Nhìn vẻ mặt của Hòa Nhiên, Yên Phong không nỡ trách cứ mãi. Nàng cũng yên lặng nhìn ra biển. Đêm thật sâu vậy mà anh cứ ngồi lặng mãi.
1 lúc, Yên Phong lên tiếng:
− Mình về đi anh rồi sẽ tính. Phải chi anh cho em biết trước về việc này.
Hòa Nhiên nắm chặt tay Yên Phong:
− Anh xin lỗi, chỉ vì chúng mình đang gặp chuyện không vui nên anh không thể cho em biết về việc mẹ của Tâm Nhiên từ Mỹ trở về. Anh sợ em không vui.
− Chớ không phải anh giấu em nên em mới ngờ vực, và để rồi...
− Yên Phong ơi! Anh biết làm sao đây nếu không tìm được bé Nhiên.
− Sao mình lại không báo công an hở anh?
− Ừ! Anh cũng có ý định đó. Nhưng mẹ bảo về khách sạn tìm không ngờ cô ta lại đi Sài Gòn. Ngày mai em đi với anh nhé!
Yên Phong gật đầu:
− Tất nhiên rồi, cho nên bây giờ anh phải về để còn thu xếp mọi việc. Vả lại anh phải nghỉ ngơi một chút chứ!
− Anh lo cho bé Tâm Nhiên quá!
Yên Phong cố an ủi anh:
− Em nghĩ chắc chị ấy cũng không nỡ hại con bé đâu. Dẫu sao cũng là con của mình mà!
− Anh không có chút tin tưởng nào đối với người phụ nữ đã bỏ rơi đứa con.
− Mình về thu xếp công việc và chờ đợi xem ở khách sạn họ báo tin gì hay không?
− Anh không chờ nỗi, nếu không có em anh đã đi Sài Gòn ngay.
− Đừng xúc động quá anh, không khéo anh lại bệnh đó.
Thuyết phục mãi Hòa Nhiên mới chịu về nhà, trời đã khuya lắm rồi. Vậy mà anh cứ trằn tọc mãi bên tách cà phê nóng. Yên Phong cũng ngồi bên cùng thao thức suốt.
Hòa Nhiên kéo nàng ngả dài trên ghế salon rồi nói:
− Tội nghiệp cho em quá. Tự dưng lại phải thức suốt đêm vì anh. Ngủ đi em, sáng mai anh sẽ đến công ty xin phép vài ngày để chúng ta đi tìm con bé. Chẳng biết hạnh phúc của chúng ta bao giờ mới nắm bắt được đây. Về Sài Gòn chắc là không thể ghé nhà em được, vì ba mẹ đâu có ủng hộ chúng ta.
− Không sao đâu anh.
− Không được, để anh tìm chỗ ở.
− Thì cứ lên trên đó rồi tính.
− Anh không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu.
− Vẫn chưa liên lạc được với tài xế xe mà chị ấy thuê hay sao?
− Ừ! Có lẽ cô ta đã mua chuộc cái gã tài xế cho nên chủ khách sạn vẫn chưa liên lạc được.
Bất chợt Hòa Nhiên hốt hoảng:
− Không biết người phụ nữ đó còn làm điều gì nữa đấy. Có ở trong tổ chức mua bán trẻ em và phụ nữ hay không.
− Chẳng lẽ lại "tán tận lương tâm" như thế. Nếu vậy phải báo cho công an để họ giúp chúng ta anh à! Không thể chần chờ được, sáng nay nhất định anh phải báo cho công an biết.
− Có lẽ anh phải làm thế. Càng nghĩ anh càng giận mẹ ghê. Tại sao mẹ lại dễ dàng như thế. Thật là quỉ quái, cô ta thảy ba đồng đô la là mẹ anh chóa ngay. Thật là...
− Thôi đi anh đừng trách mẹ như thế. Vấn đề quan trọng là anh phải tính toán xem sẽ làm sao đây.
2 người cứ to nhỏ bàn bạc với nhau suốt đêm và đến khi họ mê mệt ngủ thiếp đi tự lúc nào không hay. (100)
*
Hà Ly nhận được tin của Yên Phong báo sẽ lên thành phố vài ngày để tìm con gái Hòa Nhiên, cô cũng lo cuống lên vì tuy chưa gặp bé Tâm Nhiên nhưng nghe Yên Phong nhắc mãi lên Hà Ly cũng cảm thấy gần gũi với con bé.
Thế Kha cũng đang có mặt ở thành phố nghe tin này anh bàng hoàng, chẳng lẽ thời đại này mà vẫn còn có kiểu bắt cóc như vậy hay sao?
Thế Kha nói với Hà Ly:
− Chúng ta phải giúp họ.
− Anh không lo công việc của anh hay sao?
Thế Kha cười:
− Yên tâm đi cô bé, trước sau gì anh cũng sẽ chuyển công tác về đây thôi.
Hà Ly chợt nói:
− Vậy dự định đi Đà Lạt thì sao hở anh?
− Em thấy thế nào?
Hà Ly ngập ngừng:
− Mình đi có ít ngày, chắc không sao đâu.
− Vậy...
Thế Kha hiểu ý nên nói với Hà Ly:
− Em không phải thuê thêm phòng, kêu họ cứ ở tạm đây ít ngày để lo công việc. Khi nào chúng ta trở về sẽ tính chứ thuê nữa để làm gì. À! Bây giờ anh có chút việc đến chỗ của gia đình người chị họ, em ở đây tìm cách giúp Yên Phong.
Mặc dù trước đó Thế Kha rất thích Yên Phong nhưng giờ đây tình cảm nàng với anh thật gắn bó, thời gian quen nhau không bao lâu nhưng anh vào nàng đã dự định tiến tới hôn nhân, nghĩ đến chuyện này Hà Ly cũng chưa muốn, nhưng chẳng biết nghĩ sao? Trong tình cảnh này không thể kể cho Yên Phong nghe được, Hà Ly mong gặp Yên Phong để giao căn phòng trọ và dặn dò bạn đôi chuyện mới đi cùng Thế Kha.
Đến chiều khoảng 4 giờ, Hòa Nhiên và Yên Phong mới tìm đến chỗ thuê trọ mà Hà Ly đã tìm. Hà Ly kêu:
− Sao 2 người lên trễ quá vậy?
Yên Phong cười:
− Đâu có. Anh Nhiên và Yên Phong đã đi rảo khắp thành phố từ sáng đến bây giờ đó.
− Trời ạ! Đã ăn uống gì chưa.
Hòa Nhiên cười:
− Lên Sài Gòn mà sợ đói gì, chỉ sợ không có đủ tiền để mà ăn đó thôi.
Hà Ly vui tươi:
− Cái anh này. À! Yên Phong nè, ta giao lại phòng này cho mi, nếu cần sang nhà chủ... để trao đổi nhé!
− Còn mi thì sao?
− Ta không ở đây, anh Kha ở, nhưng bọn này định đi Đà Lạt đấy.
Yên Phong đặt tay lên vai Hà Ly:
− Ta có làm phiền mi không?
− Phiền gì chứ, con nhỏ này. Có gì nhớ báo cho ta biết với, bây giờ ta đi công việc riêng nhé.
Hà Ly đã chuẩn bị túi xách đồ đạc và Thế Kha đã mang đi đến chỗ của người chị họ.
Hà Ly đi rồi, Hòa Nhiên ngã dài trên giường, thật mệt mỏi. Giọng anh đầy vẻ lo lắng:
− Chẳng biết ở nhà thế nào rồi.
Yên Phong tựa vào người Hòa Nhiên:
− Anh đã báo công an rồi, vả lại theo lời của chủ khách sạn ở Vũng Tàu thì chị ấy đã thuê xe và tài xế đưa đi chơi ở thành phố, em nghĩ khoảng vài ngày sẽ về ngay.
− Lúc ấy, không biết con bé sẽ ra sao? Anh thật có lỗi với con gái của anh.
− Đừng nói như thế nữa. Em tin là mình sẽ có tin tức của con bé, anh nghỉ ngơi một chút đi rồi chúng ta sẽ đi tìm nữa.
Hòa Nhiên ôm ghì Yên Phong rồi nói:
− Tội cho em quá. Vì anh mà phải vất vả toàn những chuyện đâu đâu không hà. À! Em có định về nhà thì cứ đi đi, bây giờ đến tối chắc cũng khó mà tìm được, anh ở đây được rồi.
Yên Phong ngã dài bên cạnh anh rồi nói:
− Em đi lên đây cùng anh là vì bé Tâm Nhiên, anh không định để em ở đây với anh hay sao?
Hòa Nhiên choàng tay gối đầu cho người yêu, giọng anh xúc động:
− Chỉ vì anh không nỡ bắt em phải khốn khổ lê la khắp thành phố biển bây giờ lại lên Sài Gòn, cứ lang thang, như thế này cũng đâu phải là cách phải không em?
− Đành là như vậy, nhưng biết làm sao hơn vì con bé là con gái của anh, không lo làm sao được.
Trò chuyện một lúc dường như sự mệt mỏi đã làm cho họ thiếp đi. (106)
*
Đến Đà Lạt, Thế Kha và Hà Ly không đi cùng mọi người vì 2 người muốn được thoải mái hơn trong mọi việc, Hà Ly nói:
− Em có người cô ở Đà Lạt, mình sẽ ghé thăm cô.
Thế Kha cũng cười nói:
− Anh cũng có mấy người bạn, tụi nó nhắn anh lên đây chơi hoài. Nè! Mình không về cùng với mọi người nhé!
− Vâng!
− Chị Phương Trầm bảo đi có vài ngày thôi, anh muốn ở đây một tuần may ra...
− May ra cái gì?
− May ra mới tìm đến được với mấy thằng bạn.
Bỗng dưng Hà Ly hỏi:
− Không ngờ anh lại có thể về Sài Gòn để làm nhanh đến thế.
− À! Gia đình chị Trầm ở nước ngoài nhiều, nên mấy công ty cứ phải sang lại. Bà ấy lúc đầu không định đi, bây giờ trở chứng muốn đi.
− Sao?
− Ai biết được. Em muốn biết, có dịp anh cho gặp họ, dạo trước nghe đâu vì ông chồng này mà "bà chị" này không đi, còn bây giờ anh không biết.
− Em cũng đâu muốn biết về họ để làm gì.
− Vậy thì tốt. Anh cũng ít khi quan tâm đến chuyện người khác. Bây giờ đã đến Đà Lạt, chúng ta ghé đâu trước?
Hà Ly cười:
− Thuê chỗ ở...
− Sao em bảo ghé nhà cô.
− Ghé chơi chớ có phải ở lại đâu?
− À! Vậy thì bây giờ đi thuê chỗ rồi chuẩn bị đi ăn, anh đói rồi đó.
Hà Ly chỉ tay vào trán Thế Kha:
− Xấu ăn nghe.
Hà Ly nghĩ đến tháng ngày sắp tới, Thế Kha sẽ về thành phố để làm, không ngờ anh chàng lại tốt số đến thế, thật ra gia thế anh chàng cũng khá tốt. Nghe đâu người chị họ định giao công ty lại cho Thế Kha, hình ảnh người phụ nữ tuyệt đẹp đầy kiêu hãnh kia với uy quyền và tiền tài. Hà Ly chợt giật mình. Trời ạ! Có phải chăng đây là người phụ nữ mà người yêu của Yên Phong đã phản bội con nhỏ để đến với sự quyến rũ của tiền tài và sắc đẹp. Trời ạ! Đúng rồi, giá như có gặp anh chàng Duy Đăng chắc chắn rằng Hà Ly sẽ nhận ra ngay. Nhưng sao lần này anh ta không đi cùng chứ? Nghĩ đến điều này, Hà Ly nuối tiếc, giá như nàng đoán ra việc này sớm nhất định nàng sẽ kêu Thế Kha ở cùng khách sạn với họ. Nàng muốn khám phá mọi việc. Trời ạ! Nếu như Thế Kha không gặp nàng mà anh với Yên Phong thì sao nhỉ? Cho đáng đời một kẻ bạc tình chỉ vì ham giàu sang. Nhất định sẽ kêu Thế Kha đến thăm họ để có dịp khám phá mọi việc.
...
Suốt cả ngày đi chơi ở khu rừng ái ân, ở thung lũng tình yêu, Hà Ly cảm thấy mê say với cảnh vật, chiều qua ghé thăm cô Thuần, Hà Ly bị rầy một trận vì không chịu ghé nhà cô để ở. Thế Kha còn hứa hẹn thay cho nàng là sẽ ghé chơi một ngày trước khi về.
Phương Trầm gọi điện nhắn Thế Kha đến nhà hàng cùng ăn bữa tối, một bữa tiệc dưới ánh lung linh của những ngọn nến, Phương Trầm và những người thân cùng nâng cốc. Phương Trầm nói với ông bà giám đốc gì đó, rồi quay sang Thế Kha, Phương Trầm nói:
− Cậu Kha quyết định lên thành phố là tốt nhất. Cậu đã học ở nước ngoài về thì phải ở thành phố, đáng lẽ ở bên Úc hay bên Mỹ ai lại có điều kiện mà lại về quê. Nè! Định giới thiệu cô em dâu ở Mỹ về, vậy mà buổi chiều cô ấy đưa con bé đi chơi, chắc đưa con gái mua sắm ở siêu thị rồi.
Hà Ly có nghe Thế Kha nhắc đến họ nhưng những ngày qua họ không đi cùng nên Hà Ly cũng không biết họ là ai?
Thế Kha chợt hỏi:
− Chị ấy không ở cùng các chị hay sao?
Phương Trầm lắc đầu:
− À! Không vì con bé nó không quen.
Như sợ phải nói nhiều nên Phương Trầm im bặt. Hà Ly ngồi nghe và bất chợt nghe tim mình đánh "lô tô", cô bé cũng không hiểu sao, ước gì được gặp 2 mẹ con người phụ nữ này. Vả lại... Hà Ly cũng không biết gì về họ. Trời ơi! Bỗng dưng Hà Ly nghe nao nao như mình sắp phát hiện ra một điều gì, nhưng rồi buổi tiệc cũng kết thúc và người phụ nữ cũng không thấy xuất hiện, Hà Ly cười thầm cho sự cả nghi của mình. (111)
*
Phương Trầm nói với Nhã Băng:
− Thôi các người ăn sau nhé. Ngày mai gặp lại.
Đợi cho Phương Trầm lên xe đi khuất, Nhã Băng cũng kéo Tâm Nhiên lên xe và nói với người tài xế:
− Anh đưa 2 mẹ con tôi đến nhà trọ và chúng ta ăn ở đấy luôn nghe.
Người tài xế tỏ vẻ e ngại:
− Cô à! Đã mấy ngày rồi tôi không nhắn về cho giám đốc không khéo tôi bị đuổi việc.
− Anh sợ đuổi việc à! Tôi nghĩ tôi có thể giúp anh có một chiếc xe thế này để anh chạy riêng. Nếu như anh bị đuổi việc, tội gì anh phải làm công.
Quán trọ Thạch Thảo tuy nhỏ nhưng thật ấm cúng bởi không gian thật đẹp, trên đồi đầy hoa thạch thảo và dã quỳ, Nhã Băng đã cố tách riêng mọi người để không ai biết.
Cô bé gương mặt đầy nước mắt, giọng nấc nghẹn nó hỏi:
− Chừng nào cô đưa cháu về ba và nội. Sao bà nội cho cháu đi với cô vậy.
− Thôi cháu ăn cơm đi, đừng có hỏi. Nè! cháu có muốn gọi cô là mẹ không?
Con bé lắc đầu:
− Không đâu. Mẹ Nhiên đã chết rồi.
− Sao? Ai nói với cháu vậy?
− Ba nói, ông nói, ở nhà ai cũng nói như vậy.
− Còn cháu, cháu có biết không?
− Không biết, ba bảo cô Phong sẽ thế làm mẹ của cháu đó.
− Cô Phong nào?
− Là bạn của ba.
− Cô có thích cháu không?
− Ba bảo không có cô Phong cháu đã không còn nữa. Không còn là sao hở cô?
Nhã Băng ôm chầm con bé, nàng nghẹn ngào, đã mấy năm từ khi cô về Vũng Tàu và đưa bé đi Sài Gòn rồi đi Đà Lạt, cô đã nhờ anh tài xế đi cùng và tắt mọi liên lạc để không ai quấy rầy, cô biết làm thế này sẽ kinh động Hòa Nhiên, nhưng cô không còn cách nào vì Hòa Nhiên nhất định không cho cô gặp con bé. Thật ra cô chỉ muốn gặp con bé trước còn những dự tính khác thì sẽ tính sau. Vợ chồng của người chị họ của chồng cô bây giờ muốn có đứa con nuôi và họ muốn đưa con bé vào với danh nghĩa là con của người chị để sau đó đưa con bé ra nước ngoài. Nhã Băng đành liều lĩnh hành động điên rồ là đưa con bé đi chơi loanh quanh và mua sắm cho con bé với mong lấy được tình cảm ở con bé. Nhưng xem ra con bé là một đứa bé rất ngoan.
Buổi tối khi con bé đã ngủ say, Nhã Băng ngồi một mình với cốc rượu trên tay. Sẽ phải đối diện với sự thật là trả con bé về, nhưng rất may những ngày qua gã tài xế này đã ủng hộ cô bằng cách im lặng. Thật ra cũng không dễ dàng gì, đâu phải những tờ đô la kia đã thu phục được anh chàng tài xế láu cá này.
Ôm con bé trong tay, Nhã Băng cảm thấy xót xa vô vàn, tại sao nàng lại ra nông nỗi này, bây giờ trở về Vũng Tàu ư, nàng sẽ ra sao? Hay là nhờ gã tài xế đưa con bé về Bà Rịa rồi trở lên thành phố nàng sẽ đưa cho hắn một số tiền để hắn mang hộ nàng một ít hành lý còn bỏ ở khách sạn. Không nên trở về, biết đâu... Những ngày qua, Nhã Băng cảm thấy như có mây mù giăng khắp lối, nàng không đủ sáng suốt để tỉnh nhận được mọi điều, nàng chỉ biết rằng được thấy mặt con, được ăn cùng con rồi dẫn con đi mua sắm. Tất cả như trong một giấc mơ, giấc mơ đẹp.
Con bé thức dậy và gào thét lên đòi ba và cô Phong nào đó, Nhã Băng bực mình xẳng giọng:
− Cháu có dậy không, cô đưa đi ăn rồi đi vườn hoa chơi.
Con bé vẫn nằm và râm ran khóc, khóc mãi.
Nhã Băng cũng mỏi mệt thiếp đi một lúc đến khoảng 8 giờ sáng cô mới thức dậy, con vé vẫn ngủ say. Sờ trán thấy nóng ran, Nhã Băng lo cuống lên, nàng gọi gã tài xế vào và hỏi:
− Có phải con bé bị bệnh rồi không anh, bây giờ phải tính sao?
− Mua thuốc cảm cho nó uống. Chắc lên đây không chịu lạnh quen.
− Nhưng nó nóng sốt mà.
Gã tài xế cãi:
− Thì cảm cũng nóng sốt vậy.
− Trời ơi! Tôi phải làm sao đây? Nó có sao hay không?
Gã tài xế ra vẻ suy nghĩ rồi nói:
− Hay chúng ta đưa nó đi bác sĩ.
− Biết bác sĩ ở đâu mà đưa đi.
− Thì hỏi người ta. Nè, cô sửa soạn cho nó đi tôi chuẩn bị xe. Thật là...
Anh ta định nói phiền phức, tự dưng lại lo chuyện đâu đâu, nhưng gã lại im bặt.
Và rồi trên đường họ cũng đưa được con bé vào một phòng mạch tư của bác sĩ Thạch và con bé phải ở lại phòng mạch cùng với Nhã Băng. Con bé bị viêm phế quản, và không khí lạnh đột ngột đã ảnh hưởng đến sức khỏe con bé.
Bác sĩ dặn dò:
− Phải cẩn thận chăm sóc cho cháu. Cháu bị mất sức...
Nhã Băng vô tình:
− Sao? Mấy ngày nay đưa cháu đi chơi đây đó, tôi bồi bổ cho nó nhiều lắm.
− Bà tưởng cho ăn uống như vậy là đủ à! Con bé bị kiệt sức vì nhiều lý do lắm đó!
− Thật là tôi không hiểu ra làm sao nữa.
− Bà cho nó đi du lịch à! Bà ở đâu.
− À! Chúng tôi ở thành phố.
− Lên đây được bao lâu rồi?
− Dạ, mới có 2 ngày.
− 2 ngày à!
Nhã Băng cau mặt:
− Sao bác sĩ hỏi nhiều việc đâu đâu quá vậy?
− À! Xin lỗi. Tại bà chưa rõ, tôi muốn biết chỗ để định trạng được tình hình sức khỏe của cháu.
Nhã Băng lo lắng hỏi:
− Tôi muốn đưa nó về Sài Gòn ngay có được không?
− Nó đang bệnh, đợi vài ngày rồi hãy tính.
− Cháu phải ở đây bao lâu?
− Để khỏi bệnh phải ở lâu đấy, có thể một tuần hoặc hơn.
− Trời đất, có phải vì đây là bệnh viện tư nên...
Bác sĩ Thạch cướp lời Nhã Băng:
− Cô lại suy đoán thật tai hại cho chúng tôi rồi, chúng tôi vẫn làm việc ở bệnh viện đấy. Cô đã đưa bệnh nhân đến phòng mạch của chúng tôi sao lại có những suy nghĩ phiến diện như thế!
− A! Không phải như thế đâu, thưa bác sĩ.
Nhã Băng chợt lo lắng vì sợ bác sĩ hiểu lầm mình nên cô im lặng, trong lòng cô bây giờ không biết phải tính thế nào, giá như cô đừng đưa con bé đi Đà Lạt, cứ ở thành phố chơi một tuần rồi trả con bé về. Bây giờ thì cả nhà của bé Nhiên đang lao xao đi tìm để đưa con bé trở về, liệu họ có báo công an hay không, nàng tin rằng gia đình Hòa Nhiên sẽ không làm như thế vì bé Nhiên đang đi cùng cô và nhất là mẹ của anh đã nhận số tiền nàng gửi cũng đủ làm quà khá tốt rồi còn gì. Nhất định họ sẽ không báo công an. Nhưng để đề phòng nàng sẽ cho gã tài xế đem con bé trả lại. Đúng như dự định.
Gã tài xế mang thức ăn cho Nhã Băng rồi nói:
− Hay là cô đi ăn, ở gần đây có quán ăn, tôi trông con bé giúp cô cho, sợ tôi mua thức ăn không vừa ý cô.
Nhã Băng cười:
− Như thế là tốt lắm rồi. Anh nhớ những gì chúng ta thỏa thuận chứ, đừng để mọi người ở đây...
Gã tài xế nhăn mặt:
− Bà không tin tôi à! Tôi đã làm công việc đưa đón bà suốt gần một tuần nay, làm thì phải cho trót chứ.
Nhã Băng cười:
− Vậy thì tốt quá. Tôi chỉ sợ anh không giữ đúng lời.
− Đã "đồng kham cộng khổ" bao nhiêu ngày qua rồi, cô tưởng tôi muốn mà được sao?
− Thôi được rồi, thì anh đã "lời" quá rồi còn gì?
Gã mỉm cười:
− Chỉ trong tích tắc của hiện tại thôi chớ, rồi cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ.
Nhã Băng im lặng, càng nói với gã càng sa đà, xem ra gã này cũng không vừa. Thực ra các nhà nghề tài xế đều như vậy. Nhã Băng không muốn bàn thêm chuyện gì nữa, cô chỉ mong sao bé Nhiên khỏe để đưa con bé trở về nhà, lúc này đây Nhã Băng mới cảm thấy mình đã quá liều lĩnh. (123)
*
Mấy ngày nay Thế Kha và Hà Ly thường cùng ăn trưa hoặc ăn tối với những người chị họ của Thế Kha, Hà Ly cố tình để xem có gặp một người phụ nữ mà chị Phương Trầm của Thế Kha có nhắc đến, không ngờ 2 ngày nay không gặp.
Họ lại sắp trở về Sài Gòn. Thế Kha chợt nói:
− Hay chiều nay chúng ta đến Đà Lạt Sứ Quán, đêm nay sẽ được sinh hoạt bên ánh lửa bập bùng với người dân tộc.
Phương Trầm cười nói:
− Chị cũng muốn nhưng định ngày mai trở về Sài Gòn.
− Thêm một ngày nữa có sao đâu chị.
Phương Trầm tỏ vẻ lo lắng:
− Nhưng không biết cô Nhã thế nào mà mấy ngày nay lại không đến, nó bảo nó sẽ không về cùng vì còn muốn ở chơi thêm ít hôm để sau đó còn về Mỹ.
Hà Ly chăm chú nghe, nhiều lần định hỏi nhưng rồi lại thôi, Hà Ly chợt cười thầm có cái tính nhà báo của mình. Rõ ràng nghề báo đã khiến cho Hà Ly hay liên tưởng sự việc, để rồi tự đùa với mình về bệnh nghề nghiệp.
− Sao chị ấy lại không đi chơi cùng hở chị.
Thế Kha tự dưng buông lời. Phương Trầm cười:
− Ôi! Để ý làm gì, lần này về, thằng em của chị không về là vì muốn cho nó có điều kiện để đi tìm lại đứa con riêng. Nhưng thôi, có lẽ vì thế con nhỏ muốn được thỏa thích mua sắm cho con bé.
Hà Ly bấm tay Thế Kha, 2 người tự dưng nhìn nhau và như có một giác quan thứ 6 kỳ diệu mách bảo, nên cả 2 cùng im lặng, Hà Ly càng thót tim khi nghe điều này, nhưng nếu hỏi ra thì e rằng họ sẽ ngờ vực.
Phương Trầm như thanh minh với Thế Kha:
− Thế Kha đi tu nghiệp ở Úc bao năm qua nên đâu biết mọi việc. Mà thôi bây giờ tụi nó sống Tây lắm. Thằng em chị lấy con bé này, khi nó đã có chồng, bọn nó là người yêu cũ. Ối! Cũng như chị thôi. Đời mà! À, bao giờ các em cưới nhau. Sớm sớm nhé, biết đâu chị lại đổi ý đi Mỹ sớm, lúc đó không dự được đám cưới của 2 đứa.
− Chị vẫn muốn đi à!
− Trước thì không nhưng có lúc chị lại muốn đi, chỉ tại Duy Đăng chồng chị, anh ấy cứ lấn cấn bảo ở đây biết bao là công việc để làm.
Cái tên Duy Đăng khiến cho 2 tai của Hà Ly lùng bùng, đôi môi nàng mấp máy định lên tiếng nhưng rồi tự chủ được. Trời ạ! Thì ra đây là người phụ nữ kiêu sa, đài các mà Duy Đăng đã gặp trong một buổi dạ tiệc để rồi chị ta dang tay ra... Và cuộc sống xa hoa đã khiến cho một gã nhân viên vừa đi làm được một thời gian ngắn choáng ngợp. Nhưng biết đâu lại là sự trùng hợp tên, đã vậy cái cô Nhã nào đó với một đứa bé... mà Hà Ly cứ nghe nhắc đến trong chuyến đi Đà Lạt này vậy mà những ngày đi chơi chẳng bao giờ Hà Ly được gặp. Nhưng nếu có gặp Hà Ly có biết họ hay không. Chắc chắn là bệnh nghề nghiệp của chị đã mách bảo những gì mình nghĩ là đúng. Có điều... Hà Ly chẳng dám thổ lộ vì sợ Thế Kha không rõ việc gì ngộ nhỡ anh vô tình nói ra sẽ hỏng mất. Ngay lúc này, Hà Ly muốn được gọi điện cho Yên Phong để nói rõ những gì mình biết và nhất là xác định ngay tên của người phụ nữ kia là gì, những tình tiết mà Phương Trầm nói và cả cái tên Duy Đăng. Trời ơi! Đúng là anh chàng người yêu đã phản bội nhỏ Yên Phong, nên con bé quá đau khổ mà bỏ thành phố để tìm lãng quên tình đầu ở một thành phố biển. Tội nghiệp Yên Phong là một đứa có bản lĩnh, nên một mình vẫn sống vui và tốt ở nơi xa.
− Kìa Hà Ly, ăn đi chứ!
Thế Kha gắp bỏ thức ăn cho Hà Ly, cô ngẩng mặt nhìn mọi người nói cười, ăn uống vui vẻ, còn cô từ nãy giờ cứ trầm lặng mãi, không khéo Thế Kha khám phá ra nỗi lo của mình nên Hà Ly vội lên tiếng như để Thế Kha nghe:
− Em chợt nhớ đến một việc ở tòa soạn nên...
− Nên quên ăn chớ gì? Cô bé lúc nào cũng chỉ là công việc. Nếu không vì công việc, làm sao anh gặp em ở Vũng Tàu chớ!
Hà Ly đạp lên chân Thế Kha ngầm ý không cho anh nói tiếp. Nàng cứ sợ, sợ một điều gì đó. Trời ạ! Giá như ngay lúc cô phát hiện ra mọi việc là lúc mọi người mới đến Đà Lạt để nàng báo cho Yên Phong biết. Liệu có kịp hay không, bây giờ thì muộn rồi, gần một tuần qua Yên Phong và Hòa Nhiên đã mất ăn mất ngủ về chuyện này, và nàng với nghề nghiệp, nàng cảm thấy mình đã có những suy nghĩ đúng. Bây giờ cố gắng dò la xem người phụ nữ có tên Nhã gì đó đang ở đâu và nhất là cho Yên Phong với Hòa Nhiên hay, để họ cấp tốc lên đây. Nếu thế phải xui Thế Kha giữ mọi người ở lại chơi thêm một hai ngày nữa. Biết đâu...
Hà Ly vội xin phép ra phía ngoài và gọi điện về cho Yên Phong, lúc nàng nói dối là gọi về tòa soạn.
Nghe giọng của Yên Phong, Hà Ly lo lắng và kế vắn tắt mọi khám phá mà tình cờ mình biết được để Yên Phong suy nghĩ. Hà Ly chỉ dặn dò:
− Nếu có lên thì thu xếp ngay ngày mai phải có mặt ở Đà Lạt, chúng ta sẽ gặp lại nhé nhỏ.
Hà Ly trở lại bàn ăn và cười với mọi người rồi nói một câu khỏa lấp:
− Mình ăn trưa rồi về thu xếp liệu có đi Đà Lạt Sứ Quán kịp hay không?
Phương Trầm cười:
− Xem ra Hà Ly nôn nao rồi đó!
− Bỗng dưng em muốn được đến và ở đó một vài ngày để tìm hiểu một vài phong tục tập quán.
Thế Kha cười và nói:
− Bệnh nghề nghiệp rồi phải không? Chị Trầm à! Hay sáng mai chúng ta đi Đà Lạt sứ quán rồi ở lại đêm mai, ngày kia chúng ta mới về đây rồi sáng mốt sẽ về, chắc em cũng sẽ đi cùng mọi người.
Phương Trầm cười vui:
− Cái cậu này, mày biết tánh chị ham vui, dụ hoài phải không, được thôi, ở lại vài ngày nữa xem con Nhã Băng nó có liên lạc hay cùng về với chúng ta hay không?
Hà Ly không ngờ mình lại thốt lên một điều vô tình mà lại đón nhận được điều cô mong muốn. Nhất định mọi việc rồi sẽ được giải quyết. Hà Ly thầm nguyện cầu một mình. (131)
*
Mặc dầu biết ba mẹ không đồng tình cho chuyện của mình và Hòa Nhiên, Yên Phong vẫn ghé nhà và kể cho mọi người nghe về chuyện bé Tâm Nhiên con gái của Hòa Nhiên bị mất tích, những ngày qua chính nhờ ý kiến của ba nên Yên Phong và Hòa Nhiên mới yên tâm hơn khi chuẩn bị đi Đà Lạt vì ba đã báo cho những người quen ở Đà Lạt và nhất là báo cho công an biết là điều cần thiết để họ phối hợp mà tìm ra Nhã Băng sớm hơn.
Bà Hoàng nói với chồng:
− Xem ra anh phải ra tay mới may ra Hòa Nhiên sẽ có thời gian gặp con bé sớm hơn.
Ông Hoàng cười:
− Làm như tôi là công an không bằng.
− Thì bạn bè ông ở Đà Lạt làm công an thiếu gì, ông xuất thân từ trường sĩ quan.
... Khi Yên Phong và Hòa Nhiên đi rồi, bà Hoàng chợt cười và nói:
− Thấy cậu Hòa Nhiên mất con cũng tội, nhưng sao chúng ta nhiệt tình quá vậy, có phải ông cũng bằng lòng 2 đứa nó hay không?
Ông Hoàng nhăn mặt:
− Chuyện nào ra chuyện đó chứ, cậu Hòa Nhiên mất con chúng ta có thể giúp gì thì giúp, còn chuyện cậu ấy với Yên Phong nhà mình, tôi cũng chưa đồng ý đâu? À! Mình à! Liệu 2 đứa này...
Bà Hoàng đặt tay lên vai chồng rồi nói:
− Yên Phong là đứa con gái có lý trí rất mạnh. Anh thấy đó, nó không lụy tình và sống buông thả đâu.
− Nhưng chính vì vậy mà con gái của mình phải có một người chồng cho xứng đáng chứ. Không cần giàu sang, miễn sao có công việc ổn định, đằng này con nhỏ gặp phải một gã đàn ông có một đời vợ, và có cả con. Tội cho Yên Phong quá! Chẳng lẽ nó lại không may mắn như mọi người hay sao?
− Anh làm như có mỗi mình anh là thương và lo cho con gái không bằng.
Bà Hoàng bỗng dưng thật buồn, bà nói:
− Cô Hiên tiếc vì đám mà cô ấy làm mai không thành.
Ông Hoàng cười:
− Tụi trẻ bây giờ mà mình biểu cô ấy làm mối.
− Cô ấy thấy cậu Kha ở nước ngoài về sau khi tu nghiệp mấy năm và gia cảnh rất tốt nên muốn mai mối. Nghe đâu con bạn của Yên Phong với cậu Kha đang quen nhau.
− Thì cũng tốt thôi.
Bà Hoàng cảm thấy nuối tiếc cũng như cô em chồng của mình, hôm nghe cô Hiên báo tin bà cảm thấy thật buồn.
Giọng cô Hiên đầy nuối tiếc.
− Em tức cái con bé Yên Phong nhà mình nghe, chị biết không, Thế Kha quen với bạn của Yên Phong, nghe đâu con nhỏ làm phóng viên.
− Vậy sao cô?
− Gia đình Thế Kha tốt lắm, em nói tốt là gia thế của họ đó, Thế Kha có cảm tình với Yên Phong ngay từ đầu vậy mà con bé bỏ lỡ cơ hội. Tội nghiệp cậu Kha. À! Nghe đâu sẽ chuyển về Sài Gòn làm giám đốc đó chị!
Bà Hoàng buồn bã:
− Tại cái số con bé.
− Số với mệnh gì chứ. Do mình tất cả, vợ chồng em cứ tiếc rẻ mãi, anh Hưng nhà em nói Thế Kha là đứa tốt, có tài có đức như vậy không dễ kiếm đâu.
− Sao dượng ấy biết rành về cậu Kha quá vậy?
− Chỗ quen biết mà chị.
Bà Hoàng nhớ những lời cô em chồng mà cảm thấy thật buồn, bà không có phúc phần hay con gái bà không có duyên?
Để cho Yên Phong đi cùng với Hòa Nhiên chẳng khác nào vợ chồng bà đã nhượng bộ. Nhìn con gái tất tả lo công việc của thiên hạ bà mới nhận ra rằng tình yêu đã giúp cho con bé xông xáo và sẵn sàng phó mặc tất cả.
Những gì về Thế Kha khi nghe cô Hiên nhắc đến cứ khiến cho trái tim người mẹ như bà đau nhói. Bởi vì cha mẹ nào lại chẳng mong cho con gái có được một tấm chồng thật xứng đáng, chị của Yên Phong cũng đã yên ổn, chỉ có Yên Phong khiến bà lo lắng mãi. Đã 25 tuổi còn gì...
Cô Hiên còn tỏ ra tiếc nuối nhất là việc Thế Kha về Sài Gòn làm giám đốc và sẽ có một căn nhà ở trung tâm thành phố.
− Chị thấy con bé Phong nhà mình thật khờ quá phải không? Ở thành phố lại không ở, cũng như em vì công việc, vả lại gia đình đã ổn định chớ có điều kiện ai lại không chịu về thành phố chứ!
Bà Hoàng tiếc nuối:
− Không còn cách nào nữa phải không cô?
− Thế Kha và con bạn của Yên Phong tuy mới quen nhau nhưng đã tính tới hôn nhân rồi, con bé đó cũng khéo ghê! Nó thừa biết Thế Kha đeo đuổi Yên Phong kia mà, vậy mà không bỏ lỡ cơ hội. Người ta biết tranh thủ chớ ai như con bé Yên Phong.
− Cô à! Cái số nó đã như vậy rồi.
− Số gì? Em không hiểu nổi bọn trẻ bây giờ.
Bà Hoàng lắc đầu cười buồn:
− Cô còn trẻ mà không hiểu chúng huống gì tôi. Mà thôi, chị thấy chắc là anh chị phải nhượng bộ nó quá!
− Sao lại như thế?
Cô Hiên mở to mắt rồi nhắm lại và lắc đầu:
− Cũng đúng thôi, vì có một mối tốt như Thế Kha mà nó đã tự để vuột khỏi tầm tay rồi, đâu dễ gì tìm được người như thế. Hội đủ điều kiện cho một người thật là "đốt đuốc mà tìm" đó chị, mà thôi, em không làm bà mai, bà mối nữa đâu.