Đặt ly nước lọc xuống trước mặt Nguyễn, Duy ngồi xuống đối diện, hai tay đặt lên đầu gối với một dáng ngồi buồn buồn, kiên nhẫn. - Sắp tới Duy định thế nào? - Anh hỏi. Duy nở nụ cười gượng: - Thì kiếm việc làm, tự sống còn giữa đời thôi. Giọng của cô có vẻ hờ hững, cam chịu làm Nguyễn hơi nhíu mày. Duy giờ đây thấy khác xa cô gái tinh ranh đến độ quá quắt hôm nào, cô gái mà tính cách đã từng làm anh có ác cảm, nhưng cũng mau chóng quen thuộc với tính cách ấy của cô. Vậy mà bây giờ, cô như không quan tâm đến điều gì, không giận hờn, không tranh cãi, không sống động như trước nữa. Bà Xuân mất đã hơn hai tháng, Duy vẫn chưa trở lại bình thường. Âm thầm dõi theo cuộc sống của cô từ một động lực xui khiến cho anh tự cho là lòng tốt, Nguyễn ngày càng ái ngại hơn. Cách sống kiểu sống của cô bây giờ sao mà dửng dưng, vô cảm đến nản lòng. - Tôi nghe nói bà nội cô muốn cô lên Đà Lạt sống, cô không đi à? Duy lắc đầu nhè nhẹ. - Tôi không đi. Căn nhà nhỏ này của mẹ tôi, có kỷ niệm mười mấy năm mẹ con tôi sống ở đây. Sao tôi lại dời đi? Tần ngần một lát, không biết hỏi gì thêm, Nguyễn chợt nhớ ra: - Cách đây vài hôm, tôi có thấy một người rất giống cô ở đường Đồng Khởi... - Là tôi đó - Duy thản nhiên ngắt lời - Tôi đi xin một việc làm ở các tiệm bán tranh. - Tiệm nào? - Anh hỏi. - Tất cả các tiệm trên đường đó, cả đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi nữa. Nguyễn ngẩn người, anh hỏi lại: - Cô nói cô đi từng tiệm mà xin việc? Duy trả lời anh bằng cái gật đầu, Nguyễn ngạc nhiên: - Tại sao cô lại xin việc kiểu đó? Trên báo hay các trung tâm giới thiệu việc làm... - Báo chí gì cũng đăng tuyển người có bằng cấp - Duy cắt ngang câu hỏi của Nguyễn - Bán hàng thì đòi bằng đại học nhân viên văn phòng thì đòi bằng vi tính các trung tâm giới thiệu việc làm thì đòi tay nghề. Tôi chỉ là đứa học trò mới xong lớp 12, thi Đại học còn rớt, nghề nghiệp, bằng cấp gì mà nộp. - Vậy nên cô đã đi xin việc làm bằng cách gõ cửa từng tiệm? Thế họ có nhận cô vào làm không? Duy nhếch miệng cười: - Không! Họ cũng đòi một thứ mà tôi không có. - Họ đòi cái gì? - Nguyễn thắc mắc hỏi. - Bằng C Anh văn - Duy đáp gọn. Nguyễn trợn mắt: - Cái gì? Một chân bán hàng, bằng C Anh văn? Cái gật đầu lần nữa của Duy như xác nhận tính xác thực của sự việc. Nguyễn vỗ tay lên trán kêu lên. - Ôi trời! Vô lý quá vậy. Nếu có bằng C Anh văn ai thèm đi bán hàng - Chợt thấy câu nói hớ của mình, anh giả lả. - Ồ xin lỗi Duy, tôi không cố ý chê bai gì. Duy nhún vai: - Không sao. Bán hàng cũng nhàm chán thật đấy. Nhưng tôi đâu có thể nào lựa chọn nghề tốt hơn - Cô cười nhạt - Vậy mà ngay cả bán hàng, phụ việc họ cũng không thèm nhận tôi. Nguyễn nhìn cô ái ngại. Anh biết ông Khôi và một số người bạn của bà Xuân đã từng ngỏ ý giúp đỡ cô một việc làm, nhưng Duy đã từ chối. Anh cũng dư biết đó là vì cô tự ái hão, cô lạt lẽo, hờ hững với tất cả những giúp đỡ của mọi người, cô làm nguội lạnh những lòng tốt, hiếm hoi trong thời đại này. Và vì vậy, chỉ hơn hai tháng, những lui tới thăm viếng, đề nghị giúp đỡ đã dần tan biến mà căn phòng với kính ốp sát hai bên tường giờ vắng tanh, lạnh lẽo vô cùng. Kể từ sau ngày bà Xuân qua đời, Nguyễn bị Duy xua đuổi ra mặt. Cô buộc tội anh làm cô không được ở bên mẹ cô phút cuối, buộc tội anh thêm nhiều điều vô lý, khó nghe. Nguyễn vẫn bỏ ngoài tai, vẫn cùng ông Khôi ở bên cô, cho đến khi bà cụ An và cô Út Sa xuống Sài Gòn và những bạn bè, đồng nghiệp của bà Xuân đến chia buồn, giúp đỡ ma chay, anh mới âm thầm rút lui. Liên lạc qua ông Khôi, anh cũng biết chút ít tình hình của Duy. Hôm qua, ông Khôi lại điện cho anh, ông có vẻ lo lắng về Duy, về cuộc sống mà cô đang cố tình khép kín, về biểu hiện thờ ơ, lạnh nhạt với mọi việc của cô. Chỉ là một cú điện thoại, nhưng đã làm Nguyễn bồn chồn cả ngày hôm qua. Sáng nay, anh quyết định đến thăm cô. Thoạt đầu cũng còn một ít đề phòng với cơn giận dữ xua đuổi của cô, nhưng trái lại với suy nghĩ của anh, Duy có vẻ không còn tư tưởng buộc tội kỳ quặc cũ. Nhìn Duy ngồi bình lặng trước mặt, Nguyễn thấy lòng dịu hẳn, cơn bồn chồn lo lắng cho cô đã không còn. Lắc đầu như tự thức tỉnh mình, anh tằng hắng giọng bảo cô: - Duy thay đồ đi. Tôi đưa Duy đi ra ngoài một chút. - Đi đâu? - Duy ngẩng mặt lên. - Cứ vào trong thay áo đi. Tôi sẽ đưa cô đến vài chỗ. Cứ đi rồi sẽ hiểu. Giọng anh hơi chuyên quyền nhưng lại có hiệu qủa trước trạng thái thờ ơ thụ động của Duy. Cô như lười biếng suy nghĩ, thản nhiên đi lên phòng thay bộ vải bông màu xanh nhạt mặc ở nhà toàn bộ áo dài trắng. Nguyễn có một thoáng ngạc nhiên khi thấy cô xuất hiện trở lại với chiếc áo dài học trò. Cái đầu tóc tém ngày nào chỉ mới một vài tháng đã dài tới cổ ót, vẻ ngổ ngáo trước kia của cô biến dần lúc nào, để bây giờ trước mặt anh, cô chỉ như một cô học trò Trung học ngoan ngoãn nhu mì. Định lên tiếng trêu Duy về sự biến hình khác lạ đó, nhưng nhìn lướt qua khuôn mặt cô, anh kịp ghìm lại lời nói và thầm thở dài. Bởi vì thật ra cô có chú ý đến điều gì đâu. Vẻ mặt bình thản của cô cho anh biết tấm áo trắng học trò kia cô chỉ máy móc mặc vào, chứ không hề cân nhắc, lựa chọn gì cả. Nguyễn mím môi, lắc đầu. Vị trí của mẹ Duy ở trong lòng cô quá lớn. Mất bà, giờ đây cô cứ buông trôi đến buồn lòng. Nguyễn tự nhủ với mình, anh sẽ tìm mọi cách để đánh thức cô trở lại với đời sống thực, trở lại với những tính cách vốn là của cô, để cô trở lại là cô gái nhỏ ngông nghênh, yêu đời như trước đây. Cho dù anh có thể tiếp tục bị... "ghét", bị ăn hiếp, bị chọc tức đến điên lên, anh cũng sẵn sàng chịu đựng. - Ta đi được chưa? Câu hỏi thờ ơ của Duy làm Nguyễn sực tỉnh. Đứng lên, đẩy nhẹ gọng kính ở trên mũi, anh hắng giọng. - Ừ, đi nào. Trong đầu anh xuất hiện địa chỉ vài cơ sở làm ăn với bạn bè, hy vọng sao anh có thể giới thiệu được cho cô một chỗ làm tốt, hy vọng như vậy.