Chương 6
Bụi Kinh Kỳ

Dưới thời Diễn Ðô Vương Trịnh Tông, Thăng Long trở thành một hòn cù lao trong dòng quyền lực. Ở hầu hết mọi trấn, từ Kinh Bắc trở lên Cao Bằng, Tuyên Quang hay xuống đến Sơn Nam, Hải Dương, các quan Hiệp Trấn đều án binh bất động. Chỉ riêng Thanh - Nghệ, bọn kiêu binh dẫu có ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn gặp sự chống đối ngầm của viên Tham Hiệp họ Lê, tên Quốc Trình. Vì thế, “ Chiến sách ” của Bùi Bật Trực nhằm tiến vào Ðàng Trong bị chựng lại ở mọi nơi. Lệ cứ mỗi ba đinh bắt một lính khiến một số trấn như Hải Dương và Sơn Tây gây dựng được binh lực khá mạnh, nhưng hai đại tướng Ðinh Tích Nhưỡng và Hoàng Phùng Cơ cứ mũ ni che tai, thậm chí thoái thái không về Kinh ra mắt Trịnh Tông. Áp lực của bọn Bằng Vũ, Bật Trực trên triều đình kết cục cô lập hóa chính quyền trung ương, vô hình chung tạo ra sức đề kháng ở mọi nơi địa phương, và dần dà đưa Ðàng Ngoài vào thế sứ quân. Trực lo lắng, bắt giết Lê Quốc Trình, rồi ép Tông ra sắc lệnh cứ năm đinh mới bắt một lính như lệ cũ. Lý do đưa ra, Trực tâu, là có thực mới vực được đạo. Vì thế, triều đình phải tập trung sức dân để tiến hành “ Nông chế ” trước.
“ Nông chế ” là người định. Lũ lụt do trời. Ngay quí đầu năm Quí Mão, gió bão liên miên, nước sông Nhị lên cao tràn vào, vùng ven đô ngập đến bụng. Mặt khác, đất đai đều hóa ra công điền nên dân cày biến thành những người làm công, cứ theo công mà trả bằng lúa. Thói thường, cha chung không ai khóc. Vả lại, của chung là của tất cả mọi người, nên ai nấy đều tìm cách tranh phần mình. Dĩ nhiên, phần lớn nhất đều vào tay những kẻ có quyền phân, quyền quản. Dân làm vè ta thán: Gì cũng quản, gì cũng phân. Ðến phân cũng quản thì dân còn gì. Cũng vì phân chia bất công khiến hàng dân làm vờ vịt cho có, hoặc lãng công phản đối. Cả một làng ở miệt Gia Lâm nhất định không một ai chịu ra
đồng đi cấy. Họ bị bỏ đói, kết cuộc chết quá nửa làng. Tiếng về Kinh làm hàng dân xôn xao, chẳng phải vì sắp Tết, mà là vì viễn tượng thiếu đói ngay ở Kinh Kỳ đã chập chờ đe dọa.
Lời đồn rằng Ðinh tích Nhưỡng sẽ kéo quân từ Hải Dương về “ cứu giá ” khiến giá gạo tăng lên vùn vụt. Bằng Vũ ra lệnh chém bất cứ ai dị nghị lung lạc lòng người, rồi mang yết chiếu an dân ở năm cửa ô. Vũ sai người mời Toàn Nhật vào dinh.
Thời gian từ ngày Kiêu binh chấp chính, Nhật vẫn trú ở dinh Khương tả hầu. Gần như mất hết sinh thú, suốt ngày chàng ngồi dựa vào gốc cây sung cạnh bờ ao, tay cầm be rượu, uống một mình, say lại lăn ra ngủ. Bộ râu quai nón không cắt nay xồm xoàm đâm xỉa ra như lông nhím, che phần nào nét xanh xao, nhưng chẳng giấu được cặp mắt chàng nay lõm sâu vào, quầng thâm lại, và nhìn thì cứ đâu đâu, lạc lõng, vô hồn. Bằng Vũ bước xuống đón Nhật, ngạc nhiên:
- Võ huynh, sao mà tiều tụy thế...
-...
Kéo Nhật ngồi xuống bên mình, Vũ hỏi han nhưng Nhật chỉ trả lời hờ hững. Vũ giả lả:
- Triệt hạ được Hoàng Tế Lý, công đầu là huynh, vậy mà Chúa không phong, không thưởng gì. Ðể ta vào Chính phủ lấy bằng được cái Tuyên lực công thân, tước Uy vũ hầu, cho Võ huynh nhé?
Toàn Nhật lắc đầu. Vũ lại gặng. Nhật nhìn lên trần, cười nhạt rồi buông thõng:
- Giết cha mà được phong hầu thì còn trời đất gì nữa!
Lắc đầu quầy quậy, Vũ lại nói như biện minh hộ Nhật. Nhìn lơ đãng ra vườn, Nhật bất ngờ hỏi:
- Nhà quan Vận công thần có rượu ngon không?
Vũ vẫy tay gọi người nhà. Uống một lúc sạch be rượu, Nhật mới thong thả:
- Bằng huynh gọi đệ đến có việc gì?
- Kinh Kỳ có thể lâm nguy. Có tin chắc chắn là Nhưỡng ở Hải Dương gom quân tập trận. Anh em nhờ Võ huynh chống giặc cho.
Buồn bã, Nhật nói:
- Cấm binh nay trong tay huynh. Ở dinh Khương tả hầu, đệ còn hai chục tay võ, tình nguyện ở lại với đệ để tập võ. Ngay chuyện tập ấy, đệ cũng chẳng còn quan tâm. Vậy làm sao chống được ai?
Vũ cắt ngang:
- Ðám Bật Trực, Gia Thọ không tin là Nguyên Nhưng có đủ khả năng. Họ muốn giao cho Võ huynh bốn đội Tiền - Hậu - Hùng - Dũng. Kế hoạch là đem đánh thẳng vào dinh ổ Nhưỡng trước khi hắn gom được quân về.
Tay vê râu, miệng nhếch lên, Nhật đủng đỉnh:
- Nhưỡng nắm thủy binh, dinh trại dựa vào sát mé biển. Cấm binh có biết đi thuyền đâu mà đánh, mà đuổi. Vây bất ngờ có thể thắng được, nhưng lại không bắt được, nó quay về vây lại, lấy mười đánh một thì chống đỡ thế nào?
Vũ lặng người đi, tay gõ nhẹ xuống mặt bàn. Một lát sau, Vũ hỏi:
- Thôi. Liệu cấm binh ở thế thủ có giữ được Kinh không?
- Vấn đề ở chỗ giữ được bao lâu. Bị vây, lính đói, dân đói thì sao?
- Nếu giữ được một tháng, lính Thanh - Nghệ sẽ về cứu. Võ huynh giúp phòng thủ Kinh Kỳ nhé...
Toàn Nhật ngửa mặt cười, giọng bi thiết:
- Sức của Nguyên Nhưng có thể làm việc ấy được rồi. Về phần đệ, đã giết rồi chưa kịp để tang cha mà lại phải nhận quan tước cầm quân, thì mặt mũi nào nhìn ai nữa... Nhật này chỉ xin huynh cho đệ rời Kinh về Bùi Phong phụng dưỡng thầy mà thôi.
Vũ đáp, miệng nói như có gang, nhưng mắt lại nhìn xuống đất:
- Ừ, để xem đã nhé.
Hiểu rằng đó là lời từ chối, Nhật đứng dậy kiếu:
- Ðệ phải về, chiều nay nhà có khách.
°
Từ trước Tết năm Ất Sửu, Côn quận công Trịnh Bồng xuống Hải Dương, sau đó giạt tới Kiến An, xuống tóc vào xin thụ giới với một vị cao tăng không ai rõ tên tuổi. Năm sau, Chúa Trịnh Tông phái sứ giả đi tìm, khẩn khoản mời Bồng về giúp mình, viết: “ Nếu không thì chẳng biết cơ nghiệp họ Trịnh đi về đâu ”.
Bồng vốn là người nết na đạo hạnh. Cha Bồng là anh Trịnh Sâm; và dẫu cha bị chú ruột mình hại, Bồng cũng chẳng oán gì Sâm. Khi Cán ốm đau tưởng là không qua, chính Sâm có ý lập Bồng lên nhiếp chính, nhất định không đoái hoài gì đến Tông. Nhưng Bồâng vốn ưa thanh tịnh, lẩn đi, có dịp lại đến chơi với Phu tử, luận bàn về vấn đề tổng hợp Nho-Phật.
Lần lữa, Bồng nhờ sứ giả về nói với Tông rằng đã dâng mình cửa Thiền, không muốn dính gì đến bụi nhân gian. Tông lại phái sứ giả lên chùa, tha thiết cầu khẩn. Về đến Kinh, Bồng xin gặp Tông và nói ngay:
- Khải Chúa, tôi xin phép thầy tôi được đi hai năm đến hầu Chúa, sau đó phải về chùa.
Tông mừng, nắm hai bàn tay Bồng bảo:
-... có huynh có đệ thì mới giữ được nghiệp nhà.
Từ đó, Bồng dẫu tham sự vào việc triều đình, nhưng cứ chân trong chân ngoài, về đến nhà là tụng kinh gõ mõ. Chiều hôm Nhật gặp Bằng Vũ, Bồng lững thững đến dinh Khương Tả hầu, nơi ngày trước Phu tử cư ngụ, để hỏi thăm tin tức. Cổng mở, Toàn Nhật ra mời vào.
Xưa kia, hai người ít trao đổi khi có dịp gặp nhau. Thoáng nhìn Nhật, Bồng bật miệng:
- Cái sát khí trong đôi mắt của tướng quân nặng quá! Phải giải nó đi.
Nhật lửng lơ đáp:
- Tôi giải nó mỗi ngày bằng cách chém đúng trăm lần ba đường gươm. Thượng công có muốn xem không?
Bồng lắc đầu.
Trời bỗng bần bật gió. Gió xoáy vòng thành những cột bụi bốc lên thẳng trên trời, chạy sang trái rồi sang phải như một con trâu nổi cơn điên, quần quật đánh thốc vào những mái rạ, mái ngói. Tiếng đổ vỡ nghe chát chúa từ bốn về. Rồi tiếng người réo nhau. Tiếng chó sủa. Tiếng gà kêu quang quác. Bụi mù bay vào mắt vào mũi đến không thở được.
Lấy vạt áo che mắt, Bồng ra đứng giữa sân, im lìm như một pho tượng chết. Khi gió đã ngưng, Nhật đến bên cạnh. Bồng nhỏ nhẹ:
- Bụi đấy, bụi Kinh Kỳ. Không khéo thì dây lấm mà khéo thì cũng dây lấm, tướng quân ạ! Chỉ xa đi thì mới tẩy trần được thôi.
Hai người bước sóng đôi đến ven hồ. Trăng nhô lên cao khỏi đầu những tàn lá, lạnh lẽo, mơ hồ. Nghe tiếng cá quẫy, Bồng đọc bài kệ:
Tâm có trước đất trời
Thân có sau đất trời
Ðất trời bọc thân tâm
Xoay vần bao giờ mất
Ðọc xong, Bồng tạ từ ra về, chỉ nói:
-Còn duyên là còn gặp.
°
Mấy hôm rồi, trận mưa dầm kéo dai dẳng như đánh đu với trời đất. Nỗi sợ lúa úng nước ở đầu cửa miệng, hàng dân nhìn lên những đám mây lì lợm rồi ngó nhau chép miệng. Nước ven bờ đê sông Nhị réo sôi sùng sục dọa nạt. Ðêm đêm tiếng kẻng hộ đê báo động đánh thức cư dân cứ từng chặp khua lên. Miệt phía đông, nước sông Nam Ðịnh đã tràn ra ngập trắng những cánh đồng chiêm. Nước tứ bề mênh mông nhìn tưởng như là biển. Dân chạy lụt bắt đầu thấp thoáng ở những cửa ô. Mùa màng năm nay chắc là không cứu nổi nếu cứ mưa gió mãi thế này. Bàn dân lại thì thào “... kiêu binh làm ngược đạo trời. Cho nên... ”.
Tiếng mưa tí tách trên mái ngói dinh Khương tả hầu đều đặn như ru ngủ. Du uể oải nhìn ra vườn, hỏi:
- Anh phỏng chừng lúc nào thì đi được?
Nhật lắc đầu, nâng ly rượu uống cạn, đáp:
- Chưa biết! Nhật cười, tiếp - đi chẳng khó, nhưng đi đâu? Ði đến đâu thì cũng thế thôi. Ta cứ tạm ở đây để uống cho say cái đã...
Ái ngại, Du định lên tiếng nhưng lại tần ngần rồi thôi. Ðúng lúc đó, cửa phòng mở, lão bộc đủng đỉnh vào báo có khách.
Ðó là một người đàn bà từ quê ra, đi cùng là ba đứa bé độ chừng mươi, mười lăm tuổi. Người đàn bà chạc trung niên, răng đen, môi đỏ màu trầu, nhút nhát:
- Bẩm các quan, nhà cháu ở Hưng Yên vào. Hỏi thăm mãi, các ông ấy bảo là chỉ có quan đây mới biết chỗ chôn Bố-già các cháu!
Nhật ngạc nhiên, ngần ngừ nhìn mấy đứa trẻ:
- Nếu là lão Hài thì xưa nay có ai nghe ông ta vợ con gì đâu!
- Dạ, chính lão - người đàn bà quay sang tíu tít nói với đám con - Ðấy, thế là tìm được rồi!
Bà lại cúi đầu, tiếp:
- Bẩm quan, bố-già các cháu không đẻ, nhưng nuôi các cháu.
Bà tên là Thơm, vốn người làng lão Hài. Năm mười sáu, Hài đã ngắm nghé Thơm, chưa nói ra nhưng tình ý ai cũng biết. Hài lúc đó đã đâu hai lăm hai bảy tuổi, lại phải nuôi mẹ già, chẳng dám tính đến đường vợ con. Dân làng chế là trai-già, nhưng ai cũng thương Hài, chỉ mong cho vợ con yên ổn. Ðùng một cái, Chúa bắt cứ ba đinh một lính đi đánh giặc Nguyễn Hữu Cầu. Hài phải xung quân đi bằn bặt ba năm. Khi về, Thơm đã lấy chồng và có chửa đứa lớn. Thấy Hài, Thơm cắn răng, ra dựa gốc cây sung ở bờ ao khóc một mình. Hài biết, không nói gì, cũng khóc. Mẹ Hài mất. Thế rồi Hài biệt tăm, khi đi trấn thủ Nghệ An, lúc lại vào đến Châu Hoan, Châu Ái. Sau này chồng Thơm, người làng bên, cũng phải đi lính. Trong lần đánh Phú Xuân, chồng Thơm chết trận. Hài về làng gặp Thơm, buồn rầu bảo “Cái phận nó vậy, biết làm sao được!”. Bốn năm liền, Hài cầm nửa phần lương của mình cho Thơm, hể hả: “... trên Kinh tôi ăn cơm lính, có tiêu pha gì đâu, để tiền đầu giường lại sợ trộm cắp ”. Mỗi lần về, Hài thường đến thăm hỏi lũ trẻ. Chúng cũng bắt chước lính, gọi Hài là Bố-già. Và cứ hễ Bố-già về là lại có quà, khi thì một lạng kẹo bột, khi lại một cân đường phèn. Ðến Tết, thế nào cũng thêm một bánh pháo.
Một tối, Thơm ngồi giặt áo ở bờ ao, Hài đứng tựa gốc cây sung, lẳng lặng nhìn ánh trăng vừa độ mười sáu. Vạn vật nhuộm màu trăng xanh lớt như bất động. Chỉ có tiếng nước khuấy. Tiếng Thơm thở, ngực nhô lên hụp xuống cái chuyển động kỳ diệu của tạo hóa. Chợt Thơm lên tiếng “... Này, hay là...”, rồi lí nhí “ hay là, hay là...”. Hài ngẩn người ra chưa đáp thì Thơm đâm bổ vào lòng. Họ ôm nhau rất lâu. Thơm khóc rưng rức. Một lúc sau, Hài gỡ tay Thơm, nói từng tiếng, dịu dàng nhưng cương quyết: “ Không đi lính thì lấy gì mà ăn. Cái đời lính nó bất trắc lắm. Thôi cứ để như vậy mà lại hay, Thơm ạ!”. Nói xong, Hài về, hút thuốc lào sằng sặc rồi uống đến say khướt. Hôm sau, Bố-già sang chào, bảo với đám trẻ “... Tết nhé, Tết bố lại về ”.
Ðưa gia đình bà Thơm đi lên nghĩa địa nơi Nhật đã chôn lão Hài, Du vừa đi vừa ngẫm nghĩ về bao nhiêu oan trái mất mát trong những cuộc đời xung quanh. Bước vòng vèo qua những gò đống ngổn ngang hoang phế, lòng Du man mác một nỗi cảm thương vô hạn. Dưới kia là những bộ xương đã một đời chạy vạy, lăn lóc trong cuộc trần ai này. Trên đây, những linh hồn đã rời thể xác chẳng hiểu xô giạt về cõi nào vô định. Nhìn những nấm mộ hiu quạnh chẳng đèn nhang hương khói, Du lẩm nhẩm:
Còn chi ai giỏi ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.
Ðâu đây tiếng kèn đám ma văng vẳng. Cõi phù thế tạm bợ này lại đầy nước mắt của người sống. Họ khóc, một phần là khóc cho kẻ nằm xuống, một phần khóc vì thương thân. Sự đau đớn mất mát làm họ tỉnh lại, nhưng chỉ giây lát. Khi chôn cất xong, họ về. Và thế là dứt, cơn u mê lại bắt đầu. Họ lại xông vào cuộc sống với lòng tham lam, tiï hiềm và nhất là sự hão huyền. Kẻ mạnh chèn ép người yếu. Còn kẻ yếu, họ đi tìm người yếu hơn mình. Họ ức hiếp, hành hạ, đâm chém lẫn nhau, lòng vòng xoay như đèn kéo quân kẻ nọ đuổi người kia. Không thấy gì khác hơn là cái bóng trước mắt mình, họ cứ lao vào mà chụp bắt. Bắt xong bóng này, họ lại đi tìm cái bóng khác, vẫn ở đằng trước, và cứ như thế...
Du quay lại tần ngần nhìn. Gia đình bà Thơm quây nhau lại, tay che gió, tay che mưa, nhóm lửa đốt hương, rồi bày lễ cúng: Ba nắm cơm với một quả trứng luộc. Họ thắt lên đầu những vòng khăn tang trắng, nước mắt giàn giụa, miệng lẩm nhẩm khấn vái. Ðứa bé gái ngồi xổm cạnh nấm đất sụt sùi, chỉ biết gọi “ Bố-già ơi! Sao lại bỏ con đi! ”. Nước mắt ứa ra, Du hồi tưởng đến người lính già chết cũng bởi những cái bóng từ một cõi đi về ám ảnh nhân sinh. Ô, cái bóng huyển hoặc của phú quí, tiền tài. Cái bóng của quyền thế, của danh vọng. Thế nhân nhoài người với tay ra bắt. Lúc có, không thấy đủ. Không đủ, lại tiếp tục chụp bắt... Cho đến phút cuối, sức đã kiệt, họ có thấy chăng là đằng sau những cái bóng còn biết bao nhiêu điều có thật chót bị lãng quên?
Ðó chính là những niềm hạnh phúc của một cuộc sống bình thường. Hạnh phúc khi nhìn trời xanh. Khi đùa vui với con, với cháu. Khi chợt gặp một ánh trăng. Khi cắn vào trái vả chín cây. Khi ngửi hương cốm đầu mùa. Những niềm hạnh phúc ấy, mấy ai biết là nó đâu phải nhỏ nhoi? Chắc lại muộn rồi, sao cứ mãi lại muộn mất rồi, thế nhân ơi! Cuộc hẹn với yên vui lẽ nào vĩnh viễn lỡ làng? Thắp lên, thắp thêm một nén hương. Rồi thế nhân ơi, chớ quên ném xuống những lỗ huyệt đã tự mình đào sẵn cho mình dăm cánh hoa dại cứ muôn đời lỡ độ.
Toàn Nhật tìm đâu ra được một mảnh gỗ vuông vắn. Chàng hì hục lấy đoản dao khắc tên lão Hài lên, lầm lì không nói. Khắc xong, Nhật mang ra cắm xuống trước mộ. Nhìn cánh tay của Nhật chắc nịch nhấn sâu mảnh gỗ vào đất còn ướt, Du bất giác nghĩ đến cái bút lông mềm nhũn lúc nào chàng cũng mang theo bên người. Sự so sánh làm Du kinh hoảng: cây bút ích gì cho thời buổi này, một thời buổi mà cái chân, cái thiện, cái mỹ chỉ là để tô vẽ ngụy trang cho chiều của trục gươm, sống kiếm, chiều dọc theo đóù người ta uốn nắn thế quyền. Du thấy mình nhỏ đi như một con sâu kèn. Hình ảnh Toàn Nhật râu hùm - hàm én - mày ngài đang lững thửng đứng lên, cứ to dần cho đến độ ngợp choáng không gian cái nghĩa địa trong mưa dầm gió bấc.
Bà Thơm sửa soạn hóa vàng. Bà lại nhút nhát đến gần Du, thật thà:
- Nhà cháu chỉ biết khấn vái thường thôi. Ông ấy, lính đấy, nhưng lại cũng thích thơ thích phú một tí. Xin các quan làm phúc cho vài câu...
Nhật ngạc nhiên, suýt phì cười, quay sang nhìn Du. Ðúng là một dân tộc yêu thơ đến độ có những kẻ chết rồi mà vẫn còn mê ngâm vịnh. Ngâm vịnh thế này, Nhật nhủ thầm, quả là một quốc nạn. Và nhất là một điều thật bất hạnh cho nàng Thơ cứ bị dày vò không ngừng trong lầu xanh chữ nghĩa. Nhật khẽ huých tay nhắc Du, lúc đó còn ngẩn ngơ nhìn theo những sợi khói chao đi trong gió nhẹ. Du trầm mặc, rồi đọc khe khẽ:
Nào những kẻ mắc vào ngũ lính
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan
Nước bầu cơm ống gian nan
Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời
Trong chiến trận mạng người như rác
Thân đã dành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma chơi
Tiếng oan văng vẳng thấu trời tít cao...
°
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết năm Giáp Thìn, nhưng Kinh Kỳ hầu như không vui lên được, ủ rủ trong những trận mưa dai dẳng kéo ngày này qua ngày khác. Vì ngăn sông cấm chợ, hàng quán loe hoe, người mua kẻ bán âm thầm, vội vã, lẩn tránh như những kẻ phạm tội. Giá gạo vẫn lên. Giá muối, giá đậu cũng lên. Chỉ có những cành đào, cành mai là rẻ. Như khiêu khích người, trời cho được mùa hoa. Ðào đỏ ay áy, mai vàng rực rỡ óng ả, mai trắng thanh thản, cứ nằm dài ven chợ Ðồng Xuân như thể trêu ngươi, mặc cho hàng dân đong từ lạng nếp đến dăm yến thịt lợn mỡ, lo cho một nồi bánh chưng tằn tiện đón chúa Xuân.
Tiếng chân rầm rập, rồi tiếng ngựa hí bỗng đâu vang lên, xô sự buồn thảm đi để thay vào đó nỗi bàng hoàng của hàng dân. Họ tan chợ, rồi ai về nhà nấy, ngơ ngác nghe ngóng, đồn rằng cấm binh vào vây phủ Liêu nơi Chúa ngự. Những kẻ có người thân thích trong đám quan quyền kháo nhau rằng nay Vua Lê đang lật Chúa Trịnh. Kiêu binh tiến về Phủ Chúa là chắc sắp lại có chuyện đổi rời. Cư dân ở ven đô tung ra tin quân Nhưỡng đã kéo quân về, rồi quận Thạcï cũng theo đường bộ cùng sáu người con sắp vượt qua sông Luộc.
Bật Trực bước lên chính điện Phủ Liêu, theo sau là Bằng Vũ và Nguyên Nhưng. Ngồi trên ngai, Trịnh Tông đưa mắt nhìn Khuông và Khản. Ðám kiêu binh không quì lạy theo lệ, trương mắt nhìn Tông. Trực sẵng giọng:
- Thái phi đâu?
Nổi giận, Dương Khuông hằn học:
- Thói ở đâu mà vào đến phủ Chúa, không chào không lạy, lại hạch hỏi Thái phi?
- Hừ, mang Thái phi ra đây! Rắp tâm giết Hoàng tự tôn, trốn tránh thế nào được!
Nghe Vũ quát, Trịnh Tông lạnh sống lưng, tay bóp vào nhau, xương nghe lách cách. Hoàng tự tôn là Lê Duy Kỳ, bị Trịnh Sâm bắt từ lúc tấm bé, bỏ ngục cho đến ngày kiêu binh đưa ra thì đã mười sáu tuổi. Mặt mũi uy nghi, Kỳ đúng là bức truyền thần sống của Ðông cung thái tử Lê Duy Vĩ, kẻ đã bị Sâm sát hại khi Sâm lên ngôi Chúa. Vua Lê Hiển Tông đón cháu đích tôn về cung Vạn Thọ, vừa khóc vừa bảo “... thế là hồng phúc nhà Lê chưa dứt ”. Từ đó, Kỳ ở cạnh Vua, ngày ngày đọc sách Chu Tử, có gì thắc mắc lại đem ra luận bàn với những nhà danh nho như Ninh Tốn, như Phan Huy Ích, và có tiếng là thông tuệ. Hiển Tông rất quí Kỳ, không cho ra ở riêng, lại bắt nhận Thái tử Lê Duy Cẩn làm nghĩa phụ. ý Vua là sau này Cẩn sẽ truyền ngôi lại cho Kỳ vốn thuộc dòng trưởng nhà Lê.
Cẩn vốn thân tình với Thái hậu Dương Ngọc Hoan và Chúa. Thái phi vẫn nghĩ rằng một khi Cẩn lên nối ngôi Vua, vị trí Chúa của Trịnh Tông lại càng vững, nên luôn luôn săn đón mời mọc. Có lần, Cẩn dẫn cháu là Duy Kỳ đi theo, Hoan thấy tướng mạo Kỳ đúng là có quí phúc, đem lòng ngấm ngầm ganh ghét. Gọi một thày tướng nổi danh vào Phủ, Hoan đãi một bữa tiệc có cả Tông lẫn Kỳ. Cuối bữa, Hoan hỏi. Thày tướng nói nhỏ vào tai: “ Một người là Chúa thì người kia không thể là Vua. Một người là Vua thì người kia không thể là Chúa. Ðằng Kim, đằng Mộc, tướng khắc mà mệnh cũng khắc... ”. Hoan nghe xong, mặt tái nhợt, đứng dậy kiếu đi nghỉ trưa.
Về đến phòng, Hoan vẫy gia nhân tín cẩn ra dặn dò. Ngoài sảnh điện, Kỳ và Tông tiếp tục uống rượu. Thêm dăm chén, Kỳ thấy nhức đầu, xin phép đi về. Bấy giờ, kiệu rước Kỳ đã về cung Vạn Thọ vì gia nhân nhà Chúa ra bảo rằng Hoàng tự tôn còn ở lại ăn yến bữa tối. Kỳ đành lên kiệu nhà Chúa, nhưng chưa đi ra đến cổng thì kiệu rẽ về phía nhà hậu. Có người vén kiệu, úp một chiếc khăn vào mặt, làm Kỳ mê đi.
Khi nửa tỉnh nửa mê, Kỳ thấy mình nằm bó giò trong một chiếc võng có hai người khiêng chạy. Kỳ cố hé mắt ra. Trời lúc đó đã chạng vạng tối. Kỳ thét “... bay đưa ta đi đâu? ” Chỉ có tiếng quát nhỏ “ Nhanh lên nào! ” và bước chân phu võng lại càng vội vã. Kỳ thấy nguy, hết sức vùng vẫy la hét. Ðám cấm binh trong đội Trung Kính nghe tiếng chạy đến giải cứu cho Kỳ, khiến đám gia nhân ba chân bốn cẳng trốn mất.
Sau khi nghe Kỳ thuật chuyện, Bằng Vũ ngẫm nghĩ rồi cho mời Bật Trực và Gia Thọ vào. Họ bàn tính gì đến nửa đêm không ai hay biết, nhưng sáng hôm sau, cả bọn nai nịt rồi kéo kiêu binh đến vây phủ Liêu hạch hỏi. Ðặng chẳng đừng, Tông đành phải cho mời Thái hậu ra đối chất. Bằng Vũ nhỏ nhẹ:
- Võng mang Hoàng tự tôn đi đâu?
-...
- Lối đó võng chỉ có thể ra hồ Thuyền Quang. Vậây ai định dìm chết Hoàng tự tôn?
Mặt tái mét, Dương Ngọc Hoan lắc đầu:
- Tôi không biết!
Lúc ấy, Bùi Bật Trực vẫy tay, kiêu binh xốc nách một gã đàn ông chạc tứ tuần, đầu tóc bù xù, mặt mũi bị đánh sưng vêu lên, mang vào đẩy cho ngã xuống thềm điện. Trực hỏi:
- Thái phi có nhận ra y không? Ðây là người em con dì con già của Thái phi, và là một trong hai người khiêng chiếc võng bắt Hoàng tự tôn đấy!
Dương Khuông nhìn chị, mặt xanh như tầu lá. Khản chép miệng, thở dài không nói không năng gì. Bằng Vũ đằng hắng:
- Việc đã đến thế này, không giải quyết không được. Thái tử Cẩn vốn là do Tiên chúa đặt lên, xét đến công đức thì không có gì, chỉ độc có tiếng là cục đất tròn, lăn đến đâu thì lăn. Nay, Vua giỏi Chuá tài thì xã tắc mới yên ổn. Chúa có rồi, Vua già yếu, tất ai cũng nghĩ đến chuyện nối ngôi. Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ vốn là trưởng nam của Ðông cung thái tử Vĩ, lên ngôi là hợp lẽ và đúng ý của Ðức Vua. Quí vị nghĩ thế nào?
Khuông lập cập:
- Thế là phải truất Cẩn đi à?
Trực cười nhạt, không thèm trả lời. Khản hắng giọng:
- Việc như thế, phải có cả triều đình, không chỉ một hai người mà làm thì mới giữ được danh cho chính.
Vũ gật đầu, nhìn Tông dò hỏi. Như một cái máy, Tông lắp bắp:
- Phải, phải đấy. ý ta cũng thế, ta nói vào để việc lập Ðông Cung cho Kỳ suông sẻ, được không?
Trực lại đưa mắt nhìn Gia Thọ, xưa vốn là thư lại của Tông. Tên này bước lên, chân quì, tay vái, miệng ráo hoảnh:
- Chúa nghĩ thế quả là phúc cho xã tắc. Toàn thể cấm binh chúng tôi xin đời đời đội ơn. Nay chúng tôi sẽ ăn khao cái tin mừng mà hàng dân đang trông đợi...
Tông ngạc nhiên:
- Ăn khao?
Gia Thọ hềnh hệch cười, giọng nhẽo nhẹt:
- Vâng, khải Chúa. Tốn kém cũng không phải ít.
Người hiểu đầu tiên là Dương Ngọc Hoan. Thái hậu nay đã bớt sợ, chép miệng rồi bảo Thọ:
- Ðược, mai đến có rượu thịt ê hề cho trăm người...
Thọ mặt dạn mặt dày:
- Ðội ơn Thái hậu, mai chúng tôi sẽ đông đủ để chúc mừng công đức nhà Chúa. Thế còn hôm nay...
Thái hậu thở dài, xót xa:
- Hôm nay thì ta còn một nghìn lạng bạc, cứ lấy mà chia nhau. Có thế thôi, nài ta cũng chẳng đào đâu ra thêm cho được!
°
Câu chuyện ám hại Lê Duy Kỳ tưởng đến đấy đã xong, nhưng Bùi Bật Trực vẫn không bằng lòng. Trực vào thẳng Hoàng cung tâu với Vua Lê rằng Tông bất tài bất tướng, phải phế đi để lập Trịnh Bồng lên thay. Thật ra, lý do chính là Trực thấy với Bồng thì có vẻ thế nào cũng được, trong khi đó Tông vẫn âm thầm tìm cách khống chế kiêu binh. Vua không thuận mà cũng không chống. Ðược thể, Bật Trực tìm Trịnh Bồng nói thẳng.
Bồng nghe xong, buổi tối hôm ấy đến ẩn trong Vương phủ, kể lại đầu đuôi cho Tông và Dương thái phi nghe. Trịnh Tông mời Khản và Khuông đến vấn kế. Khuông lầu bầu:
- Thế này thì chẳng còn lề lối phép tắc gì nữa. Chúng nó làm càn đến độ chẳng còn trời còn đất, đúng là quân bất trị!
Khản bình tĩnh hơn, đề nghị với Bồng là nên rời Kinh đi trong một thời gian. Bồng nghe như mở cờ trong bụng. Mẹ con Tông không phản đối nên Bồng xin phép đi ngay để tránh sự cấm cản của kiêu binh. Khản lại nói:
- Thượng công có thể lên hai trấn Sơn-Nam gọi Quận Thạc mang quân về không?
Bồng chắp tay, lắc đầu:
- Chuyện này, xin thứ cho. Bồng tôi đã vào cửa Phật, không đành lòng vướng vào những hệ lụy nhân sinh.
Trịnh Tông vội nắm lấy tay Bồng:
- Nhưng cơ nghiệp tổ tiên, bỏ đi sao đành? Họ Trịnh ở ngôi chúa đã ba trăm năm, một lúc mang đổ xuống sông hết ư?
Nhìn vào mắt Tông, Bồng hiền hòa:
- Có sinh, tất phải có diệt. Có cơ nghiệp nào mãi mãi được?
Thái phi Dương Ngọc Hoan chen lời:
- Còn nước, còn tát. Hay là Thượng công cần vàng. Có cần, cứ cầm lấy ba trăm lạng tôi còn giữ được đây!
Bồng niệm Phật, nhìn Hoan, nhẹ nhàng:
- Bồng tôi không cần gì.
Lúc ấy, Khuông gằn giọng buông sõng:
- Không mang chiếu gọi quận Thạc về thì không đi đâu được!
Bồng lại niệm Phật, không đáp. Khản gạt tay rồi từ tốn:
- Thượng công ở Kinh ngày nào, kiêu binh có cớ ép Chúa thoái vị ngày ấy. Nhưng tu thì cũng dăm bảy đường tu. Có khi biến, có khi thường. Lúc biến mà xử như khi thường thì mang tiếng là vô trí lự, xin Thượng công nghĩ lại cho.
Trịnh Bồng quay vái Khản một vái, miệng cười, chậm rãi:
- Thượng quan quả là người danh giáo trí tuệ hơn thiên hạ. Song với đệ tử nhà Phật, không có thường mà chỉ có biến. Rồi qui cái biến hiểu ra lẽ, thì biến lại hóa thường ở chỗ sinh, lão, tử, bệnh. Giải thoát khỏi được những cái khổ ấy, đệ tử nhà Phật thấy gốc nó ở lục căn, ngũ uẩn và tìm diệt chúng đi từ sự tỉnh thức vô tướng vô ngã để rồi chỉ nhập thế bằng từ - bi - hỉ - xả. Chuyện quyền lực không phải là chuyện kẻ xuất gia, xin Thượng quan hiểu cho, Bồng này chắp tay cúi đầu cảm tạ.
Khản vội đứng dậy đỡ lấy Bồng, mắt nhìn có thoáng ngậm ngùi, không nói gì nữa.
Nửa đêm hôm đó, Bồng đến dinh Khương Tả hầu, nói với Nhật:
- Tôi đến chào tướng quân, và nhờ đưa tôi một thôi đường.
Toàn Nhật không ngạc nhiên, chỉ đáp nhỏ: “... Xin mừng cho Thượng công ”.
Giắt kiếm sau lưng, Toàn Nhật cùng Trịnh Bồng đi về phía sông Nhị Hà. Trên trời, những giải sao chi chít lấp lánh mỗi lúc một xa đi với cõi nhân gian. Bọn lính tuần canh gặp chủ tướng cũ, không hỏi han gì, chỉ cúi đầu chào. Gió thổi từ phía bắc về đã bắt đầu se sắt lạnh. Bỗng Trịnh Bồng lên tiếng:
- Mắt tướng quân còn sát khí là vì tướng quân chưa giải được nghiệp. Tôi nghe kể là tướng quân đã tránh được một trường binh đao, nhưng cũng vì thế mà phải ngộ sát cha mình...
Nhật nghe Bồng nói, hồi tưởng lại những giằng co trong tâm tưởng đêm trước ngày cấm binh làm loạn. Cũng trên bờ sông này, cũng với dòng nước cuốn xiết dưới kia, chàng đã chực buông xuôi hết, rũ áo qua bờ bên kia, bỏ lại Kinh Kỳ với những dối trá, những lọc lừa, với những âm mưu quyền lực và nhất là lòng tham muốn không bờ bến. Nhưng làm thế thì xương máu hàng vạn người phải đổ ra! Không, không làm thế được! Bỏ đi như vậy là trốn chạy trách nhiệm của một con người trước sinh mệnh đồng loại. Vũng máu kia đổ ra sẽ là niềm ân hận theo Nhật suốt đời. Và nếu thế, chắc chàng chẳng bao giờ còn dám nhìn mặt mình trong gương. Vậy thì chỉ còn một cách độc nhất: cứ để ai làm gì thì người đó phải đối đầu với trách nhiệm của mình. Nghiệp người nào, người đó trả.
Nhưng khốn khổ chưa, Lý là cha ngươi đấy, Toàn Nhật ơi! Lý vẫn là cha ngươi dẫu mẹ ngươi chết trong dòng nước sông Lam vì cái con người bạc bẽo đó bỏ mẹ lấy công chúa Ngọc Tĩnh để rồi được tấn phong Quận Công? Mẹ đâu! Mẹ! Thoắt lại thấp thoáng người đàn bà miếu Ba Cô ở đâu đó, trả lời: “... Mẹ đây! ”. Gió bỗng thổi dựng đứng những hàng lau ven bờ nước. “ Con đã làm gì? Mẹ ơi!”. Hình như chỉ có gió trả lời qua những tiếng vi vút nghe tưởng muôn đời không dứt được. Quay lại nhìn xoáy vào mắt Trịnh Bồng, Nhật buông gọn một câu đau xót:
- Không. Không phải ngộ sát mà...
Nghẹn giọng,Toàn Nhật cố mở miệng nói tiếp, nhưng rồi nghĩ thế nào lại mím môi lại. Bồng đầm ấm:
- Ta không có, thì làm gì có cái gọi là cha Ta. Sợi dây oan nghiệp vô thủy vô chung, gọi là con cũng được mà là cha cũng thế, ai biết được cái chi trước cái chi sau? Thôi, cởi dây ra đi! Ðể chết có thể là cứu đấy. Ðể sống có thể lại đọa đầy thêm. Ðường trần còn dài, càng ít vướng bận càng hay.
Từ đấy, hai người không nói gì, lặng lẽ bước trên con đường dẫn về phía sông, giữa tiếng côn trùng rên rỉ và tiếng ễnh ương thỉnh thoảng lại ộp oạp vẳng lên từ bờ mương. Ðến khi tạt về mé phải là ra đến bờ sông Nhị, Bồng ngừng bước, nắm lấy tay Toàn Nhật, lại lặp lại:
- Còn duyên là còn gặp.
Nhật đứng nhìn theo bóng Bồng một mình khuất bóng sau lũy tre già ở lối rẽ.
°
Khi Nguyễn Khản được thăng Thượng Thư, tước Tán quận công, lo việc triều chính cho Trịnh Tông, Du quay về ở hẳn trong dinh Kim Âu. Khản nổi tiếng là người sành chơi, nhà đầy đồ cổ từ đời nhà Tần cho đến đời nhà Thanh. Còn sách xếp chật hai dãy thư phòng, từ sách Xuân Thu Chiến Quốc cho đến đủ loại Tân Thư. Quí nhất là vô số những bản thảo tự tay những khách tài tử như thủ bút của Ðặng Trần Côn, của Ðoàn Thị Ðiểm.
Dinh Kim Âu không lớn lắm, nhưng cảnh trí xếp đặt tài tình, nét phong nhã khiến xưa Tiên Chúa Trịnh Sâm phải trầm trồ khen, và mỗi khi có dịp, Tiên Chúa lại đến ngự, chuyện trò đôi khi suốt ngày với Khản. Chúa rất thích ngồi cạnh hồ bán nguyệt, ngắm một cây đa triết thụ gần nghìn năm chỉ cao bằng ba đốt tay, nghe nói là lấy từ Ðỗ-Lăng, quê nhà thơ Ðỗ Phủ.
Du ít khi ra khỏi dinh, đăm chiêu tư lự, chỉ thỉnh thoảng mời Nhật đến chơi. Khản coi Nhật cũng là loại kiêu binh, ngầm khinh khi nhưng không lộ ra mặt. Trong triều, Dương thái phi, Dương Khuông và Khản tìm cách kiềm chế sự thao túng quyền thế của đám Bằng Vũ, Bật Trực, Nguyên Nhưng và Gia Thọ. Họ chia rẽ kiêu binh bằng cách mua chuộc. Trịnh Tông gần gũi Nguyên Nhưng hơn những kẻ khác, định sắc phong cho tước Quận công, và cho hưởng một trăm mẫu công điền. Vũ, Trực và Gia Thọ nói thế nào mà Nguyên Nhưng không dám nhận, nhưng trong bụng đã hằn học. Sau đó, bộ ba lại o ép đến độ Tông uất quá, nói:
- Biết thế thì chẳng làm Chúa còn hơn!
Bằng Vũ khinh khỉnh đáp:
- Tưởng Chúa muốn nên mới lập, nay nếu không thì chúng tôi xin phò Thụy quận công lên thay!
Tông sợ, im ngay. Khuông và Khản đều lấy làm ức, tìm Chiêm Võ hầu là một võ quan khẳng khái và cầu được hỗ trợ. Chiêm Võ bàn là nên xa giá lên Sơn Tây, rồi mang quân của Hoàng Phùng Cơ về dẹp kiêu binh. Họ bí mật liên lạc với Cơ, hẹn mang thuyền đến bến Tây Long đón Chúa, sau đó tức thì khởi sự tiến công vào dinh. Việc vỡ lở, kiêu binh vào cật vấn, Dương thái phi khóc lóc:
- Nào có việc ấy, ba quân nghe đồn mà tin, làm gì có căn cứ.
Bật Trực quát:
- Chuyện đại sự không nói với đàn bà!
Trịnh Tông thót bụng lại, từ ghế ngự bước xuống, chưa kịp nói gì thì Bằng Vũ đã mím môi dằn giọng:
- Cái chuyện định ra Tây Long lên thuyền đi trốn, chúng ta biết cả rồi. Ðừng dài hơi mất công.
Từ đó, kiêu binh canh gác cẩn mật Vương phủ, người ra người vào ai nấy e dè, sợ sệt. Bọn Vũ, Trực tính đến đường truất nhà Chúa. Họ biết là hai mẹ con Trịnh Tông vẫn chần chừ trong việc phế Ðông cung Lê Duy Cẩn nên vào tâu thẳng với Vua Lê xin lập Hoàng tự tôn là Lê Duy Kỳ lên làm Thái tử. Suốt đời bị họ Trịnh ép uổng, Vua Hiển Tông thuận lòng ngay, lại khêu ý cho Vũ và Trực là sẵn sàng để cung điện làm chỗ ba quân hội bàn. Cẩn sợ quá, chạy vào Vương phủ, kiêu binh đuổi theo dẫm nát cái kiệu, chửi: “... ngôi Vua chẳng đứa nào cầu xin mà được! ”. Tông phải ra trấn an, sai triều đình lập ngay Kỳ lên ngôi Ðông-cung cho được lòng kiêu binh.
Bọn kiêu binh kéo nhau vào điện Vua đòi thưởng cái công truất Cẩn lập Kỳ. Bắt phiên tả sai người đánh cá hồ sen bắt lấy cá trắm làm gỏi để đãi, rồi cho kiêu binh vào cung Vạn Thọ, Vua tuyên chỉ ủy lạo và mang tiền ra phân phát. Trần Nguyên Nhưng chạy về báo cho Tông, Tông mời ngay Khản và Khuông đến hỏi ý. Khản nghiến răng:
- Xin cho bắt và giết đi.
Khuông bực tức, xen vào:
- Không cần hỏi tội trạng gì! Chúng cậy đông mà ngông nghênh. Ðũa bẻ cả nắm không được thì cứ rút ra một hai chiếc mà bẻ, dần dần phải hết.
Tông liền sai Chiêm Võ lấy lính phong vân vào vây bắt. Chiêm Võ người huyện Yên Lãng, đỗ Tạo sĩ, có tiếng là gan dạ. Tuốt gươm ra, Võ bảo: “ Gươm này đủ sắc để lấy đầu bọn phản tặc ”. Ðang chè chén, bọn kiêu binh bất ngờ bị vây, bỏ chạy toán loạn, Võ bắt được bảy mạng điệu về Vương phủ nghị tội. Ðám triều thần xưa nay vốn nhút nhát, sợ bị kiêu binh trả thù nên ai cũng có ý che chở họ. Khuông hằn học:
- Cứ chiếu pháp mà làm.
Tông sai đem cả bảy người chém luôn hôm đó.
Bọn kiêu binh họp nhau lại, có kẻ nói nếu nấn ná nín nhịn chịu cái kế “bẻ đũa ” thì sớm muộn cũng sẽ chết. Gia Thọ lại bàn cứ đến Vương phủ hỏi ân oán cho ra lẽ, rồi hẹn nhau khởi sự khi tan triều hôm sau.
Sáng sớm, một tốp kiêu binh bất ngờ đến vây nhà Khuông và Chiêm Võõ. Hai người này ra cửa sau, chạy thẳng đến Vương phủ. Kiêu binh vào khuâân bàn, ghế, tủ sập ra chất lên xe, lấy hết đồ tế nhuyễn tư trang rồi phóng hỏa đốt nhà. Họ chia của vừa cướp, cười nói nhốn nháo, dân hàng phố chỉ đứng nhìn ngao ngán. Một tốp kiêu binh khác ùa đến dinh Kim Âu, nhưng còn thập thò không dám vào, e rằng dinh có phòng bị. Khản ở trong nhà phái gia nhân ra ngoài nghe tin tức, nhưng họ đều bị kiêu binh đánh chết tại chỗ, không người nào về được.
Ðến trưa, kiêu binh kéo nhau vây Vương phủ, đòi mang Dương Khuông và Chiêm Võõ ra trị tội. Dương thái phi lo cho em, quên cả địa vị tôn kính của mình, đưa ra biếu một nghìn lạng vàng, quì lạy:
-... cắn rơm cắn cỏ xin chư quân tha cho.
Bọn kiêu binh hềnh hệnh cười, bảo một nghìn lạng thì tha Khuông, muốn tha Chiêm Võ phải thêm vào năm trăm lạng. Dương phi xót của không chịu, lải nhải mặc cả. Trịnh Tông khẩn khoản:
- Giết Chiêm Võ, bẩn gươm đao. Thôi, hai trăm lạng, được nhé...
Ba quân lại ồ ồ cười, quát ầm lên là nhà Chúa gì mà keo bẩn thế.
Chiêm Võ trốn trên lầu các nghe thấy hết, chán ngán thở dài, rút đôi song kiếm, đĩnh đạc bước xuống, nói:
- Vâng lĩnh mệnh Chúa, Võ này trước khi chết cũng lấy đầu được chục đứa loạn binh.
Ðám kiêu binh ngán võ nghệ của Võ, lùi hết lại rồi nhao nhao lên:
- Hễ động kiếm là chúng ta đốt Vương phủ, vạn lạng lúc đó cũng mất, nói chi đến hai với chả năm trăm lạng
Tông sợ quá, níu tay Võ kéo vào, năn nỉ:
- Thôi, tướng quân vì xã tắc hãy thôi đi...
Nói rồi, Tông viết sáu chữ “Trung Nghĩa Tráng Liệt Ðại Vương ”, ban cho Võ một nghìn mẫu ruộng làm đất nối đời, và sắc phong làm Phúc Thần. Chiêm Võ vo tròn mảnh giấy bỏ vào miệng nuốt, chỉ nói:
- Tôi chẳng xin tước lộc, chỉ mong Chúa dựng lại phép nước mà thôi!
Nói xong, Chiêm Võ hiên ngang bước ra, vạch lối giữa đám kiêu binh mà đi, không mảy may hãi sợ. Có đứa hỏi “ Kiếm sắc của mi đâu? Lúc này mi phải đền bảy mạng! ” rồi xông vào. Võ trừng mắt quát:
-... ra khỏi Cấm cung đã.
Ði đến chân cầu bắt ngang hào vào Vương phủ, Võ khoan thai ngồi xuống, miệng mỉm cười, nói lớn:
- Ta vâng lệnh Chúa không thi võ với bay, nhưng vẫn có thể thi gan.
Bọn kiêu binh mỗi đứa lấy một cục gạch đến đập vào đầu Chiêm Võ, máu me bắn đầy ra, nhưng đánh cả giờ mà Võ vẫn ngồi không ngã, mắt mở trừng trừng, miệng vẫn nhếch ra ngạo mạn. Ðến khi mây xụp xuống, mưa đổ như trút nước, sấm sét nổ một cơn thịnh nộ vỡ tung trời đất, thì lúc ấy Võ mới ngã ra, mắt nhắm lại.
°
Về phía dinh Kim Âu, đích thân Bằng Vũ phải đến để bắt Khản. Chỉ thấy một tay kiếm đi đi lại lại trong sân, Vũ ngại có mai phục, đứng ngoài vung tay làm loa vừa gọi vừa chửi Khản. Ðột nhiên, Toàn Nhật cùng chín người cận vệ xuất hiện, đi thẳng lại phía cổng dinh. Vũ ngạc nhiên nhưng chỉ cười khẩy hỏi:
- Toàn Nhật! huynh đến để cứu cho giặc ư?
Không trả lời, Nhật trườn mình đu lên cổng, thoắt một cái đã nhảy vào trong dinh. Vì Nhật là khách quen thường đến dinh Kim Âu, tay kiếm trong sân chỉ nghiêng đầu chào. Ði thẳng vào mé sau, Nhật gặp Du đi ra. Mừng rỡ, Du nắm lấy tay Nhật, nhưng miệng vẩn đùa:
- Bắt phong trần, phải phong trần...
Nhìn quanh, Nhật nói nhanh:
- Phải đi gấp. Nếu chúng kéo đến đông quá, bất lợi. Ta đã cho người sắp sẵn thuyền ở ven sông rồi! Quan Thượng thư đâu?
Du cười tủm:
- Lệnh huynh cứ khi lâm nguy lại đau bụng. Ðể đệ vào trình...
Một lát sau, Khản bước ra, mặt mũi nhăn nhó, cố gượng cười:
- Ða tạ Võ tướng quân. Ðúng là Khản này được cứu mạng, làm sao đáp đền cho được!
Nhật xua tay, giọng đanh thép:
- Xin Thượng Quan cùng gia quyến sửa soạn đi mau lên, và chỉ mang theo những gì cho gọn, nhẹ.
Ðợi cho mọi người lục tục ra đến sảnh đường, Toàn Nhật quét mắt nhìn đám đồ đạc ngổn ngang, rành rọt nói:
- Các vị mang kềnh càng, chỉ làm mồi cho bọn cướp cạn rình mò khắp nơi, của không giữ được, lại có thể thiệt thân. Vậy xin mỗi vị chỉ hai tay nải, cái gì giấu được trong người thì giấu. Trai tráng nhớ giắt theo đao kiếm, có lúc phải dùng. Khi đi theo tôi, tuyệt đối không được la hét hay khóc lóc. Ðàn bà con trẻ đi vào giữa, thanh niên kèm hai bên, và không được tản ra rời hàng. Quí vị đã hiểu chưa?
Ðến trước mặt Khản, Nhật nói vừa đủ Khản nghe:
- Xin Thượng quan giữ mình. Qua sông Nhị, ngài nên chia thành nhóm nhỏ, cải trang làm thợ gặt mà đi. Của cải vàng bạc lúc đó tìm chỗ chôn giấu, chớ có mang theo mình mà mang họa.
Vái tạ Nhật, Khản hỏi:
- Tướng quân có cần tiền để chi dùng không?
Nhật lắc đầu. Du lật đật ôm một chồng sách ra bỏ vào túi nải, miệng cứ xuýt xoa, chắc còn đang tiếc nuối những quyển sách quí không mang theo được. Nhật bật cười, quát nhỏ:
- Du đệ. Ta chỉ cho phép mang theo bản thảo những trứ tác của đệ. Còn bao nhiêu, vứt lại hết trừ vàng. Có vàng là mua
được hết.
Ðợi đến hai khắc sau, BằngVũ vẫn không thấy động tịnh. Chẳng hiểu Nhật định làm gì, Vũ thét kiêu binh cẩn thận và cho đi gọi lính tiếp viện. Lúc ấy, đám gia nhân đang dìu Khản ra, đi đằng sau có Du. Nhật ra trước cổng, nhìn Bằng Vũ, nhỏ nhẹ:
- Bằng huynh còn nhớ tình cũ thì để đệ đem họ đi là tốt hơn cả. Nhà họ Nguyễn với đệ đây là chỗ ân tình, đệ không thể phụ họ được.
Bằng Vũ vừa quát “... vào bắt! ” thì Nhật đã lạng người đến bên, tay trái kẹp lấy cổ Vũ, tay phải để con dao trủy thủ vào cuống họng. Bọn kiêu binh hò hét nhưng không dám làm gì. Nhật bảo Vũ:
-... ra lệnh cho họ lùi ra, cách xa ít nhất là mười trượng, tuyệt đối không được động thủ. Nếu trái lời, kẻ mất mạng đầu tiên là Bằng huynh đấy.
Nhật đi đoạn giữa, đoạn tiền và hậu do đám hộ vệ đảm lấy, di chuyển về bến Hàm Như theo thế kiếm trận tam giác. Bằng Vũ bị Nhật nắm lấy gáy, dao kề cổ, đẩy đi, đầu cúi gầm xuống, mặt mũi tái nhợi.
Dân hàng phố ra đứng hai vệ đường, hò reo hể hả như bắt được cướp. Bật Trực và Gia Thọ được báo, kéo thêm kiêu binh ra, nhưng chỉ đi theo, không dám đến gần, quát tháo dọa nạt bàn dân.
Ðến bến, Nhật chia tay với đám thủ hạ, lấy hết tiền bạc chia đều ra, bảo ai về quê thì về, ai muốn phò nhà Chúa thì theo Khản. Họ mượn thuyền nhỏ qua sông Nhị, đám xuôi xuống Thanh-Trì, tìm đường lên Sơn-Lạng, đám đi thẳng về miệt Thái Bình.
°
Trên chiếc thuyền con, chỉ có Vũ, Du và Nhật. Trời đã tối, đằng xa vẳng lại tiếng trống và tiếng reo hò. Kiêu binh ập vào dinh Kim Âu hôi của rồi châm lửa đốt. Nhân dịp đục nước béo cò, vô số dinh thự của đám Công Hầu cũng chịu chung số phận. Hơn nửa những công trình xây cất từ hai trăm năm phừng phừng cháy, lửa bốc lên cao, hừng hực, điên dại, không có gì kìm chế được. Du hồi tưởng lại đống kinh, sách làm bạn với mình từ thở thơ dại, ứa nước mắt, vừa thương vừa tiếc.
Nằm chèo queo trong khoang, Bằng Vũ không biết số phận mình sẽ ra sao. Thuyền ngược nước, nhà đò ra sức đẩy, hò lên từng chặp. Toàn Nhật nghiêm nghị, nhìn Vũõ, rồi thủng thẳng nói:
- Từ vụ án Canh Tý, ta đã đoán biết Bằng huynh là người trong Nội Mật viên, lập mưu lấy cớ bắt Trọng Thức, ép thầy ta phải phế Tông lập Cán. Rồi Bằng huynh lại trở mặt, phế Cán lập Tông. Nhưng nghĩ cho cùng, kỳ thật là Bằng huynh chỉ tìm cách tiến thân, cũng muốn trở nên công, hầu, khanh, tướng... Ðạt được rồi, song vẫn còn chưa thấy đủ, nay Bằng huynh lại mơ tưởng đến tước Vương. Bịa ra nào là «Nông chế», nào là « Chiến sách », Bằng huynh lấy chữ lòe đám kiêu binh, đem lợi riêng lung lạc dân tình, gây nên mầm chia rẽ, gieo họa cho cả nước.
Ngưng lại, Nhật nhìn về phía Kinh đang phừng phừng khói lửa, nói tiếp:
- Cứ theo lời Hàn Tử, chính sách pháp trị có hai điểm phải làm. Thứ nhất, pháp phải phổ biến ra để ai ai cũng biết. Thứ nhì, pháp phải nhất chấp, nghĩa là ai phạm vào cũng bị tội. Vừa đây, bất cứ cái gì cũng là pháp mà cũng là vô pháp, cứ theo cách suy diễn của Gia Thọ mà làm. Tệ hơn, đám kiêu binh đứng ra ngoài vòng pháp luật, rồi dùng bạo lực ứa hiếp cả thiên hạ, quả thật đã đi quá cái mức khó có ai tưởng tượng ra nổi...Tội của Bằng huynh, Bật Trực và Gia Thọ chất cao như núi, cứ nghe tiếng oán thán trong bàn dân, tất hiểu...
Bằng Vũ đột nhiên rú lên như thú cùng đường, đầu rúc vào sàn thuyền, mắt lạc đi, nhìn Du, nhìn Nhật, lưỡi ríu lại không nói được. Sợ quá, Bằng Vũ ỉa đái ra đầy khoang, miệng rên ư ử. Lạ chưa? Lúc xưa chẳng có gì trong tay, Vũ hiên ngang chẳng kể chi đến cái chết trước mặt Tế Lý. Thế mà nay, có quyền có lực trong tay để ép Vua chèn Chúa, Vũ lại hóa ra khiếp nhược, khóc hu hu xin tha.
Thuyền cập bến. Nhật lên trước, rồi đưa tay kéo Du theo. Nhìn người lái đò cong lưng đẩy cho thuyền ra, Du hỏi Nhật:
- Bây giờ ta đi đâu?
Nhật nhắm mắt, tưởng ra trại Bùi Phong, song miệng lại đáp:
-... chưa, chưa đi đâu hết!
Nói rồi, Nhật cởi hết mũ, miện, cân, đai ném hết xuống sông. Trần truồng như nhộng, Nhật lao người vào dòng nước, chồi lên hụp xuống, vừa bơi vừa hát:
“... Ới này sông ơi.!
Nước trong ta rửa giải mũ.
Nước đục ta rửa chân.
Nhưng chớ cạn.
Nhưng chớ kiệt..
Bởi nước cạn kiệt thì ta còn gì là ta...”
Nhật vẫy vùng ngụp lặn, sải tay bơi, rồi hụp xuống thật sâu, thật sâu cho đến độ buồng phổi căng tức ra đẩy Nhật trồi lên thở hít khí trời. Nhật lại lặn xuống, mắt mở, tưởng như nhìn thấy nào là Bố-già, là Sâm, là Huệ, là Tông... vùn vụt trôi bên cạnh, tay cứ quờ quạng bám víu, miệng kêu cứu trong tiếng ì ầm chuyển động của dòng nước cuốn băng băng trong cơn thịnh nộ. Nhật bỗng thấy một người đàn bà đưa tay vẫy. Có phải là mẹ chàng, người quay lưng ở miếu Ba Cô trên Phố Hiến? Chàng chỉ nhớ tiếng mẹ gọi. Gọi chàng với giọng nặng nhọc oan khiên. Những xoáy nước ở đâu nổi lên, vỡ ra, rồi lại hợp lại. Nhật nhận ra mặt Tế Lý, người bỏ mẹ đi lấy công chúa Ngọc Tĩnh con Chúa Trịnh Sâm để tìm đến danh vọng và quyền lực.
A, cái Ta, lời Trịnh Bồng đâu đó vẳng lên. Tưởng có Ta, nên tìm cái danh vọng cho Ta, cái quyền lực của Ta. Vì cái Ta của mình, Lý cam tâm phụ rẫy, bỏ mẹ chàng với cái bào thai trong bụng. Nước lại xoáy vòng làm mặt Tế Lý khổ sở nhăn nhó, chiếc cổ bị chém đứt máu loang đỏ trên mặt sông. Mắt nhìn chàng, miệng phì phào đòi lại thân mình chẳng biết là ai đã chôn cất ở đâu, khuôn mặt Lý dần dần nhòa nhạt đi, lẫn vào bóng cây ven sông, chìm xuống một vực sâu không có đáy. Cái Ta biến mất. Nó thoắt đến thoắt đi. Danh vọng, quyền lực, phú quí đi
kèm cũng thoắt đi thoắt đến. Rồi cả giọt nước mắt và lời oán hờn của mẹ. Cả nỗi đau lòng của Toàn Nhật khi ném trả thanh kiếm Hoàng gia vào tay Lý, cắn răng không nhận gốc gác mình. Cả niềm ân hận dằn vặt Nhật từ mấy tháng vừa qua. Tất cả bỗng chốc hững đi như chưa hề có. Hay giả nếu có thì chỉ như một cơn ác mộng, bập bềnh rồi biến vào những bọt nước vỡ tan, trả mình lại cho lòng sông thản nhiên nhận chìm mọi điều ân oán. Ðột nhiên, tiếng ì ầm nhỏ dần đi. Dòng nước lại trở lại hiền hòa ôm Nhật vào lòng như bồng bế. Nhật nhô đầu ra khỏi mặt sông, hả miệng hét: “ Nước ơi, chớ cạn, chớ kiệt. Bởi nước cạn kiệt thì ta còn gì là ta... ”.
Lên bờ, Nhật mở cái tay nải bằng vải thô chàng mang theo từ lúc xuống trại Bùi Phong. Lôi ra ngắm nghía, rồi vuốt ve bộ quần áo thường dân nhuộm nâu có dăm miếng vá do chính tay mẹ nuôi chàng khâu cho, Nhật cảm động áp nó vào mặt mình. Nó thơm hương cốm tươi có thoảng mùi mồ hôi. Nó nhẹ tênh, khác hẳn bộ võ phục nặng nề chàng phải mang trên người từ ngày rời phố Hiến.
Tồâng ngồng bước lên bờ, Nhật vuốt nước trên mặt, miệng hỏi Du « Xem ta đã sạch bụi Kinh Kỳ chưa?»
Chẳng đợi trả lời, Nhật vươn vai ưỡn người, hít không khí tự do đầy lồng ngực, vui vẻ mặc quần áo thường dân vào. Bên kia sông, lửa vẫn bốc cao, khói bay lên nhuộm hồng những đám mây đang còn ngơ ngác sợ. Bên này, gió sông mát rượi mơn trớn những tấm hình hài đổ xuống bờ đê những chiếc bóng khổng lồ.
Bỏ lại phía sau Kinh Kỳ hừng hực cháy sáng một góc trời, hai người nhắm hướng Nam lên đường.