trào nổi loạn thì quan trọng là phải chuồn đi ngay lập tức.
Cuối cùng chúng cũng lắng nghe và theo gót nó. Đúng lúc bỏ đi, con kiến số 24 chìa cho nó cái vỏ kén bướm mà nó đã bỏ lại đó trong đợt viếng thăm trước.
Dành cho nhiệm vụ Sao Thủy. Chị không được quên cái này.
Thay vì lại phải tranh cãi, 103 683 vác lấy cái vỏ kén và kéo lũ kiến nổi loạn theo mình. Nhưng giờ không thể vượt qua chuồng được nữa. Căn phòng đã hoàn toàn bị ngập. Bọ tê giác và cả kiến cùng trôi nổi giữa hai dòng nước.
Cần phải đào thật nhanh một đường hầm mới, 103 683 ra lệnh.
Cần phải làm nhanh, mực nước đang bắt đầu dâng trong phòng. Toàn bộ thức ăn nổi lềnh bềnh.
Nước dâng càng lúc càng nhanh.
Song lũ kiến hữu thần không nghĩ đến việc phàn nàn. Phần lớn cam tâm chịu đựng cơn cuồng giận công bình của thần thánh.
Chúng tin rằng cơn mưa tàn phá ập đến tấn công chúng chỉ là để ngăn cuộc thập tự chinh của Chli-pou-ni.