Một giọng trai nói sau lưng tôi, rất khẽ mà vẫn nghe hổn hển: - Nằm yên, im, nó ngó mình trực chỉ... Nhóm du kích nép trong mấy bụi chà là mọc trên sườn đồi, co mình giấu bớt chân tay. Những mũi lá nhọn chích vào cổ tôi rất ngứa ngáy, chịu vậy. Chiếc L.19 rà sát ruộng, bánh xe nó cách lúa chừng mươi thước, đang vòng qua trước mặt tôi, dưới thấp và rất gần, ước chừng lựu đạn ném có thể lọt buồng lái. Thằng ngồi sau ngước mắt nhìn chằm chằm vào chỗ chúng tôi núp, nó chừa râu mép kiểu đang thịnh hành trong quân ngụy. Tưởng như nó sắp hất hàm hỏi tôi: ”Sao, hai trăm, chịu thì lên!”, hệt một tay lái xe chở khách lậu. Không bắn nó được. Chúng tôi thất thế phải núp kín, thằng tàu rà kia càng nhởn nhơ, coi cái bộ tiểu nhân đắc chí của nó mà lộn ruột. Nó rè rè bay lên, khuất sau đồi. Tôi quay sang Mẫn, vừa lúc Mẫn nói vội: ”Đây như hòn đảo, phải vượt ruộng qua bên gò anh à. Đi men bờ bụi...”. Anh em bẻ lá cắm thêm quanh người. Nguy rồi. Chiếc L.19 tắt máy từ trên cao đang đâm chếch xuống, thẳng vào mặt chúng tôi, không một tiếng động. Lửa chớp dưới cánh. Một nắm tay to và mềm từ ruột đất đấm ngược lên giữa ngực tôi. Tất cả tối sầm đi một loáng, lại sáng. Tôi thấy mình nằm nghiêng thấy hai hòn đen từ máy bay rớt xuống trong khi cánh quạt của nó lại quay thành đĩa trắng. Hai trái lựu đạn phì khói mé dưới, nó ném hơi sớm. Mẫn há miệng to mà kêu tiếng nhỏ tí: - Chạy qua bên kia! Ào đi! Tôi nhào theo một lưng áo ướt đen mồ hôi, xuống dốc. Mặt dốc phủ những hòn sỏi rời làm chân trượt rào rạo, liên tiếp mấy người lăn tròn, đầu và chân xoáy lộn xộn. Tôi chỉ ngã ngồi một lần. Chiếc tàu rà quay lại. Chúng tôi đã thụp hết vào những bụi lau và mua ven ruộng. Nó xổ rốc-két và ném lựu đạn lần nữa vào mấy bụi chà là hồi nãy, còn may rốc-két của nó là loại xuyên công sự nổ sâu, ít mảnh, nhờ vậy tôi thoát được trái đầu. Bị đồi cản, vòng quần của nó cũng rộng, chúng tôi kịp chạy. Nó vừa xoay đuôi, chúng tôi chạy ”xăng mét” qua rẻo ruộng giữa hai chân đồi. Nhanh, gấp nữa, lỡ quân bộ tới kịp, quét súng máy... bờ ruộng, mương trổ, vũng lầy hiện và biến loang loáng dưới chân. Gần tới rồi. Nước ruộng chợt toé thành những vòi phun nhỏ bên phải tôi. Tiếng kêu lao xao dội từ mé trái. Bỏ mẹ, phóng ào tới quân nó chưa kịp dàn ra đâu. Luồng đạn đã xối dày và rộng hơn. Chíu chíu, chốc chốc, chủm chủm, nó quấn vào chân như dây rừng. Một cái gì rơi tõm. Tôi cúi chụp lấy, nghĩ nhanh đến một cây súng, kéo lê sợi dây to bản mà chạy thục mạng. Bụi cây đằng trước còn rung. Tôi thốc vào đấy, rúc vào mươi bước theo tiếng sột soạt đằng trước, húc vào một cái lưng rộng. Năm Tuất quay phắt lại, tay phải đỡ tay trái, há miệng định nói nhưng chỉ thở hồng hộc. Cậu Ri nhô ra ngó tôi, ngó xuống tay tôi, lắp bắp: - Có... đủ hết... Chị Hai ơi... - Anh Thiêm đâu? - Tới rồi. Lượm súng rồi... Luồng đạn thẳng bây giờ tuôn ào ào vào các chòm cây sau lưng tôi. Cây rung giật, cành văng tung toé, là bay thành luồng bão lá xói riêng một góc đồi. Chúng tôi đã lọt vào chỗ khuất. Tôi cúi nhìn vào cái vật đang kéo theo: Đúng là cây bàng đỏ của Năm Tuất. Tôi định gắt anh ta rớt súng không lượm, mệt quá không gắt được, sau nhận ra tay anh đang túa máu, thôi luôn, cầm hộ anh vậy. Chúng tôi lại khom lưng chạy lúp xúp sau khi chiếc tàu rà thổi trái rốc-két thứ ba, lần này nó lảng xa luôn bàn giao chúng tôi cho cối gần pháo xa. Vài phút sau, tôi nhận ra một chuỗi pình pình đầu nòng của cối 81 chen trong tiếng súng máy. Vẫn chạy, tôi đếm thầm số giây chỉ theo thói quen chứ chẳng để làm gì. Lũ bắp chuối treo trên không khá lâu, bắt đầu rít. Tất cả cùng dừng lại dỏng tai, một người nhào sấp khi chưa cần. Tiếng rít nối dài. Vắng tiếng rắc rắc, tôi hô chạy tiếp. Loạt sét đánh xuống chung quanh vạt cây bị đạn thẳng chém nát. Khi chùm đạn cối khác chúi xuống, chúng tôi đã thoát khá xa. Nhoài người rồi. Tôi vượt lên sát Mẫn, phì phò: - Nghỉ chút... m- mệt... Mẫn lắc đầu khoát tay ra hiệu gì đó, có trời hiểu. Luồn từ gò sim qua vạt mua, từ vạt mua tới bãi bù-xít(1), tiếp tới những mảng tranh rậm quét đuôi vào tay ngứa rát, Mẫn không nói được nữa, vẫn không dừng. Tính chạy tới núi du di(2) hay sao. Nhưng tôi cũng ba hơi nhập một, không cãi được. Vượt xong một quãng gai bớm rậm, Mẫn vừa nhô đầu ra chỗ nắng bỗng lùi lại, khoát tay – lại khoát! – chỉ vào vườn xoài bên phải. Tôi rướn cổ dòm, thấy một tấm gì trơn bóng lẫn trong màu lá, thấy một cái gáy người đỏ như tôm luộc, cuối cùng nhận ra hai chiếc M.113 tắt máy đứng rình sau các bụi cây, như cặp voi dữ vừa bắt mùi lạ, đang nín hơi căng tai. Không thấy tụi lính trong thùng xe. Riêng thằng Mỹ bắn trọng liên ngồi cao hơn để lộ gáy, nó đang ngó chừng hướng khác. Tôi thèm bắn nó đến run tay. Nhưng cả nhóm du kích đều muốn đứt hơi cả, đạn sắp hết, bắn xong mắc giữa gai rậm, xe đuổi theo chỉ cần nghiến xích đủ chết, khỏi quét đạn. Chúng tôi rẽ sang trái, bò thật êm dưới những sợi gai mây đan lưới. Lánh được chừng năm chục thước nữa, lại nghẽn. Trên dốc trước mặt chúng tôi phủ đầy rau tàu bay thả những chấm hoa trắng xốp lượn rập rờn dưới nắng như bầy ong lười. Tám chục thước trống, rồi đến những bụi ngũ sắc, sàm, dứa dại trải rộng đến sông Rù Rì, nơi có nước uống thoả thuê và nhiều chỗ núp tốt. Gay nhất là chúng tôi không biết gì về địch. Mới thấy của nó hai xe, còn đâu nữa? Đâm sầm qua khoảnh tàu bay này để húc vào họng đại liên của chúng đơm sẵn ư? Hay chúng sẽ xả đạn từ một góc kín nào đó vào hông vào lưng anh em? Mẫn ngồi bệt xuống thở. Cô Chín Cang béo múp chen tới, thì thào: ”Em khát muốn chết...”. Mặt Cang trắng như hòn bột bây giờ thành trái cà chua chín. Chúng tôi đều cháy cổ, dù hồi sáng đã uống no nước ruộng. Tôi nhìn Mẫn tái xanh, biết Mẫn sắp lả như dạo cứu lụt. Tôi hít mấy hơi để cản bộ ba mũi, miệng và tai đang tranh nhau thở, đi bẻ lá gài vào cái vòng ngụy trang mà một mình tôi có. Tôi dặn Mẫn cho anh em sẵn sàng bắn che. Mẫn vừa gương cặp mày rậm, máy môi, tôi đã bắt đầu bò qua bãi rau tàu bay. Nóng đít, nóng tay, hoa tàu bay lẫn với hoa nắng nhảy nhót trước mắt, nhưng tôi vẫn nhìn quanh rất kỹ. Gần tới dãy bụi ngũ sắc đầu tiên, tôi rút cả hai băng đạn súng ngắn dự trữ ra cầm tay trái, trườn rất chậm, chĩa họng P.38 ra trước. Địch muốn xơi tôi cũng phải trả giá năm bảy đứa. Tôi luồn sâu vào bóng lá, sục kỹ một lát, quay ra vẫy nhóm du kích bò theo. Bốn cái bóng lổm ngổm nhích qua bãi trống, đít cao hơn hầu rồi đầu cao hơn đít, xốc những đốm bông xơ bay mù mịt thành mây. Chỉ còn bốn mống. Thảm hại không! Đội du kích Tam Sa đã vỡ chạy. Vỡ nát, chạy dài, phải nói thẳng như vậy, không thể màu mè là ”vận động”, là ”rút khỏi xóm”. Trong báo cáo gửi về H.68, tôi sẽ gạch đít thêm vào chỗ ngày tháng: 12-3-1965, để cái vô lý càng nổi rõ hơn. Trên khắp miền Nam ta đánh quân ngụy xác xơ tơi tả. Ở đất Tam Kỳ này làng chiến đấu đã mọc tua tủa chung quanh ”tỉnh đường tỉnh Quảng Tín” và lấn sát thị xã. Khi tụi Sài Gòn réo cha cứu con với, khi cờ lâm nước bí thằng Giôn-xơn phải cắn răng chịu chửi mà đổ quân Mỹ vào miền Nam, ném bom miền Bắc, thì ở đây có một đội du kích bị rã, mạnh ai nấy chạy! Đó lại là đội du kích Tam Sa, mọc trên mảnh đất cháy bỏng căm giận, được bộ đội kèm nghề giúp súng, và được xếp loại đánh khá trong huyện! Cái nhục ấy xát muối vào mặt tôi suốt ba ngày qua. Đã nhiều năm tôi mới một lần đánh giặc với khối bực tức đè trên lưng như cối đá, nó chỉ làm mệt người liệt chân, nó ngược hẳn với cái hận thù chắp cánh cho anh chiến sĩ khi lao theo mũi lê xé gió. Tam Sa... Một con suối mạnh bị nhiều bọt bèo phủ trên mặt. Tôi vừa khoả được một mảng bẩn, gặp nước trong, chưa kịp mừng đã bị cuốn ngay theo một dòng nước ngược ven bờ, quẫy hoài vẫn chưa ra khỏi chỗ xoáy. Lỗi tại ai? Không phải tại Mẫn hay anh chị em cầm súng. Buổi sáng đầu tiên ấy, hai tiểu đội của Mẫn đánh rất khá. Mẫn chỉ huy chưa nhìn được khắp nhưng lại lắm mưu khôn, cho đốt khói chỗ này, kéo lá đằng kia, thằng địch cứ loạn ù. Tiểu đoàn địch mấy keo húc vào làng Cá lại bật ra, tôi đếm trong tầm nhìn được mười bảy cái xác xanh vặn vẹo trên ruộng. Bỗng chị Biền luồn theo hào chạy tới, mắt đỏ kè, hét vào tai Mẫn qua tiếng đạn cối 60 nổ xâu chuỗi: - Ba Thấn phản rồi! Mẫn quay phắt lại, mắt trừng trừng trên mặt tái dần. Đêm qua, hai cậu du kích giải thằng Thấn về trại giam đã cởi trói cho nó đi đồng: Không ít tên gian ác chạy thoát bằng cái mẹo nhỏ này, quay lại trả thù những người dân đã vạch tội chúng! Còn may, thằng Thấn đang lo dắt địch đi càn, chưa kịp chỉ bắt người. Một cánh quân đã lọt vào xóm Đuồi, đang khui hầm bí mật, lại may nữa, cán bộ và du kích chưa ai xuống hầm. Ngớt loạt cối, tôi nhô đầu xem. Mặt đường nhựa vẫn vắng. Có lẽ chúng đang sửa soạn xung phong đợt mới. Quân nó đánh rời rạc, thập thò, ngụy 65 mà. Cây đại liên núp sau bao cát quét vô hồi kỳ trận về phía Năm Tuất, luồng đạn chém lá tre tít trên ngọn, Một bàn tay đặt trên tay tôi vịn hào. Mẫn nói, hơi run: - Anh ngó chừng giùm, em thu xếp... Tôi gật. Một đứa làm phản, bao nhiêu đảo lộn xô tới. Chiếc L.19 đang vẽ số 8 trên xóm Đuồi. Mẫn nói với chị Biền đằng sau, giọng đanh hẳn lại, tôi nghe lọt tai từng mẩu: - Út Liềm ở luôn với chú Luân... Được, số đã lộ cho lánh tạm ra ngoài, mà đừng chạy hoảng... Không, cán bộ đầu ngành thôi... Diệt cho được thằng chó.. Vậy nghen. Chi ủy giao chị nắm lực lượng chìm... - Được, mày đánh đâu mặc kệ, trong này để tao chèo chống, khỏi lo đi. Du kích rút về xóm Giữa. Bà con ở đấy chạy nhào tìm Mẫn. Mày biết chưa, bây giờ làm sao chị, tổ cha cái thằng ăn cơm ỉa cối, ông Liệp cứ bênh nó hoài, chuyến này nó oánh mềm xương hết, tao đi Tam Trân, em chửi nó một trận hôm qua mới nguy, bác phải né xuống Tam Hải cái đã... Tối tinh rối mù. Giữa lúc ấy, tai hoạ chụp xuống. Bốn năm cây trung liên ào ào xả đạn vào lưng đội du kích. Một cậu ngã vật, Năm Ri chỉ kịp lượm súng. Mẫn hét một tiếng thừa: ”Chạy!”. Anh em đã tán loạn hết. Tôi bám lưng áo nâu của Mẫn. Địch ó ré, nổ súng khắp nơi. Cái gì quất bộp bộp trên lưng tôi. Tôi vẩy hai hát súng ngắn vào một nửa ngực vằn vện nhô khỏi góc tường. Lại bắn hú hoạ vào chỗ hàng rào phì khói. Nhảy qua một thằng nằm ngửa, rảy hòn chì giữa bụng nó, chạy xa tôi mới nhớ nó là xác chết. Nửa giờ sau, dừng lại thở trong một bụi rậm ngoài gò, tôi vuốt khắp người tìm vết thương. Quái lạ, tôi không bị thương. Chỉ cái ống lương khô đeo thắt lưng bị hai viên đạn dùi bốn lỗ. Bao bi-đông bị xé một đường vải. Coi như còn sống. Chạy chung với nhau có ba chúng tôi, bốn cây súng, hơn chục đạn. Đêm ấy, chúng tôi bò vào làng tính đánh trả đũa, húc phải một ổ phục kích. Nêu tụi địch không hoảng bắn sớm, chắc chúng tôi có người phải cõng. Thằng Thấn dẫn lính biệt động bọc lưng đội du kích, cũng biết hết các đường ngang lối tắt cần phục hay gài mìn. Quân chúng kéo tới làng Cá rất đông, sáng hôm sau kéo đi sục các gò hoang, có thêm trực thăng và M.113. Chúng tôi vừa bắn tỉa một cánh quân đi bên kia rẻo ruộng, lập tức bị đại liên và cối từ ba đỉnh gò châu vào giội mưa đá, suýt chết, chạy mãi mới đánh lạc được thằng trực thăng đuổi dai, bắn như trâu đái. Cây trường Mát của Năm Ri gãy báng, cậu chỉ bị rạch thịt một vết ở đùi. Cô Cang ôm bụng rên từng lúc, hỏi chỉ đáp ấm ớ, chắc đau bụng kinh. Tôi khỏe và lành lặn hơn cả, nhưng lạ đất lạ người không thể dẫn đầu, đành chịu làm một toa đen hậm hực móc vào cái đầu máy sắp liệt là cô xã đội trưởng. Ban nãy Mẫn ngã một keo nặng khi chạy xuôi dốc, tôi đi sau không kịp đỡ. Cái thế từ trên cao đổ xuống vốn là thế xung phong ở Đèo Nhông, nó rất thoải mái khi tôi sải chân đuổi địch. Còn khi bị địch rượt bắn, phải chạy lom khom với cây súng rỗng rất vướng, thì xuống khổ hơn lên nhiều lắm. ° Chúng tôi đến sông Rù Rì khoảng bốn giờ chiều. Bên kia sông là cánh đồng lớn của Tam Trân, không vượt được, một cặp trực thăng đang rà thấp, dùng gió cánh quạt rẽ lúa tìm người. Chiếc sau đeo cái loa bên hông như bìu nước, thỉnh thoảng gọi cầu may: ”Nè, anh kia ra đi, thấy rồi!”. Đành phải nằm lại đây đợi tối, địch ùa tới thì đánh bằng báng súng và đá cục. Đang rẽ lá đi ngược sông, Mấn chợt dừng lại, chỉ vào con đường mòn chạy trước mặt, băng qua lòng sông cạn bằng một vạch sẫm do chân người cọ sạch rêu trên đá đen. - Nhảy qua, đừng để dấu! Tôi hiểu. Một cánh quân khá đông đã qua đây, để lại lối đi hoàn toàn mới. Địch ở đâu, làm gì? Nhóm du kích tách khỏi dân cứ chơi vơi, chống chếnh. Chúng tôi bịt mắt bắt dê, không, bịt mắt chạy tránh một bầy chó dại đang sủa gâu gâu khắp bốn chung quanh. Vết giày răng chó chĩa mũi về phía Tam Trân cả, nhưng trên ấy không có tiếng súng, hẳn địch nằm phục dọc rặng cây bên kia sông. Chúng tôi đi luồn và bò thật êm giữa các bụi lau cứa mặt, gặp một nhánh suối con. Uống vội một bụng nước no, múc đầy bi-đông của tôi, lại đi. Pháo 105 từng lúc nện rung đất mé sau, có lẽ chúng bắn vào chỗ lội có nhiều bông bạc mà tôi với Mẫn đã dừng nghỉ dạo xưa, gần con mương cũ tránh pháo rất tiện. Thằng Thấn khai với địch không sót một sợi tóc. Cuối cùng, Năm Ri tìm được một rãnh nước xói khá sâu, lau mọc phủ kín miệng, núp tốt. Chúng tôi lách vào đấy, ngồi rải xa nhau. Tôi giành ngồi ngoài cùng. Trong nhóm, chỉ riêng cây P.38 của tôi còn đạn, mà cũng một mình tôi bắn thạo súng ngắn, đóng vai ”đồng chí hoả lực” là phải. Bọn xe M.113 chia nhau sục các gò, lẩy trọng liên từng chuỗi năm phát rời để báo chỗ cho nhau. Cặp trực thăng vẫn phành phạch kiếm mồi trên đồng. Đáng ngại nhất là đạn pháo cứ tránh chỗ chúng tôi: quân bộ rình gần đây? Khi tai bớt ù, tôi chợt nghe một tiếng lạ. Như ai đang thở mạnh. Như ai sổ mũi... Tôi quờ ngón tay cái hất mẩu hãm cò súng, nhô đầu ngó quanh một vòng. Lá không động. Quay lại sau, tôi thấy Mẫn thổn thức. Mẫn ngồi xây lưng phía tôi, dựa nghiêng vào thành đất, úp mặt trên hai bàn tay vịn một rễ cây đâm ngang, nấc nhè nhẹ. Mảnh áo bà ba rách trên vai Mẫn rung, ngừng, lại rung. Cây các-bin rỗng dựng bên cạnh, vấy bẩn, ngơ ngác như đứa trẻ mồ côi. Trong nạn lụt, mẹ chết, nhà trôi, Mẫn lại không chịu khóc. Tôi biết phụ nữ mau nước mắt, cũng biết nên để họ khóc cho nhẹ người chứ không cần dỗ. Vào dịp khác, có lẽ tôi đã trêu cho Mẫn cười: ”Bà Trưng Nhị dẫn quân chạy tới bờ sông Hát rồi, tính làm gì nữa? Nước cạn, nhảy xuống chưa đủ ướt áo...”. Đại khái vậy. Lúc này thấy Mẫn khổ quá, tôi không dám bạo miệng. Tay áo Mẫn gần đứt rời, phơi một mảng toạc da đỏ hỏn ở cùi. Hai bắp chân xếp một bên, đầy những vết gai xé chi chít, màu đỏ loang trên máu đen. Tôi chợt nhói trong ngực: Mẫn sắp nằm liệt rồi! Hai bàn chân không dép đã rách nát, mấy mảnh da lật ngửa, máu ngấm qua bùn khô đọng thành giọt trên gót. Chết chưa, Mẫn cứ để vậy mà chạy qua đá sỏi! Bộ đội chúng tôi chăm chút đôi chân rất kỹ, bởi quanh năm phải hành quân với ba bốn chục cân trên vai, động đau chân là lập tức làm khổ anh em mang giúp, có khi phải khiêng cả người, như xe nổ lốp biến thành đống sắt nằm ỳ. Có thể một cô du kích không đi xa vác nặng đến vậy, nhưng liều như Mẫn kể cũng quá liều! Tôi cởi bao lưng, lấy gói bông băng, ve thuốc đỏ, đôi tất dài. Tất là của quí trong đêm lạnh, lúc nẻ chân phải bôi mỡ, nhất là khi bị thương ở chân mà phải qua vùng nhiều vắt, đỉa. Tôi nhích lại bên Mẫn đằng hắng, ghé bên tai: - Nè... băng chân đi Mẫn. Mẫn giật mình. Không quay lại, Mẫn nhấc trán khỏi bàn tay, im một lát mới thì thào: - Gì, anh? - Cô què đến nơi. - Em... có bị thương đâu... - Ngó xuống chân thử coi! Mẫn quệt mắt rất vội, ngoẹo cổ nhìn, bật kêu ”ồ”. Thì ra Mẫn không biết chân mình nát. Vẻ bối rối hiện rõ trong đôi mắt còn ướt. - Dạ... để tối nay bôi thuốc... - Băng ngay bây giờ, đừng bướng. Ai cũng mệt đừ, không cõng cô được đâu. Để yên tôi rửa! Tôi cố ý lên giọng đàn anh cho được việc, càu cạu như ông thầy thuốc khó tính. Mẫn vừa rụt rè duỗi chân ra, lại co ngay, chúm môi, trỏ ngón tay về phía sông. Tiếng chân lội nước nổi to dần. Mấy tiếng gắt. Dao phạt lá soàn soạt. Cánh quân phục kích đang rút vào làng, vẫn xuyên bờ bụi tránh mìn. Còn phải coi chừng chúng gài lại một số phục đêm. Cặp trực thăng mở rộng vòng quần, xổ hơn chục trái rốc-két cho nhẹ bụng rồi cũng phới. Dễ thở rồi. Một cụm quân địch nổi lửa nấu cơm trên đỉnh gò, cách chúng tôi chừng năm trăm thước. Các cụm khác đóng rải rác xa hơn. Chúng tôi xuống sông rửa. Cái việc rút sang Tam Trân đã thành tất nhiên, không phải bàn nữa. Nấn ná quãng này, mai địch lùng kỹ thì hết chỗ trốn. Tôi lội qua sông, nghe ngóng, rồi lách tới ven cánh đồng. Những ngọn cau của xóm bên kia đã in bóng lá trên nền mây đỏ gắt. Tôi xem thế đất, chọn được một lối vòng tốt. Nửa giờ nữa sẽ đi: lúc ấy ánh sáng vừa tắt nhưng trên đồng chưa đủ tối để đèn dù soi rõ người. Vẫn cần ngụy trang kỹ. Tôi quay về, vừa nghe Mẫn nói với ba đồng chí kia: - Bây giờ anh Năm với chú Ri đưa anh Thiêm lên Sáu Trân, nói chị Bỉnh xã đội xếp chỗ cho ảnh nghỉ, nhắm chừng nó muốn càn thì cho người đưa ảnh về huyện. Tôi với Cang ở lại đây. Mai chắc nó phục hướng khác, khỏi lo... Tôi sửng sốt. Mẫn tiếp rành rọt: - Anh Năm tìm chú Liệp, yêu cầu góp hết số du kích chạy lên Tam Trân, cho về chống càn. Hễ chú Liệp không chịu làm... thì đồng chí tự làm việc đó. Chi ủy đã biểu quyết... đa số... từ nay không có cán bộ lưu vong, du kích lưu vong nữa đâu. Mẫn ngập ngừng trước khi gằn giọng nhấn câu cuối. Năm Tuất chỉ gật đầu, Năm Ri thở sượt một cái. Cô Cang cứ híp mắt cười một mình, khuôn mặt tròn từ màu cà chua đã ngả về bánh trôi như cũ. Không ai để ý đến tôi. Mặt tôi rân rân như áp vào búi cỏ may. Tôi xấu hổ. Con suối trước mặt, dù được gọi tôn là sông và có những bông bạc dễ thương, đối với tôi chỉ là một dải nước cạn như trăm ngàn dải nước khác. Trên đường hành quân, nếu bộ đội không dừng ăn cơm thì tôi chỉ cần truyền vài tiếng ra sau: ”Qua suối, xăn quần”. Đối với Mẫn, nó là ranh giới giữa vinh và nhục. Mẫn đã thề sống chết với đất Tam Sa. Bước qua suối là phản lời thề. Mẫn ở lại để không ai có thể trách du kích Tam Sa đã bật khỏi xã đến người cuối cùng. Trong những năm xưa đen tối, những ngày ác liệt bây giờ, cần có những đồng chí sẵn sàng thắp mình để giữ và truyền ngọn lửa thiêng. Cô em thút thít ban nãy biến mất. Đồng chí Mẫn ngồi đấy, đôi mày rậm hơi cau nghiêm khắc xốc lại trên vai cái trách nhiệm chi ủy viên phụ trách quân sự của Tam Sa, phải bám sát dân, quần sát giặc. Còn tôi? Tuy mấy hôm nay rất bực vì phải chạy đua vượt rào, nhưng lúc này tôi vẫn nghĩ theo hướng tiếp tục chạy dài, như cái xe xuống dốc đứt phanh. Là phái viên của cấp trên về xã, sao tôi lại định ”đánh con bài xì chuồn”? Hay là, như vài cậu giỏi kiếm chất tươi hơn kiếm việc, tôi chỉ xưng chức tước và khoe súng ngắn khi cần các cô ngắm và các mẹ đãi gà, nay lâm trận thì bỗng trở nên hết sức khiêm tốn, tự mình bóc cái nhãn dán trên ngực, lặng lẽ vắng mặt? Về ăn nhậu ở quán bà Liệp, tán phét với những cán bộ cũng ”lánh càn” như mình, cố bào chữa cho nhau rằng tránh voi chẳng xấu mặt nào – từ đấy suy ra ai không tránh voi là dại - bày ra mọt việc gì đó để chạy lăng xăng, tỏ vẻ bận rộn, đợi địch rút khỏi Tam Sa mới quay về làm le(3) như cũ? Hừ... Tôi báo vắn tắt rằng tôi ở lại. Mẫn luống cuống can, nhưng tôi đã bắt chước cái vẻ ”đừng cải mất công” của Mẫn. Năm Ri cởi dép, bứt cái lá chà là to, tách đôi làm que xỏ lại quai dép cho vừa chân Mẫn. Chín Cang băng cánh tay bị thương của Năm Tuất, Mẫn soát các súng, giữ lại một cây còn hai viên đạn. Tuất và Ri băng ruộng ra đi lúc nhá nhem. Ba chúng tôi ở lại. Đêm nay ăn no ngủ kỹ lấy sức, không vào làng vội. Cang đi mò nhổ sắn ngoài gò, Mẫn đào bếp trong lòng con hào trời cho, cả hai đều cấm tôi động tay. Phụ nữ mà. Tôi treo bi-đông đun nước ấm, pha thuốc tím, một lần nữa ra lệnh cho Mẫn đưa cặp chân rách. Mẫn rất hoảng và ngượng, nghe lời tôi mà luôn miệng xuýt xoa vì ”vô phép quá, làm rầy anh quá”. Tôi băng kỹ, đi tất cho Mẫn và dặn rất kẻ cả: - Tôi làm một lần thôi, sau cô phải tự rửa tự băng đúng y vậy. Hồi nào muốn bỏ băng, cô phải hỏi tôi trước, nhớ chưa? - Dạ nhớ. Chúng tôi cùng bật cười, hết ngượng. Thật ra tôi cũng mất tự nhiên khi cô Cang về với cái miệng không bao giờ ngớt tủm tỉm. Mẫn có nụ cười xinh hơn Cang nhiều, răng nhỏ đều hiện trắng muốt giữa môi tươi, kèm một tia mắt tinh nghịch ánh lên qua hàng mi dày. Mẫn không biết Mẫn đã cho tôi một bài học đích đáng. Chú thích: (1)Cây cứt lợn (2)Núi thăm thẳm (3)Làm điệu, phô trương