NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 8 (Ru-tơ 2:3-6)

Trong Ru-tơ đoạn 2 chúng ta sẽ bắt đầu xem xét câu 3. Ðức Chúa Trời đã tuyên bố rằng Ru-tơ là một người đàn bà góa nghèo, là khách lạ, từ xứ Mô-áp, người bị Ðức Chúa Trời rủa sả, không có mối liên hệ gì với dân Y-sơ-ra-ên trong thời bấy giờ. Cô đang sửa soạn đi mót lúa trong ruộng của ai đó hầu cho có thức ăn cho cô và bà mẹ chồng là Na-ô-mi cũng góa bụa. Ở㠦#273;ây nói: "Té ra may cho nàng gặp sở đất của Bô-ô, về họ hàng Ê-li-mê-léc", cũng là họ hàng của Na-ô-mi vì Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc.
Khi chúng ta đọc chữ "té ra" có nghĩa là tình cờ. Thường thường chúng ta dùng chữ đó cho những việc tình cờ, tự nhiên xảy ra, không có sự dự định trước. Có nhiều người bắt đầu tìm kiếm một Thượng đế, ngay cả họ không nhận ra. Có lẽ có một sự khó khăn trong tâm hồn của họ, hoặc có lẽ họ chỉ tò mò về một mẫu đối thoại về Tin Lành, cũng có thể một vài biến cố xảy ra trong đời của họ, và họ bắt đầu ngạc nhiên về ý nghĩa của đời sống, không biết đâu là lẽ thật. Có người viết thư cho Family Radio và nói rằng: "Tình cờ tôi vặn ngang qua các tầng số trên radio, tôi nghe một chương trình có vẻ thích thú và tôi bắt đầu lắng nghe." Ðối với họ hình như là sự việc tình cờ xảy ra. Ðây là cách mà chúng ta thường dùng theo cái nhìn của chúng ta, cũng như trường hợp của Ru-tơ, tình cờ cô đi vào trong ruộng của Bô-ô.
Nhưng Kinh Thánh dạy rằng, không có gì xảy ra là tình cờ, không có gì xảy ra bởi một cơ hội mù quáng, không có gì xảy ra ngoài ý muốn của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Giê-xu nói: "Hai con chim sẻ há chẳng từng bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn của Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ." Ma-thi-ơ 10:29. Những sự việc rất nhỏ mọn trong đời sống của chúng ta Ngài đều biết hết và là một phần trong kế hoạch của Ngài. Bạn có thể nghĩ rằng nhiều sự việc xảy ra là ngẫu nhiên, giống như trong câu chuyện nầy, nhưng thật ra nằm trong kế hoạch của Ðức Chúa Trời. Sự việc xảy ra chính xác như Ngài muốn, Ngài hướng dẫn Ru-tơ đi vào sở ruộng nầy như Ngài hướng dẫn những người mở radio của họ và làm cho họ chú ý đến Tin Lành thật được rao giảng trên một chương trình đặc biệt nào đó. Sự việc có vẻ như tình cờ nhưng đó là nằm trong kế hoạch của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời là Ðấng kéo chúng ta lại với Ngài, "Ví bằng Cha, là Ðấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta..." Giăng 6:44.
Ðức Chúa Trời là Ðấng chủ động tối cao trong sự cứu rỗi của chúng ta. Bạn có thể an trí rằng Ðức Chúa Trời đã hướng dẫn những hành động của Ru-tơ để qua đó chúng ta thấy một kế hoạch cứu rỗi đẹp tuyệt vời. Trong lịch sử, Ru-tơ tìm kiếm câu trả lời cho đời sống thể xác của cô qua Bô-ô là người mà sau đó trở thành chồng của cô. Nhưng qua việc nầy Ðức Chúa Trời muốn bày tỏ ra cho chúng ta thấy thế nào Ngài hành động qua chương trình cứu rỗi của Ngài.
Câu 4, "Vả, nầy Bô-ô ở Bết-lê-hem đến, nói cùng con gặt rằng: Nguyện Ðức Giê-hô-va ở cùng các ngươi! Chúng đáp: Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho ông! Dĩ nhiên, theo câu chuyện lịch sử thì rất dể hiểu. Ru-tơ đã rời mẹ chồng trong một ngày để đi vào trong ruộng, ở đó có những con gặt đang làm việc, hầu cho cô có thể tìm được một ít lúa, nhờ đó cô và mẹ chồng của mình có đồ ăn. Cô đến trên một cánh đồng mà sau đó cô nhận ra là cánh đồng của Bô-ô, về họ hàng của Na-ô-mi. Bô-ô là chủ ruộng, ông ở tại Bết-lê-hem. Trong lúc nầy ông đi đến những cánh đồng của mình để xem những con gặt làm việc và mùa gặt tiến hành như thế nào. Dĩ nhiên, đó là câu chuyện thuộc về lịch sử đang vẽ ra cho chúng ta.
Về thuộc linh, chúng ta có gì ở đây? "Bô-ô ở Bết-lê-hem đến". Trong câu chuyện nầy chúng ta sẽ thấy Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu thế Giê-xu ngày càng rõ ràng hơn. Chúa Giê-xu từ đâu đến? Dĩ nhiên Ngài từ trời xuống, phải không? Vâng, đúng vậy! Nhưng ở đâu mà Ngài được sanh ra trong thân xác của con người? Ðó là ở Bết-lê-hem, phải không? Ngài được sanh ra tại Bết-lê-hem, Ðấng Mê-si đã ra đời tại Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 5:4-6), Ngài được sanh ra trong máng cỏ một cách khiêm nhường. Ðây là thành phố có mối liên hệ tuyệt vời với Chúa Cứu thế Giê-xu, như chúng ta đã thấy trong những bài học trước, đây là Nhà bánh, nơi mà Ðấng Christ, là Bánh hằng sống, mang vào thân xác con người. Chúng ta không ngạc nhiên khi đọc những ngôn ngữ nầy, "Bô-ô ở Bết-lê-hem đến." Ðức Chúa Trời rất cẩn thận khi viết câu chuyện bằng cách nầy để cho chúng ta có được lẽ thật thuộc linh. Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu ở Bết-lê-hem đến, nhấn mạnh cho chúng ta biết Chúa Cứu thế là Ðấng Mê-si của chúng ta, được sanh ra tại máng cỏ ở thành Bết-lê-hem.
Bô-ô đến với những con gặt của ông, và nói: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ở cùng các ngươi! Chúng đáp: Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho ông!" Ðây là một ngôn ngữ rất đẹp trong mối liên hệ giữa chủ và người làm công. Bô-ô là chủ ruộng, những con gặt làm việc cho ông là đầy tớ của ông. Chúng ta thấy mối liên hệ tình cảm rất nồng thắm giữa Bô-ô và những con gặt. Ao ước rằng trên thế giới ngày nay có mối liên hệ chủ tớ rất đẹp như vậy. Chú ý chỗ nầy, ông chào các con gặt: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ở cùng các ngươi! Chúng đáp: Nguyện Ðức Giê hô-va ban phước cho ông!" Thật đẹp đẽ biết bao những lời chào hỏi như vậy. Dĩ nhiên, đó là trong câu chuyện về lịch sử, nhưng thật sự Ðức Chúa Trời muốn nói gì với chúng ta trong ngôn ngữ nầy? Tại sao Chúa đặt để câu nầy trong Kinh Thánh? Vâng, Bô-ô đã thật sự nói những lời như vậy, nhưng Ðức Chúa Trời chép lại những sự kiện nầy để cho chúng ta biết nhiều hơn là mối liên hệ tốt đẹp giữa Bô-ô và các con gặt. Hãy nhớ Bô-ô là hình bóng về Ðức Chúa Trời, là hình bóng về Chúa Cứu thế Giê-xu.
Trước hết, con gặt là hình bóng về những tín hữu. Chúng ta nhớ, Chúa Giê-xu nói: "Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình." Ma- thi-ơ 9:37-38. Mỗi tín hữu đã được sanh lại được lệnh phải làm chứng nhân cho Chúa. Ðức Thánh Linh là ấn chứng trong lòng của những người đó để họ có thể phục vụ như là đại sứ của Ðấng Christ. Chúng ta là những con gặt trong cánh đồng của Chúa. Lu-ca đoạn 2 chép nhiều lần về những con gặt là hình bóng của những tín hữu được sanh lại, là những người làm công việc đem Tin Lành ra cho thế gian. Bô-ô nói: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ở cùng các ngươi", đó là lời tuyên bố về phước hạnh của Ðức Chúa Trời trên chúng ta khi chúng ta chia xẻ Tin Lành. Ðức Chúa Trời nói: "Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu" Giô-suê 1:5b. Ngài sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta trung tín với Chúa, khi chúng ta vâng lời Ngài và rao giảng Tin Lành.
Những con gặt đáp: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho ông!" Chúng ta là những tín hữu có thể xin Chúa ban phước cho Chúa không? Dĩ nhiên, chúng ta không thể chúc phước cho Chúa bằng nguồn phước từ nơi chúng ta, nhưng chúng ta có thể xin Chúa ban phước cho Ngài trong những hoạt động rao giảng Tin Lành. Vì vậy, nhiều lần trong Thi Thiên chúng ta đọc: "Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen° Ðức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!" Thi Thiên 103:1. Trong Thi Thiên 45, chúng ta tìm thấy một câu rất thú vị, Ðức Chúa Trời ban phước cho chính Ngài. Những câu nầy chép về Chúa Giê-xu khi Ngài đến như người cứu chuộc, như là người xét đoán. "Ngài xinh đẹp hơn hết thảy con trai loài người; Ân điển tràn ra nơi môi Ngài: Vì vậy Ðức Chúa Trời đã ban phước cho Ngài đến đời đời. Hỡi Ðấng mạnh dạn hãy đai gươm nơi hông, là sự vinh hiển và sự oai nghi của Ngài. Vì cớ sự chân thật, sự hiền từ và sự công bình, hãy lấy sự oai nghi Ngài cỡi xe lướt tới cách thắng trận; tay hữu Ngài sẽ dạy cho Ngài việc đáng kinh. Các mũi tên Ngài bén nhọn, bắn thấu tim kẻ thù nghịch vua; các dân đều ngã dưới Ngài. Hỡi Ðức Chúa Trời ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia; binh quyền nước Chúa là một binh quyền ngay thẳng. Chúa ưa sự công bình và ghét điều gian ác; cho nên Ðức Chúa Trời, là Ðức Chúa Trời của Chúa, đã xức dầu cho Chúa, bằng dầu vui vẻ trổi hơn đồng loại Chúa." Thi Thiên 45:2-7.
Khi chúng ta đọc Thi Thiên nầy giống như chúng ta chúc phước, xin Ðức Chúa Trời ban phước cho Ngài đến đời đời. Ðức Chúa Trời ban phước cho Ðức Chúa Giê-xu. Khi chúng ta đồng lòng với tác giả Thi Thiên: "Hỡi Linh hồn ta hãy ngợi khen° Ðức Giê-hô-va", nghĩa là chúng ta cầu xin Ðức Chúa Trời ban phước cho Chúa Giê-xu về những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Bô-ô nói với những con gặt: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ở cùng các ngươi". Ðó là một lẽ thật, đó là sự thành tín của Ngài, Ngài luôn ở cùng chúng ta khi chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta cũng đáp lại: Nguyện Ðức Giê-hô-va-ban phước cho Ngài, nghĩa là chúng ta muốn kế hoạch của Ngài được ưu tiên hoàn thành. Chúng ta muốn mọi việc xảy ra đều theo ý muốn của Ðức Chúa Trời trên thế gian nầy. Trong lời chào hỏi đẹp nầy chúng ta thấy một mối liên hệ lạ lùng giữa Ðức Chúa Trời và những người được sanh lại là con cái của Ngài, một mối tương giao thân mật. Một liên hệ đẹp đẽ dựa trên sự tin cậy vào sự thành tín của Ðức Chúa Trời và lòng ao ước của tín hữu muốn ý định của Ðức Chúa Trời được thành tựu.
Chúng ta hãy tiếp tục câu 5: "Ðoạn, Bô-ô nói cùng đầy tớ coi sóc các con gặt rằng: Người gái trẻ nầy là con của ai?" Bô-ô nhìn thấy giữa những người nghèo trong xứ, chắc chắn là có nhiều người nữa đang mót lúa trong ruộng của ông, một thiếu nữ trẻ có vẻ đặc biệt là Ru-tơ. Ông làm bộ là ông không biết nhiều về cô ta nên ông nói: Người gái trẻ nầy là con của ai? Tôi nói ông làm bộ không biết nhiều về cô, vì khi chúng ta đọc tới câu 11, chúng ta sẽ thấy ông biết tất cả về nàng. Câu 11: "Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước." Nói cách khác Bô-ô biết tất cả về Ru-tơ, nhưng ông muốn chắc rằng ông đang nói chuyện đúng với người con gái đó, vì vậy ông hỏi: Người gái trẻ nầy là con của ai? Chúng ta chú ý ngôn ngữ của con gặt trả lời. Bạn nhớ không? Khi Na-ô-mi và Ru-tơ về đến Bết-lê-hem như chúng ta đã đọc trong 1:22, "Na-ô-mi và Ru-tơ người Mô-áp", Ðức Chúa Trời đặt chữ nầy vào, cô là người nữ bị rủa sả, người Mô-áp. Trong 2:2, "Ru-tơ, người Mô-áp", Ðức Chúa Trời nhắc lại, cô là người đàn bị rủa sả, là khách lạ, là người ngoài, không thuộc về xứ nầy. Lần nữa, ở đây trong câu 6: "Người đầy tớ coi sóc các con gặt đáp rằng: Ấy là người gái trẻ Mô-áp ở từ xứ Mô-áp trở về cùng Na-ô-mi." Bạn thấy sự lặp lại ở đây không? Không cần thiết cho mục đích của câu chuyện tình phải lặp đi lặp lại điều nầy nhiều lần. Chắc chắn là đã quá đầy đủ nếu người đầy tớ chỉ nói rằng: Người gái trẻ đó theo Na-ô-mi về đây sau chuyến rời bỏ Bết-lê-hem của bà. Bô-ô sẽ biết một cách chính xác người đầy tớ nói về ai rồi, vì mọi người đều ra để chào hỏi Na-ô-mi, họ đã biết tất cả về Ru-tơ và Na-ô-mi. Nhưng ở đây Ðức Chúa Trời khiến cho người coi sóc con gặt dùng ngôn ngữ nầy để nhấn mạnh thêm lần nữa, rằng Ru-tơ là người lạ, người đàn bà bị rủa sả.
Ðó chính là địa vị của mỗi chúng ta, Ru-tơ là hình bóng của chúng ta khi chưa được cứu. Chúng ta không thuộc về nhà của Ðức Chúa Trời, bởi vì chúng ta chống lại Ngài, chúng ta ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, chúng ta hoàn toàn xa lạ với Ngài vì cớ tội lỗi của chúng ta. Làm sao chúng ta dám nói chuyện với Ngài? Làm sao chúng ta dám đến trong sự hiện diện của Ngài? Nhưng Ru-tơ ở đây mót lúa trong ruộng của Bô-ô, tại Bết-lê-hem là Nhà bánh, cô là hình ảnh thực tế rằng, chúng ta trong địa vị bị rủa sả, trong địa vị bị phá sản về thuộc linh có thể đến với sự hiện diện của Ðức Chúa Trời thánh khiết. Như là một người van xin, chúng ta có thể hạ mình xuống van xin cho được thương xót, chúng ta có thể bắt đầu ngữa trông một chút ân điển của Ðức Chúa Trời, như Ru-tơ tìm kiếm một chút ân huệ từ người chủ ruộng nầy, mà người đó là Bô-ô.
Trong câu 7, người coi sóc các con gặt nói, "Nàng có nói cùng chúng tôi rằng: Xin cho phép tôi đi sau các con gặt mà mót và lượm nơi giữa các bó lúa." Chúng ta để ý thấy Ru-tơ rất khiêm nhường, cô không đến trong ruộng với một vẻ ngạo mạn, cô không đòi hỏi. Cô không nói: Tôi nghe Na-ô-mi nói rằng theo luật lệ của xứ nầy cho phép tôi, vì tôi góa bụa, tôi nghèo, là khách lạ... Không! Cô cung kính đến cùng người coi sóc các con gặt và nói: "Xin cho phép tôi...", và dĩ nhiên cô được phép, vì đây là luật lệ của xứ. Lần nữa, chúng ta đến với Chúa không một chút kiêu căng, ngạo mạn, chúng ta không đòi hỏi gì từ nơi Chúa Giê-xu, chúng ta thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi vì tôi là kẻ có tội..." Nếu có thể được, xin cho con một chút bánh vụn; nếu có thể được, xin Chúa cho con một chút Bánh Hằng sống; con không bao giờ xứng đáng với sự cứu rỗi nầy bao giờ, nếu có thể được, con chỉ xin làm đầy tớ trong vương quốc của Ngài. Ðây là cách mà Ru-tơ đến trong ruộng của Bô-ô, cô đến một cách khiêm nhường nhìn nhận rằng mình là một người đàn bà bị rủa sả, nhìn nhận rằng mình là người ngoại bang, là góa bụa, là người nghèo trong xứ và chấp nhận không đòi hỏi gì cả.
° Cũng có thể dịch là chúc phước như trong tiếng Anh