Chương 11
Gió chướng

Hai hàng bạch lạp hắt lên vách tường bằng gỗ hương những bóng người, hình dạng và kích thước thay đổi tùy theo vị trí, lúc tản ra rồi khi lại tụ lại, như đang chơi trò cút bắt. Tiếng trống canh vẳng lại, xa vắng, tắt lịm trong cơn gió thốc vào cửa thành Nội, nghe u ú như tiếng kêu bị sặc trong cuống họng. Quấn chăn bông chung quanh cái thân thể bé xíu của Quang Diệu mới được ba tháng, Ngọc Hân nhìn bà nhũ mẫu, cười đắc thắng:
- Già xem, lấy chồng sáu năm, đẻ cho ba đứa. Lại ba đứa con trai. Còn sức, còn đẻ. Càng đông càng tốt. Dẫu mang họ Nguyễn, nhưng một nửa vẫn là dòng máu nhà Lê. Nghiệp nhà không giữ được hết thì giữ một nửa. Mai này vào bình định miền Nam, đất nước gấp hai lên thì dẫu nửa cơ nghiệp bây giờ cũng chẳng mất mát gì so với cả cái cơ nghiệp xưa.
Lẳng lặng đi ra mở cửa sổ, Hân đưa mắt nhìn trời. Xa tít tắp, ngôi sao Bắc đẩu nhấp nháy như chào gọi trong vòm sáng pha lê bí ẩn từ muôn đời vẫn chứa chấp bao nhiêu là toan tính giữa những tình cờ run rủi. Một cơn gió thoáng có chất nồng của muối biển ở đâu thốc vào. Nhũ mẫu đến bên Hân, nói như than:
- Lại gió chướng. Hạâu khoác thêm cái áo, kẻo ốm.
Hân cáu bẳn:
- Dặn mãi, già không chịu nghe! Gọi Hân, già cứ gọi là công chúa như xưa. Hậu hiếc gì...
Ðặt tay lên bụng, Hân nhắm mắt, hồi tưởng đến cái đêm động phòng ở lầu Tử Các trong dinh chúa Trịnh. Một đêm hung bạo, dẫu muốn cũng không thể quên. Cái đau làm tê liệt phần dưới cơ thể và những giọt máu trinh tiết ứa ra loang lổ trên sàn gạch trắng vẫn ám ảnh Hân như một vết nhục nhã không gội rửa được.
Hai năm sau khi về Phú Xuân, khi nghe tin Lê Chiêu Thống sai Trần Danh Án sang Tầu cầu viện, Hân ôm Quang Cương, đứa con đầu lòng khóc cả đêm. Miệng lẩm bẩm: «... thế là hết, nghiệp nhà đến chỗ tuyệt rồi », Hân đã nghĩ đến sự hủy hoại thân mình. Lúc đó, Vũ Văn Nhậm tác oai tác quái ở Thăng Long, đặt Lê Duy Cẩn lên làm Giám Quốc. Cẩn chỉ biết than «... Giám gì? Ta chỉ là ông từ giữ bàn thờ tổ nhà Lê, thế thôi! ». Sau lại có mật báo của Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, tin cho Chính bình Vương Nguyễn Huệ về sự lạm quyền và ý đồ của Nhậm. Huệ liền gọi Nhậm về. Nhưng đã hai lần gọi, cả hai lần Nhậm đều viện cớ không nghe. Ðồng thời, Nhậm sai bắt lính và vơ vét thiên hạ bằng sưu thuế đến độ dân gian phải trốn đi, phiêu tán khắp đầu rừng cuối bể để tránh quan quân tróc nã. Hân ôm con, nước mắt ròng ròng, nói với Huệ:
- Bắc hà thuộc nhà Lê, nay nếu không giữ được thì thuộc về Vương. Về sau, đất đó phải về tay Quang Cương, vừa là máu mủ Tây Sơn vừa là huyết thống cựu triều. Thiếp xin theo Vương ra bắc bắt Nhậm, nếu không thì chết không nhắm mắt, chẳng mặt mũi nào nhìn thấy tổ tiên nữa...
Huệ lúc ấy còn phải toan tính nhiều điều. Từ khi Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ chết đi, Thái bảo Phạm Văn Tham ở Gia Ðịnh lại bị quân Nguyễn Ánh tấn công mọi nơi. Vào tháng hai năm Mậu Thân, Tham cầu cứu nhưng Nguyễn Nhạc án binh bất động khiến Huệ phải phái Nguyễn Văn Hưng mang thủy binh đi đường biển vào ứng cứu, đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Kéo quân ra Bắc bắt Nhậm là bỏ ngỏ Phú Xuân, biến nó thành một miếng mồi béo bở kích thích lòng tham vô đáy, sự manh động và niềm hằn thù của Nhạc. Huệ bóp trán, nhìn Hân lắc đầu. Hân gặng hỏi, Huệ không đáp. Sau khi đã thu xếp để đối phó với sự đe dọa của Nhạc, một tối tháng sau, Huệ bất ngờ gọi Hân vào buồng, bảo: « Mai ta lên đường. ». Ðêm hôm đó, để mặc Huệ dày vò, đánh đá trong một cuộc truy hoan trước khi viễn chinh, Hân vừa rên rỉ, vừa thì thào «... nữa, nữa đi! » như thánh thức, đầu chỉ tưởng đến cái cơ nghiệp nhà Lê để quên nỗi đau đớn của thể xác.
Cuối tháng tư năm Mậu Thân 1788, đại binh gồm một trăm năm mươi voi với đoàn hộ giá đủ kiệu xe võng lọng đưa Ngọc Hân và Huệ vào Thăng Long, uy thế khiến Vũ Văn Nhậm không dám chống cự. Ngày mùng năm tháng năm, Nhậm bị trói phơi nắng ngoài pháp trường một ngày rồi bị chém đầu. Mười ngày sau, Huệ ra bá cáo trách Lê Chiêu Thống vô ơn bạc nghĩa, kết tội Nhậm là phản phúc, và trưng cầu dân ý theo Lê hay theo Tây Sơn. Nhưng lòng tưởng vọng nhà Lê vẫn còn khiến Huệ vẫn phải giữ Cẩn làm Giám Quốc, để Bắc hà cho Ðại tư mã Ngô Văn Sở trông coi quyền bính với đám tướng là Nội hầu Lân, Ðô đốc Tuyết, và một số hàng thần nhà Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn... Thời gian đó, quâân Thanh dưới quyền chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị bắt đầu tập họp ở Quảng Ðông, sẵn sàng kéo qua can thiệp theo lời cầu của vua Lê. Huệ trưng mộ lính, định lập một đạo quân trên dưới hai mươi vạn người. Ðồng thời, Huệ bắt chở tất cả đồ đạc, cột kèo ở phủ Chúa về Nghệ An. Sai xử sĩ Nguyễn Thiếp xem đất để xây dựng Phượng Hoàng trung đô, Huệ có ý muốn bỏ kinh thành Phú Xuân để rời ra trông nom trực tiếp tất cả lãnh thổ Ðàng Ngoài.
Về Phú Xuân đầu tháng sáu, Huệ đưa Ngô thì Nhậm vào theo. Nhân dịp, Ngọc Hân đón nhũ mẫu cùng đi, đỡ cho những lúc một thân cô quạnh nơi tha phương. Thái úy Hưng lúc đó từ Gia Ðịnh ra cùng với Nguyễn Huy Tự để báo việc quân, và thay Tham xin với Huệ cho thêm lực lượng để chống giữ. Trước tình thế Ðàng Ngoài đang bị hai mươi vạn quân Thanh đe dọa, Huệ không xoay sở được, sai người vào cầu Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn trợ giúp. Tin rằng Huệ không chống nổi quân Thanh, Nhạc án binh, chủ ý sẽ tập kích sau lưng quân Phú Xuân khi lính Thanh đánh vào miền Bắc, đẩy biên giới mình kiểm soát đến sông Gianh rồi sau đó cầu hòa với Tôn Sĩ Nghị.
Thời gian đầy bất trắc đó cũng lại đúng đầu mùa gió chướng. Gió lắm khi dựng dậy, giần giật quay vòng, bốc tung bụi đất lên trời như thách thức với những đấng thần linh trong đám mây trắng trên cao sững sờ nhìn xuống.
!!!6797_3.htm!!! Đã xem 52404 lần.

Edition Thi Văn xuất bản
Nguồn: Nam Dao
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 26 tháng 12 năm 2005


© 2006 - 2024 eTruyen.com