Tôi không nhớ trong giấc ngủ mình đã mơ những gì, có điều làm tôi tiếc ơi là tiếc và người gọi nếu không phải là mẹ tôi thì tôi đã gắt ỏm tỏi lên rồi: - Cù lần quá thôi. Phải chi bị gọi trễ năm phút nữa có phải mình được ăn rồi không? Tôi đang mơ đến chỗ bạn tôi nó bao ăn bún ốc và đúng đến lúc bà hàng đưa tô bún nghi ngút khói, tôi chưa kịp nuốt nước bọt cái ực để bắt đầu ăn thì mẹ tôi gọi tôi dậy đi học. - Tức quá! Tức thật nhưng không làm gì được đành phải xuống Lavabo dưới nhà rửa mặt cho hết cái tức. Cái mặt nhăn nhăn nửa tỉnh táo, nửa ngái ngủ trong gương trông đến buồn cười. - Mẹ gọi con mấy giờ hở mẹ. - Ba giờ, con. - Úi dà, còn sớm, 4 giờ con mới vào học cơ. - À, mẹ gọi con dậy sớm để ôn lại bài. Tôi lên lấy cặp rồi xuống nhà ngồi cạnh mẹ. Bát bún ốc lúc nãy vẫn còn ám ảnh tôi. Ừ, lâu quá tôi chưa được ăn cái món hấp dẫn đó. Giờ này bắt đầu có bán rồi đấy, phải đi ăn mới được. Tôi cố ngồi nán lại vờ học bài (nhưng có học được đâu), 15 phút, rồi đứng lên: - Con tới bạn làm toán 1 tí mẹ nhé, rồi con đi học luôn. Mẹ vẫn cúi đọc báo không nhìn lên để thấy cái mặt ham ăn của tôi. Tôi chạy đi thay đồ rồi lục ví xem còn bao nhiêu... một trăm năm mươi đồng, dư sức qua cầu. Tôi cài cặp vào xe Solex rồi dắt ra ngoài: - Mẹ, con đi học. - Ừ con đi. Chiếc Solex rất là ngoan ngoãn, phóng một mạch đến nhà nhỏ Tuyết. Tiếng máy xe vừa tắt, cái mặt ngái ngủ của Tuyết ló ra: - Mày hả Mai. Sao đi sớm thế? Tôi suỵt khẽ: - Ra tao nói cái này. Ði đớp bún ốc không? Tao bao. - Mới đi móc túi ở đâu mà giầu thế? - Khỉ, mau lên, ông đi 1 mình bi giờ Tuyết co giò chạy vào, một lát ôm cặp ra: - Ông bà già có hỏi gì không? - Suỵt … không. Đang …. mộng bình thường. Hai đứa dắt nhau ra đến đầu ngõ mới mở máy xe. Tuyết ngồi ôm eo tôi: - Tao thấy ngồi Vélo ôm eo khoái hơn Honda - Sao mà khoái? Tao tưởng tùy cái eo chứ sao lại tùy xe? - Dĩ nhiên tùy cái eo, như eo cỡ mày ôm khoái vì vừa tay, chứ bự quá không khoái hay nhỏ quá cũng chán. Tao chịu ôm eo mày mí Mai Nhí hay Lon Sữa cũng được. - Tùy xe làm sao? - Yên sau Vélo thấp hơn Honda nên tầm tay mình ngang với eo người trước, ôm “đã” hơn. - Ghê nhỉ. Con này nghiên cứu vụ ôm eo kỹ quá, tao hỏi thật mi đã ôm eo chàng nào chưa? Mi cảm thấy ….ló sế lào? - Hì hì, khó lói quá. Hai đứa tán dóc, đến chợ Vườn Chuối tự hồi nào. Tuyết nhảy phóc xuống. - Tao hỏi thật, nhà mi có đủ cho ông đớp bis không đấy. - Mày khinh tao vừa vừa thôi. Ông tính toán mỗi đứa quất hai tô, tráng miệng 10 đồng sương sa hạt lựu tráng miệng. Mỗi đứa còn có thể tặng ăn xin 5 đồng nữa cơ mà. Tuyết cười cười, ôm cặp đi vào: - Khá nhỉ! Tôi vội vàng khóa xe rồi ôm cặp vào theo. Cái mặt nhăn nhó của Tuyết vừa quay ra báo hiệu 1 sự bất bình thường. - Xui quá mi ơi! Bà bún ốc hôm nay nghỉ. Tôi ngẩn người: - Thật à, sao vô duyên thế. - Ừ, đúng là số con rệp. Tôi cố đi vào nhìn cái xập vắng teo của bà hàng bún rồi quay ra, mặt xị xuống 1 đống. Chả lẽ đến rồi đi về. - Vào ăn đại cái gì đi. Tuyết lắc đầu: - Tao thèm vào. Có bún ốc ông mới ăn. - Vào uống ly sương sa cho mát. Tao khát quá. Thế là hai đứa cùng quay vào ăn vớt vát. - Cái bà bún ốc hắc ám, đợi lúc người ta tới ăn là nghỉ. Hai đứa vừa ăn vừa hậm hực. Tuyết như chợt nhớ ra: - Hình như chiều nay tổng dượt mà sao mi không đi - Bỏ xừ chưa, tao quên.. Í, mà tao còn đi học thầy Nghiêm, làm sao? Thôi đến nhà nhỏ Yến hỏi nó xem sao, còn nửa tiếng nữa. Tôi phóng xe 1 lèo tới nhà Yến. Nghe hỏi, con nhỏ cười: - Vô duyên chưa, hôm trước thầy dặn hôm nay nghỉ rồi chủ nhật học bù thôi? Tôi và Tuyết trợn mắt: - Thật không, sao gặp tao mi không nói? - Tại hôm ấy mi tập thể dục mà. Tôi thở ra 1 hơi dài. Thôi, đến trường tổng dượt là vừa. Cứ quay như chong chóng với học hành, văn nghệ, vui chơi. Còn bao nhiêu lâu như thế nữa? Năm nay văn nghệ trường tôi cũng khá dồi dào, mấy em bé lũ lượt áo quần xanh đỏ, hóa trang đủ kiểu. Vừa tới cổng trường tôi đã thấy là lạ, có thể vì đối với buổi chiều, dù sao tôi cũng nhìn mấy cô bé nho nhỏ bằng con mắt rất ư là chị cả, cái mặt vác lên cho oai hơn và giữ dáng đi chững chạc khi “diễn hành” qua 1 đám con nít trố mắt nhìn rồi nói cười khúc khích. Tuyết bóp khẽ tay tôi: - Cô Thức kìa Mai. Tôi nhận ra cô giáo sư trước mặt, chạy lại: - Cô ạ. Cô nhớ em không cô. Cô Thức vẫn cười hiền hòa như sáu năm trước khi tôi còn học Đệ Thất, khi còn là con bé cắt tóc bum bê, mặc áo đầm trắng thắt nơ, dây lưng thật to và nhẩy cỡn lên bắt mấy cánh chim nâu từ cây Giáng Tiên rơi xuống. Thời đó sao thật bé thơ, đầu óc chỉ biết ghi đậm nụ cười của cô Thức, tai ngẩn ngơ nghe giọng dịu dàng của cô Thái, nét duyên dáng trong lúc giảng bài của cô Lệ Tuyết, hay khuôn mặt ngập nắng sớm khi đứng bên cửa sổ của cô Thanh. Tôi đã tôn thờ những cái đẹp ấy. Vai trò giáo sư đối với tôi như thần tượng, thật lý tưởng và mình không bao giờ ước mơ đạt tới. Bây giờ, ngày càng mờ nhạt những tư tưởng ấy, ngày càng xa đi những thần thánh đó và tâm hồn tôi lần lần mòn mỏi với thời gian, theo tuổi lớn. Cho đến hôm nay 1 thoáng xúc động len lén trong hồn tôi và tôi muốn ôm mặt khóc lúc này. - Hoa Mai chứ ai mà không nhớ. Bây giờ Đệ mấy rồi. - Dạ Đệ Nhất ạ. Tôi đáp nhỏ, nghe nghèn nghẹn. Sáu năm rồi cô vẫn còn nhớ tôi. Cô vuốt má tôi cười: - Nhanh nhỉ. Thế chiều nay em đến trường có chuyện gì vậy? - Dạ, tổng dượt văn nghệ tất niên của trường cô ạ. Cô Thức nhìn quanh rồi giục tôi: - Vậy thôi vào đi, còn sửa soạn nữa chứ. Tôi cúi đầu chào cô, rồi chạy vụt qua sân, sang giảng đường. Bạn bè đã sửa soạn gần xong, giục tôi rối rít. Thoa 1 lớp phấn mỏng lên mặt tôi bỗng thấy ngại ngùng. Như lớp phấn thời gian che phủ, tôi lớn thêm và đổi khác. Thoáng buồn phiền. Nhưng tiếng ồn ào chung quanh kéo tôi về thực tại. Tôi giơ tấm gương lên soi để nhìn thấy nụ cười héo hắt của mình.