Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương VIII
NÚI QUẠNH ĐỒNG HOANG

Chúng tôi đã đi qua một phần miền Nam nước Pháp: O-Véc, Vơ-Lay, Vi-ve-re, Kéc-xi, Ru-éc, Xê-ven, Lăng-Đốc. Hành trình của chúng tôi rất giản dị: chúng tôi cứ tiến thẳng phía trước mặt, đi cầu may. Khi nhìn xa thấy làng nào không đến nỗi xơ xác lắm, chúng tôi chỉnh bị một cuộc lâm trường rất rầm rộ. Tôi trang sức cho chó, đội mũ cho Thùy-Nhi, vận áo cho Hiệp-Nhi, dán lông mày giả cho Lãnh-Nhi để đóng vai ông già càu nhàu. Cuối cùng tôi ép Hảo-Tâm phải mặc áo Đại-tướng. Việc này rất khó nhọc vì con khỉ biết rằng vận áo nghĩa là sắp phải làm việc nên nó chống lại, nhảy nhót và giở nhiều trò kỳ quặc để trốn mặc áo. Tôi phải gọi đến Lãnh-Nhi giúp sức nó mới chịu “lai hàng”.
Sửa soạn xong, Vỹ-Tiên thổi còi đi trước, chúng tôi thứ tự theo sau.
Vào làng, nếu số người xem đông thì chúng tôi diễn, trái lại nếu người ít quá xem chừng không thu được mấy, chúng tôi lại tiếp tục đi. Chỉ đến những thị xã lớn là chúng tôi ở nhiều ngày. Những hôm đó, buổi sáng rỗi, tôi được phép đi chơi rong phố với Lãnh-Nhi – dĩ nhiên nó không khoác áo tuồng.
Vỹ-Tiên xưa nay vẫn giữ tôi luôn bên cạnh, bây giờ mới thả cho tôi tự do.
Ông bảo tôi:
- Cái ngẫu nhiên đã đưa con đi khắp nước Pháp trong khi những trẻ bằng tuổi con đang cắp sách đi học; vậy con phải mở rộng mắt ra, nhìn lấy và học lấy. Có điều gì con không hiểu, có điều gì làm con bối rối, con cứ hỏi ta, đừng sợ. Có lẽ ta không thể trả lời được tất cả những câu hỏi của con vì ta không dám tự phụ là biết hết, nhưng có lẽ nhiều câu ta cũng có thể giải thích làm thỏa được ý con. Vốn dĩ, ta có chuyên là ông bầu của đám vật làm trò rong đâu, vì ta đã học những điều khác, không phải những điều để “giới thiệu Lãnh-Nhi hay Hảo-Tâm trước quý khán giả” như bây giờ đâu!
- Thày đã học nghề gì?
- Một ngày kia ta sẽ cho con biết. Bây giờ con hãy biết rằng một người làm nghề “trình diễn chó” cũng có thể có địa vị trong xã hội. Và con cũng hiểu rằng nếu bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng trong xã hội, con rất có thể – nếu con quyết chí – có thể dần dần tới một bậc cao hơn. Điều đó tùy theo cảnh ngộ một ít, còn tùy ở con rất nhiều. Con ơi! Con hãy nghe những bài học của ta, những lời khuyên của ta. Sau này khôn lớn, con sẽ nhớ đến – ta mong thế – nhớ đến người nghệ sĩ giang hồ già nua đã dứt con ở trong tay người mẹ nuôi con, chắc con phải ngậm ngùi và biết ơn, vì ta yên trí rằng cái duyên gặp gỡ giữa ta và con sẽ đem lại hạnh phúc cho con.
Tôi không hiểu thầy tôi trước kia đã ở vào bậc nào trong bức thang xã hội mà mỗi khi hơi nói chạm thì thày tôi lại thôi. Điều đó nhiều lần gợi trí tò mò và làm cho óc tôi phải suy nghĩ. Nếu Vỹ-Tiên đã ở trên một bậc cao trong bức thang xã hội như có lần ông đã nói thì tại sao bây giờ ông phải tụt xuống bậc thấp? Ông lại cho rằng tôi có thể lên cao nếu tôi muốn, tôi chẳng là cái gì, không biết gì, không gia đình và không một ai giúp đỡ. Thế sao chính ông lại bị xuống thấp?
Sau khi đã vượt qua núi O-Véc, chúng tôi đến miền hoang dã Kéc-xi. Ở đây mặt đồng mấp mô như sóng gợn, không trồng trọt gì, chỉ có những đám rừng thưa thớt, còm cõi. Đó là một miền bần bạc nhất và quạnh hiu nhất. Trong vùng, tuyệt nhiên không có một vũng nước nào. Không có suối, không có sông, không có ao. Đây đó, người ta nhìn thấy những dòng cạn khô, đáy lởm chởm đá. Nước đã chảy hết vào vực thẳm và ngấm xuống đất để rỉ ra những chỗ xa và chảy vào suối hoặc những sông con.
Ở giữa cánh đồng cháy nắng, đó là làng Bastide Murat (Bát-ti-đơ Muy-ra). Chúng tôi vào tìm chỗ trọ và ngủ đêm trong vựa cỏ của một hàng cơm.
Chiều hôm đó, trước khi đi ngủ, Vỹ-Tiên nói chuyện với tôi:
- Chính ở đây, trong vùng này, và có lẽ ngay trong quán trọ này đã sinh ra một người, người đó làm chết bao nhiêu quân lính, xuất thân chỉ là một trẻ chăn ngựa, rồi trở nên Hoàng tử, rồi lên đến ngôi Vua, người đó tên là Murat. Người ta coi là một vị anh hùng và lấy tên đặt cho làng này. Ta có quen ông ấy và đã nhiều lần nói chuyện với ông ấy.
Tôi buột miệng hỏi:
- Khi ông ấy còn chăn ngựa?
- Không, khi ông ấy đã làm Vua rồi. Tuy ta mới đến làng Bastide này là lần thứ nhất, nhưng ta đã gặp ông ta tại thành Naples ở giữa triều đình.
- A! Thầy quen vua!
Tôi thích chí kêu to quá làm thầy tôi phải bật cười và cười mãi.
Chúng tôi ngồi trên cái ghế dài trước chuồng ngựa, lưng tựa vào tường còn nóng, vì phơi nắng cả ngày. Trên đầu chúng tôi lá sung rườm rà, những con ve sầu ri rỉ điếc tai. Trước mặt chúng tôi trăng tròn hiện lên quá nóc nhà và đang dần dần lên cao. Ban ngày nóng nực bao nhiêu thì đêm đó êm ả mát dịu bấy nhiêu.
Vỹ-Tiên hỏi tôi:
- Con có buồn ngủ không? Nếu không, ta kể chuyện vua Murat cho con nghe.
- Ô! Xin thầy kể cho con nghe.
Rồi thầy tôi kể từ đầu chí cuối chuyện đó cho tôi nghe. Chúng tôi ngồi trên ghế hàng mấy giờ đồng hồ, thầy tôi thì nói, tôi thì mắt để vào mặt thầy tôi, lấp loáng trong ánh trăng xanh. Phải, chuyện đó có thể có được, không những có thể có mà còn thực nữa. Từ trước tới giờ, tôi không có một ý niệm gì về sử cả. Ai kể cho mà nghe? Mẹ tôi chắc chắn là không kể, vì bà cũng chẳng biết sử là gì. Bà sinh trưởng ở làng Tả-văn-Ông, rồi bà cũng sẽ từ trần ở đó. Óc bà không hề đi xa hơn con mắt của bà. Và đối với con mắt của bà thì vũ trụ chỉ là vòm trời từ trên đỉnh núi Ô-đui đến tận chân trời bao quanh mà thôi.
Thầy tôi thực đã trông thấy bao nhiêu là điều lạ, điều hay.
Vậy thì trong thời niên thiếu, thầy tôi đã làm gì? Và tại sao đến lúc tuổi già, thày tôi lại ở trong hiện trạng này?
Đó là một câu hỏi nó làm cho óc non của tôi phải suy nghĩ.