- 3 -

    
ng Mạnh đã mệt lả người và mỏi rụng cả hai chơn, may là ông đã ngồi rất lâu trên băng xi măng bẩn thỉu ở đại lộ Lê Lợi hằng giờ.
Bây giờ, ông đã tỉnh hẳn rượu rồi, xem lại bóp phơi và tiền bạc vẫn còn đủ. Ông gọi tắc-xi để về nhà, vì dầu sao, nhà cũng là nơi ẩn náu tốt, một cái đảo yên tĩnh cho kẻ suýt đắm tàu vì sóng gió tình cảm. Ông ngạc nhiên lắm mà thấy nhà còn sáng đèn, mặc dầu cửa đóng. Bấy giờ đã một giờ đêm rồi, và Dũng nếu nó có thừa cơ vắng chủ nhà gà bươi bếp, nó đi chơi khuya về thì nó cũng chẳng thắp đèn ở nhà làm gì, dưới ấy chỉ là một cái phòng khách rộng lớn mà nó không bao giờ thèm ghé qua.
Sân nhà ông rộng lắm và biệt thự của ông ở đâu trong kia.
Lúc lấy tiền ra để trả tiền xe, ông bỗng nghe tiếng nhạc mà ông rất ghét, mà ông cho đó là một lũ điên lấy nồi nhôm, xoong thiếc để đánh lên cho điếc tai hàng xóm.
Càng tiến sâu vào sân, sau khi đẩy cổng không có đóng, ông càng nghe nhạc ồn ào và rất giận thằng con của ông nó làm mích lòng hàng xóm vào giờ này thì phiền quá. Không biết nó điên hay sao mà mở xê-tê-rê-ô to đến thế.
Ông mau bước vào nhà để bắt nó tắt nhạc ngay, và khi ông mở cửa ra thì ông lại suýt ngất đi lần thứ nhì trong ngày.
Trẻ con ở đâu mà đông không thể tưởng tượng được, trai có, gái có, không đứa nào trên 16, 17 cả, tất cả đều ăn mặc lôi thôi lếch thếch và đang nhảy cái bản mà ông thù như dân bị trị thù dân xâm lăng.
Chúng nó đông có đến nửa trăm chớ chẳng chơi, và chưa có mấy đứa thấy ông vào, mà những đứa đã thấy ông, chắc cũng không biết ông là ai. Nhưng chắc chắn là có một đứa đã thấy, và đứa đó khiếp đảm vô cùng, hô lên:
- Chết rồi, chạy tụi bây ơi!
Đó là Dũng.
Cậu ta thoát ra trước hết. Mặc dầu ông Mạnh đang đứng nơi cửa, ông vẫn không kịp phản ứng vì ông còn sững sờ. Ông biết con ông có học nhảy, và nó đi nhảy ở đâu ông không rõ, nhưng ông không thể dè nó cả gan tùng tam tụ ngũ tại đây để mà làm giặc như thế này.
Bây giờ cửa dưới nhà ông Mạnh giống như cửa thành Lạc Dương đời nhà Tùy bên Tàu, mà tấm bửng đá khóa cửa thành lại, được một ông Hùng Huợt Hải đỡ cho, bao anh hùng hào kiệt bị nhốt trong thành, ùn ùn vội thoát ra ngoài để thoát chết dưới tay Tùy Dương Đế.
Lũ nó chạy đi gần hết rồi, ông Mạnh tỉnh hồn lại, ông bước vào nhà mà hét:
- Tụi trời đánh thánh vật, tụi bây định phá nhà tao hả? Tụi bây là con cái nhà ai, hử?
Ông giận sôi gan, nổi gân cổ lên mà hét, nhưng những đứa còn sót lại bất đếm xỉa đến ông, cứ lo tẩu thoát.
Đứa cuối cùng vướng chơn vướng cẳng thế nào không biết mà ngã xuống gạch kêu cái ạch. Ông Mạnh mừng lắm, ít ra ông cũng túm được một đứa để vò đầu cho hả giận ông, đứa ấy phải gánh chịu tất cả tội lỗi mà cả bọn đã làm, và chịu đựng tất cả sức nặng của cơn giận của ông.
Ông Mạnh đêm nay quạu quọ lắm, sau cái tai biến mà ông vừa chịu đựng. Ông cười ha hả, rất đắc chí mà rằng:
- À, mầy, mầy là con cái của nhà ai, tao cóc cần biết, tao đánh mầy một trận cho đã nư tao!
Nói rồi ông nhìn xuống, mặt hầm hầm. Nhưng đó là một đứa con gái. Nó chống hai tay toan ngồi dậy, nhưng không được. Nó vừa rên hừ hừ, vừa ngước lên nhìn ông chủ nhà dữ tợn, câm lặng cầu xin ông nới tay. Ông Mạnh đang bối rối vì chợt thấy mình không có gì trong tay cả, một cây thước chẳng hạn để đánh đòn đứa bé này, thì bỗng ông thừ người ra, khi ông thấy gương mặt của nó.
Ông lại đứng đó mà sửng sốt một hồi lâu nữa rồi cúi xuống hỏi giọng thật dịu dàng và hiền lành:
- Cháu làm sao vậy?
- Dạ cháu trặc chưn, đau lắm.
- Tội nghiệp, thôi, bị thương thì tôi tha thứ cho vậy.
Ông bèn đi khép cửa lại tắt nhạc, rồi trở lại đó mà hỏi:
- Cháu không thể ngồi dậy được sao?
- Dạ, để cháu thử xem.
Cô gái vừa nói vừa bặm môi, chống tay, nhăn mặt và trong một sự nỗ lực vô biên, cô ta ngồi dậy được. Rồi cô ta lại cố mà đứng lên, nhưng không xong.
Ông Mạnh nói:
- Để tôi đỡ cho lên ghế, ngồi nghỉ một lát rồi tôi lấy xe đưa về nhà.
Nói rồi ông đỡ xốc nách cô bé dậy và dìu cô ta lại chiếc đi văng nệm bọc nhung đỏ, đặt cô ta ngồi xuống đó rồi hỏi:
- Đau ở chưn nào?
- Dạ, chưn mặt.
- Thử cục cựa chưn ấy thử coi. Nếu không cử động được, là gãy xương, phải chở đi nhà thương lập tức.
Cô bé sợ hãi, cố gắng cục cựa cái chưn đau, và cô cục cựa được.
- Vậy là trặc chớ không có gì, để tôi xức thuốc cho rồi về.
- À, có muốn uống nước không?
Ông Mạnh hỏi như thế vì ông thấy sát chơn tường ngổn ngang vỏ chai Coca Cola, vỏ chai Bireley, và ông chợt nhớ ra là lũ này phải khát nước dữ lắm.
- Dạ uống.
- Nhưng uống gì?
- Dạ, nước đá lạnh.
Cô bé được trớn, đâm ra nhõng nhẽo, đòi hỏi chớ không thủ phận nhận lãnh bất cứ cái gì.
Ông Mạnh đi vào phía trong, nơi đó ngày thường được ngăn riêng bằng những tấm bình phong để làm buồng ăn, cái bàn ăn đã bị Dũng cho người nhà khiêng đi đâu mất, mà người nhà cũng không thấy mặt đứa nào, chắc Dũng đã cho nghỉ phép hết cả rồi, bàn ăn bị khiêng, nhưng chiếc tủ lạnh khổng lồ thì còn, vì nó nặng lắm, mà nhứt là vì nó rất cần. Chắc trong ấy không còn chai nước ngọt nào cả đâu. Quả đúng như ông Mạnh đã đoán, tủ trống trơn, nước ngọt hết mà trái cây đồ hộp cũng ráo nạo, chỉ trơ lại có vài chai nước lạnh thôi.
Ông lấy từ trên đầu tủ xuống một cái ly bằng giấy đựng trong một chiếc hộp giấy lớn rồi rót đầy một ly nước mát.
Cô bé uống một cách sung sướng rồi ao ước:
- Giờ phải có gì ăn thì thích lắm, cháu nghe đói quá.
Ông Mạnh bật cười. Con nhà ai mà thật là kỳ cục, được voi đòi tiên, giờ nó nhõng nhẽo như là con cưng. Một ý quấy xẹt qua tâm trí ông, tại sự nũng nịu của cô bé.
Ông nói:
- Đồ mặn trong tủ lạnh đã sạch bách. Nhưng trên lầu có bánh hộp, bánh ngọt ấy, bánh hiệu L.U. ngon lắm. À, cô bé tên gì?
- Dạ, tên Lan.
- Lan lại cần được săn sóc cái chưn, thuốc men cũng ở trên ấy! Tôi chạy lên, chạy xuống lầu nhiều bận mất công tôi quá, vậy Lan ráng lên trên ấy nhé?
- Dạ, cũng được.
Ông Mạnh lại dìu Lan như khi nãy. Nhưng tới chơn cầu thang, Lan thử bước lên thì không được và kêu đau om trời.
- Khổ quá, biết làm sao bây giờ! Ông Mạnh than. Hay là để tôi ẵm Lan lên?
Thấy Lan làm thinh, ông Mạnh thực hiện đề nghị của ông.
Giây lát sau, ông để Lan lên giường của ông. Đèn đã được thắp sáng lên rồi, khi ông đá cửa bước vào đó, vói tay bấm cái công tắc.
Xong, ông trở ra và giây lát lại vào buồng với một hộp bánh còn nguyên trên tay. Đó là loại bánh boudoir. Ông khui hộp bánh ra rồi trao cả hộp cho Lan, đoạn ông lại đi nữa.
Lan cứ ngồi đó mà ngốn bánh một cách ngon lành như em nhỏ, và tự nhiên như ở nhà mình, không nghĩ gì hết, không ngạc nhiên vì được biệt đãi một cách bất ngờ, làm như nàng thấy rằng hễ con gái bé thì được cưng là sự dĩ nhiên.
Ông Mạnh lại trở lại với nhiều lọ thuốc, một hộp bông gòn, một cuộn băng. Ông cứ để mặc cho Lan ăn bánh, ngồi xuống gạch để săn sóc cái chưn của Lan đang thòng xuống đó.
Ông mập mạp, ống quần lại chật, ông ngồi khó khăn nên rồi ông lại đứng dậy và nói:
- Lan ngồi sát vào trong, duỗi chưn ra.
Lan bỏ bánh, chống tay để lết vào trong, vừa lết thụt lùi vừa nhăn nhó kêu đau.
- Thôi! - Ông Mạnh ra lịnh.
Lan lại tiếp tục ăn bánh.
Ông Mạnh đỡ thật nhẹ chưn mặt của Lan lên, thoạt tiên nàng kêu “ái” lên một tiếng, nhưng vì sợ hơn là vì đau, rồi nàng lại tiếp tục ăn bánh. Ông Mạnh săn sóc thật sự, và ông biết cách săn sóc. Lan bị sưng hơi hơi ở mắt cá, ông biết rằng trặc gân chớ chẳng có gì, sự trặc gân làm cho Lan đau, còn sưng thì không đáng kể, bởi thịt chạm mạnh vào gạch, nó sưng mà không có hại tới bên trong, cũng không làm cho đau đớn như trặc gân.
Trặc gân thì ông có thuốc rất hay.
Độ mười phút là Lan không còn nghe đau đớn gì nữa cả.
Nhưng chưn nàng còn sưng, ông Mạnh lại xoa bóp những chỗ sưng ấy và làm massage lần lên cao hơn chỗ sưng để giúp cho sự tuần hoàn đều đặn, ông nói như vậy.
Thình lình, Lan cười lên hăng hắc rồi giựt chân.
- Gì vậy? - Ông Mạnh hỏi.
- Dạ nhột.
- Ừ ráng chịu cho nó hết để rồi còn đi về nữa chớ.
° ° ° ° °
Từ nãy giờ, Lan khi thì cúi xuống nhìn gạch, khi thì ngửa mặt nhìn trần mà kể, giờ, nàng mới nhìn Định mà tiếp:
- Em bị kích thích, còn lão thì giàu kinh nghiệm, lão biết lúc nào là lúc nên hành động, nên đúng vào lúc ấy lão dúi vào tay hai chục ghim giấy năm trăm. Rồi thì...
Nhà em là nhà biết ăn xài, nhưng lại không tiền, em còn trẻ quá mà đã có rất nhiều nhu cầu khôn thỏa.
Chị ba em chỉ đủ thỏa mãn nhu cầu của chỉ vốn nó cũng đã nhiều quá sức, thành thử em cứ ở trong tình trạng thèm khát một đôi giày, một chiếc sô-léc, một cái tuột đít.
Với lại như em đã nói, em bị kích thích, ban đầu định phản đối, nhưng không hiểu sao em cứ để vậy cho đến một khi kia, em không muốn phản đối nữa thì vừa đúng lúc đó là lão đưa tiền ra.
- Thôi đã đủ rồi.
- Đã dư ấy chớ. Đáng lý gì anh không nên tàn nhẫn đến thế.
- Không, anh có chê cười gì em đâu. Trái lại anh thương em. Em bảo rằng em chịu trách nhiệm một mình, nhưng anh thấy rằng chị ba em cũng có trách nhiệm, vì không khiêm tốn trong việc ăn xài, nêu gương không tốt cho em, mà xã hội cũng có trách nhiệm vì con gái được tự do quá sớm.
Định đã nín tại đây, nhưng còn nghĩ ngợi tiếp, chàng nghĩ rằng “Lữ đoàn mông đen” đáng lý gì, ngoài những con hạm, còn phải điều tra luôn về một khía cạnh này để đúc kết mọi khám phá hầu tạo nên một hệ thống nhận xét tổng quát về thực trạng xã hội để tìm phương trừ khử các tệ đoan.
- Chắc rồi còn gặp lại nhau nữa chớ?
- Lẽ dĩ nhiên, nhưng ở nơi khác, và em còn nhận chút ít tiền nữa, chỉ là tiền quà thôi.
- Được một trăm ngàn chắc em ăn xài to lắm!
- Đúng là như vậy.
- Mà chị ba vẫn không ngạc nhiên?
- Chỉ không có hỏi gì cả!
- Bất cẩn! Vô ý! Buông lơi! Tội của chị ba em nặng lắm. Thường thì em út, con, cháu trong nhà, đứa nào chưa có nghề mà có tiền xài là khả nghi rồi, phải điều tra cho ra sự thật.
Nếu chị ba em cố ý nhắm mắt cho em kiếm tiền thì đó là chuyện khác, nhưng có phải thế không?
- Không, không phải như vậy đâu. Chị em chỉ vô ý và thiếu tế nhị, buông lơi giáo dục gia đình thôi. Thôi em xin về, và em có thể trở lại đây thăm anh được chớ?
- Anh rất vui lòng, có thể lần sau, anh sẽ đưa em đi ăn cơm, hoặc đi chơi mát.
- Nghĩa là anh không có khinh em?
- Anh chỉ thương hại em mà thôi.
° ° ° ° °
Gia đình cô Liên đã có ý muốn “lành mạnh” rồi. Cô ước ao được thấy mặt Lan trong bữa ăn trưa và bữa ăn tối, và Lan vâng lời chị.
Cô bé này không phải có ý ngoan ngoãn tạm một lúc để chuộc tội đâu. Đã bảo cô ta lãnh trách nhiệm, tức đó là một đứa con gái khá cứng đầu thì nó không đầu hàng kẻ nào toan xử tội nó đâu.
Nhưng nó thấy là nó cần xứng đáng với một người kia mà nó nghe yêu, mặc dầu nó không còn hy vọng gì cả, sau buổi nói chuyện với người ấy. Nó giống hệt con bịnh tâm trí bị một bác sĩ chuyên môn thôi miên và trong giấc ngủ khoa học ấy, nó đã cung khai cả ra rồi những thối tha của nó.
Người bác sĩ không khinh nó, nhưng chắc chắn ông ấy cũng không nghe rằng nó thơm.
Nhưng mà nó cứ yêu, yêu suông cũng được, tại nó yêu, nó có biết làm sao bây giờ. Nó chẳng chiến đấu với nội tâm của nó làm gì cho mệt, bởi yêu một người con trai chưa vợ, nào có tội tình gì, và yêu suông lại càng không có hại gì cho ai hết.
Đây là mối tình đầu to lớn của một cô gái chưa có thẻ căn cước, cô bé ấy đã có những mối tình nho nhỏ, những mối tình học trò, cũng cứ là tình suông, thọ không quá ba tháng, nhưng bây giờ đây, cô ta mới thật là YÊU với chữ yêu viết hoa.
° ° ° ° °
Liên ngồi nhai miếng thịt bò tái hơi dai, nhìn em và rất lo sợ mà thấy rằng nó lại đẹp hơn trước nhiều lắm.
Nàng sợ một chuyện không hay thứ nhì, mà cũng sợ chính con bé cứng đầu này nữa. Nó cởi mở với người thân yêu, nhưng khi mà nó muốn bưng bít cái gì thì đố ông trời mà cạy miệng nó cho được.
Nhớ hôm nàng thấy dấu hiệu đã rõ rệt quá, nàng hỏi để nó xác nhận, nó xác nhận ngay. Nàng rụng rời, nhưng nó chỉ cười mà rằng:
- Chị đừng lo, để em đi xa, đi xa.
- Nhưng mầy có tiền hay không?
- Không.
- Như vậy thì đừng có nói đến chuyện đi nữa. Trời, mầy giết tao.
- Em chịu trách nhiệm, chị không được hành hạ tinh thần em thêm. Nếu em không đi được, em sẽ tự tử, không báo đời chị đâu mà chị lo.
Nó nói chuyện đi và chuyện chết bằng một giọng tỉnh bơ, như là nói chuyện đi bít-xin hoặc đi coi hát.
- Trời! Lâu lắm nàng mới kêu lên được vì tức nghẹn. Với ai, mầy nói tao nghe để tao tính cho! Đừng có kiêu ngạo xằng, bộ tốt lắm hay sao mà mầy lại còn muốn lên mặt với tao nữa?
- Em mắc họa, chị không an ủi được thì thôi, đừng có bắt nạt em thêm, em nổi loạn lên bây giờ.
Nàng đành phải dịu giọng vì nghĩ lại thương em nhỏ dại, còn khờ, nên nàng ôm nó mà khóc rấm rức. Nó cũng khóc, nhưng sau một hồi, vội cải chánh:
- Em khóc vì cảm động trước tình thương của chị mà em thương như mẹ, chớ không phải khóc cho thân phận em đâu.
- Em khóc vì gì, nào có quan hệ gì đâu. Em biết khóc là quí lắm rồi. Chị thấy em lầm lầm lỳ lỳ chị khổ sở quá.
Rồi nàng dỗ ngọt nó suốt năm hôm, nó vẫn nhứt định im lặng về thủ phạm.
Nếu có xấu hổ vì đã trót dại với một ông già, hẳn Lan lại chỉ xấu hổ với người ngoài thôi chớ không phải với chị Liên mà nó coi như mẹ, như đã nói, không có niềm riêng nào mà nó không tâm sự với Liên cả. Nhưng nó đã nhận trách nhiệm với kẻ kia, mà cái phần trách nhiệm của kẻ kia thì đã được đền bù bằng hơn một trăm ngàn bạc rồi, nên nó thấy rằng không công bằng, nếu chị Liên nó lại còn bắt đền người ta.
Bỗng Lan cũng ngẩng lên nhìn chị. Lạ quá, chính Liên lại nhột nhạt mà trốn mắt của em. Nhưng Lan cứ tấn công một cách chớp nhoáng:
- Chị xằng lắm nghe chị ba.
- Xằng về cái gì? - Liên chưng hửng, ngước lên nhìn em và hỏi như vậy.
- Chắc chị biết ý nghĩ của anh ấy ra sao đối với em, khi chị đề nghị một điều không hay, biết rõ mới dám đề nghị như thế?
- Không, chị không biết.
- Ấy xằng ở điểm đó. Không biết mà đề nghị rồi lại làm áp lực cho em đó. Anh ấy dửng dưng với em khiến em xấu hổ quá, xấu hổ hơn cả trong chuyện xấu của em mà anh ấy biết.
- Chị bậy thật. - Liên thú nhận - Nhưng anh ấy thờ ơ với em à? Có hất hủi, có coi thường em không?
- Em nói DỬNG DƯNG, chớ không có nói THỜ Ơ, hai điều đó khác nhau rất xa. Không, anh ấy tử tế lắm chớ. Nhưng em biết rằng anh ấy không nhận món quà mà chị muốn tặng ảnh.
- Em chỉ cảm giác vậy thôi chớ?
- Không, tụi này đã thẳng thắn nói ra.
Liên hết cả hồn vía. Nàng không dè bọn trẻ tuổi bây giờ lại ít mặc cảm, ít tu sỉ đến thế. Và nàng sợ là sợ lũ nó nói với nhau về chuyện nàng đã “cua” Định. Nàng rất muốn hỏi: “Tụi bây còn tâm sự điều gì nữa?” Nhưng mắc cỡ không dám hỏi.
Sợ, nhưng đồng thời nàng cũng mừng vô cùng: thế là Định không yêu Lan, và hắn còn rảnh rang.
Về điều này thì Liên không xấu hổ với chính nàng. Nàng có tranh giành tình yêu với em nàng đâu. Trái lại nữa. Nàng đã nghĩ ra và thực hiện cái sáng kiến mà Lan cho là xằng ấy cũng vì nàng thấy rõ là Lan có rất nhiều cảm tình với Định. Thế nghĩa là nàng nghĩ đến hạnh phúc của em nàng trước nhứt.
Nhà này có hai người yêu một anh con trai, nhưng cô chị yêu theo thế hệ trước, nghĩa là cứ ngồi đó mà mơ rồi khóc thầm, khi không được... Còn cô em thì khác.
Cô em thuộc thế hệ phản lực cơ, tình cảm tuy hời hợt hơn, yêu ít sâu đậm hơn người thế hệ trước, nhưng cô ta lại cựa quậy, hành động để chinh phục, và cô ta quyết thắng.
Đành rằng Liên cũng có khác hơn người của thế hệ trước một tí là đã dám đề nghị yêu Định, ban đầu miễn cưỡng để cậy nhờ, sau thì chơn thật, nhưng nàng không tiếp tục tấn công sau khi bại trận lần đầu, và bỏ cuộc luôn, luôn về mặt chinh phục ấy chớ không phải về chuyện mơ yêu đâu.
Lúc ăn tráng miệng. Liên giải thích để gỡ tội:
- Chị biết Định độc thân và hiện không có nhơn tình. Anh ấy đẹp trai mà lòng dạ cũng tốt, nên chị muốn gây hạnh phúc cho em. Nhưng anh ấy đã biết bí mật của em, chị làm sao mà gả em cho anh ấy được, nên chị mới làm mặt lì, đề nghị như vậy. Nhiều cặp vợ chồng, cũng gặp gỡ nhau như thế, vậy mà họ vẫn hạnh phúc trọn đời.
- Em không có bất bình về chính cái đề nghị. Nhưng cách hành động của chị mới là đáng trách.
Hai chị em không nói gì với nhau nữa cả, và khi Liên ra đi, Lan cũng muốn đi tìm Định, nhưng thấy là đã quá trễ giờ nên lại thôi.
Lan đi nằm sớm, mặc dầu trời nóng bức lắm. Đây là mùa mà người Saigon, những kẻ lắm bạc tiền, những kẻ ít bạc, nhưng ham vui, đổ xô ra ngoài về đêm, nếu không đi chơi đâu thì ít ra cũng đến nhà bạn, vì cái lẽ rất buồn cười rằng ta cứ có cảm giác rằng nhà thiên hạ mát hơn nhà ta, với lại có nói chuyện thì đỡ buồn và quên nóng được.
Người thiếu nữ này đi nằm sớm, vì đêm ray, nàng muốn lắng nghe lại lòng nàng.
Nếu muốn yêu, Lan không thiếu kẻ chinh phục nàng. Nàng có rất nhiều bạn trai, chúng nó đều đã thất bại với nàng vì nàng già giặn trước tuổi cũng có, mà vì thường thì luôn luôn con gái già giặn hơn con trai đồng lứa, lũ ấy đồng lứa với nàng nên nàng thấy chúng nó vụng về, trẻ con.
Nhưng không phải chỉ có bạn ấy mà thôi. Nàng cũng có quen biết với nhiều thanh niên thuộc lứa tuổi của Định và đã bắt gặp nhiều lần cặp mắt si mê. Nàng chỉ tạo dịp cho họ gặp gỡ nàng vài lần là họ dám bước tới ngay.
“Nhưng lạ quá, không biết Định có cái gì hơn người, Lan tự hỏi thế, anh ấy có cái gì, mình tìm mãi không ra, nhưng mình cứ nghĩ đến anh ấy. Quả anh ấy đẹp trai nhưng chán vạn anh khác cũng đẹp trai không kém, vài anh còn đẹp trai hơn Định nhiều bực”.
“Quả anh ấy đã tốt bụng, nhưng chán vạn anh khác cũng tốt bụng, thì sao?”
Lan quên mất cái nhìn câm lặng và van lơn của nàng trong đêm kinh khủng ấy, và sự thương xót thình lình của Định nó xúi hắn đổi ý đột ngột. Chính sự thương xót ấy đã làm cho nàng cảm động đậm lắm và cảm động này được đánh dấu vào tâm khảm nàng mà nàng không hay.
Nếu như Định chỉ là một người hịch hạc và dễ tánh, thì sự tốt bụng của hắn không cân nặng bao nhiêu, đằng này hắn lại cân nhắc rồi sợ hãi, quyết từ chối mà rồi khi bốn mắt gặp nhau, hắn đổi ý liền, thì một dây liên hệ nào giữa hai người nhứt định phải đã được phát sinh ra rồi.
Sợi dây liên hệ ấy có thể chỉ là một sợi dây cảm tình, nhưng từ cảm tình bước sang tình yêu, chỉ phải bước thêm có mấy bước thôi.
Lan lắng nghe lại lòng nàng và tự hỏi có hai câu này: quả mình có yêu Định hay không, và tại sao mình lại yêu Định?
Câu sau, nàng tự đáp không được, nhưng câu đầu thì xem như là tự nó đã được trả lời ngay, không có thắc mắc nghi ngờ nào cả.
Nhưng nằm trằn trọc một hơi, Lan bỗng thấy một câu hỏi thứ ba nổi lên: mình có tin rằng có tình yêu hay không?
Nàng giựt nẩy mình khi thoáng thấy cái dấu hỏi to lớn ấy hiện ra trên bức màn đen của căn buồng mà nàng không buồn thắp đèn.
Những người con gái thích có bạn trai, thích sống ồ ạt, thích cái nếp sống Tây phương coi vậy mà rất ít đa tình hơn các cô gái khuê môn bất xuất vì bản chất của họ như thế mà cũng chính vì sự gần gũi, sự chung đụng thường xuyên với con trai, giết chết những mơ mộng nơi họ.
Phương chi, Lan bị rủi ro trót gặp tình yêu dưới gương mặt bẩn thỉu và tồi tệ nhất của nó, nên nàng đã chứng kiến cuộc tự sát của chút xíu thơ mộng còn rơi rớt lại nơi nàng.
Dĩ nhiên là cái đêm khiêu vũ lậu bị chụp đầu và sau đó, không bao giờ nàng CÓ YÊU ông Mạnh cả, mà chỉ hiến thân cho lão ta thôi, nhưng nàng biết rằng tình yêu thật sự cũng chỉ có thế cộng thêm với tình cảm, mà tình cảm của nàng vốn nó đã nghèo nàn lại bị giết gần hết, thế nên nàng đã ngạc nhiên mà hỏi thầm: “Hóa ra chỉ có thế à? Có lảng xẹt chưa, cái tình yêu mà mình đã mơ bao nhiêu năm nay! Thằng Dũng nó đã bối rối, nó đã ấp úng, nó đã đỏ tai mỗi khi nó muốn nói với mình cái gì, nhưng chưa hề dám nói. Đó, đó là tình cảm. Cộng thêm vào đó hành động của ông già nó, là đủ cả hai yếu tố của tình yêu khách quan, tình yêu mà người khác tặng cho mình. Nhưng nếu chỉ có thế thì thật là tình yêu không đáng kể, trong đời một người”.
Phải có cái gì khác hơn, và cái ấy Lan cũng vừa phát kiến ra là tình cảm xuất phát từ phía bên nàng.
Với Định thì nàng có nghe yêu hắn, tức cái yếu tố thiếu trước đây, trong trường hợp này không thiếu.
Nhưng quả là không có gì cao đẹp cho lắm như người ta nói. Chắc nàng không dám chết vì Định đâu, và lỡ không được Định yêu, nàng cũng chẳng buồn bao nhiêu. Được hắn yêu một lúc rồi bị phụ, nàng sẽ sầu trong hai bốn tiếng đồng hồ thôi.
“Không, mình không phải là con người trời sanh ra để mà yêu và hưởng tình yêu. Nhưng nhứt định là phải được anh Định. Mình thích anh ấy lắm, không rõ vì sao và cứ tạm cho rằng yêu anh ấy và được anh ấy yêu là mối tình lớn của mình đó”.
Nghĩ tới đây. Lan rất buồn cười. Thì ra cái chuyện yêu đương là một trò chơi. Vâng, nàng xem đó là một trò đùa, y như Định. Một cuộc cút bắt của sự chênh lệch giữa tuổi của tâm hồn. Tuổi của tâm hồn chớ không phải tuổi tác thật sự đâu. Cái bọn đồng lứa với nàng, bọn con trai của nàng ấy, chúng nó cùng nàng đi giải trí chung với nhau, ở khắp nơi, có khi đi rất xa, Vũng Tàu, Dalat, thân với nhau không biết bao nhiêu, vậy mà không thằng nào cua nàng được cả. Nàng cho lũ nó ra rìa hết, vì xem lũ nó như em út.
Giờ thì tới phiên một anh lớn cho nàng ra rìa đây, có lẽ vì chàng ta cũng xem nàng thư em út. Anh ấy đã chẳng gọi nàng bằng “cô bé” là gì? “Không, con người ấy có vẻ kinh nghiệm, thạo đời, kịp thời thì chắc chắn anh ta không chê mình vì lỡ lầm của mình đâu. Chỉ vì cái trò đùa này nó như thế đó. Chị ba, chị ấy đã được nếu chị ấy không vụng về ở điểm nào mà mình không biết, nhưng chắc chắn là chị ấy đã vụng về, đã đi sai nước cờ”.
° ° ° ° °
Cái anh chàng xem tình yêu là trò đùa, đêm nay làm phận sự rất tắc trách. Anh ta nghe người vũ nữ tên là Thu Mai bằng hai tai lơ đễnh, mặc dầu nàng này biết rất nhiều bí mật của các ông bự.
Chàng đã từ chối cô chị, dửng dưng với cô em, nhưng chàng lại bị hình bóng của hai người ấy đeo đuổi chàng. Chàng chối với chàng rằng, chàng yêu họ, chối mạnh và to lắm, làm như yêu họ là bậy bạ và xấu xa vậy, nhưng cũng có thể sự mạnh miệng, to tiếng ấy là dấu hiệu của hốt hoảng, sự hốt hoảng của kẻ phạm tội bị người ta đoán đúng rằng chính hắn là thủ phạm.
Chàng chối và có trưng ra bằng chứng hẳn hòi: “Làm thế nào mà mình yêu Liên được khi mà nó đến nhà mình nói chuyện yêu đương, mình không hề vui mừng, thích chí chút nào, cả trước khi mình giận hờn nó vì cái vụ gài bẫy ấy. Còn con bé kia quả nó đẹp ghê hồn, nhưng mình chỉ xem nó là một đứa bé con mà thôi. Không, mình không có yêu đứa nào hết trong hai chị em nó!”
Thế nhưng mà hình bóng của thiếu phụ và của em gái nàng cứ lởn vởn trước mắt chàng.
Định không thể biết rằng chàng bị mặc cảm với chính chàng, chớ tình cảm của chàng đối với hai người phụ nữ ấy sau đêm ghê rợn kia đã khác xa trước nhiều lắm.
Chàng cứ hãnh diện rằng mình bảnh lắm, phong độ lắm, đủ điều kiện lắm, thì yêu một người lớn tuổi hơn chàng là kém khả năng chọn lựa quá.
Còn yêu một cô gái đã gần như bán thân là ăn mót quá.
Một hình bóng thứ ba lẽo đẽo theo sau hai hình bóng kia, nhưng cứ lấp ló sau họ. Đó là hình bóng ông Mạnh, nhà doanh thương tỷ phú.
Định chỉ vừa được biết ông ta đây thôi, không phải cố tìm để biết, nhưng ông ta cũng thỉnh thoảng đi nhảy đi nhót nên dĩ nhiên là trong một cuộc khai thác một vũ nữ kia, ông ta bị lòi ra.
Định buồn cười quá. Con người có vẻ nghiêm trang, đứng đắn thế kia! Ông ta có ý muốn làm già, nên để râu, nhưng lại vẫn quỉ dịch như bất kỳ thằng nào còn trẻ như chàng.
Chàng nghe hơi oán ông ta, khi thoạt biết mặt. Nhưng rồi chàng lại bớt oán tức thì.
Thoạt tiên, chàng chỉ buồn cười thôi, không nghe sao cả, vì cái đêm mà ông ta túm được Lan, ông ta không sắp đặt gì cả, không cố ý. Đó chỉ là cái bước không may của Lan mà thôi, hai cơ hội đã tình cờ trùng phùng một cách tai hại: ông bị nhơn tình cho trợt vỏ chuối, và Lan rủi ro vấp té, không kịp tẩu thoát.
Hễ ông ta không có sắp đặt thì ông ta được hưởng trường hợp giảm khinh.
Nhưng không hiểu sao; chàng lại thấy cái bản mặt lão dễ ghét lạ, và có mấy giây chàng rất muốn nhảy đến để vặn cổ lão ta, khi tưởng tượng thụt lùi rằng cái bản mặt ấy vậy mà đã được hôn Lan, Lan mà đáng lý, chị nó để dành cho chàng nguyên vẹn.
Sở dĩ chàng đã không hành động đêm nay, không phải vì chàng nhát gan mà chàng chợt thấy mình vô lý: Nếu lão ta không làm xằng, thì không bao giờ chàng được biết rằng trên đời này có một cô gái xinh đẹp tên là Lan cả. Chị nó đã để dành cho chàng chỉ vì chàng đã bị thiệt hại trong vụ ấy, không ăn mắm mà suýt khát nước.
Sự chợt tỉnh ấy chỉ ngăn chàng làm xằng thôi, nhưng không xóa được niềm oán hận nơi chàng.
Tuy nhiên, chàng vẫn chối với chính chàng là chàng oán ông ta vì ghen, tức là thú nhận luôn rằng chàng rất tiếc Lan, hoặc đã yêu Lan rồi.
Thu Mai cười rất xinh và hỏi:
- Hình như là anh vừa mọc sừng?
- Tại sao em lại hỏi vậy?
- Bởi vì ai vào đây cũng vui cả, chỉ có anh là mang theo một bộ mặt đưa ma.
- Nếu em là thầy bói, em sẽ nổi danh.
- Thôi đi, em đã ghét thầy bói lắm rồi.
- Sao lại vậy?
- Có một ông, ổng bán cho em một mớ bùa yêu, giá gần một vạn bạc, vậy mà em không câu được thằng Ba Tàu bạc đầu đằng kia, anh nghĩ có tức không?
- Tại em dại chớ anh biết mọi thứ bùa yêu hay số dách.
- Nếu biết sao anh còn bị mọc sừng?
- Vì bùa yêu ấy chỉ có phụ nữ mới chế tạo được.
- Vậy à, mách em coi, em sẽ trọng thưởng.
- Thưởng gì?
- An ủi anh bằng đủ cách cho anh nguôi sầu. Nè, em còn một đứa em gái còn nguyên. Học trò chánh hiệu con nai.
- Kiểm soát được không?
- Tùy.
- Tùy gì?
- Tùy bảo đảm của anh.
- Khỉ khô, đã thưởng lại còn đòi đảm bảo.
- Chớ nó là em ruột của em kia mà, chớ có phải “em út” đâu.
Định bật cười. Không biết chàng được vì sao nào chiếu mệnh mà cứ được đàn bà tặng em gái ruột của họ cho chàng; chắc chắn là không phải sao Đào Hoa đâu và cô em gái của Thu Mai có lẽ cũng đã một lần uống thuốc gia truyền của bà mụ vườn nào đó.
“Hay là cái con em của nó cũng đang lâm nạn như Lan hôm trước và nó lại định gài bẫy mình như Liên nữa đây?”
Nghĩ xong điều này, Định đâm sợ đàn bà, và nhứt là sợ các cô em gái còn nguyên của những người đàn bà ấy.
- Anh đã cười thì dầu sao anh cũng đã có vui vài giây - Thu Mai kể ơn - Vậy anh mách bùa yêu em nhá?
- Để bỏ thằng nào?
- Dĩ nhiên là bất kỳ thằng nhà giàu nào.
- Nếu em thề bỏ cái thằng cha nghiêm trang đằng kia thì anh mách ngay.
- Thằng nào?
- Cái thằng cha tên là Mạnh mà em đã cho anh biết đó.
- Khỏi, thằng cha ấy khó xơi lắm.
- Sao vậy? Nó không mê gái à?
- Mê lắm, nhưng chỉ mê học trò thứ thiệt thôi. Anh oán nó lắm hả? Không lẽ nó già như vậy mà cặm sừng lên đầu anh được.
- À không, tại tự nhiên anh thấy mặt nó là anh phát ghét.
- Cứ đánh nó nếu anh ghét nó chớ bỏ bùa thì đừng mong. Nhá, giúp em anh nhá. Rồi anh muốn gì cũng được hết.
- Cũng chẳng cần đi núi Tà Lơn hái thuốc rối đâu. Họ nói giấy súc với lại rượu chát đỏ, hiệu nghiệm số dách.
Thu Mai vừa mới hớp một ngụm Bireley thì bật cười sặc một cái, nắp bàn trắng hóa vàng khè. Ả ta lau miệng, cười sặc sụa thêm một hồi lâu nữa rồi nói:
- Xưa lắm rồi nghen cưng. Đã kém vệ sinh lại chẳng ăn nhằm gì hết ráo. Ngỡ anh có bí quyết gì số dách chớ.
- Như vậy về cô em gái còn nguyên, kể như lúa rồi?
- Không nhưng với điều kiện khác.
- Cô ấy biết nhảy không?
- Nhứt định không.
- Lấy gì bảo đảm?
- Anh cứ cho quây suốt ngày những dĩa giựt gân rồi rình mà xem, hễ nó ngứa ngáy là nó đã tự tố cáo nó rồi.
- Há em lại không biết cho nó uống thuốc an thần à?
- Anh này kỳ cục. Không ai thèm nài ép đâu. Của quí thì có dễ bao giờ. Muốn nghe tiếp câu chuyện khi nãy thì đêm sau tới đây.
- Ý, thời phản lực cơ ai mà bền chí được như vậy.
- Nhưng sao hồi nãy anh nghe với một vẻ rất là thờ ơ?
- Vì anh bận lo ra khi thấy cái thằng cha Mạnh ấy.
- Nó đã làm gì anh?
- Bí mật.
- Thôi, em biết rồi.
- Em biết gì?
- Nó đã phỗng tay trên anh trong một cuộc săn đào của anh.
Định giựt nẩy mình. Cô ả Thu Mai này là bà thầy tâm lý đấy chớ chẳng chơi. Tuổi trẻ như chàng thì không thể tranh thương với một kẻ có sạn trong đầu mà cho đến vũ nữ cũng ê càng. Thế thì chỉ còn sót lại cái giả thuyết phổng tay trên ấy thôi, chớ nếu hắn là kẻ đã phụ bạc chị của chàng thì chị của chàng thù hắn là đủ rồi.
Thù Mai cười hằng hặc mà nói:
- Cậu đã bị đánh trúng tim đen rồi đó hả?
- Không.
- Nào có xấu hổ gì mà chối vô ích. Thua cái gì kìa mới là nhục còn thua đồng tiền là sự thường. Có những cô gái rất đạo đức, anh đưa ba chục ngàn các cô tát tai anh, anh đưa sáu chục ngàn các cô mắng anh, anh đưa một trăm ngàn vẫn còn bị chửi, nhưng anh đưa năm trăm ngàn là các cô làm thinh để suy nghĩ, anh thấu cấy thêm năm trăm ngàn nữa là Ô kê tức khắc đó nhé.
- Quan điểm vũ nữ!
- Quan điểm của ai cũng thế cả.
- Thôi bỏ, nói tiếp cái chuyện dở chừng hồi nãy nghe coi.
- Hồi nãy em kể tới đâu rồi?
- Tới chỗ bà ấy dâng cháu gái cho chồng bả.
- Tốp. Hổng được kêu con mẻ bằng bà đa nghen. Không xứng đáng gì đâu. Còn tệ hơn em nữa.
- Về phương diện nào?
- Lẽ cố nhiên về phương diện nguồn gốc, lai lịch chớ còn về phương diện có bồ thì ai như nấy.
- Vậy nguồn gốc của em, là con vua hay cháu chúa?
- Đừng có nhạo người ta, có muốn nghe phải chi ve Bains de Champagne mà anh hứa hôm tuần trước, không thôi đêm sau sẽ hát tiếp vậy.
- Chuyện em kể dở ẹt, anh cần nghe chuyện mấy ông bự, em lại thuật chuyên gia đạo người ta.
- Chớ thằng đó không là ông bự à? Tỷ phú thì còn bự bằng một trăm lần ông bự ăn lương mỗi tháng hai chục ngàn của anh nữa. Nè, nó lại ở trong ban kinh tài kinh tức gì của bà Cố đó nhé, ông bự mà cũng phải xá nó nữa. Em đã thấy rồi mà.
- Không, anh chỉ mê các ông bự ăn lương tháng từ hai chục ngàn trở xuống mà thôi, lương họ càng thấp anh càng mê họ.
- Bộ anh là mật vụ sao chớ!
Định giựt mình đánh thót một cái. Cô ả Thu Mai này nguy hiểm thật. Nếu cho cô ả làm nữ điệp viên chắc cô ả sẽ hoạt động đắc lực lắm vì đó là một con người thông minh vô song.
Thu Mai chạy bàn rồi, Định ngồi một mình mà nhìn ông Mạnh từ đằng xa. Một lần nữa, chàng rất muốn chạy lại đằng ấy xách ghế đập lên đầu ông ta một cái. Thu Mai không trả thù gián tiếp giùm chàng được vì ông ta không có gì xấu xa trong gia đạo cả để cô ả phanh phui ra.
Đó là một con người thành công về mọi mặt trên đường đời, gia đình đầm ấm, làm ăn cứ lên như trực thăng, còn về gái thì cũng là một cây xanh dờn, ông ta chưa hề thèm muốn cô nào mà không được cả.
Ông ta chỉ thất bại ở một điểm nhỏ thôi, mà Thu Mai không biết, là bị cô nhơn tình cho mọc sừng. Nhưng ngay đêm đó ông ta đã gỡ gạc lại được một cách rất lời với Lan.
Nhớ tới đây, Định lại sôi gan lên.
Nếu ông ta cưỡng hiếp Lan, chắc chàng cũng không oán ông ta đến thế, đằng này ông ta lại được Lan, được với sự ưng thuận của Lan. Chàng không hiểu sao chàng lại nghe ghê tởm cái cách chiếm con gái thế ấy hơn là nhờm gớm sự cưỡng hiếp, mặc dầu luật pháp, tức xã hội lại tha thứ lối thứ nhứt, lối của ông Mạnh.
Thình lình Định thừ người ra, chàng chợt khám phá ra lòng mình bắt chợt được chính nội tâm thầm kín của chàng: chàng đã “yêu” Lan chớ không có gì lạ.
Trên đời này, ít có cô gái thơ nào mà tâm hồn già giặn như Lan, sự già giặn này không phải mới nhờ cuộc phiêu lưu với ông Mạnh mà nàng có được đâu, bởi tám con trăng không đủ là đâu để trui cho cứng một tâm hồn non nớt, thế nghĩa là Lan đã già giặn trước đó, tuy cũng nhờ cuộc phiêu lưu ấy mà già giặn thêm.
Nơi Lan, sự tươi trẻ và tấm lòng già giặn hòa hợp lại một cách rất là huyền diệu dễ mê đối với một người khó tánh như chàng, vừa thích trẻ đẹp bề ngoài, lại vừa mê kinh nghiệm của người đã có sống nhiều.
Liên còn già giặn hơn Lan nhiều lắm nữa, nhưng nàng đâu còn nét tươi trẻ của Lan.
Với lại, chàng nghe Lan là “đồng chí” của chàng. Cả hai đều xem tình yêu là một trò đùa, cả hai đều cởi mở, chơn thật, sòng phẳng.
Lan xem tình yêu là một trò đùa? Đúng như vậy, nếu không, nó đã chẳng ngã một cách quá dễ dàng. Nhưng khi hai tấm lòng hời hợt tình cảm ấy gặp nhau, thì cả hai lại cảm nhau chớ không hời hợt nữa. Họ chỉ hời hợt vì chưa gặp cái chất axít nào đủ khả năng tạt sâu vào tâm hồn kim khí đặc biệt của họ mà thôi, một thứ kim khí hoàn toàn thiết giáp đối với sự gậm mòn của các loại axít thông thường, chớ người nào cũng có tình cảm cả, chỉ có điều là nơi những kẻ như Lan, như chàng mạnh cá tính giao thiệp với nhiều người khác giống thì tình cảm của họ rất khó mà rung động như nơi những người sống lặng lẽ, âm thầm sống cô đơn trong nhịp độ trầm trầm của thôn dã hay của thời trước.
Nhạc Tuýt và lối sống ồ ạt đã dỗ ngủ yên tình cảm nơi Lan, còn nơi chàng thì những bước ngược xuôi vì sinh kế mà chàng phải theo từ khi cha mẹ chàng qua đời, chàng bỏ học, những bước sống khó khăn ấy cũng đã đẩy lùi tình cảm của chàng vào một xó kẹt rồi.
Định muốn đứng lên chạy đi tìm ngay Lan bây giờ đây, nhưng nhớ ra là chàng không biết nhà nàng nên nhẫn nại chịu buồn. Chàng định sẽ hỏi địa chỉ của Lan, khi Lan tới thăm chàng lần sau, để từ đó, có cần Lan thì tìm được ngay, thích hơn là đợi Lan đến. Chàng phải được tự do, chớ không thèm đợi chờ những lúc hứng bất thần của Lan. Sỡ dĩ từ thuở giờ chàng chưa yêu lần nào vì không thể yêu gái trời đánh được, còn gái nhà lành thì phải đợi họ có dịp họ mới cho chàng gặp, rất là bất tiện và mất cả thú vị, khi khát nước phải đợi trời mưa thì còn hay ho gì nữa.
Bỗng Định nhớ tới Liên. Bây giờ mà chàng chạy lại Eldorado hỏi Liên thì biết ngay. Chàng không phải sợ Liên vì chính Liên đã tặng Lan cho chàng nhưng chàng không nhận kia mà.
Định lại vụt muốn đi, nhưng rồi cũng lại thôi. Chàng nghe thương thương Liên, nàng đã chơn thật mà dâng tình yêu cho chàng, chơn thật thú nhận rằng chính nàng, nàng chưa yêu, nhưng nàng sẽ nỗ lực mà yêu và sẽ thành công.
Nàng nói vậy, nhưng chàng lại cảm giác rằng nàng đã yêu chàng rồi, không biết có sâu đậm hay không, nhưng quả nàng có yêu. Chàng có kinh nghiệm nhìn một cái chớp mắt, một sự rúng động của một thớ thịt mặt, cũng đoán được tình cảm của con người mà chàng quan sát.
Liên lại càng đáng thương hơn không biết bao nhiêu ở cái điểm đã yêu mà lại đủ can đảm hy sinh tình cảm của mình tặng Lan cho chàng, cốt làm vui lòng chàng vì nàng ngỡ chàng thích cái tuổi trẻ của Lan hơn. Lúc ấy nàng nghĩ như vậy là sai nhưng hành động thái độ của nàng quả thật do thiện chí chi phối.
Không, chàng không nên tìm Lan do cái ngả chị của nó, mà phải do đường khác. Không nên làm cho cô ấy đau.
Vả lại, nhờ Liên để tìm Lan tức là nhận món quà đền ơn rồi vậy. Mà như vậy thì vô lý quá, đã từ chối một cách rất là anh hùng giờ lại nhận trễ muộn thì hóa ra chàng quân tử Tàu quá hay sao.
Tuy nhiên rồi Định cũng ra đi về nhà làm việc cho quên buồn, quên nhớ Lan. Kể từ giây phút mà chàng bắt chợt được lòng chàng, chàng nghe nhớ cô gái ấy vô cùng.
Định rinh bàn máy đánh chữ mới sắm ra, để giấy vào đánh thành ba bốn bản phúc trình sau đây:
“Báo cáo mật của khu T.L.
nhân viên M.A.X. 207
Ông Trần Bổn Tánh, nhơn viên Tổng nha Quan thuế Sài gòn, không biết ngạch trật, đóng đô ở vũ trường Tonkiti từ hai tháng nay vừa bắt tình với vũ nữ Agnès Đào sau khi tặng cô ấy một chiếc Dauphine mới.
Riêng ông Tánh thì xê dịch bằng xe Triumph mà ông ấy tự lái lấy, nhưng có tài xế ngồi ở băng sau.
Từ hôm tặng xe cô Agnès, ông tới vũ trường thì cho xe về trước liền, còn ông thì khuya lại cùng đi với nhơn tình bằng chiếc Dauphine nói trên.
Ông Tánh luôn luôn đi chơi một mình chớ không phải được các thương gia mời như một số công chức khác. Thế nghĩa là ông ta tiêu pha bằng tiền của ông ta có thể là tiền tham nhũng.
Đang theo dõi”.