Ngân giật mình tỉnh giấc, người rịn mồ hôi dù căn phòng vẫn mở máy điều hòa. Cô vừa qua một cơn mơ, trong mơ có những đứa trẻ ăn mặc rách rưới, mặt mày đen nhẻm dơ bẩn bám lấy cô, chúng vây quanh Ngân, dồn cô vào giữa và nhất định không cho cô đi. Co người lại, Ngân thấy gớm khi nhớ tới những bàn tay bé xíu trơn tuột, nhớp nháp chạm vào ngực mình. Rồi những cái miệng há hốc nhểu nhão chờn vờn trước mặt cô. Gớm và ghê quá! Một giấc mơ kinh dị nhất mà Ngân chưa gặp bao giờ. Vuốt mặt, Ngân tự hỏi: Sao lại có giấc mơ đầy bọn trẻ ăn mày thế nhỉ? Ngân rất sợ con nít mà... Nhắm mắt lại, những đứa trẻ trong mơ lại hiện ra trong tâm tưởng Ngân. Eo ơi, sợ thật! Không ngủ được nữa, cô dậy mở máy tính. Coi lại hết mọi văn bản, hợp đồng xong, Ngân lên mạng để giải khuây. Đọc báo, đọc truyện lan man cho khỏi phải nghĩ vẩn vơ, nhưng giấc mơ quái ác vẫn loanh quanh Ngân khiến cô không tập trung. Bỏ máy, cô trở về giường. Mở trừng mắt nhìn lên trần, cô lại quẩn quanh những câu hỏi tại sao cô phải mất ngủ. Thời gian chậm chạp trôi, chưa bao giờ Ngân mong trời mau sáng đến thế. Cô chợt sợ khi tưởng tượng mình phải đối diện với những đêm mất ngủ như vầy trong tương lai. Trước đây, nếu có nghe ai than "mất ngủ", Ngân thường cười mũi cho là chuyện nhỏ. Thế nhưng mới một đêm trằn trọc vì một giấc mơ, Ngân đã thấy lo... Cô không thể đến công ty với đôi mắt thâm quầng, gương mặt phờ phạc. Cô phải có sức khỏe để làm tốt công việc. Cô không thể ốm vì bất cứ lý do gì. Trong công ty khối người thòm thèm địa vị của cô, Ngân chỉ nhường chiếc ghế mình cho kẻ khác khi cô có được chiếc ghế khác ở chỗ cao hơn chớ không để mất ghế. Chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi, Ngân thấy phấn chấn hẳn. Cô nhắm mắt đếm... một ông sao sáng, hai ông sáng sao. Cô đếm, đếm mãi và lơ mơ thiếp đi. Đến khi đồng hồ báo thức reo lên khiến Ngân hốt hoảng. Cô ngồi dậy ôm đầu rồi bước xuống giường. Mỗi sáng, Ngân đều đến sân tennis, vừa để rèn luyện thân thể vừa để giao tiếp làm ăn. Ở đó toàn dân có "máu mặt", được tiếp cận họ đâu phải dễ. Bởi vậy dù bữa nay mất ngủ Ngân vẫn đến sân. Trang điểm, thay bộ đồ để chơi tennis có hiệu hẳn hoi, Ngân dắt xe ra... Sáng sớm, tất cả những con đường như còn mơ ngủ, không khí trong lành và mỗi khi đi dưới những hàng cây đọng sương, Ngân luôn thấy mình tràn trề sức sống. Bữa nay sức sống ấy vẫn thế, song Ngân lại nặng nề khó chịu. Có lẽ giấc mơ vẫn ám ảnh cô? Vào bãi gởi xe, Ngân vừa bước tới cửa câu lạc bộ thì có hai đứa bé, đứa lớn bế đứa nhỏ còn nằm ngửa theo sát cô. Con chị không nói một lời, nó nhìn Ngân bằng đôi mắt lõi đời trơ tráo rồi cạ cạ cái ca nhựa đựng vài tờ tiền lẻ vào cái áo pull trắng tinh của Ngân. Tự nhiên Ngân rùng mình nổi ốc cả người, cô lùi lại. Con bé xốc đứa em lên rồi sấn tới ép Ngân vào vách rào. Mùi hôi từ người hai đứa bé xộc lên tận mũi khiến cô buồn nôn. Đưa tay vào ví, Ngân móc vội móc vàng tờ hai chục bỏ vô ca cho nó. Chẳng một lời cám ơn, hai đứa lê nhau đi. Mới giờ này, trẻ ăn xin đã hành nghề rồi và chúng hành nghề thuần thục lắm. Cô ra sân mà thấy chẳng chút hứng thú gì khi làm những động tác khởi động. Đánh vài ba séc hụ hợ lấy có, Ngân tới bàn ngồi. Bà Diệu - chủ tiệm vàng Kim Khánh - đon đả hỏi: - Sao bữa nay em chơi ít vậy? Ngân cười gượng: - Tối qua em ngủ không được nên mệt. Bà Diệu nhìn cô: - Thảo nào mắt thâm đen hết. Sao vậy? Stress trong công việc hả em? Ngân lắc đầu: - Em nằm mơ rồi giật mình dậy luôn chớ không ngủ tiếp được. - Chèn ơi! Mơ gì dữ vậy em? Ngân ngần ngừ. Cô không thuộc tuýp người thích giãi bày tâm sự, song trước sự việc đã xảy ra, Ngân lại muốn trút lòng với một ai đó cho vơi. Ngân kể một hơi: - Em mơ thấy toàn trẻ con. Trông chúng bẩn thỉu, ốm đói y như những bóng ma, ghê lắm. Chúng quấn lấy em với những bàn tay xanh xao nhớp nhúa, trơn tuột. Em sợ lắm! Đã vậy lúc nãy vừa vào tới cổng, em đã bị hai đứa ăn xin bám lấy. Thật bực mình hết sức. Bà Diệu nhíu mày: - Mơ thấy trẻ con à? Mà đó là một lũ trẻ bẩn thỉu rách rưới... Chậc! Một lũ cô hồn... Ngân tròn mắt nghe bà Diệu hạ giọng: - Để chị kể chuyện này cho mà nghe. Bà bạn chị cũng từng mơ như em, mơ liên tục mấy ngày, bả cũng mất ngủ gầy rộc người... Ngân hỏi tới: - Rồi sao hả chị? Bà Diệu chép miệng: - Bả đi bác sĩ cũng chả ăn thua. Vẫn nằm mơ, vẫn mất ngủ. Cuối cùng em biết sao hôn? Ngân hoang mang lắc đầu. Bà Diệu liền nói tiếp: - Bả đi cúng chùa. Ngân ngơ ngác lặp lại: - Cúng chùa mà hết bị mất ngủ à? - Ờ. Thì ra hồi đó bả có bầu mà bỏ mấy lần. Bây giờ tụi nhỏ về réo bả từng đêm. Nghe mà ghê! Ngân nuốt nước bọt. Chuyện bà Diệu kể nhuốm màu dị đoan, mê tín. Thường ngày chắc Ngân đã phá lên cười, nhưng ngay thời khắc này, cô không sao cười nổi. Giọng bà Diệu vẫn thì thào như sợ ai nghe: - Bả đi coi thầy. Thầy phán bả bị mấy đứa con về phá, sợ quá, bả đi cúng ngay. Bây giờ đâu nằm mơ nữa, bả ngủ thẳng cẳng tới sáng. Ngân nói ngay: - Em đâu giống bà bạn của chị. Bà Diệu phẩy tay: - Chị biết, nhưng kể chuyện để mà nghe vậy mà. Em nằm mơ chẳng qua vì ban ngày làm việc quá sức thôi. Phải nghỉ ngơi em ơi. Bữa nào rảnh theo chị đi chùa. Tâm có tịnh ngủ mới ngon em ạ. Ngân làm thinh. Cô coi chuyện lễ lộc chùa chiền là đồng bóng. Mẹ chồng cô tháng nào chả đi đủ mười cảnh chùa. Đi rồi về... thuyết pháp cho cô nghe. Ngân ghét cay ghét đắng kiểu từ bi ngoài cửa miệng của bà. Hừ! Từ bi gì mà không bỏ qua bất cứ cơ hội lớn nhỏ nào để chê bai dè bỉu con dâu. Ngân hận mẹ chồng nên ghét lây sang cả chuyện đi chùa lễ phật. Bà Diệu lại tiếp tục nói: - Vợ của sếp em, bà tổng giám đốc Thời cũng siêng đi chùa lắm. Bà ấy giàu, cúng dường Tam Bảo bạc chục triệu không hà. Mỗi tháng, bả đi mười chùa, tính ra cũng cúng cả trăm triệu. Làm phước lớn mà cũng không được mụn con nào. Giàu quá của để lại cho ai hổng biết. Nghe đâu, bả muốn xin con nuôi, nhưng ổng không chịu. Hi ha cười, bà Diệu bảo: - Chắc ổng muốn kiếm một đứa con ruột rồi mang về cho vợ nuôi. Đàn ông ghê lắm, dễ gì thích nuôi con người ta. Ngân nhột nhạt vì những lời vừa nghe. Ngẫm người mà nghĩ đến ta. Ngân xót xa quá. Ngày xưa, Sơn si mê cô là thế, anh bất chấp sự phản đối của mẹ, cưới cô bằng được. Lúc đó Ngân rất hãnh diện trước tình yêu của anh, cô cho mình là nữ hoàng, chỉ nữ hoàng mới có quyền ra lệnh, sai khiến và Sơn chỉ biết làm theo một cách mù quáng. Thời gian dần dà trôi, sự mê đắm của Sơn ngày một phôi pha, anh không còn nhắm mắt nhắm mũi làm theo... lệnh vợ nữa. Đó là thời điểm Ngân cố học trối học chết để giành xuất học bổng nước ngoài ba năm... Đó là thời điểm Sơn biết cô vô sinh sau nhiều năm chung sống. Ngân rùng mình... May là Sơn chưa biết lý do khiến cô bị vô sinh... Không phải cô sợ gì anh, nhưng nhớ tới những chuyện đã làm, Ngân vẫn thấy mình có lỗi với Sơn. Dĩ nhiên không đời nào Ngân nhận mình có lỗi. Cô luôn luôn đúng, hoàn toàn đúng. Ngay cả chuyện hai vợ chồng sống như ly thân cũng không phải lỗi ở Ngân. Nếu còn yêu cô, Sơn phải chọn cô và để bé Phước cho bà nội nuôi. Bà mẹ chồng cô thừa khỏe mạnh để sống tới lúc dựng vợ gả chồng cho nó mà. Bà Diệu bỗng nói: - Em có con nhỏ mà sướng ghê! Nhìn em thong thả ung dung sống như độc thân vậy. Ngân mỉm cười: - Bà nội thằng bé giữ rịt lấy nó, coi nó như báu vật, em có được động tới đâu. Có con mọn cũng như không. Bà Diệu ái ngại: - Có con nhưng không gần gũi chăm sóc nó. Chà! Hổng biết là sướng hay khổ đây nữa. Ngân thản nhiên: - Là sướng chớ sao lại khổ chị. Nuôi con mới mệt, mới khó, chớ sanh thì dễ ợt. Bà Diệu chép miệng: - Nói vậy chớ nhiều người tốn bạc trăm triệu điều trị này nọ để có con mà hổng được đó, đừng làm như mình hay mà trời quở đấy. Ngân chớp mi. Cô không muốn nghe chuyện con cái chút nào. Nhìn đồng hồ, Ngân đứng lên cáo lui, cô không thích sa đà vào những vấn đề mình ghét. Về nhà, cô hết sức bất ngờ khi nghe Tí em thì thào vào tai: - Có bà chờ cô trong nhà. Bà bảo phải gặp bằng được cô, nếu không sẽ không về. Ngân nuốt khan. Đúng hôm nay là ngày đen đủi, xúi quẩy nhất. Ngân đi thẳng vào phòng khách nơi bà Trà ngồi tréo chân trên xa lông xem chương trình phim truyện buổi sáng. Mắt không rời màn hình, miệng bà ngọt xớt: - Thể dục thể thao về hả con? Ngân cũng ngọt không kém: - Dạ. Mẹ đi ăn sáng với con nghen. Bà Trà lắc đầu: - Mẹ không có thói quen vào tiệm ăn sáng. Mình ngồi nhà nói chuyện được rồi. Ngân nhìn đồng hồ ra chiều miễn cưỡng: - Vâng. Con nghe mẹ đây. Bà Trà dựa lưng vào ghế: - Chắc con thừa biết mẹ định nói gì rồi, bởi vậy đừng có nhìn đồng hồ. Ngân gượng gạo: - Vâng. Mẹ cứ nói, con xin nghe ạ! Bà Trà im lặng, đợi Ngân sốt ruột bà mới từ tốn mở lời: - Con làm vợ thằng Sơn đã mười một năm, suốt thời gian đó, con biết chồng con mong nhất điều gì không? Ngân gật đầu: - Dạ biết, và con rất tiếc đã không đáp ứng được mong ước đó. Bà Trà nói ngay: - Ngày xưa, phụ nữ không có con sẽ bị chồng ruồng bỏ. Nhưng chồng con không làm vậy, mẹ cũng không muốn con xa chồng, dù mẹ cũng ham có cháu ẵm bồng. Ngân nhếch môi: - Mẹ đã có cháu đích tôn rồi đó thôi. Bà Trà nhìn xoáy vào mắt Ngân: - Con bực mình à? Mẹ cũng vì con nên mới tìm cho mình một đứa cháu. Mẹ nghĩ người hiểu sâu học rộng như con phải biết điều này chứ. Ngân ngang ngạnh: - Hiểu sao được khi mẹ và anh Sơn đặt con trước sự đã rồi. Mẹ thừa biết tính con mà. Con không chấp nhận chuyện bị gia đình chồng đặt để. Thời buổi này, không có con đâu phải tội đến mức bị chồng bỏ. Ngược lại người chồng có vợ hai mới là phạm pháp. Bà Trà nhỏ nhẹ: - Mẹ biết con không bao giờ chấp nhận cho chồng đến với một phụ nữ khác vì bất cứ lý do nào. Vì thế mẹ đã bảo Sơn tìm một đứa con khi con đi du học. Nó đâu có vợ hai, vợ ba gì. Ngân ngọt nhạt: - Mẹ nói nghe sao đơn giản quá, tìm một đứa con chớ đâu phải tìm mua một món đồ. Bà Trà cố nén giận trước lời lẽ của Ngân. Con dâu bà có ăn học nhưng nói năng vô văn hóa, nó chỉ ngọt ngào, lễ phép, mềm mỏng khi nó cần. Bà đã nhận thấy điều này ngay lần Sơn đưa nó về nhà ra mắt bà. Bà thấy hết những nhược điểm của Ngân, nhưng Sơn thì không. Khi thương củ ấu cũng tròn, Sơn không chỉ thương mà còn si mê, nên những điểm xấu của Ngân lại trở nên đáng yêu trong mắt Sơn nhìn. Bây giờ chắc Sơn có cái nhìn khác về Ngân rồi, nhưng cháu nội bà phải sống với mẹ với cha như bao nhiêu đứa trẻ khác. Dù Ngân không phải là bà mẹ tốt, song nó vẫn là một phụ nữ... Bé Phước có bà mẹ là Ngân vẫn hay hơn một bà mẹ nào khác. Giọng Ngân vang lên ngắt ngang suy nghĩ của bà Trà: - Phải chi con được hỏi ý kiến, chắc con dễ dàng chấp nhận bé Phước hơn. Bà Trà gằn giọng: - Nghĩa là con nhất định không chấp nhận nó? Ngân từ tốn: - Con đã cố làm mẹ cả một năm nay, nhưng con thấy khó quá, đành để nó cho mẹ chăm vậy. Dầu gì nó cũng là đứa cháu mẹ mong muốn được có. Bà Trà cười nhẹ: - Vậy còn chồng con? Chả lẽ con cũng để nó cho mẹ chăm? Mẹ thấy không ổn đâu. Dạo này nó nhậu liên miên. Đàn ông không vợ kế bên, dễ sanh tật lắm. - Tại ảnh không muốn về nhà, con biết làm sao đây? Bà Trà gật gù: - Mẹ hiểu ý con rồi. Sau này có mất chồng đừng trách mẹ sao không cảnh báo nghen. Đứng dậy, bà Trà bảo: - Đời còn dài lắm con ạ. Mẹ chỉ sợ về già, con phải khóc hận. Giờ mẹ về. Ngân đưa bà ra tận cổng rồi mới trở vào. Nhìn bà ta hậm hực leo lên tắc xi mới hả hê làm sao. Ngân nhếch môi cười, khi nghĩ mẹ chồng đã chịu thua nên mới tới gặp mình như vậy. Nhưng chẳng lẽ bà ấy tới để nói bao nhiêu đó? Đang hiu hiu tự đắc, Ngân chợt xốn xang khó chịu. Hừ! Có khi nào lão bà bà lại muốn kiếm thêm một đứa cháu nội nữa không? Ngân sững người với ý nghĩ vừa thoáng qua. Dám lắm chứ! Chuyện xảy ra rồi chứ đâu phải chưa. Bỗng dưng máu ghen bốc lên làm Ngân muốn choáng. Sơn là chồng cô cơ mà, đâu phải lão bà bà muốn gì, Sơn cũng chiều ý. "Đàn ông không vợ kế bên dễ sanh tật lắm". Nếu lần đó Ngân không đi du học ba năm thì thằng bé Phước đã không có mặt trên đời, và vợ chồng cô đã không rơi vào bế tắc này. Ngân không muốn mất chồng, cô chỉ muốn làm nư để Sơn bỏ thằng Phước, nhưng xem ra không xong rồi. Nếu thế Ngân phải thay đổi chiến thuật mới được. Chiều nay Ngân sẽ sang nhà mẹ chồng đón bé Phước về. Thằng nhóc về thì Sơn phải về. Cô sẽ giữ rịt lấy anh, chẳng phải vì yêu mà vì ích kỷ. Cô là một người ích kỷ và Ngân không phủ nhận điều này. Thiên Lý ngần ngừ mãi trước gian hàng bán quần áo trẻ con. Sao mà xinh xắn thế nhỉ? Những áo đầm trắng, thêu hoa đơn giản nhưng sang trọng chỉ con nhà giàu mới mong được mặc treo hàng loạt trên móc khiến Lý hoa cả mắt. Cô ngắm nghía, sờ tay vào lớp vải trắng mịn và tưởng tượng ra một thiên thần nhỏ xíu đang mỉm cười với mình trong bộ cánh dễ thương này. Không hiểu sao Lý luôn nghĩ đứa bé của Sơn là một bé gái vô cùng xinh đẹp, chính vì nghĩ như vậy nên mỗi khi ra phố, cô hay tìm kiếm, ngắm nhìn các bé gái ở độ tuổi lên ba. Người bán hàng chào mời: - Chị chọn áo cho bé mấy tuổi? Để em chọn cho chị? Lý gượng cười: - Tôi chỉ xem thôi... Nói xong, cô cám ơn rồi thơ thẩn sang gian hàng khác. Vào những trung tâm thương mại cao cấp như vầy, đúng là chỉ để xem thôi chớ Lý làm sao có tiền mua, dù là một chiếc kẹp nhỏ xíu. Đi vòng vòng rồi cũng hết thứ thích để xem, Lý xuống đất. Cô ra khỏi trung tâm thương mại, băng qua đường và vào nhà sách Xuân Thu. Trong nhà sách này có một quầy bán thiệp rất đẹp. Sắp tới sinh nhật chị Thương rồi, Lý muốn lựa một tấm thiệp cho chị. Thiệp ở đây khá mắc so với người có thu nhập như Lý, nhưng với chị Thương, Lý không thể hà tiện. Đang chọn lựa, Lý bỗng nghe giọng đàn ông khá trầm: - Này cháu ơi! Cháu lựa hộ chú một tấm thiệp để cám ơn được không? Ngẩng lên, Lý thấy một người đàn ông trung niên ăn vận sang trọng đang mỉm cười với mình. Nhìn vẻ chờ đợi của ông, Lý vui vẻ gật đầu: - Dạ được, nhưng chú gửi thiệp cho ông hay bà ạ? - Là một phụ nữ có tuổi, đối tác làm ăn với chú. Lý chọn một tấm thiệp hình vuông nền màu xanh lá cây đậm có in những đóa hoa hồng nhạt và dòng chữ "Thank you..." Ông khách gật gù ưng ý: - Đẹp và có vẻ hợp với bà ta lắm. Cháu thật khéo chọn. Chú cám ơn. Lý chớp mi: - Chuyện nhỏ mà chú. Người đàn ông nhìn cô: - Trông cháu giống một người nào đó tôi quen. Thiên Lý khá bất ngờ vì câu nói này. Cô không nghĩ có một bậc cha chú tán tỉnh mình theo kiểu lãng mạn cổ điển như vầy. Người đàn ông hỏi: - Quê cháu ở đâu? Lý ngần ngừ: - Dạ, ở Tiền Giang ạ. Người đàn ông im lặng. Mấy giây sau ông hỏi tiếp: - Thế cháu tên gì? Thiên Lý chưa biết phải trả lời thế nào thì chuông điện thoại reo. Người đàn ông mỉm cười với Lý rồi lấy ra nghe... Dường như có điều gì không hay, cô thấy trán ông ta cau lại, nét mặt đang vui bỗng tối sầm hắc ám. Ông ta là hạng người nào trong xã hội Lý không rõ, nhưng thời buổi vàng thau lẫn lộn này, quỷ sa tăng vẫn có thể đội lốt nhà tu cơ mà. Thiên Lý len lén bước ra khỏi nhà sách, đi một mạch trên vỉa hè có nhiều người nước ngoài và thở phào nhẹ nhõm vì không có ai theo mình. Vừa đi Lý vừa nhớ lại những lời của người đàn ông lạ cũng như gương mặt ông ta. Rõ ràng cô chưa từng gặp ông. Nhún vai, Lý đi về hướng bến xe buýt. Khi băng sang đường, cô giật mình vì thấy người đàn ông đó đang ngồi trong một chiếc xe du lịch mới cáu. Lúc Lý còn bối rối, ông ta đã đưa tay lên chào miệng thì cười thật tươi. Chiếc xe lướt qua rồi nhưng cô vẫn nhìn theo. Lý không nghĩ mình sẽ gặp lại người đàn ông đó, song trong lòng vẫn thoáng bâng khuâng. Có thể Lý quá đa nghi, nhìn người nào cũng thấy xấu, có thể Lý giống một... cố nhân nào đó của ông ta không chừng. Một người lịch lãm như ông ta thì thiếu gì cố nhân.