Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
PHẦN II - CHƯƠNG I
THỜI ĐẠI CÁC THI SĨ

I. BISMARCK CỦA TRUNG HOA

Thời Chiến Quốc – Khuất Bình tự tử - Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc – Vạn lí trường thành – Đốt sách – Tần Thủy Hoàng thất bại

 

Chúng ta có thể tin rằng Khổng tử ôm hận trong lòng khi mất vì triết gia nào cũng muốn thấy quốc gia thống nhất mà ông lại mất vào lúc quốc gia hỗn loạn, chia rẽ vì nội chiến, suy đồi vì tham nhũng. Mãi sau này, người có công thống nhất Trung Quốc mới xuất hiện, nhờ tài cầm quân và cai trị, diệt hết các nước chư hầu, hợp nhất lại thành một quốc gia, nhưng ông ta mới thành công thì đã ra lệnh đốt hết các sách của Khổng tử.
 
Truyện Khuất Bình [tức Khuất Nguyên] cho ta được một ý niệm về không khí Trung Hoa thời các chư hầu ganh đua, tranh giành nhau. Đã bắt đầu nổi tiếng về thi tài, lại có một chức vụ quan trọng ở triều đình [nước Sở], Khuất Bình bỗng bị phóng trục [vì có kẻ gièm pha], rút lui về vườn mà suy tư về lẽ sống và chết[1] trên bờ một con sông nhỏ lặng lờ.
 
Ông hỏi một quan thái bốc [Trịnh Thiềm Doãn]: Tôi nên khẩn khẩn, khoản khoản, chất phát mà hết lời trung chăng? Hay nên đưa đón theo đời để khỏi khốn cùng? Nên bừa giẫy cỏ lao để làm ruộng chăng? Hay nên giao du với kẻ vinh hiển để cầu danh? Nên nói thẳng chẳng kiêng nể gì để nguy thân chăng? Hay nên theo thói tục cầu giàu sang để sống cẩu thả? Nên siêu nhiên xuất thế để giữ thiên chân chăng? Hay nên nịnh hót, khúm núm, xum xoe, gượng cười để thờ đàn bà? Nên liêm khiết, chính trực để được trong sạch chăng? Hay nên tròn trĩnh, trơn tru, như mỡ, như da để được như cái cột tròn?...[2]
 
Để giải tình trạng tiến thoái lưỡng nan ấy, Khuất Bình đâm đầu xuống sông Mịch La (khoảng 350 trước T.L)[3] và cho tới ngày nay, dân Trung Hoa mỗi năm còn làm lễ Thuyền Rồng để kỉ niệm cái chết đó; ngày lễ, người ta làm bộ tìm xác ông trên khắp các dòng sông.
 
Con người thống nhất được Trung Quốc, [Tần Thuỷ Hoàng] gốc gác thật xấu xa khó tưởng tượng được. Các sử gia cho rằng ông là con hoang của một hoàng hậu nước Tần với một tể tướng họ Lữ tác giả bộ Lữ thị Xuân Thu [thực ra bộ này của môn khách của Lữ Bất Vi viết], mà Lữ cho treo ở cửa dinh một ngàn đồng tiền vàng để thưởng người nào sửa được dù chỉ một chữ thôi trong bộ sách. Con trai ông không được di truyền văn tài của ông. Tư Mã Thiên bảo rằng Tần Thuỷ Hoàng bắt cha phải tự tử, hành hạ mẹ và lên ngôi Tần vương năm mười hai tuổi. Năm hai mươi tám tuổi, ông ta bắt đầu lần lượt chiếm hết các nước chư hầu khác: chiếm nước Hàn năm -230, nước Triệu năm -228, nước Nguỵ năm -225, nước Sở năm -223, nước Yên -222, sau cùng năm -221 chiếm nước quan trọng nhất là Tề. Lần đó là lần đầu tiên Trung Hoa được thống nhất, sau bao nhiêu thế kỉ chia rẽ, loạn lạc. Ông ta lên ngôi lấy hiệu là Thuỷ Hoàng Đế, và tức thì tạo cho đế quốc một tổ chức vững bền.
 
Các sử gia Trung Hoa thù ghét ông nhất đời, tả ông như sau: “Mũi dô ra, mắt lớn, đầu và ngực như chim ưng, giọng như giọng loài lang sói, không có chút từ tâm nào cả, lòng dạ như cọp”. Tình tình cương cường, cố chấp, cho mình là thượng đế, dùng sắt và máu để thống nhất Trung Hoa, như một Bismarck[4] kiêm một Nietzsche. Một trong những công việc đầu tiên của ông sau khi lên ngôi Hoàng Đế, là xây cất thêm để nối những khúc thành luỹ đã có sẵn ở biên giới, hầu che chở Trung Hoa khỏi bị các rợ phương Bắc xâm lăng; ông ta sai bắt không biết bao nhiêu kẻ chống đối ông, đưa lên xây cất công trình vĩ đại, tượng trưng hùng tâm và sức kiên nhẫn của dân tộc Trung Hoa ấy. Vạn lí trường thành dài 2.400 cây số, cứ cách quãng đều đều lại có những cửa ải dầy dặn, to lớn, kiến trúc như kiến trúc Assyrie; công trình đó là công trình xây cất lớn nhất của nhân loại từ trước tới nay. Voltaire bảo “nó vừa ích lợi hơn, vừa đồ sộ hơn các kim tự tháp Ai Cập”. Phải mười năm mới xong và dùng không biết bao nhiêu là thợ. Người Trung Hoa bảo: “Trọn một thế hệ đã tàn mạt để cứu nhiều thế hệ sau”. Ở một đoạn sau chúng ta sẽ thấy nó không đủ để ngăn chặn các rợ phương Bắc xâm nhập Trung Hoa nhưng ít nhất cũng đã làm cho sự xâm lăng chậm lại, bớt đi. Rợ Hung Nô bị đẩy ra khỏi Trung Hoa trong một thời gian, đã tràn qua châu Âu và sau cùng tràn vào vào Ý; La Mã thất thủ vì Trung Hoa đã xây Vạn lí trường thành.
 
Nhưng Tần Thuỷ Hoàng, cũng như Napoléon sau này, sẵn sàng từ bỏ chiến tranh để lo việc cai trị, ông ta đã tạo được những nét chính cho Quốc gia Trung Hoa sau này. Nghe lời tể tướng Lí Tư, trong phái Pháp gia, ông bỏ chế độ tự trị địa phương thời trước mà muốn có một tập quyền trung ương mạnh mẽ, không cai trị theo tục lệ cũ mà theo một bộ luật pháp minh bạch. Ông diệt uy quyền các chư hầu, thay bằng một giai cấp quí phái gồm các viên quan do các thượng thư bổ nhiệm; tại mỗi quận huyện, ông đặt một võ quan không lệ thuộc viên quận trưởng, huyện trưởng; ông điển chế luật pháp, giản dị hoá lễ nghi, phát hành một thứ tiền tệ quốc gia, chia cắt các nước chư hầu thành những khu nhỏ, tạo quyền tư hữu cho nông dân [nghĩa là cho nông dân làm chủ ruộng họ khai phá] nhờ vậy mà Trung Hoa sau này giàu mạnh lên; ông hoàn tất sự thống nhất quốc gia bằng cách mở những con đường rộng lớn từ kinh đô Hàm Dương đi tới khắp nơi. Kinh đô này đẹp lên nhờ có thêm nhiều dinh thự mới, ông lại bắt 120.000 gia đình giàu có nhất, có quyền thế nhất trong toàn quốc lại ở Hàm Dương vừa để cho kinh đô thêm lộng lẫy, vừa để ông dễ bề coi chừng họ; ông thích vi hành, không mang theo khí giới để dò xét những sự nhũng lạm, những hành động náo loạn, rồi về triều đình ban sắc lệnh để trừ tuyệt: lệnh ông, không ai dám chống lại. Ông khuyến khích các phương sĩ mà rất ghét bọn văn nhân.
 
Bọn sau này – thi sĩ, phê bình gia, triết gia, nhất là môn đồ Khổng giáo – là kẻ thù của ông. Họ rên rĩ dưới chế độ độc tài của ông, tiếc sự tự do tư tưởng và sinh hoạt đã làm cho văn học phát triển mạnh dưới đời Chu, mặc dầu xã hội loạn lạc, chia rẽ. Khi họ phàn nàn với ông sao lại bỏ các lễ nghi thời trước, ông xẵng giọng đuổi họ về. Một uỷ ban gồm các quan và các “bác sĩ” một hôm đồng lòng dâng kiến nghị lên ông xin lập lại chế độ phong kiến, phong đất cho kẻ thân thích để làm vây cánh vì theo họ “việc làm không theo cổ nhân mà lâu dài được, là điều chưa từng thấy”[5]. Tần Thuỷ Hoàng giao cho quần thần hội nghị. Thừa tướng Lí Tư, người thay đổi lối chữ viết, gần giống lối ngày nay, dâng một bài sớ nổi danh nhưng tai hại cho văn học Trung Quốc:
 
Năm đời Đế không trở lại, năm đời Vương không bắt chước nhau, thế mà vẫn trị được thiên hạ… chỉ vì mỗi thời một khác. Nay bệ hạ mở nghiệp lớn, dựng công muôn đời, kẻ ngu nho làm sao biết được, thế mà Thần Vu Việt nói những việc đời Tam Đại thì làm sao nghe được… Trước kia thiên hạ tán loạn không thống nhất nên chư nho dấy lên, động nói cái gì là khen đời cổ để làm hại đời kim, trang sức những hư ngôn để làm rối mất sự thật. Người nào cũng cho cái học riêng mình là phải, mà chê bai những điều kiến lập của người trên. Nay bệ hạ đã gồm cả thiên hạ, phân biệt cái đen cái trắng mà định nhất tôn, thế mà những nhà có cái học riêng cứ cùng nhau chê bai pháp giáo của nhà vua. Mỗi khi nhà vua ban hiệu lệnh gì xuống thì họ cứ lấy cái học của họ để nghị luận… nếu cứ để như thế mà không cấm thì ở trên thế vua kém đi, mà ở dưới đảng phái thành lập, vậy xin cho cấm ngay.
 
Vậy tôi xin phát lệnh rằng: Sử quan thấy sách gì không phải là sách của nhà Tần thì phải đốt hết. Sách gì không phải là quan bác sĩ được phép giữ, mà trong thiên hạ cất giấu, như Thi, Thư, cùng Bách gia ngữ; phải đem đến quan Thủ uý đốt hết. Ai dám nói thầm với nhau về sách Thi, Thư thì chép bỏ xác ngoài chợ, ai đem đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Kẻ nào thấy hoặc biết mà không tố giác thì cùng chịu một tội. Lệnh xuống ba mươi ngày mà không chịu đốt thì gọt đầu bôi đen, bắt đi làm phu. Những sách để lại là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp lệnh thì lấy kẻ lại làm thầy”[6].
 
Tần Thuỷ Hoàng đẹp lòng, ban hành lệnh đó liền. Để gạt bỏ dĩ vãng đi, chỉ kể từ hiện tại thôi, để cho lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng, bao nhiêu bộ sử các nước khác đều bị đốt hết; hình như chỉ những sách về khoa học và bộ Mạnh tử là thoát được hoạ; tuy nhiên nhiều cuốn bị cấm còn được giữ trong thư viện của nhà vua, các học giả xin phép thì có thể được vào tra cứu. Những sách ấy gồm những thẻ tre ghép với nhau bằng bản lề, cho nên chỉ một “cuốn” thôi cũng nặng lắm rồi, ai muốn giấu giếm thì thật là khó khăn. Nhiều người bị tố giác, và theo truyền thuyết, một số lớn bị bắt làm phu đưa đi xây cất Vạn lí trường thành, và bốn trăm sáu chục người bị xử tử (chôn sống ở Hàm Dương). Mặc dầu vậy, một số nhà Nho học thuộc lòng tất cả những sách của Khổng tử để truyền miệng lại cho những người cũng cưỡng kế như họ. Tần Thuỷ Hoàng vừa mới chết thì các sách bị cấm lại được tự do lưu hành, nhưng chắc có nhiều lỗi. Rốt cuộc việc đốt sách đó chỉ có mỗi hậu quả này là lâu bền: những sách bị cấm thành những bộ kinh thánh mà tên Tần Thuỷ Hoàng bị các sử gia mạt sát đời đời. Trong nhiều thế hệ, dân chúng vì oán ghét mà làm ô uế lăng tẩm của ông.
 
Vì diệt các quí tộc (các chư hầu) và bãi bỏ tự do ngôn luận, Tần Thuỷ Hoàng hoá ra cô độc trong mấy năm cuối đời. Có kẻ âm mưu ám sát ông, nhưng ông hay kịp, đích thân giết họ. Mỗi khi ra triều, ông ngồi lên ngai vàng, đặt một thanh gươm tuốt trần trên đùi, và không ai biết được mỗi đêm ông sẽ ngủ trong cung nào. Cũng như vua Hi Lạp Alexandre, để củng cố triều đại ông rán làm cho dân tin rằng ông là Thượng Đế, là thần linh, nhưng dân đâu có tin và ông thất bại cũng như Alexandre. Ông tự cho mình là “Hoàng đế thứ nhất” (Thuỷ Hoàng Đế), các đời sau phải theo thứ tự, gọi là Nhị Thế (đời thứ nhì), Tam Thế (đời thứ ba), vân vân… cho tới vạn thế nhưng tới Nhị Thế là nhà Tần bị diệt. Theo các sử gia vốn không ưa ông, thì về già ông tin dị đoan, chịu tốn không biết bao nhiêu tiền để tìm thuốc trường sinh bất tử. Khi ông chết, người ta phải lén lút đưa xác ông về kinh đô, và đánh theo nhiều xe chở cá thối để dân chúng không nhận ra mùi hôi phát ra từ tử thi ông. Tương truyền mấy trăm cung nữ trẻ đẹp bị chôn sống để hầu hạ ông dưới suối vàng. Con trai ông là Hồ Hợi mừng rỡ được lên ngôi, không tiếc tiền, xây lăng cực đẹp cho ông. Trần cất theo hình vòm trời với đủ các tinh tú, còn sàn lát đồng đỏ thì khắc bằng thuỷ ngân bản đồ của đế quốc. Kẻ nào lén lút vô nhà mồ thì bị những máy đặt ở một chỗ kín giết tức thì, người ta đốt những cây nến vĩ đại, mong có thể vĩnh viễn chiếu sáng những hành vi cùng chiến công của Tần Thuỷ Hoàng. Còn những phu khiêng quan tài đặt vô huyệt thì bị nhốt sống trong huyệt để khỏi tiết lộ đường hầm bí mật đưa tới phòng đặt quan tài.
 

II. CÁC CUỘC THÍ NGHIỆM CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Hỗn loạn và khốn cùng – Đời Hán – Các cải cách của Vũ Đế  – Thuế lợi tức  – Kinh tế chỉ huy của Vương Mãng – Vương Mãng  thất bại  – Rợ Hồ xâm nhập

 

Tần Thuỷ Hoàng nằm xuống là trong nước nổi loạn liền; trong lịch sử thường xảy ra như vậy mỗi khi một kẻ độc tài tắt thở, chỉ một người bất tử mới có thể nắm hết quyền trong tay được. Con ông là Nhị Thế giết thừa tướng Lí Tư, dân chúng nổi loạn, giết Nhị Thế[7] và nhà Tần chấm dứt chỉ năm năm sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết.
 
Hậu duệ và tướng suý của lục quốc (sáu nước chư hầu bị Tần diệt trước kia) cùng nổi dậy và Trung Hoa lại loạn lạc hơn bao giờ nữa. Lúc đó, một con người khôn lanh, táo bạo, Cao Tổ [tức Lưu Bang] chiếm ngôi, mà sáng lập nhà Hán, lâu bền tới bốn thế kỉ mặc dầu có vài lần bị đứt đoạn và một lần phải dời đô[8]. Hán Văn Đế (179 – 157 tr. TL) lại cho tự do ngôn luận, theo chính sách hiếu hoà. Chính ông đặt ra cái lệ đút lót các tướng địch để họ lui binh.
 
Ông vua lớn nhất đời Hán là Võ Đế, cầm quyền trên nửa thế kỉ (140-87 tr. T.L), đẩy lui được rợ Hung Nô, mở mang bờ cõi tới Triều Tiên, Mãn Châu, Tân Cương, Nam Việt[9]. Lần đầu tiên đế quốc Trung Hoa được rộng lớn như vậy.
 
Võ Đế[10] thí nghiệm chủ nghĩa xã hội, tuyên bố rằng bao nhiêu tài nguyên trong nước đều thuộc về quốc gia hết, như vậy “tư nhân không thể chiếm các nguồn lợi của núi, biển làm của riêng mà thao túng các giai cấp thấp hơn”. Triều đình giữ độc quyền làm muối, khai thác các mỏ sắt, cất và bán rượu. Theo sử gia đương thời là Tư Mã Thiên, để diệt bọn trung gian đầu cơ – “bọn người vay tiền hoặc mua chịu [?], chất chứa hàng hoá tại các thị trấn, gom góp đủ thứ đồ vật”[11] – Võ Đế tổ chức một cơ quan chuyên chở và trao đổi thuộc quyền quốc gia, kiểm soát chặt chẽ thương mại để giá cả khỏi thình lình lên xuống. Trong khắp đế quốc, đâu đâu cũng có nhân viên của triều đình lo việc chuyên chở và giao hàng. Lúc nào dư sản phẩm thì triều đình giữ lại, đợi lúc giá tăng thì đem ra bán (rẽ cho dân) và hễ giá xuống thì lại mua vào để trữ; như vậy “bọn phú thương không đầu cơ mà vơ được những món lợi lớn… và trong khắp nước, giá được bình lại”. Người ta ghi sổ tất cả những lợi tức để thâu thuế hằng năm là 5%. Để hàng hoá dễ lưu thông, Võ Đế cho phát hành một thứ tiền làm bằng hợp kim bạc và thiếc, nhờ vậy mà trữ kim tăng lên. Ông lại cho khởi công nhiều đại công tác để cho hàng triệu thợ bị các xí nghiệp tư nhân sa thải có công ăn việc làm, khỏi thất nghiệp; bắc cầu qua sông, đào vô số kinh để nối các con sông với nhau và để dẫn nước vô ruộng[12].
 
Mọi sự hoàn hảo trong một thời gian. Sự thông thương tăng lên, thương mại phát triển, nhiều hàng hoá được chở tới cả những miền xa xôi ở Tây Á. Dân kinh đô đông hơn, giàu hơn, quốc khố đầy tiền bạc, bảo vật. Văn học thịnh vượng, số thi sĩ mỗi ngày mỗi nhiều, mà nghề gốm bắt đầu sản xuất những đồ sứ đẹp đẽ. Thư viện quốc gia đã có được 3.123 cuốn kinh điển, 2.705 cuốn triết, 1.318 cuốn thơ, 2.568 cuốn toán, 868 cuốn y học, 790 cuốn binh pháp. Chỉ những thanh niên trúng tuyến trong một vài kì thi của triều đình mới được bổ dụng làm quan, mà những kì thi ấy mở cho mọi người, ai cũng có quyền ứng thí. Chưa bao giờ Trung Hoa được thịnh vượng như vậy.
 
Nhưng rồi một loạt thiên tai xảy ra, thêm cái bản tính hiểm ác của con người làm cho cuộc thí nghiệm can đảm đó phải chấm dứt. Mấy trận lụt xen với mấy cơn đại hạn kéo dài làm cho vật giá tăng vọt lên, không ai đoán trước được. Đói rét vì đời sống đắt đỏ, dân chúng la ó, đòi trở lại thời sung sướng dưới chế độ cũ, và luột sống kẻ nào đã bày đặt ra chế độ mới. Bọn kinh doanh phàn nàn rằng triều đình can thiệp vào mọi công việc làm ăn, họ không còn sáng kiến gì cả, không còn ganh đua được nữa, mà thuế má nặng quá, họ không dám tiếp tục làm ăn. Lại thêm bọn cung phi được sủng ái, lấn át các đại thần, mà khi Võ Đế băng rồi, nạn tham nhũng lan tràn khắp nước. Đồng thời bọn làm bạc giả đúc được những đồng tiền y hệt tiền của quốc gia, khiến triều đình phải thu hồi thứ tiền này về. Sự bóc lột kẻ nghèo yếu bắt đầu trở lại, trên những căn bản khác, và trong một thế kỉ, những cải cách của Võ Đế bị chê bai hoặc bị mọi người đồng tình quên đi.
 
Tới đầu kỉ nguyên Tây lịch – tám mươi bốn năm sau khi Võ Đế mất – một nhà cải cách nữa lên cầm quyền, mới đầu tự xưng là thiếu phó sau xưng đế[13]. Vương Mãng đúng là bậc quân tử[14] Trung Hoa. Ông giàu có mà sống giản dị, có thể nói là đạm bạc nữa, có tiền thì phân phát cho bạn bè và người nghèo. Mặc dầu công việc ngập tới cổ, vì phải tổ chức lại chính trị và kinh tế trong nước, ông vẫn có thì giờ không những che chở cho các văn nhân, học giả mà còn tự trao dồi thêm kiến thức thành một nhà bác học hoàn toàn nữa. Khi lên cầm quyền, ông lựa những người phụ tá không phải trong giới chính trị gia nhà nghề mà trong giới văn sĩ và triết gia; kẻ thù ông cho rằng vì vậy mà ông thất bại, còn người yêu ông thì lại bảo chính nhờ vậy mà ông thành công.
 
Xúc động vì chế độ nô lệ phát triển mạnh trong các trang trại lớn, mới lên ngôi, ông đã quốc hữu hoá ngay ruộng đất [gọi là vương điền], như vậy đồng thời vừa diệt chế độ nông nô, vừa diệt các tài sản lớn. Ông chia đất thành những lô đều nhau [theo phép tỉnh điền] phân phát cho nông dân, và cấm sự mua bán điền thổ để kẻ giàu không lập lại được những điền sản lớn. Ông duy trì sự độc quyền của quốc gia về việc bán muối, bán sắt; lại quốc hữu hoá các mỏ, kiểm soát sự bán rượu. Noi gương Võ Đế, ông rán che chở nông dân và người tiêu thụ, bằng cách định giá các hàng hoá. Quốc gia cho các nhà sản xuất vay rất nhẹ lãi để có vốn làm ăn. Vương Mãng đã tổ chức chính trị theo kinh tế chứ không theo bản tính con người. Ông làm việc ngày đêm để lập kế hoạch làm cho nước giàu, dân sướng; cho nên ông thật nát lòng khi phải nhận rằng dưới triều đại ông, xã hội còn loạn lạc hơn. Cũng vẫn những thiên tai – lụt rồi đại hạn – làm hỏng chương trình kinh tế của ông, và tất cả những kẻ bị các cải cách của ông nhổ hết nanh vuốt, họp nhau lại để âm mưu lật đổ ông. Nông dân nổi loạn ở nhiều nơi và người ta ngờ là do kẻ quyền quí xúi giục, giúp tiền; trong khi ông ngạc nhiên, bất bình vì lòng bạc bẽo của dân, tận lực diệt những phiến loạn đó thì các dân tộc lệ thuộc Trung Hoa cũng nổi lên gỡ cái ách tròng lên cổ họ, mà rợ Hung Nô thì xâm chiếm phía Bắc. Sau cùng một tôn thất nhà Hán [Lưu Tú] cầm đầu bọn nổi loạn, chiếm kinh đô Trường An, giết Vương Mãng, dẹp hết các cải cách, và mọi sự lại trở lại như cũ.
 
Nhà Hán kết thúc bằng một loạt các vua bạc nhược; tiếp theo là một thời loạn lạc: bát vương (tám thân vương) tranh giành nhau. Mặc dầu có Vạn Lí trường thành, năm rợ Hồ ở phương Bắc (ngũ Hồ) cũng đem quân vào chiếm được hết lưu vực sông Hoàng Hà. Rợ Hung Nô phá tan tành đế quốc La Mã, làm cho châu Âu chìm trong cảnh hắc ám thời Trung cổ; bà con của họ, năm rợ Hồ cũng vậy, làm xáo trộn đời sống dân tộc Trung Hoa, mà văn minh Trung Hoa không phát triển được trong một thời gian. Cảnh hỗn loạn ấy ở Trung Hoa không lớn lao, cũng không lâu dài bằng ở Tây Âu, điều đó cho ta thấy dân tộc Trung Hoa đã có được một sức đề kháng mạnh và một nền văn hóa cao ra sao. Sau một thời gian chiến tranh, hỗn độn, văn minh Trung Hoa lại hồi sinh rực rỡ. Người Trung Hoa đồng hoá kẻ xâm lăng, gả con gái cho chúng, làm cho chúng văn minh lên; và ít lâu sau họ đạt được tuyệt đỉnh trong lịch sử của họ.
 

III. SỰ VINH QUANG ĐỜI ĐƯỜNG

Triều đại mới – Các cách vua Thái tôn dùng để giảm sự phạm pháp – Một thời thịnh trị - Đường Minh Hoàng – Truyện Dương Quí Phi – Cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn

 

Đời Đường sở dĩ rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc, một phần nhờ lai giòng huyết mới ấy[15], một phần nữa nhờ Phật giáo truyền qua mà kích thích tinh thần, một phần nhờ thiên tài của một minh quân bậc nhất, tức vua Thái Tôn giữ từ 627 tới 650. Ông cầm quyền hồi hai mươi mốt tuổi, sau khi được phụ vương là Đường Cao Tổ - người đã khai sáng nhà Đường chín năm trước – truyền ngôi cho mà làm Thái Thượng Hoàng. Ông bắt đầu bằng mấy hành động đáng tởm [như Açoka ở Ấn Độ], giết những anh em ruột[16] muốn tranh ngôi với ông; rồi ông đem tài dùng binh ra đẩy lui các rợ xâm lăng về tận sào huyệt của họ, lấy lại được hết những đất ở biên giới đã mất từ hồi nhà Hán sụp đổ. Rồi bỗng nhiên ông chán chiến tranh, trở về kinh đô Trường An để kiến thiết trong thời bình. Ông đọc đi đọc lại các sách của Khổng tử, sai khắc in một bản rất đẹp. Ông thường nói: “Soi tấm gương bằng đồng thì có thể sửa lại được mũ, tóc; soi tấm gương của cổ nhân thì có thể đoán trước được lúc nào quốc gia thịnh hay suy”. Ông bỏ hết các xa hoa, đuổi ba ngàn cung nữ về. Khi các đại thần tâu với ông nên đặt ra luật pháp thật nghiêm để trừng trị các tội nặng, ông đáp: “Giảm chi tiêu đi, giảm thuế cho dân đi, dùng những quan lại liêm khiết, lo cho dân đủ ăn đủ mặc, như vậy diệt được trộm cướp công hiệu hơn là dùng những hình phạt nghiêm khắc nhất”.
 
Một hôm ông vô thăm ngục thất Trường An, thấy 290 tên bị tử hình. Ông thả cho họ ra đồng làm việc miễn là họ hứa làm việc xong lại trở vô ngục. Họ trở về đủ, không thiếu một người, ông mừng quá, ân xá cho họ hết. Và ông ra lệnh rằng từ đó, ông vua nào cũng phải trai giới ba ngày trước khi hạ bút phê chuẩn một án tử hình. Ông sửa sang, tô điểm cho kinh đô đẹp tới nỗi các du khách từ Ấn Độ, châu Âu đổ xô lại. Nhiều vị tăng từ Ấn Độ qua, còn các vị tăng Trung Hoa, như Huyền Trang, được tự do qua Ấn Độ học đạo Phật tại gốc. Các giáo sĩ lại Trường An để truyền bá Hoả giáo do Zoroastre [người Trung Hoa phiên âm là Tô Lỗ Chi] sáng lập, và Cảnh giáo, một biệt phái của đạo Ki Tô (Christianisme Nestorien), do Nestorius [người Trung Hoa phiên âm là Nãi Tử Thoát Lợi An] sáng lập ở Tiểu Á (Asie Mineure); cũng như vua Akbar ở Ấn Độ, Thái Tôn vui vẻ tiếp đãi họ, cho họ tự do đi lại trong nước, che chở họ, miễn thuế cho các giáo đường của họ, trong thời đại mà châu Âu sống cơ cực trong cảnh ngu dốt, tối tăm và tranh đấu nhau về thần học. Chính ông cũng rán làm một môn đồ chân chính của Khổng giáo, mà không có chút thành kiến nào cả. Một sử gia chép rằng khi ông băng, dân chúng đau xót vô cùng, ngay ngoại nhân cũng có người chích huyết để vẩy lên quan tài ông.
 
Ông đã dọn đường cho thời đại mà Trung Hoa phát hiện được nhiều khả năng sáng tác nhất. Nhờ nửa thế kỉ tương đối bình an, chính quyền vững vàng, Trung Hoa mới xuất cảng được gạo, bắp, lúa, hương liệu, kiếm được nhiều lời, để có thể sống xa hoa hơn tất cả các thời trước. Trên hồ, các du thuyền sơn son thếp vàng, chạm trổ đẹp đẽ, chen chúc nhau lượn qua lượn lại; trên các con sông và kinh đào, các thuyền chở hàng hoá nườm nượp ngược xuôi, và từ các hải cảng, những chiếc tàu buôn nhổ neo để qua Ấn Độ dương và vịnh Ba Tư. Chưa bao giờ Trung Hoa phú cường như vậy; chưa bao giờ có các cửa hàng đầy nhóc thực phẩm như vậy, những ngôi nhà lộng lẫy như vậy, và những hàng gấm vóc đẹp, mịn như vậy. Họ bán lụa cho châu Âu, cứ đặt lên bàn cân, bao nhiêu lụa là bấy nhiêu vàng – nửa số dân thành thị của họ bận đồ tơ lụa, và tại kinh đô Trường An của họ ở thế kỉ VIII, áo cầu (áo lông) còn nhiều hơn ở Paris hoặc Londres giữa thế kỉ XX này nữa. Trong một làng gần kinh đô, các xưởng dệt lụa dùng trên 100.000 thợ. Lí Bạch phải la lên: “Họ đãi khách long trọng làm sao, phí phạm làm sao! Bàn thì nạm ngọc thạch, bày đầy chén bằng hồng ngọc; thức ăn đều quí và hiếm!”. Người ta đục chạm những tượng nhỏ bằng hồng ngọc, và có kẻ lót quan tài bằng ngọc. Toàn dân bỗng nhiên yêu cái đẹp và tôn trọng hạng nghệ sĩ. Một nhà phê bình Trung Hoa bảo: “Người nào cũng làm thơ”. Các hoàng đế sẵn sàng ban những chức lớn nhất cho các thi sĩ và hoạ sĩ, “tới nỗi theo lời John Mandeville[17] – chỉ bọn hát rong[18] là dám tâu thẳng với nhà vua thôi”. Các vua nhà Thanh ở thế kỉ XVIII, ra lệnh thu thập các thơ thời Đường và người ta đã gom được 30 cuốn gồm 48.900 bài thơ của 2.300 thi sĩ; ấy là trải qua non mười thế kỉ, đã mất mát đi nhiều rồi đấy. Thư viện của nhà vua có 54.000 cuốn. Murdoch bảo: “Thời đó, hiển nhiên là Trung Hoa đứng đầu các dân tộc văn minh trên thế giới. Đế quốc ấy hùng cường nhất, văn minh nhất, thích sự tiến bộ nhất và được cai trị một cách tốt nhất thế giới. Chưa bao giờ nhân loại được thấy một nước khai hoá, phong tục đẹp đẽ như vậy”[19].
 
Ông vua có tiếng nhất thời đó là Đường Minh Hoàng, giữ ngôi khoảng bốn chục năm (713-756), trừ vài lúc gián đoạn. Con người đó đầy mâu thuẫn như chúng ta, làm thơ mà lại chinh phục các nước xa, bắt Thổ Nhĩ Kì, Ba Tư, Turkestan phải nộp cống; ông bãi bỏ tử hình, cải cách toà án và khám đường, đánh thuế thật nặng, che chở thi sị, nghệ sĩ, học giả, mở một nhạc phủ trong Lệ viên (vườn lê). Hồi mới lên ngôi, ông sống khắc khổ, dẹp các xưởng tơ lụa, cấm cung nữ bận gấm vóc, đeo vàng ngọc. Về cuối đời, ông sống như hạng người hưởng lạc, yêu nghệ thuật và các thứ xa hoa lộng lẫy, sau cùng ông hi sinh ngai vàng vì nụ cười của Dương Quí Phi.
 
Khi gặp nàng, thì ông đã lục tuần mà nàng mới hai mươi bảy tuổi; trước đó, nàng đã làm tì thiếp trong mười năm của người con trai thứ mười tám của ông [Thọ vương tên Mạo]. Nàng mập, bụng phệ, quấn tóc mượn, nhưng ông yêu nàng vì nàng bướng bỉnh, tính tình thất thường, chuyên đoán và hỗn láo. Nàng cho ông cái vinh dự được yêu nàng, giới thiệu họ hàng nội ngoại của nàng với ông và cho phép ông phong cho mỗi người một nhàn chức [chức vị ngồi mát ăn bát vàng] tại triều đình[20]. Đường Minh Hoàng gọi nàng là “Thái Chân”, học được của nàng nghệ thuật huy hoắc tiền của. Từ đó, đức “Thiên tử” càng bỏ bê việc nước, giao hết quyền hành cho một người anh họ nàng là Dương Quốc Trung, một kẻ bất tài, tham nhũng; và trong khi dông tố tụ lại chung quanh thì “Thiên tử” cứ truy hoan hết đêm lại ngày.
 
Một tên cận thần gốc Phiên tên An Lộc Sơn cũng yêu Dương Quí Phi, được Minh Hoàng tin cậy, phong làm Tiết Độ Sứ các tỉnh miền Bắc, và cho chỉ huy đạo quân thiện chiến nhất của Trung Hoa. Bỗng An Lộc Sơn tự xưng đế, kéo quân về Trường An; bấy lâu người ta lơ là sự phòng vệ kinh đô. Minh Hoàng phải bỏ kinh đô chạy vào đất Thục; đến Mã Ngôi, các tướng sĩ oán hận giết Dương Quốc Trung và bà con họ hàng của Quí Phi, rồi giằng Quí Phi khỏi tay nhà vua, giết nàng trước mắt ông[21]. Già yếu và bị thua, nhà vua truyền ngôi cho con là Túc Tôn. Bọn lính Phiên của An Lộc Sơn cướp phá Trường An, giết hết dân chúng, không phân biệt già trẻ, trai gái[22]. Tương truyền, ba mươi sáu triệu người mất mạng trong vụ đó. Rốt cuộc, loạn đó bị dẹp: An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết để cướp ngôi; Khánh Tự lại bị tướng là Sử Tư Minh giết, rồi chính Sử Tư Minh cũng lại bị con là Triều Nghĩa giết do đó thế của chúng yếu đi, và vào khoảng năm 762, cuộc nổi loạn tự tàn dần; Minh Hoàng đau xót trở về kinh đô mà nhìn cảnh tan hoang. Ít tháng sau ông chết ở đó. Chưa thời nào thơ phát triển mạnh mẽ bằng thời bi thảm, chìm nổi đó.
 

[1] Đúng hơn là lẽ cư xử trong thời loạn. (ND).
 
[2] Nhan đề bài này là “Bốc cư” (bói cách cư xử), Durant đã cắt bỏ già nửa, và chỉ dịch thoát, tôi theo bản chữ Hán (coi trong Cổ văn Trung Quốc – Tao Đàn -1966). Cuối bài thái bốc đáp rằng việc đó chính Khuất Nguyên phải tự quyết định lấy chứ quỉ thần không thể biết được. (ND).
[Có thể xem thêm lời giới thiệu và bản dịch của Lãng Nhân tại http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=61358&AspxAutoDetectCookieSupport=1. (Goldfish)]
[3] Có thuyết cho rằng ông sanh khoảng -340, chết khoảng -277. (ND).
[4] Trong sử gọi là “thiết huyết tể tướng” của Đức (1815-1898), thắng Napoléon III, làm Đức mạnh lên; rất độc tài. (ND).
[5] Durant đã bỏ nhiều đoạn, tôi lập lại cho đủ nghĩa hơn. (ND).
[6] Durant đã bỏ nhiều đoạn, tôi lập lại cho đủ nghĩa hơn. (ND).
[7] Sự thực thì Lí Tư bị Triệu Cao gièm pha nên bị giết cùng ba họ, Triệu Cao lên làm thừa tướng, lại giết Nhị Thế, lập con Nhị Thế là Anh lên thay, Anh lại giết Triệu Cao, Hoài vương nổi lên đánh Tần, Tần thua Anh đầu hàng. (ND).
[Hoài vương là hậu duệ của vua Sở. Hạng Võ và Lưu Bang lấy danh nghĩa giúp Sở Hoài vương để đánh Tần. (Goldfish)].
[8] Nhà Hán chia làm Tây Hán, cũng gọi là Tiền Hán, từ 206 trước T.L tới 24 sau T.L đóng đô ở Trường An nay thuộc Thiểm Tây; và Đông Hán, cũng gọi là Hậu Hán, từ 24 tới 211 sau T.L đóng đô ở Lạc Dương, ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam. Người Trung Hoa hiện nay còn tự xưng là người Hán. (ND).
[9] Nam Việt là một quốc gia cổ có lãnh thổ bao gồm một số phần của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc hiện đại và phần lớn miền Bắc Việt Nam. Nam Việt được thành lập năm 207 tr.T.L bởi Triệu Đà, một tướng của nhà Tần Trung Quốc. Kinh đô của Nam Việt là thành Phiên Ngung, nay là một quận thuộc Quảng Châu, Trung Quốc. Nhà Triệu tồn tại từ năm 207 đến năm 111 tr. T.L thì bị nhà Hán thôn tính, trải qua 5 đời vua… (Theo Wikipedia). (Goldfish).
[10] Ở trên sách in là Võ Đế, nhưng từ đây đến cuối tiết này, sách in lại in là Vũ Đế, nên tôi sửa lại thành Võ Đế hết. (Goldfish).
[11] Nguyên văn tiếng Anh: To break the power of middlemen and speculators- “those who buy on credit and make loans, those who buy to heap up in the towns, those who accumulate all sorts of commodities”. (Goldfish).
[12] Granet, học giả Pháp, trong cuốn Văn Minh Trung Hoa bảo: “Chính sách đó thật cách mạng. Nếu Võ Đế có tinh thần kiên trì thì ông ta đã biết lợi dụng tình trạng đó mà tạo nên Quốc gia Trung Hoa trong một xã hội mới rồi… Nhưng ông chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt, làm cái gì gấp nhất, dùng những phương tiện để giải quyết từng lúc một, xong rồi bỏ đi, chỉ dùng những người mới một thời gian, hễ họ thành công, uy tìn tăng lên, có thể lấn át được ông, là ông hi sinh họ liền. Tính đa nghi của một ông vua chuyên chế, óc thiển cận của bọn quan lập pháp tại triều, khiến cho Trung Hoa bỏ lỡ cơ hội hiếm nhất để thành một Quốc gia vững vàng và có tổ chức. (ND).
[13] Trong cuốn Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo Vương Mãng “mới đầu tự xưng là Giả Hoàng đế (nghĩa là thay quyền Hoàng đế), sau tiếm hẳn ngôi vua, đổi quốc hiệu là Tân, năm 8 sau Tây lịch”. (Goldfish).
[14] Nguyên văn: gentleman. Cũng có thể dịch là kẻ sĩ. (ND).
[15] Coi cuốn The Revolution of Civilisation của W. Flinders Petrie.
[16] Tức Thái tử Kiến Thành và Tề vương Nguyên Cát. Lúc đó ông còn là Tần vương. (ND).
[17] Một y sĩ Pháp ở thế kỉ XIV, viết nhiều du kí, hầu hết là tưởng tượng, đôi khi bóng bảy và luôn luôn hấp dẫn.
[18] Ménestriel – Điều này khó tin. Chỉ có một số thi sĩ như Lí Bạch được vài ông vua Trung Hoa, như Đường Minh Hoàng, quí thôi. (ND).
[19] Athur Waley trong bộ Bách khoa tự điển Anh cũng bảo: “Trung Quốc đời Đường là nước lớn nhất, văn minh nhất thế giới”. (ND).
[20] Chẳng hạn, anh Dương Quí phi được phong Quận công, ba chị em gái của nàng được phong phu nhân. (ND).
[21] Theo sử thì tướng sĩ ép vua bắt Dương Quí Phi tự ải. (ND).
[22] Theo Arthur Walley thì vụ cướp phá Trường An đó thật tàn bạo, giá quân Thổ Nhĩ Kì vô cướp phá điện Verseilles dưới triều vua Louis XIV thì cũng đến vậy thôi.