gày tòa xử, cô Liên nhơn chứng không có mặt, nhưng cô Liên người tình chưa bao giờ được yêu của bị can thì vẫn ngồi trong phòng xử, ở hàng ghế chót trá hình làm một người đàn bà cao niên và hơi bình dân. Định trắng hơn trước vì ở trong chỗ trập lâu ngày và chàng đã lên cân, vì sức lực không được tiêu xài, cứ ăn no rồi nằm chớ không được ra ngoài chút ít như các phạm nhơn đã lãnh án. Một tiếng đồng hồ sau khi hỏi lại một cách chánh thức và công khai bị cáo những điều đã hỏi rồi trong các cuộc điều tra, người ta gọi nhơn chứng thứ nhứt, cô Huỳnh thị Liên. Trên hàng ghế báo chí và hàng ghế nhơn chứng phía trước hết, không có bóng người phụ nữ nào cả. Mặc dầu vậy, theo thủ tục người ta cũng nhìn qua khắp phòng, làm bộ như tìm người ấy, và gọi to tên người ấy mấy lần. Nhưng người đi xem xử không biết thủ tục đó, cũng ngỡ cô Liên đang ngồi đâu trong phòng, nên cũng quay ra sau mà tìm kiếm khiến Liên hết cả hồn vía. Nhưng may quá, sự trá hình của nàng làm theo lối tài tử cũng gạt được tất cả mọi người, không ai nhận ra nàng cả. Phiên tòa không bị đình lại vì sự thiếu mặt một nhơn chứng quan trọng, bởi nàng đã trả lời trong tất cả các cuộc điều tra, từ cuộc điều tra sơ khởi của cảnh sát tư pháp, đến cuộc điều tra của biện lý, đã tỏ thái độ hợp tác. Tuy nhiên, không vì thế mà tòa án xử xong trong một buổi đâu. Phiên xử này kéo dài đến hai ngày và kết quả là Định bị kêu án ba năm cấm cố, gần đúng như lời tiên liệu của luật sư Thịnh. Liên nhìn người con trai mà nàng yêu hơn bao giờ cả, lần cuối cùng, trước khi hắn bị đưa ra xe bịt bùng để trở về khám, rồi thong thả ra về. Định đã khai: - “Thưa ông Chánh án, con chinh phục cô Liên ấy hơn ba tháng mà không được, nhưng con vẫn cứ yêu cô ấy, mà có lẽ còn yêu nhiều hơn buổi đầu nữa, chính vì không được. Con chưa nản chí, chưa bỏ cuộc, thì thấy một ông khách lạ mà sau đó con mới biết rằng đó là nhà doanh thương Nguyễn văn Mạnh, thấy ông ấy được cô Liên tiếp đón bằng một cái mỉm cười, có lẽ chỉ là một nụ cười xã giao mà thôi, nhưng con chưa kinh nghiệm, ngỡ cô Liên có cảm tình với ông ấy, hoặc đã yêu ông ấy rồi cũng nên. Vì thế mà con nổi ghen lên, quyết hạ nhục tình địch, nên mới bước lại gây sự với ông ấy, chớ ông ấy tuyệt nhiên không hề biết đến con. Muốn hạ nhục ông ấy, con lại bị ông ấy hạ nhục bằng cái tát tai, vì vậy mà trong cơn nóng giận không kịp suy nghĩ của tuổi trẻ con đã hành động như một người điên. Con nhận hết tội lỗi trong vụ rày, chỉ có con là có tội, con không hề bị ai khiêu khích, tòa xử sao, con chịu vậy”. Lời khai trong đoạn đầu đối với Liên thật là láo khoét, nhưng rất ổn đối với mọi người khác. Tuy nhiên vì quá si tình và Liên tự gạt gẫm lòng nàng, và cứ nghe rằng Định nói thật và quả chàng đã dày công chinh phục nàng mà chưa được, và nàng xóa mất hẳn đề nghị trả ơn của nàng, nơi trí nàng. Chiều hôm nay, nàng tới văn phòng luật sư Thịnh ở đường Công Lý để cảm ơn ông ấy, và nhờ ông ấy lần cuối cùng về cái việc vào đơn xin “nuôi” bị can bây giờ đã là phạm nhơn rồi. Tuần lễ sau, Liên chuẩn bị và có làm, nàng mới hiểu những lời than của bao nhiêu bà vợ của những người ngồi khám. Các bà ấy nói: “Nó tốn không tưởng tượng được. Nuôi một ông chồng ở ngoài, không có nghề nghiệp, sẽ bằng năm lần nuôi ông chồng trong khám. Cho mấy ổng ăn cực mình không nỡ, ở nhà vợ chồng mắm muối có nhau, chớ các ổng mà vào trong đó thì mình cứ luôn luôn nghĩ đến gà rô ti cho họ, thịt heo quay, sữa, phó mát, bơ, sô cô la, mà có phải nuôi một miệng ăn đâu! Những ngày mình chưa nuôi, chồng mình ăn của người khác, thì giờ được mình nuôi, chồng mình phải đáp nghĩa, không phải với người khác ấy, vì người ta đã được nuôi rồi, mà đáp nghĩa gián tiếp, để giúp những người trơ trọi không họ hàng hoặc bà con tới trễ”. Trong lần này, Liên đã tốn đến sáu trăm bạc mà mỗi tuần hai lần như vậy một tháng chạy ngót năm ngàn bạc rồi, đủ nuôi sống một gia đình tư chức đông con. Nhưng Liên không tiếc tiền, lại còn mua sắm một cách sung sướng, những món khô như là sô cô la, phó mát. Những món phải ăn hết ngay như thịt quay, bồ câu rô ti, nàng chọn lựa với tất cả lòng thương của nàng. Liên có quen với một cô, chồng cô buôn á phiện, cô ấy phải dọn nhà đến trước khám, ở đó và bán quán cà phê để nuôi chồng cho đỡ tốn hao. Cô ấy nuôi gà sau nhà, và cứ cho chồng ăn gà rô ti với bánh mì mãi từ năm này đến năm khác, coi cũng bảnh lắm, nhưng chẳng tốn hao, lại còn khỏi tốn tiền xe đi về mỗi tuần bốn bận, khỏi phải mắc mưa vào mùa mưa, dang nắng vào mùa khô, và khách của quán chính là những bà vợ đi nuôi chồng, họ vào ngồi tạm cho đỡ mỏi, uống nước cho đỡ khát, mua thêm vài ổ bánh mì hoặc một gói bánh ngọt. Công gì của Liên cũng chẳng tiếc, chỉ lo đụng đầu với một cô gái nào ấy thôi và nàng sẽ chết giấc nếu rủi ro ấy mà xay ra. Liên hồi hộp không biết bao nhiêu lúc được chờ ở cuối đường Hòa Hưng, con đường tuyệt đẹp, độc nhất của đô thành Saigon, đi tới đó rồi phải trở ra, hoặc nằm luôn nơi đó, chớ không tiến xa hơn được, hay có kẻ chỉ tiến đến pháp trường mà thôi. Có một người thứ nhì nữa cũng hồi hộp ghê lắm. Người ấy đã nhờ luật sư Thịnh cho biết có một thiếu phụ lo cho hắn, và hôm nay được khám đường báo trước rằng sẽ có người đến thăm “nuôi” hắn, hắn đã biết người này là người kia rồi, nhưng hắn vẫn cứ lo lo, không biết lo cái gì. Hắn có tịch, cái tịch yêu em của người ấy mà cứ giấu diếm, hắn lo người ấy đã biết sự thật rồi, vì hẳn Lan đã trở về với chị nàng để thú cả mọi lỗi lầm. Nhưng Liên biết, Liên sẽ làm gì chàng? Không làm gì được cả, vậy mà Định cứ lo sợ. Đó là nỗi sợ của người còn biết phân biệt cái phải, cái trái, sợ bị trách cứ, trách cứ không giết được chàng, vậy mà chàng cứ lo. Chàng đinh ninh rằng Liên đi thăm với tư cách chị vợ, Lan còn trẻ quá nên không được phép vào thăm chăng? Mãi cho đến lúc hai đàng giáp mặt nhau, qua cửa chấn song sắt, Định mới biết rằng Liên vào thăm chàng với tư cách cá nhân: nước mắt Liên ràn rụa sau tiếng gọi “anh” nghẹn ngào: - Em! Định cũng nghẹn ngào gọi lại Liên như vậy rồi không nói gì nữa cả. Chàng xúc động vô cùng trước tình yêu rõ rệt của Liên, và mặc dầu không yêu Liên, chàng cũng nghe thương mến người góa phụ này vô cùng. Lạ quá! Sao giờ Liên lại trẻ đẹp hơn trước nhiều quá? Định không thấy rằng nàng cao niên hơn chàng, nên mới gọi nàng như vậy, vì quá cảm động mà vì chàng có ảo tưởng rằng họ đồng lứa với nhau. Có phải chăng là vì nằm khám trên ba tháng, chàng không hề thấy một “bóng hồng” và thiếu thốn đàn bà, chàng giống một kẻ đói được dọn cho ăn một da thịt bầy nhầy, mà cũng cứ nghe thấy dĩa thịt ấy ngon quá sức ngon? Chắc cũng có như vậy, nhưng cũng vì Liên đã nỗ lực “dọn” cho trẻ ra. Cái ngày mà nàng đến nhà Định để đề nghị dâng trọn thân thể và linh hồn cho chàng, ngày ấy nàng đang bê bối việc gia đạo, nên điểm trang không đúng mức, ăn mặc không có nghiên cứu. Giờ thảnh thơi rồi, nàng chợt nhớ ra khuyết điểm của mình, nên mới vận dụng tất cả hiểu biết về hóa trang của nàng và nàng thành công rực rỡ. Cho đến bộ y phục nàng cũng cân đi nhắc lại bốn năm đêm và rốt cuộc chọn bộ y phục trắng tinh của nữ sinh. Nàng lại bỏ lối tóc thiếu phụ, hôm qua đi làm tóc lại như con gái mới lớn lên, trông hơi chướng nhưng vẫn có hiệu quả, nếu người ta không biết được tuổi tác của nàng. Định tự trấn tĩnh trước rồi hỏi: - Em vẫn mạnh? - Dạ. - Em có bị lôi thôi gì về vụ này hay không? - Dạ không. Định rất muốn biết tin tức về Lan, nhưng chỉ dám hỏi một câu rồi thôi: - Còn em Lan, cũng mạnh chớ? - Dạ, nó cũng như thường. Liên không biết giữa Định và Lan có gì, không hề có ác ý muốn phân hóa hai người ấy, nhưng sợ Định biết chuyện Lan bỏ nhà đi thì không hay chút nào, nên mới đáp láo như vậy. Định an lòng, vì Lan cũng không bị rắc rối, vì Lan đã về nhà với chị, yên nơi yên chỗ rồi. Tuy nhiên, chàng cứ còn chưa được thỏa mãn, vì chàng không biết lòng Lan đối với chàng ra sao, từ ngày Lan ngộ nhận. - Ngoài ra, không có gì lạ chớ? Câu hỏi này của Định có vẻ tổng quát để chấm dứt màn thăm, nhưng chàng có ý chọc cho Liên xì ra cái gì về Lan. - Dạ, em đã thôi việc một tuần lễ sau đó. - Vậy à? Rồi em đi làm ở đâu? - Còn rằm ở nhà. Khó kiếm chỗ làm lắm. - Trời ơi! Tại anh đã hại nhiều người quá. Định gần như mếu khi nói ra câu trên đây. Chàng đau xót ghê hồn mà nghĩ đến bao nhiêu cuộc đời tan nát vì chàng: vợ ông Mạnh, con ổng có thể sẽ hỏng vì người gia trưởng vắng mặt vĩnh viễn. Lan tan nát cõi lòng vì sự phản bội của chàng mà Lan tưởng tượng ra, còn Liên thì mất sở. Liên lau lệ rồi hỏi: - Trông anh khỏe mạnh hơn trước, nhưng về tinh thần, anh có khổ lắm hay không? Định thở dài: - Anh còn bị khủng hoảng nặng, không biết mình khổ hay không khổ nữa. - Như vậy là anh khổ lắm đó. Nếu lời nói của em mà giúp anh lấy can đảm lại được, thì xin anh ghi nhớ cho rằng nếu phải đợi anh năm năm, em cũng sẵn lòng đợi. - Anh rất cảm động và đội ơn em không biết tới bao giờ. - Anh ơi! - Chi em? - Sao hồi đó, anh không nói? Câu hỏi của Liên rất là lờ mờ vậy mà Định vẫn hiểu được rằng: “Anh yêu em đến giết người, sao anh không nói ra, để đi đến sự không may này?” chàng đáp: - Rất khó mà cắt nghĩa lắm em à! Nhưng ta nên sống với hiện tại thôi, mà đừng hối tiếc gì cả. - Vâng, ta chỉ sống với hiện tại thôi, và riêng em, em lại sống với tương lai nữa. Em đợi anh. - Không nên, thiệt hại cho đời em lắm. - Em mặc kệ. Định không có can đảm cho Liên biết rằng chàng không yêu Liên, và án mạng chàng gây ra là vì lẽ khác. Điểm thứ nhứt chàng thương xót Liên quá, sợ Liên đau lòng khi biết sự thật về lòng chàng, điểm thứ nhì không tiện nói ra vì nhiều lẽ. Họ phải chia tay nhau, và Liên lại khóc, Định bình tĩnh căn dặn: - Em cố tìm chỗ làm. Và anh nhắn lời thăm em Lan. Chàng cố giấu nghẹn ngào ở lời nhắn nhủ ấy, rồi xoay lưng bước chậm vào trong. ° ° ° ° ° Không đi làm nữa, Liên dậy rất sớm và giấc ngủ trưa của nàng cũng dĩ nhiên rất ngắn. Nàng thức dậy hồi hai giờ rưỡi, tắm rửa xong, trang điểm rồi mà chỉ mới ba giờ trưa. Liên đi ra phòng khách để đọc báo hàng ngày mà hôm nào chị bếp cũng đi mua lúc nàng tắm rửa và để trên bàn sa lông. Tin tức không có gì lạ, tiểu thuyết, nàng đọc hết mấy cái trong mười mấy phút rồi tìm tòi ở trang tư xem có ai rao cần người làm hay không. Liên dư biết là không bao giờ có cả, hay có mà họ chỉ cần chuyên viên, chớ cái thứ chỗ đứng bán hàng đánh máy, điện thoại viên thì họ không đủ cho con cháu họ, em vợ họ, nhơn tình họ, không còn đâu cho người ngoài. Mặc dầu vậy ngày nào nàng cũng cứ tìm, tìm để có dịp mà nghĩ ngợi cho đỡ buồn. Cho đỡ buồn nhứt là ngày hôm nay, chiều hôm nay một chiều cuối tuần mà không người đẹp rảnh rang nào lại ngồi nhà bó gối như nàng. Một tấm thảm kịch! Vâng, dầu muốn dầu không, ta cũng bị Âu hóa ở vài khía cạnh đến cả những người không hề chung đụng với văn hóa Âu châu cũng thế nữa. Đời sống đô thị khuyến khích sự ham vui, giải phóng con người ra khỏi kềm chế của phong hóa sự giải phóng này bị các nhà đạo đức gọi là sự “xô vào vực thẳm đời sống ấy làm cho tất cả các dân tộc ở đô thị giống nhau ở nếp sống mà Âu Châu có đô thị sớm hơn ta, ta giống họ thì cứ nói là bị Âu hóa vậy thôi, chớ đúng ra phải dùng tiếng đô thị hóa mới đúng”. Một tấn thảm kịch? Một người đàn bà trẻ đẹp, sống tự do, lại không được một người bạn trai mời đi uống nước, đi ăn cơm vào một chiều cuối tuần. Liên ngồi bó gối buồn hiu rồi thình lình hốt hoảng lên, trước cái ý nghĩ kinh khủng này: nàng đã già rồi! Vâng, mất sở làm, bị mang tai, mang tiếng, túng thiếu, nhứt định không phải là duyên cớ của tình trạng lạnh lùng này đâu. Nếu nàng còn trẻ đẹp, càng nghèo, càng đông bạn trai, vì ai cũng hy vọng được cả, chớ không cần đến những ông triệu phú, ông tỷ phú lào hết. Một tư chức bực trung với một chiếc xì cút tơ sẽ dám mời một cô gái khiêm tốn đi ăn cơm mà không mặc cảm trèo đèo. Mà nàng đang khiêm tốn đây, chớ không quá sang như hồi còn làm thu ngân viên hộp đêm là một nghề phải có vốn, ít lắm là một trăm ngàn. Thế mà chẳng có ma nào mời nàng cả, từ lâu rồi. Liên vẫn thương nhớ Định, không giờ phút nào mà hình ảnh chàng rời xa tâm trí nàng cả. Nàng không mơ yêu ai đâu, nhưng vẫn thích đi ra ngoài, với một người bạn trai trong tình bạn suông vì nàng ghiền không khí ở ngoài về đêm. Có những cô ca sĩ lấy chồng rồi biệt dạng luôn. Ấy là công chúng họ tưởng thế thôi chớ các cô vẫn có xuất hiện đều đều, với chồng các cô, ở những trà đình, tửu quán ở những hộp đêm, vì các cô nhớ đèn nhớ nhạc, không làm sao mà nằm nhà mãi cho được như các bà nội trợ thường. Công chúng không hề biết rằng có một sự ghiền kỳ lạ như vậy, ghiền thật sự ấy, chớ không phải là quá đâu. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào” Bọn ghiền thuốc hát như vậy, mà những kẻ ăn chơi, những nhơn viên các chốn ăn chơi cũng hát một câu na ná, nếu có ai đặt giùm họ câu đó. “Nhớ ai như nhớ đèn màu” Cả một tấn thảm kịch. Thình lình có tiếng cửa xe đóng lại ngoài trước. Tiếng cửa đóng êm, chớ không phải chát tai như tiếng cửa tắc xi Rờ Nô 4 đời bà ba Long ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Liên ngồi sau cửa sổ có màn không thấy gì, nhưng cũng giựt mình dáo dác nghe ngóng như hồi hộp lắng đợi những tiếng giày quen thuộc. Nhưng rồi nàng lại buồn hiu. Cảnh xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh, đã lùi xa trong dĩ vãng rồi, và từ đây dĩ vãng xa xôi không có dư âm nào vọng lên cả đâu mà vểnh tai. Cảnh ấy chỉ diễn ra có hai mùa, mùa đầu vào thời con gái của nàng, mùa thứ nhì khi nàng vừa mãn tang chồng. Rồi thôi! Lâu lắm rồi! Xa lắm rồi! Mà kìa, có tiếng giày! Tiếng bước lạ, Liên hồi hộp nhưng không dám tin rằng người ấy sẽ vào nhà nàng, nàng sợ phải thất vọng và phải xấu hổ với mình vì đã mừng hụt. Tiếng gõ cửa vang lên. Nếu Liên có chồng hay có nhơn tình, mà người chồng hay người nhơn tình của nàng mà nhìn thấy vẻ hoảng hốt của nàng trong cử chỉ bỏ chân xuống, tìm guốc, chạy ra cửa, chắc lòng đã bị một trận đòn ghen bầm mình, mặc dầu trời mà biết cho nàng rằng nàng không mơ một nhân tình nào cả, không đợi ai tới chinh phục nàng cả. Chỉ vì buồn chán quá, nàng mừng rỡ khi thấy mình có khách, chỉ vì thế thôi. Liên sững sờ và câm lặng đến mấy mươi giây trước người khách đang nhìn nàng mà mỉm cười, sau cái cúi đầu chào rất lễ độ và lịch sự. - A... ơ ông? À, ông Đáng! Ông tìm tôi hay tìm nhà ai? - Dạ tôi đến thăm cô đây chớ! - Mời ông vào. Liên cuống quít lên như con gái mười bảy đời xưa “bị” người ta đi coi mắt. Nàng toan chạy vô buồng, trong khi chưa mời khách ngồi, nhưng chạy vô buồng để làm gì, thật là vô lý hết sức. Nàng ấp úng nói: - Thưa mời ông ngồi chơi! Ông Đáng chậm rãi ngồi xuống và Liên đã bớt bối rối, ngồi đối diện với ông. - Dạo này cô mạnh giỏi chớ? - Thưa, cám ơn ông, như ông thấy. - Tôi thấy điều này không phải nói nịnh cô đâu, là cô hồng hào, tươi trẻ hơn trước nhiều lắm. Quả thật ông Đáng nói đúng sự thật. Khỏi thức đêm gần bốn tháng nay, sức khỏe của Liên tăng lên. Nàng lại đang mặc một chiếc sơ mi ngắn tay, màu đỏ, màu áo ánh lên mặt nàng giúp gương mặt nàng vốn tươi thắm mà nhờ sức khỏe dồi dào ấy càng tươi thắm hơn. Hai cánh tay không đánh phấn của nàng để thấy rõ sự hồng hào của nước da nàng, chớ không phải gương mặt được hóa trang, tuy sơ sài, nhưng phấn vẫn che da mặt. Liên vừa sung sướng, vừa hổ ngươi, nên mặt nàng càng hồng hơn. Để đánh trống lấp, nàng hỏi: - Thưa ông uống chi? - Cô cho gì uống nấy vậy. - Chị hai ơi! Liên gọi chị bếp và không đợi trả lời, nàng nói hơi to: - Cho nước cam chị hai. Đây là nước cam chai mà chị bếp bưng ra thật lẹ vì khỏi phải làm gì cả. Liên đã bắt đầu túng thiếu, nước cam vắt là món xa xỉ phẩm rồi, nàng chỉ dám mua phòng hờ vài chai nước cam hiệu Con Cọp đằng tiệm chạp phô để đợi những người khách không bao giờ đến. - Dạo này cô làm gì? - Ông Đáng hỏi. Hẳn ông ta đã biết nàng thôi việc, nhưng không nói ra điều ấy làm chi. - Mời ông giải khát. Lóng này tôi nằm ở nhà vì khó tìm việc quá. Chắc hãng ông hoạt động mạnh hơn? - Dạ, cũng khá mạnh, nhờ nhà nước cấm nhập cảng xà bông đánh răng ngoại quốc để giúp kỹ nghệ trong nước. Ông Đáng là bạn của ông Sang chẳng những là bạn làm ăn, bạn rượu còn là bạn góa vợ nữa. Chính ông này đã khám phá ra Liên trước, nhưng ông đứng đắn và đắn đo, nên ông Sang lẹ bước phỗng tay trên. Khi nàng bị ông Sang bỏ rơi, ông Đáng thương xót nàng lắm, nhưng cứ ngại bạn cà nanh - vâng có những người cà nanh kỳ lạ lắm, của vứt đi rồi mà người khác lượm, họ không cho - ngại thế, ông ta bỏ trôi luôn. Nay có lẽ vì chuyện đã cũ lắm rồi, nên ông ta không còn ngại nữa và muốn gì đây chăng? Ông ta hỏi: - Tôi nghe ai đây, quên mất rồi, tình cờ cho tôi biết một việc về cô, tôi xin hỏi không phải vì tò mò chuyện riêng của cô mà vì phép lịch sự, có phải chăng cô vừa tái giá? Nếu đúng như vậy, xin cô giới thiệu tôi với ông nhà? - Thưa ông chắc họ nghe lầm. Liên càng hiểu thêm rằng ông Đáng đi thăm nàng có mục đích gì ấy, vì cái câu hỏi dò khéo léo này. Nếu như nàng không tái giá, mà đang có nhơn tình, nàng vẫn phải nói rằng ràng sắp tái giá, chớ không trả lời như trên đâu, nói láo thế thì nàng phải biết ẩn ý của ông ta và phải chận ông ta lại, kẻo ông ta ngỡ nàng rảnh rang rồi làm phiền bực nàng. Ông Đáng đã biết điều ông muốn biết ông xin phép uống nước rồi nói: - Thôi lâu quá không gặp cô ở đâu cả, ghé thăm cô vậy thôi chớ cũng chẳng có chuyện gì. Tôi xin phép cô tôi về. - Sao ông vội như vậy? Ông ở không hơn mười lăm phút. - Tôi chỉ ngại làm phiền cô thôi. - Không, tôi thành thật. Nếu tôi bận, tôi đã cho ông biết ngay. - Nhưng thôi, xin cô cho khi khác. Tôi sẽ đến thăm cô thường. Liên tiễn khách ra tận vỉa hè. Rồi nàng lại trở vào nhà để ngồi bó gối trên chiếc đi văng. Chiều thứ bảy mà phải nằm nhà, buồn ơi là buồn! Mà nằm nhà như thế này trong hai năm với chín tháng nữa, mới mong có bạn, mà người bạn mong đợi cũng rất là bấp bênh, không biết chàng sẽ đoái hoài đến hay không? ° ° ° ° ° - Anh! - Em! Trong lần thăm viếng thứ nhì này, họ vui cười với nhau chớ không nghẹn ngào, không có nước mắt nữa. Định nói: - Liên nè! Ta nên thật tình với nhau. - Vâng, ta nên thật tình với nhau. - Em mất chỗ làm, tức là túng thiếu, mà em nuôi anh đế vương quá, anh ngại lắm. - Không hề gì đâu. Anh khổ thì bấy nhiêu đó cũng không đủ an ủi anh, huống hồ gì ít hơn. - Em an ủi anh bằng những cuộc thăm viếng đã là to tát lắm rồi em à! - Anh đừng lo gì hết, em còn xoay xở được là còn nuôi anh được. - Nhưng em lại phải nhịn để nuôi anh. - Thôi, để rồi hãy tính lại. Anh có đỡ buồn không? - Cũng đỡ. Trong này có cho phép tổ chức giải trí và anh là cầu tướng của một đội bóng tròn trong hai đội. Thế nào, em Lan có lớn thêm được phân nào hay không? Định hỏi câu này bằng giọng đùa cợt cho Liên đừng nghi gì cả, Liên cười giòn lên rồi đáp: - Nó đã 18, tức 19 tuổi ta, chắc không cao nữa đâu. Liên làm thinh sau câu đó rồi nói sang chuyện khác, khiến Định nghe lòng chàng quặn đau một cái. Nếu Lan có nhắn lời thăm chàng thì Liên không khỏi kể Lại, sau câu hỏi đùa của chàng. Liên không có nói gì, tức Lan không nhắn lấy một lời hỏi thăm sức khỏe của chàng. Thật là không thể tưởng tượng được về sự phù du của một mối tình. - Anh nè, họ cho đọc sách hay không? Em mang tiểu thuyết vô cho anh coi đỡ buồn? - Ơ... ơ... em nói gì? - Hình như là anh lo ra. - Không, anh bận nhìn bà lão đằng kia, trông tội nghiệp quá. - Trong ấy họ cho phép đọc tiểu thuyết ở ngoài đem vô hay không? - Không. Nhưng anh vẫn có để đọc, em đừng lo. Lần này thì Liên ra về, để lại một phạm nhơn không còn sống an ổn nữa. “Mình đã mất cả rồi, trời ơi!” Định kêu than thầm như vậy vì quả mất Lan là chàng mất tất cả. Chàng chỉ còn có một chỗ dựa tinh thần ấy thôi và đặt tất cả tương lai chàng vào gia đình nho nhỏ của chàng. Chàng sẽ sống khiêm tốn, tối tăm với một người vợ mà chàng yêu, rồi can đảm làm việc để xóa một giai đoạn không hay trong đời chàng. Nhưng người vợ tương lai của chàng là thế đó. Không, Lan không thể tha thứ được. Một lời hỏi thăm sức khỏe không thể làm cho chị nàng nghi cái gì, thì không có lời đó tức là Lan đã bỏ rơi chàng rồi. Chàng đã đặt lầm tình yêu và tình yêu đặt ở đâu rồi, như một viên đá nhận vào khối xi măng, rất khó mà lấy ra, phải đục đẽo tan nát cả, nhưng lấy được rồi, khối tình cũng sứt mẻ, không còn nguyên vẹn được... Trong khi đó, thì ở ngoài xảy ra một việc rất bất lợi cho chàng, tuy chưa biết sẽ có hại gì hay không? Liên đi nuôi chàng buổi sáng, thì buổi xế, ông Đáng ghé thăm nàng, cũng cứ vào hồi ba giờ rưỡi. Ông ta đặt một cái bọc bằng giấy ăm-ba-la lên bàn, không ngồi, rồi nói: - Tôi bận lắm, xin tặng cô chút quà mọn và xin đi ngay. - Sao mà lần nào ông cũng vội vàng và càng ngày, càng vội hơn. Ông Đáng làm thinh như để suy nghĩ, rồi giây lát ông lại đề nghị: - Hay là như thế này. Thỉnh thoảng tôi mời cô đi ăn cơm, như vậy tôi được thăm cô rất lâu mà khỏi bỏ công việc của tôi, còn cô thì cô khỏi phải tiếp khách, tiện lợi cho cả hai. Liên cũng làm thinh, nhưng nàng suy nghĩ thật sự. Giây lâu, nàng nói: - Để tôi xét lại vấn đề. Và xin cám ơn ông món quà này. - Thôi xin phép cô và hẹn lần sau. A, này cô Liên! Nếu cô vui lòng nhận lời đi ăn cơm với tôi, tôi sẽ mời cô đi ăn cơm một cách bất thần, nó tự nhiên và không khách sáo. Như vậy, cô chỉ được trang điểm có nửa tiếng đồng hồ thôi. Mà cỡ cô không trang điểm gì hết cũng được, và càng hay hơn. - Nhưng tôi đã xét vấn đề đâu! - Đành vậy Nhưng nếu cô xét xong, cô nên xét luôn đề nghị thứ nhì. Lần này, thì tôi đi thật sự đấy. Liên vẫn tiễn khách ra tận vỉa hè như lần trước. Xe ông Đáng khuất dạng rồi, nàng trở vào nhà, mở gói xem, thì ra đó là sô cô la sữa, hiệu Nestlé, thứ để ăn chơi, giòn, nhưng không cứng như đá, như loại để nấu ra mà uống. Một chục bánh tất cả, mỗi bánh chia ra làm nhiều ô vuông vức và bọc bằng giấy chì ở trong, giấy láng mang hiệu ở ngoài. Liên nghĩ ngay đến Định và Lan, Lan mê sô-cô-la từ thuở bé. Định ở trong ấy buồn miệng càng cần quà này hơn. Được, Định sẽ hưởng sáu bánh, Lan bốn. Và nàng cứu xét hai đề nghị của ông khách đặc biệt về tánh dè dặt khi nãy. Phiền lắm! Ông ta có hậu ý, điều ấy chẳng có gì tội lỗi, bậy bạ gì cả, vì ông ta góa vợ, nàng góa chồng. Nhưng trên phương diện tinh thần, nàng lại không còn rảnh rang nữa, vì nàng đã quyết đợi người kia. Ông ấy sẽ tỏ tình. Nàng sẽ từ chối. Ông ta sẽ đau khổ, hoặc sẽ giận hờn, lôi thôi quá. Đừng nói chi chuyện đi ăn cơm với nhau, nhận những món quà như thế này mãi cũng đã mang nợ rồi mà nợ không bao giờ trả người mắc nợ sẽ ngượng biết bao, nếu chủ nợ chẳng giận hờn gì đi nữa. Vậy sẽ không đi ăn cơm với ông Đáng. Và lần sau sẽ không nhận quà nữa, cho dẫu chỉ là một chục trái xoài. Lật bật có mấy hôm, lại đến ngày cuối tuần, và Liên lại ngồi bó gối trên đi văng, sau khi đọc hết tờ báo hàng ngày. Bất kỳ một góa phụ còn trẻ đẹp, hoặc một cô gái luống tuổi nào cũng buồn vơ vẩn như Liên vào những ngày mà thiên hạ đổ xô nhau đi giải trí có đôi, vào ngày thành phố vui nhộn vì một dịp long trọng nào, chẳng hạn như chợ Tết. Tuy nhiên, họ chỉ buồn có hạn mà thôi, vì họ không biết đích xác có những thú vui nào, như Liên đã biết. Chồng Liên ngày trước là một công chức cao cấp, còn thanh niên, con nhà khá giả. Hắn đã sống, đã hưởng những lạc thú của đô thị một mình rồi lập gia đình, hắn cùng hưởng với vợ hắn. Liên đã ghiền những buổi đi chơi ngoài với chồng chiều thứ bảy. Thật ra, thì cũng chẳng có gì thần tiên cho lắm. Cùng nhau đi một vòng hứng mát ở ngoại ô, vui với nhau mà cũng vui vì quanh mình đông đảo những đôi uyên ương khác. Rồi trở về thành phố, vào ăn cơm ở một hiệu ăn có ca nhạc. Rồi thì đi xi nê giấc khuya. Nếu ai hỏi: “Vui ở chỗ nào?” Chắc Liên không nói được nhưng nhứt định là nằm ở nhà, cứ nhớ những thư ấy. Mãn tang chồng, nàng yêu ông Sang. Ông Sang hơn chồng nàng một bực, bởi ông là triệu phú, khả năng tài chánh dồi dào một ngàn lần hơn một công chức cao cấp, hăm lăm tuổi với đồng lương mới vào ngạnh chẳng có gì đáng kể. Cuộc đời tửu quán, trà đình, hộp đêm bắt đầu từ đó và bịnh ghiền đèn, ghiền nhạc cũng bắt đầu từ đó. Ông Sang góa bụa, họ ăn ở với nhau như vợ chồng chánh thức, tuy ai vẫn giữ nhà nấy chớ họ vẫn công khai cùng đi dự tiệc, cùng giao thiệp. Đó là thời vàng son của Liên, thời lộng lẫy tưng bừng nhứt của đời nàng. Bị bỏ rơi, xuống chơn Liên không tiếc khả năng ăn tiêu đã mất, nhưng đã trót nghiện ngập nàng không sao nguôi nhớ dư hương, dư vị của hai năm hạnh phúc đó. Chỗ làm ở Eldorado mà ông Sang biếu nàng để an ủi nàng, tạm giúp nàng qua được những cơn ghiền ray rứt như cơn ghiền phù dung. Nàng không được vui nơi bàn khách với một người bạn nữa, nhưng dầu sao ngồi trong khí hậu hộp đêm cũng là một thời kỳ chuyển tiếp nó tránh cho nàng bị dìm vào một khủng hoảng tinh thần, một chán nản chết đi được khi phải nằm nhà như bây giờ. Bây giờ nàng chịu đựng được rồi đó, nhưng bịnh ghiền chưa dứt hẳn, vì nàng còn ngáp vặt, còn nhơ nhớ nếp sống qua. Liên đã thả lỏng Lan từ ngày nàng bị ông Sang bỏ rơi cũng chỉ vì hốt hoảng, trước cảnh cô đơn của một mỹ nhơn sắp xế bóng, muốn em mình hưởng cho nhiều thật nhiều, cái tuổi xuân của nó, để bù cho những ngày tàn tạ không mấy năm thì đã đến rồi, cái tuổi xuân bay vèo một cái, nhanh như cắt. Đi văng kê sau cửa sổ, và Liên quay lưng vào nhà. Nàng hé màn, rình những cặp vợ chồng, hay những đôi nhơn tình gì đó không biết nữa, son trẻ có, sồn sồn cũng có họ chở nhau bằng xe gắn máy chạy qua, thèm sung sướng của họ vô cùng. Nàng không cần xe Hoa Kỳ của ông Sang, xì-cút-tơ của chồng nàng, cứ được chở sau một chiếc mô-bi-lết ho lao, cũng cứ sung sướng như thường, miễn thoát ra khỏi cảnh ngồi bó gối của nàng chiều hôm nay là thần tiên lắm rồi. Liên nhớ đã nghe Định tả nỗi sung sướng của chàng, khi chàng lượm được một mẩu thuốc Mélia trắng, lúc đi quét tước ở ngoài. Chàng, dân hút toàn thuốc thơm ngoại quốc, đã mừng như bắt được vàng khi thấy mẩu thuốc ấy, thật giống hệt nàng chiều nay, nàng đã từng ngồi những chiếc xe lộng lẫy của ông Sang, giờ lại phải thèm mô-bi-lết đây. Lắm lúc, suốt buổi ngồi bó gối này, Liên không nghĩ gì cả, và đó là những lúc mà sau chợt tỉnh ra, nàng sợ hãi quá sức. Thà là buồn, thà là ngậm ngùi thương tiếc cái gì, thà là thèm muốn ước mơ, vẫn còn dễ chịu hơn là những phút trống không của con người như sắp về với ông bà nay mai, cho đến dĩ vãng mà thứ tuổi già thường nhớ lại, mà con ngươi ấy chẳng buồn nhớ nữa, thì nó chán nản không biết bao nhiêu. Bấy giờ hình như cũng đã sáu giờ rồi. Chiếc đồng hồ Oméga nạm kim cương của ông Sang tặng nàng năm ấy, Liên đã bán đi rồi và không muốn sắm đồng hồ xấu, nên nàng không thể biết giờ khắc, nếu không chạy vào buồng nhìn cái đồng hồ reo. Thình lình, Liên đậy lại chéo màn mà nàng hé ra để nhìn trộm cuộc sống bên ngoài. Một chiếc xe hơi vừa ngừng lại trước cửa nhà nàng, chiếc xe mà nàng đã thấy hai lần rồi, khi tiễn chủ xe ra tận vỉa hè. Nàng đã quyết định không nhận quà, không đi ra ngoài với ông ấy, mà ông ấy lại đến đúng lúc nàng cô đơn nhứt trong đời nàng từ năm nay thì nguy mất. Phải chạy trốn mới được, và cho chị bếp ra nói láo rằng nàng đã đi với một người bạn trai. Ông ấy sẽ không ngộ nhận và sẽ không bao giờ đến nữa cả. Nhưng càng luống cuống, càng nỗ lực hành động nhanh chóng, càng vướng vấp, hóa ra chậm chạp hơn là cứ bình tĩnh mà lánh vào trong. Nhưng biết đâu cảnh vướng vấp ấy lại không do tiềm thức tạo ra, cái tiềm thức quái ác, nham hiểm nó âm thầm hành động trái ngược lại với lý trí của Liên? Trong con người của chúng ta, chúng ta chứa đến hai ba người khách, tánh tình, mơ ước, chí hướng rất khác xa nhau. Họ thường xung đột nhau, thường chỏi nhau, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, ông nói gà bà nói vịt, người khách nào mạnh mẽ cá tính, đa mưu túc trí là thắng, tất cả những người khách khác, tất thắng cả ta nữa. Liên đã bị cô Liên thứ nhì vẹt sang một bên. Nàng còn bối rối hơn khi ông Đáng tới đây thăm nàng lần đầu, sau mấy năm hai người không gặp mặt. Thấy Liên đứng sững ở phía trong bộ sa lông, gần cửa buồng mà nàng toan lùi vào, nhưng không kịp, ông Đáng vẫn gõ cửa lấy lệ và hỏi: - Cô có bận gì không, cô Liên? - Dạ...ơ...hơ... không. Mời ông vào. Ông Đáng bước vô nhà, hơi ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng của Liên, nàng có vẻ một kẻ đang làm quấy bị bắt quả tang. - Thưa mời ông ngồi. Hai người ngồi xuống một lượt với nhau. Khách lại hỏi: - Cô đã cho tôi biết rằng cô thành thật, hễ bận là cứ nói thẳng ra, vậy tôi xin cô cứ thành thật cho nhé. - Dạ, tôi không bận. Thưa ông uống chi? - Cám ơn cô. Tôi sẽ uống sau. Kể ra tôi tới thăm cô vào giờ này thì hơi trễ, bởi có nhiều gia đình sắp sửa ăn cơm, lúc qua sáu giờ chiều. Và quá trễ, nếu tôi mời được cô đi ăn cơm. Quá trễ, vì phụ nữ ai cũng thích trang điểm lâu lắc, tốn hàng giờ mà cũng chưa xong. Tuy nhiên, tôi không biết cô sẽ ban cái ân huệ ấy cho tôi hay không, thành thử rồi tôi không thắc mắc lắm về chỗ trễ muộn ấy nữa. Đi ăn cơm một mình, ngồi buồn quá, tôi thì như vậy, còn cô, tôi cũng chắc rằng cô ăn cơm nhà một mình cũng chẳng vui gì. Hơn thế, như tôi đã nói hôm nọ, tôi vừa muốn thăm cô lâu hơn, lại vừa muốn tránh cho cô cái nạn phải tiếp khách. Nếu cô chưa quên rằng tôi là người đứng đắn, thì tôi tha thiết xin cô cái vinh hạnh được đưa cô ra ngoài chiều nay. Không ăn cơm cũng không sao, đi một vòng cho mát rồi về, về lúc nào, tùy thích cô. Liên chưa quên ông Đáng là người đứng đắn. Năm nàng mãn tang chồng, vì cô đơn quá, vì nhu cầu cấp bách thúc giục, nàng không kịp lừa lọc nên mới nhận tình của ông Sang. Vả lại, ông Đáng chậm bước quá, nàng có biết đâu rằng ông ta cũng gắm ghé nàng. Mãi về sau, khi nàng và ông Sang ra mặt, được chánh thức giới thiệu với ông Đáng, bắt chợt được niềm đau buồn, tuyệt vọng nơi đôi mắt ông ta, nàng mới hay rằng ông đã âm thầm yêu nàng. Rồi sau đó, quen biết nhiều hơn, nàng mới thấy rõ là ông Đáng khác xa ông Sang, mặc dầu họ đồng lứa bốn ba với nhau, đồng địa vị xã hội nhau và là bạn thân nhau. Con người của ông Đáng rất khó hiểu lúc ban đầu. Ông ta ít nói, ít cười, có vẻ như hiểm sâu vậy. Nhưng không phải thế. Đó là một kẻ hiền lành nhứt đời, ăn ở rất có hậu với tất cả mọi người. Chỉ ba tháng yêu đương nhau là Liên biết rõ chơn tướng của ông Sang, ông ta không yêu, chỉ bắt tình với nàng vì cần một người đàn bà đẹp vậy thôi. Nàng đã đâm tiếc ông Đáng... nhưng không hối hận lắm, vì nàng tin rằng ai cũng có số cả. Liên cứ ngồi đó mà làm thinh. Những người khách ở trọ trong nàng đang cãi vã ầm ĩ lên về cái vụ đi hay không với ăn cơm với ông Đáng. Nàng là chủ tịch, nhưng chủ tịch bù nhìn, và rốt cuộc một kẻ trong ấy quyết định là phải đi, bởi không đi thì vô lý quá. Mình đang buồn, đi một vòng với người bạn trai đã có gì đâu. Kẻ vô hình ấy vừa thắng thế thì ông khách nói: - Tôi biết cô ngại bắt tôi phải đợi lâu, nhưng tôi vui lòng ngồi đợi cô đến tám giờ rưỡi cũng chẳng sao. Nhưng tôi nghĩ cô chẳng cần điểm trang lại, cứ để như vậy, mặc vào bất kỳ chiếc áo xấu nhứt nào của cô, cô vẫn đẹp nhứt Sai gon rồi. Ông Đáng không nói nịnh đâu. Ông ta thấy như vậy và nói ra đúng ý nghĩ của ông. Liên nghĩ thầm để khỏi phải trách cứ chính mình về sau: “Ông ta không cần làm đỏm, thì hẳn ông ta không có ẩn ý gì hết, như vậy thì nhận lời được”. Nghĩ xong ý nghĩ tự lừa ấy, nàng nói: - Thôi ông đợi tôi giây lát. - Vâng, và tôi đội ơn cô đã nhận lời. Năm ấy Liên gọi ông Đáng bằng anh, vì ông ta là bạn của nhơn tình công khai của nàng. Giờ nàng đổi lối xưng hô, tuy lạt hơn, nhưng ông Đáng lại thích hơn. Ông không muốn làm quen với cô nhơn tình cũ của bạn ông, mà chỉ thích giao thiệp với một cô Liên mới, một cô Liên đã đánh rơi dĩ vãng mất rồi. Liên “dọn” có năm phút là xong. Nàng chải sơ lại mái tóc, mặc chiếc áo xấu nhứt, không phải để chìu ý ông Đáng mà tại nàng muốn thế, bỏ guốc, xỏ chơn vào đôi giày rồi bước ra ngoài liền. - Đó thấy không, - Ông Đáng nhìn nàng rồi nói - tôi bảo có sai đâu! Cô chỉ cần năm phút là đã thành hoa khôi rồi. Liên mỉm cười hổ thẹn và đánh trống lấp: - Tôi chỉ sợ xấu mặt ông thôi, chớ tôi thì không muốn làm dáng làm gì nữa. - Sao lại xấu mặt? Một phong cách là đủ lắm rồi, chiếc áo, phấn son, không cứu vãn được phong cách tốt. Cô mặc áo rách vẫn cứ sang trọng và oai vệ như thường. Thôi, ta đi cô Liên nhé. - Dạ. Ông Đáng chạy chớ không đi. Ông không muốn người đẹp của ông phải đợi giây nào cả trước một cửa xe chưa mở. Mấy phút sau, họ đã cách xa nhà mấy trăm thước rồi. Ông Đáng nói: - Tôi nói là trễ, nhưng nhờ cô không trang điểm nên lại còn sớm quá để đi ăn cơm. Vậy chạy một vòng cô nhé. - Tùy ông. - Hình như là cô vẫn chưa có chỗ làm? - Dạ. - Tôi biết một chỗ, có tới hai chỗ nữa, nhưng không rõ cô nhận hay không. - Sao tôi lại không nhận? Điều kiện gì thưa ông? - Không có điều kiện gì cả, nhưng tôi sợ cô không nhận vì hai điểm sau đây: Thứ nhứt lương rất thấp, chỉ có hai ngàn mỗi tháng thôi. Thứ nhì, họ chỉ nhận cô để làm cảnh. Cô nên biết rằng các văn phòng xí nghiệp ta, họ bắt chước cái tục này của người Âu Châu là để một người đàn bà đẹp ngồi không ăn lương, hầu tăng phần sang trọng của văn phòng để công chúng có cảm giác rằng công việc làm ăn thịnh vượng lắm. Ấy, tôi lo cô không nhận vì tánh cách làm cảnh đó. Tôi nói có một chỗ mà hai, là vì chỗ thứ nhứt là chính xí nghiệp của tôi. Tôi sẽ không nhận cô vì tôi sợ cô tưởng tôi có hậu ý. Chỗ thứ nhì là văn phòng của một xí nghiệp quen. - Cám ơn lòng tốt của ông, nhưng tôi không nhận vì lương quá thấp, chớ không phải vì tánh cách làm cảnh. Tôi cũng biết rằng có cái tục ấy và thấy việc đó cũng chẳng hạ thấp nhơn phẩm của một nhơn viên. Bấy giờ Liên mới thấy là xe chạy vào hướng Chợ Lớn vì họ đã qua khỏi khu cư xá Nguyễn Tri Phương rồi. - Cô có khiếu thương mại hay không cô Liên? - Ông Đáng hỏi. Liên cười và đáp: - Tôi cũng chẳng biết rõ tôi. Từ thuở giờ tôi chưa hề làm ăn, vì không có vốn. - Nhưng cô cũng không mơ có công việc làm nữa hay sao? - Có, nhưng tôi chỉ mới mơ đây thôi, không có mộng lớn, chỉ ước mơ một tiệm may là cùng. - Thật ra thì nhiều công việc làm ăn không cần khiếu thương mại cho lắm. Chẳng hạn như lập tiệm may chẳng hạn. Nhưng tôi lại có một sáng kiến hay ho hơn. Tôi định mở một mỹ viện, không sửa sắc đẹp, không uốn tóc, hóa trang cho ai cả, mà chỉ trị chứng phát phì của các bà bằng hơi nóng và tẩm quất. Ăn tiền ghê lắm. Đất Saigon có ít lắm là một trăm ngàn bà nhà giàu mập, mà bà nào cũng khổ sở về thịt và mỡ của các bà hết. Phương pháp của tôi cũng có hiệu quả chớ không phải bịp, nhưng ví thử bịp cũng cứ thành công như thường vì trong một trăm ngàn bà, sẽ có ít lắm là mười ngàn bà đến trị thử. Nếu tôi không thành công, các nạn nhơn của tôi sẽ đồn đãi ra, chín mươi ngàn bà kia tẩy chay tôi, nhưng đập được mười ngàn bà, đã ẵm được một số tiền kếch xù rồi. Liên cười ngoặt nghẹo rất lâu mới nói được: - Sáng kiến của ông rất ngộ nghĩnh, mà ông trình bày cũng rất buồn cười lắm. - Ờ chắc cô buồn cười vì tiếng “đập” của tôi. Nhưng thật ra thì không có đập. Tôi chỉ lấy của mỗi bà một ngàn bạc thôi, để trị cho họ suốt 15 hôm. Mười lăm hôm điều trị một chứng bịnh mà các bà rất sợ hãi, thì xỉa ra một ngàn bạc nào có ăn nhằm gì đối với các bà, phải không cô? - Vâng. - Mười ngàn bà, tức là mười triệu bạc. Cô có thấy là to tát hay không? - Quả thật tôi không ngờ! - Sở phí chẳng có gì, sang hai căn nhà gạch ở mặt tiền đường độ hai trăm ngàn, trang trí một trăm ngàn nữa là ba. Những cái thùng hơi nóng cá nhơn bằng vải nhựa plastique che vừa trọn thân mình một người, cái đầu thò ra ngoài, độ một trăm đồng một chiếc, sắm lối mười chiếc, cũng chỉ có một ngàn bạc thôi. Thùng nấu rước và ống hơi, vài ngàn nữa, rồi thôi, không còn gì cả. Nhân viên thì ba cô tẩm quất lương sáu ngàn là hậu lắm, vì họ sẽ được rất nhiều buộc boa của khách hàng sang trọng của tôi. Cô đã thấy là tôi cần sự hợp tác của cô chưa? - Dạ chưa. Xe đã qua khỏi mũi tàu Phú Lâm khá xa. Ông Đáng giải thích: - Công việc nào cũng cần người điều khiển. Nhưng một bà giám đốc một mỹ viện trị bịnh mập mà xấu xí và nặng cân thì buồn cười quá đi. Liên lại cười ngặt nghẹo trước hình ảnh một bà mập tù lu mà có tham vọng làm cho thiên hạ gầy. Qua khỏi An Dưỡng Địa một thôi đường, ông Đáng ngừng xe lại ở một nơi hoang vắng, và cho xe leo lề. Thật ra thì không hoang vắng vì Liên chợt thấy đây đó, trong vùng này, đậu rải rác độ hai mươi chiếc xe: các gia đình họ đi hóng mát, hoặc những cặp nhơn tình đi tâm sự với nhau. Chỗ ông Đáng đậu xe có một cái ao cá chép mới đào cách lộ lối hai chục thước. Ông Đáng mở thùng xe phía sau, lấy ra một tấm bố rồi mời Liên xuống xe, cùng đi với ông vào gần bờ ao, rồi ông trải bố ra, hai người cùng ngồi lên đó, quay lưng ra lộ. - Chỗ vắng có làm cho cô buồn hay không. - Ông Đáng hỏi. - Dạ không. Liên thành thật khi đáp như vậy, mặc dầu đường phố nhà nàng náo nhiệt hơn nhiều lắm, mà nằm nhà nàng lại buồn. Trước mặt họ, mặt trời rọi xuống tới đầu rặng cây đằng xa tô màu son Tàu và to lớn vô cùng. Mặt trời nhìn được và thấy như là mặt trời giả ai vẽ lên đó. - Tại sao lúc hoàng hôn, mặt trời lại lớn hơn khi trưa với lại không chói mắt, ông? - Tôi rất dốt khoa học cô Liên ơi, nhưng tôi biết thấy cảnh này đẹp. - Như vậy cũng đủ lắm rồi. Ngồi đây thú quá. - Tôi cứ lo cô ngồi buồn. À, ta trở lại việc làm ăn. Bà giám đốc một mỹ viện, như vậy, phải đẹp và dong dải thon người, và cô mà điều khiển cái nhà đó ăn chắc. Cô cứ quảng cáo rằng trước kia cô cân nặng 80 ký, ngày nay được như thế này là nhờ phương pháp hiệu nhà, các bà sẽ tha hồ mà tin và đổ tiền ra. Liên lại cười ngặt nghẹo vì trò móc túi các mệnh phụ phu nhơn nặng cân. Nhưng nàng cử tưởng là ông Đáng nói đùa. - Cô nghĩ sao? - Ông Đáng hỏi - Lương của bà giám đốc mười ngàn một tháng, nhưng làm việc phải mười tiếng đồng hồ vì có bà là công chức, chỉ có thể đến được sau giờ tan sở chiều. Tuy nhiên người giám đốc, công việc không có nhọc lắm đâu. Thì ra ông Đáng nói thật. “Ừ, Liên nghĩ, mười triệu đồng cũng là một áp phe đáng kể, kể cả với ông triệu phú này nữa chớ không phải chuyện chơi như thoạt tiên mình đã ngỡ”. Ông Đáng nói thêm một ý nghĩa: - Mập là cơn ác mộng của mấy bà nhà giàu của bất kỳ nước nào, tôi tin rằng mỹ viện của ta sẽ thành công rực rỡ. Liên nghĩ rằng một kỹ nghệ gia mà lại nghĩ ra một cơ sở làm ăn như vậy, không phải vì ý chí khuếch trương kỹ nghệ mà để giúp đỡ ai đó, một người phụ nữ đang túng thiếu, giúp một cách kín đáo, giúp mà như là nhờ cậy một sự hợp tác cần thiết. Nàng cảm động lắm. Nhưng nàng thấy là không tiện nhận lời chút nào. Không, lần sau, nàng sẽ trốn ông Đáng. Ông Đáng không thúc hối mà cũng chẳng buông tha: - Cô nghĩ lại xem sao. Cô ừ một tiếng là hai tháng sau cơ sở đã có thể bắt đầu hoạt động được rồi, và một tháng sau là cô bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, tôi có thể ứng trước lương cho cô ngay từ bây giờ. Công việc không khó nhọc đâu, tôi bảo đảm với cô. Chính tôi cho người chuyên môn huấn luyện nhơn viên, tất cả đều là phụ nữ và chính tôi chỉ cô cách cô điều khiển họ. Công việc của cô chỉ gồm có hai điểm: tiếp khách để giải thích những gì các bà cần biết, lập thời dụng biểu tùy theo giờ hẹn của các bà, thế nào mà các bà không ai phải chờ đợi lâu, mà nhơn viên của ta cũng không ai phải làm việc bù đầu một lúc, rồi ngồi không mà chơi. Không, công việc không có gì khó khăn đâu. Không còn mặt trời nữa, nhưng đầu rặng cây xa vẫn còn giữ chút ít màu son Tàu. Đằng kia, đã có vài chiếc xe quay đầu để trở về thành phố, và ông Đáng nói: - Ta về tới ngoài ấy là vừa đói tới phải không cô Liên? - Dạ. Đêm ấy Liên về tới nhà hồi chín giờ rưỡi. Lúc nàng xuống xe, ông Đáng nhắc lại: - Xin cô nghĩ giùm cho về sự hợp tác mà tôi đề nghị với cô và chúc cô ngon giấc. - Cám ơn ông, xin chúc lại ông như vậy. ° ° ° ° ° Lúc cho sáu bánh sô cô la vào giỏ trên những gói bánh mì, thịt quay, Liên nghe khó chịu ghê lắm. Nàng bị mặc cảm tội lỗi đối với người vắng mặt ngoài đời, mặc dầu đêm đi ăn cơm với ông Đáng xảy ra rất đúng đắn, cả ở ý nghĩ thầm kín của nàng nữa. Một người đàn bà biết tự trọng. Hiểu nghĩa hai tiếng “tiết hạnh” theo lối Á Đông không được phép làm cái gì mà chồng mình không bằng lòng, cả trong khi vắng mặt chồng nữa. Liên đã quyết xem Định như chồng của nàng, và nếu Định nhận tình của nàng, chắc chắn chàng sẽ không bằng lòng nàng đi ăn cơm với một người đàn ông không phải là bạn của chàng. Đêm ấy nàng đã phản bội Định rồi vậy, theo quan niệm Á Đông thuần túy. Quan niệm của chính nàng không Á Đông thuần túy, nhưng quan niệm của dân tộc vẫn chảy trong huyết quản của nàng, thấm nhuần các tế bào, các thớ thịt của nàng và nàng vẫn phải theo quan niệm của dân tộc phần nào. Như thế, Định mà biết rằng những bánh sô cô la này là quà của ông Đáng, chàng sẽ vứt nó xuống đất, chà đạp lên đó và mắng nhiếc nàng chớ chẳng không. Chắc chắn là chàng không làm sao mà biết được, nhưng Liên vẫn cứ nghe khó chịu. Đối với thiện cảm của nàng, tội lỗi có hay là không, không cần gì đợi ai biết hay mong ai không biết. Còn ông Đáng nữa! Ông ấy tặng quà để nàng ăn chơi, chớ có phải để nàng tặng lại cho nhơn tình của nàng đâu. Ông ấy mà biết, ông ấy cũng sẽ ghê tởm nàng lắm lắm. Mấy lần, Liên muốn lấy sô cô la ra, nhưng cứ lại thôi: Định rất cần loại quà này, mà nàng đã túng thiếu lắm rồi. Hôm qua, Lan về thăm nhà, nàng đã không trả lại nó mấy ghim bạc mà lần nào về, nó cũng dúi vào tay nàng và nàng đều từ chối. Hôm nay Liên vẫn trẻ trong bộ y phục trắng tinh con gái. Mặc cảm tội lỗi khiến nàng hơi thèn thẹn, nhưng Định không biết gì hết cứ thấy vẻ thẹn thùng ấy rất dễ yêu và nó càng giúp Liên trẻ thêm ra. - Em đẹp lắm. Liên nghe sung sướng không biết bao nhiêu. Bây giờ là lời khen chơn thật, khác xa với những lời tán tỉnh của chàng trước đây trong vũ trường Eldorado. - Anh vẫn mạnh? - Liên hỏi để đánh trống lấp. - Cám ơn em. Còn em, cứ chưa có chỗ làm? - Chưa. Anh đã qua cơn khủng hoảng chưa? - Gần gần qua. Anh vừa thấy sự phi lý của cuộc đời, và vừa tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. - Trời! Như vậy là còn khủng hoảng hơn trước nữa đó chớ? - Không. Trước nó loạn xà ngầu trong đầu anh. Giờ chỉ còn lại hai thứ ấy thôi, và anh sẽ chọn một, thế là yên thân. Nhưng anh sẽ khủng hoảng mãi, nếu em còn mang vô mãi nhiều đồ ăn quá như những lần qua. - Em sẽ cho giảm đi. - Liên ơi, em nên có một người đàn ông. - Tại sao anh lại nói vậy? - Phận gái, một mình, cuộc vật lộn với đời cam go lắm. - Quả thật là cam go. Nhưng em sẽ ráng đợi người ấy. - Không nên. Anh cứ lo em sẽ hối hận. - Không bao giờ em hối hận, nếu rủi ra người ấy không nghĩ đến em. - Sao em lại dại quá như vậy? - Tại lòng em nó như vậy, em biết làm sao bây giờ! - Liên ơi! - Dạ. - Anh thú thật với em rằng anh không phạm tội vì em đâu. - Em không cần biết. Em yêu anh thì em cứ yêu. - Anh rất cảm động. Nhưng anh cũng rất ái ngại giùm em. - Mặc kệ em. - Anh không thể mặc kệ được. Liên rưng rưng lệ sung sướng. Chắc chắn là Định sẽ thương xót nàng, bằng vào câu ấy. - Liên nè, em chịu cực được không? Anh có một người cô họ rất xa, ở trên xóm Cầu Bông. Em xuống cái thang gạch tại đầu cầu bên kia, bên phía Gia định, hỏi thăm bà Tám Thiện thì ai cũng biết. Em cứ nói rằng em là vợ của anh, có phận sự nuôi anh trong tù mà túng thiếu lắm, xin học nghề của bà là bà truyền ngay cho. - Nghề gì đó anh? - Cô anh làm nem nổi tiếng ở Thủ Đức. Cô già rồi không làm được nữa, mà con cháu không đứa nào thèm học hết nên bà không truyền nghề được, mặc dầu bà rất sẵn lòng truyền. Em sẽ bỏ mối cho các quán nhậu, vốn chỉ độ một ngàn thôi mà có thể kiếm mỗi ngày lời ba trăm đồng. Nếu em không sợ nhọc thân lắm, em nên làm nghề ấy để tạm sống, mỗi tháng kiếm chín ngàn, còn hơn lương em ngày trước. Có mệt lắm, mượn thêm thợ mà trả lương con sen, nó sẽ lau lá, thái thịt, dằn thịt cho em. - Dạ, để em thử xem, cực thì em không sợ cực chỉ lo hàng không chạy mà thôi. ° ° ° ° ° Liên không có đi tìm bà Tám Thiện ngay, vì những người khách trọ trong lòng nàng họ lại nổi lên phản đối nàng. Giờ thì họ về phe với nhau cả, chớ không xung đột nhau nữa, và tất cả đều đồng thanh xúi giục nàng chọn nghề giám đốc mỹ viện. Chín ngàn bạc mỗi tháng, cô bán nem chưa chắc sẽ kiếm được, bởi có hàng trăm người làm nem tranh nhau bỏ mối ở các quán mà khách đời bây giờ khẩu khiếu không được tế nhị lắm. Trong khi đó thì lương giám đốc mười ngàn kể như nắm chắc trong tay rồi, mà khỏi phải làm gì động tới móng tay. Nghề nem là nghề rất cực nhọc, chớ không phải chuyện chơi làm mỗi ngày ba trăm chiếc nem, hai người ra sức cũng phải làm sáng đêm mới xong mà trưa không nghỉ đa. “Mà nào chỉ có lương giám đốc mà thôi đâu, cô Liên ạ? Chắc cô cũng dư hiểu ông Đáng muốn gì rồi? Ông ấy mới bốn ba, lớn hơn cô đúng mười tuổi nhưng vẫn xứng đáng đối với cô. Ông ta lại góa bụa, không chơi bời, ăn ở có thủy, có chung. Chắc chắn cô sẽ là bà Đáng rồi, một bà triệu phú, cô nhớ cho điều ấy nhé, một bà trệu phú. Cô có điên hay không mà đợi anh con trai ấy? Chừng anh ta ra khỏi khám, anh ta hăm bảy, cô băm sáu, sự chênh lệch tuy vẫn cứ là chín tuổi, y như bây giờ, nhưng lại khác vì cô đã già rồi, khiến hắn thấy sự chênh lệch rõ quá. Đó là nói thí dụ hắn thương xót cô. Nhưng điều ấy chỉ là giả thuyết mà thôi”. Một người khách trọ khác lại có một đề nghị ác ôn: “Cô Liên nè, hay là như thế này: cô cứ nhận lời đi, nhận lời làm giám đốc mỹ viện, mà nhận cả lời tỏ tình của ông ta nữa. Dại gì phí ngày xuân hiếm hoi còn sót lại của mình. Ừ nhận lời, nhưng đừng có ra mặt. Như vậy, chừng Định ra khỏi khám ông ấy có bỏ rơi cô, cô đã có Định. Hắn biết đâu mà lo. Bằng như cô yêu hắn lắm thì chính cô sẽ bỏ rơi ông ấy. Cô nên khôn đi, đừng có dại mà thiệt thân”. Liên bị khách trọ làm tình làm tội nàng như vậy cho đến trưa thứ bảy, nàng nghỉ trưa thức dậy, tắm rửa rồi điểm trang kỹ lưỡng hơn ngày nàng đi làm ở Eldorado nữa. Lọ nước hoa cuối cùng, còn vài giọt cuối cùng, nàng cất đó từ bảy tám tháng nay, hôm nay Liên lấy ra để bôi lên tai, lên cổ. Tuy nhiên, nàng không ra khỏi phòng khách để ngồi đọc báo và bó gối nghĩ vẩn vơ, mà chỉ nằm trên giường mà thôi. Nàng nằm đó để nghe những con người ở trọ họ xui dại, xui khôn nàng. Chị bếp đã bắt đầu có công việc hồi bốn giờ rưỡi, nên cặm cụi ngoài sau. Bỗng Liên nghe tiếng xe ngừng, nghe tiếng giày, nghe tiếng gõ cửa. Tim đập thình thình, Liên vội xuống giường, bước lại chỗ trống đứng nhìn ra trước qua bức màn. Nàng thấy bóng ông Đáng, do dự vài giây rồi bước nhẹ ra nhà bếp, nói nhỏ một câu với chị người nhà. Chị ta vội buông con dao đang dùng xắt cà chua, dông ra đàng trước. Liên rón rén bước lên buồng trên rồi nằm vật lên giường, buồn vô hạn. Nàng đã dặn chị bếp trả lời với ông Đáng rằng nàng vừa ra đi với một người bạn trai, là ông ta sẽ biết phận vậy. Không có mối tình nào mà không có bợn cả. Loài người phải biết như vậy và bằng lòng như vậy, chớ đừng mong hơn. Được yêu là quí lắm rồi, đừng đòi hỏi bạn ta trước khi chọn ta, có do dự vì ai khác nữa hay không. Liên đã quyết liệt chặt đứt cây cầu, thì nên biết giùm cho nàng, mà đừng trách, rồi sau đó mấy giây nàng đã ngậm ngùi thương nhớ ông Đáng, đã tiếc một tương lai rực rỡ của nàng. Nàng đã hy sinh, một cuộc hy sinh to lớn quá, vì tình yêu của nàng cũng to lớn quá. Nội bấy nhiêu đó đủ cho Định thấy rằng chàng đã nặng cân hơn ông Đáng trên đòn cân tình cảm của Liên, đừng có đòi hỏi nơi Liên một tấm tình không bợn. Làm sao có được một tấm tình không bợn, hở các ngài, các bạn! Các bạn cưới được một trinh nữ, lấy được một trinh nam làm chồng đi nữa, các bạn cũng chẳng vì thế mà chiếm được tấm tình không bợn của người hôn phối của các bạn đâu, bởi “nàng” hoặc “chàng” nhứt định là đã có những giấc mơ trước khi bạn xuất hiện ra trong đời “nàng” hay “chàng”. Liên đã khóc. Và ta chỉ nên thương xót Liên mà thôi. ° ° ° ° ° Bảy tuần lễ trôi qua mà Liên không đi thăm Định lần nào cả. Nàng bị khủng hoảng tinh thần hơn một tuần lễ, rồi sau đó, ở đô thành xảy ra một vụ còn rùm beng hơn là vụ của nàng trước đây, cũng trong giới hộp đêm, khiến nàng khó chịu quá, rồi chuyện gia đạo của nàng đánh bồi thêm vố cuối cùng khiến Liên suýt ngất đi. Số là sáng hôm ấy, sáu tuần lễ sau buổi xế mà nàng đuổi khéo nhà triệu phú Đáng, cơn ác mộng do vụ Cẩm Nhung cũng vừa qua, báo chí cho tắt lần lần những thiên điều tra phóng sự nảy lửa về người đẹp ở hãng Labbé thì Liên được tiếp một người khách trẻ tuổi, trong giới nữ lưu, một người khách quen, nhưng đã bặt tin từ lâu rồi. Liên lảo đảo như say rượu, sau cái tin sét đánh mà Nguyệt Thu vừa tiết lộ ra, rồi nàng ôm mặt mà khóc òa. Nguyệt Thu là một trong những đứa bạn thân của Lan truởc đây. Nó đã đi lấy chồng, đã có một con rồi, nên nó ít tới đây lắm, vả Lan không còn ở đây nữa, thì bạn hữu Lan cũng đào ngũ nhà này luôn, chỉ còn vài đứa hiếm hoi, thương mến riêng nàng, mới thỉnh thoảng ghé qua đây giây lát để thăm nàng mà thôi. Nói “sét đánh” là sét đánh riêng đối với Liên chớ Nguyệt Thu rất thông cảm với nỗi khổ của Lan, nên không hề nghĩ sao cả. Sở dĩ hôm nay nàng tới đây, xì chuyện này ra vì... - Thưa chị ba, - Nguyệt Thu nói - xin chị can đảm. Em tới đây, không phải để ngồi lê đôi mách đâu, mà có mục đích rõ rệt. Từ hơn một năm nay, Lan nó làm vũ nữ chuyên nghiệp, khiến em buồn lắm, nhưng em hiểu cho tình thế khó khăn của nó, nên em mới nghĩ ra, nhờ chị can thiệp. Chị cũng biết từ ngày bà cố ra lịnh đóng cửa các vũ trường, thì tiệm nhảy mọc ra như nấm. Ấy, hiện nó đang làm trong một tiệm như vậy. Họ đã có biện pháp hợp pháp trá hình, tuy nhiên cảnh sát công an họ biết sự thật, nên cứ bắt như thường. Nếu Lan bị bắt, mà chắc chắn là sẽ bị bắt, không làm sao khỏi được thì không tốt chút nào. Có phải không, thưa chị, nó làm vũ nữ chuyên nghiệp, thì vẫn có thể xóa dĩ vãng được, nhưng nếu nó bị bắt, nó sẽ có hồ sơ ở cảnh sát công an hoặc sẽ bị đưa ra tòa, tư pháp lý lịch của nó sẽ có tỳ, có vết, hại lắm. - Em nói rất hữu lý, Liên lau lệ và nói như vậy, và chị cảm ơn em không biết bao nhiêu, đã cho chị hay tin này. Nhưng khổ, chị lại không biết nó ở đâu. Nó cứ bảo là nó có chồng, ra riêng với chồng trên xóm Cống Bà Xếp, chị chỉ biết có thế thôi. - Em cũng không biết nó ở đâu. Chính chồng em đi chơi mới tình cờ gặp nó trong một tiệm nhảy lậu. Anh ấy sợ em rầy, định giấu luôn, nhưng anh ấy vốn biết Lan là đứa tốt và là bạn thân của em ngày trước, đành phải thú tội đi chơi, để tiết lộ cho em nghe tin tức không hay về Lan, khuyên em nên đến thăm chị, để chị liệu định. - Chị cũng rất cảm động trước hảo ý của chồng em. - Nè, chị muốn tìm nó thì nên đến... Nguyệt Thu ra về rồi, Liên nằm lăn xuống giường mà khóc nữa. Nàng dư biết rằng những người vũ nữ chuyên nghiệp, hết chín mươi phần trăm sống về nghề khác nữa, thì hẳn Lan không thoát được lệ thường, bởi nghề vũ nữ thuần túy không giúp Lan kiếm được bao nhiêu tiền, mà Lan lại không có chồng, không được một ông già triệu phú nào bao cho. Em nàng đã hỏng một lần rồi, nhưng còn cứu vãn được, nhưng giờ nó đã xuống thấp đến thế rồi, thì nàng rất hổ thẹn khi nhớ lại lời căn dặn, gởi gắm của mẹ nàng lúc bà hấp hối. Đau xót nhứt là từ mấy tháng nay, nàng đã sống bằng tiền giúp đỡ của Lan, tức đã vô tình và gián tiếp nhìn nhận nghề nghiệp của nó, khuyến khích nó vậy. Nếu nó còn biết xấu hổ với lương tâm của nó, thì nó đã tìm được “chánh nghĩa” làm bậy rồi: nó sẽ tự nhủ là nó hy sinh để nuôi chị nó hầu đáp nghĩa dưỡng dục. Định đã đền tội gần xong. Nếu may ra nàng được Định đoái hoài tới, sau khi chàng rời khám Chí Hòa, chàng sẽ nghĩ sao về gia đình nàng mà một đứa em gái làm vũ nữ chuyên nghiệp mà lại lậu nữa chớ? Hẳn chàng sẽ coi rẻ nàng và chỉ xem nàng là một cái bến tạm bợ đậu vài ngày trong giai đoạn bơ vơ của chàng khi vừa ra khỏi khám đường. Từ đó cho đến tối, Liên cố bươi trí để tìm luận điệu hầu thuyết phục Lan, nhưng nàng chẳng tìm được gì mới lạ cả. Nàng đến đại lộ Đinh Tiên Hoàng ở Đa Kao, trên góc đường Phan Thanh Giản và nhìn lại thì quả ở đó có một dãy nhà lầu bốn từng, đúng y như Nguyệt Thu đã tả. Nguyệt Thu đã nói: “Chị cứ đi chầm chậm ngoài hành lang trông ra đại lộ Đinh Tiên Hoàng. Căn nào cũng sáng đèn cũng đóng cửa kín mít và cũng có thể có nhạc cả. Nhưng chị chỉ dừng lại trước một căn rồi lắng nghe. Nếu đó là nhạc khiêu vũ và chơi lâu thì đúng là căn ấy”. Nhưng Liên khỏi phải đợi. Nhạc dĩa và nhạc ra dô khác nhau rất xa, nghe là biết ngay, mặc dầu từ căn nào cũng vang lên tiếng nhạc, có nhiều căn chơi nhạc khiêu vũ. Nhưng nàng không gõ cửa, cứ mở rồi tự nhiên bước vào cũng như Nguyệt Thu đã dặn. Nguyệt Thu giải thích: - Bà cố cho phép mở ban-pha-mi, nếu không đông quá hai mươi người. Như vậy họ chỉ hạn chế số khách cộng với nhơn viên, làm thế nào mà không bao giờ đông hơn hai mươi người cả, có cảnh sát đến, họ nói họ mở ban-pha-mi. Vậy chị cứ vô, hễ đã đủ người rồi thì họ mời chị ra hành lang đợi, chị sẽ chống tay lên lan can, nhìn xe cộ dưới phố cho đỡ buồn. Không ai nói gì tới nàng cả, khi Liên bước vào và khép kín cửa lại, và nàng biết rằng chưa đông quá hai mươi, mặc dầu nàng không thể đếm. Chỉ có một căn nhà thôi, nhưng cứ trông như là bít khá rộng, vì dãy nhà này bề ngang tới năm thước. Vài chiếc bàn con mặt ba tấc trên bốn tấc kê sát tường để khách giải khát, không làm chật chỗ chút nào. Chỉ có thế thôi với lại ngoài trước hết, một thùng phóng thanh, đặt một bên vách và đối diện với thùng phóng thanh là một chiếc ghế bành thật nhỏ, trên đó ngồi yên một người đàn ông to lớn không thể tưởng tượng được. Cũng cứ Nguyệt Thu cho biết thì người này chỉ có phận sự mần thịt cậu cao bồi nào lộn xộn. Chiêu đãi viên là một người đàn bà cao niên, vô địch về khoa tích trữ mỡ, chị ta lặng lẽ tới hỏi Liên uống gì, nhưng hơi hơi ngạc nhiên, y như ông Hộ Pháp ngồi ngủ gục trên chiếc ghế bành. Khách tới đây, chỉ có đàn ông trẻ tuổi và con trai, thỉnh thoảng mới có người đưa bồ tới, nhưng luôn luôn họ đi chung với bồ, phụ nữ không bao giờ tới một mình. Liên gọi một cái Coca cola và đoán chừng rằng chị này nếu có cảnh sát đến, sẽ nhận rằng chị ta là chủ nhà mở “ban” cho bạn hữu chị. Người chủ chốt tự nhiên là lánh mặt. Liên đã quen với không khí vũ trường, nhưng vẫn khó chịu vô cùng. Nàng ngồi đó, rất giống một vũ nữ già, không ai thèm gọi, chớ đâu có phải như đàn ông, họ có lý do ngồi đợi vũ nữ hạn chế ở đây rảnh chân. Mà quả nàng già thật, sánh với các vũ nữ ở đây, mà nàng quan sát để tìm Lan. ở đây, trừ Lan ra, chắc chưa có nàng nào thành niên cả, không như ở Eldorado mà ba mươi, người ta vẫn còn ăn khách. Có lẽ khách người lớn ngại bị bắt, tránh các tiệm lậu, mà khách trẻ thì vũ nữ phải thật trẻ. Chị mập bưng món giải khát lại và Liên nói: - Tôi muốn nói chuyện với cô em mặc dza dzu kia nhé! - Dạ. Giây lát sau, hết bản rồi, chị mập kéo Lan lại nói khẽ cái gì, chừng ấy Lan mới chợt thấy Liên. Nàng sợ hãi quá, nhưng không biết tính sao, đành lại ngồi với chị. Liên ôn tồn nói: - Chị đã tới đây, chắc khỏi phải nói gì với em nhiều. Em hiểu chớ? - Em hiểu. - Vậy chị mong em trở về với chị. - Mai em sẽ về...nhưng chỉ để thăm chị thôi, và để chị có muốn nói gì thì nói. Chị nên đi ngay cho. Nơi này, không tốt cho một người đàn bà như chị chút nào. - Chị dư biết, nhưng chị vẫn đến thì em rõ nỗi đau khổ của chị đến đâu. - Thôi chị khỏi trả tiền nước, em đưa chị ra cửa ngay nhé. Liên thấy rằng quả ở đây cũng không nói gì được nhiều, nàng đến để cho Lan biết rằng nàng biết là đủ lắm rồi, nên nàng đứng lên, bước theo em. Lan mở cửa, bước ra, và Liên theo liền. - Thôi chị về nhé! Liên đặt nhẹ bàn tay mặt lên đầu em rất lâu, rồi nói: - Em nên nhớ rằng chị vẫn thương em và rất cần tình thương của em. - Mai em về thăm chị. Liên xoay lưng đi, Lan buồn thiu nhìn theo chị, cho đến khi chị nàng khuất dạng nơi khúc quanh của hành lang mới thôi. Nàng nắm hột xoài cửa nghĩ ngợi vài giây rồi thình lình bị chụp lên vai một cái, nàng hoảng hồn, kêu lên một tiếng, quay lại thì... - Tiễn bồ nào rồi buồn xo vậy? - Anh dịch, làm người ta suýt đứng tim. - Anh cũng suýt đứng tim vì ghen. Lan cười dòn lên, mở cửa rồi chàng thanh niên mới tới và nàng đi vào trong. ° ° ° ° ° Sáng ra, Lan giữ lời hứa và về thăm chị hồi mười giờ rưỡi sáng. Chỉ bây giờ, Liên mới biết tại sao mà Lan không hề đến sớm hơn: Lan phải thức khuya như nàng ngày trước, nên không dậy nổi trước mười giờ rưỡi. Liên hỏi: - Thế nào? Em về với chị chớ? - Xin chị kể như em đã chết rồi. - Em đừng có nói điên. - Không, chị không thể hiểu được đâu. Không phải không có lý do mà em tự để cho em tuột dốc, nhưng hiện giờ không tiện nói ra. Ngày kia, chị biết sự thật rồi thì chị thấy rằng em phải đi con đường ấy không thôi em hóa điên mất. Lan thấy nếu cho Liên biết rằng vì tuyệt vọng trước giả dối của Định, tình cảm của Liên sẽ bỡ ngỡ, ngỡ ngàng, chẳng ích lợi gì cả. Chừng Định mãn hạn rồi, họ ăn ở với nhau được một lúc, Liên biết sự thật cũng chẳng sao, nhưng bây giờ thì không nên. Liên chỉ rưng rưng nước mắt chớ không còn biết nói gì hơn nữa. Lan là một đứa con gái cứng đầu, không làm sao mà thuyết phục nó được, phương chi nàng lại là kẻ ăn bám của nó. - Chị cần tiền hay không? - Lan hỏi. Liên khóc lớn lên, và lâu lắm mới nói được. - Chị hối hận lắm, tự hỏi không biết có phải vì chị nhờ vả em, mà em phải... - Không, em đã đi làm trước đó lâu lắm rồi. - Chị sẽ có tiền, đủ nuôi em nữa, nếu em về đây với chị. Chị cần em ghê lắm, không phải để giúp tay giúp chơn chị, mà vì chị cô đơn lắm! - Em sẽ về thăm chị thường. - Không, chị cần em một cách thường trực kìa. - Em đã trót chọn đường rồi. Liên nấc lên mà khóc. ° ° ° ° ° Suốt hai tuần lễ, Liên không đi nuôi Định. Nàng đã bán chiếc máy thu thanh 9 đèn, bán nữ trang, sau khi tìm học nghề với người cô của Định ở Cầu Bông. Không có người đàn bà Việt Nam nào mà không biết làm nem, Liên chỉ học bí quyết thôi, nên vài hôm là nàng thạo nghề. Định có nói là không cần nhiều vốn, nhưng Liên đã phải bán rất nhiều thứ, vì nàng cần ăn trong nhiều ngày, những ngày học nghề, những ngày mới ra nghề, hàng chưa biết đắt, ế thế nào. Đến ngày thứ mười lăm thì nàng đã biết rằng mình tạm sống lây lất được với cái nghề mà bà Tám Thiên đã truyền cho nàng. Chị bếp ở nhà biến thành thợ phụ, và đến ngày thứ mười sáu, nàng để chị ta làm thợ chánh một hôm, hầu đi nuôi Định. Lần này thì Định được “nuôi” bằng nem với bánh mì, cây nhà lá vườn cho đỡ tốn, Liên có bổ túc thêm cuộc tiếp tế hôm nay bằng mấy phong bánh in bổn lập, chỉ có thế thôi, vì nàng không nỗ lực thêm được nữa. Từ tháng nay, Định buồn ghê đi. Không người tiếp tế, chàng vẫn có đồ ăn ngon của bạn đồng lao may mắn hơn, san sớt cho. Nhưng chàng cứ nghe thiếu. Chàng không yêu Liên, nhưng hồ nghi rằng Liên không đi “nuôi” là vì hết yêu chàng, chàng buồn lắm. Lòng ích kỷ của con người thật là kỳ dị. Tình yêu của Liên, Định không nhận nhưng cứ muốn để đó, không cho ai rớ tới cả. Để đó làm gì? Chàng cũng không biết nữa! Hay ý thức của chàng không biết, mà tiềm thức chàng biết? Đó là cái bánh sơ cua, cái bến nho nhỏ mà con thuyền của chàng sẽ tấp vào, nếu rủi ro chàng phải đau vì Lan quên chàng. Ừ, nếu Lan quên chàng, chàng sẽ không đủ can đảm để đi tìm tình yêu nữa, nhưng chàng rất cần sự an ủi của một bà mẹ, một người chị là Liên. Định buồn và hơi ghen khi tưởng tượng đến một cuộc yêu đương của Liên ngoài đời. Liên chỉ già đối với thanh niên thôi, chớ nàng vẫn hấp dẫn những người đồng lứa với nàng, nhứt là với những ông nhà giàu cao niên. Chàng nhớ có một lần chàng đứng uống nước trước quầy thu tiền, chàng được nghe Liên, nhơn lúc vui tính, kể câu chuyện sau đây: - “Có một người khách, chừng là học trò, trông như bấm ra sữa đã đeo đuổi nàng hơn ba tháng trời. Cậu ấy cũng đứng chỗ chàng đứng để uống rượu và tán tỉnh, bị Liên gọi bằng em, cậu ta bất đếm xỉa; bị Liên cự rồi làm mặt thờ ơ lạnh lùng, cậu ta viết hơn bảy chục lá thơ, nhờ bồi rượu mang đến. Rồi cậu ta đón Liên trên đường về, khóc lóc, van xin...” Định tin là Liên không có viết tiểu thuyết đâu. Chính chàng, nếu chàng không “sống”. Chàng cũng đã si Liên như cậu học trò đó, có lẽ còn si hơn nữa kia. Lắm đêm nằm thao thức, chàng đấm tay xuống chiếu chưởi lầm thầm: “Đồ đĩ, cả chị lẫn em đều là đồ đĩ hết thảy”. Căn phòng lặng trang và chàng chỉ chưởi thầm thôi, vậy mà còn người thức và nghe câu chưởi của chàng. Hắn bật cười rồi khuyên dứt: - Thôi, ráng ngủ đi bồ. Nếu nhơn tình của bồ nằm khám liệu bồ có “thủ tiết” với nàng hay không? Đó là người láng giềng nằm sát nách bên trái của chàng. Chàng xấu hổ mà bị người khác bắt chợt bí mật của mình, không biết làm sao để gỡ cho ra nên đành ngậm câm. Nhưng người ấy không định thôi. Y nói: - Năm kia trước khi bồ vào đây, có một chàng nửa đêm lên cơn điên vì ghen. - Sao lại nửa đêm? - Vì anh ta trằn trọc suốt bốn năm chục đêm, cho tới giữa khuya và dĩ nhiên cho là đến một khuya nào đó thì cơn điên nó tới chớ sao. - Bị mọc sừng hả? - Nếu bị mọc sừng ai nói gì. Y chỉ ghen bậy như bồ, vì vợ y bặt tin luôn. Con mẻ bị tang mẹ rồi lại đau liệt giường liệt chiếu, khỏi đau ốm lại không có tiền mua gạo thì làm gì mà nuôi chồng được. Thế là thằng chả ở trong này có sáng tác tiểu thuyết liền. Y tự bịa thầm một câu chuyện ngoại tình rất có đầu có đuôi mà mãi đến lúc y lên cơn điên, y chưởi lên người ta mới nghe được cái tiểu thuyết đó. - Nhưng sao bà con không thuyết phục y? - Thì tại y giấu và chưởi thầm một mình ai biết đâu mà thuyết phục. Với lại chẳng ai biết sự thật ra sao, lúc ấy. Đến sau, đưa hắn đi nhà thương Chợ Quán rồi, tụi này nhắn tin ra cho bạn hữu điều tra giùm mới hay rằng con mẻ quả thật là người tốt. Vậy bồ nên chưởi lớn lên (lẽ dĩ nhiên là ban ngày, còn bây giờ thì để cho người ta ngủ) cho hả hơi, kẻ bị uất khí thì sẽ hóa điên mất. Mặt khác nên bền chí đợi, cho tới chừng nào hóa đá vọng thê hãy hay. Nhưng sao lại hai chị em? Bộ lấy luôn em vợ hả? Tới phiên Định bật cười. Chàng “Ừ” với người láng giềng một tiếng rồi cười nữa. Chàng thì chàng lấy chị vợ chớ không lấy em vợ như người khác. - Đã cười được rồi đó, hoan hô! - Người láng giềng mừng rỡ như vậy. - Anh có vẻ can đảm lắm! - Trật lấc. Bất kỳ ai cũng như anh hết. Nhưng rồi nếu không lên cơn điên thì người ta suy nghĩ nhiều trong một thời gian, rồi người ta xem tất cả những cái ấy với rất nhiều triết lý. Ngày kia thì không còn gì làm cho người ta ngạc nhiên và đau khổ nữa cả. - Thật à? - Thật một trăm phần trăm. - Tôi chỉ muốn được như vậy thôi. - Tự nhiên rồi nó sẽ được như vậy. Ăn ở với nhau được bao lâu rồi? - Năm năm. Định nói láo vì sợ nói thật ra cái thời gian ngắn ngủi của sự sống chung giữa Lan và chàng, người này sẽ hù chàng thì chàng còn buồn hơn. Nhưng năm năm vẫn chưa đủ với y. Y nói, giọng chơn thật, chớ không phải hăm dọa để đùa cợt: - Chính mắt tôi thấy nhiều cặp ăn ở với nhau mười lăm năm, lúc nàng 18, mà rồi thằng đực vẫn bị phụ như thường. Tôi hỏi cho biết vậy thôi chớ thời gian không ăn thua gì cả. Hai người bạn đồng lao này rù rì với nhau độ hơn một tiếng đồng hồ thì ai cũng ngủ quên cả. ° ° ° ° ° Vừa thấy mặt Liên, Định sừng sộ hỏi như chàng là một người chồng có quyền: - Sao không đi biệt dạng luôn đi? Liên sợ hãi, thu mình lại nhỏ nhít, và nhỏ nhoi đáp thật khẽ: - Em bận học làm nem, rồi bận trong mấy ngày đầu tìm mối. Định thô lỗ xong thì giựt mình, xấu hổ, và nguôi giận được ngay. Chàng thương xót Liên không biết bao nhiêu khi xem lại thấy nàng mặc áo the và gầy sút đi rất nhiều. Chàng cũng nói thật khẽ: - Anh xin lỗi Liên, đã xẵng giọng với Liên. Anh không có quyền. - Không, anh làm cho em sung sướng không biết bao nhiêu! Anh cứ có quyền đi. - Nhưng có thể sống được nhờ nghề mới hay không? - Cũng tạm được. May ra có thể khá nếu kiếm mối được nhiều. - Liên đem gì cho anh đó? Liên cười mà rằng: - Cây nhà lá vườn: nem chính tay em làm. Nếu anh nhớ mùi vị nem của cô Tám, anh sẽ so sánh được. - Anh nhớ. Nhưng anh đang chết thèm thì anh không thể đánh giá một cách đúng mức. Tuy nhiên vẫn biết được phần nào. Sao việc nhà có gì lạ? - Không có gì thay đổi! - Lan vẫn mạnh chớ? - Dạ, cũng như thường. - Em nên ráng dưỡng sức, trông em gầy lắm. - Anh đừng lo, dạo này khỏi thức đêm, em nghe khỏe trong người hơn trước nhiều. Gầy có lẽ nhờ thể thao. Em đi bỏ mối nem ở quán bằng xe đạp. - Liên ơi, em nên lấy chồng. - Tại sao anh cứ lải nhải mãi điều ấy? - Em không thể mong gì ở một kẻ đã hỏng cuộc đời rồi. - Em mặc kệ. - Em đâu phải là Lan đâu mà có thái độ thiếu lý trí dữ vậy. - Không, em đã nghĩ kỹ. Định rất muốn nói toạc móng heo ra là chàng không yêu Liên đâu, nhưng chàng vẫn cứ không đủ can đảm nói. Vài phút chia tay, Liên lưu luyến, một bước mà hai dừng và mãi cho đến giây phút phải cách mặt nhau, nàng mới chịu gạt lệ mà trở gót. ° ° ° ° ° Hôm nay là ngày lễ Chư Thánh. Các phạm nhơn được phần ăn đặc biệt hơn ngày thường, nhưng phần đông là người theo đạo thờ cúng ông bà, theo Phật giáo nên không có vẻ gì trịnh trọng giữa họ và ngày này cả. Mặc dầu nhờ những phạm nhơn ra ngoài làm việc nhà bếp, việc văn phòng, họ biết lõm bõm được rằng Phật giáo phát động phong trào tranh đấu từ mấy tháng nay và vừa bị đàn áp quyết liệt, họ cũng chẳng mong mỏi gì nhiều. Họ đã chứng kiến một cuộc đảo chánh, quân đảo chánh toàn thắng, nhưng không hiểu do sắp đặt nào mà rồi họ lại đại bại, thì một cuộc nổi loạn của dân chúng xem ra cũng khó thành công, phương chi chỉ có các sư sãi tranh đấu mà thôi, dân chúng có ủng hộ mà phần lớn ủng hộ tinh thần hơn là làm cái gì cụ thể. Vả lại, họ là thường phạm chớ không phải chánh trị phạm thì dưới chế độ nào, họ cũng cứ ngồi tù như thường. Đám này có vài chánh trị phạm “tự” biến tội trạng thành thường phạm và một chánh trị phạm “bị” biến tội trạng thành thường phạm là Định. Tuy nhiên những người đó cũng chẳng xôn xao bao nhiêu, vì như đã nói, họ thấy chắc cũng không đi tới đâu. Thình lình hồi đúng ngọ, họ nghe tiếng súng nổ. - Nín, nghe kìa, bà con ơi! Mọi người im thin thít. Đó là tiếng súng liên thanh hạng nặng, nổ xa lắm, ban đầu họ ngỡ họ lầm tiếng nổ của các động cơ nhỏ, nghe cách một trăm thước, cũng mường tượng như vậy. Nhưng không. Một cựu quân nhơn nói: - Nhứt định đó là tiếng liên thanh hạng nặng. Súng nổ thành những tràng dài và bấy giờ thì không còn ngờ gì nữa. - Rồi, đảo chánh! - Không biết có như kỳ rồi hay chăng? - Ăn chắc mà! - Sao lại ăn chắc. - Vì người đi sau được hưởng bài học trước, ai mà để cho ông cụ sử dụng đài phát thanh kêu cứu với các tỉnh như kỳ rồi nữa đâu. - Ta đánh cá chơi nè! Một anh vốn là tay đổ bác, ghiền bạc bài, tối ngày cứ đánh cá bất kỳ vào dịp nào, đề nghị như vậy. - Một ăn một chớ? - Không, nếu ai bắt ông cụ thì ăn một, còn ai bắt quân đảo chánh ăn hai. Bởi đảo chánh khó khăn và nguy hiểm hơn là ngồi trong dinh Gia Long mà bắn ra. Họ cũng hay tin dinh Độc Lập bị ném bom sập rồi, và ông cụ đã dời ra dinh Gia Long. Lật bật mà đã ba giờ trưa và họ nghe tiếng bom nổ. Những người bị giam ở phòng hướng Đông Nam được thấy phi cơ chúi xuống bắn phá cái gì mà họ đoán là dinh Gia Long. - Đánh lớn! Lần truởc đâu có phi cơ ném bom. - Ừ, mà đánh giữa ban ngày nữa, còn lần trước thì làm nửa đêm. Lần này chắc cả hai phe đều có chuẩn bị đại qui mô, nên phe đảo chánh mới dám ra quân ban ngày, và phe chánh phủ mới chống trả được mạnh mẽ, bên kia phải sử dụng đến máy bay. Mãi cho tới tối cũng vẫn cứ còn nổ, mà lại nổ nhiều hơn ban ngày nữa. Phe bắt quân đảo chánh có phần nao núng vì khi mà một cuộc đảo chánh võ trang kéo dài quá như thế phần thắng ở bên phe đảo chánh rất ít. Họ đâu có dè rằng khi trưa chỉ đánh thành Cộng Hòa mà thôi. Dinh Gia Long được để yên mãi hầu thương thuyết nên mới tốn thì giờ như vậy chớ không phải chánh phủ có quân số tương đương với đảo chánh. Súng nổ cứ nổ và cuộc đánh nhau cứ kéo dài khiến Định đâm ra hy vọng. Lần trước cũng kéo dài ra như vậy và mặc dầu lần đó, dân ta mới thấy lần đầu một cuộc đảo chánh võ trang, lương tri của họ cũng cho họ đoán được rằng đại cuộc của phe đảo chánh đã hỏng vì đảo chánh mà quá mười hai tiếng đồng hồ không xong kể như bất thành. Chàng đâm hy vọng chớ không phải đâm lo như bao nhiêu người khác thật là kỳ. Ăn lương của chế độ chỉ vì không có nghề khác, Định không thích bao nhiêu chế độ ấy. Vậy mà giờ đây trong thâm tâm chàng lại về phe với chế độ, làm như chàng đã hưởng lộc rất nhiều của họ Ngô. Nhưng nghĩ cho kỹ ra thì tình cảm của chàng là đúng. Chàng hy sinh đây - hy sinh miễn cưỡng chớ không phải tự ý, bị bắt buộc làm cảm tử quân chớ không tình nguyện bao giờ - đây là hy sinh cho chế độ, cho riêng chế độ không phải cho quốc gia, thì chế độ mà sụp đổ, sự hy sinh của chàng sẽ hóa ra vô ích hết sức. Khi chàng ra khỏi khám, chế độ mà còn tồn tại, chàng chẳng hưởng được cái gì ngoài ba trăm ngàn tiền đền bù thiệt hại mà trái lại còn mất chỗ làm nữa là khác bởi chàng là một “lá bài bị đốt” rồi, nhưng dầu sao cũng còn là cái gì, còn một ông Thiếu tá Bân, mà thỉnh thoảng chàng có thể xin vài trăm xài chơi, còn... à, thật là khó nói... còn cái chế độ ấy để cho chàng cảm nghe rằng sự hy sinh của chàng tuy vô lý, nhưng không hoàn toàn là hy sinh cho cái trống không, cái vô cực. Có lẽ giờ này Định mong cho cuộc đảo chánh thất bại, ít lắm cũng bằng những kẻ đang ăn trên ngồi trước mong muốn. Suốt đêm ấy trong khám không ai ngủ được hết. Đó là tình trạng ở phòng của Định, mà chàng đoán rằng ở các phòng khác cũng thế cả. Những tội phạm chánh trị của một chế độ độc tài thường thì bị giữ trong các nhà giam bí mật nào không rõ, ở đây thứ ấy rất hiếm. Toàn là thường phạm không mà thôi. Nhưng họ biết rằng một chế độ mới thế nào cũng giảm án tội nhơn để lấy lòng dân và sẽ có rất nhiều người được xem như là mãn hạn trở lại với trời cao, đất rộng. Cho đến khuya thật khuya, họ nghe súng nổ dữ dội một lần nữa rồi thôi, im lặng. Họ biết chắc rằng mọi việc đã xong rồi, nhưng không rõ bên nào thắng. Đa số đoán là phe cách mạng thắng bởi quân của chánh phủ tập trung tại một vài nơi, mới có sự im lặng hoàn toàn như thế được, chớ nếu quân chánh phủ mà thắng thì hẳn phải có một cuộc phản công rộng lớn ra thành phố, mà sự phản công ấy phải kéo dài, lan rộng họ có thể nghe tiếng súng gần hơn. Mà không bao giờ họ nghe tiếng súng gần hơn cả. Hơn thế quân của chánh phủ chắc chắn là phải ít hơn quân của cách mạng, không thôi, không thể tổ chức cuộc đảo chánh được. Mà như vậy chánh phủ muốn thắng phải nhờ viện binh của các tỉnh. Nếu viện binh các tỉnh về hẳn phải có đánh nhau ở ngoại ô, nhứt là ở miệt Bình Điền, Phú Lâm. Đánh nhau ở đó, khám Chí Hòa đã nghe rõ như là đánh sát trường thành của khám. Mà họ không nghe gì hết. Tuy nhiên, người của thế hệ hậu chiến đã nếm qua nhiều ngạc nhiên quá rồi nên họ không còn dám tin chắc nơi dự đoán hữu lý nào nữa cả, thành ra họ hồi hộp mong đợi cho trời mau sáng. Sáng ra, thì họ biết đại khái mọi việc: quân cách mạng đã thắng nhưng ông Diệm đã trốn ra khỏi dinh Gia Long hồi nào và bằng cách nào không ai biết hết. Lại hồi hộp nữa. Ông Diệm có những người trung thành với cá nhơn ông, hiện đóng quân ở xa. Người ta đồn đãi trước đây rằng ông có lập chiến khu ở miền Trung, ở Cao Nguyên nữa. Họ đoán sẽ có nhiều pha gây cấn chớ chưa hết đâu. Hôm nay kỷ luật trong khám nghiêm khắc hơn, dĩ nhiên là vậy. Bên ngoài rối rắm thì bên trong có khuynh hướng sinh loạn, mặc dầu dân ta đã qua khỏi thời kỳ ấu trĩ về điểm đó rồi không còn như hồi Phan Xích Long nữa. Nhưng kỷ luật nghiêm hơn mà người phụ trách kỷ luật, ít ra cũng là những người cấp dưới, lại thông cảm hơn. Họ sợ các sự báo thù vặt vạnh vì họ không thể biết người nào trong số phạm nhơn sắp phóng thích sẽ làm ông bự gì và có thể hại họ. Tin tức rịn lần rịn hồi vào khám từng giọt nhỏ và đến ba hôm, họ mới biết sự thật: Ông Diệm và ông Cố trốn ra ngoài là do một kẽ hở, và biết đâu đó là một kẽ hở cố ý. Hai anh em chỉ chạy vô Chợ Lớn chớ chẳng đi đâu kịp vì không thể đi đâu được. Họ đã chu đáo nhưng không chu đáo tuyệt đối, họ có chuẩn bị rút lui mà không chuẩn bị đường rút lui: mũi tàu Phú Lâm có quân án ngữ, nhưng đồng ruộng quanh đó trống trơn vào một xóm ở ranh giới là có thể ra khỏi thủ đô, nhưng họ không dám vào vì không có đồng lõa trong ấy. Hơn thế, ra khỏi Sài Gòn bằng ngã đó rất dễ lọt vào tay Việt Cộng thì thà là để bị bắt còn hơn. Hai anh em đã chết vì tai nạn, rủi ro súng đạn sao đó không rõ. Đó là theo thuyết chánh thức. Cách mạng toàn thắng và chủ tịch chánh phủ lâm thời là Phó tổng thống của trào vừa đổ chớ không ai đâu lạ. Người ta bận tìm kiếm các trại giam bí mật để phóng thích những nhà đối lập bị giam giữ, còn thường phạm ở đây, chưa ai nói tới cả. Họ cũng đoán biết như thế. Phải năm ba tuần một chánh phủ mới mới rảnh tay được để nghĩ đến việc ân xá hoặc giảm ân cho các thường phạm. Nhưng một sự kiện mới lại xảy ra. Khám đường đông thêm dân số: đó là những ông bự của trào vừa sụp, những ông bự không được cách mạng mời hợp tác trong lúc chuẩn bị bí mật, có lẽ vì họ quá trung thành hay vì vài lẽ khác. Ông bự ở đây không phải chỉ có nghĩa là quan lớn. Những người dân thường, dựa chế độ mà giàu cũng ở trong số ấy. Và cái ngày mà Định dở cười dở khóc là ngày chàng hay tin Thiếu tá Bân không còn ở cõi đời này nữa. Thì ra ông ta tên Bân thật sự, hoặc tên khác nhưng được thiên hạ biết dưới cái tên Bân đó. Cứ theo cái tin tức len lỏi vào đây thì Thiếu tá Bân trốn tránh ở một ngoại ô kia. Bị dân trong xóm nhận diện được và đi tố cáo, ông ấy bị vây, cố mở vòng vây để tẩu thoát chớ không đầu hàng, nên bị bắn chết ngay tại chỗ. Định không thương cũng chẳng ghét ông Bân. Nhưng cái số tiền ba trăm ngàn gởi nhà băng phải có hai chữ ký chàng mới lãnh ra được. Thiếu tá Bân chết đi là chàng mất hết, mất cả, không còn gì nữa. Ngày chàng ra khỏi khám, nhà chàng thuê đã bị người khác chiếm ngự, chiếc xe chắc chỉ còn xác không, đang nằm ở kho nhà nước nào, túi trống trơn, còn Lan thì đã đi lấy chồng, hoặc sẽ không nhìn nhận chàng là tình nhơn nữa. - A... ha... ha...! Định vụt cười khan lên rồi cười dài, cười sặc sụa khiến bạn đồng lao với chàng ngờ hóa điên, vì không có gì vui đáng cười hết. Mãi cho đến mười hôm sau, Liên mới đi thăm bạn. Nàng nằm nhà suốt mấy ngày binh biến, nên phải làm bù để gỡ gạc những hôm không kiếm được đồng xu nào... Định tươi như một anh học sinh trung học vừa nghe qua kết quả thi tú tài và anh đậu ưu hạng. Liên cũng tươi như một cô gái mới được con trai tán tỉnh lần đầu. Người tội nhơn bất đắc dĩ hỏi lăng xăng: - Sao, thế nào em, ngoài ấy ra sao? - Dân chúng họ vui mừng như trẻ con mừng Tết. - Vui mừng tự nhiên hay bị chánh phủ mới tổ chức. - Tự nhiên. - Thật không? - Thật một trăm phần trăm. - Họ hoan nghinh chánh phủ mới lắm hả? - Không. - Như vậy anh cũng khó hiểu. - Không có gì mà khó hiểu. Chế độ cũ cấm nhiều thứ quá, cho đến đá gà cũng cấm thì trong nước không có giới nào mà không bị cấm làm cái gì. Một chế độ ham cấm như vậy, thì ai cũng mong cho nó đổ, kể cả một số người ruột của chế độ. - À, cái đó thì chưa chắc. - Chắc một trăm phần trăm. Có một nhà văn ủng hộ chế độ nhiệt thành lắm, nhưng chế độ lại cấm một loại tiểu thuyết mà nhà văn ấy chuyên viết. Không xoay được để làm loại khác, nhà văn đó cứ mong cho chế độ ngã, vì sinh kế ông ta. - Còn đối với nạn nhơn trực tiếp của chế độ? - Tất cả chánh trị phạm ở Côn Đảo đang xuống tàu về Sài Gòn, trừ Cộng sản, nhưng kể cả những người Cộng sản không có bằng cớ là Cộng sản. - Thí dụ? - Thí dụ người ám sát ông Diệm ở Ban Mê Thuật. - Thật à? - Không có gì mà anh ngạc nhiên. Trong thế giới này, hễ không có bằng cớ kể như không có tội. - Nhưng thường phạm? - Thường phạm được hưởng trường hợp giảm khinh như anh, sẽ được cứu xét hồ sơ để giảm án. Có lẽ rồi anh cũng sẽ ra. - Nếu được như vậy thì hay quá. Liên nè, anh cậy Liên một việc được chăng? - Có gì mà em lại từ chối không giúp anh chớ. - Em nên đến nhà anh hỏi xem chủ nhà còn xem anh có quyền được tiếp tục ở đó hay không. Anh không còn ai trên đời này. - Không hy vọng đâu. Có tốt lắm là họ cất giùm đồ đạc. Nhưng em cũng lo vụ đó. Tuy nhiên anh không bận tâm, nếu may ra anh được giảm án anh cứ tới nhà em. Anh không bị ràng buộc về gì hết đâu mà sợ. Anh cứ ở tới chừng nào tìm được nhà thì lại cứ ra đi. Rõ ràng quỷ kế đàn bà. Việc cho ở đùm ở đậu không ràng buộc kẻ ở trọ, nhưng hắn cứ có thể mắc bẫy như thường. Làm thế nào mà một kẻ mất tất cả, lại không được một người dì họ để an ủi hắn, được một thiếu phụ xinh đẹp săn sóc cho, phục vụ như vợ tào khang, làm thế nào mà kẻ ấy không cảm lăn và không tạ ơn bằng tình yêu của hắn. Thế là hắn sẽ định cư trọn kiếp tại căn nhà đã cho hắn tạm trú ẩn lúc hắn chưa có lấy một bộ bi-da-ma để mặc ngủ. Lần “nuôi” này, Liên cho Định ăn cá hộp do kỹ nghệ trong nước mới chế tạo lần đầu. Nàng đã thử ăn, thấy mùi vị của nó kém cá hộp của ngoại quốc nhiều lắm nhưng tin rằng lạ miệng, chắc Định ăn sẽ biết ngon. Ngoài ra, Định có một ổ bánh tổ thật lớn, món quà rẻ tiền vì ở nhà làm được dễ dàng lại rất tiện cho người được quà vì dễ cất giữ, vậy mà từ thuở giờ, Liên đã quên mất món ấy! Định hơi tủi thân vì thấy quà ngày càng nghèo nàn về lượng và về phẩm, nhưng rồi nghĩ lại tình cảm của Liên, chàng hối hận lắm và vui vẻ với Liên hơn bao giờ cả. Liên rất hy vọng vì ngỡ đề nghị của nàng được Định hoan nghinh nên chàng mới vui vẻ được hơn mọi lần trước. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, và đời đối với Liên đã hết u tối rồi. ° ° ° ° ° Định lang thang nhiều ngày, Liên đã điều tra về căn nhà của chàng và cho chàng biết rằng bà chủ nhà đã hành động đúng pháp luật. Bà ấy có ra tòa và tòa xử đưa giường tủ đồ đạc của Định cho phòng ký thác của nhà nước giữ, còn bà thì lấy lại nhà vĩnh viễn. Định không buồn tìm cái phòng ký thác ấy để lấy lại đồ đạc, vì giường đã xưa rồi còn áo quần đã vàng khè, khó lòng mà tẩy cho trắng được. Những món đồ may bằng vải đã bị con hai đuôi ăn lủng từng lỗ bằng đầu ngón tay, còn dùng sao được mà xin lại cho mất công. Chàng có bạn, nhưng đó là những người bạn ăn chơi, chúng đâu có trung thành. Nhưng chàng vẫn tới thăm chúng nó để xin tiền. Của bố thí mà chàng nhận được lên đến sáu ngàn. Thằng nào cũng tỏ ra tốt bụng cả, thằng hà tiện nhứt cũng cho được năm trăm. Chúng nó hành động như vậy để dễ tống cổ chàng đi mà không sợ chàng oán. Định thuê phòng ngủ rồi cứ đi cả ngày để tìm sinh kế, nhứt là tìm chỗ ở rẻ tiền, chớ phòng ngủ chàng đâu có thể thuê mãi. Chàng không muốn đến với người thiếu phụ đã tha thiết muốn được săn sóc chàng vì chàng thấy rằng tình cảm của chàng đối với Liên chưa phải là tình yêu. Chàng muốn sòng phẳng với người mà chàng đã thọ ơn, chớ nếu Liên không nuôi chàng trong khám, chàng ngã nhào vô ngay sau khi được ân xá, rồi ra sao thì ra. Sáu ngàn bạc, thật là mòn trong nháy mắt. Có một đêm, định vào một vũ trường mới hoàn toàn lạ đối với chàng, trả một ly nước đá lạnh một trăm hai chục bạc, nên rồi chàng không hề dám giải trí “lành mạnh” như thế nữa. Đó là nơi an ủi cuối cùng của những kẻ không gia đình, không nhà cửa, mà không lui tới chàng còn biết đi đâu? Vả, bóp phơi của chàng không cho phép chàng hoang phí! Thật là ngậm ngùi, cái đêm vào vũ trường mà không lấy tíc-kê ấy. Không khí gợi nhớ cả một dĩ vãng gần rất vui mà đồng thời cũng rất là đau thương. Định đưa mắt tìm quầy thu tiền và mỉm cười mà thấy một cô thu ngân viên ngồi sau quầy. Cô này trẻ hơn Liên nhiều, có thể nói là đẹp nữa, nhưng không hấp dẫn chút nào. Rồi những bản sao của Như Mai, Yến Tuyết lướt qua trước mắt chàng. Chàng không thích bọn ấy bao nhiêu, nhưng gần họ, cũng đỡ buồn. Nhưng muốn gần họ chàng phải làm lại cuộc đời rất lâu, chưa chắc ba bốn năm nữa, chàng lấy lại được phong độ cũ. Định nhắm mắt lại. Nhạc vũ trường như những câu thần chú của pháp sư, làm sống dậy những bóng ma dĩ vãng mà cái bóng ma làm cho chàng sợ nhứt là bóng ma ông Mạnh. Không, chàng không sợ oan hồn của ông ta hiện về nhát chàng hoặc hại cho chàng bệnh hoạn, cho chàng gặp tai nạn nhưng chàng sợ chính lương tâm của chàng. Nó tạm ngủ trong non hai năm lao lý và giờ đây nó thức tỉnh gào lên: “Mầy đã giết kẻ vô tội để làm gì?” Đồng tiền mòn mau quá, mà tình thương nhớ Lan lại nở thêm ra cũng mau quá. Ở trong khám thì còn chịu được, chớ ra đây, tự do mà chẳng gặp mặt Lan thì khó chịu như nước sôi đổ vào chân. Định quên mất số điện thoại của cô bạn của Lan, cô bạn mà nhờ đó, chàng muốn gặp Lan lúc nào tùy thích. Chỉ còn một cách độc nhứt để thăm Lan là đi tìm nàng tại nhà chị nàng. Mà ác là sợ Liên bắt xác chàng. Hơn thế nếu chàng bị Liên chinh phục, chàng sẽ từ chối thế nào, khi mà chàng không dám thú nhận mối tình giữa chàng và Lan? Nếu chàng ở riêng thì không có vấn đề. Nhưng đi tìm Lan, chàng còn một mục đích thứ nhì nữa là tìm nơi nương náu. Nhưng mặc, tới đâu hay đó. Nhứt định phải thấy mặt Lan mới được và nhứt định phải có mái nhà đêm nay, vì chàng không còn tiền để tái đăng phòng ngủ. Định tới nhà Liên hồi bốn giờ chiều. Chàng ra đi từ lúc sáng đến giờ, vì hạn phòng ngủ đã hết vào giờ ấy, nhưng cứ quanh quẩn mãi trong thành phố mỏi chơn thì vào tiệm nước mà ngồi, ngồi chán lại ra đi. Tim chàng đập mạnh lắm và mau lắm khi chàng thả bộ gần nhà người yêu. Lan sẽ nghĩ như thế nào khi thấy chàng già đi, áo quần lôi thôi, lếch thếch và nhứt là bàn tay đã đẫm máu? Và chàng sẽ phải giải thích thế nào để Lan hết tin rằng chàng giết người vì Liên. Không, không thể nào giải thích được cả, trừ phi nói sự thật, nói sự thật nhưng phải nói láo, tức qui tội gì đó cho ông Mạnh, tội phản quốc chẳng hạn. Lan không tin rằng chàng ghen tức mà giết ông Mạnh đâu vì chuyện ấy đã nguội rồi, và chàng không có nổi giận lúc Lan kể lể về cái đêm lâm nạn của nàng. Nhưng cũng không ổn. Chắc chắn là Lan có đọc báo, có thấy lời khai của các đương sự: Rõ ràng là chàng ghen vì Liên. Nhưng dầu sao, chưa chắc Lan đã giữ vẹn tấm lòng của nàng cho chàng. Thời nay, hai năm là cả một thế kỷ. Chàng mà có vào khám vì Lan, cũng khó mong cho Lan kiên tâm chờ đợi, huống hồ gì Lan rất có cớ trong vụ này để mà tự giải phóng khỏi sự ràng buộc tình cảm với chàng. Nghĩ tới đây, tự nhiên Định chậm bước lại. Lan có phụ chàng hay không thì chuyện đã xảy ra rồi, nhưng chàng cứ muốn thụt lùi lại, càng xa càng hay, cái giây phút mà chàng phải đau, trước vẻ mặt thờ ơ lãnh đạm của người con gái đã để cho chàng ôm ấp trong tay suốt mấy tháng trường. Chơn bước chậm hơn mà tim lại đập mau hơn, còn ruột thì nghe quằn quặn đau như là Lan đã bội ước nguyền xưa rồi vậy. Nhưng chàng sợ mau tới mà càng đi chậm sao lại càng mau đến nơi, và khi chàng tới trước căn nhà gần như xa lạ (bởi chàng chỉ đến đây có một lần để đón Lan thôi), căn nhà bỗng dưng như là một chốn cũ đã chứng kiến mối tình của chàng. Chàng nghe nao nao buồn như cảnh cũ còn, cảnh rất là quen thuộc, thân yêu nhưng người xưa đã không trở lại. Chàng do dự một hơi rồi gõ cửa thật nhẹ. Định không phải đợi lâu và tiếng guốc từ sau tiến ra phía trước làm cho chàng hồi hộp ghê lắm. Không phải tiếng bước của Lan mà chàng đã thuộc lòng. Mà tiếng bước của Liên không lẽ lại kém khoan thai, kém đẹp tai đến thế. À, thì ra đó là một chị người nhà. Chị này không phải chị mà Định đã biết, khiến Định đâm lo rằng Liên đã dời đi nơi khác. Mà không, Liên không dè rằng chàng biết nhà nàng nên có cho chàng địa chỉ, hễ ra khám là đến tìm nàng. Địa chỉ y như xưa. - Chào thầy. Chị ấy hỏi mà đôi mắt nghi ngờ, vì chàng rất có vẻ một kẻ lưu manh, cướp đường, hay ăn trộm vặt, thầy tìm nhà ai? Chị ta không mở cửa sắt, chỉ mở hé cánh cửa gỗ bên trong nhà thôi. - Tôi tìm thăm cô Liên. Tôi là Định. - Thầy đợi một chút. Rồi chị ta vội đi ra sau, bắt chàng đứng đó đợi ngoài thềm. Chắc chị ta đã kinh ngạc mà thấy sao chủ chị ta lại bỏ ngay công việc, quýnh quíu khi nghe chị ta thốt ra tên người khách, rồi không kịp rửa tay vội chạy ra trước tức thì. - A, anh! Trời, hồi nào? Em có hay gì! Chị Tám ơi, mở cửa coi. Định nhìn lại thì thấy hai bàn tay của Liên đầy mỡ. Chắc là nàng đang trộn nem, vội bỏ cả ra đây, và không dám rờ tới xâu chìa khóa máng trên cây đinh đóng tường gần đó. Chị người nhà chạy trở lên, mở cửa sắt ra cho Định vào nhà. - Xin lỗi anh, anh ngồi để em rửa tay cái đã. À, chị Tám nè, chị đi lấy nước đá nhé. Trong khi chủ nhà đi rửa ray thì chị người nhà thoát ra ngoài có lẽ để mua nước đá cục ở gần đâu đó. Định ngồi lại trên chiếc ghế sa lông, đưa mắt nhìn qua một lượt, không thấy gì thay đổi cả, mọi vật y hệt như hồi chàng tới đây tìm Lan, chỉ thiếu chiếc đồng hồ Carillon mà hình dáng còn in rõ lên tường vì quanh đó, bụi bặm làm bẩn nước vôi chừa một khoảng trống in hình chiếc hộp đồng hồ. “Có lẽ vì Liên đã bán món ấy, và vài món khác nữa, như là chiếc máy thu thanh, chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Oméga, nhưng lạ, sao không thấy mặt Lan kìa? Chắc Lan đã đi chơi rồi. Càng hay! Mình sẽ phải đau trễ hơn dự định. Có lẽ tối nay mình mới chạm trán với Lan”. Chủ nhà rửa tay xong thì chị người nhà cũng xách một cục nước đá thật bự về. Liên gặp chị ta tại cửa buồng và dặn: - Chị cho nước uống rồi thay tôi mà trộn, nhớ thỉnh thoảng rắc thính thêm. Liên không thay y phục, để y chiếc áo lỡ ngắn tay và chiếc quần sa-tanh mặc làm việc để tiếp khách. Nàng lặp lại câu hỏi kín đáo khi nãy, hỏi mà chỉ có người đối thoại hiểu ra mà thôi. - Hồi nào? Sao em không hay? - Không thể hay được đâu. Cách đây năm hôm. - Trời, mà anh biệt dạng luôn. - Anh có mấy công việc rất cấp bách phải thanh toán ngay. Định hơi khó chịu vì lối nhìn của Liên. Trong khám chàng giống tất cả mọi người, vì ai cũng mặc như nhau, chàng hơn họ ở gương mặt khôi ngô. Ngoài đời, chàng có vẻ bịnh hoạn, nghèo khổ, bất lương. Chàng đoán rằng Liên đã đổi ý phần nào khi nhìn thân sơ thất sở của chàng rồi vừa tức giận vừa tủi thân, chàng muốn đứng lên mà đi ngay. Lòng ích kỷ của người đàn ông không bao giờ được sự biết điều xóa tan cả. Định đã chẳng muốn dính líu tình cảm với Liên, mà lại phẫn nộ khi đoán rằng nàng đổi ý. Chàng muốn mình cứ là thần tượng của một người đàn bà. Lâu lắm, chàng mới hỏi, giọng cố bình thản: - Còn Lan đâu em? Liên nhìn Định bằng đôi mắt thăm dò rất lâu, khiến Định sợ hãi vô cùng. Nhưng không, Liên không có nghi ngờ gì hết, ít lắm đó cũng là cảm giác của Định. - Mời anh uống nước. Chị người nhà bưng ly Bireley ra từ nãy giờ. Định đang khát, bưng lên nốc một hơi cạn ly rồi xin thêm một ly nước đá lạnh. - Anh uống nước ngọt nữa chớ. Liên hỏi. - Không, nước ngọt làm cho khát thêm. Nước trà nóng tốt hơn hết, nhưng nếu không có thì cho nước đá lạnh. Liên gọi nước đá lạnh rồi do dự giây lâu nàng kể lể: - Lan nó đã lấy chồng rồi anh à. - Trời! Thốt ra tiếng kêu đau thương ấy, Định lấy làm lạ rằng Liên không có phản ứng. Liên phải đoán hiểu cái gì, vì đó là tiếng kêu than của kẻ tuyệt vọng, rõ ràng như vậy, không còn ngờ gì nữa. - Sỡ dĩ em không cho anh hay vì nó lấy chồng không rạng rỡ gì đó. Nó theo không người ta anh à. Định gục xuống ôm mặt rất lâu, đoạn ngước lên, thở dài hỏi: - Nhưng hiện giờ Lan ở đâu? - Chồng nó làm thông ngôn cho Hoa Kỳ, nó đi theo chồng nó hiện phục vụ tại một công trường mới mở, công trường Cam Ranh. Hiện nó có thai được bốn tháng. Cái vụ lấy chồng làm thông ngôn cho Hoa Kỳ là thuyết của Lan mà Liên dùng lại với Định. Đó là một người chồng rất dễ cắt nghĩa sự đi vắng lâu ngày, hoặc dễ cắt nghĩa sự đi mất luôn của cô vợ nữa. Tiểu thuyết lần này được thêm thắt một chi tiết là Lan có thai bốn tháng. Cái thai tưởng tượng ấy làm cho Định chán nản. Không còn tính chuyện đi tìm Lan nữa. Thế nghĩa là Lan đã biết cái gì rồi. - Hổm rày anh ở đâu? - Liên hỏi sau một hồi yên lặng của hai người. - Anh ở phòng ngủ. - Trời, bộ bạc băng sao mà! Anh ở đây nhé cứ ở một thời gian để anh xoay xở cuộc đời lại, rồi anh đi đâu tùy thích anh, không có gì ràng buộc cả đâu mà anh lo. Định làm thinh vì chàng như không còn chất ruột để đứng dậy một cái vỏ nó chực sụm xuống. Điều mà chàng lo sợ từ bao lâu nay đã xảy ra rồi. Đã chuẩn bị lòng trước rất lâu để đón nhận tin dữ, chàng vẫn nghe bủn rủn tay chơn trước thố lộ của Liên. Chàng ngồi đó nhìn trân trối hình bóng của chiếc đồng hồ Carillon đi vắng, một cái hình sạch sẽ trên một tờ giấy vàng khè và tưởng tượng đến người xuất giá. Chàng không buồn hỏi xem Lan đã lấy chồng được bao lâu rồi, sợ nghe rằng Lan lấy chồng một tháng sau khi chàng vào khám thì chàng sẽ phải đau thêm không biết bao nhiêu. Lan! Đứa em nhỏ hoen ố một cách vô tội, đứa em nhỏ dễ thương và nhứt là đã yêu chàng chơn thành không bợn! Đứa em nhỏ ấy giờ còn đâu! Chàng nhớ lại một đêm trăng mà chàng chạy xe trên xa lộ hầu cho chiếc trắc xông rượt theo chàng leo cây chơi, đêm đó, chàng đã mời Lan ngắm cảnh trăng để sau này có xa nhau, ngắm lại cảnh trăng hơi giống vậy để mà nhớ nhau. “Sau này” tức là bây giờ và đêm nay sẽ là đêm trăng. Không biết ở nơi xa xôi là Cam Ranh, Lan có ngắm trăng hay không, và có nhớ lại đêm trăng cuối cùng của hai người mà nàng không dè hay chăng. Chàng lại nhớ đã mời Lan nhìn chàng và chính chàng cũng nhìn Lan, để sau này có xa nhau mà nhớ nhau thì tìm lại trong ký ức đôi mắt của người yêu. Nhưng chắc Lan đã tìm lại đôi mắt chàng. Định ngồi đó, cả tâm hồn lẫn thể xác như rời rạc ra từng mảnh. Chàng ngồi như vậy trong bao lâu chàng không biết nữa, mà Liên bỏ chàng để đi làm công việc, chàng cũng không hề hay biết. Một câu nói làm cho chàng giựt mình ngẩng lên. - Dạ thưa thầy, cô mời thầy vào ăn cơm. - Hử? - Đã bảy giờ rồi, cô mời thầy vào ăn cơm. Bấy giờ Định mới hay là đã đỏ đèn. Thì ra chàng ngồi như vậy được ba tiếng đồng hồ vì chàng tới đây hồi chưa đầy bốn giờ chiều. “Mời ăn cơm”? Và “cô” mời “thầy”. Liên đã quyết bắt xác mình đấy! Nó đổi người giúp việc để có thể cắt nghĩa cho trôi với người này sự kiện một người đàn ông lạ vào ở chung với nó, đi lập nghiệp ở xa trên Kontum chẳng hạn và nay về thăm gia đình. Thấy chàng cứ làm thinh mà ngồi đó, chị ấy lặng lẽ đi vào trong, có lẽ để lập bo lại với chủ chị ta rằng không thể mời chàng được. Giây lát sau, quả nhiên Liên ra. Ghế sa lông có tay vịn và Liên ngồi trên một tay vịn, đặt nhẹ một tay lên đầu Định rồi nói thật khẽ: - Em bận làm món ăn nóng hổi cho anh nên không rời bếp được. Bây giờ đã xong, xin anh vô ăn với em, em đói lắm rồi. Thình lình, Định nấc lên một tiếng khiến Liên vui mừng không biết bao nhiêu. Nàng ngỡ chàng cảm động quá. Sự thật thì Định khóc cho cái chết của mối tình lớn của chàng, và khóc thương số phận mình, một người con trai mất tất cả mọi thứ ngay trên đầu đường đời của hắn. Chàng nấc lên một tiếng thứ nhì nữa rồi khóc òa. Liên cứ ngộ nhận, và nàng cũng cảm động lắm. Nàng ôm lấy đầu Định, hôn lên tóc chàng mà rằng: - Anh có em an ủi anh trong những ngày đen tối của đời anh, xin anh cứ nhận lấy tấm lòng em, rồi thì ngày mai trời lại sáng. Định đã hoàn toàn không còn nghị lực nữa. Chàng suýt ngã lăn ra nên mới đành níu tấm ván cứu tinh ấy để sống còn, ngoi lên khỏi biển trầm luân. Chàng choàng tay ôm lấy Liên, thật thấp vì Liên ngồi cao quá, đưa tay ra cày lấy tay nàng rồi siết thật mạnh. Liên rút khăn mùi xoa ở túi áo lỡ ra lau lệ cho bạn rồi giục: - Đi ăn cơm anh nhé, kẻo nguội hết. Định được cho ăn bánh xèo làm bằng thịt mua bất thần ở chợ chiều. Đó là món nóng hổi mà vì nó, Liên không bỏ bếp được phải sai chị ở lên mời chàng. Kế món chả giò, Liên đãi chàng món nem chính tay nàng làm, ăn với bánh tráng nhưng nem nhiều mà bánh thật ít. Suốt bữa ăn, Định chỉ nói có một câu ngắn: - Em làm nem không thua gì cô anh. Học trò khá giỏi đó. Định ăn ngon miệng vô cùng. Tuần lễ nay, chàng ăn bù cho non hai năm nằm khám, nhưng không làm sao mà những bữa ăn nhà hàng, những bữa ăn tiệm cắc chú bì kịp với bữa ăn gia đình này. Bữa ăn ngon đưa chàng trở lại với đời sống thú vị trước kia là không suy tư lôi thôi, chỉ tận hưởng những khoái lạc vật chất mà con người hưởng được. Nhận bữa ăn này là một sự cố lỳ, và chàng sẽ cố lỳ luôn mà ở đây, rồi ra sao thì ra, chớ hiện giờ chàng chẳng còn biết làm gì, nghĩ gì nữa. ° ° ° ° ° Trong cuộc sống chung thân mật, Định thấy rằng Liên có hơn Lan thì có chớ không thua em nàng điểm vào cả. Tuy nhiên không hiểu sao, chàng cứ không nguôi. Chàng không biết rằng có những mối tình nho nhỏ, có những mối tình lớn, có những mối tình thật to lớn. Không có nhan sắc hay tâm hồn nào thay được cho những mối tình thật to lớn cả, mà cũng không thể cắt nghĩa tại sao ta lại yêu to lớn một người nào đó, đôi khi người ấy không xứng đáng với mối tình to lớn. Giờ ván đã đóng thuyền rồi, nhơn một buổi tối vui câu chuyện, Liên thủ thỉ nói: - Em có giả dối với anh một điều. Định vẫn thản nhiên, không giựt mình nghi kỵ. Chàng không yêu Liên nhiều cho lắm, nàng chỉ là một cái quán bên đường đối với chàng mà thôi, chàng uống một tách cà phê rồi có lẽ không bao giờ trở lại cả. Nhưng chàng cũng hỏi lấy lệ: - Chuyện gì? - Hôm ấy em tìm tới chủ nhà để hỏi thăm về căn nhà của anh, và em đã biết hết. Bấy giờ Định mới hết cả hồn vía. Dưới ánh đèn chong, chàng đã tái mặt mà Liên không thấy. Chàng làm thinh giây lâu rồi hỏi: - Em đã biết gì? - Anh đã yêu Lan và cô cậu đã sống chung với nhau một thời gian. Mặc dầu Định đã đoán biết rằng Liên biết sự thật, hỏi để chỉ cho chắc rằng nàng biết, nhưng khi nghe câu trên. Định cũng suýt đứng lên, làm như đó là cái tội lớn lắm. Rất lâu, chàng hỏi: - Ừ, rồi sao? - Có sao đâu. Nhưng Lan đã không còn nữa nên em mới an ủi anh. Định sợ hãi, hỏi lia: - Sao? Lan sao? Sao lại không còn nữa? - À, em dùng tiếng không đúng, hay em nói văn hoa, khiến anh ngộ nhận. Thì nó đi lấy chồng rồi, kể như không còn nữa chớ sao. Liên muốn cho Định dứt khoát nên mới xì ra một sự thật mà nàng định để bụng như là không hay biết gì hết, kẻo Định ngỡ ngàng tội nghiệp. Nhưng sự thật khác thì nàng giấu đi, sự thật là hiện giờ Lan đã trở lại nghề vũ nữ chuyên nghiệp và công khai từ ngày chế độ trước đổ, chế độ kế tiếp cho phép nhảy thả cửa. Chính nàng, nàng không nghĩ nghiêm trang rằng đó là một nghề xấu hổ. Có lẽ tại gần khí hậu hộp đêm nhiều năm quá, nên nàng đã trông quen mắt rồi. Cái đêm mà nàng đi thuyết phục Lan trong tiệm nhảy lậu đường Đinh Tiên Hoàng, nàng chỉ hành động vì sợ Lan bị bắt mà thôi. Định thở dài, nhưng chàng rất dễ chịu vì đã hỏi thăm về Lan được rồi đây: - Em thấy Lan nó có buồn hay không sau ngày anh bị bắt? - Mãi đến ngày nay, biết sự thật rồi em mới hiểu. Lúc đó nó như đứa mất hồn và cứ tìm báo mà đọc mãi. - Nhưng rồi sau đó, nghe báo nói anh giết người vì em, nó thế nào? - Nó cười dài một chuỗi cười thật là chua cay rồi liên tiếp trong mấy hôm nó nói cười huyên thuyên, khiến em sợ nó nổi cơn điên lắm. Định hiểu rằng Lan đã về đây, có lẽ để tìm an ủi nơi một người chị mến thương và để tâm sự cho vơi nỗi sầu. Không dè nghe báo nói vậy, Lan làm thinh luôn rồi sau đó thì đi lấy chồng hay theo ngay người ta cũng nên. Định muốn hỏi về chi tiết ấy lắm, nhưng không dám hỏi sợ Liên xác nhận rằng Lan đi theo người ta ngay, chàng sẽ đau khổ hơn. Có người túc trực sẵn, để cho Lan theo ngay, tức là những ngày ăn ở với chàng Lan đã hai lòng rồi. Nhưng thực sự không phải thế, Lan đi luôn, Liên không hề biết lý do sự đi mất của nàng, sau Lan về thăm, nàng mới nghe nói là nó đã lấy chồng, Liên chỉ bịa chuyện cho cái vụ lấy chồng của Lan được ổn. Liên đã đạt được một mục đích vì Định coi mòi dứt khoát được. Bí mật của chàng đã bị người ta biết rồi, giờ nếu chàng còn tìm Lan, hóa ra chàng giả dối với Liên, lường tình Liên trong lúc này, thật là ngỡ ngàng với Liên quá. Chàng nằm nhà được non một tháng, nghĩa có hơi mặn tình có hơi nồng rồi, và chàng dám nhận tiền túi mà Liên dúi cho, không xấu hổ như trong những ngày đầu nữa. Đôi bạn đã cùng đi dạo mát buổi chiều, cũng đi ăn buổi tối nhiều lần rồi. Định biết rằng rồi thế nào chàng cũng quên được Lan, mặc dầu hiện giờ thì chưa. Thỉnh thoảng, nhứt là về đêm, chàng thở dài, nhớ nhạc nhưng không dám đưa Liên đến các hộp đêm. Thỉnh thoảng chàng lại nhớ nhè nhẹ như nhớ không khí cái vũ trường vậy đâu. Chàng bâng khuâng như con trai mới lớn lên, rồi chàng nghe đau quặn thắt như mới bị tình phụ lần đầu. Không, Liên chưa an ủi chàng hữu hiệu. Những kẻ ở vào tâm trạng ấy hay có khuynh hướng tìm quên lãng ở các chốn ăn chơi, mong tìm thấy một bóng dáng mường tượng bóng dáng cố nhân. Và chàng đã được thấy bóng dáng ấy. Đó là một đêm mưa dầm. Chàng nói láo với Liên rằng có hẹn với một người cho chàng công việc, rồi chàng gọi tắc xi mà dông ra cái vũ trường kiêm quán ăn ca nhạc ở đầu Đại lộ Lê Lợi, mà trước ngày cách mạng, hồi chàng còn tự do, chỉ là một nhà hàng thường. Chàng vừa lao tới nơi lầu nhì, toàn thể trai trẻ tràn ra sân với những nốt đều một điệu kích động nhạc. Định nghe vui dạ lắm, nhìn vào đám đông ấy rồi sững sờ rất lâu. Trong ánh sáng lờ mờ chàng nhận diện được người con gái yêu kiều mà chàng đã ôm ấp trong tay và vẫn còn ôm ấp trong lòng. Thoạt tiên, chàng ngỡ hai vợ chồng Lan về Sài Gòn và Lan chỉ là người ngoài vào chớ không phải ca-ve. Nhưng lúc bản nhạc dứt rồi thì Lan không trở về bàn của kẻ đã nhảy với nàng mà đi bàn khác. Có vợ con ai là lại chạy bàn khi vào đây với chồng? Thật là vô lý! Rõ ràng là Lan, mà Lan có về Sài Gòn đi nữa, không lẽ mới đầu hôm sớm mai lại làm vũ nữ. Định đã có tiền túi, lên lấy tíc kê và dặn bồi gọi “Cái cô mặc săng đai vàng cho tôi”. Chàng phải đợi rất lâu, mặt cúi gầm xuống bàn, nhìn cái ly thủy tinh và dường như thấy bóng hình của Lan ở trong đó. - Ố... ố... Chàng giựt nẩy mình khi nghe ai kêu lên như vậy, tiếng kêu sợ hãi, cố nén xuống cho nó nhỏ đi, nhưng vẫn còn tánh cách tiếng kêu kinh dị. Chàng ngẩng lên và bốn mắt gặp nhau... Lan bước lùi lại một bước trong một cử chỉ trốn tránh rồi tự trấn tĩnh, nàng mỉm cười tiến lại bàn, kéo ghế ngồi xuống. - Anh! - Anh không dè em làm ở đây. - Em cũng không dè anh đã mãn hạn. - Chị Liên nói em đã lấy chồng. - Tự nhiên là chị ấy phải nói với anh như vậy. - Anh muốn lấy thêm tíc kê để ta cùng đi, anh cần nói chuyện với em rất nhiều. Em thì bao nhiêu tíc kê? Hỏi câu trên bỗng nhớ lại Như Mai và bỗng nghe nhờm mhờm Lan. - Có ích gì hay không? - Rất là có ích. Anh muốn phân trần. - Vậy à? Vậy mà em cứ ngỡ anh định phiền trách. - Không, anh cần giải thích. - Anh khỏi phải cắt nghĩa gì hết. Em không đòi hỏi gì cả. - Nhưng anh không muốn mắc nợ tinh thần, đi em nhé? - Không. - Em đoán hiểu rằng anh không giết người vì chị Liên? - Ừ, nhưng dầu sao, cũng đã trễ quá rồi. - Trễ còn hơn không. - Không, hơn trễ chớ. Em không muốn biết gì cả, như vậy em sẽ an vui được với ngộ nhận của em buổi đầu. Năm ấy, em làm thế nào mà đoán được sự thật, ai cũng thế chớ. - Ừ, ai cũng thế, nên anh không hề phiền trách em, trái lại anh chỉ muốn tạ tội với em mà thôi. - Vô ích và có hại. Vô ích vì đã trễ quá rồi. Có hại vì em sẽ ân hận. - Tội nghiệp anh lắm Lan ơi! - Chị Liên có thể an ủi anh. - Liên đã an ủi anh, nhưng không xong. - Té ra... - Ừa. - Như vậy em sẽ được an lòng hơn, và cám ơn anh đã biết sự thật. - Anh biết em là đứa cứng đầu, khó lòng mà thuyết phục. - Vậy em cương quyết không đi chớ? - Không. - Thế thì anh trả tự do cho em đó. Lan đứng lên đi liền, Định bận trả tiền rồi bước ra khỏi vũ trường mà không ngó ngoái lại lần nào hết. Chàng xuống thang lầu, hai chân như chở không muốn nổi thân thể chàng. Trên kia, ai mở cửa kiếng phòng lạnh nhạc vang lên đuổi theo chàng. Đó là nhạc riêng để cô ca sĩ ca. Nổi bật lên là tiếng kèn, tiếng kèn chơi một điệu nhạc Jazz nhại nhạc của Armstrong, ngậm ngùi buồn một nỗi buồn như giọt mưa thu rơi trên mái tôn. HẾT