Hè vừa qua, trận nắng nóng cao độ đã gây nên một con số tử vong bất thường ở những người cao tuổi. Chính phủ đã bị kết trách nhiệm, bị lên án là không có khả năng nhìn xa trông rộng, thậm chí cả tội vô ý sát nhân. Vụ án này đã được khuấy động, trên mọi phương tiện truyền thông, bởi các khoa cấp cứu, không phải là không mang ẩn ý chính trị (ông Patrick Pelloux, chủ tịch hội bác sĩ cứu thương là một người thân cánh tả đối lập)... Ông M. Chereque, tổng thư kí Công Đoàn Lao Động Pháp (CFDT) đã đổ hết trách nhiệm về số tử vong lên ‘sự suy sụp của của hệ thống y tế tự do. Điều này đương nhiên là vô lý vì các bác sĩ hành nghề tự do làm việc khoảng 60 tiếng một tuần, nghĩa là gần gấp đôi số giờ làm việc mà Công Đoàn Lao Động của ông ta bảo vệ... Trước khi phân tích những hậu quả của chế độ làm việc 35 giờ một tuần trong các bệnh viện, tôi nhắc lại rằng chế độ này lúc đầu chỉ được áp dụng cho bộ phận buôn bán (theo quan điểm Mal-tuýt kiểu mới của các nhà chính trị đảng Xã Hội thì công việc không nhiều nên phải chia xẻ cho nhau để không ai bị thất nghiệp). Sau đấy, dưới sức ép của các tổ chức công đoàn viên chức nhà nước đang nhìn thấy cơ hội nâng cao số lượng nhân viên, nâng cao ảnh hưởng và uy quyền của mình, chế độ làm việc 35 giờ một tuần đã được đem tặng cho toàn bộ giới công chức, trong đó có các bệnh viện công... Bệnh nhân cứ việc xếp hàng méo mặt, còn nhân viên bệnh viện ngồi nhà nghỉ ngơi. Người ta đã nói nhiều về trách nhiệm trong bi kịch hè vừa qua. Nhưng ít người chấp nhận rằng bộ luật mà chính phủ trước đây đã thông qua về chế độ làm việc 35 giờ mới chính là thảm họa cho hệ thống y tế vốn đã hấp hối của chúng ta. (tạp chí IFRAP, 09/2003)