Mười hai thiếu

     ọ và tên: Trần Vĩnh Thịnh. Sinh năm: Một chín chấm chấm chấm. Quê quán: Vùng ven. Trình độ văn hóa: Mười hai thiếu. Trình độ chuyên môn: Huyền đai đệ tam đẳng. Chức vụ: Muốn làm sếp nhưng tự xét trình độ bản thân hiện tại chỉ nên làm bảo vệ thôi.
Lời tự giới thiệu chứng tỏ nhân vật mới không vừa tí nào. Mọi người bật cười, Thịnh cũng nhoẻn cười, nụ cười khiến những nốt rỗ trên mặt trở nên hiền hòa hơn.
- Mười hai thiếu là sao? - Tôi hỏi.
- Dân vùng ven không được học ngoại ngữ. Thi tốt nghiệp được chọn thay môn khác. Chỉ là giải pháp tình thế thôi. Thiếu vẫn biết mình thiếu.
Ái chà chà. Thành thật hay kiêu?
Sếp tìm ra tên này từ chốn nào?
Từ câu lạc bộ thể dục thể thao. Sếp chơi cầu lông, gặp hắn ở một lớp võ thuật. Các lớp võ thuật có ở khắp nơi, cớ sao Thịnh lại lọt vào mắt xanh của sếp?
Chỉ vì một chút tò mò. Lớp Taekwondo mặc võ phục màu trắng, lớp Thiếu Lâm Tự màu đen, Vovinam màu xanh.... Mắt sếp đã quen nhìn thấy như vậy ngày ngày. Rồi sếp ngạc nhiên nhìn thấy một lớp võ áo quần rất mất trật tự, thậm chí là có đứa mặc quần đùi.
Đó là lớp của trẻ em đường phố. Những nốt rỗ khiến thoạt nhìn tưởng đã lớn tuổi, hỏi chuyện mới biết huấn luyện viên của lớp đường phố này chỉ mới ngoài hai mươi. Chính xác là tuổi tốt nghiệp phổ thông cộng thêm hai năm thất nghiệp. Thất nghiệp đây là định nghĩa của Thịnh - Không phải là sinh viên đại học, chẳng phải là nhân viên chính thức của cơ quan nào, chỉ đang là cộng tác viên của nhà văn hóa và giờ đây cũng chỉ là nhân viên hợp đồng ngắn hạn của cơ quan tôi.
Nhận ra vẻ buồn buồn ẩn sau nét tinh nghịch, tôi an ủi:
- Ở đây có ai nuôi ý định dài hạn đâu mà.
Thật vậy. Khách sạn ở trung tâm phố nhưng rất cũ kỹ, nó được xây lên từ khi thành phố còn là một thị xã nhỏ và lúc ấy được xem là rất khang trang. Nó có ba tầng, chính xác là hai tầng rưỡi vì cái gọi là tầng ba chỉ có một phòng nhỏ để làm nhà kho và phần trống còn lại là chỗ phơi áo quần chăn màn. Khách sạn nhỏ nên không có phòng ban. Tôi và một người nữa thay nhau trực lễ tân kiêm bán hàng kiêm trực điện thoại. Chị Hiếu và một người nữa làm bồi phòng kiêm nấu ăn kiêm khuân vác hành lý. Còn bảo vệ và sửa chữa điện nước là việc... giám đốc kiêm! Nghĩa là thuộc quyền xử lý của sếp.
Nếu có chuyện gì thì gọi điện báo công an (khách sạn chưa bao giờ có khách sang trọng đến trọ để kèm theo những nhu cầu oái oăm cần báo công an cả). Còn điện nước thì sếp tính toán chi li rằng chẳng có trang thiết bị gì đặc biệt ngoài quạt trần và vài phòng có bình nóng lạnh, khi nào hư hỏng gọi thợ tới sửa tính ra rẻ hơn là trả lương hàng tháng cho một nhân viên, lại không bao giờ có chuyện ốm đau và nghỉ phép.
Tóm lại, chức vụ hiện nay của Thịnh là việc mà từ trước đến nay tất cả mọi người cùng kiêm nhiệm, đến phiên ai trực thì tiện thể coi ngó cửa ra vào.
- Không ai nuôi ý định dài hạn nghĩa là sao? - Thịnh ngạc nhiên.
- Rồi sẽ biết! - Tôi đáp gọn.
Tất cả chúng tôi đều xem khách sạn như một điểm đợi đến ngày đi học hay chuyển công tác sang một nơi khác xênh xang hơn nên ai cũng làm việc cho qua thời gian và lặng lẽ với tính toán riêng của mình. Sự nhiệt tình của Thịnh khiến không khí trở nên lao xao. Việc đầu tiên của Thịnh là tháo tất cả những cánh quạt trần xuống lau chùi rồi tra dầu mỡ.
Có vẻ như chị Hiếu không hài lòng vì cùng với những cánh quạt tháo ra khỏi trần là bụi bặm và mạng nhện cũng rơi xuống theo khiến chị phải quét don. Một cảnh tượng buồn cười là Thịnh đứng lắt lẻo trên hai cái ghế chồng lên nhau, hai tay với lên cao, chị Hiếu dù muốn dù không cũng phải chạy lại mỗi khi Thịnh gọi vang “Chị đưa giùm em cái búa”... “Đưa giùm em cái vít”...
- Tôi không phải là lon ton của cậu đâu nghe. - Vừa quét dọn chị Hiếu vừa nhăn mặt nói.
- Lon ton là sao? - Thịnh tròn mắt hỏi lại.
Thịnh tiến vào nhà kho. Sau hai ngày tỉ mỉ tẩn mần gõ gõ uốn nắn, Thịnh biến mớ sắt nhôm lụn vụn chỏng chơ trong đó bấy lâu thành một cái bếp điện.
- Tặng chị - Thịnh đưa cái bếp cho chị Hiếu - Khi nào có khách đòi pha sữa hay pha trà giữa khuya thì không phải lụi cụi nhóm bếp.
- Tiền điện tăng thì cậu chịu sếp phạt đó nghe. - Chị Hiếu làu bàu mà mắt cười rất vui.
Tôi kêu lên:
- Không tặng gì cho lễ tân sao?
Thịnh nhìn tôi rồi nhìn quanh. Lễ tân có một quyển sổ, một điện thoại, một tủ kính bày bán khăn mặt, bàn chải đánh răng. Những nốt rỗ trên mặt Thịnh đỏ ửng, chừng như không biết tặng tôi cái gì cho công bằng.
Tối đến, khi tôi dắt xe chuẩn bị đến công an để đăng ký tạm trú cho khách trọ, Thịnh chìa tay về phía quyển sổ trên tay tôi:
- Để đi giùm cho.
Không một chút ngần ngừ, tôi trao sổ ngay. Phường nằm ở trung tâm, mười thì có đến bốn năm tối tôi phải ôm sổ ngồi đợi chú công an ghi chép những lời trình báo hoặc xét xử gì đó. Khi thì bà bán cam bị mất một sọt, khi thì ông kia say rượu gây mất trật tự, khi thì bắt quả tang một sòng bài... và khi thì... Chú công an trực chỉ nhỉnh hơn tôi vài tuổi, chú hỏi lung tung chuyện rồi mới ký vào sổ. Rất khổ!
Bảy giờ tối hôm sau, Thịnh toét miệng cười:
- Hạnh trông coi nhà cửa giùm, tối tôi về đi trình công an lại cho.
Hóa ra là cứ bảy giờ đến chín giờ tối Thịnh ra nhà văn hóa để làm huấn luyện viên.
- Thì ra đâu phải ông tốt bụng muốn giúp tôi.
Thịnh gãi đầu:
- Mai mốt... muốn làm gì cứ nói.
- Tám giờ tối trực điện thoại giùm. - Tôi lấy giọng tỉnh bơ nói.
Thịnh gãi đầu mạnh hơn:
-... Trờiơi!
Tôi bật cười:
- Dạy hai lớp à?
- Chỉ một thôi.
- Lớp tối nào cũng học à?
- Cách một tối học một tối.
- Vậy sao tối nào cũng đi
- Thì... - Thịnh khựng rồi bật ra - Một tối đi chơi...
Chị Hiếu đập vai tôi:
- Tra hỏi vô duyên. Buổi tối người ta còn bao nhiêu việc khác nữa. Ví dụ như đưa đón... ai đó...
Những nốt rỗ trên mặt Thịnh đỏ ửng, cái túi khá to choàng qua vai, Thịnh quay bước nhanh. Yêu đương gì khi nghề nghiệp còn lông bông thế kia? Bằng lòng dừng lại ở mười hai thiếu rồi sao? Tôi, mười hai đủ, hai lần thi trượt đại học bị trượt oan vì bệnh cúm quái ác cứ xuất hiện vào đúng ngay kỳ thi. Đến nỗi ba mẹ tôi nói “cái số vậy rồi” tôi vẫn tiếp tục ôn cho kỳ thi tới. Chị tôi nói: “Nếu kỳ tới mà Hạnh không bị đau ốm hoặc xảy ra sự cố khác thì quả là kỳ diệu”. Tôi không tin vào những điều kỳ diệu, nhưng tôi vẫn đang ôn bài. Và, giả sử như lại bị cúm hoặc không may mà trượt một lần nữa thì từ chỗ làm này tôi sẽ đi học theo con đường hàm thụ. Sếp đã nói ai hứa đi học xong quay về phục vụ cho chính khách sạn này thì sếp sẽ tạp điều kiện cho đi học ngay. Chỉ tiếc nỗi khách sạn này nằm ngay vị trí trung tâm mà lại quá lỗi thời. Vả lại, với những khách thuê phòng chỉ để ngủ qua đêm thì đại học để phục vụ cái gì?

*

- Nếu được chăm sóc cẩn thận hơn thì chắc cũng không đến nỗi...
Thịnh vừa nhìn những đốm xám loang lổ trên trần vừa nói. Tôi úp quyển sách dày cộm lại, sẵn sàng cho một cuộc tranh luận:
- Những cái quạt đã được chăm sóc rồi đó nhưng căn phòng có sáng sủa hơn được tí nào đâu?
- Đó là vì mình không sơn mới lại, nhưng ít ra nó cũng quay êm hơn.
- Khách có nhận ra điều đó không?
- Khách cũ... tôi không biết có quay lại để có sự so sánh giữa hai lần trọ. Nhưng khách mới thì hy vọng sẽ không bị tiếng xọc xạch gây mất ngủ.
- Rồi có thu được tiền phòng cao hơn không?
- Nhưng bù vào đó, khách sẽ quay lại, hoặc giới thiệu với người khác...
- Chỉ vì một cái quạt quay êm ái?
- Tất nhiên... nếu tất cả đểu đồng loạt sáng sủa thì sẽ hay hơn.
- Tất cả?
- Tất cả trong điểu kiện có thể. Ví dụ như drap giường, rèm cửa, chăn màn, màu tường vôi...
A, nhìn vậy mà cũng sâu sắc gớm. Đúng là những cái đó không quá khó như đập khách sạn ra xây lại. Nhưng hãy để cho những ai có ý định dài lâu làm điều đó.
Tôi mở sách ra tiếp tục học.
Vang tiếng gõ cóc cóc, Thịnh lại đang sửa sang gì đó.

*

Tưởng chỉ nói cho vui vậy thôi nhưng nào ngờ Thịnh có ý kiến với sếp thật. Và sếp đã đồng ý. Mọi người phải nháo nhào dọn dẹp để tân trang cơ quan. Rồi tất cả chưng hửng khi nhìn thấy đội thợ xuất hiện: lớp võ của Thịnh, những võ sinh lúc tập luyện thế nào không biết chứ lúc này nhìn rất lôi thôi, có đứa còn nhỏ tí. Mặt mũi đứa nào cũng trịnh trọng và căng thẳng.
Bằng những cái thang tự đóng từ những khúc gỗ ở trong kho, những đứa lớn lơ lửng trên không với cái chổi dài hơn thân mình. Những đứa nhỏ hơn thì cạo những vết bẩn ở chân tường, trên bàn, ghế, tủ, giường - Thịnh, tổng chỉ huy xuất hiện ở nơi nào những chú thợ không làm được. Một lúc sau, vẻ trịnh trọng căng thẳng biến mất. Tôi nghe tiếng léo nhéo: “Mày quét vôi còn dối quá”, “Mày đổ ra đầy nhà rồi kìa”, “Tao đã nói mày lấy con dao mà cạo, cạo bằng cái muỗng biết chừng nào sạch?”. “Tìm trong kho có mỗi một con dao thì đã đưa cho mày rồi”. “Thầy Thịnh nói đứa nào làm không sạch bị phạt ba chục cái hít đất đó nghe”. “Sao kỳ vậy?”. “Trời đất, bộ mày không biết cứ đứa nào hít đất được ba chục cái là được đi dự giải phong trào sao?”.
Vẫn những cái trần thấp, vẫn những căn phòng hẹp... nhưng mọi thứ trở nên mát mát và đỏm dáng hơn. Cả những nắm đấm cửa, ổ khóa, nụ kéo, tay kéo bằng nhôm cũng được chà sạch đến sáng lên. Sếp mỉm cười tuyên bố sẵn sàng nhận Thịnh vào biên chế chính thức và cho đi học gì đó thuộc về du lịch khách sạn.
Tôi gật đầu:
- Thịnh có lý ghê.
Những nốt rỗ ửng đỏ, Thịnh xoa tay:
- Lý liếc gì đâu. Chẳng qua là xin sếp tạo điều kiện cho tụi nhỏ kiếm tiền may bộ võ phục. Sắp thi giải phong trào rồi mà tụi nhỏ chưa có áo quần. Trước đến nay có gì mặc nấy. Mai mốt đến ngày thi Hạnh tham dự cho vui nghe.
- Tôi? Tham dự giải? - Tôi mở to mắt.
Thịnh bật cười:
- Ý là Hạnh có mặt để vỗ tay ủng hộ đội nhà đó mà.
- Chứ không cần đấm đá à?
- Hạnh không cần đấm đá người khác cũng đã thua rồi.
Cái gì? Tôi chưa kịp lừ mắt thì Thịnh đã ngoắt người ra bên ngoài cửa sắt.

*

Xúng xính trong những bộ võ phục trắng mới tinh, tụi nhỏ nhìn thật khác ngày đến cơ quan làm thợ.
Thịnh đưa học trò lên võ đài, tôi ngồi lại giữa những ủng hộ viên. Một đứa rụt rè hỏi tôi “Chị học chung lớp Anh văn với thầy Thịnh hả chị?”.
Thịnh học Anh văn?
Hoàn toàn không biết gì về võ thuật nên tôi chẳng biết trong hai đấu thủ, ai đang thắng và ai ngược lại. Thằng nhóc ngồi cạnh tôi la lên:
- Sao nó thắng mình mà chị vỗ tay?
- Nó chỉ đá trúng giáp thôi mà.
- Trời, đá trúng giáp là được điểm rối đó - Nó cau mặt giải thích rồi reo lên vỗ tay, phe ta đã đá lại được một cú, tiếng “bộp” nghe rất rõ.
Bên này vỗ tay reo thì bên kia “ô” ỉu xìu. Bên kia vỗ tay reo thì bên này “ô” ỉu xìu giống hệt. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra đôi chút luật thi đấu. Trên khán đài, vẻ mặt Thịnh căng thẳng theo dõi. Chợt miệng Thịnh há to ra trong tiếng kêu “đừng”, rồi tất cả khán giả la ó. Hình như là đã phạm luật. Một đấu thủ bị đá vào ngay giữa mặt loạng choạng lùi lại. Cú đá của học trò của Thịnh? Những đứa trẻ đường phố đã quen...
Không phải vậy.
Thằng nhóc cạnh tôi giận dữ qua kẽ răng:
- Chơi xấu. Nó chơi xấu. Phạm luật rõ ràng mà trọng tài không nói gì. Trọng tài thiên vị.
... Vậy là học trò của Thịnh bị đá.
Trận đấu tạm ngừng. Săn sóc viên chạy đến. Tiếng nhao nhao phản đối quanh tôi rất rõ. Có vẻ như tiếp tục trận đấu sẽ là những cú đá trả lễ đích đáng, nhưng cú đá sưng vù mặt mũi cho biết tay nhau.
Nhưng không.
- Thua, Thịnh có buồn không? - Tôi hỏi khẽ. Hỏi chỉ để mà hỏi. Ai mà không buồn.
Thịnh khe khẽ:
- Thịnh buồn vì trọng tài đã làm những đứa nhỏ thất vọng. Những đứa nhỏ vỉa hè mà biết tôn trọng luật, đó là chiến thắng. Hạnh đồng ý không? Nếu có quyền, Thịnh sẽ trao cho nó giải Fair Play.
Tôi nhìn Thịnh. Vẫn là Thịnh hôm nào xuất hiện ở cơ quan với những nốt rỗ sần sùi nhưng hôm nay rất khác. Nỗi buồn trong mắt Thịnh... Lớn hơn nỗi buồn... Tôi lảng qua chuyện khác:
- Thịnh học Anh văn lâu chưa?
-... Sao Hạnh biết?
- Hạnh biết.
Những nốt rỗ đỏ ửng:
- Ừ... Một tuần ba tối dạy tụi nhỏ, ba tối đi học. Thịnh định thi đại học ngoại ngữ.
Qụá bất ngờ, tôi im lặng, ừ, mà cũng không bất ngờ. Sếp đã hứa nhận Thịnh vô biên chế và tạo điều kiện cho đi học rồi mà.
- Hạnh biết không, vùng ven của mình vẫn chưa có giáo viên ngoại ngữ... - Giọng Thịnh thật nhỏ.
Lặng im. Rồi tôi hỏi một câu chỉ để mà hỏi.
- Thịnh định bao giờ thi?
- Năm nay. Có lẽ đi cùng đợt với Hạnh.
Năm nay, cùng đợt với tôi có nghĩa là chỉ còn hai tháng nữa. Vậy mà... hăng hái làm đẹp cơ quan, rất nhiệt tình với bọn trẻ...
Tôi lặng im không nói được gì. Chợt nhớ lại những lần mình cố ý mở cuốn sách dày cộm trước mặt Thịnh. Và ngay lúc này đây, cuốn sách vẫn đang rộng mở trên tay tôi.
Ai đó đã nói sống là hết lòng cho từng giây phút hiện tại.
- Học trò vùng ven không giỏi bằng học trò thành phố. Mai mốt thi có gì không biết nhờ Hạnh chỉ giáo thêm nghe...
Tôi khẽ khàng úp sách lại.