Chương IX


Chương VI
Diễn thuyết

     ồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy.
Người Pháp rất ghét những bài ca ái quốc của Nghĩa thục, mà cũng không ưa gì những cuộc diễn thuyết, nhưng các cụ cứ diễn thuyết bừa đi, xem họ phản ứng ra sao.
Như trên tôi đã nói, đợi lâu quá không được phép, các cụ mở trước những lớp dạy Quốc ngữ. Vài tháng sau, phủ Thống sứ mới ký giấy cho mở trường, nhưng không phải khi không họ ký đâu, mà phải nhờ một cuộc diễn thuyết làm vang động cả Hà Thành, họ mới chịu nhượng bộ.
Cuộc diễn thuyết đó do Dương Bá Trạc và Lương Trúc Đàm, hai thanh niên rất hăng hái, đứng ra tổ chức ở đền Ngọc Sơn. Chắc nhiều độc giả đã biết đền này là một thắng cảnh ở ngay trung tâm Hà Thành, cất trên một cù lao giữa hồ Hoàn Kiếm. Vài nhịp cầu gỗ cong cong - cầu Thê Húc - nối đền vào bờ. Trong sân đền, ngay ở mí nước, dựng lên một nhà thủy tạ, mỗi chiều rộng chừng tám thước, trên có nóc nhưng bốn bên trống. Hồi đó đền có lệ cứ đến ngày Thượng nguyên, đón một vị Hòa thượng đến thuyết pháp cho thiện nam tín nữ nghe [1]. Hai cụ Bá Trạc và Trúc Đàm lợi dụng ngay chỗ đó để diễn thuyết cho có đông thính giả.
Tin truyền miệng ra rất mau, nhiều người khuyên đừng làm e sẽ thất bại. Cụ Trúc Đàm khảng khái đáp:
- Mình làm việc chính đại quang minh, họ không thể giết mình được.
Chiều ngày rằm tháng giêng năm Đinh Mùi (1907) hàng trăm người có cảm tình đợi sẵn ở sân đền. Lại thêm những người đi lễ, thành thử chen chân không lọt, nhiều người tới trễ phải đứng cả ở trên cầu và trên bờ ngó vào. Vị Hòa thượng sắp giảng kinh thì cụ Trúc Đàm lại xin nhường chỗ cho cuộc diễn thuyết. Tức thì cụ Dương đăng đàn, giọng sang sảng hô hào đồng bào bỏ cái học cử nghiệp đi mà noi gương duy tân của Nhật Bản.
Mọi người đương chăm chú nghe, tới tiếng chuông, tiếng mõ cũng ngưng thì bỗng thiên hạ ào ào, la hét: “Đội xếp đội xếp!” Rồi tranh nhau chạy. Nhưng chạy đâu? Đền chỉ có mỗi một lối ra là cầu Thê Húc thì cảnh binh đã chặn rồi. Chắc các cụ lúc đó mới thấy rằng mình khờ, lựa ngay cái rọ mà đưa đầu vào. Đã đành chính hai cụ đâu có sợ gì mật thám cùng cảnh binh, nhưng còn thính giả thì sao? Cảnh hỗn độn không thể tả: người ta kêu khóc, quay cuồng, nhớn nhác, xô đẩy nhau, giẫm lên nhau, nón bẹp, giầy văng, khăn xổ, áo toạc. Có kẻ hổn hển nằm rạp sau hai bức tượng Châu Xương và Quan Bình; có kẻ chui xuống dưới gặm bàn thờ; quýnh quá, một số nhảy ùm xuống hồ, chới với vì không biết lội.
Hai cụ Bá Trạc và Trúc Đàm vẫn ngang nhiên đứng giữa nhà thủy tạ với vài chục người bình tĩnh. Cụ Dương la:
- Xin anh em chị em đừng sợ!
Nhưng nào mấy ai chịu nghe?
Một cảnh binh Pháp tiến từ cầu vô, vẻ mặt hầm hừ, xì xồ ít tiếng. Người thông ngôn dịch ra, hỏi:
- Ai cầm đầu?
Hai cụ đồng thanh tự nhận:
- Tôi. Tôi.
Tức thì tiếng vỗ tay vang rền, tiếp theo là một loạt roi đập đôm đốp lên lưng, lên đầu quần chúng.
Cảnh binh dẫn hai cụ về sở Cẩm Hàng Trống tra hỏi, tới tối mới thả ra.
Ít bữa sau, hai cụ được giấy mời lên phủ Thống sứ. Người Pháp thời đó mới lập xong cơ sở ở nước mình, còn muốn thu phục nhân tâm, nhất là bọn nhà nho được dân trọng vọng, nên thường có cử chỉ cũng khá nhã, không như bọn thực dân hồi sau nay. Có lẽ một phần cũng nhờ ảnh hưởng của bức thư chân thành do cụ Tây Hồ gởi mấy tháng trước cho họ. Nguyên sau khi từ biệt cụ Lương văn Can để về Quảng Nam, cụ Tây Hồ đã có định kiến, quyết tranh đấu ở ngoài ánh sáng. Cụ thảo một bức thư chữ Hán dài hai chục trang, vạch ba cái tệ của chính phủ: một là dung túng bọn quan lại thành ra cái tệ quan dân coi nhau như mẹ chồng con dâu; hai là khinh dể kẻ sĩ, gây ra cái tệ xa cách giữa nhà cầm quyền Pháp và các nhà trí thức Việt; do hai tệ đó mà gây ra cái tệ thứ ba là để quan lại hà hiếp dân. Cuối thư, cụ yêu cầu chính phủ Bảo hộ tổ chức lại quan trường, mở mang dân trí, khuếch trương thực nghiệp.
Người Pháp trọng tinh thẩn ngay thẳng của cụ, thấy lời lẽ ôn hòa mà hữu lý nên nể các nhà nho chân chính ái quốc và tiếp hai cụ Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm một cách có lễ độ.
Viên Thống sứ Bắc Việt mời hai cụ ngồi rồi ôn tồn hỏi:
- Sao các ông làm nhiễu loạn trị an của chính phủ như vậy? Các ông có nhận là có lỗi không?
Cụ Dương đáp:
- Nước Pháp đặt nền Bảo hộ ở đây đã hai chục năm, tự nhận công việc khai hóa cho chúng tôi mà tới nay chưa mở mang dân trí được chút nào, nên chúng tôi phải đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ, như vậy là chúng tôi thành tâm tiếp tay chính phủ, chứ sao gọi là nhiễu loạn cuộc trị an được? Chúng tôi chỉ khuyên dân duy tân để theo kịp người Âu, chú trọng đến thực nghiệp để nước được giàu, như vậy là lợi cho chính phủ, sao gọi là lỗi? Vả lại chúng tôi đã xin phép chính phủ mở trường và diễn thuyết mà hai tháng rồi, thấy chính phủ làm thinh, chúng tôi nghĩ là chính phủ đã mặc hứa, như vậy thì chúng tôi đâu phải là không biết trọng phép của chính phủ?
Gục gặc đầu suy nghĩ một chút, viên Thống sứ nhã nhặn phủ dụ:
Hai ông có lòng yêu nước An Nam thì cũng như người Pháp chúng tôi yêu nước Pháp vậy, nào tôi có muốn ngăn cản. Sở dĩ tôi chưa cho phép được là còn phải đợi ý kiến quan Toàn quyền. Thôi hai ông về đi, tôi sẽ đem việc đó nhắc lại với ngài và chắc ngài cũng không hẹp lượng gì đâu.
Viên Thống sứ giữ lời hứa và khoảng hai tháng sau, Nghĩa thục được giấy phép.

*

Từ khi trường có tính cách hợp pháp, những cuộc diễn thuyết được tổ chức thường hơn, mới đầu ở Hà Thành rồi lần về các miền lân cận như làng Nhị Khê, làng Quang, làng Mọc, làng Bưởi, tại những nơi có đình chùa rộng và hội viên sốt sắng. Cảnh thực tưng bừng và phấn khởi: dưới những gốc đa, những tàng muỗm, các ông già bà cả, các thanh niên trai gái chăm chú nghe các cụ, như nuốt từng lời của các cụ, tìm trong đó cái hy vọng ở tương lai rực rỡ của non sông. Tình thân mật giữa các sĩ phu và bình dân chưa bao giờ đậm đà như vậy: người trên thì biết lãnh trách nhiệm, nêu gương cho người dưới, người dưới thì tin cậy, quí mến người trên. Đẹp như lời trong Hải ngoại huyết thư:
Chữ tâm một phút đâu đâu cũng đồng.
Trong những buổi diễn thuyết ở Nghĩa thục, số thính giả lần nào cũng rất đông, có khi thiếu ghế, phải kê mễ mà cũng không đủ chỗ ngồi. Cụ Lương chủ tọa, ngồi bên cạnh diễn giả, rồi tới các giáo sư của trường và các nhà danh vọng Hà Thành. Thính giả đàn ông ngồi một bên, đàn bà ngồi một bên, sau lưng phụ nữ là học sinh. Nửa thế kỷ trước mà có những cuội hội họp nam nữ như vậy thật là “duy tân” lắm.
Đầu đề các cuộc diễn thuyết thường là bàn về phương sách tự cường, cứu quốc, một đôi khi cũng xét về những vẩn đề văn hóa, kinh tế. Các giáo sư như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn văn Vĩnh thay phiên nhau đăng đàn, nhưng nhà hùng biện nhất vẫn là cụ Tây Hồ. Mỗi lần ở Quảng Nam ra thì cụ đều lại Nghĩa thục để diễn thuyết. Cụ hay nghiên cứu lẽ suy vi của dân tộc, tìm được nguyên nhân gì, cụ hăng hái trình bày ngay.
Có lần chuông mới rung, cụ vào đề ngay:
- Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo; không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lợi riêng của mình. Này bà con thử xét đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy; quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu, nào bị cướp sáo ở Chương Dương độ nào bị bắt trói ở Hàm Tử quan, rồi ôm hận ở trận Vạn Kiếp, chịu nhục ở trận Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư, nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?
Rồi cụ thao thao dẫn thêm chứng, lấy trong cổ sử Đông Tây. Khi cụ mới tạm ngừng, cụ Phương Sơn đứng đậy đưa tay xin phản đối:
- Thưa cụ, chúng tôi e lời cụ chưa chắc đã đúng hẳn. Đọc sử vạn quốc, chúng tôi được biết tinh thần tôn giáo không đâu mạnh bằng Ấn Độ, mà Ấn Độ cong lưng nô lệ Anh Cát Lợi hơn hai thế kỷ nay. Cụ đã nói đến quân Nguyên thì chúng tôi cũng xin xét về quân Nguyên. Cái lẽ bách chiến bách thắng của họ có nhờ tinh thần tôn giáo của họ đâu, vậy thì ta đuổi họ ra khỏi cõi, cũng vị tất nhờ tinh thần Phật giáo của ta. Vả lại, nói đời Trần thắng Nguyên nhờ Phật giáo thịnh, thì những đời sau, Phật giáo còn thịnh nữa đâu mà ta cũng diệt được Minh, được Thanh?
Hai cụ tranh biện với nhau khá lâu, sau cụ Lương đứng ra hòa giải:
- Cụ Tây Hổ và ông Phương Sơn mỗi bên đều có lý hết. Hôm nay hội họp cũng đã lâu rồi, xin để đến phiên sau.
Một lần khác, cụ Tây Hồ cho chính cái nho học làm cho Việt Nam suy nhược. Cụ thảo một bài nhan đề là: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”, [2] đem bao nhiêu tội đổ lên chế độ khoa cử rồi kết luận là phải bỏ Hán tự.
Cụ đưa bản nháp cho cụ Phương Sơn và nói:
- Kỳ sau, tôi sẽ bàn về vấn đề này đây.
Vừa đọc xong nhan đề, cụ Phương Sơn đã đặt tờ giấy xuống, đáp:
- Nếu cụ diễn thuyết về đầu đề đó thì chúng tôi lại xin phép cụ phản đối cụ nữa. Chúng tôi sẽ nói: “Bất chấn Hán học, bất túc dĩ cứu Nam quốc” [3]. Chế độ khoa cử hủ bại ta phải bỏ, chúng tôi đồng ý với cụ về điều ấy, còn Hán học đã đào tạo biết bao anh hùng, liệt sĩ, thì sao lại phế nó đi?
Ngay lúc đó, cụ Lương Trúc Đàm ở đâu lại, nghe rõ câu chuyện, cũng biểu đồng tình với cụ Phương Sơn. Cụ Tây Hồ tinh thần quân tử, khoáng đạt, cười:
- Hai tiên sinh đều phản đối thì tôi xin thôi, để tôi xét lại xem.
Mỗi khi các diễn giả nhắc đến chuyện tiền bối xả thân cứu nước, thính giả, nhất là phái nữ, đều rớt nước mắt.
Một tối, cụ Tây Hồ hăng hái quá, nói:
- Người ta sở dĩ sợ chết ham sống là vì có nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, cho nên cắt tình không được, còn bọn chúng ta đây, bất quá chỉ có “thượng xỉ hạ đạn”, còn sợ gì nữa mà không làm, còn quyến luyến gì nữa mà sợ chết?
Cụ Nguyễn Hữu Tiến, ngồi bên nghe, cảm động, đọc ngay hai câu thơ của cụ Sào Nam:
Giang sơn tử hĩ, sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Rồi ôm mặt khóc. Một hồi lâu, trong phòng chỉ còn nghe tiếng sụt sịt của thính giả.
Có những lúc khóc như vậy thì cũng có những lần thính giả ôm bụng mà cười. Làm cho mọi người cười thì cũng vẫn là cụ Tây Hồ. Hô hào đồng bào theo người Âu, cắt búi tóc đi, cụ nói:
- Mấy ngàn năm trước, dân tộc ta đoạn phát văn thân [4]. Từ khi bị Triệu Đà cướp nước, mới nhiễm tục Trung Hoa, nhưng chỉ một số người ở thành thị theo họ thôi. Tới khi nhà Minh chia nước ta thành quận huyện, cưỡng bách toàn dân ăn mặc như họ, thì trai mới bới tóc, gái mới mặc quần hai ống, và người mình thành người Tàu. Ngày nay - chỗ này cụ lớn tiếng - may mà Trời mở lòng người, một sớm thức tỉnh, cả nước duy tân, anh em cát phăng cái búi tóc đi, khiến cho cái lũ xuẩn xuẩn vi trùng [5] không còn đất thực dân trên đầu ta mà hút máu ta thì há chẳng phải là đại khoái ư? Sao, anh em mình sao?
Tiếng cười, tiếng hoan hô vang cả phòng. Lần đó cụ thành công nhất.
Khoảng nửa tháng sau, tại Hà Thành, đi đâu cũng nghe thấy có người hát bài “Húi hề”, không biết của ai.
Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo.
Bỏ cái ngu này,
Bỏ cái dại này
Ngày tây ta cúp
Ngày mai ta cạo.
[6].
Rồi ở Hà Tĩnh, một thanh niên hai mươi tuổi, mỗi buổi chợ phiên, cầm kéo ra chợ, gặp ai còn bới tóc cũng năn nỉ: “Lạy anh, xin anh cho tôi cắt cục tóc bảo thủ này đi cho rồi”.
Phong trào lan rất nhanh ở Trung và Bắc, trong Nam có phần chậm hơn. Các cụ cắt tóc ngắn không phải chỉ vì vấn đề tiện lợi, mà chính là để tỏ cái ý đoạn tuyệt với hủ tục. Cắt tóc theo các cụ là duy tân, là ái quốc.
Chú thích:
[1] Người mình không có óc cố chấp về tôn giáo, nên đền thờ Quan Công mà cũng đón rước các Hòa thượng.
[2] Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam.
[3] Không chấn hưng Hán học thì không cứu được nước Nam.
[4] Cắt tóc, xâm mình.
[5] Cụ muốn nói mấy con chấy mà ám chỉ thực dân.
[6] Tác giả bài này là Phan Khôi (1887-1959) sáng tác vào các năm 1904-1905 ở Quảng Nam (BT).