Chương 12
Ðòn thù

Chợ Hương-qua sau mười năm binh lửa nay chỉ còn là một mảnh đất ven sông rải rác trên dưới độ hai chục hàng quán. Sáng tinh mơ, chợ còn thưa. Ðâu đây, tiếng chửi bới dành chỗ của những người gánh hàng, tiếâng can gián, trộn vào tiếng ê a rao bán quà rong, là khúc mở đầu của một bản giao hưởng họp chợ ở nơi nào cũng có. Dòng sông Lam uốn vòng như ôm lấy bến Lịch dưới kia lững lờ trôi. Dăm ba con thuyền cặp bến, rồi nào là tiếng gà quang quác, tiếng chào hỏi, tiếng cười, tiếng nói bỗng chốc nhộn nhạo hẳn lên. Qua những tàn cây cành lá xum xê, ánh dương ló ra, ngần ngừ, uể oải như người đêm trước uống rượu say sáng phải dậy sớm.
Ngay chân chiếc cầu nổi dùng làm chỗ buộc neo thuyền, nhà sư ngồi đó như một pho tượng làm bằng đất thó. Chân đất, tay bưng bình bát, sư nhìn sông, nhìn nước, miệng mủm mỉm cười, hàm râu quai nón ngả mầu bạc phập phồng trên khuôn mặt thanh thản hồn nhiên. Một lũ trẻ từ góc chợ vừa reo vừa chạy lại.
Ðợi sư ngồi xuống, bọn trẻ con đến bâu chung quanh, mắt hau háu nhìn, rồi xô đẩy tranh chỗ, cãi nhau chí chóe. Vân vê bộ râu quai nón, sư khẽ rầy:
- Này, cứ cãi nhau đánh nhau là ta không kể đâu. Có yên đi, ta mới kể.
Khoác tấm áo sòng màu xám, người dềnh dàng nhưng tay thoăn thoắt, sư xếp hai cái bát không bên cạnh chỗ ngồi, rồi lần tràng, mắt nhắm lại. Ðợi đến lúc đám trẻ con đâu đã ngồi vào đấy, sư mới mở mắt ra, miệng chậm rãi, ề à:
- Hôm qua, kể đến đâu nhỉ. À, có phải là Hứa Sử đang hỏi Diêm Vương không? Ðúng, có đứa nào nhớ hỏi thế nào không?
Trong số bọn trẻ đang nhao nhao lên, một đứa cao giọng đọc:
Xà vương giết hại vua cha
Qui y niệm Phật đạêng tha tội này
Có một tội, tội phụ thầy
Phật không cứu đặng, ta rầy khó bênh
- Ðúng rồi. Thế là Hứa Sử hỏi:
Làm tôi buông thói chẳng ngay
Làm con không thảo giết, đầy vua cha
Lẽ thời tội ấy chẳng tha
Qui y sao lại thoát ra tội này?
Ðệ tử nếu phụ ơn thầy
Phật không cứu đặng lệnh rầy chẳng tha
Sư ngừng đọc, đưa mắt nhìn lũ trẻ, rồi ê a, tay nhịp vào mõ:
- Vậy thì thầy hơn vua, cha
Tôi nghe lẽ ấy lòng mà chưa thông?
Bọn trẻ con lại kêu lên hỏi tại sao. Nhà sư giơ tay cho chúng im, bảo:
- Diêm vương trả lời Hứa Sử thế này:
Tớ thầy, tôi chúa, con cha
Cả ba điều ấy thật là trọng thay
Sinh con nhưng chẳng có thầy
Lấy ai giáo hóa cho rày nên thân
Cùng là tiết nghĩa phò vua
Trạch dân trí chúa cơ đồ đặng yên
Vua cùng cha mẹ rõ ràng
Có cơ thành tựu nhờ ơn của thầy.
Lúc ấy, người đi chợ cũng đến đứng xung quanh nghe nhà sư kể chuyện. Có kẻ hỏi:
- Thế là lộn tùng phèo Sư, Quân, Phụ chứ không phải Quân Sư Phụ nữa à?
Sư chỉ ngoác miệng ra cười hiền lành, không trả lời, tay chỉ vào hai cái bát không. Người ta bỏ cho ăn, sư niệm Nam Mô, rồi đứng lên cầm đồ ăn ra bờ sông Lam. Bọn trẻ con đi theo, sư lại vẫy tay đuổi, nhưng dịu dàng nói:
- Truyện còn dài, còn dài mà...
Lặng lẽ ngồi cạnh bụi rạc nhìn ra sông, sư lẩm nhẩm một mình không biết nói điều gì. Nhìn ra xa, ngọn Hồng Lĩnh đâm lên trời ngạo nghễ đùa cợt với những cụm mây trắng theo gió lềnh bềnh trôi xa. Ăn xong, sư đứng dậy men bờ đi ngược lên, nải vắt lưng, tay chống gậy. Gặp thuyền đi cùng hướng, sư vẫy, miệng kêu:
- Làm phúc cho quá giang với...
Ngồi đầu mạn thuyền, sư nhìn về hướng Nghi Xuân, hỏi:
- Nhà thuyền có lên đến Tiên Ðiền không?
- Có.
- Nam mô a di đà Phật. Cho tôi xuống đấy nhé. May quá.
- Sư đi tìm ai?
- Một người em họ, tên là Nguyễn Du.
- A, vậy thì tôi biết, tôi chỉ đường cho.
- Nam mô a di đà Phật!
Thuyền trôi đi, nửa ngày sau cặp vào bến. Sư lên bờ, miệng lại cười, vẫy tay rồi đi. Mặt trời lúc đó đã đứng bóng, tiếng gà gáy trưa buồn nản vang lên trong những cơn gió nóng như đổ lửa. Sư lau mồ hôi, lững thững bước, miệng lẩm nhẩm. Qua lũy tre đầu làng, rẽ vào tay trái. Căn nhà thứ năm, hàng dậu có dàn bìm bịp. Sư ngừng bước, hỏi lớn:
- Có ai trong nhà không?
Cánh cửa hé mở, rồi một giọng ồ ồ như vỡ tiếng cất lên:
- Mời sư ngồi sơi chén nước. Ðể cháu đi tìm cha cháu về!
Nói xong, cậu bé chặc mười lăm tuổi chạy vụt ra ngoài. Một lát sau, có tiếng chân người và tiếng bản lề cánh cửa nhọc mệt nghiến răng như rên rỉ. Sư đứng dậy.
Một người lưng hơi gù, quần sô, áo vải, tay còn cầm chiếc cuốâc chim, bước từng bước lại, dáng e dè. Sư chào, miệng cười:
- Nam mô a di đà Phật! Du đấy à?
Người vừa vào mừng rú lên, chạy lại nắm tay, reo:
- Nhật huynh! Cháu nó bảo là một vị sư. Ðệ cứ ngỡ là ai chứ, vì thỉnh thoảng cũng có một vài vị quanh đây đến chơi nói chuyện.
Hai người ôm chầm lấy nhau. Nhật đẩy Du ra, ngắm nghía, lắc tay nói:
- Thấm thoát từ lần ở Quỳnh Côi đến giờ là bao nhiêu năm rồi nhỉ?
- Gần mười năm. Nhanh thật! Mỉm cười, Du tiếp - may ra chỉ có sự chết chứ ngoài nó ra có gì chống được thời gian không nhỉ?
°
Lần Toàn Nhật gập Du ở Quỳnh Côi là vào năm Quí Sửu, sáu tháng sau ngày vua Quang Trung băng hà. Ở Phú Xuân, Quang Toản mới gần mười tuổi lên ngôi, lấy hiệu Cảnh Thịnh, nhưng quyền hành nằm hết trong tay cậu ruột là Thái sư Bùi Ðắc Tuyên. Lập tức, Tuyên giết Nguyễn Huy Tự, truất Trần Danh Kỷ, đánh xuống làm lính, đầy ra trạm Mỹ Xuyên. Mâu thuẫn Bắc - Nam ngấm ngầm cho đến khi đám quan văn võ gốc Bắc hà lần lượt bị mưu đẩy ra Ðàng Ngoài, kể cả những trọng thần như Vũ văn Dũng. Tuyên đi ngược lại mọi chính sách của Quang Trung, ra lệnh ngăn giao thương ở Hội An, và gây khó dễ cho những người truyền đạo Gia-Tô trong suốt hai vùng Thuận Hóa và Nam - Ngãi. Sau, Tuyên công khai đàn áp giáo hữu, để lại những vết tích khủng bố khá tàn bạo đã gây mầm mống cho sự sụp đổ của Tây Sơn sau này. Vì thế, « xứ xứ tịnh khởi », cả Ðàng Trong lẫn Ðàng Ngoài giặc dã nổi lên, không còn ai e dè gì.
Nhà sư Toàn Nhật, một thời đã là vị tướng suất sắc cầm đầu đội Tiền Kích của du binh Tây Sơn, khi đó đi hoằng pháp đến tỉnh Thái Bình. Vào đến huyện Hải An, Nhật gặp lại huyện quan vốn là một tướng cũ dưới quyền mình. Huyện quan than rằng ngay chính ở Quỳnh Côi cũng đã có một số người tạo phản, tập hợp hào mục đánh lại, cứ như cái dằm đâm vào ngón tay mà không nhổ ra cho được. Nhật hỏi, biết người kêu gọi khởi nghĩa Cần Vương chính là Nguyễn Du. Tối hôm đó, Nhật bảo huyện quan:
- Ông có muốn tôi nhổ cho ông cái dằm đâm tay không?
Huyện quan còn ngơ ngẩn, Nhật tiếp:
- Phiền ông đi với tôi đến Quỳnh Côi!
Dĩ nhiên Huyện quan giẫy nẩy lên từ chối, sợ bị giặc bắt. Nhật lảng chuyện, mượn một chiếc xe bò, và mua lại ít lương thực mắm muối, để chở vào chùa Trí Ấn. Khi việc đã xong xuôi, Huyện quan cáo từ, vái Nhật. Miệng đáp « A di đà Phật », Nhật thình lình đưa tay điểm huyệt, rồi nhanh như cắt vật Huyện quan xuống trói lại. Bỏ vào chiếc bao tải, Nhật ôm Huyện quan đặt lên xe bò, dặn đám người nhà đang sợ đến ngây người:
- Tôi là kẻ tu hành. Ðừng động tĩnh gì, mai tôi lại xe ông ấy về đây.
Nhật đánh xe bò thẳng đường đến Quỳnh Côi, tìm ra chỗ ở của Du vào nửa đêm, gõ cửa nói:
- Ta nghe đệ dấy quân Cần Vương, nên có chút lễ mang đến, gọi là góp vào nghĩa cử.
Du mừng rỡ. Uống được dăm chén trà, Nhật hỏi:
- Thế kế hoạch Cần Vương của đệ thế nào?
Du thưa:
- Ðánh phá huyện, chém huyện quan ra oai, rồi từ đó tiến lên trấn Sơn Nam.
Nhật vỗ đùi kêu:
- Hay. Tuyệt lắm. Chiếm Sơn Nam rồi làm gì?
Du hăng hái:
- Có thanh thế, ta kêu gọi các trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây... cùng nổi lên, tìm con cháu nhà Lê lập lại, rồi vây Thăng Long. Thế huynh giúp cho một tay nhé?
Lắc đầu, Nhật thủng thẳng:
- Ði tu rồi, ai còn muốn tay mình vấy máu. Người nào có mệnh nấy. Trời cho thanh cao, ai lại thích bụi bậm phong trần?
Miệng cười tủm, Nhật hỏi:
- Du đệ. Ðệ đã chém ai chưa?
- Chưa!
- Ðệ chắc đã chọc huyết heo, cắt cổ gà?
- Cũng chưa!
- Thế à! Vậy thì phải tập. Văn ôn võ luyện, con nhà võ mà không biết máu me thì không được.
Tay chỉ vào chiếc bao tải, Nhật bảo:
- Còn món quà chót này.
Du hỏi:
- Gì đấy?
- A. Ðấy là món quà Du đệ đang trông đợi. Chuyến này chẳng cần đánh huyện Hải An làm gì. Ta cứ trẩy thẳng lên trấn Sơn Nam nhé!
-...
Nhật bất ngờ vòng tay rút thanh kiếm Du đeo ngang lưng rồi chém vào chiếc dây buộc bao tải, vừa nhanh, vừa gọn, và chính xác đến độ chỉ có sợi dây đứt làm hai đoạn. Xé chiếc bao tải thành hai mảnh, Nhật cười, giọng tỉnh khô:
- Ðây, Huyện quan Hải An đây.
Tội cho quan huyện, miệng bị nhét giẻ không kêu được nhưng tai nghe thấy hết, sợ đến độï run như đỉa phải vôi, mắt ngước lên nhìn sợ sệt. Nhật lại tiếp:
- Du chém kiểu nào. Ðể hắn đứng lên hay bắt hắn quì đưa cổ ra. Không đợi Du trả lời, Nhật tiếp - Quì chém ngọt tay hơn.
Ðẩy Huyện quan quị xuống, Nhật ấn cho đầu cong ra, thuận tay xé chiếc áo ngoài, khiến cổ Huyện quan lộ ra trắng hếu như một khoanh giò lụa. Tay đưa kiếm cho Du, Nhật lại cười:
- Ðây. Chém đi ta xem.
Lúc ấy, năm sáu đứa con Du và Ðoàn-thị, là vợ Du, đã ra ngoài đứng vây quanh, mặt mũi tái mét không còn đến một giọt máu. Ðứa con gái bé nhất khóc thét lên. Du cầm kiếm, vụng về, thõng tay bỏ xuống. Nhật quát nhỏ:
- Chém đi. Còn đợi gì?
Du nhìn vợ con, ném cây kiếm xuống đất, lắc đầu. Bấy giờ, Nhật mới nhẹ nhàng:
- Cái nghiệp máu không phải là nghiệp của đệ. Ta vẫn còn nhớ những câu văn tế cô hồn đệ đọc khi mình đến viếng mộ lão Hài năm xưa. Ðệ sinh ra là để làm những câu văn cho cuộc đời đẹp đẽ hơn, cho con người yêu thương nhau hơn. Năm xưa, chẳng phải chính đệ đã đọc:
« Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao »
cho Trọng Thức nghe à? Nay, ai bắt mà đệ muốn giây vào bụi bậm? Ðệ sinh ra, tâm hồn được cái đẹp cứu rỗi. Ðời này có thể cứu rỗi bằng cái đẹp. Cho nên muốn cứu thiên hạ, đệ cứu bằng cái đẹp. Cứu như thế là cứu cả thiên hạ không những chỉ đời này, mà cho cả những đời sau...
Nhìn Du ngẩn ngơ như còn mộng mị, Nhật ôn tồn:
- Cứu thiên hạ chúng sinh ư? Là làm sao cho chúng sinh phải biết tự cứu mình. Cứu bằng sự hiểu biết, nhà Phật gọi là tỉnh thức. Ðã gọi là tỉnh thức, thì không có gì là mệnh nữa...
Cởi trói cho Huyện quan, Nhật quì xuống vái:
- Ðã phạm đến ông, thật có lỗi. Mong ông quên đi cho!
Huyện quan mừng, nhưng vẫn sợ. Cái tăm tiếng sấm sét của Du binh Tiền Kích tướng quân Võ Toàn Nhật vẫn còn đủ sức làm kinh hoàng một viên võ tướng Tây Sơn. Huyện quan vái lại, miệng lắp bắp, tay chỉ Du:
- Ông đây, tôi muốn thì đã bắt từ lâu rồi! Khốn nỗi là quan Thượng Thư Ngô Thì Nhậm đã cấm quan Trấn Thủ Sơn Nam động đến, lại lệnh cho chúng tôi phải dè chừng bảo vệ...
Du vỡ lẽ ra, bấy giờ mới hiểu chẳng phải là quân Tây Sơn trở thành vô dụng. Nhật tươi cười:
- À, là thế. Ông nói trước, có lẽ tôi đã chẳng dám manh động đưa ông đến Quỳnh Côi. A di dà Phật! Nhân tốt thì quả lành.
Khi Nhật và Huyện quan từ giã về Hải An, Du vái rồi nói «...Ơn mở mắt cho Du, Du không quên! ».
°
Nhìn đám trẻ nheo nhóc, Nhật bùi ngùi:
- Lần này, ta chẳng có gì mang đến cho các cháu.
Du cười, miệng đùa:
- Ai lại đi ăn hớt của sư. Huynh đến thăm đệ, đệä chỉ có cơm chay, rau dưa là chính, thế đã mười lăm năm nay rồi.
Vừa kể rằng Thiếp sai mình từ trại Bùi Phong xuống tìm, Du đã đưa ra cho Nhật xem một tờ chỉ, lệnh bắt Du đến gặp Trấn thủ Nghệ an để nhậm quan, dưới đề Gia Long năm thứ nhất. Nghe Nhật dí dỏm «... thế là sắp hết chay tịnh rồi!», Du mặt vẫn đăm đăm, thở dài, nói nhỏ:
- Chắc thầy dặn là đệ phải nhận!
Nhật gật đầu, chậm rãi:
- Thầy chỉ bảo ta kể cho Du nghe chuyến gặp gỡ giữa Ánh và thầy. Tháng năm năm ngoái, thầy tuân mệnh Cảnh Thịnh ra Phú Xuân. Bất ngờ, quân Ánh đánh vào chiếm kinh, thầy bị kẹt ở lại đó. Ánh gọi thầy vào sẵng giọng: « Người làm thầy bọn giặc Tây Sơn, sao lại để ta vào đến đây? ». Sau đó, thầy chứng kiến Ánh quật mả Quang Trung, lấy hài cốt bỏ vào ngục và cưa sọ làm đôi, dùng làm bô nước tiểu!
Nhăn mặt, Du quay đi. Nhật từ tốn, nói như nói một mình:
- Thầy bảo, xưa Nguyễn Nễ là anh của đệ theo Tây Sơn mà cứu được đệ bị Trấn Thủ Nguyễn Thận bắt giam. Song ngư nước đã cạn rồi, đất nhà Nguyễn về lại chủ cũ. Lê triều nay đã mạt, đệ nhận quan là cứu Nễ, và biết đầu còn cứu cả được đám nho sĩ Bắc hà đã theo Tây Sơn. Ðó là lý do thầy không đưa đệ vào làm Sùng Chính viện dưới thời Quang Trung đấy!
Du lắc đầu:
- Việc ai nấy đều biết, là từ một thiếu niên mười sáu tuổi được Ðỗ Thành Nhân cứu vớt tới lúc trưởng thành, Ánh đã lập kế phục người giết ân nhân mình ba năm sau. Rồi mới đây, con của Ðệ nhất công thần Nguyễn Văn Thành tên là Thuyết bị Ánh xử tử hình vì đã làm thơ xướng họa với bọn danh sĩ xứ Nghệ. Ðó chỉ là cái cớ để sau đó Ánh nhẫn tâm bỏ Thành, một trong Gia Ðịnh tam kiệt đã phò mình suốt mười mấy năm, bị vây hãm ở Vân Sơn, cuối cùng phải tự tử để khỏi chết nhục với quân Tây Sơn.
Mân mê tờ chỉ trong tay, Du thở dài. Lát sau, Du nhìn Nhật, hỏi:
- Huynh nghe gì về cái chết của Ðông cung Cảnh?
- Ta bôn tẩu khắp nơi, nghe thì có nghe, nhưng tin thì biết thế nào mà tin!
- Huynh nghe gì?
- Ta nghe Cảnh sang Pháp, bị Bá đa Lộc huyển hoặc theo Gia-Tô giáo, về không chịu lạy bàn thờ tổ tiên, cho thế là lạy xác, một hủ tục mê tín. Bá đa Lộc bị bọn quyền thần bảo thủ trong triều ghen ghét, tìm cách kéo Cảnh khỏi tay, nhưng việc nhập nhằng vì Ánh còn cần đến Lộc. Sau Lộc chết rồi, triều thần vẫn tiếp tục dị nghị. Chiến thắng càng kề, thì Cảnh là Ðông cung càng thành một vấn đề đưa đến chia rẽ, đổ vỡ trong nội bộ Ánh. Bỗng nhiên Cảnh lăn ra chết, phao là bị bệnh đậu mùa. Vì thế hàng dân xôn xao, đồn là cái chết có gì mờ ám...
Du lại lắc đầu. Nhật trầm tĩnh, nhìn Du, tiếp:
- Những kẻ đoạt được Ðế vị chỉ biết có quyền lực. Muốn có quyền lực, phải nhẫn tâm, phải sẵn sàng dày xéo lên mọi sự và mọi người. Người đời muốn sống yên với quyền lực, thì nên tránh nó cho xa. Nhưng khi không còn tránh được, thì lại phải lăn vào mới có thể tồn tại.
Hai người bước ra vườn. Tiếng côn trùng nỉ non than khóc văng vẳng tứ bề. Bỗng Du xa vắng:
- Huynh còn nhớ hôm chúng mình rời Thăng Long, qua sông Nhị không? Huynh nhảy xuống sông bơi rồi hỏi đệ « Xem ta đã sạch bụi chưa? ». Những ngày tới, đệ sắp phải vấy bụi rồi, chẳng hỏi được câu huynh hỏi đệ.
Thở dài, Du ngậm ngùi:
- Nhà đệ ba đời ăn lộc nhà Lê. Bây giờ, cái phận đệ là phận hàng thần...
Nhật chưa biết nói gì thì Du, giọng ai oán, than:
« Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? »
Im lặng một lúc lâu, Nhật nắm lấy cánh tay Du lắc nhẹ rồi bảo:
- Mai ta lên đường. Thầy bảo ta ra Thăng Long xui Ngô Thì Nhậm trốn đi thì mới sống được! Quân Nguyễn Ánh sắp sửa tấn công Bắc hà rồi. Ta cũng lo cho Trọng Thức. Không hiểu lúc này anh ấy thế nào?
Du kể là năm năm trước Thức có ghé về Nghệ An thăm. Lúc đó, Thức ở trong trại hủi với Mai trên bờ sông Mã, và dẫu cường thần Bùi Ðắc Tuyên đã chết, Thức vẫn từ chối không ra giúp Tây Sơn dưới đời Cảnh Thịnh. Du buồn bã:
- Anh ấy đã đi quá xa rồi, và thành ra một người cô đơn nhất trong tất cả chúng ta. Anh ấy về Thanh Hóa, đệ có làm một bài thơ tiễn, nhưng vẫn chưa đưa đến tay được...
- Thơ thế nào?
Du chậm rãi đọc bài « Biệt Nguyễn đại lang »:
« Tống quân qui cố khâu (Tiễn người về chốn cũ )
Ngã diệc phù giang hán (Sang sông, ta sang sông)
Thiên lý bất tương văn (Trùng xa, tin chẳng đến)
Nhất tâm vị thường gián (Ngổn ngang, sóng ngập lòng )
Dạ hắc sài hổ kiên (Ðêm về, beo hổ tới )
Nguyệt mình hồng nhạn tán (Trăng lên, cánh nhạn hồng)
Luồng địa các tương vương (Ðôi nơi, cùng trông ngóng )
Phù vân ưng bất đoạn» (Mây nối trời mênh mông )
Nhật ngậm ngùi thở dài:
- Gần hai mươi năm rồi ta không được gặp Thức. Bây giờ lại phải đi gấp kẻo không kịp báo Ngô thì Nhậm. Ðệ mang thơ cho Thức, bảo là ta nhớ lắm...
- Xin vâng. Và cũng nhờ huynh cám ơn Nhậm ngày xưa đã lưu tình ở Quỳnh Côi...
Nhật nhìn lên, rưng rưng nước mắt, rồi bỗng phá ra cười:
- Ô hay, ta sao còn trần gian thế nhỉ? Nam mô a di đà Phật.
°
Thiên tài của Nguyễn Ánh ở chỗ Ánh là kẻ biết đợi. Muốn được vậy, phải có hai thiên chất bẩm sinh. Một là sự kiên nhẫn. Và hai, là biết nhát. Nhát, dễ lắm. Nhưng biết nhát thì khó. Kẻ biết nhát, lúc cần có thể chủ động. Chỉ nhát không thôi thì đó là người lúc nào cũng bị động. Vì thế, suốt thời gian Bá đa Lộc sống kề kề bên cạnh, Ánh đã đi ngược lại sự tính toán vội vã, lòng háo chiến của Lộc, nhất định trù trừ không xuất quân đánh Tây Sơn. Chán nản, một số không nhỏ bọn đánh thuê Tây dương đã bỏ đi một năm trước ngày Huệ chết. Sau đó, Lộc năm lần bảy lượt dụ Ánh, dọa bỏ đi mấy bận, nhưng Ánh vẫn cương quyết giữ thế thủ, củng cố quyền lực đã nắm được, và chờ. Ánh nói với quần thần, mặc dầu bụng vẫn bán tín bán nghi, rằng « bất chiến, chiến công thành », không đánh mà thắng, mới thực sự hiển hách.
Dĩ nhiên, nếu Huệ sống thì khác. Nhưng khi ông lão gần tám mươi Bùi Ðắc Tuyên dọn ra ở chùa, rồi một mình chỉ trỏ tác oai tác ách, đuổi Danh Kỷ, giết Huy Tự và truy lùng Trọng Thức thì Tây Sơn đã tự tay châm lửa đốt nhà mình. Ðám quan võ quen chiến trận bực bội, giữ quân lo cho phận mình, xì xào rằng Tuyên có thể sẽ phế Quang Toản để lập con đẻ của mình lên ngôi. Lập tức, Ánh cho người vào mật xin với Tuyên chỉ giữ bốn trấn Gia Ðịnh, và chịu làm Vương, nhường Ðế vị cho Tây Sơn. Tuyên đắc chí, mũi dùi chính trở thành ra Qui Nhơn hất Nguyễn Nhạc. Sau đó, Vũ văn Dũng cùng hộ giá Huấn vào bắt Tuyên giết đi, và thế là phải triệt hạ cả Ngô Văn Sở và hàng chục võ tướng khác. Ðang vây quân Nguyễn ở Diên Khánh, Trần Quang Diệu được tin, quyết định rút về đánh Dũng. Hai bên đã dàn quân hai bờ sông Hương, may có Phan Huy Ích thay Quang Toản viết chiếu giảng hòa nên việc binh biến mới thôi. Ánh nghe tin, hậm hực bảo Nguyễn Văn Thành «... giá ta giả thua Diệu ngày trước để cho quân nó mạnh, thì chắc nó đã đánh thằng Dũng rồi, tiếc quá!».
Nhưng Ánh đã hiểu. Tây Sơn là một con trăn lớn ngu ngơ với ba bốn cái đầu rắn hổ không có cái nào nghe cái nào. Ðể lâu, chính con trăn tự kẹp lấy mình, đuôi lộn lên đầu, để chết rục, chết ngạt. Ðó, thiên tài của Ánh là hiểu, và đợi. Ðánh ư? Chắc thắng mới đánh. Ðánh xong, phải giữ. Giống như loài sói, đã cắn là không nhả. Ánh đã làm như vậy mười năm liền từ ngày Huệ chết.
Tháng giêng, Quang Toản và Quang Thùy xua quân Tây Sơn đánh lũy Trấn Ninh. Ðó là trận đánh cuối cùng của hai con cừu trước chủ tể loài sói. Ánh chặn đường Trần Quang Diệu tìm cách ra Bắc hà, bắt sống được Diệu và cả Bùi Thị Xuân, nữ tướng chỉ huy đội tượng binh. Ánh đuổi Vũ Văn Dũng. Ðến đường cùng ở Nông Cống, Dũng tự sát. Về Phú Xuân, Ánh lên ngôi lấy Ðế hiệu là Gia Long, sửa soạn ra Bắc hà bấy giờ chỉ còn cái thây tàn Tây Sơn đang thoi thóp, yếu ớt, đợi giờ vĩnh viễn cáo chung.
Trên đường từ Thanh Hóa ra, hàng dân xôn xao biết là sắp chiến tranh để cho một con rồng mới bay lên ngôi chí tôn. Họ giấu gạo khoai, trữ mắm muối, và mang con em trốn vào những cánh rừng. Lúc này, thà ở với dã thú còn yên lành hơn là chung đụng với những con người gươm giáo đã mài sắc cho một chuyến viễn chinh.
Toàn Nhật đi cùng Du đến sông Mã rồi chia tay. Du lấy thuyền ngược lên thượng nguồn, tay đưa lên vẫy, nước mắt rưng rưng. Quày quả quay lưng bước, Nhật không nhìn lại, cắm cúi xuôi về hướng Ninh Bình. Qua các dinh trấn, phủ, huyện trên đường, cờ đỏ Tây Sơn nay ủ rũ buông xuống như cờ tang. Lính trốn tiệt, đám còn lại thưa thớt lơ ngơ nhìn ra ngoài đồn canh, mắt hoảng hốt sợ sệt. A, thời oanh liệt nay còn đâu? Cái thời quân Tây Sơn, hàng dân gọi là quân ó vì mỗi khi ra trận họ cùng nhau hét lên dũng mãnh. Cái thời quân ó là đội quân kỷ luật, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Cái thời xuất trận thần tốc, chỉ tiếng quân đi là đủ làm tan tành những binh đội nào là của Mãn Thanh, của Xiêm La, Ai Lao, của vua Lê chúa Trịnh...! Thời đó như bóng câu qua cửa, chưa được mười năm sao nay chỉ là chút bụi bậm nhạt nhờ quá khứ.
Ánh truyền hịch:
« Trước để sanh hồi miếu xã- sau là chửng cứu sinh linh
Khuyên người trung nghĩa ngoài này - rõ ý khuông phù trong ấy.
...
Nghe rõ hịch một lòng ứng Hán, giúp cơn đông lạc trùng hưng
Dựng can kỳ bốn mặt công thành, từ thuở sơn man thất thế. »
Nhắc chuyện bạo Tần, ý gán cho Tây Sơn là giặc. Nhưng tuyên xưng một phía cho nhà Hán, có nghĩa là mở ra một triều đại mới, chấp nhận rằng nhà Lê bây giờ chỉ còn là vết bụi mờ của lịch sử. Giả nhân hậu, Ánh hỏi « Bắc hà vốn là đất nhà Lê... » để bọn quần thần gốc Ðàng Ngoài vội vã lý luận «... đất Bắc hà của Tây Sơn rồi. Lấy là lấy của Tây Sơn chứ có lấy gì của nhà Lê! »
°
Xuôi theo sông Nhị, Toàn Nhật bỗng động lòng nhớ đến Phố Hiến, nơi chàng đã ăn dầm ở dề suốt mấy tháng ròng với Koji Mishima ở Nhật Bản Thương Cục. Khi nhìn lên thấy bờ đê Phi Liệt, Nhật bảo nhà đò:
- Bác cho tôi xuống nhé!
Nhảy lên bờ, Nhật xoài người bước, mắt nhìn chung quanh, tìm lại cái quán của lão Thuyết ngày xưa dựng ở ven đê để đón khách thương. Bây giờ, chỉ có cỏ lau mọc um tùm, đánh bạn với những cơn gió hoang dã từ phía Nam thổi về, xào xạc những nỗi niềm thế gian này chẳng ai muốn hiểu.
Nhật đi một mạch đến Nhật Bản Thương Cục. Ngơ ngác, Nhật chỉ thấy vườn chuối, chỗ ngày xưa mình và Koji tập kiếm. Bên cạnh, ba gian nhà với hòn non bộ, sân sỏi, và cây đào mọc ở góc hồ không còn một chút dấu vết nào. Tất cả đã thành cỏ hoang mọc đến ngang lưng, tàn nhẫn chôn vùi mọi vết tích của một thời đã qua, một thời còn văng vẳng đâu đây giọng khàn đặc của Koji lẫn với tiếng đàn Koto, ề à hát khúc Haiku:
« Những con kiến nhỏ nhoi
chạy hàng dọc trên cành đào gãy
Ai bỗng ngừng tay thoi »
Bỗng Toàn Nhật đau thắt trong bụng. Hai mươi năm trước, chàng đã nghe tiếng sáo diều trên đê, trong khi Koji làm phép thiết phúc. Koji vẫn ề à «... những con kiến nhỏ nhoi » trong khi đoản kiếm đâm sâu vào, rồi kéo ngược lên, để máu thấm ướt bụng đã quấn chặt bằng những vòng vải trắng. Koji thét, để Nhật phát ra đường gươm thứ nhất trong ba chiêu kiếm chiêu hồn, chém cổ theo truyền thống võ sĩ Phù Tang. Koji chết, để nói với thầy mình một sự thật. Cái sự thật quan thiết đến tương lai Nhật Bản là phải mở ra, phải tiếp đón thế giới, không phải chỉ như kẻ thù mà có khả năng là bạn. Koji chết, nhưng chết vì tin tưởng vào một tương lai và tìm cách thể hiện nó ngay trong sự sinh diệt của chính mình. Cái chết đó không vô lý. Người chết đi chẳng phải chết mà không hạnh phúc.
Toàn Nhật lặng lẽ đi quanh. Bước vòng xuống, khu phố người Hoa nay lưa thưa còn độ ba bốn chục nóc nhà nằm ngất ngưởng bên cạnh những đống cột kèo ngổn ngang cháy xém thành than sau những cơn binh lửa. Lòng bâng khuâng, Nhật đi lên miếu Ba Cô, đặt mình nằm xuống, nhắm mắt hồi tưởng thuở chàng mới đến phố Hiến cách đây hơn hai mươi năm. Chính ở đây, Nhật đã mơ mơ màng màng thấy một người đàn bà, lưng quay về phía chàng, đưa tay ra quạt và gọi chàng là con. Lại cũng bóng dáng ấy sau đó hiện ra khi chàng ở dinh Khương Tả hầu, nhắc cho chàng một cái chết tức tửi. Mẹ trầm mình vì tình phụ, và cha phụ tình chỉ vì hám danh chuốc lợi, rồi mưu cướp ngôi Chúa, mưu thoán cả ngôi Vua? Hậu quả là đầu rơi máu đổ, là cái chết của lão Hài, là loạn Kiêu binh. Ðau xót thay, bao nhiêu người chết vì con đường ngoắt ngoéo của một vài kẻ đi tìm quyền lực chỉ vì quyền lực, ngụy trang nó bằng nào là nhân nghĩa, nào là lý tưởng, cửa miệng lúc nào cũng hô là vì người khác.
Nhật bâng khuâng nhớ đến Chúa Út, nạn nhân của sự tranh giành quyền lực giữa những kẻ ruột thịt. Chàng ứa nước mắt. Nếu Ðăng Vân còn sống, giờ này chàng ra sao? Chắc không phải là một thiền sư. Là gì? Và là ai? Nhật ngửng lên nhìn những đám mây bồng bềnh, những đám mây lạnh nhạt làm chứng cho bao đổi thay. Lại một tiếng sáo diều ở đâu đấy vẳng lại khiếân nỗi ngậm ngùi bay xa, thấm vào lòng thế gian như những hạt nước mưa ngấm vào lòng đất.
Tay lần tràng hạt, Nhật lẩm nhẩm tụng:
- « Con người vì ham muốn, tham cầu dưỡng lợi nhiều nên khổ não càng nhiều. Phép sám hối chính là rửa ác làm lành. Bậc La Hán có lúc kết tập phát khởi cũng còn phạm phải những nghiệp thân, khẩu, ý huống kẻ phàm phu sao khỏi tội lỗi... »
°
Ba ngày ở cạnh Thức, Du nói và Thức chỉ nghe lơ đãng, thỉnh thoảng lại cười mỉm, mắt nhìn Du trìu mến như khi Du đưa tặng bài thơ « Biệt Nguyễn đại lang ». Như một hòn đá bị nước mài đến phẳng lì, Thức co mình vào cô đơn như nham thạch. Thỉnh thoảng lắm, Thức mới bật lên một tiếng, lắm khi vu vơ, lắm khi không một ai hiểu nổi. Ngày thứ tư, bất thình lình, Thức bảo:
- Này Du, hay là ta cùng đi tìm Toàn Nhật?
-...?
Thức bật cười:
- Chuyến này « xuống núi » là lần cuối cùng. Sau, muốn cũng chẳng được! Ði, đi ra Thăng Long với ta!
Du ngẫm nghĩ rồi lắc đầu. Thức không ép, sáng hôm sau đã sẵn sàng tay nải ra đi. Chào Mai xong, Du theo Thức lên đường. Hai người đi bộ lên Cẩm Thủy rồi lại ngược sông Mã xuôi xuống Hà Trung. Những bông hoa dại ven sông bay như bươm bướm mỗi khi gió lên, nhẹ nhàng đáp xuống mặt nước, rồi trôi ngược phía thuyền đi. Thức khe khẽ đọc:
- « Buồn trông mặt nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu »
Du cười, buồn bã:
- Thế ra huynh cũng nhớ mấy dòng chữ quê mùa của đệ!
Thức nhìn ra xa, trầm ngâm rồi nói hẳn một câu chứ không ừ à như những ngày qua:
- Nhớ chứ, nhớ gần toàn bộ « Ðoạn trường tân thanh » của đệ. Ba trăm năm nữa, người sau này vẫn nhớ!
- Chẳng chắc! Du ngập ngừng - Không biết được! Nhưng có hề gì, lúc đó đến mộ cháu chắt chúng ta cũng xanh cỏ từ lâu rồi.
Hai người lại im lặng. Một lát sau, Du nhút nhát hỏi:
- Còn việc của huynh? Ðến đâu rồi?
Thức nhìn Du, trầm tĩnh:
- Cái việc làm sao xã hội có được một cơ chế để nắm bắt dân ý và thể hiện nó? Chỉ thuần dựa trên lý luận, chắc không đủ. Phải kèm thêm vào hệ thống lý luận về quyền lợi mỗi công dân một số khái niệm về sự tương tế, tương trợ và tương tác của xã hội. Ta vẫn chưa nghĩ được cách giải quyết thỏa đáng.
Nhưng đó là vấn đề tư tưởng về lâu dài, còn trên thực tế của thời ngay trước mặt, nghĩa là thời của các vị chúa tể xây dựng quyền lực của họ bằng sự khôn ngoan, sự may mắn, và nhất là sức mạnh của đầu thương ngọn dáo, việc cấp bách là làm thế nào họ không thể trở thành những bạo chúa!
Du ngước mắt, hỏi:
- Làm thế nào?
Thức cắn môi, mắt nhìn xa xăm, chậm rãi:
- Không tập trung quyền lực vào tay một vị mà phải có nhiều vị tiểu chúa. Quan trọng là không một ai trong những vị đó kiểm soát được quân đội. Quân đội đứng ngoài vòng chính trị, hành chính và kinh tế. Song song với nhiệm vụ bảo vệ biên cương, làm trọng tài giữ hòa bình là nhiệm vụ chính của quân đội.
Du thở dài:
- Mà thôi... Ðệ nhắm mắt lại, có phải ra làm quan thì cũng mũ ni che tai. Thời thế này, điều huynh vừa bàn sẽ không thể có được. Bạo chúa nào, dân tộc nấy. Nghiệp phải chịu nằm ở chính tầm vóc của chúng ta.
Thức ngẩn ngơ nhìn dòng sông, khẽ nói:
- Trôi đi mãi sao nước ơi...
Ðến cuối sông, hai người nhìn nhau, kẻ đi ra Ngoài, người xuôi vào Trong. Thức mỉm cười, giọng ngậm ngùi:
- Ðừng ai nói câu từ biệt nhé!
Nhìn cho đến khi Du khuất bóng, Thức mới quay người mải miết đi trên con đường cái quan dẫn lên Biệân Sơn. Qua Sơn Nam, Thức quá giang thuyền buôn trên sông Nhị xuôi vào Kinh. Thời gian đó là lúc Nguyễn Ánh đã ra lệnh xuất quân Bắc phạt. Ðể diễu võ giương oai, Ánh cho hai mươi vạn quân bộ và năm vạn quân thủy, với năm mươi tầu chiến, tám trăm chiến thuyền có đại bác và năm trăm thuyền nhỏ, ồ ạt kéo ra Ðàng Ngoài. Quân đi đến đâu, hịch dán đến đó, và hầu như không gặp một sức chống cự đáng kể nào.
Ðầu tháng bảy âm lịch, Thức vào tìm nhà Ngô thì Nhậm ở phường Bích Câu. Trong thành Thăng long, hàng dân rủ nhau chạy loạn, không khí nhốn nháo, tiếng đồn chỉ ngày một ngày hai là đại quân của Nguyễn Ánh sẽ tới. Thái úy Tây Sơn là Nguyễn văn Thọ ra lệnh cấm dân chạy. Họ tập hợp nhau tấn công những trạm canh ở năm cửa ô.
Lần mò một ngày, Thức mới hỏi ra được chỗ ở của Nhậm. Gõ cửa hỏi thăm, một bõ già ra mở, nhìn Thức từ đầu đến chân rồi đáp:
- Không có ai tên như vậy. Ở đây là chỗ tu hành của thiền sư.
Thức gặng:
- Vậy bõ có thấy một nhà sư có râu quai nón ghé đây không?
Bõ già chớp mắt, gãi đầu rồi nói:
- Có, sư đến cách đây hai hôm, không gặp ai nên đi ngay.
- Sư có hẹn gì không? Nay ở đâu?
Bõ già ngần ngừ, lại gãi đầu, giọng có thiện cảm hơn:
- Chắc mấy hôm nữa sư sẽ quay lại. Nhưng sư ở đâu, tôi không rõ! Ông thử ra chùa Quan Thánh mà xem.
°
Hỏi chùa Quan Thánh, vị sư ông tiếp khách thập phương chỉ nói rằng sư Toàn Nhật có ghé vào thỉnh Phương Trượng rồi lại đi. Thức không thể biết gì hơn, định cứ một hai hôm lại ghé phường Bích Câu. Trong thời gian chờ đợi, Thức nhẩn nha đi lòng vòng trong Kinh, mang niềm hy vọng nhỏ nhoi gặp Nhật trên đường. Ra chợ Hôm, Thức đi về phía cửa Nam, rồi vòng lên phủ Chúa. Bây giờ phủ Chúa chỉ còn dấu vết những nền đá bị cậy lên từ dăm năm nay. Ra Thăng Long lần thứ nhất, Huệ mang kho tàng nhà Trịnh về Phú Xuân. Lần thứ hai, Huệ cho dỡ mái, cột kèo, cửa chạm phủ Chúa chở hết về Nghệ An để xây Trung đô. Ra lần thứ ba, sau khi đại thắng quân Thanh, Huệ rỡ điện Vua, chất ngai vàng và đồ đạc quí báu, phần đem ra Phú Xuân, phần để lại trấn Nghệ. Cung vua điện chúa nay xác xơ tiều tụy, gạch ngói còn bao nhiêu hàng dân tranh nhau đến hôi về làm của tư riêng.
Ðứng giữa hoang tàn, Thức chạnh tưởng đến bao nhiêu cung điện, đền đài từ ba trăm năm nay đã bị tàn phá chỉ trong có trên dưới mười năm. Xây khó, nhưng phá thì dễ. Xây rất lâu, nhưng phá chỉ chớp mắt. Dấu tích văn hóa cứ mất đi, tàn lụi đi, và cứ như thế, không đảo ngược được. Xưa là những con đường sỏi trắng chung quanh trồng những loài hoa hiếm. Nay, đường những lỗ chỗ bùn đất. Hoa tàn không biết tự bao giờ, nay chỉ còn cỏ dại, bìm leo, và loài hoa xấu hổ không biết ở đâu bay tới, mọc đầy rẫy như muốn phỉ nhổ một thời mạt vận vô văn hóa. Sự tổn thất đó là tổn thất chung, chẳng phải cho một thế hệ này, mà còn là cho tất cả những thế hệ mai hậu. Con em ngày sau ngỡ ngàng chẳng thấy ông cha mình đã xây dựng được gì, đã tích tụ được gì, ngoài những trang sử tô hồng chiến thắng này, nhuộm đỏ chiến thắng kia.
Có gì gọi là chiến thắng mà chỉ để lại đằng sau có đổ vỡ, nghèo đói? Có gì gọi được là vinh quang khi rút cuộc cả nước có được đôi ba nét thủy mạc của cái tập hợp trí tuệ mỗi ngày một mai một đi vì kìm kẹp tư tưởng, bị đánh lận lịch sử đến độ mất cả quá khứ? Trên bước đường tương lai, những kẻ mất quá khứ thường là đặt chân đi lại những bước lầm lẫn đáng lẽ ra có thể tránh được. Lịch sử lập lại? Có thể. Lần đầu, hay lần thứ hai: đau xót lắm! Nhưng khi lập lại lần thứ ba, thứ tư, nó thành một trò hề nhạt đến độ làm cho kẻ nào vô tâm cố lắm thì mới cười gượng được.
Thức lần bước đi về dinh Khương Tả hầu. Ðó là nơi Ðặng thị Mai đã thụ thai đứa con với Thức trong một đêm đánh dấu cuộc đời lẽ ra êm đềm nhưng rốt cuộc lại đầy sóng gió của nàng. A, đàn bà! Họ là những người kỳ lạ. Ngày xưa, nếu Mai muốn thành một bà Hoàng Hậu, nàng chỉ gật đầu là xong. Ngược lại, nàng đến trao thân xác mình cho một anh đồ kiết xác, rồi sau cắn răng chịu cảnh tù ngục, nhất định dâng hiến cả đời mình vào một cuộc tình rõ là trắc trở. Là kẻ phát hiện ra tình yêu, chỉ đàn bà mới hiểu và biết yêu đến cùng. Và cũng biết không yêu. Vì thế có kẻ dám sống và dám chết cho tình yêu. Còn đàn ông, phần lớn họ lẫn lộn cả. Lẫn lộn như vậy, đến nay thú thật họ chưa chắc đã biết thế nào là tình yêu. Khốn khổ thay cho họ! Và có thể vì thế mà họ chạy theo danh vọng, tiền tài, quyền uy với tất cả cái mù quáng mà hiếm có người đàn bà dại dột như vậy.
Ðẩy cánh cổng nay đã mục nát, Thức bước vào. Vết sẹo đâm xuống chân mày bỗng giựt lên, chàng cất tiếng gọi. Hồi hộp đợi bóng người từ hàng hiên bước ra, Thức ngập ngừng:
- Ngày xưa tôi ở đây, nay ghé lại, phiền cụ!
Bà cụ già chống gậy nhìn Thức, rồi nói:
- Không sao! Mà lạ thật, hôm qua có một nhà sư cũng nói như vậy!
Thức mừng quá, hỏi:
- Thưa cụ, thế nhà sư đi đâu rồi?
Bà cụ già bảo, tay chỉ vào vườn:
- Trong kia kìa, sư xin trú lại dăm bữa...
Thức giật giọng rú lên:
- Toàn Nhật, Nhật ơi...
Chạy vội vào, Thức thấy một nhà sư bước nhanh ra, bộ râu quai nón nay đã tua tủa chớm bạc, hai tay giơ lên trời.
°
Hai người dẫn nhau ra ngồi ở ven ao, dưới gốc một cây sung cành lá rườm rà, đâm chòi về phía mặt trời mọc. Cá quẫy làm ao sủi bọt, và vào đúng hè, trời nóng đến độ bọt sủi như là nước ao đang sắp sửa sôi. Cởi chiếc áo ngoài, Thức ngả mình dựa gốc cây, lặng lẽ ngắm Toàn Nhật, lòng rộn lên một niềm vui nhẹ nhàng. Mắt Nhật hõm sâu, không còn ánh lên lòng đam mê quyết liệt của một võ tướng, nay hình như lúc nào cũng mơ màng đến một cõi hiền hòa tịch mịch như thế giới thảo mộc. Ném một hòn sỏi, Thức lặng lờ nhìn những gợn nước hiện lên rồi tan đi, trả lại mặt ao phẳng lặng cho những con chuồn chuồn kim màu xanh lá cây đang chờn vờn với đám bèo giạt ven bờ. Mùi ẩm ướt sực lên lẫn với mùi bùn. Trong gió thoang thoảng hương những bông sen mọc ở giữa ao, cánh hoa trắng tinh khiết ấp nhụy vàng dật dờ xao động.
Hai mươi năm xa cách! Người em nuôi của Thức đã thành thiền sư Toàn Nhật, lang thang khắp nơi hoằng Phật pháp, ngủ bờ ngủ bụi, ăn cơm thừa canh cặn, nhưng mặt lại sáng lên một niềm an bình hạnh phúc. Ai ngờ được là con người đó đã từng chỉ huy đội Trung Kính và Thị Nội của phủ chúa Trịnh, đã từng cầm đầu quân Tiền Kích khét tiếng của du binh Tây Sơn, và chỉ suýt nữa là thành em rể của Quang Trung Hoàng Ðế. Nhật bỗng cất tiếng:
- Nghe anh kể lại những bước luân lạc, Nhật chỉ xin hỏi một câu. Sống cật lực bằng trí uệ, vắt óc ra tìm lấy lối đi cho cả một xã hội hiện đầy những hận thù, ngu dốt, lại bảo thủ và tàn bạo, anh có phút nào thấy mình hạnh phúc và thấy cuộc đời anh là đáng sống không?
- Ðáng sống? Ðáng chứ. Còn hạnh phúc...
Thức ngần ngừ, thở ra:
- Hừ... Ðôi khi thôi. Khi thấy con mình lớn lên, hồn nhiên sống, chẳng hạn...
Thức bâng khuâng:
- Ngày còn ấu thơ, cho cả đến những năm mười sáu, mười bảy, những phút hạnh phúc huyền diệu đó có. Nó chợt hiện ra, khi thì với nắng gió, khi thì với giọng hát câu hò của thợ găït, có khi thì ngay cả lúc đi bắt cào cào, châu chấu. Trong những phút thần tiên đó, cái bản ngã Ta như nhập vào thành Một với thiên nhiên, và hòa đồng để tan biến vào vũ trụ. Càng lớn, những phút đó càng hiếm hoi. Già đi, hình như nó đã biệt tăm hơi...
Nhật dịu dàng:
- Phải chăng nó biến đi cùng với sự hồn nhiên? Chính sự hồn nhiên là điều kiện để trực giác nhận biết Chân, Thiện, Mỹ. Nhà Phật gọi thế là đốn ngộ.
Thức mỉm cười, hỏi bâng quơ:
- Còn Nhật? Yêu gì nhất, ghét gì nhất?
Nhật nhìn những quả sung chín đỏ nằm trên đầu, vắt vẻo ở đầu cành, chậm rãi:
- Ðệ nay không yêu gì. Còn ghét, cố mãi cho đến nay để không ghét gì nữa, nhưng vẫn chưa được. Ðệ còn ghét một điều duy nhất...
-???
- Quyền lực!
- Tại sao?
- Chắc anh còn nhớ Trịnh Bồng?
-...
Nhật mỉm cười, hồi tưởng lại ngày còn ở Kinh hai mươi năm trước, tiễn Trịnh Bồng trên con đường đi ra sông Nhị. Bồng đi để tránh sự đồn đãi là Kiêu binh đang tính phế Trịnh Tông để lập Bồng vào ngôi Chúa. Chia tay, Bồng nhìn Nhật nói « Còn duyên là còn gặp ». Cái duyên đó có thật.
°
Tám năm trước, Nhật ghé vào Ðền Sòng ở Thanh Hóa, vì nghe có thầy Trước là linh mục đạo Gia-Tô vào đó bắt quỉ. Người ta kể lại là ở Ba Làng, một gia đình nghèo có một đứa con gái độc nhất được mười bốn tuổi bỗng nổi cơn dại, lúc cười lúc khóc, bụng tự nhiên phồng to lên như bị ủng nước. Con bé con cứ réo tên Bá Cẩn, viên chánh tổng, ra chửi, rủa cho chết cả làng cả họ. Không biết tại sao, bà Bá Cẩn treo cổ tự tử. Sau đó, chính Bá Cẩn ốm nằm liệt giường. Và rồi là đến đứa con trưởng bị trâu húc, ruột lòi ra, chết tươi ngay trên bờ ruộng. Người trưởng tộc của Cẩn sợ quá, mời được thầy Trước về để bắt quỉ. Thầy cho trói con bé lại, một tay cầm Thánh Giá, tay kia vẩy nước thánh, miệng hỏi bằng tiếng La-tinh. Nó ú ớ. Thầy Trước thét lên, tay cầm cây thánh giá dí vào. Nó gào lên thất thanh, chẳng một ai hiểu gì. Sau thầy bảo là quỉ trả lời bằng tiếng La-tinh, lại nói không đúng văn phạm, câu trước lẫn câu sau. Thế nhưng thầy hiểu là con quỉ ở Ðền Sòng, không đến đó bắt không được. Thế là người Ba Làng rủ nhau đi, có thầy Trước dẫn đầu. Ðến nơi, người thủ đền không bằng lòng, bảo:
- Ðây là chỗ thờ Phật, thờ Thánh. Ma quỉ nào vào đây được! Có bắt thì cứ bắt ở ngoài, chứ vào trong chính điện để bắt thì ra là bắt Phật, bắt Thánh à...
Người Ba Làng hò hét. Dân chúng quanh đền Sòng cũng kéo đến, trong số đó có Toàn Nhật. Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, và đã xô đẩy nhau thì một sư ông trạc lục tuần cười hề hề đến bên thầy Trước. Sư ông nói:
- Thưa thầy, ở vũng lội làng Do Xuyên từ biển vào, có một cặp ma, xưa ở Kinh đôi Ma bị quân Tây Sơn đuổi chạy về đây. Chính tôi đến bắt để chúng khỏi tác oai tác quái vật chết trâu bò, sinh dịch sinh bệnh, đến cả năm nay rồi. Nhưng mỗi lần, cứ đuổi nó đến Nhà Thờ Kẻ Bền là nó lánh vào, tôi đành phải đứng ngoài mà chờ, không dám tự tiện xúc phạm chỗ linh thiêng. Bây giờ, nếu thầy kiên trì, thì thế nào cũng bắt được quỉ ở ngoài này, tôi xin giúp thầy một tay! Tôi đồ chừng là chỉ hai ba đêm nữa, nó phải ra mà thôi...
Dĩ nhiên, thầy Trước không biết nói thế nào, đành bảo chờ. Hai hôm sau, muỗi quá, ai cũng giục. Sư ông lại hềnh hệch cười « nó sắp ra rồi đấy! » và chắp tay, miệng niệm Nam mô, mắt nhìn thầy Trước. Ðến hôm thứ ba, có người ở Ba Làng bảo con bé con bị chửa hoang đấy, quỉ bây giờ ở trong cái bào thai được năm tháng rồi. Thầy Trước lại dẫn đầu giáo hữu trở về bắt con quỉ đã trốn từ Ðền Sòng chui vào cái bụng của một đứa bé gái không may làm thuê cho Bá Cẩn.
Vị sư ông đó chính là Trịnh Bồng. Nhận ra Nhật, Trịnh Bồng reo lên:
- Ðấy, tôi đã nói rồi, còn duyên là còn gặp.
°
Ðời Bồng là một cuộc đời không bình thường. Là cháu gọi Trịnh Sâm bằng chú ruột, một người đã giết bố mình để tiếm ngôi chúa, Bồng chẳng thù oán gì Sâm. Ăn ở hiền lành đến độ khi Sâm phế con trưởng là Tông, Sâm đã có ý cho Bồng nối ngôi chúa khi thấy con thứ là Cán cứ ốm đau chữa mãi không khỏi. Một hôm, Bồng bỏ Kinh đi về vùng Yên Quảng - Hải Dương, tu trong một ngôi chùa hẻo lánh. Sau loạn Kiêu binh, Tông lên ngôi chúa, gọi mãi Trịnh Bồng mới chịu về giúp Tông định đặt lại công việc Phủ Liêu lúc bấy giờ bị bọn Kiêu binh khống chế. Thấy Bồng lành, Kiêu binh lại rắp tâm phế Tông lập Bồng. Bồng vào thưa với Tông, rồi trốn đi ngay.
Khi Tây Sơn ra Bắc lấy tiếng là phù Lê - diệt Trịnh, giết được Tông rồi bỏ về Ðàng Trong, Bồng sống ở Chương Mỹ lẫn trong dân gian nên ít ai biết, trừ đám thủ hạ xưa nay trong Phủ Chúa. Chúng xui, rồi viết sẵn một tờ tâu vào Vua Lê «...Ðến đời gần đây, nhà thần dần dần cậy thế chuyên quyền, làm trái lẽ thường khiến mất cơ nghiệp tổ tông. Nay thánh thiên tử lấy lòng trời làm lòng mình, thần thẹn là phái trưởng nhà Trịnh, lánh nạn nấp trong dân gian, cái bụng mến nhớ tông miếu khắc khoải, chỉ vì chưa được chiếu chỉ nên chưa dám vào thành. Vậy xin mạo muội mấy hàng, dâng trước ngai rồng, cúi chờ tiến lên ngự lãm ».
Triều thần đình nghị, và vì Bồng là kẻ nhân hậu nên đều một lòng ủng hộ, Lê Chiêu Thống giáng chỉ cho vào. Tiếp được chỉ, Bồâng ngần ngừ mãi rồi mới lên đường. Nhưng cùng lúc đó, Trịnh Lệ là em Trịnh Sâm, vai chú của Bồng, được một võ quan là Thì Trung phù tá, và có Dương Trọng Tế cầm quân ở Gia Lâm trợ giúp. Về đến bến Tây Long, Lệ thảo một từ tâu «... Mồng mười tháng này thần sẽ vào ở Chính phủ. Cúi xin ban hạ sắc dụ cho thần được nối ngôi Chúa, đời đời tôn phù để giữ cái nghiệp duy đế duy vương trong muôn năm ».
Cuộc tranh chấp giữa Lệ và Bồng xảy ra nhưng kết thúc rất mau chóng. Tế phản Lệ theo Bồng nên quân của Thì Trung bị phá tan ở Nam Ðồng, Lệ phải cắm đầu chạy ra phía ô Ông Thánh. Bồng kéo quân vào Thăng Long, thanh thế rất lớn, đến ra mắt vua ở điện Vạn Thọ. Lê Chiêu Thống bảo:
- Nhà Chúa trải hai trăm năm tôn phù, cái công không nhỏ. Trẫm xét trong nhà Chúa, không ai được hiền như ông, lại ngành trưởng, nên việc nối dòng tế tự vẫn đêå dành cho ông.
Bồng thưa:
- Thần vốn ươn hèn, tính lại ưa tịch mịch, chẳng may gặp lúc suy bỉ, đã cam phận bỏ đi tìm một nơi chùa chiền mà sống cho hết tuổi thừa. May nhờ hoàng ân, vận hội đất trời xoay lại, thần lại thấy bóng mặt trời. Nặn đúc cho thần kiếp này là ơn của Hoàng Thượng.
Chiêu Thống vui lòng hỏi:
- Thế đã chọn nơi nào để ở hay chưa?
- Tâu Hoàng Thượng, tòa Lượng Phủ còn có thêå che mưa gió, thần xin về đấy.
Sau đó, Bồng đến Thái miếu, thắp hương, nước mắt ràn rụa rồi định về Lượng Phủ. Bọn thủ hạ kêu:
- Thiên hạ đón ông về là mong ông làm Chúa cho họ công danh. Nay ông không về Chính phủ, nhân đinh sẽ nản, đại binh sẽ tan, không còn thế nào mà thu lại được. Về Lượng Phủ, chẳng bằng cứ ở Chương Mỹ mà làm một người an nhàn, cần gì phải dìu dắt bao nhiêu người đến đây cho nhọc!
Nói xong, chúng cứ rước kiệu Bồng về Chính phủ. Chiêu Thống bực bội, bảo tả hữu «... Ở Phủ thì làm Chúa. Tiếc rằng khi Tây Sơn đi, ta không cho mớ lửa cho rảnh. ». Hôm sau, Vua sai triều thần bàn việc sắc phong cho Bồng. ý Vua chỉ muốn phong làm quốc công. Có người nói nhà Chúa xưa bắt đầu được phong là Tiết Chế thủy bộ chư-danh binh chương quân-quốc trọng-sự. Vua bắt bớt đi chữ Tiết Chế.
Chưa bàn định xong, có tin báo Liễu trung hầu Ðinh tích Nhưỡng vâng sắc đã tới. Bồng mời Nhưỡng, nhưng Nhưỡng từ, nói rằng tránh mang tiếng, không muốn gặp trước khi việc phong tước chưa xong. Vua Lê mừng lắm, xuống chỉ phong cho Nhưỡng tước Quận Công. Nhưỡng lạy tạ, từ chối nói rằng việc nối ngôi Chúa chưa xong, công nghị sẽ xì xào nếu Nhưỡng chịu nhận tước. Cuối cùng, Vua Lê phong cho Côn quận công Trịnh Bồng tước Quốc Công, nhưng tờ sắc nói rõ từ nay về sau đời đời chỉ nối làm tước ấy.
Nhưỡng giận, cho là không công bằng, làm một tờ yết thị « Nay vâng sắc chỉ cho lập quốc công để nối dòng dõi nhà Chúa. Nếu như lòng người đều thuận, thì đến phủ lạy mừng. Bằng không, xin đến cung Tây Long họp để thảo biên dâng lên Hoàng Thượng cúi nhờ xét định cho thỏa lòng thiên hạ ». Quan triều sợ Nhưỡng, thảo biểu xin cho Côn Quốâc công tước Vương như xưa. Chiêu Thống chửi « Chúng coi ta là con trẻ, vừa ban lệnh xuống đã đòi đổi. Nếu yên phận thì « Vương » hay « Công » có khác gì! Nếu không, chắc lại lấy Chúa hiếp Vua à? ». Sợ cái gốc sinh loạn đã nẩy, có người đến khuyên Bồng tự mình lui xuống. Bồng đáp:
- Việc này là do Liễu trung hầu, tôi không can dự. Xử trí thế nào tùy lượng bề trên, xin soi xét lòng đó cho tôi.
Mấy hôm sau, Chiêu Thống nhượng bộ, phong Bồng làm Nguyên úy phụ Quốc Chính, tước Án-đô Vương. Lúc ấy, Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An đùa, nói lái là « Ðố an » Vương. Quả thế, Hoàng Phùng Cơ đã mang hai vạn quân từ Sơn Tây về đóng tả ngạn sông Nhị. Trong dinh nhao nhao tiếng đồn Cơ vào bè Vua, Nhưỡng ở phía Chúa, chắc sẽ đánh nhau to.
Bồng quyết định bỏ ngôi Chúa trốn đi để tránh việc binh đao. Một mình lần ra bến Thúy Ái, Bồng bị bọn thủ hạ chạy theo níu lại rồi báo cho Nhưỡng. Nhưỡng sai đưa Bồng về Phủ rồi cắt người canh giữ. Về phần Hoàng Phùng Cơ, vì thấy là dù sao ngôi Chúa cũng đã định rồi, Cơ liên minh với Nhưỡng chia thực quyền. Hai người cùng nhau sắp đặt bổ nhiệm các quan, khiến vua Lê chỉ biết than trời, và có ý vời Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An về giúp.
Chỉnh lúc đó đã bị Tây Sơn bỏ rơi, chỉ còn vài chục thủ hạ. Mạo là có chiếu của Vua phong Chỉnh làm trấn thủ Nghệ An, tước Bằng lĩnh hầu, Chỉnh giả làm lễ bái mạng rồi truyền hịch hiệu triệu hào mục và quân lính. Trong vòng mươi ngày, Chỉnh mộ được hàng vạn quân, tuyên cáo: « Bọn Nhưỡng cầm quân ngầm mưu việc đại nghịch. Nay vâng mật chỉ đem quân về triều để quét sạch giặc đang hiếp chế nhà Vua », rồi kéo quân lên đường. Quân Chỉnh mới mộ, nhưng đội ngũ tề chỉnh, hiệu lệnh nghiêm ngặt, đụng với quân nhà Chúa ở khúc sông Hoàng Mai huyện Quỳnh Lưu, đánh một trận toàn thắng dễ dàng.
Ở Thăng Long, Nhưỡng sợ Chỉnh kéo quân chạy về Yên Quảng. Cơ thấy vậy, rút lên Sơn Tây, ý nuôi oai dành sức, từ từ coi thiên hạ ngả về Vua hay về Chúa. Trịnh Bồng gọi Dương Trọng Tế, hốt hoảng hỏi:
- Làm thế nào?
Tế mang quân ra cản Chỉnh, như sang bến Thanh Trì lại chạy thẳng sang hạt Kinh Bắc. Bồng khóc:
- Ta chẳng may đẻ vào nhà Chúa, lại bị một lũ tiểu nhân xui khôn xui dại, làm lỡ mọi chuyện, ngay đến chuyện làm một ông sư già chống gậy dạo trong vườn thiền cũng không được!
Bồng cùng tả hữu bỏ Thăng Long chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh vào, được Vua Lê phong làm Bằng trung công, nắm mọi việc. Vua Lê lại sợ Chỉnh lấn ép. Khi Chỉnh định xuất quân đánh Bồng, Vua sai người bảo:
- Bất nhượng hãy làm lời dụ bảo hắn đường họa phúc, tránh tuyệt tự họ Trịnh đã nhiều đời tôn phù. Hắn cứ mê muội, thì hãy kéo quân đánh. Ta cứ giữ niềm trung hậu, không ai nói vào đâu được!
Chỉnh sẵng giọng:
- Anh hùng làm việc há theo cái nhân đức của đàn bà?
Mang quân qua Nhị Hà, Chỉnh bắt giết Dương Trọng Tế. Bồng chạy thoát, ra miệt Hàm Giang nương tựa vào Ðinh Tích Nhưỡng, thủ hạ chỉ còn độ một trăm người. Nhưỡng tiếp, nhưng ý bạc bẽo, không nói gì đến việc quân, việc nước, lại thưa:
- Trời thanh, trăng sáng, vẻ thu rất đẹp. Thần đã đem rượu lên thuyền, xin Chúa đi chơi ngắm nhìn phong cảnh cho khuây khỏa.
Bồng nghẹn lời:
- Phong cảnh vẫn xưa nhưng non sông khác trước. Bơi thuyền uống rượu, ta chẳng có lòng nào. Xin tướng quân cứ đi chơi.
Ðêm hôm đó, Bồng thảo một bức thư cho Trương Ðăng Quĩ, nhờ tâu lên Vua «... Lúc mới đến Kinh chỉ lo giữ lấy công việc thờ cúng cho trọn đạo hiếu, thật không có bụng chuyên quyền. Chẳng ngờ thế sự đẩy xô, lại gặp các tướng ép uổng, thành ra trái ý Vua. Chỉnh vào, cung khuyết đã bị đốt tiêu, nên thần như con chim cháy tổ bay quanh không chỗ nương thân, xiêu bạt nay Quế Ổ, mai Hàm Giang, hóa ra mang tiếng kháng mệnh, tấm lòng kính thuận không còn cách nào bày tỏ được... » Vua sai Quĩ đi đón Bồng về triều, nhưng vì sợ Nhưỡng thông đồng với Chỉnh bắt mình, Bồng đã cùng mấy người hầu cận thuê thuyền buôn giương buồm chạy xuống Sơn Nam. Sáng ra, Nhưỡng biết chuyện, liền kéo thuyền chạy theo, bụng bảo dạ nếu không theo Chúa, thiên hạ sẽ bảo mình là loài phản tặc.
Hợp với quân chủ lực của Lân, một thổ hào, Nhưỡng đánh lại tướng của Chỉnh là Hoàng Viết Tuyển, nhưng vì ô hợp nên thua tan nát. Lân cướp thuyền đưa Bồng chạy về Bái-Hạ. Ở vùng ấy, Khuông dấy quân Cần Vương, cùng Lân ra sức chống giữ. Bị Chỉnh vây chặt, quân đói phải đào củ chuối để ăn. Bồng nói với Khuông và Lân để Bồng tự trói ra hàng, tránh đổ thêm máu. Không chịu, Khuông và Lân phá vòng vây mang Bồng chạy về được Hải Dương rồi lên Yên Quảng. Lân xin về, rồi Khuông chết bệnh...
Nói đến đây, Nhật bỗng im lặng, hồn lắng vào một cõi riêng, không biết đến gì xung quanh. Nghe Thức giục, Nhật thốt lên:
- Cái nghiệp quyền lực! Gỡ ra không phải là dễ.
-…
Chậm rãi, Nhật tiếp tục kể:
- Trốn thủ hạ, Bồng một mình lên núi. Ðêm ấy, Bồng kể cho đệ nghe là nằm mãi, cứ nửa ngủ nửa thức, mơ mơ màng màng, bỗng thấy một góc núi sáng rực. Giọng đàn bà ở đâu cất lên, bảo Bồng từ nay tên là Ðạt Hải thiền sư, đã sắp tận được nghiệp rồi... Bồng tỉnh ra, nghĩ «... cõi phù sinh chỉ là giấc mộng, sao chúng sinh cứ chìm đắm vào bể khổ. Thôi, quay về là hơn, về cái thuở chống gậy dạo cửa thiền ».
Lấy kiếm gọt đầu, Án đô Vương Trịnh Bồng thỏa giấc mộng trở thành một vị thiền sư, từ đó lang thang hết chùa này đến chùa nọ. Nhưng nghiệp vẫn chưa dứt. Ở chùa Tam Giáo, có kẻ tên Vũ Kiều, đã từng là học trò ở trong Kinh, nhận ra Ðạt Hải chính là Chúa Án đô. Bảo với bọn phiên thần là Kỳ và Trân, Kiều đến lạy Bồng năm lậy, và xin tôn phù. Bồng kêu «... Các vị nhầm rồi! » nhưng họ không đứng lên, khóc kêu đòi dựng lại cơ nghiệp nhà Chúa. Bồng mềm lòng, nước mắt ràn rụa, nói «... Cái cảnh « thử ly », «mạch tri » trông mà nát lòng. Ta không phải gỗ đá, lẽ nào lại không đau xót? Nhưng đã kiệt sức, ta vẫn chẳng tranh lại với trời nên phải nín nhịn giữ mình, không mưu tính để lại lầm lỡ thêm một lần. Gầm trời này ai Vua ai Chúa đã có chân mệnh, ta đã định chống gậy trong chốn sa môn mà rồi cũng chẳng được! ».
Chưa đánh chác được gì, bọn Kỳ và Trân đã ngỡ là con đường công danh sắp đạt được, xin phong tước. Bồng lúc ấy cảm thấy cái bóng danh lợi vẫn là cái động cơ của sự mê muội, nên rắp tâm bỏ đi. Chưa đi được, cả Bồng lẫn Kỳ và Trân lại bị đám nông dân bắt nộp để lấy tiền thưởng. Chỉnh đích thân xuống trấn Kinh Bắc tra xét, sai chém đầu Kỳ và Trân ra oai...
Nghĩ đến Chỉnh, một kẻ người đời gán cho hai chữ gian hùng, và là kẻ đã từng đối đáp chèn ép mình ngày Chỉnh còn phò Hoàng Tế Lý ở Nghệ An, Thức ngạc nhiên hỏi sao đã bị bắt mà Bồng còn toàn vẹn để sau này gặp được Nhật ở Ðền Sòng? Nhật xuề xòa cười, rồi thủng thẳng:
- Anh đoán chắc không ra! Chỉnh hỏi Bồng: «... Sao mi chửi ta là giặc? ». Bồng đáp: « Nam mô a di đà Phật, quả bần tăng đã phạm khẩu nghiệp ». Chỉnh lại trêu: «... Rước về làm Chúa, mi có nhận không? ». Bồng cười hềnh hệch: « Eo ôi, cái nghiệp ấy thì chịu. Xưa, bần tăng như khúc gỗ tròn, cứ bị bọn mê muội thèm muốn danh vọng xô đẩy nên mới lăn lóc thế. Nay, chẳng dại nữa, làm Vua làm Chúa thì thà chém chết ngay đi còn hơn! ». Chỉnh hỏi tại sao? Bồng nhẹ nhàng: « Nghiệp quyền lực là cái nghiệp của Quỉ Vương. Nó sai khiến hằng hà sa số ma quỉ, căng chặng bẫy ở ngay nhân tâm. Bây giờ nay bần tăng đã hiểu mà tránh được, dại gì lại dính vào nữa! ». Chỉnh ngẫm nghĩ rồi quát thủ hạ: « Sao chúng mày bắt nhầm ông sư gàn gàn ương ương này vào đây? » rồi ra lệnh đuổi Bồng ra ngoài. Sau đó, Chỉnh làm tờ cáo, bảo rằng Trịnh Bồng đã chết và cấm không cho ai được nói thêm để làm náo loạn lòng người...
Thức mỉm cười:
- Làm thế, Bồng sau này khỏi cứ vất vả trốn tránh bọn tham tiền lừa bắt để lấy thưởng. Kể ra, thế là Chỉnh cũng có chút lòng...
Nhật chợt buồn bã, nhớ đến cái chết của Chúa Út, nhẹ nhàng:
- Ðấy, cái nghiệp quyền lực nó thế. Bồng thoát ra, phải trả giá bao phen, sống đi chết lại mới thành được Ðạt Hải thiền sư. Chỉnh chạy theo quyền lực, nhưng tha Bồng. Ðến lượt Vũ Văn Nhậm, Nhậm ra giết Chỉnh. Rồi sau, Huệ lại ra giết Nhậm. Bao nhiêu sinh mạng khác, cũng chỉ vì quyền lực, chết tức tưởi. Và chết, vô nghĩa.Vì vậy, đệ cố gạt mọi chuyện yêu ghét, nhưng vẫn chưa thể nào chấp nhận được một thứ quyền lực nào!
°
Quay lại phường Bích Câu hai ngày sau, Toàn Nhật vừa gõ cửa thì bõ già đã vui vẻ nói:
- Ông tôi về rồi, rước sư vào!
Nhìn thấy Thức bên cạnh, bõ có vẻ ngần ngại, nhưng Nhật biết ý, lên tiếng:
- Mô Phật, vị này là anh tôi, cũng quen biết ông nhà...
Bỗng một giọng khàn khàn cất lên:
- Bõ mời các vị vào, xin vào...
Nhận ra Thức, tiếng như reo, nghe vẫn khàn khàn:
- Trọng Thức, có phải không?
- Chào Ngô huynh. Bao nhiêu năm rồi!
Nắm tay Thức, Ngô Thì Nhậm nhướng mắt nhìn vào tận mặt. Lưng gần như còng xuống, tóc nay bạc phơ, Nhậm gầy như hạc, mảnh mai trong tấm áo thụng màu xám nhạt. Mắt sáng lên nhìn Thức, Nhậm tươi cười:
- Phải nói bao nhiêu đổi thay rồi! Chứ không có đổi thay, năm tháng chỉ hệt nhau, bao nhiêu ta cũng chẳng đếm!
Quay sang nhìn Nhật, Nhậm từ tốn:
- Nam mô a di đà Phật!
Thức nhỏ nhẹ giới thiệu:
- Võ Toàn Nhật, đồng môn với đệ, lại như anh em một nhà.
Nhậm à một tiếng, rồi cười:
- Có phải Võ tướng quân của đội Tiền Kích không? Người ta lại đồn là chết rồi, thế có lạ không?
Nhật thủng thẳng:
- Lạy Phật, đúng đấy chứ! Bây giờ chỉ có một vị sư đi cầu của bố thí của thiên hạ thôi, Võ tướng quân gì đó chết hẳn rồi. Ðệ ra tìm Ngô huynh vì thầy đệ có một lời nhắn...
Nhậm cắt lời Nhật, nhại lại:
- Vô lượng thọ Phật! Ngô huynh gì đó cũng không còn. Bây giờ chỉ có một vị sư già tên là Hải Lượng đây!
Nhậm bước vào, gọi bõ già nấu nước pha trà, tay đẩy Thức và Nhật vào chái bên, rồi kéo xuống ngồi trên bồ đoàn. Lấy bộ chén chè ra lách cách lau chùi, Nhậm tươi tắn:
- Này, ở đây đến xế trưa là gặp cả Phan Huy Ích và Vũ Trinh. Họ nghe bần đạo từ Thanh Oai về, chắc sẽ lục tục kéo đến chuyện vãn.
Nhìn Toàn Nhật, Nhậm tiếp:
- Nào, nói ta nghe xem La Sơn Phu tử nhắn gì?
Nhật thuật lại lời Nguyễn Thiếp. Nhậm trầm tĩnh:
- Ta về làng, lạy tổ miếu. Mấy hôm sau, quân Nguyễn Ánh đánh lấy Thanh Hóa. Khi ta từ Sơn Nam về, thì quân Nguyễn đi phía sau chừng một hai ngày đường, nay mai sẽ vào Thăng Long chấm dứt triều đại Tây Sơn...
Thở dài, Nhậm đổ trà vào chén chuyên, tay rót, miệng khẽ nói:
- Trốn, ta không trốn! Nhìn Thức, Nhậm trầm ngâm - ta trốn thì còn gì cái tiếng danh giáo của Ngô thì Nhậm? Ta trốn thì sau này ai hiểu làm sao cho được cái việc chấn hưng Trúc Lâm Thiền Pháp của Hải Lượng?
Thức hỏi, Nhậm nói rằng từ mấy năm nay, Nhậm đang cùng môn đồ hoàn thành « Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh ». Tập này gồm hai mươi bốn thanh, tương ứng vào hai mươi bốn khí của trời đất, là những giáo lý tổng hợp Nho và Thiền thành một khối. Nho và Thiền theo đó là cùng nguyên tắc, chỉ khác về cách ứng phó «...Xử thế bằng Nho, xuất thế bằng Thiền,... ung dung thoải mái trong cái lý ấy mà cũng vượt lên trên và ra ngoài cái lý ấy ».
Cuối giờ Thân, Ích và Trinh đến. Sau đó có thêm Nguyễn hữu Ðàm, Ngô thì Hành và Nguyễn đăng Sở, đều là những nhà nho nhưng nay mang pháp danh Hải Ðiền, Hải Huyền và Hải Hòa. Cuộc đàm đạo xoay quanh giáo lý, nhưng tất cả đều cuối cùng qui về Nho học. Ðề cập đến «không» và «ngộ», vấn đề được trình bày như mối quan hệ giữa «lý» và « dục» trong hệ thống Tống nho. Khi nói về « minh tâm » và « kiến tính » của nhà Phật, họ qui trở lại « chính tâm » và « thành tính », cho rằng đều là « đạo người quân tử rộng khắp và kín đáo ».
Hải Lượng thiền sư không vất bỏ nổi Ngô thì Nhậm. Dấn thân vì có ý thức xã hội, nhưng vốn là một nho gia theo dòng danh giáo, Nhậm dẫu muốn hóa ra Hải lượng nhưng vô hình chung vẫn bó buộc tư tưởng của mình trong một khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn, Hải Lượng cho rằng: « Ðại bồ tát vô lực lượng không xuất gia mà tế độ được vô số trăm nghìn chúng sinh ». Khi bàn «... tinh thần cất giấu ở trong thân thể, thân thể là đồng một chất với trời đất », Hải Lượng thừa nhận sự tồn tại của thân và sự phụ thuộc của tinh thần vào cái thân vật chất đó. Nói về « luân hồi » trong sáu cõi của nhà Phật, các vị thiền sư ở phường Bích Câu lại xem như là luật « Tuần Hoàn » của nhà Nho. Ðề cập đến « Thiền » là một cách tu tập, họ cho là « Thiện Vị », tức là nhường ngôi kiểu Nghiêu, Thuấn...Tóm lại, việc động não ở phường Bích Câu thể hiện sự tìm kiếm lý lẽ giải thích những bế tắc xã hội, chỉ ra thái độ cần có và vạch rõ con đường đi tới. Dựa trên cơ sở « Tam giáo đồâng nguyên » đã có từ 10 thế kỷ trước, Nhậm và những người đông môn, đồng chí, vô hình chung mang Nho ra thay cả Phật lẫn Lão học, không đề ra được sự tương hỗ của ba cách nhìn có thể bổ sung cho một thế giới quan toàn diện hơn, tinh tiến, ảo diệu hơn cách nhìn của Nho giáo.
Chiều tối, Thức và Nhật kiếu từ. Ngô thì Nhậm tiễn ra tới cửa, nói với Nhật:
- Ta có nghe đệ kể « Hứa Sử truyện vãn » trong nhân gian, hôm nào đệ ghé, có dịp cùng nhau bàn thêm..
Nhật buột miệng nói theo kiểu Trịnh Bồng:
- Còn duyên là còn gập...
Trên đường về, Nhật chép miệng nói với Thức:
- Ngô huynh vẫn đời lắm, có đạo được chút nào đâu!
Thức không trả lời, bước đi trong im lặng. Lòng chàng nặng chình chịch sự thất bại và niềm tuyệt vọng của những người có lòng, nhưng tư tưởng lại chỉ hạn hẹp trói buộc trong cái hệ tư tưởng phong kiến. Hệ tư tưởng đó nay quá lạc điệu, khi mọi con người trên thế giới này đã đến gần nhau hơn bằng những con tầu vượt đại dương gắn đại lục này vào những đại lục khác.
°
Hạ tuần tháng tám năm Nhâm Tuất, Thái Úy Nguyễn văn Thọ mở cửa thành Thăng Long ra hàng. Năm ngày sau Nguyễn Ánh đặt chân vào thành. Quang Toản cùng với hai em là Thùy và Thiệu, cùng Ðô Ðốc Tú, Ðô Ðốc Dụng vượt sông Nhị chạy sang Kinh Bắc. Ðêm ở Xương Giang, dân đến vây, Thùy và Tú tự vẫn. Toản bị dân Phượng Nhỡn bắt mang về nộp lấy thưởng. Sự nghiệp nhà Tây Sơn cáo chung sau khi Nguyễn Huệ xưng đế được đúng mười bốn năm.
Nguyễn Ánh tiến hành một loạt biện pháp để bình định Bắc hà. Như cô gái giang hồ đã quá tuổi, Bắc hà lại ỏn ẻn ton hót về sự trinh bạch, sắc đẹp, và gốc gác quí phái lương thiện của mình. Ánh chiêu dụ cựu thần nhà Lê, đặt lại các chức quan văn võ, dùng luật Hồng Ðức trị dân. Ðối với đám quan theo Tây Sơn, Ánh cho truy nã, bắt bớ, và đặt các trạm canh khắp nơi để thu hồi quyền uy.
Sau đó, Ánh mang quân thù ra xử. Tài liệu do giáo sĩ De la Bissachère lưu ở Hội Truyền Giáo Paris kể lại như sau:
«...vị Vua Tây Sơn là Quang Toản phải chứng kiến một cảnh đau lòng. Thi hài của cha, mẹ, ông bà đã chôn đều bị khai quật, xương cốt mang xẻ vụn ra để, theo dị đoan, không có thể mang lại phúc đức cho con cháu. Sau đó, những xương cốt đó đem đổ vào một cái chiếc vại sành rất lớn để cho quan quân đến đái vào. Tiếp theo, xương cốt lại bị nghiền thành bột đổ vào một cái uôm để trước mặt vị Vua trẻ. Người ta mang đến một mâm cơm thịnh soạn, một phong tục đối xử tử tù ở đất nước này trước khi thi hành quyết. Người em vua, can đảm hơn, trách anh đã ăn. Sau bữa, người ta bịt miệng Vua, để tránh vị này có thể chửi vị Tân Vương. Rồi họ cột tay và chân Vua vào bốn con voi để xé xác. Hai con chạy, làm rách toạc một chiếc đùi, gân lòi ra. Vị Vua bị hành quyết vẫn còn sức quay lại nhìn cái uôm có xương cốt của cha mẹ mình. Ðám hành hình dùng một thứ dụng cụ không thấy ở Âu châu, xẻ xác Vua ra làm năm mảnh, đem cắm trên những chiếc cột cao đặt ở năm cái chợ đông người, và đợi thịt rữa ra hay là bị diều quạ ăn hết.
Về phần Ðại tướng Thiên Phổ (Trần Quang Diệu), người mà ai biết cũng quí mến, ông ta xin vị Tân Vương tha chết cho mẹ ông nay đã tám mươi tuổi, không có thể làm gì hại đến chính quyền mới. Ông bị xử chém.
Ông ta có đứa con gái độ mười bốn, mười năm tuổi, nay đã đúng độ thiếu nữ, bị xử voi dày. Khi cô ta thấy một con voi lù lù tiến lại để cuốn lấy, cô ta quay nhìn mẹ, thét lên thảm thiết: « Mạ ơi, cứu con! ». Mẹ cô ( nữ tướng Bùi Thị Xuân ) đã từng chỉ huy đội tượng binh đáp: «... Làm sao cứu con khi chính mạ, mạ chẳng cứu được mạ. Thà con chết với cha với mạï còn hơn là sống với lũ người như chúng nó! ». Trong số những người chứng kiến, nhiều kẻ quay mặt đi không dám nhìn. Con voi cuốn cô bé hất lên cao, rồi ngửng lên lấy ngà đâm vào thân xác cô rơi xuống, hai lần tất cả.
Khi đến lượt hành quyết vị nữ anh hùng, vợ của Ðại tướng Thiện Phổ, bà ngang nhiên đi vào, dáng kiêu hãnh, đến ngay trước mặt voi. Bọn hành hình hét bắt quì, nhưng bà không, cứ đứng sừng sững. Con voi không làm gì, hình như nhận ra chủ, mãi sau bị thúc nó mới cuốn lấy bà...
Bọn hành hình, để có được sự can đảm của bà, đã móc tim, gan, phổi, và tay của bà để ăn...».
Có một chi tiết nhỏ còn nghi vấn.Giáo sĩ De la Bissachère kể là Trần Quang Diệu bị xử chém, trong khi đó, sử ta lại viết là Ánh chỉ bắt Diệu uống thuốc độc, vì xưa Diệu đã đối xử với bọn tướng của nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tòng Chu một cách cao thượng. Một điều không có nghi vấn gì là Diệu trước khi chết, sắc mặt không đổi. Và hình như Diệu có cười một tràng dài.
Về phía bọn văn thần phò Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan và khoảng mười lăm người bị đóng gông mang bêu. Hôm đó, trời đã sang đông, đêm xuống rất sớm và không hiểu ở đâu chim cuốc bay về đậu trên những hàng cây bàng trong Kinh. Sáng hôm sau, họ điệu đám văn thần sang Văn Miếu. Ðàn chim cuốc bay theo, tiếng kêu quốc, quốc vang động khắp một vùng hồ Thủy Quân. Những kẻ tò mò lũ lượt kéo nhau đi xem. Trong đám đông, Toàn Nhật cùng Trọng Thức chen vai thích cánh, nghe hàng dân bàn tán cách hành tội rồi đánh cược với nhau. Cứ như là đi xem hội, họ nói cười, thản nhiên, nhìn đám văn thần nay đã lụ khụ, còng lưng dưới những chiếc gông làm bằng gỗ lim, bước im lìm, mắt nhìn xuống đất. Duy một mình Nhậm, Nhậm ngửa mặt lên trời, miệng tủm tỉm, thỉnh thoảng đưa mắt hiền hòa nhìn thiên hạ.
Bọn lính đưa đám tội đồ vừa bước vừa dọa nạt, tay cầm roi vút vào không khí, mở đường đi trong tiếng chiêng trống ầm ĩ. Nhậm quay lại nhìn đồng bọn. Thấy họ vẻ ủ rũ, Nhậm bỗng chạnh lòng. Ðấy, tinh anh của đất nước cả đấy! Bây giờ, họ là gì? mình là gì? Tặc loạn? Phản quốc? Không! Mình chỉ là kẻ đứng về phía cái quyền lực bị đánh sụm. Thế thôi. Cái quyền lực chiến thắng kia làm ra danh nghĩa bằng chiến thắng. Vì đã chiến thắng, nó có thể sắp xếp lại hết, kể cả lịch sử. Và kết tội kẻ chiến bại thế nào thì kết, ai làm gì được!
Bị điệu vào sân Văn Miếu, bọn văn thần đứng lơ ngơ, đợi đọc chiếu hạch tội của Vua Gia Long. Dưới thời Cảnh Thịnh, Nhậm khuyên Quang Toản không được, đành rời chính sự, lui về coi sóc Văn Miếu này. Biết từng con ngựa đá cho đến hòn gạch, viên ngói và những tấm bia Tiến Sĩ sắp hàng từ mấy triều đại nay, Văn Miếu là nơi Nhậm tôn kính còn hơn Từ đường của gia đình mình. Trên những cành cây đại, chim cuốc lại đến đậu đông nghịt, thỉnh thoảng ùa nhau cất cánh bay, tiếng đập cánh như gõ cửa một mùa xuân chậm đến.
Từ một chiếc ghế bành phủ gấm, Ðặng Trần Thường, kẻ được Gia Long dành cho cái niềm vui gặp lại bạn đồng liêu ngày xưa, loắt choắt kiễng chân đứng dậy. Lời hạch tội đám văn thần khá tầm thường, đại khái cho rằng biết lễ nghĩa mà lại theo ngụy Tây Sơn, tội đáng nọc ra đánh để lấy đó làm gương cho thiên hạ. Nhậm lại cười! Ai chả biết được làm vua, thua làm giặc. Kẻ nào thua, tất là ngụy. Lời hạch lại nhiếc móc bọn văn thần là tiếm nhà Lê để tâng công. Nhậm tự hỏi, thế bay đang làm gì đây? Khi xưng đế hiệu, bay không tiếm ngôi đấy à?
Bọn văn thần từng người một phải ra quì nhận tội rồi nằm dài mặt úp xuống sân để cho bọn hành hình đánh vào lưng. Nguyễn Gia Phan, rồi Phan Huy Ích. Tiếng roi vun vút quật xuống. Tiếng rên hừ hự. Hàng dân im lặng, không còn ồn ào. Chỉ có tiếng chim cuốc kêu. Rồi tiếng quát.
Ðến lượt Nhậm, Thường trừng trừng nhìn, rồi vênh váo:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai
Nhìn những cánh chim chao ngang đảo dọc trong bầu trời ẩm đục buổi đầu đông, Nhậm bỗng chỉ thấy một sự thương hại tràn ngập tâm tư. Giọng tự mãn, Thường mỉa mai « Theo giặc, Hy Doãn quên hết chữ thánh hiền rồi sao? ». Cười hiền hòa, Nhậm rành mạch:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Khinh khỉnh, Thường vẫy tay ra lệnh bắt quì. Nhậm vẫn đứng trơ trơ, khẽ lắc đầu. Viên quan có nhiệm vụ hành pháp quát:
- Quì xuống!
Nhậm điềm tĩnh, lại lắc đầu. Một tiếng bốp vang lên. Ðó là tiếng cây côn đập vào đầu gối Nhậm. Nhậm cắn răng, chúi người ngã, nhưng lại cố đứng dậy. Lại một tiếng bốp nữa. Nhậm lại ngã, rồi xiêu vẹo, vùng người lên. Ðến lần thứ năm hay thứ sáu, Nhậm không đứng được, nằm trên sân đá, nhưng không rên la, kêu ca gì cả. Không nghe thấy tên pháp quan la hét những gì, Nhậm lẩm bẩm một lời tự vãn khi xưa:
« Tiên? chẳng thể thành tiên
Phật? cũng không đắc đạo
Chí theo hướng Thi, Thư
Khỏi trái dường danh giáo »
Một trận mưa roi ập xuống mình mẩy Nhậm. Pháp quan quát:
- Không sợ à?
Nhậm lại cười:
- Thuận lý mà sống thì có dẫm lên đuôi cọp cũng chẳng có gì là đáng sợ!
Tiếng roi, tiếng gậy lại vang lên. Trong hàng dân, có kẻ la khóc. Vẫn tiếng chan chát, tiếng bôm bốp, và tiếng chim cuốc kêu lên thất thanh. Vết sẹo đâm xuống chân mày trên trán lại giựt lên, Thức nghiến răng nói nhỏ vào tai Nhật:
- Ðòn thù!
Nhắm mắt niệm Phật, Nhật nói thầm:
- Trời cao đất dày! Tham là cái nền, tàn bạo là kèo cột, và xương máu là đồ trang trí của tất cả những lâu đài quyền lực.
Nhậm bị đánh như vậy cho đến lúc thình lình cả đàn hàng trăm con chim cuốc vỗ cánh bay lên, không ngớt kêu quốc, quốc, và bay về hướng biển. Ðúng lúc đó, Nhậm thở hắt ra, giẫy nhẹ, rồi bất động.
Chuyện chim cuốc kêu ngày xảy ra trận đòn thù trong sân Văn Miếu được truyền tụng đi khắp nơi. Hàng dân kháo rằng chim kêu ác, ác chứ không phải là quốc, quốc như thường lệ. Thật ra, rất dễ nghe lẫn tiếng quốc ra tiếng ác, hay ngược lại.
Kẻ nào nọc người ra đánh cho đến chết cũng sẽ chóng chầy bị quả báo. Chỉ hai năm sau, chính Gia Long đã bắt giết Ðặng Trần Thường.
Triều đại nào nọc kẻ sĩ của đất nước ra đánh là triều đại không thể khá được.
Quả nhiên, chỉ xấp xỉ năm mươi năm sau trận đòn thù, hậu duệ của Nguyễn Ánh đã khờ khạo làm mất nước Việt Nam trong gần một thế kỷ.