Tháng Năm 1968 những biến động ở Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới chứng thực một điều: đảng Cộng sản không đáp ứng được yêu cầu cách mạng, không phải là đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân như trong tuyên ngôn hay đề cương hành động đã nêu. Cuốn sách của một nhà triết học trẻ người Pháp Jean-Marie Benoist có nhan đề là Marx đã chết/Marx est mort báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Sở dĩ nói chủ nghĩa cộng sản cáo chung để chỉ ý thức hệ mác xít áp dụng và thực tiễn, như Benoist nhắc đến những mảnh vụn hỗn độn mang những trầm tích Lenin, Mao, Trotsky, Castro... Sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ diễn ra trong mấy thập niên nửa sau thế kỷ hai mươi. Nó đã manh nha từ sự thất bại trong chính sách kinh tế ở thời đại Lenin và sự giải thể Quốc tế Cộng sản III. Ngay vào đêm hôm trước của thế chiến thứ Hai bùng nổ, Franz Borkenau một cựu đảng viên cộng sản trong cuốn sách phân tích Cộng sản thế giới (1939) đã chỉ ra những mầm mống tan rã của cơ sở cách mạng cộng sản. Vào thập niên 1950, một cựu đảng viên cộng sản Nam tư, Milovan Djilas đã phê phán kịch liệt cuộc khủng hoảng nội tại của trung tâm quyền bính cộng sản. Trong cuộc hội nghị tại Venice năm 1977, một nhà lý luận trung kiên của đảng cộng sản Pháp, Louis Althusser đã nói đến “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Mác” qua mối liên hệ với vận mệnh của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu: “Điều gì diễn ra ở những nước Đông Âu cũng thấm sâu trực tiếp vào chúng ta, vì những gì xảy ra ở nơi đó cũng xảy đến với chúng ta. Tất cả những điều diễn ra ở những nước này liên quan tức thời với chúng ta, có ảnh hưởng tới những viễn tượng của chúng ta, mục tiêu đấu tranh, lý luận và thực tiễn.” Sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản không phải là một hiện tượng đơn giản, vì nó đánh động đến tận cốt lõi phong trào Cộng sản Quốc tế, như Althusser nhìn nhận: “Chính chúng ta (những người cộng sản) có thể không những chỉ thấy chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đang kinh qua sự khủng hoảng này trong một thời gian dài.” Quan điểm của người cộng sản thì như thế. Còn đối với những người không cộng sản ra sao? Tháng 8 năm 1988, một năm trước biến chuyển tại Ba lan đã đưa phong trào Solidarnosc trở thành một lực lượng chính trị có quyền bính, một học giả Mỹ gốc Ba lan Zbigniew K. Brzezinski đã hoàn tất cuốn sách Sự phá sản vĩ đại/The Grand Failure với tiểu đề: Sự ra đời và kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở thế kỷ hai mươi. Tác phẩm này đã báo hiệu một năm trước khi những biến chuyển chính trị quan trọng xảy ra tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu: thủ tiêu sự lãnh đạo độc đảng cộng sản, những chính đảng đối lập hoạt động trong sinh hoạt chính trị nghị trường, thậm chí cải danh hoặc giải thể đảng cộng sản và quốc hiệu. Ngay trong giòng mở đầu, Brzezinski khẳng định: Đây là một quyển sách bàn về sự khủng hoảng tận cùng của chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm này có một tầm quan trọng đáng kể vì nó đã tổng kết những thất bại của chủ nghĩa cộng sản trong quá trình thực hiện quyền lực - từ sự tan rã của một khối chính trị tập trung duy nhất đến sự phá sản kinh tế xã hội và phân hóa toàn diện về mặt ý thức hệ - để sau cùng đi đến khẳng định về “sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản”. tác giả viết quyển sách trong hối hả vì “với tốc độ gia tăng về sự tan rã lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, dường như những biến cố quan trọng sắp tới sẽ xảy ra trước khi quyển sách tới tay người đọc.” Tác giả đã mô tả và phân tích “sự mục nát tiếp diễn và sự hấp hối trầm trọng của cả hệ thống lẫn tín điều cộng sản” để đi đến kết luận “là trong thế kỷ tới, sự suy thoái lịch sử không thể đảo ngược của chủ nghĩa cộng sản khiến cho thực tiễn và tín điều của chủ nghĩa cộng sản không còn thích nghi rộng rãi đối với thân phận con người.” Lý luận trong cuốn sách được dàn trải qua sáu phần: Vấn đề then chốt trong tấn bi kịch lịch sử của chủ nghĩa cộng sản là sự phá sản về mặt kinh tế xã hội và chính trị trong hệ thống Xô viết. Những toan tính cải cách hoặc tăng cường hiệu lực của guồng máy Xô viết không cứu vãn được sự lũng đoạn, mục nát của chế độ cộng sản. Sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên vùng đất Đông Âu đang diễn ra quá trình từ bỏ chế độ cộng sản. Những cơ hội thành công trong quá trình cải cách tại Trung quốc. Sự suy thoái của Quốc tế Cộng sản về mặt chính trị và tư tưởng. Cơn hấp hối sau cùng của chủ nghĩa cộng sản và hiện tượng hậu cộng sản. Sở dĩ tôi đưa ra luận điểm của Brzezinski là vì trong những sách vở bàn về chủ nghĩa cộng sản, tác phẩm Sự phá sản vĩ đại cả ông là tư liệu nghiên cứu mới nhất, đề cập rốt ráo đến vấn đề tổng khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản. Brzezinski cũng đưa ra một viễn tượng về thời đại hậu cộng sản. Luận điểm chính trong tác phẩm của Brzezinski nhằm phân tích nghịch lý trong chính sách cải cách hiện đại của Liên Xô. Theo ông, sửa đổi hệ thống Liên Xô hiện hữu cần phải phá hủy những tầng lớp lịch sử tích lũy từ thời Lenin (cấu trúc xã hội theo đường lối một đảng cai trị toàn diện) qua thời kỳ Stalin (xã hội phụ thuộc vào một nhà nước cai trị toàn diện) tới thời kỳ Brezhnev (một nhà nước đình trệ toàn diện thống trị bởi một đảng cai trị toàn diện lũng đoạn). Chính sách thời Gorbachev vẫn lẩn quẩn trong vòng mâu thuẫn giữa những đòi hỏi phá hủy sự tập trung quyền lực để đem lại tiến bộ kinh tế với những yêu cầu tập trung để bảo đảm sự ổn định chính trị. Cho nên hai mặt trong đường lối cải cách của Gorbachev là hai mặt đối lập giữa tái cấu trúc/cởi mở. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị đặc biệt của Đảng lần thứ 19 vào tháng Sáu 1988, Gorbachev nhận định: Vấn đề chủ yếu là cải cách hệ thống chính trị của chúng ta. Như vậy mối quan tâm sửa đổi đường lối kinh tế để tìm ra lối thoát tiến bộ phải đi đôi với thay đổi cơ cấu chính trị. Chủ trương đó phải đương đầu với một thực tại rõ rệt: tái cấu trúc (perestroika) nhằm cải cách từ bên trên phải dựa vào những áp lực từ bên dưới qua chính sách cởi mở (glasnost) song chủ trương cải cách lại cơ cấu không thể từ trên mây rớt xuống, phải xuất phát từ hạ tầng xã hội, nghĩa là phải thông qua đường lối dân chủ hóa (demokratizatsiia). Như Gorbachev nhắc nhở Ủy ban Trung ương Đảng vào tháng Hai năm 1988: “Thưa các đồng chí, điều chủ yếu là dân chủ hóa... Trong giai đoạn mới của tái cấu trúc, đảng chỉ có thể bảo đảm sự lãnh đạo, vai trò tiền phong và động viên quần chúng qua những phương pháp dân chủ.” Song làm thế nào thực hiện được dân chủ? Gorbachev nhìn nhận: “Sự giáo hóa chính trị của chúng ta vẫn chưa thỏa đáng. Chúng ta còn đang học hỏi.” Tuy nhiên hình thành một nền văn hóa chính trị mới thiết yếu phải đòi hỏi một biến đổi chính trị trọng đại - nghĩa là phải từ bỏ hai nguồn cơ sở chính trị Xô viết: chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin. Sự xung đột nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo Xô viết cho thấy mối tranh chấp vẫn xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Lenin như Brzezinski nhận định: “Chủ nghĩa Lenin vẫn là nòng cốt theo ý nghĩa chính thống lịch sử của tầng lớp trí thức lãnh đạo, hợp thức hóa việc đòi hỏi quyền lực. Bất kỳ sự từ bỏ nào cũng có nghĩa tự vận về mặt chính trị tập thể.” Từ bỏ chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin có nghĩa là từ bỏ toàn bộ thời đại cộng sản, cho nên Gorbachev không có chọn lựa nào khác hơn là phải xác định chính sách perestroika xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Lenin và như vậy vẫn phải chủ trương đảng độc quyền lãnh đạo và là cơ sở duy nhất nắm giữ tất cả chân lý. Cho nên những trở ngại chính trị trong chính sách perestroika không thể nào vượt qua được. Nhận định về tương lai của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu, Brzezinski đã chỉ ra một sự kiện cơ bản là chủ nghĩa Mác-Lenin như một học thuyết xa lạ áp đặt lên vùng đất này bằng một quyền lực khống chế toàn diện về mặt văn hóa đã không thích hợp với nhân dân bị thống trị tại những nước này. Cho nên một quá trình từ bỏ đang diễn ra, giống như hiện tượng con người đề kháng lại một bộ phận đem tháp vào cơ thể. Ngay từ tác phẩm Khối Xô viết/The Soviet Bloc xuất bản vào năm 1960, Brzezinski đã tìm hiểu tình hình biến động của khối cộng sản, ở đó sự xung đột khuynh loát sự thống nhất. Ông nhận định: “Dầu tương lai của khối Xô viết diễn ra như thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là nỗ lực xây dựng sự thống nhất bền vững trong khối cộng sản đã đưa giới lãnh đạo Liên Xô cũng như những nước cộng sản khác vào một kinh nghiệm khó khăn, không còn ảo tưởng.” Và ông tiên liệu khối Xô viết sớm muộn rồi cũng rơi vào số phận những hệ thống đế quốc khác. Trong Sự phá sản vĩ đại (1988) ông đã chỉ ra hai thế lực xung đột trong cơ cấu xây dựng đế quốc Xô viết là một quá trình tự giải phóng khỏi sự kiềm chế của Liên Xô về mặt ý thức hệ, mâu thuẫn với những nỗ lực tăng cường sự hợp nhất kinh tế- quân sự tại các nước Đông Âu đang diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm thủ tiêu độc quyền của đảng cộng sản và sự thống trị của Liên Xô, cuộc đấu tranh ấy như một điều kiện tiên quyết tất yếu cho sự tái sinh xã hội. Nếu như hiện tình Liên Xô cho thấy nỗ lực tái thiết kinh tế phải đánh đổi bằng cái giá bất ổn về chính trị, thì sự phá sản kinh tế cộng sản trở thành một “đội quân thứ năm” bí mật của lực lượng đa nguyên dân chủ tại các nước cộng sản hiện nay. Quá trình cải cách của chủ nghĩa cộng sản tại Trung quốc dưới mắt Brzezinski có vẻ thành công, nhưng cũng đánh đổi bằng giá từ bỏ sự chính thống tư tưởng và chính trị. Nó nẩy sinh ra một giai cấp mại bản dưới sự bảo trợ của nhà nước và ông mệnh danh là một loại “chủ nghĩa cộng sản mại bản”. Brzezinski nhận định sự khác biệt giữa Trung quốc và những nước anh em trong khối Xô viết ở chỗ người cộng sản Trung quốc gắn liền tư tưởng của họ với bản thân lịch sử của Trung quốc và truyền thống cũng như giá trị tồn tại của riêng nó. Phân tích những bước đổi mới của Cộng sản Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng tiểu Bình và Triệu Tử Dương, từ chiến lược cải cách bốn hiện đại (nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật và quốc phòng), sự cần thiết của biến đổi chính trị cơ bản, sự uyển chuyển ý thức hệ, “giai đoạn sơ khởi của chủ nghĩa xã hội.” Vấn đề tiên quyết của tái cấu trúc chính trị, hoàn cảnh lịch sử của Trung quốc như Triệu Tử Dương khẳng định: “Chúng ta không ở trong hoàn cảnh mà những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đương đầu...cho nên chúng ta không thể mù quáng tuân theo những điều sách vở chỉ bảo, chúng ta cũng không thể máy móc theo gương những nước khác.” Brzezinski cũng dẫn lời một nhà lãnh đạo khác của Trung quốc phát biểu trong Đại hội đảng kỳ thứ 13 là: “Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi, hoặc cho phép cái gì làm lợi cho sự phát triển những lực lượng sản xuất, và cái gì không làm lợi cho sự phát triển ấy thì đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội khoa học.” Brzezinski nhận định: “Cho nên không ngạc nhiên là những diễn tập tư tưởng này mở cửa ngõ cho những tư tưởng mới của phương Tây thẩm thấu lớn rộng vào Trung quốc. Đặc biệt là sự xâm nhập này đã ảnh hưởng mạnh ở những cơ sở nghiên cứu của Bắc kinh, thúc đẩy những bộ óc tư tưởng đổ xô đi tìm hiểu những nhà lý luận về xã hội công nghiệp như Daniel Bell, về những hậu quả xã hội của những khoa kỹ thuật thông tin mới như Ilya Prigozine, về hình thành tương lai như Alvin Toffler. Mối quan tâm của những nhà lãnh đạo Trung quốc có tính thực nghiệm nhằm làm thế nào phát triển có hiệu quả trên cơ sở sử dụng hữu hiệu khoa học kỹ thuật phương Tây.” Tuy nhiên Trung quốc cũng phải đương đầu với một thực tế là chủ nghĩa đa nguyên về kinh tế xã hội sáng tạo phát triển cũng không thể phù hợp với một hệ thống lãnh đạo độc đảng, bởi vì cơ sở của sự lãnh đạo này phải loại bỏ đa nguyên chính trị. Người cộng sản thường đưa ra luận điểm về ba dòng thác cách mạng: phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội tại các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc tại các nước đang mở mang và phong trào công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa. Sau khi phân tích sự thất bại kinh tế-xã hội tại các nước cộng sản, Brzezinski lại xét đến tình hình chính trị tại các nước phát triển hoặc đang phát triển. Ông nhận định ở các nước công nghiệp phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản...”xã hội càng tiến bộ, đảng cộng sản càng không thể hoạt động chính trị”. Quả thật chủ nghĩa cộng sản hiện đại sơ khởi chỉ lôi cuốn được những ai vì uẩn ức về hoàn cảnh cùng khổ, chậm tiến hoặc bị đàn áp về mặt chủng tộc đã chọn lựa con đường cách mạng kiểu côïng sản như một con đường ngắn nhất để chiếm được quyền bính; tuy nhiên chủ nghĩa côïng sản khi có quyền lực đã tỏ ra trì trệ, lãng phí. Có thể nói lý luận cộng sản đã trở nên manh mún trong khi hiện nay đâu đâu người ta cũng thấy thực tiễn cộng sản đã thất bại. Bộ mặt xã hội kinh tế Liên xô phơi bày sự thất bại, khiến cho Liên xô không còn là kiểu mẫu xã hội, đã ảnh hưởng tai hại trầm trọng cho phong trào cộng sản thế giới. Trong tình huống tương tự, chủ nghĩa cộng sản thương mại lũng đoạn của Trung quốc cũng không là kiểu mẫu cho một cuộc cách mạng xã hội. Cho đến cả niềm tin cuối cùng của những “tín đồ” cộng sản vào những cuộc cách mạng ở Việt nam, Cuba hay Nicaragua ngày nay cũng bị tiêu diệt trước bộ mặt thê thảm vì phá sản kinh tế và sự tàn bạo chính trị tại các nước nhược tiểu này. Vào thập niên 1970 ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, chủ nghĩa Mác được du nhập như một học thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều nhà lãnh đạo tại các nước này học tập những kỹ thuật của Lenin trong việc giành giật và củng cố chính quyền, học tập nghệ thuật lãnh đạo độc đảng có kỷ luật, có tổ chức. Mặt khác, các nước này trông chờ vào viện trợ kinh tế và quân sự của Liên xô. Tuy nhiên, thực tế đã chứng tỏ mức độ viện trợ kinh tế của Liên xô không đáp ứng được nguyện vọng phát triển kinh tế. kinh nghiệm cộng sản tại châu Mỹ La tinh cũng phơi bày sự thất bại về mặt thực tiễn và lý luận. Những hoạt động cách mạng tại những nước này không phản ảnh ý thức hệ cũng như tổ chức theo kiểu chủ nghĩa Mác-Lenin cổ điển, nhưng diễn ra những đường lối bản địa khác nhau. Thực tế đã chứng minh sự thất bại của luận điểm ba dòng thác cách mạng là một khủng hoảng ý thức hệ sâu sắc của chủ nghĩa cộng sản. Brzezinski gọi đó là sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản và báo hiệu thời đại hậu cộng sản. Theo ông, những nước theo chế độ cộng sản phải đương đầu với hai giải pháp căn bản, một là chuyển tiếp từ một nền chuyên chính theo kiểu Mác-Lenin sang chế độ dân chủ đa nguyên (với những khu vực kinh tế hỗn hợp nhà nước và tư nhân), hai là vẫn trì trệ trong những chỉnh hợp định chế hiện hữu dẫn đến một chế độ độc đoán dân tộc. Tuy nhiên Brzezinski nhận định là diễn trình lịch sử không có dấu hiệu nào về khả năng của giải pháp đầu vì “những chế độ theo kiểu Xô viết chỉ tạo ra một phương thức tổ chức xã hội chuyên chế loại trừ khả năng đa nguyên.” Những khả năng - theo Brzezinski, của thời quá độ hậu cộng sản tiến về chiều hướng dân chủ là do: ảnh hưởng xâm nhập của những phương tiện truyền thông quần chúng khiến cho chế độ độc quyền cộng sản phải nhường bước cho những quan điểm chính trị khác biệt. ảnh hưởng xâm nhập của nhân quyền - tư tưởng chính trị có khả năng lôi cuốn nhất của thời hiện đại - đã chỉ ra sự khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản (chối bỏ quyền tự do lựa chọn, xâm phạm những quyền cá nhân, khiếm khuyết những cơ sở pháp chế) với lý tưởng dân chủ (hệ thống đa đảng, kinh tế thị trường...) Trong viễn tượng đó, những chế độ cộng sản Đông Âu hiện tại đã tuần tự gia nhập vào cộng đồng thế giới, căn cứ trên sự kiện là “trong thế kỷ này, những chế độ dân chủ đa nguyên sẽ sát nhập vào trong hệ thống của chúng một số những mặt xây dựng và lành mạnh theo yêu cầu của chủ nghĩa Mác để tiến tới một xã hội hoàn thiện.” Brzezinski đi tới kết luận: “Trong thế kỷ hai mươi này, nhân loại kinh qua chủ nghĩa cộng sản đã đưa ra một bài học đau xót nhưng cực kỳ quan trọng là sự điều động xã hội không tưởng tự cơ bản xung đột với tính phức tạp của thân phận con người và sự sáng tạo xã hội chỉ nẩy nở tốt hơn khi quyền lực chính trị bị hạn chế. Hiển nhiên là dân chủ, chứ không phải cộng sản sẽ ngự trị thế kỷ 21.” Brzezinski là một trong những nhà nghiên cứu khoa chính trị quan niệm về xã hội Xô viết như một mô hình duy nhất (phân biệt với hệ thống xã hội trong khoa học xã hội phương Tây) tuy nhiên khi xét đến cơ sở kinh tế-xã hội công nghiệp hiện đại, ông cũng có xu hướng hội tụ như một số học giả khác (Isaac Deutscher, J.K. Galbraith, W.W. Rostow, Raymond aron, Maurice Duverger, Andrei D, Sakharov...). Trong tác phẩm dẫn trên, ông có một cái nhìn nghiêm khắc hơn về tương lai của xã hội Xô viết, mà ông gọi là “chủ nghĩa đế quốc Xô viết ở giai đoạn suy thoái và băng hoại.” Ông đã đưa ra những lưỡng luận khá nan giải đối với chế độ cộng sản Xô viết như: tính trong sáng đối lập với tính thống nhất trong học thuyết, lý luận hợp nhất đối lập với hành động liên kết, đam mê chính trị đối lập với lý trí (điều hành xã hội), thành công kinh tế đối lập với ổn định chính trị, xu hướng chính thống đối lập với xu hướng xét lại, trào lưu tự giải phóng đối lập với chính sách hợp nhất quân sự-kinh tế. Brzezinski đã vẽ ra một bức tranh biến chuyển chính trị trong thế giới cộng sản, ông cũng đưa ra một số dự kiến phù hợp với hiện tình đang diễn ra ở các nước cộng sản. Tác phẩm này đã gióng lên hồi chuông báo tử của chế độ cộng sản, như tiểu đề của cuốn sách đề xuất. Tuy nhiên tính cách thuyết phục của tác phẩm còn cần phải thảo luận về những vấn đề: Chủ nghĩa cộng sản thống trị gần một thế kỷ này trên cơ sở quá đơn giản hợp thời, như quan niệm nguyên ủy của mọi tội lỗi xấu xa vào định chế của tư hữu, cho nên nó giả định thủ tiêu tư hữu sẽ dẫn đến sự thực hiện công lý thực và hoàn thiện được bản chất con người. Chủ nghĩa cộng sản đưa ra một nỗ lực lệch lạc trong việc áp đặt lý tính toàn diện trên mọi vấn đề xã hội. Chủ nghĩa cộng sản giống như những tôn giáo lớn đi từ giáo lý đơn giản nhất đến những khái niệm triết lý phức tạp hơn. Ba đặc điểm nêu trên chỉ là một lý giải phiến diện về chủ nghĩa cộng sản. Về chủ nghĩa Cộng sản Trung quốc: Brzezinski gọi chủ nghĩa cộng sản Trung quốc là một “chủ nghĩa cộng sản thương mại”, căn cứ trên xu hướng thực dụng của giới lãnh đạo Trung quốc. Điều này cũng không chính xác. Quan điểm của ông cũng đơn giản như quan điểm của nhà triết học Ba lan khác, Leszek Kolakowski, coi học thuyết của Mao Trạch Đông là một thứ “chủ nghĩa Mác nông dân.” Về thực tiễn cộng sản: Một xu hướng chung của nhiều học giả khoa chính trị phương Tây là căn cứ trên chính sách của những nhà lãnh đạo để phân tích chủ nghĩa cộng sản. Xu hướng này có khuyết điểm là chỉ phân tích chiến lược, chiến thuật của đảng cộng sản, cho nên người mác xít lập luận là những phân tích ấy không nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Về mô hình biến đổi của chủ nghĩa cộng sản: Brzezinski đưa ra bốn giai đoạn biến đổi của chủ nghĩa cộng sản: 1.Chế độ cực quyền cộng sản: Đảng kiểm soát hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế. 2. Chế độ độc đoán cộng sản: Áp lực của xã hội đối với quản lý kinh tế xã hội. 3. Chế độ độc đoán hậu cộng sản: Áp lực của quyền lợi dân tộc. 4.Chế độ đa nguyên hậu cộng sản: Tiến đến hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị có tính đa nguyên. Mô hình đa nguyên của hệ thống chính trị đó như thế nào vẫn là một vấn đề mở ngỏ, cần thảo luận. Tác phẩm Sự phá sản vĩ đại của Brzezinski gợi ra hai vấn đề: Cáo chung của chế độ cộng sản: Như đã dẫn ở trên, Brzezinski khẳng định đế quốc Xô viết đang trong thời kỳ suy thoái và băng hoại. Những biến chuyển của hiện tình hệ thống chính trị Xô viết đã chứng tỏ sự thay đổi đang diễn ra về mọi mặt tổ chức, xã hội, chính trị và văn hóa. Có phải những biến chuyển đó chứng tỏ vận động lịch sử không thể đảo ngược? Khủng hoảng của hệ thống chính trị cộng sản đi về đâu? Theo quan điểm lạc quan của những nhà phân tích chính trị như Brzezinski, nó báo hiệu sự cáo chung của chế độ cộng sản, nghĩa là sự cáo chung của một hệ thống cai trị độc đảng để dẫn đến một thể chế dân chủ đa nguyên. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Thứ nhất, khi phân tích cơ cấu tổ chức của chính trị cộng sản, người ta cần phải nắm vững quy luật chung của chủ nghĩa xã hội, những đặc tính phổ biến khi đảng cộng sản nắm quyền bính (một hệ thống chính trị kiểu mới tập trung quyền lực, kiểm soát mọi mặt như tổ chức mặt trận thống nhất, xây dựng tổ chức đảng, quốc doanh và tập thể hóa nông nghiệp, thảo kế hoạch năm năm, thanh trừng và kỷ luật đảng...). Thứ hai, từ bỏ quyền chỉ đạo và lãnh đạo của đảng cộng sản có phải do sức đẩy cưỡng bách của cao trào quần chúng hay chỉ là một bước lùi trong chiến thuật như đã từng xảy ra trong quá khứ? Đây có phải là dấu hiệu tiên quyết báo bước đầu của một “thực tiễn cách mạng”? Những biến cố của thập niên 1980s khác biệt với thời thập niên 50s và 60s ở chỗ, sự nổi dậy của quần chúng bạo động diễn ra thành công ở Roumania và thất bạo ở Trung quốc, trong khi tiến trình hành động tại các nước Đông Âu xảy ra thông qua vận động nghị trường và cải tổ một phần cơ cấu định chế. Thứ ba, những biến chuyển mau lẹ vào cuối năm 1989 đến nay vẫn còn đề ra những vấn nạn về yêu cầu bức thiết giải quyết sự bế tắc kinh tế hay chính sách perestroika sắp đặt từ bên trên của guồng máy cai trị, về sự khoan nhượng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại hay sự sụp đổ từng khâu trong hệ thống cộng sản. Dầu sao quá trình lịch sử cũng cho thấy vào thời đại cực quyền của Stalin, Brezhnev và Mao, sự ngưng trệ kinh tế trầm trọng cũng không đặt ra vấn đề biến đổi. Phải chăng tình trạng mở ngỏ cho biến đổi xuất phát từ sáng kiến của cá nhân lãnh đạo? Mặt khác sự hiện diện của hàng triệu đảng viên trong tổ chức độc đảng và cơ cấu tổ chức xã hội cộng sản cũng là một tác động chi phối sự biến đổi theo một phương thức khác với mô thức tư bản chủ nghĩa. Cho nên mô thức chính trị của khối Xô viết tương lai vẫn là một vấn đề. Chính Brzezinski trong phần trình bày bốn giai đoạn nêu trên cũng giả định chu trình biến đổi có thể trở về giai đoạn 1 hoặc tiến tới giai đoạn 4, và ông không thể xác quyết một dự kiến nhất định nào. Cáo chung của chủ nghĩa cộng sản: Nếu sự sụp đổ toàn diện của hệ thống chính trị khối Xô viết xảy ra thì điều đó dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản, như số phận của chủ nghĩa quốc xã sau khi Đế chế Ba chấm dứt? Chủ nghĩa cộng sản gồm hai mặt: hệ tư tưởng chính thống của Đảng lãnh đạo và những thành tựu không chính thống của giới trí thức khuynh tả trong những vùng đảng cộng sản không nắm được chính quyền. Mặt khác, thời đại chính trị toàn cầu vẫn căn cứ trên mối quan hệ giữa các nước, nên những nhà nước cộng sản vẫn là những nhà nước dân tộc. Vào giai đoạn chiến tranh lạnh và hòa hoãn thế giới, những vấn đề mới đề ra như sự cáo chung ý thức hệ, sự phục hoạt ý thức hệ vẫn là những mặt khác biệt đối với chủ nghĩa cộng sản hiện hữu. Chủ nghĩa cộng sản về thực tiễn khi mất quyền bính liệu còn giữ được mặt lý luận với hai bộ phận biện chứng và duy vật lịch sử? Đó cũng là một vấn đề. Một số nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác quan niệm nó như một tôn giáo thế tục, trang bị bằng những kinh điển, giáo điều, tổ chức và kỷ luật chặt chẽ. Như vậy một khi mất quyền lực, toàn bộ cơ sở có thể tiêu vong, hay ảnh hưởng thống trị lâu đời của nó trong xã hội sẽ còn tồn tai như sự thăng trầm của những tôn giáo khác? Những vấn đề này đề ra trên một bình diện bao quát mà quyển sách của Brzezinski trong giới hạn của những phân tích kinh tế-chính trị không đề cập. Trong những nhận định phê phán trên, tôi muốn chỉ ra một điều: sự cáo chung của chủ nghĩa và chế độ cộng sản là một điều tất yếu của thời đại, tuy vậy khi quan niệm “tất yếu”, có phải nó tuân theo một quy luật nhất định, mang tính “biện chứng” hay tính “lịch sử” nào đó? Thật sự chủ nghĩa cộng sản là một “thử thách' của thế kỷ 20, như Brzezinski nhận định, bởi vì chủ nghĩa đó đã thống trị gần một thế kỷ với một lý luận cách mạng có tính “toàn diện', “khoa học” nhân danh một “giai cấp” mang sứ mạng lịch sử, dẫn đạo bằng một đảng thống nhất có tổ chức và kỷ luật, trang bị chiến lược và sách lược thực tiễn, không dấu diếm bản chất “chuyên chính” tuyệt đối, với mục tiêu xây dựng một xã hội mới, tạo ra lịch sử. Nó là một “thách đố” với nhân loại, bởi vì lần đầu trong lịch sử con người, một hệ thống tư tưởng sử dụng một chính đảng thống trị xã hội về mọi mặt, khẳng định không chia xẻ quyền bính với bất kỳ thế lực nào. Nó đã gây nên một cuộc chiến triền miên, không đơn giản như hai cuộc Thế Chiến,, hay Chiến Tranh Lạnh, nhưng là một cuộc chiến toàn bộ lôi cuốn mọi giai tầng xã hội, mọi thế lực quốc tế, mọi dân tộc, tôn giáo tham dự để giải quyết những xung đột lịch sử, những mâu thuẫn đối kháng (đôi khi đơn giản hóa thành hai mặt Cách mạng và Phản động). Trong cuộc chiến để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” này, hàm ngụ một cuộc chiến tranh ý thức hệ - cuộc chiến tư tưởng ấy không phải chỉ có tính cách chống Marx, song quy mô hơn, cuộc chiến của con người để chống lại những “ông thày tư tưởng” (tôi mượn từ của André Glucksmann, Les Maitres-penseurs trong nguyên ngữ tiếng Việt cũng như tiếng Pháp, mang ý nghĩa thày/trò có tính cách thống trị thế lực cũng như hàm ngụ sự nô dịch tư tưởng.) Hiện tượng chống lại sự nô dịch trí thức của chủ nghĩa cộng sản là một lịch sử đấu tranh gai góc chứa đựng những tranh luận chung quanh chủ nghĩa Mác, tạo ra những vấn đề và giả vấn đề về khoa học kỹ thuật, về quan hệ sản xuất và lượng sản xuất, về những tiền đề xã hội chủ nghĩa, về dân tộc và cực quyền, lý luận và thực tiễn, về chủ nghĩa quốc tế và giải phóng dân tộc. Cho nên yêu cầu dân chủ và nhân bản nổi lên trong những phong trào đối kháng của quần chúng công nhân, nông dân, sinh viên và trí thức đã được nuôi dưỡng từ những khủng hoảng và phê phán tư tưởng từ nhiều năm. Cuộc nổi dậy của Hung và Ba lan trong thập niên 50s chịu ảnh hưởng tư tưởng hiện sinh Tây Âu. Cuộc nổi dậy ở trung quốc năm 1989 cũng biểu hiện vận động thanh niên chống lại già nua bảo thủ, của một thế hệ mới hấp thụ tư tưởng hiện sinh phương Tây, một thế hệ từ bỏ giáo điều cổ hủ, để đọc Sartre, Beckett, Faulkner, Robbe-Grillet. Chủ nghĩa Mác đã phát triển theo ba mặt: Chủ nghĩa Mác chính thống: tôi không đơn giản quan niệm chủ nghĩa Mác chính thống thuộc về hệ tư tưởng Mác Xô viết. Tính chính thống ở đây hàm ngụ một ý thức hệ nắm quyền bính, nó mang những mặt biểu hiện chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Trốtki. Chủ nghĩa xét lại mác xít: thường nêu khởi thủy từ Bernstein. Thật ra, trào lưu xét lại ở khắp các nước Đông Âu (Nam tư, Tiệp, Ba lan) không chịu ảnh hưởng bắt nguồn từ Bernstein, nhưng từ tư tưởng phê phán chủ nghĩa xã hội có quyền bính. Tư tưởng phê phán này xây dựng trên cơ sở của Marx hàm ngụ hai nghĩa: “Phê phán không ngại đến những kết luận về bản thân nó, cũng như không ngại xung đột với chính quyền lực” (Marx). Chủ nghĩa Mác Tây Âu qua ba thế hệ: giai đoạn Lukács và Kark Korsch. Lukács từng bị lên án theo chủ nghĩa xét lại, song ngay từ tham luận viết năm 1919, ông đã đặt vấn đề chính thống với quan niệm: “Tính chính thống mác xít không phải là bảo vệ truyền thống, nó là người tiên tri thường hằng cảnh giác chỉ ra mối quan hệ giữa những nhiệm vụ của hiện tại trước mắt và toàn bộ quá trình lịch sử.” Giai đoạn thứ hai với trường phái Frankfurt ở Đức và Gramsci ở Ý. Giai đoạn thứ ba với những người hiện sinh đi theo chủ nghĩa Mác như Sartre và Merleau-Ponty hay những người mác xít cực đoan như Althusser ở Pháp, Della Volpe và Coletti ở Ý, Habermas (giai đoạn đầu) ở Đức. Bên cạnh ba trào lưu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác nói trên, những lý luận hội tụ và xã hội hậu công nghiệp cũng góp phần vào việc phê phán chủ nghĩa cộng sản. Những đóng góp của lý luận hội tụ trong những thập niên 60s theo Afred Meyer có thể chia thành ba xu hướng: Phát triển trong khuôn khổ chủ nghĩa xã hội dân chủ chỉ ra một xã hội đa nguyên, hợp tác, dân chủ xây dựng trên cơ sở một nền văn hóa công dân của khoan dung tương trợ. Cơ sở đa nguyên xã hội của một trật tự chính trị nhấn mạnh đến ghệ thống phối trí, truyền thông được cấu trúc - một nền chính trị trong khuôn khổ bàn giấy. Một chủ nghĩa chuyên chính toàn diện phát sinh từ hậu quả của hiện đại hóa và khủng hoảng về trật tự chính trị. Những khác biệt giữa các lý luận hội tụ và những vấn đề nan giải của sự hội tụ xã hội phát xuất từ nhiều nguyên nhân: Đối lập giữa tổ chức nhà nước toàn diện và quyền lực của nhân dân cũng như tự do tư tưởng của con người. Khác biệt giữa những xã hội công nghiệp: theo Raymond Aron, công nghiệp chỉ là một phương tiện chứ không phải cứu cánh và bản chất của một xã hội nằm trong mục tiêu thực hiện, chẳng hạn xã hội Liên xô đối nghịch với xã hội Mỹ vì Liên xô quản lý sản xuất nhằm duy trì hay gia tăng quyền lực trong khi xã hội Mỹ nhằm mục tiêu cung ứng sự thịnh vượng cho dân chúng. Những nghiên cứu chính trị, xã hội về hai mô hình xã hội Liên xô và Mỹ vẫn chỉ ra những khác biệt sâu sắc về phương thức quản lý xã hội, hệ thống chính trị, xung đột ý thức hệ, quan niệm về dân chủ, về xã hội hóa, tập trung hóa, kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch. Trong số những nhà lý luận thiên hướng hội tụ, ở Đông Âu sau thời đại Stalin, như Lukács cũng nhận ra từ vận động văn học: “một viễn tượng mới về sự sống chung hòa bình giữa các nước đem lại một khung cảnh rộng rãi trong nền văn học tư sản hiện thực và phê phán. Lưỡng luận thực trong thời đại chúng ta không phải là sự đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng là sự đối lập của chiến tranh và hòa bình.” Lý luận hội tụ trên bình diện tư tưởng còn có thể gọi là lý luận phát triển trên bình diện kinh té chính trị vì những mục tiêu: Nghiên cứu dài hạn về sự tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu sự đối nghịch giữa những nước giàu và nghèo. Đối chiếu tổ chức xã hội kinh tế giữa khối Xô viết và các nước Tây Âu. Những khác biệt chỉ thực sự biến đi khi nhân loại tiến tới một hệ thống chính trị và xã hội phổ biến (mô thức xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp không phải là hệ thống chính trị xã hội phổ biến - tuy về mặt lịch sử, nó là một mẫu xã hội phổ biến xuất hiện trong lịch sử mở ra một kỷ nguyên mới với những nhân tố chung như cộng nghiệp hóa, đô thị hóa, giáo dục phổ biến, phát triển giáo dục cao cấp...) Chỉ có thế biến đổi mới thực hiện được sự tiến tới một hệ thống phổ biến như vậy. Biến đổi đã thực sự xảy ra vào cuối-thế-kỷ tuần tự diễn ra như sau: Ở Ba lan, kể từ tháng Hai đến tháng Tư năm 1989, phong trào Đoàn kết sau nhiều cuộc đấu tranh cam go chí tử với bạo quyền do sự quyết tâm trong nước và hậu thuẫn bên ngoài đã tồn tại và đi đến thắng lợi khi đã bắt đầu được những tranh luận ngang bằng với chế độ cộng sản và dẫn đến những thỏa hiệp tổ chức bầu cử tự do. Ngày 4 tháng Sáu năm 1989, phong trào Đoàn kết toàn thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện. Ngày 24 tháng Tám năm 1989, Tadeusz Mazowiecki đại biểu của phong trào Đoàn kết được bầu làm Thủ tướng và thành lập Nội các trong đó chỉ có bốn thành viên là đảng viên cộng sản. Tháng 12 năm 1990, Lech Walesa được bầu làm Tổng thống. Ở Hungari, vào ngày 19 tháng Chín năm 1989, đảng cộng sản cầm quyền và đối lập thỏa thuận về những tu chính hiến pháp, tạo ra một hệ thống đa đảng và kết cuộc là tổ chức được bầu cử tự do vào năm 1990. Từ ngày 25 tháng Ba đến ngày 8 tháng Tư năm 1990, những cuộc bầu cử và chạy đua vào Nghị viện kết quả dẫn đến thắng lợi cho Mặt trận Dân chủ thống nhất. Ngày 24 tháng Năm 1990, Josef Antall của Mặt trận Dân chủ thống nhất nhậm chức Thủ tướng. Ngày 28 tháng Chín 1990, Hungari và Liên xô thỏa ước về việc rút những đạo quân Xô viết đồn trú tại Hung. Ở Đông Đức, trong hai tháng tám và Chín năm 1989, làn sóng người di dân từ Đông Đức ồ ạt kéo nhau qua ngả Hung để đến Tây Đức và nước này từ chối giao trả những người tị nạn về Đông Đức. Ngày 9 tháng 11 năm 1989 Đông Đức mở cửa biên giới sang phương Tây và hàng ngàn người ở Berlin đổ xô qua Tây Đức. Ngày 18 tháng Ba năm 1990 những cuộc bầu cử diễn ra ở Đông Đức ủy nhiệm cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thành lập chính phủ. Ngày 1 tháng Bảy năm 1990 thiết lập sự thống nhất kinh tế Đức với bình quân giữa đồng Mã và tiền Đông Đức. Ngày 3 tháng 10 năm 1990 hai nước Đức thống nhất sau bốn mươi lăm năm phân cách. Ở Tiệp vào tháng 11 và 12 năm 1989, phong trào Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Diễn đàn công dân do Václav Havel cầm đầu buộc giới lãnh đạo cứng rắn phải rút lui trao trả quyền lực lại cho dân. Ngày 29 tháng 12 năm 1989, Havel được bầu làm Tổng thống. Ngày 8 và 9 tháng 6 năm 1990 nhũng cuộc bầu cử tự do tại Bulgaria kể từ 1946 đưa Diễn đàn Dân chủ lên cầm quyền. Ỏ Liên xô vào ngày 1 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Tối cao Xô viết phê chuẩn cơ cấu hiến pháp mới đưa Gorbachev thay thế Gromyko làm Chủ tịch nhà nước kiêm nhiệm Tổng bí thư. Tháng Ba năm 1989 bầu ra Đại biểu Quốc hội Nhân dân, một thay đổi ngoạn mục trong tiến trình cải tổ tiếp theo chính sách perestroika. Và tháng 2 năm 1990 Ủy ban Trung ương đồng ý xóa bỏ vị thế tối ưu pháp định của đảng Cộng sản. Ngày 19 tháng 8 nam 1991, một Ủy ban năm người gồm Phó Chủ tịch Yanaev, Bộ trưởng Nội vụ, Bí thư đảng CS, lãnh tụ Liên đoàn Nông dân và Chủ nhiệm Hiệp hội Các Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh thành lập “Hội đồng Nhà nước trong tình trạng khẩn cấp” mưu cuộc đảo chánh, bắt giữ Chủ tịch Xô viết, ra lệnh cho quân đội bảo vệ Moksva và ban hành những quyền lực khẩn cấp. Gorbachev bị cô lập ở biệt thự nghỉ mát tại Cape Foros gần Yalta trong vùng Crimea. Cuộc đảo chánh bất thành vì các lực lượng KGB không điều động được. Tổng thống Cộng hòa Nga Boris Yeltsin, Thủ tướng Ivan Silayev và Chủ tịch Nghị viện Nga Khasbulatov tố cáo cuộc đảo chánh của những ke hữu khuynh, phản động. Yeltsin đọc lời kêu gọi quần chúng trên một chiếc xe tăng trước những ống kính các đài truyền hình phương Tây. Vào ngày 21 tháng 8 tình thế đảo ngược với sự hỗ trợ của phương Tây, Ủy ban đảo chánh phải quy thuận và Gorbachev trở lại nắm quyền. Cuộc đảo chánh tháng Tám thất bại đánh dấu sự cáo chung của hệ thống cộng sản, cùng với các nước Cộng hòa trong khối Xô viết củng cố quyền lực độc lập tách rời quyền lực liên bang. Vào ngày 8 tháng 12 nam 1991, cùng với những Tổng thống Leonid Kravchuk xứ Ukraine và Stanislav Shushkevich xứ Belorussia, với hậu thuẫn của các nước Cộng hòa khác trừ Georgia, Yeltsin tuyên bố chấm dứt Liên bang Xô viết. gorbschev ký văn thư từ chức vào ngày 25 tháng 12. Một kỷ nguyên Cộng sản trong lịch sử Nga chính thức cáo chung. Tượng Lenin bị kéo sập, người ta tưởng niệm những nạn nhân của chế độ cộng sản, thàng phố Leningrad đổi trả lại cái tên lịch sử St. Petersburg và Yeltsin ban hành luật cấm đảng cộng sản hoạt động trên nước Nga vào đêm hôm trước ngày 7 tháng 11 kỷ niệm cuộc cách mạng đã tốn nhiều giấy mực và gây cái chết cho cả triệu người. Tưởng cũng nên nhắc là trong cuộc họp Đảng lần cuối vào ngày 2 tháng 7 năm 1990, theo truyền thống, Tổng bí thư Gorbachev đã đọc bài diễn văn quan trọng khoảng hai tiếng rưỡi. Phá lệ truyền thống, ông đã mạnh dạn phát biểu: “Kiểu mẫu chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin đã bị thay thế bằng một xã hội công dân của những người tự do...” Trước sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, ông đặt vấn đề: chủ nghĩa xã hội nào? và tự đi giải thích là chủ nghĩa xã hội đó cơ bản là một dạng của hệ thống bàn giấy chuyên chính kiểu Stalin. Điều này thực ra những nhà triết học Nam tư trường phái Praxis đã đưa ra từ nhhiều thập niên trước. Chủ nghĩa nhà nước: Ngay từ những thập niên 50s của thế kỷ, một nhóm nhà lý luận Nam tư đã thảo luận những vấn đề của chủ nghĩa Mác 'chính thống” và từ năm 1964 họ thành lập một tạp chí triết học lấy tên là Praxis (Thực tiễn) (bị nhà cầm quyền đóng cửa vào năm 1975, tuy nhiên tạp chí đã mở rộng ra bên ngoài, thành Praxis International quy tụ đông đảo những người nghiên cứu Mác xít như Richard J. Bernstein, Mihailo Markovic, Iring Fetscher, Jurgen Habermas, Karel Kosik, Oskar Negt, Svetozar Stojanovic, Rudi Supek, Ljubomir Tadic, Albrecht Wellmer, Kurt Wolff..., đặt trụ sở ở Nam tư và Mỹ), cho nên nhóm những nhà lý luận này thường được gọi là nhóm Praxis. Chủ trương của nhóm Praxis này nhằm đóng góp vào việc xây dựng một lý luận nhân bản mác xít, thảo luận những điểm hội tụ và khác biệt giữa chủ nghĩa Mác và những trào lưu triết lý khác, vượt ra ngoài cái khung Diamat chuyên chế và nô dịch sự phát triển của tư tưởng. Trong tác phẩm Giữa lý tưởng và thực tại/Izmedju Ideala i Stvarnosti (1969), Stojanovic đã đặt lại cơ sở của “chủ nghĩa xã hội hiện hành” kể từ khi sản sinh ra một hệ thống giai cấp bóc lột mới: một lý luận về chủ nghĩa nhà nước như một hình thái mới của xã hội có giai cấp. Ông khẳng định hình thái mới về một xã hội có giai cấp, theo chủ nghĩa nhà nước này sản sinh ra từ chủ nghĩa Stalin. Vấn đề Nhà nước và “thủ tiêu nhà nước” đã đặt ra từ Lenin, vì lý ưng, Nhà nước là một công cụ đàn áp của giai cấp thống trị thì khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản, không còn giai cấp, tất nhiên phải xóa bỏ Nhà nước. Theo Stojanovic, sự vắng mặt của giai cấp vô sản công nghiệp phát triển lớn mạnh là một trong những nguyên nhân quyết định của sự suy thoái tiến đến chủ nghĩa nhà nước trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng chỉ ra cái huyền thoại về giai cấp vô sản là giai cấp cầm quyền trong hệ thống Stalinít. Nhiều người Mác xít đã sai lầm khi quan niệm chủ nghĩa Stalin là một chủ nghĩa xã hội nhà nước, thay vì coi đó là một hình thái mới của xã hội có giai cấp, một giai cấp bóc lột mới. Giai cấp bóc lột mới: Trước nhóm Praxis, Milovan Djilas ngay từ năm 1957 đã đưa ra một phân tích hệ thống cộng sản và phát hiện một giai cấp mới hình thành trong xã hội xã hội chủ nghĩa, ở đó quyền sở hữu thuộc về “tập thể”. Milovan Djilas viết: “Mọi sự xảy ra khác ở Liên xô và những nước cộng sản khác với điều những nhà lãnh đạo tiên liệu. Họ kỳ vọng là nhà nước sẽ mau chóng bị thủ tiêu, và củng cố dân chủ. Sự việc xảy ra ngược hẳn.” Giai cấp này từ đâu mà ra? Nó không là một bộ phận của đời sống kinh tế xã hội mà chỉ sinh ra từ một tổ chức đặc thù bắt nguồn từ một đảng gồm những người có đặc lợi, đặc quyền vì nắm giữ độc quyền cai trị. Djilas nhận định giai cấp mới này càng phát triển thì cái đảng tiền phong ấy càng suy yếu. Điều nghịch lý là giai cấp mới nắm độc quyền khi mệnh danh là tiên tiến vô sản. nhân danh giai cấp công nhân để thống trị xã hội đã là giai cấp thống trị giới công nhân. ở trong giai cấp mới này, người ta không thừa kế điều gì ngoài việc len lỏi leo lên địa vị cao trên bậc thang quyền lực, đòi hỏi trung thành với đảng, tức là với giai cấp mới. Những đặc điểm của giai cấp mới này là độc quyền cai trị, củng cố bằng những tín điều thư lại. Về mặt lý luận thì chủ nghĩa cộng sản mở ra với mọi người, song mặt khác nó tập trung quyền trong tay thiểu số lãnh đạo. Cái mâu thuẫn ấy còn biểu lộ qua việc trong khi hứa hẹn thủ tiêu những khác biệt xã hội, nó lại gia tăng đặc quyền đặc quyền đặc lợi cho những kẻ gia nhập tổ chức này. Quá trình lịch sử tại các nước xã hội chủ nghĩa đã chứng thực những viễn tượng trong hệ thống cộng sản qua phân tích của Milovan Djilas. Chủ nghĩa nhà nước trong tay giai cấp mới là hai mặt của xã hội dưới chế độ cộng sản. Tôi gọi nó là một thứ chủ nghĩa Djilas. Người được coi như kiến trúc sư của họa đồ cải cách Yakovlev đã chỉ trích đảng cộng sản là một hệ thống trì trệ xã hội do chế độ quyền lực cá nhân sinh ra. Shostakovsky nguyên Viện trưởng trường Đảng cũng phải thú nhận: “Về chọn lựa chủ nghĩa xã hội: Nhân dân đã theo những khẩu hiệu của người bôn-sê-vích mà bẩy mươi năm sau vẫn lập đi lập lại là: đất cho nông dân, nhà máy cho công nhân, quyền lực về các Xô viết và hòa bình cho dân tộc. Chúng ta không hoàn tất những khẩu hiệu ấy. Đất vẫn ở trong tay Nhà nước, nhà máy thuộc về các bộ, quyền lực trong tay Đảng và nói chung không có hòa bình giữa các dân tộc.” Trầm tích hậu cộng sản: Vượt quá khứ cộng sản vẫn còn là một con đường nhiều gai góc và phức tạp vì chủ nghĩa cộng sản đã để một dấu tích đầy ngịch lý trong lịch sử và văn minh nhân loại. Một nhà văn Hung, Péter Esterházy đã kinh qua giai đoạn ấy nhận xét: “Ngay cả nếu thực là đất nước đã tống khứ được chủ nghĩa cộng sản vào năm 1956 như con chó giũ sạch nước, ngày nay hầu như không rõ ràng chỗ nào chó giũ sạch và chỗ nào nước bắt đầu.” Hiện tại, một số nước trên thế giới (Trung quốc, Bắc, Triều tiên, Việt nam, Lào, Miên, Cuba) vẫn còn được kể là những nước cộng sản. Trước sự tan rã của khối Xô viết và ý thức hệ cộng sản, những nước còn lại kể trên đi về đâu. Một nhà nghiên cứu chính trị (Richard Sakwa) nghĩ là chúng đang trên lộ trình tự vượt chủ nghĩa cộng sản. “Tự vượt” xuất phát từ những quan tâm và cấp bách mang tính bản địa, vì dường như quá trình biến đổi ở Đông Âu không có ảnh hưởng, ít ra đối với Trung quốc. Theo Sakwa, cách mạng tự vượt ở châu Á chỉ hoàn tất không phải là giải thể những chế độ và biến đổi quyền lực của chúng thành những hình thái mới, nhưng do chính những hệ thống cộng sản dẫn sự thích nghi tuần tự đến những nhiệm vụ phát triển quốc gia hướng về thị trường. Liệu điều này có thể xảy ra? Một nhà nghiên cứu trẻ Trung quốc, Zhang Boshu không tin vào những dự tưởng lạc quan này. Boshu cũng phê bình Brzezinski đã đáng giá sai khi ca ngợi “chủ nghĩa cộng sản mại bản” của Trung quốc khi cho là chỉ số độ khủng hoảng của Trung quốc thấp nhất trong các nước vùng Đông Á. Thật ra cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội cũng như chính trị đạo đức đã xảy ra ngay trước khi Brzezinski cho ra mắt tác phẩm nói đến ở trên. Cuộc vận động ngày 4 tháng Sáu năm 1989 cho dân chủ không phải là một biến cố đơn lẻ, chỉ sáu tháng sau biến động Thiên An Môn hàng loạt những cao trào dân chủ dấy lên ở Đông Âu và Liên Xô. Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội hiện đại chỉ ra chủ nghĩa cộng sản kiểu Mác xít dầu là Mao hay Lenin-Stalin không thể coi là một mô hình xã hội lý tưởng. Những nước cộng sản hiện hữu là những tàn tích của thử nghiệm một mô hình xã hội, cuộc thử nghiệm này trả một giá xương máu cho nhân loại và để lại một hội chứng hậu cộng sản. Ý thức hệ ấy do một đảng độc quyền ý thức hệ, một giai cấp mới của chủ nghĩa Djilas. Hai đặc điểm cơ bản của những nước XHCN hiện hữu này là một guồng máy khủng bố có sách lược và một hệ thống kinh tế suy bại. Xét riêng Việt nam, hiện tượng tham nhũng đã trở thành căn bệnh nội tạng và giới lãnh đạo bảo thủ luôn luôn coi cải cách chính trị là một “diễn biến hòa bình” do những lực lượng thù nghịch điều động. Từ thời điểm 1975 trở lại đây, sự thất bại đầu tiên là không có một kế hoạch ứng phó với kinh tế miền Nam, cũng như không có một chương trình tái thiết hậu chiến. Sự thất bại kế tiếp là sa lầy vào cuộc chiến Campuchia. Bắt chước liên Xô, giới lãnh đạo cũng đưa ra chính sách đổi mới vào năm 1985, nhưng tự sâu xa họ chẳng hiểu phải làm như thế nào để đưa từ lý luận vào hành động cụ thể. Vào tháng Chín năm này cái đổi mới chủ yếu là cải cách tiền tệ chỉ làm cho tình trạng kinh tế vốn đã tồi tệ càng tồi tệ hơn.Theo như tường trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế mô tả thì chỉ hai năm sau khi “đổi mới' bắt đầu vào năm 1985, tình trạng còn xấu hơn những năm trước: sản xuất nông nghiệp sút giảm trong năm 1987, lạm phát trong hai năm 87 và 88 tăng lên 300%, khiến công nhsân viên và người lao động càng khốn cùng, hệ thống phân phối tồi tệ đi, nạn thất nghiệp gia tăng. Hầu như trong năm 1988, nạn khan hiếm thực phẩm gia tăng, thậm chí ở nhiều tỉnh miền Bắc còn bị chết đói. Vào tháng Ba năm này, ngân hàng nhà nước phát hành tiền mới, khiến giá thực phẩm tăng lên gấp đôi, giá đồng bạc sụt xuống còn nửa. Những khuyến cáo của Quỹ tiền tệ Quóc tế (IMF) đối với bất cứ quốc gia nào kém mở mang như định mức giá cả linh động, kiểm soát mậu dịch ít hơn, giảm chi viện, thúc đẩy xuất cảng, kêu gọi đầu tư ngoại quốc tư nhân và xác định thị trường, có nghĩa là tiêu hủy kinh tế quy hoạch “xã hội chủ nghĩa”.Những khuyến cáo này không dược nghe cho mãi dến năm 1987, bộ Chính trị mới thi hành một vài điểm như xóa bỏ chế độ chi viện, kiểm soát ngân sách, điều chỉnh hối đoái và hệ thống giá cả...Đại hội trung ương đảng kỳ sáu vào tháng Ba năm 1989 nhìn nhận những sở hữu cá thể, những hình thái kinh tế tư bản tư nhân vẫn tồn tại lâu dài thiết yếu cho kinh tế trong cơ cấu của một nền kinh tế cơ sở hàng hóa trong con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, đề cương kinh tế không quan trọng bằng phương cách áp dụng. Những nghị quyết của Bộ Chính trị phản ảnh những tranh giành quyền lực gay gắt và những thỏa hiệp trong hàng ngũ lãnh đạo. Chúng chỉ đáp ứng nhu cầu chính trị chứ không đáp ứng những vấn đề kinh tế. Chính vì lý do đó không đi sát với thực tế hàng ngày dần dà vượt khỏi vòng kiểm soát của bộ Chính trị. Từ những thập niên 80s, quỹ Tiền tệ uốc tế đã ảnh hưởng mạnh đến những chính sách của Việt nam, đến độ dường như còn hơn cả những nước đã từ bỏ chế độ cộng sản, theo chính sách vĩ mô do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề ra. Kết quả là trong năm 1995, hố chia cách giữa lý thuyết và quyền lực, giữa con người lý luận và con người hành động càng rộng lớn. Đảng đưa ra nghị quyết xác định Việt nam sẽ phát triển “một nền kinh tế đa khu vực với những thành phần kinh tế và cơ sở kinh doanh đa biệt để tiến tới chỗ phát triển mau chóng...nhà nước sẽ điều hợp và hướng dẫn kinh tế thị trường hơn cho phù hợp với những định hướng xã hội chủ nghĩa.” Những người lãnh đạo đến lúc phải thừa nhận những quy luật phát triển chung của kinh tế thế giới và những quy luật phổ biến của sản xuất hàng hóa - như một bài viết trên tạp chí lý luận của đảng CS là “để cho nhân tố tư bản chủ nghĩa đạt tới một mức độ nhất định của phát triển trong thời kỳ quá độ là một vấn đề khách quan.” Tổng bí thư Đảng vào đầu năm 1994 phải thú nhận là “xây dựng chủ nghĩa xã hội tuy thế hãy còn mới mẻ” cần phải “học tập Chủ nghĩa Mác-Lenin” về chính sách kinh tế mới và chủ nghĩa tư bản do nhà nước quản lý để tìm ra những hình thái mới trong thời kỳ quá độ. Thật ra thú nhận này chỉ để che dấu những chính sách vô trách nhiệm trong việc quản lý kinh tế của đất nước từ nhiều thập niên qua khi đảng CS nắm chính quyền. Sự bế tắc trầm trọng giữa nhóm lãnh đạo là chỉ nhất trí trên nhu cầu duy trì bá quyền chính trị chứ không phải tìm cách để giải quyết những thử thách nghiêm trọng và khó khăn của chính sách, cho nên đất nước rơi vào chỗ vô định trên nhiều mặt định chế và xã hội. Đại hội Đảng tháng Sáu năm 1996 đã phơi bày công khai tình trạng mâu thuẫn khủng hoảng trong nội bộ đảng Cs như tình trạng xung đột ở Liên Xô tronbg những năm cuối trước khi sụp đổ. Sự bế tắc ấy đã diễn ra những nghịch lý trong xã hội. Tại sao chế độ cộng sản tại Việt nam chưa sụp đổ? Hỏi như vậy có nghĩa là hiện trạng của Việt nam chưa thay đổi, không có nghĩa là tất yếu sẽ không phải biến đổi. Lý ưng, Việt nam sẽ biến đổi khi hội được những điều kiện ắt có và đủ khi tình hình đã chín mùi. Chế độ cộng sản đang tồn tại vì cái hạt nhân của nó là đảng CS hiện nắm quyền bính, cho nên khi đi tìm hiểu những điều kiện khả dĩ có thể dự đoán sự cáo chung của nó trong vận động lịch sử là tiền đề sơ khởi. Lấy thời điểm 1975 làm cái mốc để xét thì những vấn đề kinh tế chính trị đã tác động thành cuộc khủng hoảng trầm trọng trong nội bộ Đảng, tuy những biến động quốc tế 1989, 1991 chưa làm nó tan rã nhưng bước đầu cho thấy đảng CS Việt nam không còn ở cái thế chủ động. Từ năm 1988 lần lượt những đảng CS nắm quyền bính tại Đông Âu và Liên xô đã mất thế đứng không phải vì những cuộc bạo luận mà do chính những biến đổi về tổ chức và trí thức cũng như những mâu thuẫn trong xã hội tạo ra ảnh hưởng quan trọng vào sự phát triển những áp lực căng thẳng cho việc tái cấu trúc điều kiện tồn tại của đảng cộng sản Việt nam. Trong nhiều thập niên đảng CS luôn luôn giữ vị thế về mặt lý luận là một đảng của quần chúng lao động, xác định lập trường Mác-Lenin nhưng về măït thực tiễn do một thiểu số trong bộ Chính trị nắm quyền điều động quyết định đường lối chính sách. Dựa vào điều kiện chiến tranh, chủ trương trường kỳ kháng chiến, thiểu số này mặc nhiên khoác cho mình cái độc quyền nhân cách hóa vai trò vô sản để thống trị, đặt mình trở thành đảng tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo giai cấp công nhân với vị thế và ý thức của giai cấp công nhân. Do lẽ đó trong suốt cuộc chiến, lấy cớ tình thế đất nước thời chiến, thiểu số bộ Chính trị nắm quyền sinh sát, chuyển sang thời bình trở thành nhóm lãnh đạo lỗi thời, lạc hậu trước tình hình mới đòi hỏi những đáp ứng và khả năng khác biệt. Đảng cộng sản Việt nam nắm quyền cai trị ngày nay cũng đồng bệnh như nước anh em Trung quốc là làm chủ đất nước không phải vì “vai trò lịch sử” mà là vì đang có sức mạnh bạo lực trong tay để bảo vệ củng cố quyền lực xây dựng trên những ảo tưởng chủ nghĩa, thực tế đang mất dần sự trung thành của đảng viên và sự tuân hành của quần chúng bị trị. Nó đang sa lầy vì một chính sách đẻ ra giai tầng ưu tú mới về kinh tế gồm tuyệt đại đa số là hàng ngũ đảng viên tham nhũng, một giới quý tộc mới có thẻ dùng mọi thủ đoạn chính trị một cách vô liêm sỉ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi kinh tế. Tình trạng mất niềm tin, bên bờ vực này sẽ quyết định sự tồn tại của đảng cộng sản, tuy không tiên liệu vào thời điểm nào nhưng dựa trên quá trình lịch sử hiện đại, một xã hội băng hoại như thế khó thể tồn tại. Một là cao trào dân chủ tất thắng, hai là nó sẽ chuyển hóa thành một “chủ nghĩa xã hội quân phiệt” gần như phổ biến trên chính trường vùng Trung Đông và Nam Á, bởi vì cơ bản của nền chính trị này là chế độ cực quyền, độc tài và tham nhũng. Sự cáo chung của chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu đã tạo những hụt hẫng cho những nước còn tồn tại dưới lá cờ Mác-Lenin. Vì thế danh xưng chủ nghĩa xã hội chỉ là một hư từ chính trị trong việc biện minh cho sự tồn tại chính trị của đảng cộng sản ở những nước trầm tích này.