ơn mưa tươi mát buổi sáng xóa nhòa bao oi nồng khó chịu của những ngày nắng bức kéo dài hơn tháng nay. Phượng thu mình nhỏ bé ngồi trong quầy sách, nhìn mông lung ra đường. Sông Hương trước mặt lờ mờ, sau làn mưa bụi trắng xóa, khúc quanh dẫn qua cầu Tràng Tiền lướt thướt những tấm áo mưa xanh đỏ. Phượng thả hồn theo từng cánh mây xám mỏng lan tỏa một vùng trời sũng nước, nghĩ đến những ngày buồn nản vừa qua của mình... Đã hơn mười ngày nay kể từ hôm bà Mộng Thu đến nhà gây chuyện, bầu không khí trong nhà ngoại trở nên nghẹt thở. Gương mặt ông bà lúc nào cũng buồn buồn khó hiểu, còn dì Hạnh thì khỏi nói, nhìn dì, Phượng xót xa muốn đứt từng khúc ruột. Dì lặng lẽ vào ra trong nhà như một cái bóng, không buồn mở miệng nói với ai một lời, kể cả với Phượng, cô cháu gái dễ thương mà dì từng yêu quý. Đi làm về, lo cơm nước cho ông bà xong, dì vào phòng nằm dài trên giường, không ăn, không uống... bà ngoại chỉ biết khóc, bà sợ dì mất sức, dì chết... còn ông ngoại thì lúc nào cũng cầu cứu Phượng:- Cháu lên gác gọi dì Hạnh xuống ăn cơm với ông bà nào.Đã bao lần Phượng rón rén bước trên từng bậc thang gỗ, mở của phòng dì để bùi ngùi nhìn thấy dáng hình gầy guộc của dì dán sát vào giường, tấm drap hoa vắt qua người mỏng dính. Hai tay dì buông xuôi, tóc tai dì rũ rượi trên nền gối trắng làm Phượng không cầm được nước mắt.- Dì Hạnh ơi, tội tình chi mà dì đày đọa tấm thân như vậy. Xuống ăn cơm đi dì, ông bà ngoại đang lo cho dì, cả cháu nữa. Sự việc không đến nỗi bi quan lắm đâu, chú Long rất yêu dì mà.Dì Hạnh mệt mỏi xua tay:- Cháu đừng nhắc đến tên con người ấy nữa, dì đã dứt khoát rồi.Phượng quì xuống bên giường dì, vuốt ve bàn tay xanh xao của dì:- Không nên dì ơi, đừng để vuột mất hạnh phúc đáng quý của mình. Bà Mộng Thu là một con người điêu xảo, ăn không được bả muốn quậy cho hôi đó thôi. Theo như cháu biết, tình vợ chồng giữa bả và chú Long đã chấm dứt từ lâu rồi.Dì Hạnh lắc đầu:- Mặc kệ họ, dì không còn quan tâm đến ai nữa hết.- Dì ơi, hiện giờ trong tim chú Long chỉ có mỗi hình bóng dì.Dì Hạnh cười héo hắt:- Cháu lại nói theo luận điệu của ông ấy chớ gì. Cháu còn con nít lắm, đừng nên nghe lời đường mật của ai hết cháu à.Nhưng rồi sau đó, sợ ông bà ngoại lo, dì Hạnh đã có mặt trong các bữa ăn. Dì ăn rất ít, Phượng có cảm tưởng như dì đang gắp từng hạt cơm cho vào miệng, chán ơi là chán.. Thêm vào đó là vẻ mặt thảm sầu của ông Long ngày nào cũng dẫn xác đến đứng nơi cổng nhà ngoại. Dì Hạnh thì tuyệt nhiên không tiếp ông rồi, mà ông bà cũng đành đoạn gài chặt cửa cấm ông bước chân vào ngôi vườn quen thuộc, với khóm hạnh đào lả lơi bên hồ cá, chùm khế ngọt đong đưa mời gọi, hàng dưa rũ bóng trên bến sông trong, vàng ánh trăng hò hẹn, biết bao đêm soi bóng dì Hạnh thẹn thùng tựa đầu vào bờ vai rắn rỏi của ông. Phượng biết, mối tình giữa hai người như trái cây vừa chín tới, hương thơm chưa lan tỏa thì cơn gió độc vội tràn về đe dọa bủa vây. Có một lần, Phượng đánh bạo mở cửa cho ông Long vào, nhưng sau đó, tiếng chì chiết của ông Ngoại, tiếng rên rỉ của bà Ngoại vọng ra khỏi bức màn ngăn đôi gian phòng khách đã khiến ông Long đứng dậy ra về không kịp. Từ đó ông không đến nữa. Và cũng từ đó, Phượng buồn như chưa bao giờ được buồn. Những ngày nghỉ hè ở Huế trở nên dài đằng đẵng... có lẽ Phượng phải bỏ về Sài Gòn ngay sau đó nếu không có lần đến thăm của bác Vinh. Bác là bạn của ông ngoại, tuy nhỏ hơn ông cả chục tuổi nhưng xem ra bác rất ý hợp tâm đầu với ông. Trước kia, bác là láng giềng của ông, nhưng sau đó bác bán ngôi vườn, qua ở với con trai bên phố Trần Hưng Đạo, nên cũng ít sang thăm. Phượng còn nhớ rất rõ, buổi sáng cách đây ba hôm, bác Vinh đến tìm nàng, ánh mắt bác thoáng vẻ lo âu:- Cháu Phượng nì!- Dạ, bác bảo gì cháu.- Bác muốn hỏi cháu là cháu có rảnh không, cháu có thích đọc sách không và cháu có muốn giúp bác không?Phượng bật cười trước những câu hỏi dồn dập của bác, nàng nhỏ nhẹ:- Bác... bác nói gì... cháu chưa hiểu ạ.Bác Vinh buông một tiếng thở dài, rồi kể lể;- Số là bác có một cửa hàng sách do con dâu của bác coi sóc. Tháng trước nó bị ruột dư phải mổ nên bác đứng ra bán dùm. Đàn ông già như bác mà buôn bán thiệt không giống ai. Vừa chậm chạp, vừa lẩm cẩm, nên khách mua càng ngày càng vắng. Bác sực nhớ đến cháu. Cháu trẻ trung và nhanh nhẹn như vậy, chắc chắn cháu có thể thay thế được con dâu của bác. Cháu có thể giúp bác trông coi cửa hàng sách một thời gian được không?Vừa ngạc nhiên xen lẫn thú vị, Phượng kêu lên:- Cháu... cháu rất sung sướng được giúp bác ạ.Phượng nghĩ thật nhanh. Giúp bác Vinh có rất nhiều điều lợi. Trước hết, Phượng sẽ có công việc lấp trống khoảng thời gian buồn tẻ này, tính ham mê đọc sách của Phượng lại được đáp ứng trọn vẹn. Còn gì thích thú cho bằng, một mình đứng giữa rừng sách báo đủ loại, tha hồ đọc bằng thích. Điều lợi sau cùng là sự bận rộn sẽ làm cho Phượng quên đi niềm cay đắng đang gậm nhấn trái tim đau. Hoàng của nàng như cánh bướm đa tình nhởn nhơ bay lượn giữa rừng hoa muôn vạn sắc màu, không thèm đếm xỉa gì đến mối tình nồng nàn của Phượng cùng nỗi hờn ghen của nàng. Kể từ hôm ấy ông Long vắng bóng, Hoàng cũng biệt tăm luôn...- Mưa thế này ai mà đi dạo phố.Phượng thầm nghĩ. Mà đúng như nàng dự đoán. Sáng nay, tiệm sách bác Vinh vắng khách hàng cho đến trưa. Khi Phượng sắp nghỉ ngơi thì ông ngoại đến. Thật là một chuyện hi hữu vì từ trước đến giờ ông rất ít khi đi chơi xa, nhất là đến một tiệm sách như tiệm của bác Vinh vào một ngày mưa như thế này.- Chào anh Vinh. Chà, cháu Phượng làm việc ở đây xem hợp quá hỉ. Trông giống y một cô bán hàng chuyên nghiệp.Phượng cải chính:- Ngoại thì chỉ hay khen cháu thôi. Cháu mà giỏi dang gì, chỉ đến phá phách bác Vinh thì có. Ngoại thử hỏi bác cho xem.Bác Vinh nhìn Phượng, cười:- Cháu Phượng khiêm nhường quá đi thôi, không khéo bác bắt cháu ở luôn đây đó.Xây qua ngoại, bác tiếp:- Mới có mấy hôm có cháu Phượng, tiệm này đông khách hẳn ra, không hiểu vì nguyên nhân nào.Cả ba đều cười lớn. Tuy bác Vinh không nói ra lý do dập dìu tài tử giai nhân lui tới tiệm sách này, nhưng mọi người đã ngầm hiểu nguyên nhân đó rồi.Vài mẩu chuyện thời sự thông thường giữa bác Vinh và ông ngoại Phượng chuyển dần sang vấn đề mua bán đất đai. Bác Vinh khơi chuyện trước:- Sao anh không chịu bán quách miếng đất bên cồn Hến để kiếm một ít tiền chi phí cho gia đình trong thời buổi đắt đỏ này?Ông ngoại xua tay:- Không, nhất định là không. Anh nghĩ coi, có đời thuở mô con cháu lại đem đất tổ tiên mà bán cho người ngoại tộc. Thà tôi cho bà con còn hơn.- Anh nói cũng có lý nhưng thực tế hơn thì anh nên nghĩ đến mình một chút. Sự đầy đủ vật chất trong khoảng thời gian sau cuối của đời người sẽ làm mình thấy thoải mái hơn.Ông ngoại lắc đầu, ánh mắt hơi quắc:- Thôi anh đừng khuyên tôi nữa. Không ai lay chuyển được ý định của tôi mô. Tôi có lý riêng của tôi. Xin anh chớ đề cập đến chuyện này nữa.Bác Vinh khẽ nhìn Phượng. Nàng vờ ngó ra đường phố tuy nãy giờ nàng để tâm theo dõi câu chuyện. Mưa kéo dài lê thê, không khí dịu lại.- Phượng, gọi cho ngoại một chiếc xích lô.Phượng quay sang:- Ngoại về à, sao ngoại không ở lại chơi một tí đi, mấy thuở ngoại đến thăm bác Vinh.Ngoại đứng dậy, vói tay lấy chiếc dù ướt sũng dựng trong góc nhà:- Thôi để ngoại về.Phượng chạy ra cửa, nhoài mình ngoài mưa nhìn về phía đầu cầu Gia Hội:- Để cháu kiếm xe cho ngoại.Ngoại ra về với vẻ không vui. Phượng thầm nghĩ chắc ngoại đang buồn vì không ai hiểu được ngoại kể cả người bạn thân quen. Từ bấy lâu nay, ngoại đã bực tức rất nhiều vì dư luận lối xóm muốn xen vào các quyết định của ngoại. Chính bà ngoại cũng trở thành kẻ đối lập mỗi khi hai người nói đến chuyện giữ hay bán mảnh đất tổ tiên ấy.Bác Vinh đến bên Phượng:- Hình như ông ngoại cháu giận bác?- Không đâu bác. Tính ngoại cháu xưa nay vẫn vậy, ngoại cháu chả mấy khi ưa nghe ai nhắc đến việc bán mảnh đất đó.- Thấy cảnh nhà ngoại cháu sinh hoạt đạm bạc quá, bác thật ái ngại. Tuổi già cần nhất là sức khỏe cháu ạ, ăn uống thiếu thốn sinh ra bệnh tật, lấy tiền mô mà thuốc thang. Bán được miếng đất đó, bỏ tiền vô quỹ tiết kiệm, kiếm lời mà tẩm bổ thêm, cháu thấy bác nghĩ có phải không?- Thưa bác, cả nhà cháu ai cũng nghĩ như vậy trừ ông ngoại cháu. Ông là trưởng tộc. Việc bán mảnh đất hương hỏa đối với ông là một điều đại bất hiếu.- Thời buổi này, người ta lên đến tận sao Hỏa, sao Kim, quan niệm của ông ngoại cháu thật là xưa. Phải nghĩ đến người sống trước đã.Bác Vinh nhìn thẳng vào mắt Phượng:- Phượng, bác nghĩ rằng hiện giờ chỉ còn có một người có thể lay chuyển được ý định sắt đá của ngoại cháu.Phượng ngạc nhiên:- Thưa bác, tất cả mọi người trong thân quyến đều thất bại khi khuyên ngoại. Ngoại không nghe ai cả mà.- Nhưng cháu chưa khuyên ngoại.Bác Vinh âu yếm nắm lấy tay Phượng. Phượng bỡ ngỡ:- Cháu... người bác muốn nói là cháu ư?Bác Vinh cười nhẹ:- Có gì lạ đâu cháu. Ngoại cưng cháu lắm mà. Hãy gợi lên trong lòng ngoại những kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu xa xôi. Dĩ vãng ấm nồng của tuổi trẻ đã qua sẽ sống lại trong thâm tâm ngoại và làm ngoại bớt khó khăn hơn.- Nhưng bằng cách nào, thưa bác?- Hãy đưa ngoại đi viếng một thắng cảnh nào đó. Có lẽ lâu lắm rồi, ông ngoại chưa có dịp thong dong đi dạo chơi đó đây. Cháu thử ngỏ lời mời ông ngoại đi chơi. Luôn dịp, khi chỉ có hai ông cháu và tâm hồn ngoại đang mở rộng trước cảnh trời nước bao la, cháu lựa lời khuyên ngoại. Bác tin là cháu sẽ thành công.Buổi chiều, Phượng trở về nhà với ý định sẽ làm theo lời bác Vinh. Nàng gặp Minh ngay cổng. Anh chàng reo khẽ:- Phượng, lâu ngày ghê.- Cả tuần nay, anh chết dí ở xó nào thế?- Ô hay, chị Hạnh không nhắn gì với Phượng sao? Bức tranh vẽ Phượng với cảnh Khiêm lăng đã xong, Minh phải đóng chặt “khuê phòng” để hoàn tất khâu cuối. Đẹp lắm Phượng à, thế nào Phượng cũng là người đầu tiên giở khăn khai mạc.- Phượng chỉ biết cắt băng khai mạc thôi. Còn... khăn khai mạc là gì thế?Minh phì cười:- Phượng ngây thơ thật. Đó là tấm khăn phủ lên bức tranh để... che bụi ấy mà.Phượng vỗ tay:- Hay quá, bây giờ Phượng đang rảnh đây.Đến lượt Minh lúng túng:- Nhưng mà... vài hôm nữa bức tranh mới hoàn chỉnh, phải lên khung đàng hoàng mới ra mắt Phượng được chứ.Có tiếng cười nói ồn ào từ phòng khách vọng ra. Phượng lén nhìn vào. Ông ngoại Phượng đang trò chuyện vui vẻ với hai người đàn ông trạc bằng tuổi ngoại. Minh ghé nói nhỏ vào tai Phượng:- Có gì mà Phượng nhìn dữ vậy?- Hai ông nào mà lạ quá thế anh?- Hình như đó là bạn của ngoại Phượng, đã lâu mới tới thăm.- Ước gì mấy người bạn già ấy cứ đến thăm ngoại hoài, chắc ngoại sẽ vui và đỡ nghiêm khắc đi, anh Minh nhỉ.Minh nhìn Phượng, lòng dâng lên một nỗi ấm áp lạ thường. Không biết tự bao giờ, Phượng đã hết chanh chua với chàng. Thay vào đó, ánh mắt Phượng trở nên dịu dàng hơn, giọng nói cũng vậy, chân thành, cởi mở, Phượng đã thật lòng xem Minh là một người bạn, dù chưa thân mật lắm nhưng cũng đủ làm cho hồn Minh chao đảo như nhấp phải men rượu cay.Bác đưa thư dừng ngay trước cổng, tiếng chuông kêu leng keng kéo Minh về thực tế:- Cô Hạnh mô rồi, có thư nè. À, còn một cái nữa, nhà ni có ai tên Phượng không?Phượng chạy ra:- Cháu là Phượng đây.Minh tế nhị:- Thôi Phượng vào nhà nghen. Minh lên thư viện có chút việc.Phượng lên gác, dì Hạnh đi làm chưa về, drap gối xếp thẳng thớm trên giường, thoang thoảng hương nhãn lồng bay vào từ khung cửa sổ, vương vít không gian. Phượng nhìn hai lá thư trên tay, một của ông Long gửi cho dì Hạnh, một của Trinh, con nhỏ bạn thân, luôn ở cạnh nàng như hình với bóng. Trong thư Trinh bảo Trinh nhớ Phượng ghê lắm, hiện giờ nó đang mong thời gian chóng qua, hè mau tàn để Phượng trở vào Sài Gòn cùng đi học với nhau. Phượng nằm dài xuống chiếc đi-văng nhỏ, săm soi lá thư của ông Long. Thư dày cộm. Chắc là tâm sự phải ngút ngàn. Tội nghiệp ông Long. Vậy là ông đã vào lại Sài Gòn, không biết cuốn phim ông đang chuẩn bị đến giai đoạn nào rồi. Sự việc đáng tiếc do bà vợ điêu ngoa của ông gây ra chắc đã làm tâm hồn ông dao động dữ lắm. Và đau khổ nữa, sự quay mặt hờ hững của dì Hạnh đã để lại một vết thương trong trái tim ông. Nhớ lại nét mặt ông Long hôm cuối ghé nhà, Phượng thấy thương ông quá. Thương ông chừng nào, Phượng càng giận những giọng lưỡi cay độc của dư luận xứ Huế đầy thành kiến này, rồi Phượng giận lây sang ông bà ngoại. Làm gì mà mới nghe những lời đàm tiếu rỉ tai, ông bà đã cuống quýt cả lên, thậm chí bà ngoại còn khóc lóc than vãn, còn ông ngoại thì suốt ngày cứ lẩm bẩm cái đồ xướng ca vô loại không ra chi. Đúng là vơ đũa cả nắm. Phượng lại nghĩ đến Hoàng, đến những cử chỉ vồ vập săn đón đối với Thùy Linh đã bao lần làm nàng khổ sở, xót xa. Hoàng vẫn còn ở Huế, nhưng chàng chả buồn ghé nhà thăm Phượng, sự rạn nứt khó thể hàn gắn này không có nguyên nhân nào rõ rệt cả. Chung qui cũng tại tính bay bướm của Hoàng mà đã nhiều lần Phượng cố dối lòng bào chữa cho người yêu. Nhưng sức chịu đựng nào cũng có giới hạn, giọt kiên nhẫn cuối cùng đã làm tràn ly nước chịu đựng, Phượng đã tự nhủ lòng hãy quên đi quên đi, và cố gắng xua đuổi hình ảnh Hoàng ra khỏi trái tim mình. Phượng khép hờ đôi mắt, gương mặt Minh hiện đến như một làn sương mát xoa dịu vết thương đầu đời. Lạ thật, vậy mà lần gặp Minh trên máy bay, Phượng đã ghét cay ghét đắng cái anh chàng cao lênh khênh, tóc tai bù xù, làm ra vẻ ta đây là nghệ sĩ không ai bằng. Phượng lại mỉm cười một mình, mà quả đúng, Minh là một họa sĩ có trường phái hẳn hoi, tính tình chàng lại chân thành đôn hậu, Hoàng chỉ hơn được Minh ở cái bề ngoài. Phượng ngồi dậy, đặt lá thư ông Long lên giường dì Hạnh, rồi bó gối ngắm nhìn tấm ảnh của dì đang tươi cười, hai má ửng hồng, hàm răng đều đặn... vậy mà bây giờ trông dì ủ dột như bánh tráng gặp mưa. Cũng tại dì thôi, khi không đi đày đọa xác thân mình, tình cảm ông Long đối với dì mới đậm đà âu yếm làm sao, vậy mà dì cứ cố chấp, không chịu hiểu cho ông. Có lần Phượng đã ước ao, giá Hoàng yêu nàng chỉ bằng một phần ba tình cảm của ông Long đối với dì Hạnh là cũng đủ làm cho nàng sung sướng lắm rồi. Bây giờ thì tất cả đã hết. Thà dứt khoát trước còn hơn.Dì Hạnh đi làm về, vứt chiếc xắc lên bàn, nhìn Phượng dò hỏi. Phượng chìa lá thư ra:- Có thư chú Long nè dì.Gương mặt dì sắc lại:- Sao không trả lại cho bác đưa thư? Ai mượn cháu nhận.- Dì kỳ quá à, chú Long...Dì Hạnh ngắt lời:- Cháu đừng nhắc đến cái tên ấy nữa. Cháu còn nhỏ...Phượng nhìn thẳng vào mắt dì, nghiêm nghị:- Dì lầm rồi. Cháu đã lớn, cháu đủ khôn để hiểu được rằng đâu là tình yêu chân thật, đâu là sự dối trá lừa lọc. Dì ơi, cháu van dì đừng để vuột đi một hạnh phúc đích thực.Giọng dì Hạnh hơi dịu lại:- Hôm nay sao cháu nói nhiều quá, Phượng nờ.Phượng vui mừng ôm chầm lấy dì:- Cháu cứ nói mãi nói hoài cho đến khi nào dì đổi ý mới thôi.Dì Hạnh xô Phượng ra:- Thôi đừng có nói tào lao.