Chương 9
Xê ra cho người ta làm báo

     ào một ngày chớm đông, một ngày chớm đông của cuộc đời, tôi bỗng mót làm báo kinh khủng. Tôi không thể đợi đến năm bốn mươi tuổi được. Người xưa ca tụng Lã Vọng nhưng cũng còn ca tụng cả Cam La. Già lụ khụ mới thành công thì chán đời.
Một danh nhân đã phán “Cơ hội tới, đừng ngại ngần gì mà chẳng túm lấy tóc nó”. Tôi đã túm lấy cơ hội. May quá, cơ hội chưa xuống tóc cúng dường ăn năn tội lỗi nên tôi túm được ngay. Sau cuộc cách mạng vĩ đại 1 tháng 11, báo chí xổng chuồng đả đảo Ngô Đình Diệm, tơi bời. Hôm nay hai tờ ra mắt. Mai thêm bốn tờ. Tướng đầu quả gáo Đỗ Mậu phải họp báo đi một câu vọng cổ “Than ôi, báo chí ra nhiều chi rứa!”. Ký giả không đủ cung cấp cho ngót năm chục nhật báo. Nên phải vơ bèo gạt tép. Tôi chính là con tép trong nền vơ bẹo của báo chí hậu cách mạng.
Người bạn thuở tuần báo Chiến đấu tìm tôi, tặng tôi một dịp may bằng vàng:
- Có ông cố đạo sắp xuất bản tờ nhật báo, cậu viết gì không?
Tôi hỏi:
- Viết cái chó gì ở báo của cố đạo? Kinh bổn mình lem nhem, quanh đi quẩn lại chỉ nhớ vài tên thánh như thánh Phao lồ, 6hánh Phê rô...
Người bạn cười:
- Cố đạo này chịu chơi lắm. Sống đạo giữa đời mà Chủ nhiệm cố đã được Tòa Tổng giám mục cho mặc “xi-vin”. Nhào vô đi, không viết thì bắt tí địa còm trước, rồi tính sau.
Tôi bèn đi gặp chủ nhiệm nhật báo Mọc Tồn. Nhật báo nhân danh những kẻ bị hất khỏi vùng huê lợi mà chiến đấu với giai cấp giá trị mới. Chủ nhiệm Mộc Tồn tiếp đón rất niềm nở:
- Ông đã cộng tác mí báo nào?
- Dạ, thưa cha, con đang cộng tác với Báo Vợ ạ!
Chủ nhiệm Mộc Tồn cười ha hả:
- A, ông này có khuynh hướng hài hước. Tốt, tốt, “bồng, bồng”. Ông ký bút hiệu gì nhỉ?
Tôi anh dũng đáp:
- Thưa cha, rất nhiều bút hiệu. Con thay đổi tùy theo cái sự đổi thay của đẳng cấp... công chức. Thoạt đi làm cho nhà nước, con ăn lương phù động nên ký là Nguyễn Phù Động. Năm sau, con ký Trần Công Nhật rồi Lê Khế Ước rồi Phạm Lương Khoán, Sắp ký Lý Chánh ngạch thì cách mạng cho cụ Diệm đi tháo tỏng.
Tôi ba hoa xích thố:
- Bẩm cha, từ có cách mạng, xảy ra hàng ngàn chuyện nhí nhố. Ôi vở tuồng mới do những anh kép cũ diễn xuất thật tức cười. Con nảy ý định viết loạt bài “Kép cũ, tuồng mới”.
Chủ nhiệm Mộc Tồn hân hoan:
- Viết đi, còn chờ gì nữa. Nhật báo Mộc Tồn sẽ giới thiệu anh như một khám phá mới.
Tôi hỏi:
- Chửi bới vung vít được chứ cha?
Chủ nhiệm Mộc Tồn vỗ vai tôi, thân mật:
- Chửi hung hăng con bọ xít vào. Những thằng nào hôm qua là Cần Lao nay quai mồm bôi bẩn Cần Lao nhớ chửi cả họ nhà nó. Đấy là ở trang ngoài, còn trang trong anh đặc trách viết thêm cái tiểu thuyết hấp dẫn.
- Có hiếp dâm không?
- Hôn môi thôi. Mà hôn nửa phút thôi.
- Nhân vật nữ lúc ngủ ăn mặc ra sao?
- Như ăn mặc đi phố.
Buổi gặp gỡ thật chu đáo. Tôi thấy mê cái nhà ông cố đạo này quá. Cố đạo ở Paris về nó cũng khác cố đạo Bùi Chu. Cấp tiến ra phết. Tôi về khoe nhặng với nhà tôi:
- Em ạ, Đức Mẹ đã cứu giúp anh. Đức Mẹ dẫn anh đến viết báo cho cha Nguyễn Xây Dựng, chủ nhiệm nhật báo Mộc Tồn.
Nhà tôi gượng vui:
- Báo Mộc Tồn à?
Tôi nhún vai:
- Mộc Tồn là cây còn, cây cối trên quê hương này phải tồn tại mãi. Nhật báo chống Cộng bảo vệ cây còn, em ạ!
Nhà tôi chép miệng:
- Tên báo nghe thấy mùi... rựa mận! Mà anh viết những gì?
Tôi kể lể:
- Trang ngoài anh chửi thiên hạ, trang trong anh viết ái tình, phiêu lưu, xã hội tiểu thuyết. Lương anh nặng lắm Mười xín. Anh vẫn làm biên tập viên Bộ Thanh niên.
Nhà tôi thở dài:
- Anh tính chửi ai?
Tôi nói:
- Bọn đầy tớ của cụ Diệm.
Nhà tôi nằm vật xuống giường, thở hắt ra. Tôi biết nhà tôi đau khổ vì tôi sắp đi viết báo. Nàng vùng ngồi dậy sau một hồi lăn mình:
- Cha nào đứng tên chủ nhiệm?
- Cha Xây Đựng.
- Có chắc là cha không? Thời bây giờ sư hổ mang, cha bang bạnh thiếu gì?
- Em ơi, cha Xây Dựng có thẻ căn cước bọc nhựa do Chúa cấp ký tên và triện sống đàng hoàng.
- Vậy mà cha làm báo chửi bới?
- Đâu phải chửi bới; em. Cái nghĩa chửi bới văn chương là hạ những con chó hai chân cửa xã hội. Mộc Tồn, nhật báo đả cẩu và xây dựng con người theo tinh thần Ki tô giáo.
- Anh định đả kích ai đầu tiên?
- Đả kích... cả nước?
- Mặc xác anh. Tôi không có ý kiến gì nữa. Tôi xê ra để anh làm báo. Xin anh cứ việc báo đời, đừng báo hại mẹ con tôi.
Tôi không thể để tuột cơ hội được. Tôi phải tiến lên, tiến vọt cho kịp đà chạy của nền cách mạng tháng mười một, nền cách mạng có nhiều chiến sĩ anh dũng, quả cảm như Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, Đỗ Mậu... Em ơi, Phượng của anh ơi, anh lạy em, em hãy vui vẻ để anh đi “hôi”, đi “mót” một chút sự nghiệp cách mạng, em nhé! Anh sẽ đi đổ vỏ ốc... cách mạng. Nghĩa là, rất có thể anh sẽ dùng ngòi bút của anh đánh đập cái xác chết của anh em cụ Diệm. Anh sẽ là nhà báo cách mạng. Em ơi, giá anh léng phéng xuống ngã ba Chuồng Chó, bị kiểm tục bắt nhốt ở Chí Hòa để được cách mạng... giải phóng thì thành tích cách mạng của anh còn khiếp nữa. Nhưng em yên chí, anh sẽ nói phét chế độ mật vụ Ngô Đình Diệm đè nghiến văn tài anh. Chế độ ấy cấm anh viết. Anh sẽ trả thù cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu bẳng cách tả ông ta nạo xái và hít tô phe! Anh sẽ bịa ra những con đường hầm trong dinh Gia Long.
Nhà tôi hằn học nói:
- Anh đả kích cụ Diệm thì anh tồi lắm. Và hèn nhát. Chửi bới bà Nhu còn hèn hơn. Sau bà Nhu, không có bà Nhu đâu. Người viết báo không báo hại vợ con là người viết sự thật, viết với cảm nghĩ của lương tâm mình.
Tôi bỗng cụt hứng:
- Thế hả?
Nhà tôi liếm mép:
- Anh có can đảm, hãy đả kích người Mỹ. Vì, khi sự ồn ào của cách mạng lắng xuống là sự rối loạn nổi lên. Sẽ khốn nạn, tồi tệ gấp ngàn lần.
Tôi trợn mắt:
- Em cừ chính trị nhỉ? Đọc ở đâu đó?
Nhà tôi nhún vai:
- Nghe đài BBC đấy.
Tôi gật gù cái đâu rậm bù như tổ quạ:
- A, em tiến bộ ghê nhỉ! Nói chuyện chính trị quốc tế lận!
Nhà tôi nói:
- Chẳng tiến bộ gì cả. Em thương cụ Diệm nên muốn biết ngoại quốc họ có thương cụ Diệm không. Em đọc cuốn mới nhất của bà Suzanne Labin, thấy càng thương cụ Diệm. Anh đã muốn viết báo, em chẳng thể ngăn cản anh, chỉ xin anh đừng làm công việc đê tiện là chửi bới người đã chết. Không ai phê phán nổi cụ Diệm, trừ lịch sử. Và lịch sử còn chờ đợi...
Tôi đâm ra phục nhà tôi. Đàn bà luôn luôn có lý. Ít khi nhà tôi để ý chuyện chánh trị. Vậy mà, hôm nay trước giờ phút giã từ vợ đi làm báo, nhà tôi đã cảm khoái vung vít khuyên tôi chớ nên a dua vào chiến dịch đái vào đầu lâu kẻ chiến bại như Gia Long ngày xưa đã đái vào đầu lâu anh hùng Quang Trung. Tôi bèn tuân theo lời vợ, khởi sự nghiệp viết báo ngược chiều cách mạng. Nghĩa là, khi các báo nịnh bợ cụ Diệm hôm qua đang rạch miệng chửi bới cụ nặng lời thì tôi, Nguyễn văn Lương với biệt hiệu Phù Động, Công Nhật, Khế Ước, Lương Khoán, Chính Ngạch đã anh dũng bênh vực cụ Diệm hết mình. Tôi bị các ông Thiết Bản Đạo Nhân bên báo Hành Động và Ba Vui bên báo Dân Chủ gán cho cái tội liếm gót chân “con mẹ” Nhu! Vợ đã dạy con đường phải, ta hãy can đảm tiến lên. Chó sủa mặc chó, đoàn người bảo vệ lẽ phải cứ đi. Và tôi đi mòn mấy đôi giầy trên nhật báo Mộc Tồn của cha Xây Dựng. Đây, tiếng mõ làm nhức óc bọn kép cũ tuồng mới. Đó, sân khấu nham nhở vừa vén màn. Tôi múa bút. Mộc Tồn bị tướng Đỗ Mậu đóng cửa ba mươi ngày. Tướng Đỗ Mậu được tôi và Tuýt chiếu cố kỹ. Đến nỗi, trong buổi họp báo “Phẹc mê bu tích” mười mấy tờ báo chế độ cũ, tướng Đỗ Mậu đã hằn học nói:
- Tôi cám ơn ký giả nhật báo Mộc Tồn đã viết nhiều về tôi. Nhưng tôi không lạ gì họ. Tôi đã biết họ từ mười năm nay.
Tướng Đỗ Mậu muốn nhấn mạnh, rằng: Mẹ các anh Mộc Tồn, các anh ở lò Cách Mạng Quốc Gia “xoọc ti”, các anh bên ông Diệm đập tôi là đúng rồi. Tôi về viết báo trả lời tướng Đỗ Mậu, nhắn ông ta tôi mới vào nghề viết báo. Nhưng ông chủ nhiệm bắt đầu “rét” ngòi bút của tôi, ông bỏ bài ấy đi. Đang đà hung hãn, tội tuyên chiến với bọn nhện nướng xuống đường. Xuýt bị đốt xe. Rồi bị du vào cái thế chửi bới Hội Đồng Nhân Dàn Cứu Quốc. Các vị linh mục khen ngợi tôi ra rít. Tôi sướng phồng mũi lên. Và ai bảo tội viết bài chửi kẻ nào đó, tôi hấng say viết ngay, xả láng. Cha Xây Dựng biết nhiều chuyện hậu trường chính trị, cha kể cho tôi nghe và xui tôi công kích thậm tệ những người không cùng... “phe ta”. Cả nước khoái lối chửi của tôi. Tôi thành công dễ dàng quá. Hoa chiến thắng khoác đầy cổ tôi nhưng không làm nhà tôi vui vẻ.
Tôi mới hỏi:
- Nay Nguyễn văn Lương tự Lương Khoán chế ra một lời viết vô cùng độc đáo; tại sao nàng chẳng khích lệ?
Nhà tôi xua tay:
- Anh mới tập nghề cải lương nữa đấy hả?
Tôi nói:
- Không em ạ, anh kéo màn cho những vở tuồng mới do kép cũ đóng. Chúng nó đóng vụng về quá làm anh bật cười và muốn ném cà chua thối.
Nhà tôi cảnh cáo:
- Anh coi chừng để đừng “ăng ga giê” cuộc đời mình vào lập trường phe nhóm. Anh sẽ bị chết lây hay mang tiếng bè phái.
Tôi anh dũng vỗ ngực:
- Quân tử phò bại chứ không phò thắng.
Nhà tôi nhún vai rất xi nê ma:
- Anh tưởng Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đang bại à? Anh lầm to. Họ sẽ khỏe hơn bao giờ hết.
Tôi cáu:
- Cô bênh Thiên Chúa giáo của cô, hả?
Nhà tôi cười:
- Em đâu phải người... Hố Nai! Nhưng Thiên Chúa giáo không bại, những kẻ tưởng Thiên Chúa giáo bị Phật giáo át giọng là những kẻ đã xuống đường biễu dương lực lượng. Thiên Chúa giáo được hưởng ân huệ hàng trăm năm rồi thì phải xê ra cho Phật giáo hưởng chứ. Cái gì lại cứ giành độc quyền vậy? Nhật báo Mộc Tồn của anh đã giở cái giọng ghen ăn. Anh có được chia phần không mà la lối ghê thế?
Nhà tôi có lý. Lại có lý. Mãi mãi có lý. Tôi vội “phanh” ngòi bút. Và, vào một ngày cuối năm, vì tranh đấu lương tháng mười ba cho anh em thất bại, tôi đã giã từ cha Xây Dựng của nhật báo Mộc Tồn, một nhật báo chủ trươg công bằng bác ái nhưng thợ viết không có lương tháng mười ba! Và, tuy nhật báo Mộc Tồn gây dựng cơ sở bằng mồ hôi nước mắt của thợ viết song có thợ viết phải bỏ Mộc Tồn đi làm cho Mẽo nửa buổi mới đủ tiền nuôi gia đình. Tôi nhớ mãi ngày cuối năm ấy. Tôi hiên ngang tuyên bố: Cha không trả lương tháng mười ba thì ra Giêng tôi nghỉ viết. Tôi cóc cần lương tháng mười ba nhưng danh dự tôi bị xúc phạm. Tôi tranh đấu cho anh em, bất thành, tôi phải xử tôi.
Bằng mọi cách, Mộc Tồn giữ tôi lại vì tôi đang “ăn khách”. Không được, tôi phải đi, phải thoát khỏi cái chân trời ngã ba Ông Tạ, phải xa lánh những con người tưởng bầu trời chỉ to bằng cái sân tòa báo Mộc Tồn. Tôi sang viết cho nhật báo Tháu Cáy của chủ nhiệm Mùn Sầu. Đây là nơi dụng võ của tôi. Lương Khoán nổi danh ở những mục nham nhở, viết nham nhở mãi nó hóa ra nham nhở. Nhà tôi chán nản. Nàng khóc lóc khuyên tôi:
- Anh ạ, anh trở về với cha Xây Dựng đi, anh đừng làm mọi cho thằng Mùn Sẩu. Em nghe nói thằng ấy bất lương lắm.
Tôi hét!
- Nó bất lương mà nó chi tiền sộp. Còn ông cố đạo thì để thằng quản lý răng đen bóc lột và ăn quỵt lương tháng mười ba.
Nhà tôi ấm ức:
- Cha đối với riêng anh thốt là đủ rồi.
Tôi nghiến răng:
- Tôi không cần ông ấy tốy với tôi. Tôi viết “ăn khách” ông ấy mới tốt chứ viết cà là mèng ông ấy đã đuổi tôi rồi.
Nhà tôi chỉ nói có thế. Rồi ngồi khóc. Tôi không hiểu vì lý do gì nhà tôi lại ghét tân chủ nhiệm Mùn Sẩu của tôi thế. Thằng nào làm chủ chẳng bất nhân, cứ chi thằng Mùn Sẩu. Chí đã quyết, tôi hung hăng nói:
- Em biết cái gì, xê ra cho người ta đi làm báo!
Và tôi bắt đau mê báo bổ hơn mê... nhà tôi. Tôi làm đặc phái viên nay bay ra Huế mai bay xuống Cà Mau. Tôi đi thăm dân cho biết sự tình đến mòn cả người. Bỏ cơm đi họp báo. Ngày hai lần họp báo. Cho nó thành cái lệ với vợ con. Không họp báo thì... họp bạc. Từ ngày sang làm với nhật báo Tháu Cáy, tôi học được nghề đánh phé. Vì tôi cứ đi liên miên, gia đình tôi đâm ra lục đục. Nhà tôi càu nhàu một, tôi càu nhàu mười. Tôi sẵn sàng bợp tai nhà tôi những cú nẩy đom đóm mắt. Cái tội to nhất của tôi đối với nhà tôi là tội nói dối. Đàn bà rất ghét chồng nói dối mình. Thực tâm, tôi nào muốn nói dối nhà tôi. Chẳng qua vì nể vợ, thương vợ mà phải nói dối.
Thí dụ, đánh bạc cả đêm, sáng sau lò dò về, vợ hỏi “Anh đi đâu suốt đêm qua”, lại nói thật “Anh đi đánh bạc” thì chó quá! Phải phịa ra một chuyện hợp tình hợp lý thuộc loại... “thời trang” một tí. Nên tôi thường nói “Anh bị xúc vào bót em ạ! Giãy tờ của anh không hợp lệ. May quá gặp thằng cò là bạn cũ nó thả anh ra. Sư nhà nó, sáng bảnh mắt nó mới đến làm việc”. Nhà tôi, thoạt tin ra phết. Nàng ái ngại cho một đêm trong tù của tôi. Nàng hỏi thăm rối rít:
- Muỗi nó có đốt anh không?
- Không, anh là nhà báo, cảnh sát nể anh, cho anh mượn cái ghế bố có mùng, anh nằm ngủ nhưng không ngủ nổi. Anh sợ em ở nhà mong anh.
- Nếu không gặp bạn cũ thì sao?
- Thì anh được giải qua Quân Vụ Thị Trấn để xuống Quang Trung. Rồi mọi chuyện tính sau.
- Hên ghê!
Đâu có hên. Đêm qua bị phản phé. Bài hai đôi xì, đầm ăn chắc mà vẫn bị cây sất thứ năm của thằng Paul Húc nó át giọng. Cháy túi. Vay chủ tiệm Mùn Sẩu hai tháng lương trừ dần.
- Ừ, hên em ạ!
Nhà tôi khuyên tôi ngủ cho lại sức. Tôi thở hắt ra. Thoát nạn. Cái nghề nói dối nó dễ lòi chuôi. Kẻ đã quen mui thấy mùi lại ăn mãi. Hóa nên tôi đã bị vỡ mặt. Đêm ấy, tôi đánh phé tại nhà chủ nhiệm Mùn Sẩu. Định mười một giờ về. Đúng mười một giờ, cái ngồi nhà, thầy chùa Thích Trí Tuệ dẫn xác tới đòi nói chuyện với chủ nhiệm. Mùn Sẩu xua tay:
- Không tiếp. Đuổi hắn về đi.
Một con bạc, dân nhà báo, nói:
- Việt Tấn Xã đăng bài choảng anh trọc này cú nặng khủng khiếp. Ông tướng tặng anh trọc một chưởng. Chắc anh đến lạy Tháu Cáy để Tháu Cáy đừng đăng.
Mùn Sằu cười, ngó tôi:
- Ông thua đậm, xuống bắt địa gấp!
Tôi bèn phóng xuống vồ con mòng:
- Mô Phật, bạch thầy, có chuyện chi đấy ạ?
Nhà sư đầy vẻ bối rối:
- Tôi cần gặp ông Mùn Sẩu.
- Bạch thầy, Mùn Sẩu đang bận đưa “bà đầm dắt chó đi chơi”, tôi là Lương Khoán tiếp thầy thay Mùn Sẩu.
- Ban đêm sao lại đưa bà đầm dắt chó đi chơi?
- Bạch thầy, con cầu ở lá thứ ba, rút được con đầm...
- Ông ấy mãi đánh xì hả?
- Dạ. Thầy có rút lên rút tí...
Nhà sư “mô phật” loạn cào cào.
Rồi giở cái giọng “Lan và Điệp”:
- Bần tăng đâu có biết đánh xì.
Tôi hỏi:
- Bạch thầy, vậy thầy chơi được bài cào không?
Nhì sư lắc cái đầu chẳng nhẵn thín tí ti ông cụ nào mà than rằng:
- Bài cào cũng không. Đi tu chỉ còn biết... “đánh” chuông. Mà vẫn chẳng yên.
Tôi vội gãi vào chỗ ngứa của nhà sư thích cả trí lẫn dũng:
- Bạch thầy, chắc thầy đang gặp lúc tang gia bối rối? Hay là đang “đánh” Đàn tỳ bà bị đứt dây?
Nhà sư ai oán kể:
- Người ta hại tôi, người ta vây chùa, bảo tôi tham nhũng đồ lễ Phật và chứa chấp sư con trốn quân dịch. Báo phà nước đã đăng. Liệu báo Tháu Cáy đăng không?
Tôi vờ vịt:
- A, vậy thầy đây là thượng tọa Trí Huệ?
Nhà sư sáng rực đôi mắt:
- Chính bần tăng.
Y hệt con gà sống trong cuốn “Lecture” lớp đồng ấu vỗ cánh gáy cù cú cu mà khoe:
C’est moi le coq
Cocorico
Ma crête sur mon bec se dresse rouge comme un coquelicot
Tôi tấn công tút xuỵt kẻo khuya nó nguội điện:
- Bạch thầy, bổn báo đăng nguyên văn bài báo ở Việt Tấn Xã.
Nhà sư đần mặt ra.
- Chết bố tôi rồi! Bây giờ làm sao?
Tôi cười nham nhở.
- Bây giờ phải hủy tờ báo đi, nếu muốn.
Nhà sư tươi tỉnh như một nhà sư nào đó trong ca dao Việt Nam khi thấy ba cô đội gạo lên chùa:
- Tôi muốn lắm.
Lúc này, đẳng cấp giá trị mới sắp xếp “nhất điếm nhì sư tam xi tứ cố”. Vậy sư đông bạc nhiều vàng. Đầu trọc lái xe “đờ luých” không à. Lại có ông ngồi ngất ngưởng băng sau, “ri đô” che gáy, tài xế chạy phơi phới... Bắt địa sư mô, cố đạo hổ mang là bổn phận của nhân dân đói rách là giúp sư mô sớm siêu thoát là giúp cố đạo được lên thiên đàng. Sư và cố đạo nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều huê lợi để làm chi? Hãy bắt địa. Thà mõi tiền của sư cố hổ mang cho gái giang hồ lại tròn cái viên quả phúc. Tôi bèn nói:
- Tháu Cáy in bốn mượi ngàn số, mỗi số giá vốn là ba đồng tám trang. Tính ra mất một trăm hai chục ngàn. Hủy số báo đi, phải làm liền số khác, tiền thợ sẽ gấp đôi. Nếu thầy muốn hủy số báo ra trưa mai, thầy nên trả mỗi số năm đồng, tổng cộng năm ngàn đồng.
Nhà sư ngạc nhiên:
- Trưa mai mới ra báo cơ mà?
Tôi trộ:
- Vì sợ điện cúp, Tháu Cáy in trước mười hai tiếng đồng hồ.
Nhà sư suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Được.
Tôi hỏi:
- Thầy “pay-ê” luôn chứ?
Nhà sư đáp:
- Tôi không mang tiền theo. Sáng mai, đúng bảy giờ, tôi đến tòa soạn đưa cho ông hai trăm ngàn đồng.
Đã quá giờ giới nghiêm, nhà sư cáo từ, hẹn sẽ gặp tôi sáng mai với bọc tiền... vủa... Bắc kỳ nghĩa địa. Tôi nhảy phóc lên bàn xì, khoe nhặng:
- Xong rồi, tôi cho anh trọc ấy vào tròng rồi. Mỗi bạn có mặt ở đây sẽ được chia vài bó tiêu Tết.
Tôi không về nhà được. Đành nằm chờ sáng tại nhà Mùn Sẩu. Lòng lo ngại vô cùng. Tôi biết chắc nhà tôi đang thức chờ tôi. Một tiếng xe của ai chạy qua cũng làm nhà tôi hồi hộp. Tôi trách móc tôi đã quá mê cờ bạc, gây phiền lụy cho vợ con. Sáng sau, thay vì về nhà tôi lại phóng xe lên tòa soạn nhật báo Tháu Cáy. Tôi chờ Trí Tuệ nộp bạc. Tôi sẽ đem về khoe nhà tôi: “Đêm qua anh hên, vét hết tiền làng”. Qua bảy giờ, Thích Trí Tuệ vẫn không tới. Rồi ông ta không tới. Tôi bị ăn thịt thỏ. Vài bữa sau mới hay một bạn “ký giả” trong chiếu bạc đã dậy sớm nhất đòi về để phóng xuống Bắc kỳ nghĩa địa “bắt” của Thích Trí Tuệ mười ngàn! Anh ta, nhân danh Mùn Sẩu, cam kết với thân chủ của anh ta. Cam kết cho vững, chứ thực ra, báo tôi đâu thèm đang lại bài ở Việt Tấn Xa. Dọa Thích Trí Tuệ chơi mà.
Bây giờ, phải nghĩ cách nói dối vợ. Tôi ngồi bóp óc suy mưu tính kế. Cuối cùng, rút từ trong túi ra tấm giấy năm đồng cũ kỹ, lấy bút nguyên tử viết nhanh: “Em, anh bị bắt ở quận Nhất cả đêm. Chờ thằng cò Hùng sùi nó đến nó thả ra. Cứ yên tâm, trưa nay anh sẽ về”.
Tôi nhờ người bạn đồng nghiệp đem “thông điệp trong tù” cho nhà tôi. Nàng hoảng hốt trang điểm qua loa rồi bồng con chạy lên quận nhất. Không thấy chiếc Dauphine EB 89... đâu mà chỉ thay cò Hùng sùi đang vác cái thùng nước lèo trước bụng. Nhà tôi hỏi thăm cò Hùng sùi. Con cò này rất kém thông minh. Nó phăng phăng nói không hề bắt tên nào là Nguvễn văn Lương đêm qua. Nó giết tôi, nó hại tôi. Đáng lẽ, chơi thân với tôi nó phải hiểu tôi mà nói rằng “Vừa tha thằng Lương Khoán về rồi, nó chẳng chịu đem giấy tờ theo, trần xì cái thẻ nhà báo nên nhân viên của tôi tạm nhốt nó, chờ lệnh tôi”. Nó mà nói thế, tôi thoát nạn. Đằng này nó còn thêm lời bàn: “Nó đi đánh phé với bọn thằng Mùn Sẩu đấy, bà ơi”.
Nhà tôi tác giăng nổi giận, kêu tắc xi đến tòa soạn Tháu Cáy. Đây là lần thứ nhất nhà tôi tới chỗ tôi làm việc. Thấy Mùn Sẩu đang kể chuyện tôi ăn thịt thỏ và nói dối vợ. Cả bọn nhà báo cười khúc khích. Nhà tôi càng giận. Nàng phát cho tôi một mẩu giấy: “Anh Lương, anh đừng về nhà nữa”. Hay tin nhà tôi đi tìm tôi, tôi đã chạy vô cầu tiêu ẩn núp. Nàng dời tòa soạn là tôi phóng xe về ngay. Than ôi, nàng đã về sớm hơn tôi! Bãi chiến trường đã tan hoang.
Máy chữ bị đập nát. Cái máy Olympia xách tay, cái máy ông Phạm văn Liễu cho đó. Ông ấy cho cái Remington to tổ bố, tặng phẩm duy nhất của ông ta trước khi ông ta bị đời đá khỏi Tổng Nha Cảnh Sát, tôi phải đăng báo gạ đổi lấy cái Olympia. Nhà tôi đập nát cái máy chữ. Đập lung tung. Bất cứ cái gì có thể đập được là nhà tôi “phóng tay phát động”. Khi người đàn bà biết mình bị lừa dối, khiếp vậy đó. Những ông nào ưa nói dối vợ hãy coi chừng. Nhà tôi nổi cơn tam bành lục tặc, đòi đập cả kính xe. Để trấn an tinh thần... tiếc của của nàng, tôi mở nút chai whisky tu ừng ực. Rồi tiếp tay nàng, tôi đập phá hung hãn. Sau đó, rượu ngấm vào tim, tôi nằm trên đổ vỡ mà giả vờ khóc như một kẻ bất mãn cuộc đời. Tôi khóc hu hu. Tôi khóc hi hi. Thỉnh thoảng lại cười hô hố. Thằng con đâu lòng của tôi bảo em nó:
- Bố giễu tụi bây ơi!
Những ngày gần đây, ông cố vấn hạnh phúc của vợ chồng tôi đã đi ra mãi Nha Trang làm ăn. Lâu lâu, ông cố vấn mới về Sàigòn và ở chơi với bọn con gái tôi vài bữa. Ông cố vấn nói một câu thật não nùng:
- Về nhà mày cứ như người đi trên bãi mìn ấy. Số tao là số... hòa giải. Lần nào tao về tụi mày cũng cắn nhau. Hồi hộp bỏ mẹ đi ấy. Ông hé mở cửa sổ, thấy mấy đứa nhỏ là ông biết ngay tụi mày đang vui vẻ hay đã đấu võ.
Lần này, vì gần dịp Tết, ông cố vấn hạnh phúc khăn gói quả mướp tính về ăn Tết. Không ngờ, hé cửa sổ ông thấy ba đứa trẻ đang xúm quanh nhau, ngó bố nằm trên đổ vỡ, khóc hu hu. Ông cố vấn gọi nhặng xì ngầu:
- Tí, Ki, Đốm mở cửa bác Công!
Thằng Tí reo ầm:
- Bác Công về, bác Công về. Mẹ với bố đập đồ. Mẹ đi rồi. Bố uống rượu bố giễu...
Con Ki khoe:
- Bố “hóc” giả đò, bác Công ơi!
Tôi gối đầu trên cái máy chữ đã rụng gần hết chữ, nghe đứa con gái đoán “tẩy” của mình, vùng dậy. Và cười, ầm:
- Ki, sao con biết bố khóc giả đò?
Con bé không giải thích, chỉ nói:
- Con biết chớ.
Ông cố vấn hạnh phúc đã vào nhà. Ông vất cái va-li “bịch” xuống nền nhà:
- Cắn nhau kỹ, hả?
Tôi nhún vai:
- Cái hạn cuối năm mà. Của đi thay người, ông ạ!
Ông cố vấn lắc đầu:
- Làm hộc xì dầu để đập phá hết.
Tôi thuật lại sự việc cho ông cố vấn nghe. Ông chép miệng:
- Tại mày hết. Ai bảo mày nói dối. Đã đi đánh bạc còn nói dối.
Tôi cáu:
- Ông biết cái chó gì. Ông lấy vợ đi rồi ông sẽ... thương tôi.
Ông cố vấn hét:
- Cầm mồm. Con mày nó cười mày đó, nó bảo mày giễu. Mày đúng là thằng hề. Rồi mày sẽ hết dạy con mày.
Ông cố vấn cởi phăng quần áo, còn trần xì cái xà lỏn. Ông bắt tay vào công việc “tái thiết dinh Độc Lập”. Nửa tiếng sau, quang cảnh điêu tàn biến mất. Vừa đúng lức nhà tôi về. Nàng nằm vật vã trên giường, bù lu bù loa:
- Em biết trước mà, anh khốn nạn vì anh đi làm báo với những thẳng khốn nạn, những thằng chỉ biết cờ bạc, hút sách và ăn nói nham nhở. Bảo anh trở về với cha Xây Dựng anh không nghe. Anh đi đàn đúm với bọn vô giáo dục.
Tôi vừa định mở miệng, ông cố vấn hạnh phúc đã kê cái tủ đứng vào họng:
- Đúng thế rồi, mày nên im đi!
Tôi bèn im. Nhà tôi lải nhải một tiếng đồng hồ liền. Đàn bà sao cái gì cũng... dai thế không biết! Khóc dai, nhớ dai, nói dai. Tôi ngồi chịu trận. Cứ như anh em cụ Diệm ngồi nghe đài Tiếng Nói Quân Đội của Nguyễn văn Hinh đả kích hồi cụ mới về nước chấp chánh ấy. Theo chiến thuật “địch nói ta im”. ta sẽ khỏe và địch sẽ mỏi mồm. Nhà tôi kể “tội ác Việt cộng” của tôi từ ngày vợ chồng mới cưới nhau. Cái bợp tai đầu tiên xảy ra hôm nào, giờ nào. Câu nói “vũ phu” dài bao nhiêu chữ. Tôi tỉnh bơ ngồi hút thuốc lá. Đôi lúc, muốn “ăn thua đủ” với vợ, nhưng ông cố vấn hạnh phúc cứ chiếu đôi mắt cú vọ át giọng tôi. Ông cố vấn hạnh phúc đúng là U Thant, thứ U Thant... trung lập thân Cộng sản.
Khi tôi không nghe thấy đài phát thanh “bình luận”, nhà tôi đã ngủ thiếp đi. Ông cố vấn hạnh phúc bảo:
- Cái gương tủ, mai này đi mua về thay nhé! Tao để dành được món tiền cho mày đấy. Dẫn nó đi chợ Tết mà chi địa.
Ngay chiều hôm ấy, tôi cởi trần, lấy búa đập những mảnh gương lớn còn bám lấy khe cửa chìa những mũi nhọn trông đến phát khiếp. Mấy đứa con phụ sức bố, bê từng gói kính nhỏ được bọc bằng nhiều tờ báo xuống bếp vất vô thủng rác. Tôi dùng “tuốc nơ vít” đẩy miếng cây kẹp mảnh “các tông” dưới mặt gương ra. Cửa tủ trống rỗng. Thẳng con trai đầu lòng vỗ tay:
- Bố “đề” quá ta!
Đứa con gái reo lớn:
- Bố “gồ” ghê hén, anh Tí?
Nhà tôi phì cười. Vậy là chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh sau cuộc chiến  tranh nóng. Tại sao những cuộc chiến tranh của nhân loại đã không có những đứa trẻ con ăn nói ngô nghê khiến hai nước thù hận phì cười nhỉ?