gày xưa có câu giễu:
“Ngớ ngẩn như chim chích lạc rừng”. Câu chế giễu chim chích ấy thế mà đến ngày nay vẫn còn đúng.
Các bạn hãy nghe tôi kể câu chuyện vừa rồi có anh Chích Bông đã lạc rừng như thế nào.
*
Ở vùng ngoại ô một thành phố miền Bắc nước ta, có một nơi phong cảnh đồng ruộng và làng mạc thật là đẹp. Một làng nhỏ, rất nhỏ, rất xinh. Bạn hãy vào làng chơi. Trong mỗi khu vườn, um tùm những cây hồng bì, mùa đến thì phủ đầy từng chùm quả vàng. Lại có những rặng xoan cao hoa tim tím man mát. Bên ngoài che dài một bờ giậu hồng bụt, hoa nở, đứng thật xa trông vẫn rực rỡ như có một trăm người mặc áo hoa đỏ. Xa kia cánh đồng bằng phẳng liền bên một đầm nước im lặng, làm cho trong làng và trong vườn càng tĩnh vắng. Các đàn chim và trẻ em thường mê chơi ở khoảng vườn xinh đẹp này.
Nhưng nơi vui chơi êm đềm ấy không phải quanh năm lúc nào cũng một màu hớn hở. Bởi vì một năm có những bốn mùa. Có những mùa đáng yêu. Cũng có mùa không thích mấy. Đó là khi mùa lạnh về. Các bạn nhỏ sợ lạnh, ở trong nhà, đi guốc, rồi đứng thập thò nhìn ra cửa. Không thấy cây, cũng không thây cánh đồng. Chỉ thấy mù mịt sương mù. Chỉ nghe tiếng mưa rơi lộp độp. Và gió rét buốt lùa vào, làm đỏ cả mũi, làm cóng tay và khiến cho hai hàm răng đánh bài đàn lập cập. Rét mướt càng khiến ai cũng mong mùa xuân ấm trời trở lại.
Lại chán nữa là đến mùa đông giá lạnh thì những đàn chim, những bạn thân thiết của trẻ em không còn dám ở lại nhởn nhơ vườn này. Đã thành một lệ quen, mỗi khi mua phùn, gió bấc về thì những chú chim quanh năm chỉ mặc độc một tấm áo đều phải tìm đi tránh rét, đến những vùng ấm áp hơn. Mùa đông tới, chim bay đi hết, ở đây chỉ còn lại có một mình Bé. Cho nên, mùa rét thì Bé buồn, Bé tha thẩn đợi mùa xuân trở lại.
*
Bé hay bấm đốt ngón tay tính. Tính như thế thì hình như thấy sự chờ đợi càng lâu. Nhưng hễ không nghĩ tới, thì ngày giờ lại qua đi nhanh chóng. Bé có nhận xét như vậy.
Thê rồi mùa xuân mong ước đã đến.
Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng sực nức lên. Không khí còn hơi nước lạnh lẽo. Trong vườn bây giờ đầy hương thơm và ánh sáng mặt trời. Cây hồng bì đã cởi bỏ hết những cái áo lá già đen thủi. Trên cành lấm tấm mọc mầm xanh. Những cành xoan khẳng khiu đương muốn trổ lá. Những cành xoan gầy gùa sắp buông tỏa ra những tàn hoa sang sáng, tim tím. Ngoài kia, rặng hồng bụt đã có nụ. Nhiều bạn hàn xóm đa đến rình đợi ngắt nụ hoa hồng bụt đỏ về bày chơi.
Mùa xuân tươi đẹp đã về. Mà sao các bạn chim vẫn chưa về.
Ô hay, mùa xuân năm nay về cùng với nhiều cái lạ, Bé chưa từng thấy.
Trên cánh đồng trước mặt, mọi khi, hễ có gió rét thì sương phủ mù mịt. Năm nay, mùa đông qua đi, cánh đồng vừa tan sương, Bé nhìn thây cái lò gạch đỏ ối. Buổi sáng, mấy cái lò gạch thi nhau nhả khói lên trời. Bé hỏi bố thì bố bảo đấy là lò gạch của các công trường. Công trường là cái gì. Bé chưa biết.
Cuối cánh đồng, không còn trông thấy nhiều bụi tre xanh mờ mờ như mọi khi. Những bức tường vàng rực dần dần nghển lên. Bố bảo tường ấy là tường nhà máy trạm bơm thủy điện. Bé cũng chưa bao giờ biết những trạm bơm.
Thế rồi, dày điện chăng qua cánh đồng chi chít như mắc võng. Những đàn chim ri có tính hay hoảng hốt nháo nhào đâm cả vào dây thép. Các cu cậu tưởng mắc lưới, cuống cuồng bay vổng lên.
Vẫn chưa hết chuyện lạ.
Một hôm từ đằng xa kia có hai cánh tay sắt dài phóng tới vươn thẳng vút qua đầu làng. Rồi từ khi có hai cánh tay đường sắt vắt qua thì ngày ngày rầm rộ từng chuyến tau hỏa kéo hàng chục, hàng trăm cái toa đi. Tàu vừa chạy, vừa hét, vừa hồng hộc thả khói. Trên tàu thật đông người ngồi. Lại cả từng toa tre gỗ, máy, thóc, ngô, cả trâu, bò, ngựa cũng được đứng trên mặt toa tàu.
Hàng đoàn tàu và toa rộn râ miên man nôi đuôi nhau đi, không biết đến tận những đâu. Có khi đoàn tàu đi đã xa mà tiếng còi tàu và làn khói tỏa, và những tiếng hát còn vẳng lại. Bé hồi hộp như mình cũng đương được ngồi trong đoàn tàu đi phăng phăng đến những nơi xa.
Bố bảo Bé: “Trên miền Bắc nước ta bây giờ ở đâu cũng xây dựng nhiều các nhà máy. Bao giờ con lớn, con sẽ được đi xem nhiều nơi”.
Nghe bố nói thế, Bé thích lắm.
Bé mong đợi các bạn chim về để kể chuyện.
Mùa xuân đầm ấm về. Những đàn chim đã trở lại. Bé càng mừng. Thích nhất các bạn về lần này sẽ được xem những cái mới lạ trên cánh đồng nhà.
Xa xa, tiếng chim ríu rít, líu lo. Bè bạn của Bé đã trở về khu vườn vàng nắng.
Mùa xuân đã về. Mùa xuân đã về, ngày ngày có biết bao các con chim bay trên vòm trời rồi xuống các cành cây, tíu tít thoăn thoắt như đan lưới, như dệt cửi.
Bé nghe tiếng chim trên trời, nghe được cả tiếng lá nở trong cỏ, Bé long tong đi guốc ra đứng trước sân. Bé nhìn lên cây.
Trong các bạn, thân nhất với Bé là Chích Bông.
*
Bé đứng đợi Chích Bông.
Bé đã vẫy chào Bướm, chào anh Chào Mào, anh Sáo Sậu, với Bồ Các, cả Cò và Vạc nữa. Nhiều chim về quá, bay rợp bôn phía, đếm không xiết nữa.
Nhưng vẫn chưa thấy Chích Bông. Lại cũng chưa thấy những chàng Sêu cao kều về mò tìm ăn trong các vùng bùn nước.
Bé có ý nóng ruột đợi Chích Bông. Bé mong là phải, như ai cũng đã biết đấy, Chích Bông là bạn thân, Chích Bông cũng bé bỏng, mà ngoan, như Bé.
Chích Bông là con chim xinh đẹp nhất thế giới loài chim. Hai chân bằng hai chiếc tăm. Tuy nhiên, cái chân tăm ấy nhanh nhẹn, nhảy liên liến. Hai cánh nhỏ xíu, cánh nhỏ mà xoải vun vút. Cặp mỏ Chích Bông tí tẹo bằng hai cái vỏ trâu chắp lại. Thê mà cặp mỏ tí hon gắp sâu trên lá rất nhanh. Nó khéo biết moi những con sâu đục lá nằm ẩn trong thân cây vừng ôm yếu. Chích Bông năng nhặt sâu, bắt mối phá mùa màng và cây cối. Cho nên Chích Bông cũng là bạn của bà con làm vườn làm ruộng.
Chích Bông đã có hẹn về sớm để nhặt sâu ruộng rau với mẹ, với chị Bé và Bé. Mỗi ngày, Bé ở lớp học về, Bé tha thẩn ngoài vườn rau vói mẹ, với chị. Những ngày đầu xuân chơi ngoài ruộng màu rất vui. Lại giúp được việc người lớn được. Trên trời có chim bay, bướm bay. Cả những con chó nghịch ngợm cũng tong tả theo người ra ruộng, chó sủa oang các bờ bụi. Trẻ con thì cùng người lớn đi làm, lúc nhặt cỏ, vun gốc, bắt sâu, lúc đi chơi.
Phải rồi, bé đã hẹn Chích Bông chóng về những ngày đầu xuân.
Thế mà bây giờ chưa thấy.
Bé ngóng ra đằng xa. Một cô Bướm bay tới. Bé hỏi:
- Bướm ơi! Bướm có gặp Chích Bông đâu không?
Bướm có tính hớt lẻo. Bướm láu táu nói:
- Chích Bông à? Khéo nguy mất. Tôi vừa vùng vẫy mãi mới thoát qua được một cơn gió to lắm. Cánh tôi rách toang cả đây này.
- Thế thì Chích Bông thế nào?
- Bão vùi chết rồi chứ còn thế nào!
Một đàn chim Bồ Các bay qua. Bé hỏi:
- Các anh Bồ Các! Các anh có gặp Chích Bông về không?
Bồ Các lắm điều, kể lể một thôi một hồi:
- Úi cha cha! Không biết ở mặt đất bây giờ loạn lạc thế nào mà cứ bụi mù bụi mịt. Cái này mới khiếp, có cành cây khổng lồ, cứ khua khoắng lên trời. Đụng vào những cái cành ấy thì tan xác mất. Bọn tớ sợ quá, phải bay tít cao lên lưng chừng trời. Hú vía!
- Tôi hỏi Chích Bông cơ, có gặp Chích Bông không?
- Chích Bông chỉ bay thấp lè tè không biết bay cao như chúng tớ thì có khi toi rồi.
Bé lại trông thấy một anh Vạc đương xoải cánh nhịp nhàng từ từ qua. Vạc nghiêng mắt nhìn xuống hồ nước, bay về cuối cánh đồng.
Bé gọi:
- Anh Vạc ơi anh Vạc!
- Gì thế?
- Anh có trông thấy Chích Bông ờ ngoài hồ không?
- Giời ơi, Bé đã biết chưa, khắp mặt đất bây giờ đỏ rực lên cả đêm, tôi chẳng bắt được con cá nào. Bé trông tôi đây, tôi phải bay thật cao mà vẫn còn nóng quăn cả lông cánh lên thế này!
Bé lắc đầu không hiểu. Có những cái gì ở các nơi mà khủng khiếp thế?
Bé buồn. Ai cũng toàn nói những nguy hiểm. Có thể Chích Bông đã gặp tai nạn dọc đường rồi. Con đường bay về đây năm nay khó khăn quá. Cả những cậu sếu cao lớn ngụ ở ngoài đầm nước mà cũng không thấy về. Thế thì Chích Bông bé nhỏ, Chích Bông làm thế nào vượt nổ? hàng trăm cái tai nạn dọc đường.
Bé muốn hỏi thăm nhiều nữa. Nhưng cũng không còn chim nào về qua để Bé hỏi.
*
Mùa xuân càng ngày càng đẹp. Nắng ấm rực rỡ làm hồng hào mặt người. Chim đã về tha rác làm tổ, chim hót vang trời.
Một hôm, còn sớm, Bé vừa thức dậy. Trong nhà im lặng, bà đương nhóm lửa dưới bếp. Đàn gà dậy sớm, lao xao trò chuyện đằng vườn sau. Một mảnh nắng sớm đã nhảy vào cửa sổ, giục Bé ngồi dậy. Mắt Bé đùa với mảnh nắng. Bé chưa đoán được ra đấy là ánh nắng lung lay hay bóng lá lung lay. Có gì đâu. Bởi vì, Bé chưa ngước lên, Bé chưa trông thây một chú chim loắt choắt vừa đậu xuống cành trúc đã làm rung cả bóng nắng, bóng lá trong cửa sổ.
Bé nghe tiếng:
- Chiếp! Chiếp! Bé ơi!
Ồ tiếng rất quen. Bé ngẩng lên, thoắt một cái, Chích Bông đã sà vào bậu trên cửa sổ. Ôi chao, sung sướng ơi.
Nhưng Bé hỏi, có ý dỗi:
- Sao bây giờ mới về?
- Thế là nhanh đấy. Nếu Bé mà đi thì hết mùa này chưa chắc đã về được!
- Thế là thế nào?
- Úi chao, một kho chuyện mang về đây.
Thế là Bé cười.
Chỉ vì, nhớ Chích Bông mà hờn dỗi, cơn giận của Bé cũng nhạt ngay. Bé trèo ra đầu giường. Bé vừa cười, vừa bắt Chích Bông kể chuyện cho nghe.
Chích Bông đậu vắt vẻo trên bậc cửa sổ, cong mỏ xuống chuyện. Chích Bông kể chuyện dọc đường.
Thì ra, Chích Bông bay lạc đường. Chích Bông lạc xa quá, rắc rối quá.
Mùa đông vừa rồi, cũng như mọi mùa đông trước, Chích Bông bay đi tránh lạnh ở vùng ấm áp đông đúc nhà cửa.
Đường ấy năm nào cũng bay qua, năm nào cũng vẫn thế, Chích Bông đã thuộc làu. Này nhé, bắt đầu thì bay qua cánh đồng phang lặng, trên một quãng rừng thưa đốm xanh đốm vàng, qua một dãy đồi đất đỏ, rồi lại một cánh đồng, rồi đến đây nghỉ cánh bên này bờ để lấy hơi rồi cố sức vượt một lèo qua mặt hồ. Thế là sắp tới nơi làng mạc đông người rồi.
Câu chuyện rắc rối đã xảy ra từ lúc trở về đến chỗ cái đầm nước ấy.
Khi Chích Bông ở trong làng trông ra thấy mùa xuân đã thổi hơi ấm và ánh nắng về thì Chích Bông nhớ lời bạn dặn trở lại.
Chích Bông trở về. Ngày xuân trong sáng, đất trời đẹp như tranh vẽ. Chích Bông vừa bay vừa nhìn xuống đồng ruộng, xóm làng, rừng thưa, quên cả mỏi cánh.
Chích Bông nhìn ra trước mỏ, đã thây ánh bóng sáng dưới đầm nước. Nghĩ nhẩm: “À đã tới cái đầm mọi năm vẫn bay qua rồi!”
Nhưng, ô hay! Càng xoải tới thì thấy dưới kia mặt nước cứ mở ra mênh mang trắng xóa. Cái hồ nước này to ghê, khác hồ nước mọi năm. Lẽ nào lạc đường? Năm nào chẳng đi qua đây. Tuy nhiên, Chích Bông do dự. Bởi vì thật là có những sự lạ khác mọi năm.
Mọi năm, đứng đây cũng trông thấy rõ cả từ ngọn cỏ phơ phất bên bờ kia. Bây giờ chỉ thấy bên kia mờ mờ xanh xanh. Cánh ngắn như Chích Bông, bay qua thì bị ngã tõm xuống nước mất. Biết làm thế nào bây giờ?
Nhưng rồi Chích Bông nghĩ ra một mẹo. Chích Bông sẽ bay men hồ nước sang. Ai ngờ càng bay càng thăm thẳm. Đỗ nghỉ cánh đã hai ba lần rồi mà vẫn chỉ một bờ nước trăng trắng kéo dài trước mặt.
Thế là Chích Bông men theo bờ nước cho mãi đến chiều. Cánh đồng và mặt nước vẫn phẳng lặng, chẳng nói năng gì. Mà chẳng gặp được ai để hỏi thăm. Chích Bông bối rối. Rơi Chích Bông bình tĩnh nhớ ra ở các bụi cây lau bờ nước thường trú ngụ họ nhà Chích Chòe. Nhà Chích Chòe không đi tránh lạnh bao giờ. Ta tìm đến hỏi thăm đường mới được.
Nghĩ thế, Chích Bông liền sà xuống, chui vào một bụi lau, gặp chị Chích Chòe đương đứng run rẩy soi gương trên mặt nước.
- Chị ơi, cái đầm nước mọi khi ở đây đâu?
- Vẫn đầm nước mọi khi đây.
- Dạo trước, tôi qua đây không thấy nhiều nước thế này.
- Dạo trước với bây giờ, cái gì cũng đổi khác rồi. Tháng trước, đây là đám đầm lầy. Bây giờ tôi đã đứng soi gương nước trước nhà tôi được. Người trong làng đã đào một con mương nối ra sông, bắt dòng sông đem nước vào. Con mương dần nước vào làm cho hồ nước phình ra to thế này. Như vậy có thể quanh năm lấy nước vào ruộng làm hai mùa ba mùa được.
- À ra thế! Thế thì đi khó quá.
- Chú muốn đi đường nào?
- Tôi sang bên kia.
- Cứ bay một quãng nữa gặp một con mương. Ở đây, trông thấy mặt trời thì bay theo sang được bờ bên kia.
Chích Bông vội vã bay đi.
Mặt trời đã lên trên ngọn đồi.
Chích Bông quên rằng từ sáng đã đi quanh sang hướng khác lối bay ngày trước.
Chích Bông đã qua đồi một đỗi thật xa. Trông thấy có những cái lò gạch ở trước mặt. Tưởng là lò gạch mọi khi ở cánh đồng làng. Mừng quá.
Nhưng đến gần thì không phải. Mới nhận ra trong cánh đồng có hàng trăm lò gạch đỏ ối, chứ không phải chỉ một cái lò gạch như ở cánh đồng quê. Đằng sau những dãy lò gạch ấy thì, ôi thôi, miên man trập trùng không biết bao nhiêu là tường vàng, là mái đỏ, là người, là máy. Chàng Chích Bông chỉ quen ở nơi thanh vắng, tĩnh mịch, bây giờ trông thấy lạ lùng thế, cứ hoa cả hai tròng mắt bé nhỏ. Ngày xưa, “chim chích lạc rừng” ngơ ngẩn không biết đằng nào mà ra, bây giờ chim chích lạc qua công trường thì biết đằng nào mà bay! Câu chế giễu chim chích đến ngày nay vẫn đúng như thế.
Những bức tường cao dài vàng vàng choáng mắt càng bay càng choáng mắt. Những mái nhà đã cao, thế mà trên nóc nhà còn mọc lên những cánh tay cần trục lêu đêu như những cành cây cổ thụ bằng sắt. Chẳng có bão gió gì, mà cần trục cứ múa lên, quay cuồng bốc gạch, ngói, các thứ từ mặt đất lên xây tường, lắp mái dựng thành nhà, từng dãy nhà. Chỗ nào cũng những người, những máy, những xe tải máy. Anh chàng Chích Bông đi lạc cứ quáng cả mắt, ngỡ trên mặt đất bây giờ không có đêm nữa, đèn điện chói lòa xóa bỏ đêm rồi. Lại không có cây, không có hoa lá thì Chích Bông không chịu được. Càng lo tợn.
Nhưng Chích Bông nhỏ người mà nhanh trí, Chích Bông nghĩ: “Các bạn chim sẻ có thể giúp ta qua được cơn bối rối này”. Chích Bông đã nhớ ra bấy lâu họ nhà sẻ sinh sống, tụ tập, làm tổ quanh các mái nhà tranh, nhà ngói.
Chích Bông nhảy, bay nhẹ nhẹ, để ý, lắng nghe. Một lúc, loáng thoáng có tiếng “tẹc tẹc... tẹc tẹc...” rõ tiếng đùa cười của các bạn sẻ quen thuộc. Chích Bông mừng quá, dò vào một khe tường. Dưới bóng tường, ba bốn chim Sẻ đương đứng rỉa lông, chải chuốt, nô giỡn, chuyện gẫu. Chim Sẻ tính hay vui chuyện.
Chích Bông cất lời:
- Các bạn làm ơn chỉ đường giúp tôi đi qua đây. Bên kia hồ nước là quê tôi có cánh đồng.
- Việc ấy không phải dễ, chúng tôi không giúp được đâu.
- Tại sao thế?
- Bạn đương đứng giữa mười cái nhà máy liền nhau đấy. Nhà máy đường... Nhà máy giấy... Nhà máy cao su... Nhà máy sắt tráng men... Nhà mát xay thóc này... Nhà máy điện này... Chúng tôi ở đây cũng chưa thuộc hết tên làm sao có thể mách đường cho bạn đi được.
- Thế thì làm thế nào bây giờ?
Một Sẻ nói:
- Chích Bông ơi! Tớ có thể đưa đằng ấy đi một quãng.
- Rồi phải đi một mình à?
- Không sợ. Bọn ở các nhà khác sẽ đưa đằng ấy đi tiếp.
- Ý kiến hay!
Chích Bông đánh bạo bay theo một anh Sẻ có sáng kiến. Anh Sẻ ấy đã nói đúng. Chẳng chim Sẻ nào có thể thuộc đường đi qua hết các nhà máy được.
Chích Bông phải đi lối bay truyền. Chích Bông như quả bóng, các bạn Sẻ đá truyền cho nhau. Cứ từng quãng đường, tính ra có đến ngót một chục bạn Sẻ đã thay nhau đưa Chích Bông đi như thế. Mà vẫn chưa vượt khỏi được các công trường, các nhà máy. Phải ngủ đêm lại giữa đường.
Đêm công trường sáng trưng như ban ngày. Gọi là ngủ, mà ánh đèn điện mọi nơi cứ chói lói, hai mắt Chích Bông mở thao láo. Tuy nhiên, Chích Bông thú vị được xem nhiều cái vừa lạ vừa đẹp, thấy người ta vừa làm vừa hát.
Chích Bông kể tiếp:
- Rồi sau cùng, một anh sẻ dẫn tôi bay tới một công trường. Tôi trông thấy dưới đất có một cái thang dài vút tít tắp bắc ngang cánh đồng. A, cánh đồng xanh xanh quen quen kia rồi. Sẻ nói: “Anh cứ theo cái thang này, thang bắc qua nhiều cánh đồng lắm. Chắc có thể đến được cánh đồng quê anh”. Tôi cám ơn anh Sẻ cuối cùng đưa đường, rồi tôi một mình bay theo cái thang dài ghê gớm và kỳ lạ nọ. Một lúc, nhận ra mấy quả đồi nhấp nhô quen quen. Bay nữa thì về đến đầu xóm. Này, đến tận đầu xóm rồi mà còn suýt lạc. Năm ngoái, ngoài cánh đồng đã làm gì có nhiều lò gạch, nhiều tường cao như bây giờ.
Câu chuyện đã hết. Chích Bông còn băn khoăn hỏi Bé:
- Quái, dạo trước tôi không trông thấy ở đầu xóm có cái thang dài này bắc vào.
Bé cười ngặt nghẽo. Bé cười mai mới nói được:
- Ngốc quá! Cái thang à?
- Thế thì cái gì?
- Đấy là đường sắt xe lửa!
Bé cũng khoe rằng Bé đã biết mặt mũi công trường thế nào rồi. Bởi vì công trường và nhà máy, đèn điện đã về đến tận đây. Rồi Bé cắt nghĩa cho Chích Bông, như bố đã giảng cho Bé biết xe lửa đi trên đường sắt, chở đến các thành phố, các làng mạc, các công trường mọi thứ hàng hóa, máy móc và chở người từ nơi này đi nơi khác. Đường sắt và tàu hỏa là như thế. Thế là Chích Bông cũng ngặt nghẽo cười. Chích Bông đã hiểu thế nào là đường sắt và tàu hỏa. Nhưng Chích Bông vẫn cãi:
- Thì nó cũng là cái thang cho xe lửa leo!
- Ừ, thì cái thang.
Rồi hai bên hòa nhau, không cãi nữa.
Mùa xuân năm ấy còn nhiều các bạn chim Khuyên, Sáo Đá đã bay lạc đường. Họ lạc đường, vừa lo lại vừa vui, tương tự Chích Bông. Rồi ai cũng về được.
Ai cũng kể đã lạc qua những hồ đầy nước, những đê nông giang, những công trường đồ sộ chưa bao giờ thấy. Thế là các bạn chim đã về đủ trong vườn, ngoài đồng. Ai nấy đều hớn hở. Bọn Bướm và Bồ Các, thì có ý tránh mặt Chích Bông, ít khi vào trong vườn cây. Chắc họ ngượng. Họ ngượng vì sao, chúng ta đã biết cả rồi.
Duy ở ngoài đầm nước vẫn chưa thấy bọn Sếu cao kều về.
Bé tuy bé người, lại tính tỉ mỉ, cứ muốn hỏi rõ ràng cho ra chuyện. Tại sao họ đã nói sai như thế?
Một hôm, Bé trông thấy Bướm. Bướm vội vã lượn vòng, Bướm lảng. Bé đuổi theo:
- Này Bướm, Bướm đã gặp Chích Bông về chưa?
Bướm nói tránh:
- Chích Bông giỏi thật!
Bướm lại lượn một vòng rồi Bướm bay đi. Bé cười, không đuổi theo chế giễu kẻ đã biết xấu hổ nữa.
Bé gặp Bồ Các.
- Tại sao Bồ Các bảo là Chích Bông chết rồi?
Bồ Các nói huyên thuyên:
- Tôi bay tít tận trên cao mà còn sợ hoáng cả mắt đấy! Không biết cái gì ở dưới đất khua lên mà ghê gớm làm vậy?
- Công trường, nhà máy... Các cánh tay cần trục giơ lên trời để khuân các thứ xây nhà. Chích Bông đi qua đã trông thấy cả.
- Thế thì Chích Bông giỏi thật!
Một buổi chiều, Bé gặp Vạc bay qua ngọn tre. Bé gọi:
- Anh Vạc đã thấy Chích Bông chưa?
Vạc ngượng nghịu, nói:
- Nói thật thì ngày ấy tớ cũng chẳng trông thấy Chích Bông. Chỉ bay ban đêm cao tít lưng trời thấy dưới đất đỏ ối. Thì tưởng ai mà còn sống trong lò lửa thế được.
- Không phải. Đèn công trường làm việc suốt đêm. Chích Bông đã đi qua tất cả các công trường về đến đây.
- Thế thì Chích Bông giỏi thật.
Bé về kể lại cho bà nghe chuyện những bạn chim đã xấu hổ. Bà nói:
- Kẻ có tính hốt hoảng thì chẳng bao giờ làm việc gì nên việc.
*
Rồi đến mùa đông năm sau.
Khác mọi năm, mùa đông về từ hôm nào, không ai biết. Chỉ biết rõ ràng nghe trên trời, gió đùng đùng nổi, chim bay lên cao thì chim bạt cả cánh. Có những buổi sáng sương mịt mù, không nhìn thấy gì, thế mà chưa lạnh mấy.
Mọi khi như thế thì lạnh lắm rồi. Chích Bông gầy bé phong phanh một áo mà vẫn tung tăng nhảy nhót như thường. Bé chưa thấy Chích Bông đi tránh rét, như mọi năm.
Bé bảo Chích Bông:
- Có đi tránh rét thì đi khéo, cho khỏi lạc nhé.
Chích Bông cười:
- Năm nay không đi tránh rét nữa.
- Sao vậy?
Chích Bông cười rồi nói:
- Bé ra đây mà xem.
Bé rủ Chích Bông lên trên bờ đê cao đầu làng, nhìn ra khắp cánh đồng.
Đằng xa, những đoàn tàu hỏa nối đuôi nhau chở theo gạch, gỗ, máy và các anh các chị công nhân xây dựng. Đoàn tàu dài máy chục toa ầm ầm vừa lao chạy, vừa thở khói, vừa hát trên cái thang dài không bao giờ hết, như Chích Bông nói. Trong cánh đồng mọc lên từng lớp, từng dãy mái cao, tường cao, nhà cao, che khuất cả đầm nước đằng xa, che kín cả viền cây xanh xanh.
Bé đã hiểu: trên cao ù ù gió, mà dưới đất ấm áp không còn lạnh nữa. Nhà máy và người đã che khuất cả gió rét.
Chích Bông nói:
- Nhà máy, công trường đã về đến giữa cánh đồng ta, xua hết cái lạnh đi rồi. Tôi không phải tránh rét nữa đâu.
Bé cười:
- Ừ, mà các nhà máy về nhiều thế này, giá Chích Bông có đi thì lại lạc thôi.
- Bé đi thì cũng lạc nốt!
Bé nói:
- Ta thích đi lạc một chuyến để được trông thấy khắp nơi.
Cả hai cùng cười.
Các bạn đều biết chỉ có bọn nhà Sếu ngoài đầm nước vẫn chưa về, mà lại mùa đông qua rồi.
Chim Sếu chân cao, cánh dài, bay hàng nghìn cây số không mỏi. Hàng năm, Sếu thường đi tránh rét rất xa, xuống miền Nam. Bởi vì miền Nam nước ta không bao giờ có mùa đông.
Nhưng miền Nam nước ta hiện nay đương có đế quốc Mỹ đến thả bom đánh phá.
Không biết đàn chim Sếu bay vào miền Nam tránh rét gặp tai nạn thế nào mà bây giờ chưa về?