- ù! Bắt quả tang nha... - A! Cái ông này! Tui mà đứng tim chết là má tui bắt đền... má ông ráng chịu! - Làm như bà dễ chết lắm vậy! Giải đề mấy rồi mà đọc truyện tranh đó? - Hì hì... Đợi ông ra làm chung. Cuộc đối thoại đến đó thì chỉ có tiếng loạt soạt lật sách vở. An lôi từ trong ba lô chiếc đồng hồ để bàn hình con Mickey (đúng là con gái, điệu thiệt), chỉnh giờ chuông reo, lẩm bẩm: “Bây giờ là hai giờ, bốn giờ rưỡi nộp bài nhé!”. Hòa gật đầu rồi cả hai đứa im lặng, cắm cúi bấm máy tính, viết viết vẽ vẽ vào giấy... Mới có tháng mười hai thôi mà hai đứa đã giải gần hết ba bộ đề, chắc sẽ kịp giải lại lần thứ hai trước khi thi tốt nghiệp. Vậy chứ quay qua quay lại là thấy mùa hạ liền cho coi. Nhanh lắm, không học từ bây giờ sẽ muộn mất. Hai đứa thân nhau, chắc vì giống nhau ở chỗ, không làm thì thôi, làm thì sẽ cố gắng hết mình. Ví dụ cụ thể nhất là chuyện học hành nè, mười một năm liền là học sinh giỏi. Lên lớp 12, buổi sáng đến trường như bao bạn đồng trang lứa khác, tuần ba buổi chiều hai đứa vác tập vở ra đây học với nhau. Không theo đạo nhưng từ nhỏ hai đứa hay đòi ba mẹ dẫn đến nhà thờ này. Lúc đó, hai đứa chỉ thích nhà-thờ-của-ngày-chủ-nhật thôi. Đi riết, hai đứa phát hiện ra điều đặc biệt của nhà thờ này là ít có ai đi lễ một mình, cả gia đình già trẻ lớn bé cùng đi lễ nên giáo đường rộng thênh thang lúc chưa cất lên lời kinh cầu nguyện đã rất ấm áp rồi. Thích nhất là lúc tan lễ, vừa thoát khỏi không khí trang nghiêm bó buộc, cả bọn trẻ cùng ào ra giống như một bầy chim non lít chít. Cổng nhà-thờ-của-ngày-chủ-nhật là một bức tranh rực rỡ. Trẻ con trong những bộ quần áo lắm màu sắc bu quanh mấy chiếc xe đạp bán bong bóng, chong chóng cũng lắm sắc màu, chúng í ới đòi ba mẹ mua cho cái này cái kia... Hai đứa cũng hòa vào dòng trẻ con đó. Mỗi tuần hai đứa được mua chung một món đồ chơi. Có lần An thấy thằng bé kia đứng nhìn mấy cái bong bóng say mê mà má nó không cho tiền mua, tội nghiệp quá nên nhét sợi dây bong bóng vô tay nó. Tự dưng bị mất bong bóng bay bay, vậy là Hòa khóc um xùm. Đến lượt Hòa tặng cái chong chóng cho con bé mắt to mặc cái áo đầm trắng giống An thì An khóc nức nở. Hai người mẹ là bạn thân của nhau, chẳng biết có hò hẹn với nhau không mà đặt tên đứa An đứa Hòa, ráp lại thành “an hòa” rất có ý nghĩa. Mẹ Hòa và mẹ An cứ hay kể lại những chuyện ngày xưa của hai đứa, cũng giống như tên hai đứa ghép lại, nhẹ nhàng và bình yên. Kỷ niệm thơ ấu, lạ thật, chẳng mất đi, chẳng trôi qua, nó cứ hiện diện trong cuộc sống từng ngày cũng giống như nắng, như mưa, như sương của ông trời cao cao trên kia. Nắng tốt, mưa hay và sương dễ thương sẽ làm cỏ hoa đâm chồi nảy lộc nên những rừng cây bát ngát, đồng cỏ mênh mông, đồi hoa ngút ngàn... Hết còn trẻ con, cũng chưa là người lớn, lưng chừng như bây giờ thì Hòa không khóc nhè nữa. An vẫn mít ướt chút chút và hai đứa thích nhà-thờ-của-sáu-ngày-còn-lại hơn là chủ nhật. Đúng là rắc rối. Hai đứa vẫn đi nhà thờ, không đi sẽ nhớ cái tháp chuông bằng gỗ cao thật là cao mà hồi xưa Hòa mới trèo lên một chút đã mếu máo vì không biết làm cách nào trèo xuống, sẽ nhớ mấy hàng ghế gỗ đen bóng nước thời gian phía ngoài hành lang đã một lần làm An té và để lại vết sẹo nhỏ ở chân, sẽ nhớ các soeur đẹp hơn bà tiên trong truyện cổ tích vì soeur hay cho hai đứa ăn bánh. Mấy năm trước, hai đứa ghé nhà thờ một buổi trưa nào đó trong tuần, sau khi tan học. An phụ các soeur mấy việc lặt vặt trong bếp, Hòa cũng làm mấy việc lặt vặt như đóng cây đinh, thay cái bóng đèn, cắt lại cái thảm cỏ trước nhà thờ... Lên lớp 12 thì hai đứa trực chiến ở đây mỗi tuần ba buổi chiều ngày lẻ. Hình như trong không khí cổ kính và trang nghiêm thế này, con người ta thông thái hơn hay sao đó, hai đứa đem mấy bộ đề thi tuyển sinh ra đây giải thì kết quả tốt hơn là... ở nhà. Buổi trưa, nhà thờ bình yên như tòa lâu đài trong rừng sâu đang chở che nàng công chúa ngủ say mặc ngoài kia là một thành phố nhộn nhịp. Các soeur đã lui vào sâu nhà nguyện. Cỏ cây và nắng mở cuộc thi im lặng với nhau, chắc là sợ “nàng công chúa ngủ say trong rừng sâu” kia thức giấc. Thỉnh thoảng có chú chim vui miệng cất tiếng líu lo kể chuyện gì đó nhưng cũng nhanh chóng im lặng. Gió thổi luồng qua tiếng chim, qua khe nắng, qua hương hoa rì rào phụ họa. Bây giờ, ngoài vết sẹo, còn có chuyện “mài thêm mấy cái quần” sẽ làm hai đứa nhớ hàng ghế gỗ đen bóng ngoài hàng lang nhà thờ nữa. Hai đứa ngồi học ở hàng ghế này có sẵn bàn để viết và có mái hiên tránh được cái nắng chiều. Những lúc sắp chóng mặt vì những con số, An hay nhìn lên cái tháp chuông, mỉm cười vì nhớ đến khuôn mặt trẻ con của Hòa mếu máo trên đó rồi An luôn có cảm giác như mình sắp bay lên, bị hút vào cái hố chuông sâu thăm thẳm kia, vừa sợ, vừa thích. Không biết Hòa có ở trên đó không ta? Mỗi lần nghĩ đến đó là An đã bị Hòa giật giật đuôi tóc, cằn nhằn: - Bà kia, làm bài đi, mơ mộng gì đó, tui sắp xong rồi nè! An quay qua kéo kéo lại mấy cọng tóc ngắn ngủn của Hòa cho đỡ... tức. Con gái mà chọn học khối A thì phải chăm thôi, kẻo lại thua... con trai thì xấu hổ lắm. Nghĩ vậy nên An cắm cúi vào bài trở lại. Có một chuyện An không biết, sau khi “la lối” An xong thì đến phiên Hòa “mơ mộng”. Hòa nhìn An thật lâu rồi nhìn quanh quất, dãy hành lang vẫn bàn ghế và những cây cột gỗ đen bóng như lúc chứng kiến hai đứa chơi trò đuổi bắt, giờ thì hai đứa đã cao và to hơn ngày xưa nhiều lắm rồi. Nắng. Hòa nheo mắt một cái. Hình như đứng cạnh Hòa trong dãy hành lang êm đềm thân quen là một cô gái mặc áo đầm trắng dài phủ gót chân có kết hoa trắng, hình như... hình như... hình như là An. Hòa nhắm mắt, lắc lắc đầu, cố xua tan hình ảnh rất đẹp vừa rồi dù cảm thấy rất luyến tiếc. Còn một bài nữa là xong rồi... Cái đồng hồ hình con chuột Mickey kêu tít tít tít tít liên tục. Bốn giờ rưỡi rồi, An và Hòa dừng bấm máy tính, đổi bài cho nhau. An trịnh trọng để bài xuống bàn, cầm cuốn truyện tranh lên và tuyên bố: - Nghỉ giải lao mười phút thôi, tui mệt quá rồi, từ từ sửa! - Bà lười quá đi! Sửa bài xong về sớm ăn cơm, tui đói bụng rồi. An không thèm trả lời, lôi ra từ ba lô thêm một cuốn Lucky Luke nữa đưa cho Hòa. Không gian lại im ắng thêm mười phút nữa, cho đến lúc Hòa đọc xong ba trang truyện tranh thì hai đứa cùng cầm viết lên bắt đầu râm ran, bài này dạng mới phải làm cách này nè, đáp số này tui thấy kỳ kỳ, công thức này đúng hơn chứ... Cứ thế cho đến lúc chiều thật chiều... Hai đứa đều nhất trí khoảng thời gian từ trưa đến chiều tối là lúc nhà thờ đẹp nhất trong ngày. An bảo một trong những lý do đó là “có mặt An” rồi cười hì hì. Những lúc chơi trò “khen và tự khen” như thế, Hòa thấy mặt An rất dễ thương và cũng rất buồn cười. Hòa còn nhớ lần mẹ An mới may cho An cái áo, suốt ngày hôm đó An mặc áo mới đi qua đi lại trước mặt Hòa hoài đến nỗi Hòa gắt lên: - Bà kia, bà làm tui chóng mặt quá. Làm ơn ngồi yên một chỗ cho tui nhờ! Chỉ vậy thôi mà một hồi nhìn qua đã thấy An rơm rớm nước mắt. Hòa quýnh lên, rối rít xin lỗi. Mất... mười phút thì biết lý do, An thút thít: - Tui mặc áo mới mà ông hổng phát hiện ra, cũng hổng khen đẹp. Bạn bè gì mà hổng quan tâm đến nhau gì hết trơn! Nghe xong thì Hòa phải quay đi chỗ khác một lúc để không cười ra tiếng, An-mít-ướt giận nữa thì khổ. Lúc đó chắc mặt Hòa buồn cười cũng không kém An đâu, môi mím mím, mặt nhăn nhó ra vẻ có lỗi, cái vai run run cố nín cười: - Đẹp mà, tại bà có nhiều áo màu trắng quá nên tui khó nhận ra. Mắc công khen hoài một cái áo thì người ta nói tui nịnh An! Nói xong, Hòa nhịn không nổi, cười phá lên. An cũng không khóc nổi nữa, sắp cười rồi, chạy qua đấm thùm thụp lên lưng Hòa. Hòa tiếp tục chọc: - Vừa khóc vừa cười ăn mười... Hòa nói đến đây thì An không thèm đánh Hòa nữa, giậm chân giận dỗi bỏ về ghế của mình ngồi chuẩn bị... khóc tiếp thì Hòa mở ba lô lấy ra một nắm kẹo đặt trước mặt An rồi dỗ dành: - Nín đi. Ăn mười cục kẹo thì có gì đâu mà khóc. Bà mặc áo trắng mới hay cũ gì cũng đẹp hết, được chưa! Chuyện đó xảy ra hồi xa lắc, giờ An đỡ mít ướt hơn, nhưng cũng thuộc loại mau nước mắt nhất trong những người Hòa biết từ lúc mẹ sinh Hòa ra trên đời. Hòa cũng chẳng phải là thằng con trai nhiều chuyện nhưng sao cứ thích chọc cho An tức lên rồi quýnh quáng dỗ. An giờ... kinh nghiệm hơn. Mỗi lần Hòa chọc đến câu “Vừa khóc vừa cười ăn mười...” là An dù đang khóc cũng nói liền “mười cục kẹo” rồi xòe bàn tay có năm ngón thon dài ra đòi kẹo cho bằng được. Hòa không có thì cho... nợ, hôm sau phải mang lên lớp. Cũng vui. Cả lớp cứ ghép đôi hai đứa mãi mà nói như giọng điệu của lớp trưởng là: “hai đứa nó cứ trơ ra”, riết rồi chán. Hai đứa, An và Hòa tự hào vì mình đang sở hữu một tình bạn thanh thoát, trong ngần như tiếng chuông nhà thờ cứ ngân lên đúng năm giờ ba mươi mỗi buổi chiều. Tiếng chuông ngân lên ngày qua ngày trong không gian tĩnh lặng của nhà thờ là của chung tất cả mọi người, của cha, của các soeur, của cả thành phố này, và dĩ nhiên của hai đứa nữa. Từ bao giờ chẳng biết, mỗi buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ, phản xạ tự nhiên của Hòa là hướng về phía An. Những ngày lẻ, đó là lúc hai đứa đã buông sách vở xuống, đã thôi tranh luận với nhau về cách giải, công thức và những con số. Hai đứa đã ngồi bệt xuống đất, ngắm cả một vùng trời rộng đang chơi trò ảo thuật với màu sắc, lặng im, mỗi đứa đang mải miết đuổi theo một dòng suy nghĩ riêng. Chẳng biết An sẽ nghĩ gì vào lúc đó, cái công ty nào đó An sẽ làm việc sau này, giảng đường đại học với những người bạn mới, bài kiểm tra ngày mai, tuổi thơ của hai đứa hay... Còn Hòa, hình như tiếng chuông nhà thờ và hoàng hôn thành phố làm An đã dễ thương lại càng dễ thương hơn. Hòa nghe một cái gì đó cứ xao xuyến cứ xôn xao biết mấy trong lòng mình những buổi chiều như thế này... Hôm nay hai đứa có vẻ không tập trung, làm bài xong rất muộn, không kịp sửa bài thì ánh sáng đã không cho phép rồi, tháng mười hai, trời vẫn tối rất nhanh. Như mọi buổi chiều muộn ngày lẻ khác, hai đứa đang ngồi phệt bậc tam cấp nhà thờ, im lặng mải miết đuổi theo dòng suy nghĩ riêng. An nhớ lại chuyện sáng nay, tự nhiên Huy tặng An cái kẹp tóc, ừm, cái kẹp tóc cũng đẹp, giống loại An hay xài, chắc là Huy có để ý nên mới biết. Huy có lý do là chúc mừng An tháng này đứng nhì lớp (Hòa dành hạng nhất rồi) nhưng An vẫn thấy ngại ngại sao đó. Chẳng biết là Hòa có biết chuyện này không, hình như lúc đó có Hòa ở trong lớp. Cũng sáng nay đầu giờ An thấy Nhung ngồi tỉ mỉ bao một cuốn tập, giờ ra chơi thì Hòa cầm cuốn tập đó. Lúc đi ăn chung ở căn tin trường, An mở ra mới biết là tập của Hòa. Chắc Nhung bao lại để cám ơn vì Hòa cho mượn tập. Chuyện nhỏ như con thỏ vậy mà An cũng nhớ đến giờ này, thiệt là... Hình như có chú chim nào đi lạc bầy hay quên đường về tổ mà kêu líu ríu mấy tiếng trên ngọn cây, cũng hình như có tiếng chim đáp lại lít rít trên nóc nhà thờ, rồi lại hình như một đoạn nửa líu lo nửa lơ lửng giữa trời. Hình như hôm nay có nhiều cái... “hình như”. Một trong những cái “hình như” An cảm thấy được là Hòa đang ngồi rất gần An, đến nỗi An nghe được trong gió hơi thở của bạn mình... Không phải hình như nữa mà là thật. Hòa bất ngờ nắm bàn tay trái của An. An run lên nhè nhẹ. Một dòng ấm len lỏi rất nhanh tỏa khắp cơ thể An, không phải vì mặt trời buổi chiều đâu, má An đang nóng ran lên. An đang nhìn trời mà, bỗng nhiên bầu trời bị thu nhỏ lại và đường chân trời bị đẩy ra xa hơn. Có tiếng Hòa vẳng lại nhẹ nhàng thôi, gần thôi nhưng An không còn nghe được nữa. Sao lại nắm tay An nhỉ? Hai đứa chơi với nhau từ nhỏ thì chuyện đánh nhau, đụng chân tay đâu có gì là lạ, sao An lại bối rối đến thế? An phải làm gì bây giờ? Không biết bao nhiêu lâu đã trôi qua rồi An từ từ rút tay ra khỏi tay Hòa, mặt vẫn còn nóng bừng. Đến lúc này Hòa cũng giật mình, rụt nhanh tay lại. Hai đứa không nhìn nhau, cúi đầu thu dọn sách vở. Trên đường về, hai đứa không tíu tít như mọi hôm. Hòa không pha trò chọc ghẹo An nữa, An cũng lạ, tự dưng trong đầu trống rỗng, không tìm ra chuyện gì để nói với Hòa cả. An mong sao đoạn đường hôm nay ngắn hơn, ngắn hơn... Mỗi đứa một chiếc xe, vẫn như thường lệ, Hòa đưa An về nhà rồi mới quẹo đầu xe lại về nhà mình. Buổi cơm chiều hôm đó, hai bà mẹ không hiểu tại sao hai đứa con bình thường rất háu đói của mình ăn chỉ qua quít một chén cơm thôi... Khối 12 bắt đầu thi học kỳ. Ngày thi, ngày nghỉ ở nhà ôn thi nên không còn lên trường thường xuyên nữa. Hôm xảy ra “chuyện xấu hổ”, đó là ngày thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, thứ hai đi thi môn Văn và Lý. Hòa không đợi đến ngày thứ hai, xa quá, chỉ mong trưa ngày thứ bảy đến mau mau, Hòa sẽ chạy ù ra nhà thờ thật sớm, để đợi An, để cùng An ngồi làm bài tập và để nói một chuyện rất quan trọng với An nữa... Thứ bảy, không phải đi làm, ở nhà, mẹ Hòa bỗng thấy ngạc nhiên sao Hòa cứ thấp thỏm nhìn đồng hồ. Rồi đến lúc ăn cơm trưa xong, nghe điện thoại của An bảo muốn ở nhà ôn bài Văn nên không ra nhà thờ một bữa, chỉ vậy thôi, thì cái mặt lại tiu nghỉu, buồn xo. Bài vở thì học xong rồi, ngồi ở nhà hoài cũng nhớ nên Hòa quyết định chạy ra nhà thờ. Dãy hành lang và bàn ghế buồn hiu trong buổi trưa vắng dáng hai đứa ngồi học. Chắc An giận Hòa thật rồi, mà lỗi cũng tại Hòa. Sáng thứ năm thấy Huy vừa tặng kẹp cho An vừa nhìn An lâu như vậy, Hòa đã thấy lòng mình lạ lạ, hình như là khó chịu. Cứ tưởng sẽ qua rồi chứ. Ai ngờ đâu buổi chiều cảm giác khó chịu ấy lại ùa về, Hòa chỉ định nói với An là trong những người đồng trang lứa, Hòa quý An nhất trên đời, chắc cũng chỉ nói được vậy thôi chứ trong lòng Hòa thì tình cảm đã là cấp độ gia thừa của “quý” rồi. Nhưng chẳng biết bị cái gì xui khiến mà Hòa đã nắm tay An nữa, chắc Hòa làm An sợ. Thật ra lúc đó Hòa cũng sợ, Hòa cũng bị nóng bừng cả người lên rồi ngồi đó chết trân, không biết phải làm sao nữa. Sắp mười tám tuổi, Hòa cho phép mình có những hồi xôn xao với người Hòa cảm mến chứ, nhưng chỉ ở trong lòng Hòa thôi. Lỡ bộc lộ ra ngoài, Hòa thấy mình có lỗi quá đi. Nhưng lẽ nào An chơi với Hòa từ nhỏ đến lớn mà không hiểu Hòa, mà nỡ giận Hòa lâu vậy? Hai ngày nay Hòa đã suy nghĩ nhiều lắm, quyết định sẽ xin lỗi An vì “chuyện xấu hổ” đó để lại cùng học bài, cùng đọc truyện tranh Xì Trum và Lucky Luke... Năm giờ ba mươi phút, chuông nhà thờ đã ngân cả không gian buổi chiều thứ bảy vang theo những hồi thanh thoát của tiếng chuông cuối ngày. Hòa vẫn còn ngồi trên bậc cửa nhà thờ đến khi soeur Nghiêm xuất hiện, soeur hỏi: - An đâu mà Hòa ngồi một mình? Hòa chỉ lý nhí trả lời: - Dạ, An ở nhà ôn bài mai thi ạ! Con chào soeur Nghiêm con về! Tự dưng Hòa nhớ hai câu thơ đã đọc ở đâu đó: “Tan lễ lâu rồi mà hắn còn nấn ná - Mẹ đợi cơm chiều còn hắn đợi người dưng” [1], ông thi sĩ đó lúc làm hai câu thơ này bằng tâm trạng thật đây, sao Hòa thấy đúng quá trời. Nhưng nghĩ lại cũng không đúng lắm. An đâu phải là “người dưng”. Hòa và An có chung với nhau một tuổi thơ rất đẹp, như mây, như nắng, như sương của ông trời, có chung như vậy là nhiều lắm và thân thiết lắm rồi chứ. Sáng mai, lúc tiếng chuông đầu tiên của nhà thờ ngân lên, nhất định Hòa sẽ xuất hiện ở nhà An để nói cho hết lòng mình... - An ơi! - Sớm vậy Hòa? Bảo sớm nhưng chưa đầy năm phút sau An đã xuất hiện trước cửa. An mặc bộ pijama màu xanh mạ khoác thêm chiếc áo lạnh trắng. Tháng mười hai, hơn năm giờ sáng rồi mà trời vẫn còn tối lắm. Những hạt hơi nước li ti cứ bay bay trong không khí, choàng tay nhau giăng thành những bức rèm thiên nhiên nửa che khuất tầm nhìn của người ta, nửa làm mọi vật lung linh và huyền ảo hơn. - Có gì không Hòa? - An đợi chút nữa thôi. Hai đứa đứng đối diện và nhìn nhau. An thấy chuyện này là lạ, trước giờ Hòa có thế đâu, đợi gì nhỉ? Qua màn sương, chiếc áo khoác trắng của An cứ lung linh lung linh như những giọt nắng đi học sớm. Đúng năm giờ ba mươi phút sáng, chuông nhà thờ ngân lên những tiếng thanh tao nhất dành cho ngày mới. Đợi cho tiếng chuông tan ra với mây trời và mây trời bay đi, Hòa nói: - An cho Hòa mượn cánh tay phải, giơ ra cho Hòa mượn nhé! - Chi vậy Hòa? Hỏi là hỏi vậy nhưng An đã chìa tay phải ra rồi. Hòa nhẹ nhàng đưa bàn tay phải của mình về phía bàn tay phải của An, lần này không phải là nắm tay để rồi hai đứa nóng ran khắp người nữa. Mà là một cái bắt tay đàng hoàng nhé, hơi giống như các vị nguyên thủ quốc gia trên tivi, nhưng thân thiết hơn và trẻ trung hơn nhiều lắm. An cũng thấy vui vui, hay hay, bắt tay à, ừ... Phải cố gắng lắm Hòa mới nói được những câu thế này: - Hai đứa không phải chỉ có chung kỷ niệm thơ ấu mà hai đứa sẽ có chung kỷ niệm niên thiếu rồi kỷ niệm những ngày sắp lớn nữa. Vừa bắt tay xong, tụi mình thành người lớn. À, còn có chung những ngày đã lớn nữa, phải không An! An tiếp lời, suýt phì cười vì nhắc lại “triết lý” chung của hai đứa: - Những điều đó hiện diện trong cuộc sống từng ngày cũng giống như nắng, như mưa, như sương của ông trời cao cao trên kia, phải không? - Chuyện hôm chiều thứ năm sẽ là giọt sương nha An! Sương rất dễ thương, sương che mắt người ta, làm người ta run nhưng chính những giọt sương là điều tinh khiết nhất của ngày mới. Nắng lên thì sương tan đi... An bắt đầu nheo mắt, tinh nghịch trở lại: - Cái bắt tay sương mù à? Sương mù đồng bằng nữa chứ! An đâu có giận gì đâu mà! Nhưng... còn chương trình gì nữa không? - Còn chứ, bây giờ Hòa sẽ chạy về nhà, đợi nắng lên rồi gọi điện thoại cho An, đi ăn sáng! Nắng cũng dễ thương... Nói rồi để mặc An đứng đó, Hòa đã chạy mất. Vừa quẹo khỏi hẻm nhà An là Hòa hát là lá la, la lá là... cho đến lúc về đến nhà ngồi đợi... nắng lên. Bỗng nhiên, Hòa thấy hai đứa sến sến làm sao đó, cứ Hòa Hòa An An, không bình thường lắm! Chút nữa chạy qua lại nhà An, Hòa sẽ xưng hô tui tui, bà bà như cũ, như vậy dễ chọc ghẹo An hơn. Còn An, An thấy sáng chủ nhật hôm nay bắt đầu cho một điều gì đó lung linh, mới mẻ và dễ thương nữa, giống như những trái thông nhiều màu sắc An sắp treo lên cây thông trong nhà mình. Cái bắt tay sương mù à? Hay hay! Tay Hòa vẫn còn run run khi chạm tay An. Hì hì... Chắc là đang cố gắng làm ra vẻ người lớn đây! Thay đồ, chuẩn bị đi ăn sáng thôi, không biết là Hòa đã xem lại xong môn Văn chưa ta? Mai là bắt đầu kỳ thi học kỳ một của khối lớp 12. Tác giả của truyện này tin rằng hai nhân vật của mình sẽ thi tốt vì “chúng nó” học giỏi quá mà. À, còn chuyện này, tác giả muốn làm rõ với bạn đọc nữa. Cái bắt tay sương mù ấy mà, nhanh thôi, bắt tay xong là bỏ ra liền chứ không phải giữ tay đó mà thoại hết một “đống” câu kia thì... truyện này sẽ không được in đâu, bạn ạ! Chú thích: [1] Thơ Thục Linh. HẾT