CHƯƠNG 9

    
ước ra khỏi vạt sắn, Bê nghe gió sông từ mặt nước thốc lên, ấm hơn gió đồng. Rặng dừa choãi những chân vạm vỡ, vươn đầu đến các chòm sao lạnh. Cái áo trắng của Sâm thôi lắc lư, tách ra một mảng trắng vẫy vẫy, Sâm đang khoát tay ra hiệu dừng. Bê đặt gánh xuống. Sâm lùi lại, thì thào:
- Xuồng máy đi tuần. Biệt kích quận sợ mình phá cầu.
Tiếng rì rì đến gần. Một chiếc xuồng máy chạy lẫn trong bóng nước đen óng ánh, Bê chỉ thấy một luồng bọt trắng vọt ra phía mũi, một luồng nhỏ hơn bập bềnh sau đuôi. Một chiếc nữa. Đột ngột, ba bốn cái đèn pin - loại đèn dài, lắp sáu viên pin - cùng quét loang loáng lên bực sông. Hai chiếc xuồng chạy thẳng về phía cầu sông Nhỡn. Bọn dân vệ gác ở đấy chớp đèn ba lần làm hiệu.
Bê xốc gánh lên vai:
- Ta xuống, cô Út.
- Khoan. Em hoa mắt, thấy đen thu
- Tại cô nhìn đèn. Lần sau phải nheo mắt lại, không tụi nó thấy đốm, lộ ngay.
- Đốm là cái gì?
Bê bày cho Sâm tránh đèn pha, đèn dù bằng cách che mắt và giấu hình. Sâm hỏi vặn:
- Đốm mắt người ta giống đốm con gì?
- Chà, tôi chưa để ý... Chắc màu xanh như đốm nai. Đốm cọp đỏ, cách xa nhau, hay chớp,
- Trật rồi anh ơi. Đốm tụi mình giống cọp, đốm tụi nó giống chó, phải chưa? Đi hè, em thấy đường rồi.
Sâm cười nốt một tí nữa, rồi quẩy gánh đất xuống bờ sông, nơi có một đống đất to mới lở từ trên bực cao xuống. Đất đào hầm bí mật đem trút vào đấy rất tiện. Bao nhiêu lần đào hầm, Bê chỉ lúng túng vì không tìm ra nơi đổ đất, nhất là trong mùa mưa không ai đào mương đắp đập gì để Bê đổ ghé đất của mình vào.
Chính Sâm đã để ý chỗ lở ấy khi cấy trả công về. Hầm cũ của má Bảy sụt đổ, má lấp đã lâu. Má bàn với Bê đào hầm mới giữa hai bụi gai mây trồng làm rào vườn. Chỗ ấy rất tốt nhưng hơi gần chuồng trâu của chị Đa. Má đắn đo một lát, bảo Bê cứ đào, chị Đa có thấy cũng không báo với địch đâu. Má tin chị không bao giờ muốn hại má. Hắt vội hai gánh đất, Sâm và Bê leo lên dốc thật nhanh tránh xuồng địch. Sâm bỗng bật cười, hỏi nhỏ:
- Sao các ảnh kêu anh là Bê dù? Trước anh đi lính nhảy dù à
- Họ giỡn tầm bậy, cô đừng nghe.
Nếu là ban ngày, chắc Sâm đã thấy đôi tai to của Bê bắt đầu đỏ.
Cái dạo mới lên căn cứ, Bê không quen đi núi cứ trượt luôn, nhưng nhờ mấy thế võ ta của cha bày nên thường gượng được, không ngã đến đất. Nhân lúc vui miệng, anh em xúm vào tán. Rằng đôi tai của Bê cản gió, Bê ngã từ từ nên kịp chống đỡ. Rằng những hôm gió to, Bê đi chậm lại rõ ràng. Rằng Bê sẽ là chiến sĩ nhảy dù đầu tiên của Mặt trận. Cái tên Bê dù có từ đấy. Anh em đùa ác thế nào lại đến tai Sâm.
- Hay tại anh hay choàng dù ngụy trang?
- Ờ ờ, có vậy
Bê thoát nạn. Thật tình Bê gờm cô gái tinh quái này. Chị và em gái Bê đều hiền như khoai lang nên Bê chỉ ưa những cô kín đáo. Bởi rụt rè "nhát gái", Bê chưa thân với cô nào cả. Đến nhà má Bảy, Bê chỉ chuyên nói chuyện với má và Sỏi, vì thế càng hay bị Sâm trêu.
Đến hầm, Bê cúi đầu dòm xuống:
- Sỏi ơi, để mình đào thay.
Tư Sỏi ngẩng mặt. Bê chỉ thấy hai con mắt long lanh và một mảng bùn bết trên tóc Sỏi. Sỏi co bắp tay lên gạt tóc:
- Tôi đào luôn. Bùn đất lấm lem hết.
- Mình đào quen mà.
- Áo quần anh khác cỡ tôi, giặt phơi dễ lộ. Anh cứ gánh đất.
Đào suốt bốn tiếng đồng hồ mà Sỏi không chịu nghỉ. Tính Sỏi hễ bắt tay làm gì là làm không kể sống chết.
Chỉ trong vài ngày, Sỏi đã kéo được tám người trong trung đội dân vệ, giao cho họ xâu chuỗi thêm. Sỏi chỉ muốn một điều: đã quyết khởi nghĩa thì khởi cho nhanh, cho mạnh, cưa đứt đục suốt! Dõng gặp Sỏi tối qua. Hai anh em rất khoái nhau. Nhưng nghe bảo đào hầm, Sỏi cãi ngay:
- Bây giờ mà cán bộ còn trốn tránh à? Lại thì thào thậm thụt như trước à? Sao không nhào tới thằng giặc, "oánh" thí xác?
Dõng nói lâu lắm Sỏi mới thông. Thông rồi, Sỏi đứng dậy vớ cuốc thuổng ngay. Dõng phải níu lại bàn thêm việc bắt ác ôn. Sau đó anh dặn Bê:
- Cậu lái cho vững, thằng Sỏi làm được nhiều việc động trời đó. Nó gan mà nóng như Lý Quỳ. Phải như mấy năm trước mình không dám giao công tác cho nó đâu, lộ thấy cha. Bây giờ sắp khởi rồi, cái táo bạo liều lĩnh của nó lại rất cần. Thiếu thanh niên đừng hòng khởi!
Trong đội công tác, Bê được giao một mình chuẩn bị đồng khởi tại Kỳ Bường, nắm chi bộ bí mật mới được thành lập.
Xã "trọng điểm tố cộng" này có bốn ngàn dân, có chợ, ga, bến sông, hai đường ôtô. Địch rất dày, đủ tầng, đủ lớp: thôn có "thanh niên diệt cộng", xã có dân vệ, quận có biệt kích, tỉnh có bảo an, trung ương có quân chính qui đóng gần. Bê không phải dân trong xã, lạ người lạ đấ, Bê nhận nhiệm vụ mà rởn tóc gáy, sợ hỏng việc. Bê vẫn có thói quen lãnh nhiệm vụ nặng hơn sức mình một chút để buộc mình vươn lên, khi cõng gạo cũng như gánh phong trào một xã.
Trong buổi họp đầu của chi bộ, các đồng chí đều thấy anh bí thư mới sao trẻ quá, e chỉ làm được vai trò liên lạc giữa chi bộ với huyện ủy. Cái ý nghĩ ấy biến đi khá nhanh. Bê mới 23 tuổi nhưng công tác đã sáu năm ở Đà Nẵng, thoát ly ba năm. Chị Năm Tân phó bí thư là người đầu tiên phục Bê giỏi. Khác với một số cán bộ trẻ chỉ đủ sức lo từng việc, Bê có cách nhìn rộng, đều các mặt, và khá sâu. Bên cạnh cái vốn kinh nghiệm riêng, ở Bê còn có ảnh hưởng của cha, của nghề thợ nguội, và nhiều nhất của anh Chín Chuyền. Cộng vào đó là cái dũng cảm tỉnh táo của người thanh niên mang thù sâu với giặc, luôn luôn nghĩ cách tiến công. Bê đã chinh phục được lòng tin của các đồng chí lâu năm trong Đảng, một điều thật không dễ. Họ không đòi gặp anh Dõng hay đợi thư anh Dõng rồi mới làm, như thường xảy ra ở vài chi bộ khác.
Qua được bước đầu tiên, Bê lại vấp khó khăn mới.
Một số cơ sở Mặt trận chưa tin đồng khởi sẽ chắc ăn. Uất ức đấy, muốn vùng lên đấy, nhưng sau đó có giữ nổi chính quyền không, hay lại chết chùm với nhau? Làm cách mạng đâu phải là thí mạng! Bị địch vùi dập đến mệt lử rồi, họ đâm ngại những hành động táo bạo, ngại tuyên truyền lớp trẻ, ngại họp nhau lại thành tổ chức to. Họ muốn giữ lòng trung thành với dân với nước như hòn than hồng phủ dưới tro. "Hễ bung là bể", họ nghĩ vậy.
Trái lại, số đông thanh niên mới gặp Cách mạng lần đầu cứ ầm ầm đòi khởi ngay, nổ lập tức, đánh tuốt mí một keo tới đâu thì tới. Ai còn tần ngần, họ đòi đưa ra khỏi Mặt trận: "Các ông bà đó là bô lão, kẹp dù, kinh cung c điểu, cách miệng chớ cách mạng gì! Cho về hưu thôi!".
Bê với chị Năm phải khuyên nhủ thật khéo và thật gấp cho kịp cái hạn đồng khởi tính bằng ngày chứ không phải bằng tháng. Đến đây, Bê chịu tài chị Năm. Chị đi lại dễ dàng, gặp cơ sở hàng ngày. Những người còn đắn đo rất tin chị, bởi xưa nay chị đã cùng họ nếm đủ mùi cay cực, và sau này chị vẫn cùng hai con bám chắc đất Kỳ Bường chứ không thể vác ba lô về núi nếu khởi nghĩa không thành. Chị có tính mạng ba mẹ con để bảo đảm cho lời nói của chị. Rất nhẹ nhàng, chị thổi bùng lên ngọn lửa đốt rừng từ đốm đỏ của những nén hương nhớ tiếc tuyệt vọng, và chị cũng phải che bớt ánh lửa của các lò bốc quá sớm.
Chủ trương đồng khởi thấm vào chi bộ và cơ sở Kỳ Bường, cũng gây náo động thầm lặng trong gia đình má Bảy. Má nghĩ nhiều, rất nhiều. Sỏi hăng và nóng vội. Còn Út Sâm cứ cười đủ bốn đồng tiền chấm phẩy: "Nói nhiều em chẳng nhớ đâu. Các anh chị biểu gì em làm nấy, nhứt định làm được". Ba má con cùng đi vào đồng khởi theo kiểu của mình.

*

Hầm đã đào xong.
Bê chui xuống nằm ngồi thử, gật đầu:
- Bấy nhiêu đủ độn thổ rồi, sau khoét thêm.
Bê mở cái gói dài lục cục trong bao lưng, lấy ra một bộ nắp hầm bằng gỗ mới tinh. Trong khi Bê ráp khung, Sỏi nhớ hôm kia đến nhà Hai Ngọ, thấy ông Nhâm đang đục một thanh gỗ mít vàng tươi cũng to ngần này. Sỏi hỏi:
- Ai làm nắp hầm cho anh?
Bê tủm tỉm:
- Hầm bí mật, nắp cũng bí mật chớ.
Sỏi ngượng, bỏ vào nhà vác ra hai tấm ván mỏng, kê đáy hầm làm chỗ nằm. Sâm bưng ra một thúng nặng:
- Anh Bê mang về hay gửi lại để em giấu.
- Cô đưa số giấy tôi đem về trước in truyền đơn. Lớp giấy sau để anh em viết bích chương, cắt khẩu hiệu. Được bao nhiêu cô gói vô nhựa, giấu luôn xuống hầm.
Sâm mở cái gói to, giũ thóc dính ở tấm nhựa. Hôm nào Sâm cũng gánh thóc xuống thuê xay xát ở chợ Đồng Trầu. Thóc đem đi thì ít, gạo cám gánh về lại nhiều bởi giấy và vải nhét dưới. Mua lụa đỏ và vàng còn dễ, đến màu xanh thì chọn thật khó. Từ khi lớn lên Sâm chưa bao giờ được thấy màu xanh hòa bình, chỉ biết đó là màu của trời mùa thu mênh mông. Sâm cứ thấp thỏm sợ sai màu. Cũng may gặp buổi nắng đẹp, Sâm xem lụa rồi bước ra xem trời, cuối cùng mua trúng màu đẹp nhất.
- Lụa may cờ lấy chưa anh Bê?
Bê đang đặt khung vào miệng hầm, ngừng tay:
- Chết cha! Tôi tính đem về căn cứ nhờ may máy, bây giờ mới nhớ cái máy hư mất. Cô Út may được không?
- Được. À mà em may vụng lắm, má rầy luôn.
Từ ngày ở chợ Đồng Trầu máy xay và tiệm may mọc lên nhiều, các bà mẹ Đồng Dừa mắng con không ngớt. Ai đời con gái Đồng Dừa mà may vá kém, lại quên cả sàng giần! Sâm mươi ngày một lần gánh thóc xuống chợ thuê xay, ném quần áo rách vào nhà cô Mại, vừa đi vừa nói với lại: "Trưa về tao lấy". Mại xếp các thứ may dở, lo vá cho cô bạn ngỗ nghịch mà Mại rất phục, phục nhưng không dám theo, hoặc chỉ theo lẽo đẽo cách một quãng xa.
- Hay để em dỗ con Mại may cờ, được không anh?
Bê đã biết chuyện nhà Mại. Cha mẹ Mại vốn nghèo, vài năm nay trúng mấy chuyến buôn quế mới khá giả lên, đang muốn được yên thân để làm giàu. Phần Mại thì mềm như bún, sợ từ con gián sợ đi.
- Cô nói, Mại chịu may không?
- Chịu chớ. Nó vừa may vừa run vừa rên vầy nè: "Mình sợ lắắắm. Đừng giận mình tội lắm, Sâm ởi Sâm ơi!".
Bê phì cười:
- Sao cô dám chắc vậy?
- Bồ bịch lâu mà. Nó ưa đọc tiểu thuyết chàng với nàng, đọc rồi khóc sưng mắt, mở miệng là nói chuyện mây chuyện gió. Năm kia nó qua sông bị chìm đò. Em nhảy ào xuống cứu, uống với nó một bụng nước no. Bữa sau nó dắt em ra miếu âm hồn nó thề, hễ quên ơn em thì sét đánh chết. Em biểu nó: "Mày khấn giùm tao khỏi vô thanh niên cộng hòa", nó cũng khấn y vậy.
Cả ba cùng bịt mồm cười. Sâm sợ mình cười to, vội nhét góc khăn trùm đầu vào đầy miệng.
Một bóng đen đi lom khom đến gần. Sâm ngửi mùi trầu hỏi luôn:
- Má không ngủ à?
- Tụi bay còn thức, tao ngủ sao được. Nghỉ uống nước đã. Chao, lạnh dữ ác!
- Má vô nhà đi, sắp xong rồi.
Má đặt cái mủng xuống. Một rổ sắn luộc nổi màu trắng nhờ nhờ, tỏa thơm ấm. Má gõ ngón tay vào cái ấm nhôm:
- Nước đây, rửa sơ cái tay rồi ăn.
Má bẻ tấm đường phổi Quảng Ngãi đưa cho từng người, nói với Bê:
- Tao sắm đủ đồ nghề cho mày về nhà mới đây Bê.
- Thứ gì má?
Má lấy trong mủng ra từng món, dúi vào tay Bê:
- Chai đựng nước uống nè. Chai gạo rang phòng khi đưa cơm không kịp nè. Gói đèn sáp mày thắp. Cái bình này làm gì, mày biết rồi.
Vật cuối cùng là một cái bình nhựa mềm to, miệng rộng có nắp vặn. Má đựng đậu xanh nấu xôi cúng, bây giờ đem cho Bê làm đồ dùng đi giải và đi ngoàiê nghĩ: "Mình chặt cái ống tre được rồi". Nhưng Bê vẫn đón cái bình trên tay má, không nói gì, vì biết nói sẽ nghẹn lời.