Ippolit Kirinlovich bắt đầu lời buộc tội của mình, toàn thân run lên trong cơn run thần kinh, mồ hồi lạnh bệnh hoạn toá ra trên trán và hai bên thái dương, toàn thân lần lượt cảm thấy ớn lạnh rồi sốt nóng. Chính ông sau này kể lại như vậy. Ông coi bài nói của mình là chef d'oeuvre(1), sau chef d'oeuvre ấy là cả cuộc đời là bài ca thiên nga của ông. Sự thật thì chín tháng sau ông chết vì bệnh lao ác tính, vì vậy sự thực là ông có quyền so sánh mình với con thiên nga hát bài ca cuối cùng của mình, nếu như ông đã linh cảm thấy trước là ông sẽ chết. Ông đưa vào bài nói ấy tất cả trái tim, tất cả trí tuệ ông có và bất ngờ chứng minh rằng ở ông ẩn giấu cả tình cảm công dân, cả những vấn đề "đáng nguyền rủa", ít ra trong chừng mực mà Ippolit Kirinlovich đáng thương của chúng ta có thể mang trong mình những vấn đề đó.Cái chính khiến ông chinh phục được công chúng là vì ông thành thật: ông thành thật tin rằng bị cáo có tội; ông buộc tội không phải theo yêu cầu, theo chức trách, mà khi kêu gọi "trả thù", ông thực sự muốn "cứu xã hội". Ngay cả các bà của chúng ta, rốt cuộc thù địch với Ippolit Kirinlovich cũng vẫn thừa nhận ông gây được ấn tượng đặc biệt. Ông mở đầu bằng giọng rè rè, đứt đoạn nhưng rồi rất mau chóng giọng ông trở nên vững mạnh và sang sảng vang khắp phòng, cứ thế cho đến cuối. Nhưng vừa nói xong, ông suýt ngã ngất."Thưa các vị bồi thẩm - ông biện lý mở đầu, - vụ án thực sự có tiếng vang khắp nước Nga. Nhưng kể ra có gì đáng ngạc nhiên, có gì đặc biệt đáng khiếp sợ như vậy? Đặc biệt là chúng ta, chính chúng ta? Chúng ta là những người đã rất đỗi quen thuộc với tất cả những điều đó! Điều đáng làm chúng ta khiếp sợ là những vụ án thê thảm như vậy không còn làm chúng ta khiếp sợ nữa! Đấy chính là điều đáng sợ, sợ thói quen của chúng ta, chứ không phải là hành động tàn ác của cá nhân này hay cá nhân khác. Đâu là nguyên nhân sự thờ ơ của chúng ta, thái độ hầu như dung thứ của chúng ta đối với những vụ việc như thế, đối với những điềm triệu của thời đại báo trước cho chúng ta một tương lai không lấy gì hay ho? Phải chăng là do sự trâng tráo của chúng ta, do sự sớm suy nhược trí tuệ và trí tưởng tượng của một xã hội còn trẻ như xã hội chúng ta nhưng đã già lão quá sớm? Phải chăng đấy là do nền móng đạo đức của chúng ta bị lung lay tận gốc hay cuối cùng, có lẽ chúng ta hoàn toàn không có những nền móng đạo đức ấy. Tôi không giải quyết những vấn đế ấy, nhưng đó là những câu hỏi giày vò, và mỗi công dân có bổn phận, có trách nhiệm đau khổ về chúng. Tuy nhiên, báo chí mới ra đời, còn rụt rè của chúng ta không bao giờ biết được ít nhiều đầy đủ về những sự khủng khiếp của ý chí buông thá, về sự sa đoạ tinh thần mà báo chí liên tục đưa ra trên các trang giấy của mình, không phải đưa ra với tất cả mọi người, không phải chỉ với những người đến dự các phiên toà xử công khai trong vương quốc của chúng ta hiện nay. Vì chúng ta đọc cái gì hầu như hàng ngày? Ồ, về những việc xảy ra từng phút một, so với chúng thì vụ án này chẳng có ý nghĩa gì, hầu như chỉ là một vụ bình thường. Nhưng quan trọng hơn hết là vô số những vụ hình sự dân tộc, của người Nga chúng ta, đều chứng tỏ một cái gì phổ quát, về một tai hoạ chung đã trở nên quen thuộc với chúng ta và như mọi tệ lậu phổ biến, rất khó đấu tranh. Thì đấy, một sĩ quan trẻ, thuộc giới thượng lưu, vừa bắt đầu cuộc sống và con đường công danh của mình, đã hèn hạ, lặng lẽ, không một chút cắn rứt lương tâm, cắt cổ một viên chức nhỏ, phần nào là ân nhân trước kia của mình, và người đầy tớ gái của ông ta để đánh cắp văn tự nợ cùng với tiền còn lại của ông ta: "cần dùng cho những khoái lạc thượng lưu và cho con đường công danh của ta sau này". Cắt cổ xong, y đặt dưới gối đầu cả hai tử thi, bỏ đi nơi khác. Rồi là một anh hùng trẻ tuổi đã được ân thưởng huân chương chữ thập về lòng can trường, đi giết chết mẹ của thủ lĩnh và ân nhân của mình trên đường lớn như tên đạo tặc, và để xúi giục đồng bọn, y đã cam đoan rằng "bà ấy yêu y như con đẻ, vì thế nghe theo mọi lời khuyên của y và sẽ không phòng ngừa gì cả". Dù đó là thứ quái vật, nhưng bây giờ, trong thời đại chúng ta, tôi không dám nói rằng đó chỉ là trường hợp cả biệt. Người khác tuy không giết, nhưng cũng cảm nghĩ hệt như thế, trong thâm tâm cũng bất lương hệt như thế. Lúc vắng vẻ, một mình với lương tâm, có lẽ hắn tự hỏi: "Danh dự là cái quái gì, sợ làm đổ máu phải chàng là thành kiến?". Có lẽ người ta sẽ quát tôi và nói rằng tôi là người bệnh hoạn, loạn thần kinh, tôi vu khống một cách quái gở, tôi mê sảng, nếu là như vậy! Ôi, đừng tin tôi, hãy coi tôi là người ốm, dùsao hãy ghi nhớ lời tôi: nếu lời tôi nói có một phần mười, hay dù chỉ một phần hai mươi sự thật thì cũng đã là khủng khiếp! Thưa các vị, các vị hãy xem ở nước ta, thanh niên tự sát biết bao: ồ, không có lấy mảy may câu hỏi của Hamlet: "ở đây sẽ có cái gì?". Không, một dấu hiệu của những câu hỏi: đó, tuồng như câu hỏi đó về tinh thần chúng ta và về tất cả những gì chờ đợi chúng ta sau khi chết đã bị xoá bỏ từ lâu trong bản tính của họ, đã bị chôn vùi và rắc cát. Cuối cùng các vị hãy nhìn sự đồi truỵ của chúng ta, những kẻ ham nhục dục của chúng ta. Fedor Pavlovich, nạn nhân bất hạnh của vụ án này, so với họ hầu như chỉ là đứa hài nhi. Vậy mà tất cả chúng ta đều biết "y sống giữa chúng ta"… Phải, rồi đây có lẽ những trí tuệ hạng nhất sẽ nghiên cứu tâm lý tội phạm Nga, cả những trí tuệ châu Âu nữa, đề tài đáng được quan tâm như thế. Nhưng việc nghiên cứu ấy là sau này, lúc nhàn rỗi, khi tất cả sự lộn xộn bi thảm vào lúc này của chúng ta sẽ lùi xa hơn, thành thử có thể xem xét nó thông minh hơn và vô tư hơn mức những người như tôi có thể làm: Còn bây giờ chúng ta khiếp sợ, hay giả tảng khiếp sợ, trong khi trái lại vẫn thưởng thức cảnh tượng như những người yêu thích cảm giác mạnh, kỳ quặc, làm lay động sự phù phiếm lười nhác, trâng tráo của chúng ta, hay như trẻ nhỏ, dùng tay xua những bóng ma ghê rợn và vùi đầu vào gối, cho đến khi những hình ảnh ghê sợ qua đi, để rồi sau đó lại lập tức quên nó đi trong vui chơi. Nhưng rồi đến lúc nào đó chúng ta sẽ phải bắt đầu cuộc đời chúng ta một cách tỉnh táo và chín chắn, ta sẽ phải nhìn mình như nhìn một xã hội, ta phải hiểu được điều gì trong đời sống xã hội của ta hay ít ra chỉ bắt đầu sự tìm hiểu của chúng ta. Một nhà văn vĩ đại đi trước thời đại, ở cuối một tác phẩm vĩ đại nhất trong những tác phẩm của mình, thể hiện cả nước Nga bằng chiếc tam mã Nga táo tợn phóng như bay tới cái đích chưa từng biết, kêu lên: "A, xe tam mã, con chim tam mả, ai đã sáng chế ra ngươi!" - và trong lúc hân hoan tự hào, ông thêm rằng trước cỗ xe tam mã phóng bạt mạng, mọi dân tộc đều kính nể tránh ra. Thế đấy, thưa các vị, ừ thì tránh ra, kính cẩn hay không, nhưng theo cái nhìn tội lỗi của tôi, nghệ sĩ thiên tài đã kết thúc như vậy hay trong lúc bốc đồng của ý nghĩ đẹp đẽ thơ ngây như trẻ thơ, hay chỉ là sợ kiểm duyệt thời bấy giờ. Vì nếu thắng vào cỗ tam mã của ông chỉ những nhân vật của ông thôi, - Xobakievich, Nozdriov, và Tisikov thì dù có đưa ai lên đánh xe cũng không thể đi đến cái gì hay ho với những con ngựa như thế! Mà đấy là những con ngựa trước kia, còn xơi mới bằng những con ngựa bây giờ, chúng ta có những con ngựa…" đến đây, bài nói của Ippolit Kirinlovich bị ngắt quăng bởi những tràng vỗ tay. Quần chúng thích sự miêu tả cỗ xe tam mã Nga theo quan điểm tự do. Thực ra chỉ có hai ba kẻ vỗ tay, thành thử chánh án không thấy cần thiết phải doạ công chúng sẽ "mời ra khỏi phòng" và chỉ nghiêm khắc nhìn về phía những kẻ vỗ tay.Nhưng Ippolit Kirinlovich được khích lệ: cho đến giờ chưa bao giờ người ta vỗ tay hoan hô ông. Một con người bấy nhiêu năm người ta không muốn nghe, vậy mà bỗng nhiên tiếng nói vang khắp nước Nga!"Thật vậy, - ông nói tiếp, - gia đình Karamazov là cái gì mà đột nhiên mang tiếng tăm đáng buồn như thế trong khắp nước Nga? Có lẽ tôi quá cường điệu, nhưng tôi có cảm giác rằng trong bức tranh của gia đình này tuồng như thoáng hiện một số yếu tố chung cơ bản, mà chỉ thoáng hiện dưới hình thức vi mô như "mặt trời trong giọt nước nhỏ", nhưng vẫn là sự phản chiếu một cái gì, phản chiếu một cái gì. Hãy nhìn ông già bất hạnh, buông tuồng và phóng đãng nọ, "Ông bố của gia đình" đã chấm dứt đời mình một cách đáng buồn như thế. Quý tộc dòng dõi, bắt đầu con đường công danh bằng thân phận kẻ đi ăn chực nghèo hèn, qua cuộc hôn nhân tình cờ và bất ngờ đã có được món hồi môn làm cái vốn nhỏ, thoạt tiên là tên bịp nhỏ và thằng hề nịnh nọt, có mầm mống của những khả năng trí tuệ, mặcdù là khá yếu, trước hết là tên cho vay nặng lãi. Năm này qua năm khác, nghĩa là với việc tích luỹ vốn, lão phấn chấn lên. Sự hạ mình và nịnh nọt biến mất, chỉ còn lại tên trâng tráo giễu cợt độc ác và ham nhục dục. Mặt tinh thần hoàn toàn bị loại bỏ, sự khát sống cực kỳ lớn lao. Chung quy lại, ngoài khoái cảm nhục dục, lão không còn nhìn thấy gì trong đời, lão dạy dỗ các con mình như vậy. Những trách nhiệm tinh thần đối với tổ quốc tuyệt đối không có. Ông ta chế nhạo những trách nhiệm đó, ông ta giáo dục các con nhỏ ở sân sau và lấy làm vui sướng khi người ta đem con ông đi nuôi dạy. Ông hoàn toàn quên chúng. Mọi quy tắc đạo đức của ông già là: après moi le diluge(2), là tất cả những gì ngược với khái niệm công dân, sự tách rời đầy đủ nhất, thậm chí là thù địch với xã hội: "Cả thế giới có cháy rừng rực cũng mặc, miễn là mình tôi yên ổn". Và lão yên ổn, lão hoàn toàn hài lòng, lão khao khát sống thêm hai mươi - ba mươi năm nữa. Lão tính gian với con đẻ của mình để chiếm đoạt tiền của gã, tài sản thừa kế của mẹ gã để lại cho, không muốn trả cho con, lấy của con trai mình đem cho người tình, không, tôi không muốn dành phần bào chữa bị cáo cho vị luật sư danh tiếng từ Peterburg về. Bản thân tôi sẽ nói sự thật, bản thân tôi hiểu sự phẫn nộ mà ông già tích tụ trong trái tim con trai mình. Nhưng nói về ông già xấu số ấy đủ rồi, đủ lắm rồi, ông ta đã lãnh đủ. Tuy nhiên ta hãy nhớ rằng đấy là ông bố, một trong những ông bố hiện đại. Không biết tôi có xúc phạm xã hội không khi nói rằng đấy là một trong rất nhiều ông bố hiện đại. Hỡi ôi, rất nhiều ông bố hiện đại chỉ không nói ra một cách trâng tráo như vậy, bởi vì họ có giáo dục hơn, có học vấn hơn, nhưng thực ra họ có cùng quan niệm triết lý như vậy. Cứ cho trong tôi là người bi quan đi, cứ cho là như vậy đi. Chúng ta đã giao hẹn với nhau rằng các vị đừng tin tôi, đừng tin tôi, tôi sẽ nói, còn các vị đừng tin tôi. Nhưng dùsao hãy để tôi nói ra, xin đừng quên một số điều trong những lời tôi nói. Tuy nhiên, đấy là các con của ông già ấy, ông bố ấy của gia đình: một trong số đó đang ngồi trên ghế bị cáo, sắp đây sẽ nói đến anh ta, về những người khác tôi sẽ chỉ nói qua. Trong số những người con khác người con cả là một trong những thanh niên hiện đại, có học vấn xuất sắc, trí tuệ khá lỗi lạc, nhưng không tin cái gì hết, bác bỏ quá nhiều điều trong đời, hệt như cha mình. Tất cả chúng ta đã nghe anh ta nói, anh ta được tiếp nhận một cách thân thiện trong xã hội chúng ta. Anh ta không che giấu ý kiến của mình, hoàn toàn trái lại, vì vậy tôi dám nói khá thành thật về anh ta, cố nhiên không phải như về một cá nhân, mà như về một thành viên của gia đình Karamazov. Hôm qua ở đây, ven thành phố, một thằng ngốc bệnh tật, dính líu nhiều tới vụ này, hắn nguyên là tên đầy tớ, có lẽ là con hoang của Fedor Pavlovich, Xmerdiakov, đã treo cổ tự sát. Trong cuộc điều tra sơ bộ, hắn khóc lóc như điên, kể với tôi trong một người con của Karamazov, Ivan Fedorovich, đã làm hắn kinh hoảng vì sự thiếu kìm hãm về đạo đức của anh ta. "Theo cậu ấy, mọi việc đều được phép làm, mọi việc trên đời, không có gì bị cấm hết, - cậu ấy luôn luôn dạy tôi như thế đấy". Dựa trên luận điểm ấy mà người ta dạy cho hắn, hắn hoàn toàn hoá điên, tuy cố nhiên cơn bệnh động kinh, tất cả tai hoạ ghê rợn nổ ra trong gia đình cũng ảnh hưởng đến sự rối loạn trí óc của hắn. Nhưng thằng ngốc ấy nảy ra một nhận xét rất lạ, đáng làm vinh dự cả cho một người quan sát thông minh hơn hắn, đấy là lý do vì sao tôi nói đến điều đó: "Nếu có người con trai nào tính cách giống Fedor Pavlovich nhiều nhất thì đó là Ivan Fedor Pavlovich. - Hắn nói với tôi như vậy" Tôi xin chấm dứt sự miêu tả tính cách ấy của tôi ở nhận xét này, tiếp tục nữa là thiếu tế nhị. Ôi, tôi không muốn tiếp tục rút ra nhưng kết luận, và như con quạ, quàng quạc báo cái chết cho một số phận trẻ. Hôm nay ở đây, trong căn phòng này, chúng ta đã thấy sức mạnh trực tiếp của sự thật vẫn còn sống trong trái tim trẻ ấy và tình cảm gia đình vẫn chưa bị dập tắt hẳn bởi sự vô tín ngưỡng và trâng tráo về dạo đức do thừa hưởng nhiều hơn là do đau khổ thực sự về tư tưởng. Tiếp đến người con trai khác, - ôi, anh ta còn trẻ lắm, sùng tin và quy thuận trái với thế giới quan tám tối và bại hoại của ông anh, tìm đường đi đến "nền tảng của nhân dân", có thể nói như vậy, hay như ở người ta nó vẫn được gọi bằng cái từ thông thái ấy trong lý luận của "trí thức tư tưởng". Các vị ạ, anh ta gắn mình với tu viện; anh ta suýt nữa cắt tóc đi tu. Tôi cho rằng ở anh ta, tuồng như vô ý thức, nhưng rất sớm, đã bộc lộ sự thất vọng rụt rè mà rất nhiều người trong xã hội chúng ta đụng phải - và vì sợ sự trâng tráo và đồi truỵ của nó, đồng thời sai lầm gán tất cả tệ lậu đó cho nền giáo dục châu Âu, - họ đâm bổ đến "đất mẹ", như người ta thường nói, gieo mình vào vòng tay của quê hương như nhưng đứa trẻ sợ ma, và khao khát ngủ yên bên bầu vũ cạn khô của bà mẹ suy nhược và thậm chí khao khát ngủ suốt đời miễn sao khỏi phải nhìn thấy những nỗi khủng khiếp làm họ kinh hoàng. Về phần tôi, tôi cầu chúc mọi sự tốt lành cho chàng trai tốt bụng và giàu năng khiếu ấy, tôi cầu chúc cho tâm hồn cao đẹp và khất vọng hướng về nền tảng nhân dân của anh ta sau này không biến thành, như thường xảy ra, về tinh thần dù biến thành chủ nghĩa thần bí u ám, về mặt công dân thì biến thành chủ nghĩa sô vanh ngu độn - hai điều đe doạ dân tộc có lẽ còn lớn lao hơn là sự đồi bại sớm do nền giáo dục phương Tây bị hiểu sai lạc và được hưởng thụ không mất tiền, điều mà người anh của anh ta mắc phải".Lại vài ba người vỗ tay về chủ nghĩa sô vanh và chủ nghĩa thần bí. Cố nhiên, Ippolit Kirinlovich say sưa, vả lại tất cả những điều đó ít liên quan tới vụ án này, chưa nói rằng nó mập mờ, nhưng con người mắc bệnh lao và tức tối này rất muốn phát biểu ý kiến của mình ít ra là một lần trong đời. Sau này ở vùng chúng tôi người ta nói rằng khi nhận xét về Ivan, ông ta bị chi phối bởi một tình cảm thiếu tế nhị, vì ông đã một hai lần bị Ivan làm cho cứng họng trong tranh cãi và Ippolit Kirinlovich vẫn nhớ điều đó, bây giờ muốn trả thù. Nhưng tôi không biết liệu có thể kết luận như thế được không. Dùsao tất cả những điều đó chỉ là lời vào đầu, tiếp đó bài nói của ông thẳng thừng hơn và vào việc hơn.- Nhưng còn người con trai thứ ba của gia đình hiện đại này, Ippolit Kirinlovich nói tiếp, - Hiện đang ngồi trên ghế bị cáo, trước mặt các vị đây. Trước mắt chúng ta là những chiến công của anh ta, cuộc đời và công việc của anh ta: đã đến lúc tất cả được phơi bày ra, lộ trần ra. Đối lập với "chủ nghĩa châu Âu" và "nền tảng nhân dân" của hai em mình, anh ta dường như đại diện cho nước Nga trực tiếp - Ồ, không phải là tất cả người Nga, không phải là tất cả, cầu Chúa che chở, đâu có phải là tất cả! Tuy nhiên nó ở đây, nước Nga của chúng ta, hơi hướng của nó, ta nghe thấy nó, mẹ thân yêu. Ôi, chúng ta thật là hồn nhiên, chúng ta là sự pha trộn diện và ác một cách kỳ diệu, chúng ta yêu giáo dục và Sille, đồng thời chúng ta làm loạn trong các tửu quán và kéo râu những người bạn rượu của chúng ta. Ôi, chúng ta tốt đẹp tuyệt vời, nhưng chỉ khi mọi việc của ta tốt đẹp tuyệt vời. Trái lại chúng ta bừng bừng - chính là bừng bừng - những lý tưởng cao quý, với điều kiện là tự dưng đạt được những lý tưởng ấy, nó từ trên trời rơi xuống bàn của chúng ta, và cái chính là không mất tiền, không phải trả một xu nào cả. Chính ta rất không ưa trả tiền không mất tiền, nhưng lại rất thích lấy được, đấy là trong mọi việc. Ôi, hãy cho chúng tôi mọi phúc lợi có thể có của cuộc sống (chính là mọi phúc lợi có thể có, ít hơn thì chúng tôi không chịu) và đặc biệt là đừng ngăn cản sở thích chúng tôi về điểm nào cả, khi ấy chúng tôi sẽ chứng minh rằng chúng tôi có thể tốt đẹp. Chúng tôi không tham lam, không, nhưng hãy cho chúng tôi tiền, nhiều tiền hơn nữa, thật nhiều tiền, và các bạn sẽ thấy chúng tôi rộng rãi như thế nào, khinh bỉ vung vãi thứ kim loại đáng khinh trong một đêm ăn chơi cuồng loạn. Nếu người ta không cho chúng tôi tiền, chúng tôi sẽ cho thấy chúng tôi biết kiếm tiền như thế nào, khi chúng tôi rất muốn có tiền. Những chuyện ấy để sau này, ta sẽ dõi theo thứ tự. Trước hết, ta thấy một cậu bé nghèo khổ "chân đất ở sân sau", như một công dân đáng tôn kính của chúng ta, nhưng hôi ôi lại là người nước ngoài, vừa nói. Tôi nhắc lại lần nữa, tôi sẽ không nhường cho ai quyền bào chữa cho bị cáo! Tôi là người buộc tội, đồng thời là người bào chữa. Phải, chúng ta là người, chúng ta là những con người, chúng ta có thể cân nhắc xem những ẩn tượng đầu tiên của tuổi thơ và tổ ấm có thể ảnh hưởng như thế nào đến tính nết con người. Nhưng chú bé đã đánh một thanh niên, một chàng trẻ tuổi, một sĩ quan; do những hành động hung cuồng và thách đấu súng, anh ta bị đày đi một trong những thành phố biên giới xa xôi của người Nga phì nhiêu của chúng ta. Anh ta phục vụ trong quân ngũ ở đấy, ăn chơi hoang toàng, và cố nhiên con tàu lớn thì đi xa. Anh ta cần tiền, tiền trên hết và thế là sau khi cãi cọ dằng dai với cha, hai bên quyết định số tiền sáu ngàn đồng. Số tiền ấy được gửi cho anh ta. Xin chú ý là anh ta viết giấy tờ hẳn hoi, và có một lá thư trong đó anh ta hầu như từ bỏ con số còn lại và chấm dứt việc tranh chấp với cha về thừa kế ở sáu ngàn đồng ấy. Đến đây xảy ra cuộc gặp gỡ của anh ta với một cô gái trẻ, anh anh cao thượng và có trình độ cao. Ôi, tôi không dám nhắc lại những chi tiết, các vị vừa nghe xong: đây vừa là danh dự, vừa là sự tự khẳng định, tôi không nói nữa. Hình ảnh một người trẻ tuổi, nông nổi và phóng đãng: nghiêng mình trước sự cao quý thật sự, trước ý tưởng cao cả hiện ra trước chúng ta đặc biệt dễ gây diện cảm. Nhưng liền sau đó, ngay trong phòng xử án này, hoàn toàn bất ngờ hiện ra mặt trái của tấm huy chương. Tôi sẽ không dám phỏng đoán và sẽ chỉ phân tích - tại sao lại như vậy. Người con gái ấy giàn giụa nước mắt của niềm phẫn nộ giấu giếm lâu ngày, tuyên bố với chúng ta rằng anh ta là người đầu tiên khinh miệt nàng vì sự bồng bột mãnh liệt, có lẽ thiếu thận trọng, nhưng dùsao vẫn là cao cả và hào hiệp của nàng. Trở thành chồng chưa cưới của cô gái ấy, ở anh ta thoáng hiện nụ cười giễu cợt mà nàng có thể chịu đựng nổi khi nó là nụ cười của người khác, chứ không phải của anh ta. Biết rằng anh ta đã phản bội nàng (phản bội vì tin chắc rằng nàng phải chịu đựng trước mọi việc của anh ta, kể cả sự phản bội), biết rằng nàng cố ý đưa cho anh ta ba ngàn đồng và để cho anh ta biết rõ, quá rõ nàng rằng nàng đưa ba ngàn ấy để anh ta phản bội nàng: "Sao, anh có lấy hay không, anh có đủ trâng tráo đến vậy không?", - nàng lẳng lặng nói với anh bằng cái nhìn chê trách và dò xét. Anh ta nhìn nàng, hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của nàng (chính anh ta thú nhận ở đây trước các vị rằng anh ta hiểu hết) và tất nhiên anh ta chiếm đoạt số tiền ấy và tiêu phung phí số tiền ấy trong hai ngày với người yêu mới! Tin cái gì bây giờ? Truyền thuyết thứ nhất là cảm hứng cao thượng hiến tất cả số tiền mình có để sống và tôn sùng đức hạnh, hay mặt trái của tấm huy chương đáng ghét đến như thế? Thông thường trong đời, với hai mặt đối lập, cần tìm sự thật ở giữa; trong trường hợp này thì tuyệt nhiên không phải là như thế. Đúng hơn hết, trong trường hợp thứ nhất, anh ta thực sự thấp hèn. Tại sao? Chính bởi vì chúng ta là những bản chất rộng lớn, bản chất nhà Karamazov, có khả năng chứa đựng mọi đối lập có thể có và ngắm nhìn cùng một lúc cả hai vực thẳm, vực thẳm trên đầu chúng ta, vực thẳm của những lý tưởng cao cả, và vực thẳm dưới chân chúng ta, vực thẳm của sự sa ngã hèn hạ nhất và thối tha nhất. Hãy nhớ tới ý tưởng sâu sắc mà trước đây một người quan sát trẻ tuổi hiểu sâu và kỹ cả gia đình Karamazov, ông Rakitin đã phát biểu: "Cảm giác thấp hèn của sự sa đoạ cũng cần cho những bản chất buông thả, mãnh liệt ấy như cảm giác về sự cao thượng" - đấy là sự thật: họ cần sự pha trộn thiếu tự nhiên ấy một cách thường xuyên và liên tục. Hai vực thẳm, hai vực thẳm, thưa các vị, trong cùng một lúc, không thì chúng ta bất hạnh và không thoả mãn, sự tồn tại của chúng ta là không đầy đủ. Chúng ta rộng lớn, rộng lớn như người mẹ Nga của chúng ta, chúng ta chứa đựng được tất cả và chung sống với tất cả! Tiện đây, thưa các vị bồi thẩm, bây giờ chúng ta đề cập đến ba ngàn rúp ấy, và tôi tự cho phép mình đi trước một chút. Các vị hãy thử tưởng tượng rằng anh ta, tính cách ấy, sau khi nhận số tiền ấy, và bằng cách như thế nào, qua sự xấu hổ và nhục nhã như thế, qua sự hạ mình cùng cực, các vị thử tưởng tượng xem ngay trong ngày hôm ấy, anh ta có thể tách ở đó ra một nữa, khâu vào cái túi và suốt một tháng sau đó quyết tâm mang nó trên cổ, bất chấp mọi sự cám dỗ và túng thiếu khác thường! Cả trong lúc chè chén linh đình trong quán rượu ngay cả khi phải cấp tốc ra khỏi thành phố để xoay của ai đó một món tiền cần thiết để đưa người tình của mình thoát khỏi sự cám dỗ của kẻ tình địch là cha anh ta, anh ta cũng không dám động đến cái túi ấy. Và chính để khỏi bỏ mặc người tình cho sự cám dỗ của ông già mà anh ta rất ghen, đáng ra anh ta phải bóc túi tiền của mình và thường xuyên canh gác cô nàng, chờ lúc cô nàng sẽ nói với anh ta: "Em là của anh", để cùng với cô nàng bay đi đâu đó xa hoàn cảnh ác hại hiện nay. Nhưng không, anh ta đã nói, chính là khi cô nàng sẽ bảo anh ta: "Em là của anh, hãy đưa em đi bất cứ nơi đâu", thì có tiền đưa nàng đi.Nhưng lý do thứ nhất ấy, theo chính lời bị cáo, không có ý nghĩa gì so với lý do thứ hai. Bởi vì, theo lời anh ta, tôi mang trên mình số tiền ấy thì "tôi là thằng khốn nạn, nhưng không phải là thằng ăn cắp", bởi vì bao giờ tôi cũng có thể đến với người vợ chưa cưới bị tôi xúc phạm, đưa ra trước mặt nàng nửa số tiền tôi đã lừa dối chiếm đoạt của nàng, bao giờ tôi cũng có thể nói với nàng: "Em thấy đây, anh đã tiêu xài hết nửa số tiền của em và bằng cách đó chứng minh rằng anh là người yếu đuối và vô đạo đức và nếu em muốn, là một thằng khốn nạn (tôi dùng lời của chính bị cáo), nhưng tuy là thằng khốn nạn, song không phải là tên ăn cắp, bởi vì nếu là tên ăn cắp thì sẽ không mang trả lại nửa số tiền còn lại, mà sẽ chiếm đoạt nốt như nửa thứ nhất". Cách giải thích sự việc kỳ lạ! Đấy là con người điên cuồng, nhưng yếu đuối không thể từ bỏ sự cám dỗ lấy ba ngàn rúp với sự nhục nhã như vậy đấy chính là người đột nhiên cảm thấy quyết tâm cứng rắn như vậy và đeo trên cổ một ngàn rưởi rúp mà không dám đụng đến! Điều đó có phù hợp chút nào với tính cách mà chúng ta phân tích không? Không, và tôi dám kể với các vị, Dmitri Karamazov thực sự sẽ hành động ra sao, nếu như anh ta quá thật dám khâu tiền vào cái túi. Khi có sự cám dỗ đầu tiên, - chẳng hạn lại muốn có cách gì giải khuây cho người tình mới mà anh ta đã cùng nàng ăn chơi phung phí nửa đầu của số tiền đó, anh ta sẽ xé cái túi ấy và lấy ra, chẳng hạn trong trường hợp đầu, ít ra là một trăm rúp, bởi vì cần gì phải trả đúng một nửa, tức là ngàn rưởi, ngàn tư cũng đủ rồi, vì đằng nào cũng thế thôi: "thằng đểu cáng, chứ không phải tên ăn cắp, vì dùsao vẫn cứ trả một ngàn bốn trăm rúp, còn tên ăn cắp thì sẽ lấy hết và không trả tí gì". Một thời gian sau y sẽ lại mở túi và lại lấy ra trăm thứ hai, rồi trăm thứ ba, trăm thứ tư, cứ thế đến cuối tháng thì đến trăm cuối cùng: "Ừ thì ta sẽ mang trả một trăm, dùsao vẫn cứ là "thằng đểu cáng, chứ không phải thằng ăn cắp. Ta đã nướng hết hai nghìn chín trăm nhưng ta vẫn trả lại một trăm, tên ăn cắp sẽ không trả lại như thế". Rốt cuộc, khi đã tiêu hết trăm áp chót, y sẽ nhìn trăm cuối cùng và tự nhủ: "Quả thực chẳng nên mang đến một trăm làm gì, ta tiêu béng đi cho rồi!". Dmitri Karamazov thực sự mà chúng ta biết sẽ hành động như vậy! Truyền thuyết về cái túi mâu thuẫn với hiện thực, ta không thể hình dung ra được. Có thể giả định tất cả, nhưng không phải điều đó. Nhưng chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này".Sau khi đã theo thứ tự điểm lại tất cả những gì mà cuộc điều tra tại toà đã biết về cuộc tranh chấp tài sản và quan hệ gia đình giữa hai cha con, và một lần nữa rút ra kết luận rằng theo nhưng dữ kiện đã biết, không có chút khả năng nhỏ nhát nào xác định việc chia thừa kế trong vấn đề này xem ai tính gian cho ai, Ippolit Kirinlovich nhắc đến giám định y khoa về ba ngàn rúp đã trở thành ám ảnh tâm trí Mitia. Chú thích:(1) Kiệt tác (tiếng Pháp)(2) Sau ta thì đại hồng thuỷ cũng mặc (tiếng Pháp)