Chuối khô khèo

Có lẽ so với các loại bánh kẹo đang tràn ngập trên thị trường hiện nay thì chuối khô khèo chỉ là một loại kẹo mang cái tên “quê mùa” và lạ lẫm, ít được biết đến. Nhưng, để làm được chuối khô khèo thật không đơn giản chút nào. Chính vì vậy mà chuối khô khèo chỉ được làm để dùng trong các dịp lễ, tết hoặc đám cưới, đám hỏi ở một số làng quê thuộc miền Tây Nam bộ mà thôi.
Đầu tiên, bạn phải chọn những trái chuối xiêm chín mùi, lột bỏ vỏ và ép mỏng rồi xếp vào một cái nia to phơi chừng một nắng. Khi chuối khô, mang vào xắt sợi thật nhuyễn. Lựa khoảng vài ba củ gừng mập mạp cạo vỏ, rửa sạch và xắt như chuối. Sau đó, lấy một trái dừa rám nạo lấy phần cơm trắng và trộn chung dừa, chuối, gừng cân nặng tổng cộng một ký. Kế đến bạn cân đúng một ký đường thùng (loại ngon nhất có màu vàng óng) đem nấu sôi, lược bỏ các tạp chất rồi cho tất cả đường, dừa, chuối, gừng vào một cái chảo to, chụm lửa riu riu và nhanh tay đảo thật đều, không được để khét hoặc dính chảo.
Trong quá trình làm chuối khô khèo, đây là giai đoạn cực nhất vì bạn phải đứng đảo liền tay trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi nhìn thấy đường trong chảo bắt đầu kéo chỉ thì bạn dừng tay lại và nhanh chóng đổ khối đặc sệt này ra một cái mâm, trên có lót sẵn một tàu lá chuối đã thoa dầu dừa láng mướt, có rắc mè, đậu phọng rang đâm sơ. Khi rờ tay vào kẹo – bây giờ đã trở nên đẹp mắt với đậu, mè chi chít trên một nền vàng nâu – thấy âm ấm thì lấy ra xắt thành từng khúc dài có bề rộng chừng 2cm rồi xắt lại từng miếng lớn, nhỏ, hình chữ nhật hoặc hình vuông theo ý thích. Bạn cũng nên lưu ý đừng để nguội quá đường khô cứng lại sẽ rất khó xắt.
Mỗi khi làm xong, mẹ tôi thường cho kẹo vào một keo thủy tinh to, đậy kín lại để thưởng thức lúc uống trà. Còn khi đi đám tiệc, mẹ xếp đầy một quả hoặc khi gửi biếu họ hàng gần xa thì gói từng viên vào giấy kiếng xanh, đỏ cho đẹp.
Ăn một miếng chuối khô khèo, dường như có cả vị ngọt của đường, chuối hòa với vị cay nồng ấm của gừng cùng vị béo của dừa và giòn thơm của đậu, mè. Nhưng, ngọt ngào và ấm áp hơn cả có lẽ chính là tấm lòng của mẹ dành cho chúng tôi khi làm món ăn đậm đà tình thương yêu ấy.
THẠCH TÂM