Chương 7

La politique c'est jouer
aux hommes.
NAPOLÉON
Chính trị là công việc có liên quan đến bốn mặt:
a) Cá nhân.
b) Quần chúng.
c) Dân tộc.
d) Lịch sử
Vậy tâm lý chính trị cũng có bốn mặt:
a) Tâm lý cá nhân.
b) Tâm lý quần chúng.
c) Tâm lý dân tộc
d) Tâm lý ảnh hưởng từ lịch sử
Vua U Vương nhà Chu thích giành được nụ cười của Bao Tự, nên cho đốt lửa gọi chư hầu để đánh lừa làm trò vui thú. Bao Tự khóai nghe tiếng lụa xé, vua U Vương đem cả ngàn tấm lụa ra xé cho Bao Tự nghe. Chẳng bao lâu những trò ấy khiến cho U Vương mất nước.
Vua nhà Tống thích đá cầu, nên chọn người đá cầu giỏi làm Tể tướng đó là Tể tướng Cao Cầu nổi tiếng của bộ Thủy hử truyện. Ông Cao Cầu chỉ biết đá cầu, không biết làm chính trị nên đất nước mỗi ngày mỗi loạn.
Quan Công tính khí bộc trực hẹp hòi khinh bỉ Tôn Quyền làm mất Kinh châu, vì mất Kinh châu mà Ba thục cũng nhào theo.
Đó là những hành động theo tâm lý cá nhân làm hỏng chính trị.
Vua Thang, vua Vũ khởi binh ở Mục dã, Minh điền để đánh Kiệt Trụ, thế như chẻ tre. Cơ nghiệp Kiệt Trụ sụp đổ trong khoảnh khắc.
Vua Lê Lợi đánh quân nhà Minh cứu dân thóat khỏi ách đô hộ.
Đó là những hành động thuận theo tâm lý đại chúng để dựng nghiệp chính trị. Tranh thủ nhân tâm cổ nhân phân ra làm hai lọai:
1) Cầu hiền: (vận dụng tâm lý cá nhân) Khương Tử Nha nói: lấy mồi thơm câu cá mới có thể bắt cá ăn thịt, lấy mồi thơm nhử người, người sẽ vì ta mà hết lòng hết sức. Lưu Bị ba lần lội gió mưa đến cầu Khổng Minh, nên khi Khổng Minh về với Lưu Bị làm việc cúc cung tận tụy đến chết mới thôi.
2) Đắc dân: (vận dụng tâm lý quần chúng): Văn Vương cảm thấy vua Trụ có ý ghét mình, vội vàng vào xin với vua Trụ vào đất Lạc tây, trả lại cho vua Trụ cả ngàn dặm đất đai phì nhiêu để tránh họa. Khổng Minh (Khổng Tử?) phê bình Văn Vương thật là người có nhân, biết khinh lợi lộc để tránh hoạn nạn, Văn Vương thật là người mưu trí biết bỏ ra hàng ngàn dặm đất để đổi lấy nhân tâm. Vua Vũ dẹp xong nhà Thương, vào kho thấy ngọc ngà châu báu nói đây là châu báu của chư hầu, nên sai người trả lại cho chư hầu. Thiên hạ đều khen vua Vũ không tham tiền. Vào trong cung thấy bầy cung nữ, Vũ Vương nói đây là những con cái và tì thiếp của chư hầu, bèn sai người trả lại chư hầu. Thiên hạ đều khen vua Vũ là người không tham sắc.
Đắc dân tâm là đừng ghét cái gì dân thích và đừng thích cái gì dân ghét. Hãy thuận ý dân.
Quản Trọng nói:
Vị nhân chủ đòi hỏi ở dân những gì? Đòi dân vì mình mà cố gắng lao khổ, vì mình mà cố gắng hy sinh. Còn dân thì đòi hỏi người lãnh đạo những gì? Đòi phải giải quyết cho dân no ấm, cho dân nghỉ ngơi, có công thưởng công, có tội phạt tội. Nay vị nhân chủ không thỏa mãn được những điều đòi hỏi của dân thì cũng đừng hòng đòi hỏi lại dân điều gì nữa.
Thay thế cờ búa liềm bằng hòa sự lão (hội các bô lão đi dàn hòa cuộc tranh chấp giữa nông dân và địa chủ) để thực hiện cải cách ruộng đất.
Dưới chiêu bài giải phóng dân tộc để thực hiện chủ nghĩa Cộng sản.
Đó là những chủ trương chính trị thuận theo tâm lý dân tộc để đạt mục tiêu chính trị.
Dựa theo phong trào giải phóng dân tộc chống đế quốc.
Dựa theo phong trào dân chủ đang lên.
Đó là những chủ trương chính trị thuận theo tâm lý lịch sử.
Căn cứ trên bốn mặt tâm lý trên đây, Mạnh Tử đưa ra một quy luật:
Đắc hồ binh dân vi thiên tử.
Đắc hồ thiên tử vi chư hầu.
Đắc hồ chư hầu vi đại phu.
(Được dân làm quân lực có thể chiếm ngôi thiên tử. Được lòng thiên tử, có thể được vua phong đất cho làm chư hầu. Được lòng chư hầu có thể làm quan đại phu).
Tranh thủ người có từng thứ bậc từ thấp đến cao. Những bậc ấy không biệt lập, trái lại còn liên hệ chặt chẽ, nó chỉ gián đoạn tùy theo chí khí con người, biết hay không vận dụng theo thời thế.
De Gaulle đã đi với Salan và nhóm quân đội ở Algérie đòi ly khai nước Pháp để lật đổ chế độ đệ Tứ Cộng hòa. Như vậy là De Gaulle dựa vào thế lực chư hầu. Machiavelli gọi là "Les grands" để đưa mình lên ngôi thiên tử. Rồi sau đấy De Gaulle bắt Salan trả lại Algérie độc lập. De Gaulle vẫn thắng vì ông có dân chúng nhiệt liệt ủng hộ.
Kroutchev chỉ là một người nấp dưới bóng Staline, nhưng cũng trèo lên địa vị cao nhất nước Nga Sô viết để thực hiện một đường lối chính trị mới.
Cũng như xưa kia Trần Thủ Độ, nương nhờ nhà Lý rồi sau cướp ngôi nhà Lý dựng lập nhà Trần.
Tư Mã Ý chỉ là một võ tướng của nhà Ngụy, nhưng đã lật nhà Ngụy để lập nhà Tấn.
Chính trị
Tâm lý chính trị là gì?
Một người nghèo đầu tắt mặt tối suốt ngày không đủ miếng ăn than trách về cảnh nghèo cho rằng số phận mình cực khổ
Gánh cực khổ đem đổ lên non,
Cong lưng mà chạy cực còn theo sau.
Đó là tâm lý thông thường.
Một người nghèo than thân trách phận nghĩ thân mình không bằng con trâu chó, trong khi con cái nhà giàu ăn mặc sung sướng.
Phú nhân dưỡng kiều tử, cùng hán đương ngưu sử.
(Nhà giàu chăm bẵm chiều chuộng con gái, tên nghèo làm cực như trâu).
Đó là tâm lý bắt đầu chuyển sang chính trị.
Một người nghèo lý luận:
Người nghèo lạy nhà giàu rồi không đứng dậy được nữa.
Đó là tâm lý hoàn toàn chính trị.
Một anh tá điền áo quanh năm không đủ che thân, cơm không đủ ấm cật, trông thấy người nào cũng hãi sợ cung kính, rồi có một hôm hốt nhiên anh nghĩ:
Đả đảo địa chủ.
Đó là tâm lý của người đã họat động chính trị, hay muốn họat động chính trị.
Tâm lý chính trị mang nhiều sắc thái, ôn hòa, quá khích, phản động, tiến bộ, không tưởng, thực tế, bị động, chủ động v.v...
Còn một lọai tâm lý chính trị khác là tâm lý chán chường không cần biết đến chính trị thường hiện ra ở những xã hội quá nhiều tranh chấp chính trị mà không có lực lượng nào khoẻ nhất, tốt nhất, giỏi nhất lãnh đạo, dân chúng nhìn chính trị bằng con mắt thờ ơ, họ hầu như đã tuyệt vọng, hoặc dân chúng bị đặt vào một chế độ chính trị mà họ không muốn chút nào, nhưng vì cuộc sống họ không thể làm sao khác được. Về tâm lý này sách Tấn Từ có kể một chuyện như sau:
Vua Tấn đi săn, đuổi con nai, hốt nhiên con nai chạy mất chợt thấy bên đường có người nông phu, vua Tấn mới dừng ngựa hỏi: Ta đuổi con nai nó chạy qua đây, nhà ngươi có biết nó chạy về hướng nào chăng? Người nông phu lấy chân đá một phía nói: Hướng này. Vua Tấn bực bội vì cử chỉ xấc xược, nhưng dịu giọng hỏi: Ta là vua nước Tấn, ta đi săn, tại sao nhà ngươi chỉ cho ta bằng cử chỉ thiếu cung kính như vậy? Người nông dân đáp: Tôi chẳng biết vua nước Tấn là ai, chính sự của ông thế nào đâu ăn nhập gì với tôi, vậy nay có người tự nhận là vua nước Tấn hỏi thì tôi lấy chân mà chỉ thì cũng được chứ gì.
Tâm lý thờ ơ chán chường với chính trị thường hiện ra ở những khu vực chiếm đóng, hoặc chiến tranh đã kéo dài quá lâu, hoặc khủng hoảng chính trị triền miên.
Nhưng chính trị thì chỉ có một thái độ đối với bất cứ lọai tâm lý nào. Đó là: Nếu anh không lý đến chính trị, chính trị cũng vẫn lý đến anh.
Tâm lý của những người họat động chính trị
Biến chuyển lịch sử do người tạo ra. Muốn có đổi thay, phải làm chuyện đổi thay, muốn có cách mạng phải làm cách mạng. Như vậy chính trị sẽ quyết định bởi những người họat động chính trị.
Những phần tử nào sẵn sàng cho chính trị bén rễ? Và dễ dàng gia nhập vận động? Eric Hoffer kể ra mười lọai:
a) Những người nghèo khổ.
b) Thanh niên nhiệt huyết và trí thức phần tử.
c) Những người tham vọng.
d) Những người bị gạt ra ngòai xã hội (outcasts).
e) Những kẻ không thích ứng được với cuộc sống, với xã hội (misfits).
f) Những kẻ ích kỷ quá độ.
g) Những người bị ám ảnh.
h) Những người bất túc về cơ thể hay tinh thần (impotents).
i) Những người hay phiền muộn.
j) Những tội phạm.
Bần dân
Không phải người nghèo nào cũng mang tâm trạng bị hất hủi. Ở đồng ruộng, thiếu gì bần cố nông làm lấm lưỡi áo rách tả tơi, nhưng tối nằm ổ rơm ngủ kỹ, ăn no vỗ bụng hát nghêu ngao, ai hỏi gì cũng cười và cười rất thành thực, rất yêu đời. Ở thành thị, thiếu gì đám người sống chui sống nhủi, tối về vùi đầu vào đánh bài đánh bạc, hôm nào bữa cơm ngon thì vui như tết, chửi tục vài câu rồi hít vài hơi thuốc là quên hết, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Còn những người nghèo khác, sống an phận muốn yên thân như thế mãi, xáo động làm chi làm khổ thêm. Thấy hỗn loạn họ mở mắt ngạc nhiên, họ không thể ngờ rồi đây lại có thể đảo lộn hết thảy. Như vậy chứng tỏ rằng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng lao vào chính trị. Phần tử sẵn sàng lao vào chính trị là những bần dân bị tỏa bại, có tâm trạng bị hắt hủi. Những kẻ đó là những người mới nghèo. Thông thường chỉ những người nào mới bị đọa đày vào cảnh khốn cực mới sôi nổi với tâm trạng bị hất hủi. Nhớ đến thời oanh liệt là ngọn lửa muốn đốt cháy mạch máu của họ (trích lời Eric Hoffer).
(It is usually those whose poverty is relatively recent, the new poor who throb with the ferment of frustration things is as a fire in their veins).
Loại người mới sa vào cảnh nghèo lúc nào cũng sẵn sàng gia nhập vào phong trào chính trị bất kể màu sắc nào. Cuộc cách mạng Thanh giáo (Puritant revolution) ở Anh vào thế kỷ 17 nổi lên do những nông dân mới bị các địa chủ truất ruộng làm đồng cỏ doanh nghiệp chăn nuôi. Đám nông dân đó xưa kia vẫn sống bằng nghề nông tang nay trở thành lao công hay phải ngửa tay đi xin ăn ở các đô thị, nơi đây đầy rẫy sự cùng khốn. Đám quần chúng này là chủ lực cho cuộc vũ trang khởi nghĩa của Cromwell. Ở Ý, ở Đức bọn người tiểu tư sản bị mạt nghiệp vì khủng hoảng hậu chiến ồ ạt theo tiếng gọi của Phát xít và Quốc xã. Sau khủng hoảng kinh tế 1929, thợ thuyền thất nghiệp, tư nhân phá sản nhiệt liệt hưởng ứng chính sách "new deal" của Roosevelt. Sau trận đói Ất dậu, mỗi thành phần nông dân từ phú nông, trung nông, bần nông đều lao mình theo lời khuyến dụ cách mạng xã hội của Việt Minh.
Người thợ có việc làm, mặc dù cùng khốn nhưng họ không cảm thấy bị hắt hủi vì họ quan niệm cái nghèo của họ là cái nghèo cổ truyền, họ ít phẫn nộ hơn người thợ bị mất việc, so về cùng khốn cùng ở một mức với nhau thôi, nhưng so trạng thái tâm lý khác hẳn. Người thợ bị mất việc luôn luôn cảm thấy bị ức chế, bị sỉ nhục bởi cái trật tự bất công trước mặt. Do đó người thợ mất việc nghe ngay và theo ngay mọi ý kiến chính trị chỉ nhằm thay đổi hiện tại.
Bây giờ nói đến kẻ nghèo mạt. Tâm lý đám dân này là đấu tranh cho cái no trông thấy đã. Họ chỉ cần một bữa ăn khá hơn bữa cơm vẫn phải ăn, một chỗ ngủ ấm hơn chỗ ngủ vẫn phải ngủ và bất cần đến chuyện xa xôi khác của chính trị của xã hội. Đối với họ dạ dầy hôm nay no đầy là một thắng lợi cho ngày hôm nay rồi. Cách mạng hay phong trào đối với họ hệt như hiện tượng cướp cháo cúng sinh. Họ sẵn sàng xô ra, lăn sả vào để giành giật. Chính đám quần chúng nghèo mạt này tụ tập ở Petersbourg và Moscou đông như kiến đã làm khí thế cuộc cách mạng tháng Mười to lên gấp trăm ngàn lần. Tại Ấn độ mỗi khi có phong trào nào cũng có thể trở nên vĩ đại ngay là nhờ đám ăn mày quây quần mong kiếm chác. Loạn kiêu binh ở Bắc hà đời vua Lê Chiêu Thống, bọn nông dân loạn lạc bỏ cầy bỏ cấy lên kinh đô hoặc đón đường ăn cướp tứ tung khiến cho tình trạng loạn càng nặng nề. Chúng không đòi hỏi chính trị chi hết, gặp ai lột áo bóc sống. Đến như bọn chèo thuyền gặp vua Lê Chiêu Thống cũng cướp mất áo bào ngọc tỉ và cả làng tranh nhau ra xin chức quận công.
Trí thức
Phần tử trí thức gọi nôm na là những người đọc sách. Tâm lý của họ là tâm lý rất nhậy ứng với hết thảy thống khổ gây nên bởi sự áp bách của các ác thế lực, đối với sinh họat vật chất cũng như tinh thần. Đọc sách, suy nghĩ và phản ứng đối kháng với mọi ác thế lực đã khiến cho phần tử trí thức mặc nhiên thành một lực lượng chính trị và một giai cấp đặc thù không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Giai cấp trí thức, khi thất nghiệp thì nỗi thống khổ còn thâm sâu hơn hết thảy mọi giai cấp khác. Đương nhiên nhu cầu cách mạng đối với giai cấp trí thức khẩn thiết hơn, tâm lý sinh tồn và tiến bộ nhiệt liệt hơn.
Đợt sóng đầu tiên của cách mạng Sô viết phát nguyên từ giai cấp trí thức tự do (Intelligentzia libérale) với cuốn Kinh bổn cách mạng (Catéchisme révolutionaire) với những người nổi tiếng như Kropotkine, Bakounine, Plekanov, Herzen, Netchaev.
Tổ chức đấu tranh khủng bố chống lại Nga hoàng là tổ chức nhân dân trả thù gồm những sinh viên đại học ở hai trường Moscou và Saint-Petersbourg.
Đợt sóng đầu tiên chống lại chế độ Sô viết bây giờ cũng phát nguyên từ tầng lớp trí thức với những vụ Dudintsev, Pasternak, và Evtouchenko, vụ Milovan Djilas.
Những kẻ không thích ứng được với cuộc sống
Những anh chàng lâm vào ngõ bí mà danh từ Trung Hoa gọi là Bĩ rất dễ bị lôi cuốn vào phong trào đấu tranh chính trị, kẻ bí có nhiều hình thái. Thanh niên đỗ tú tài, đỗ trung học đệ nhất cấp rồi không đủ tiền tiếp tục học hoặc không hào hứng theo đuổi sự học nữa.
Quân đội khi hòa bình trở lại bị giải ngũ không biết làm gì kiếm sống.
Người lỡ thời kiểu vứt bút lông đi viết bút chì, nhà nho trong thời buổi Tây sang.
Chàng võ sỹ đạo với lưỡi kiếm, khi kỹ thuật đã phát minh ra chiếc súng.
Những kẻ đi giầy rách, mang ô rách, đánh bạc mất cơ nghiệp ở hương thôn.
Loại người kể trên mang tâm trạng bị hất hủi rất mạnh, nên dễ biến thành những phần tử quá khích trong mọi phong trào chính trị.
Bọn có tâm lý ích kỷ quá sắc bén
Càng ích kỷ bao nhiêu, càng cảm thấy mình bị bỏ rơi bấy nhiêu, bọn người này khi vấp vào một hoàn cảnh đối với họ kể như tuyệt vọng sẽ biến ra cuồng tín. Họ sẽ lăn xả vào một lý tưởng chính trị nào đó để chiến đấu chống lại tất cả những gì đã khiến cho họ không thỏa mãn. Khi yêu say mê mà bị cự tuyệt người con trai có thể tự tử, đi lính chiến đấu gan dạ nhất, hay vùi đầu vào sách để quyết đỗ đạt. Với lòng cương quyết ấy mà nó trở thành người cách mạng, tất nhiên sẽ là thứ cách mạng cuồng nhiệt. Khi bị sỉ nhục như Tô Tần về nhà vợ dọn cơm nguội cho ăn hoặc như Lưu Bình bị Dương Lễ mắng đuổi, cả hai tức giận đem hết sức mình kiến tạo sự nghiệp.
Kẻ tham vọng
Phong trào chính trị trải ra trước mắt những cơ hội vô cùng tận sẽ thu hút vô số kẻ tham vọng ùa theo. Họ là những người muốn nhiều tiền, nhiều quyền, vinh quang chói lọi. Bởi lẽ đó, xương cốt mới phơi trắng dọc đường trong những cuộc săn vàng ở miền Tây nước Mỹ, những vụ tìm dầu hỏa đã làm khá đông người mất nghiệp. Hạng người có thể hy sinh hết thảy cho tham vọng, đời sống êm ấm hạnh phúc mặc, thực hiện tham vọng cái đã. Ngô Khởi giết vợ con để mong giữ chức tướng súy. Lã Bất Vi gả vợ cho Công tử Dị Nhân để cho đứa con trong bụng nối nghiệp vua.
Lọai phiền muộn
Trong vở kịch Lôi Vũ, tác giả Tào Ngu đã lồng kịch vào khung cảnh của một khí hậu u uất mà trong đó các nhân vật đều cảm thấy phiền muộn. Trong vở kịch Ba chị em, Anton Tchekov cũng đưa ra những nhân vật mang tâm trạng hoàn toàn phiền muộn.
Và tâm trạng phiền muộn nào cũng chỉ có một ước mơ là đổi thay, ước mơ có chàng Trifimov đánh chiếc xe troika đưa đến chân trời mới.
Cuộc sống trống rỗng khiến cho con người phiền muộn. Các bà già trầu thường đến chùa cúng vái, giúp việc làm cỗ chay và cũng đã đấu tranh hăng hái nhất cho phong trào Phật giáo. Những người vô công rồi nghề thường say mê và táo bạo trong các sòng bạc, luôn luôn đi lễ bái, lên đồng bóng. Đó là những hành động để thóat khỏi phiền muộn. Phong trào Quốc xã ở Đức có những người đàn bà rất giàu có bỏ tiền trợ giúp trước cả những ông chồng ý thức chính trị.
Khi phiền muộn xâm chiếm tâm hồn, con người có thể lao vào bất cứ việc gì không kể xấu tốt miễn là giải quyết nỗi phiền muộn. Néron chẳng đã dám đốt thành Rome vì tâm hồn ông quá ư nhậy ứng với phiền muộn đó ư. Cách mạng Tân hợi được giới phụ nữ quý phái ủng hộ nhiệt thành là bởi họ đã chán cảnh bó chân ở trong nhà làm trò chơi cho nam giới. Câu thơ trong Cung oán Ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều:
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra
Thật đã nói lên hết cái phản ứng muốn phá phách của một tâm trạng phiền muộn.
Những kẻ tội phạm
Đọc Tây Hán Chí người ta thấy lý do trước nhất của việc Bái Công khởi nghĩa là đi chăn tù, để tù chạy, sợ tội nên tụ hợp các tù nhân lại chống trả chính quyền.
Trên Lương Sơn Bạc kể từ Tống Giang, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng hầu hết đều là những phạm nhân đang bị truy nã.
Trước hoàn cảnh thực tế họ lâm vào ngõ cụt. Trên tâm lý họ muốn rửa hận đời sống không mấy đẹp đẽ. Hai lẽ ấy đã khiến họ nung nấu một nhiệt tình yêu nước, cách mạng hay tôn giáo.
Nguyễn Nhạc đánh bạc thua hết tiền thuế nên bàn với hai em là Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ dùng mưu cướp thành lấy đất khởi nghiệp dựng nên thời Tây Sơn oai hùng.
Quan Vân Trường lúc cùng với Lưu Bị kết nghĩa tại vườn đào đã tự thú mình là một tội nhân tại đào.
Ai là người đã đỡ Chúa Jésus đầu tiên khi Chúa mang cây thánh giá quá nặng gục ngã bên đường, đó là người con gái nhầy nhụa tội lỗi Marie Madeleine.
Theo Eric Hoffer, những phong trào mới, phong trào nào cũng như giang tay đón đỡ kẻ phạm tội, không những phong trào mới đó xoa dịu vết thương cho kẻ phạm tội mà còn là một cơ hội tốt cho tài năng của kẻ phạm tội nẩy nở nữa. Bởi thế người giỏi gây phong trào là người biết diễn tả trật tự cũ như một bức tranh đầy tật bệnh và tội lỗi, còn phong trào của ông ta là phương thuốc thần hiệu cao quý.
Để chiêu mộ đạo quân Thập tự lần thứ hai, Saint Bernard đã hiệu triệu bằng những lời này:
"Dù thế nào mặc lòng, đây cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng để thờ kính Chúa dù đối với những kẻ ngọai tình, trộm cướp, giết người hay đã phạm bất cứ tội ác nào khác. Tất cả hãy tới đây theo lời Chúa gọi".
Chính trị Việt đã hoàn thành mỹ mãn công cuộc Nam tiến nhờ chính sách mở lối thóat cho đám người tội phạm, ra lệnh ai bằng lòng di dân khai phá thì được giảm tội hay ân xá.
Vận động quần chúng
Khi nào bất bình thì con người kêu lên. Bất bình vì những dục cầu bị ngăn trở tỏa triết (chiết?).
Khi nào xã hội mà dân chúng phát sinh không khí ngột ngạt, những dục cầu căn bản:
a) Đổi mới.
b) Danh vọng.
c) Tương lai.
d) Cơm ăn áo mặc.
e) Luyến ái.
f) An vui hạnh phúc.
Bị ức chế mà vọng trông chỉ thấy mơ hồ một giải đường mờ tối buồn bực vô duyên cớ. Đời sống như mất hứng thú, bực dọc nghi ngờ như căn bệnh truyền nhiễm lan rộng mãi ra. Đó là triệu chứng của phong trào quần chúng.
Không khí ngột ngạt ắt đã được ghi lại trong các tiểu thuyết và thi ca nước Nga trong suốt thời kỳ hậu bán thế kỷ 19.
Những cơn say điên cuồng của thanh niên, quân đội mà Tolstoi diễn tả trong Chiến tranh và hòa bình.
Sự sa đọa của ông già Karamazov, lòng hòai nghi, nổi loạn của những Karamazov con. Nỗi phẫn uất của bác thợ giầy. Quyết định giết người của sinh viên Raskolnikov. Chán sống như Kirilov mà nhà văn lớn Dostoevsky đã viết ra trong các cuốn Les frères Karamazov, Les Démons, Les Pauvres gens, Crime et Châtiment.
Những giọt nước mắt âm thầm của nhà văn Tchekov gửi vào các nhân vật truyện ngắn. Không khí ngột ngạt tạo ra tâm lý quần chúng. Tâm lý quần chúng trải ra thành một thứ dầu hỏa để đợi mồi lửa là những sự kiện chính trị xảy ra những bàn tay xách động, là nó bừng cháy, đám cháy đó là quần chúng vận động. Phong trào quần chúng nếu không dẹp xuống hoặc không bị chế ngự sẽ chuyển thành quần chúng bạo động.
Có năm nguyên nhân chính khiến cho quần chúng bạo động:
Thứ nhất: Chính quyền suy yếu không biết quyết liệt đối phó. Khi tình trạng suy yếu bộc lộ rõ rệt là dân chúng không e dè nữa sấn đến tấn công như vụ cướp ngục Bastille, vụ phá thuyền trà ở Boston của chính phủ Anh. Nga hoàng Nicholas đệ II từ tháng Ba trước phong trào dân chúng ông loay hoay chẳng biết giải quyết ra sao nữa. Đáng lẽ phải gọi đoàn quân trung thành với ông về thì ông lại hoàn toàn giao vận mệnh hoàng cung cho đoàn quân đã đi theo cách mạng.
Thứ hai: Chính quyền không chịu tìm hiểu tình tự vận động quần chúng, gán cho danh từ làm loạn rồi chỉ biết cứng rắn đàn áp khiến cho cả hai bên lâm vào thế cưỡi hổ nên phải liều sống chết. Càng đàn áp, phong trào càng lên dữ dội, như vụ Thanh giáo cách mạng bên Anh, và chính phủ Anh đàn áp cách mạng Mỹ. Chính phủ Anh lâm vào tình trạng bên ngòai có vẻ mạnh, nhưng bên trong đã kiệt sức.
(Hai điều nói trên có mâu thuẫn chăng? Điều thứ nhất vì không quyết liệt nên vận động quần chúng sấn lên tấn công. Điều thứ hai nói vì chỉ biết đàn áp nên thất bại. Không mâu thuẫn vì ở đây nói về thực lực chính quyền chứ không nói về phương sách giải quyết. Nếu có thực lực thì đàn áp, đàn áp với thực lực thì vận động quần chúng đành chỉ nuốt hận thôi. Nếu không có thực lực thì giải quyết bằng thủ đoạn khác ngòai thủ đoạn đàn áp).
Thứ ba: Quần chúng bạo động vì đã quá cùng khổ, đói rét thúc bách sau lưng. Vào cướp ngục Bastille đa số là dân đói dân rét. Bằng chứng là trước ngày cướp phá Bastille bọn này đã cướp phá tu viện Lazarite để chiếm năm chục xe lúa mì. Ở Nga cũng vậy, tháng ba 1917 cả trăm ngàn người đòi bánh ăn trước hoàng thành và trước các cơ sở chính quyền, náo loạn cả thành phố Petersbourg. Cách mạng Thanh giáo tại Anh do dân nghèo khổ oán hận bọn giáo sỹ vơ vét làm giàu nên đứng dậy đòi cải cách tôn giáo.
Thứ bốn: Dân chúng bạo động bởi những lời, những khẩu hiệu khích lệ và hợp lý. Bài Marseillaise, khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái rất có công với cuộc cách mạng Pháp.
(Lời người đánh máy: không có thứ năm).
Đặc tính của vận động quần chúng
Khi dân chúng đã chín mùi để có thể biến thành một phong trào thì quần chúng đó sẽ ào theo bất cứ phong trào nào lãnh đạo một cách có hiệu lực. Tại Đức đám thanh niên cuồng tín gia nhập hoặc phong trào Quốc xã hoặc phong trào Cộng sản. Năm 1945, Nhật đầu hàng, nếu vận động quốc gia đủ khả năng và có quyết tâm lãnh đạo thì cách mạng tháng Tám không phải là của Cộng sản Việt Minh.
Còn một hiện tượng khác cần chú ý lúc tình trạng đang cơn sôi động và đấu tranh giữa nhiều khuynh hướng chưa ngã ngũ thì một người dù đã theo Cộng sản rồi vẫn có thể cuồng tín trở lại với Quốc xã. Cuộc nổi dậy của Phật giáo cũng vậy, có rất nhiều người Công giáo ủng hộ phong trào Phật giáo rất say sưa. Đại úy Rohm thường nói ông ta có thể trong vài tuần lễ chuyển hóa một đảng viên Cộng sản cuồng tín nhất thành ra một chiến sỹ Quốc xã nhiệt thành nhất. Ngược lại Karl Radek cũng hy vọng ở các đảng viên sơ mi nâu của Quốc xã như những đảng viên Cộng sản tốt tương lai.
Như vậy ta khả dĩ nhận ra những quy luật về phong trào quần chúng như sau:
1-- Vận động quần chúng thường cạnh tranh bởi những khuynh hướng chính trị khác nhau, trong cạnh tranh đó bên này được người thì bên kia mất người.
2-- Những người tham gia vận động này có thể đổi màu sắc để tham gia vận động khác mà vẫn không kém phần cuồng tín.
3-- Vận động quần chúng có thể thay hình đổi dạng từ vận động tôn giáo thành vận động cách mạng xã hội hay vận động yêu nước, hay từ vận động cách mạng xã hội thành vận động quốc gia quá khích, hay từ vận động quốc gia quá khích thành vận động tôn giáo. Bởi lẽ phong trào quần chúng thường pha lẫn nhiều tính chất khác biệt rất ít khi thuần một tính chất duy nhất. Trường chinh xuất quốc của người Hébreus Ai cập là một cuộc nổi loạn của nô lệ, đồng thời là một vận động tôn giáo và phong trào quốc gia. Những chiến sỹ Nhật bản hồi Đệ nhị Thế chiến đa số có cuồng tín tôn giáo thần đạo. Cách mạng Pháp là một vận động tôn giáo mới, tôn giáo tự do bình đẳng, những buổi mít tinh dân chủ là giáo đường, những người chết trong ngục Bastille là các thánh tử đạo. Đồng thời cách mạng Pháp cũng là phong trào quốc gia, khắp nơi người ta treo biểu ngữ: Người Công giáo Pháp sống và chết cho tổ quốc. Vận động canh cải tôn giáo ở Đức thời Luther liền một lúc cũng là một vận động nông dân và sự trỗi dậy của ý thức quốc gia. Cách mạng vô sản Nga, cách mạng Quốc xã Đức đầy rẫy nhiệt tình tôn giáo, cờ búa liềm, dấu chữ vạn được thay thế cho cây thập tự.
Vận động quần chúng tại các nước Á châu là phong trào yêu nước, nhưng đồng thời cũng là những vận động cách mạng xã hội.
Tâm lý mong thay đổi
Sở dĩ người ta gia nhập vận động cách mạng là vì người ta muốn thay đổi những điều kiện sinh họat hiện thời. Không muốn trật tự cũ bởi trật tự cũ đặt địa vị của họ quá lép vế. Không muốn số phận bị áp bức của một dân nước lạc hậu. Không chấp nhận giá trị tinh thần cũ vì nó đang bóp chết tự do của con người. Vận động cách mạng là công cụ tốt cho ước vọng đổi thay.
Đạo Ki tô là cơn gió văn minh thổi vào những bộ lạc man rợ ở Âu châu. Hồi giáo là tổ chức thời đại hóa đời sống lạc hậu của các bộ lạc du mục để thống nhất các bộ lạc này thành quốc gia.
Về tâm lý ước vọng đổi thay có điểm đáng chú ý là mặc dầu mỗi người đều có những mục tiêu rất thực hành nhưng nó chỉ trở thành phong trào rộng lớn khi nào những mục tiêu thực hành đó đuợc tôn giáo hóa nghĩa là làm cho chúng huyền bí thiêng liêng siêu việt. Vua Pierre la Grand của nước Nga mang văn minh Tây phương về Nga để thay đổi Nga vào văn minh kỹ nghệ, ông thất bại. Trái lại Lénine thành công. Lý do Lénine đã khuấy động được nhiệt tình dân chúng Nga bằng thứ tôn giáo mới: Cộng sản chủ nghĩa.
Tính chất thiêng liêng của lòng yêu nước đã đem Mustapha Kemal lực lượng vĩ đại hoàn thành cách mạng quốc gia và đẩy mạnh công cuộc tối tân hóa nước Thổ nhĩ kỳ thủ cựu.
Theo Eric Hoffer chính vì Anh Mỹ không nắm được bí quyết "tôn giáo hóa" những mục tiêu thực tế, nên thường bị chội tay khỏi nhiều phong trào tại các nước Á châu. Chủ nghĩa dân chủ, triết lý thực hành (pragmatisme) không có khả năng đốt cháy lên lòng cuồng tín của hàng bao nhiêu triệu người trên những xứ sở phương Đông.
Tại sao phải tôn giáo hóa, phải làm cuộc đổi thay mang một ý nghĩa thiêng liêng thì mới gây được phong trào quần chúng?
Ngàn xưa cổ học chính trị Đông phương đã đề cập đến:
Thánh nhân dịch quỷ thần, ngu giả tín chi, dĩ giáo dân.
(Thánh nhân sai quỷ thần, người ngu tin theo, dựa vào lòng tin ấy mà khiến dân).
Thánh nhân dĩ thần đạo thiết hóa, nhi thiên hạ phục hĩ.
(Thánh nhân dùng thần để dạy dỗ, thiên hạ phải sợ phục).
Nhân tâm con người vẫn mong đổi thay, nhưng đồng thời cũng lo sợ đổi thay vì không biết rằng nếu đổi thay số phận mình còn được như cũ không? Ai ai cũng hãi hùng cái bất trắc. Cho nên con người chỉ lao vào họat động cho một cuộc xoay chuyển khi nào họ cảm thấy bị thúc giục bởi một sức mạnh thiêng liêng mà họ tin rằng không có gì chống cự nổi. Thế hệ đã làm nên cuộc cách mạng Pháp là thế hệ của tư tưởng khoa học chớm nở, trái đất là hành tinh quay chung quanh mặt trời không phải do bàn tay Thượng đế quay. Thế hệ say sưa với sức vạn năng của lý luận và tin tưởng vô cùng vào bộ óc thông minh của con người. Chủ nghĩa nhân bản đã lấn át hẳn thần quyền và sự hiểu biết của tăng lữ.
Thanh niên Nga, thợ thuyền Nga ồ ạt đứng dậy chống lại chế độ Nga hoàng vì họ cho rằng chủ nghĩa Mác xít phải thắng, chủ nghĩa Mác xít có sức mạnh bao la.
Thanh niên Đức nhìn thấy ở Hitler sức mạnh Thượng đế và những cuộc hội họp đẹp như vườn thiên đàng.
Sức mạnh huyền bí thiêng liêng gây cho quần chúng lòng tin mãnh liệt. Tuy nhiên thế cũng chưa đủ, kèm bên cạnh tín ngưỡng phải có trước mặt một tương lai huy hoàng đang chờ đón. Nếu tâm lý quần chúng còn sợ hãi tương lai thì vận động khó mà vùng lên khoẻ khoắn. Phong trào Phật giáo xệp xuống một cách thảm hại là vì phong trào này chỉ đem lại cho quần chúng đức tin Phật, Đạo, Pháp, nhưng khi nhìn vào tương lai thì cuộc đời đấu tranh cụt ngủn và vô vị. Quân đội Mỹ lên, tiền Đô la tung vào trải ra trước mặt mọi người, tương lai làm giàu mau chóng, Phật Đạo Pháp bị bỏ rơi liền, số đông sộ vào những phong trào kiếm tiền. Thậm chí những công chức vốn là những con người ưa sống bám chặt vào nếp cũ, coi đổi thay như hỗn loạn, cũng không ngần ngại gì xin thôi việc để đi làm sở Mỹ. Trước tương lai đầy hứa hẹn thì cả những anh nghèo mạt rệp, cũng như những người có đôi chút tư sản đều mang một tâm lý ưa đi tìm vàng (ruée vers l'or) giống hệt nhau. Ở Anh vào thế kỷ 17-18, lúc công nghiệp Anh bắt đầu phát triển rộng rãi anh bần cố nông bỏ ruộng lên đô thị mong đổi đời, tay địa chủ không cầy cấy nữa để biến đất đai thành những đồng cỏ tiện lợi cho ngành chăn nuôi, cả giàu lẫn nghèo cùng làm cách mạng.
Sức mạnh của căm thù
Người chính trị muốn khai thác sức mạnh quần chúng để hướng vào mục tiêu chính trị nào đó thì trước hết phải biết khai thác sức mạnh của căm thù.
Chúa Christ giảng về tình thương, thương thân, thương ai cùng đồng lọai, thương ai cùng hoàn cảnh. Giáo dân càng nghe về tình thương bao nhiêu càng căm thù bọn quân dữ, bọn thống trị, bọn chủ nô bóc lột bấy nhiêu. Căm thù đó lên đến cực độ, khi các con chiên khóc thương Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. Cho đến tận bây giờ căm thù ấy vẫn còn khi người Công giáo cuồng tín nhìn những kẻ ngọai đạo và tưởng chừng như những kẻ ấy là hậu thân của lũ người đã gây nên tội ác kia.
Với lòng hận thù, con người có thể quên quyền lợi thiết thực bản thân, con người nhắm mắt làm bất cứ việc gì để trả hận.
Có một lần người ta hỏi Hitler: Tại sao phải tiêu diệt Do thái?
Hitler trả lời: Chúng tôi bắt buộc phải tạo ra một kẻ thù bằng xương bằng thịt để gây lòng thù hận.
Rất đúng, nếu không có vận động thù hận Do thái dĩ nhiên sức mạnh Quốc xã phải giảm đi nửa phần. Trường hợp khác, một ký giả hỏi phái đoàn Nhật bản sang nghiên cứu phong trào Quốc xã về sự đã ghi nhận được gì ở phong trào này? Vị Trưởng phái đoàn đáp: Thật ghê gớm, chúng tôi cũng muốn có một phong trào tương tự tại nước chúng tôi. Nhưng tiếc thay nước chúng tôi lại không có người Do thái.
Nếu không có tâm lý căm hận gia đình họ Ngô, phong trào Phật giáo chắc không thể lên chóng vánh thế. Tưởng Giới Thạch chỉ bị dân chúng Trung quốc chán ghét sau khi Nhật đã thua rồi, trước kia họ yêu Tưởng, họ theo Tưởng chỉ vì lòng căm hận giặc lùn. Mối thù chung có khả năng vô biên, nó đủ sức làm kết hợp những phần tử khác biệt hẳn nhau về đời sống, về tính tình, về trình độ sinh họat, về quyền lợi, do mối thù chung mà những phần tử trên cảm thấy sự gần gũi anh em.
Lúc yêu chúng ta không cần phải tìm đồng minh, trái lại chúng ta còn ghét bỏ ganh tị với những người cùng sung sướng trong sự được ân sủng như ta. Nhưng lúc thù hận chúng ta thường kết bạn với người nào cùng chung mối thù hận như ta.
Hận thù càng lên cao khi con người cảm thấy bất lực, cảm thấy bị cô đơn, chới với và nhát sợ. Khi ta nghĩ rằng ta hơn kẻ kia, nếu kẻ ấy có báng nhạo ta, lừa đảo ta, ta có thể kinh bỉ nó nhưng không căm thù. Khổng Minh không căm giận Chu Du bao giờ, ngược lại Chu Du luôn luôn muốn rửa hận với Khổng Minh, lòng căm thù sâu đến nỗi Chu Du thổ huyết ra chết.
Hận thù còn có nhiều biến thái khác. Phương ngôn Việt có câu: Giận cá chém thớt. Đau khổ và hận thù không nối liền với nhau bằng hàng dây trực tiếp. Dân Nga bị mật vụ của Staline hành hạ, lại nổi giận căm thù kẻ reo rắc chiến tranh, căm thù tư bản. Dân Đức bị nhục nhã vì hòa ước Versaiiles lại chuyển căm thù vào dân Do thái.
Bị lòng thù hận xâm chiếm tâm hồn con người chỉ muốn xáo trộn vì xáo trộn đem họ đến cảm giác bình đẳng. Từ hận thù mới nẩy sinh lòng nhiệt thành, tha thiết và hy vọng. Tranh của Van Gogh đẹp tăng theo ý thức hận thù.
Tóm lại bản chất mỗi người là căm thù lẫn nhau (all men by nature hate each other - Pascal) tình thương và lòng từ bi hỷ sả chỉ là những ấn tượng giả dối của cái rễ căm thù.
Hành vi hy sinh trong vận động quần chúng
Ôm bom ba càng lăn xả vào chiến xa, đem thân lấp lỗ châu mai, lấy thân thể để chèn cho sơn pháo khỏi lăn xuống vực. Đó là hành vi hy sinh cuồng tín.
Kinh Kha sang hành thích Tần Thủy Hoàng. Đó là hành vi hy sinh có suy nghĩ.
Hành vi hy sinh cuồng tín chỉ có khi nào cá nhân đã hòa lẫn vào tập thể, cá nhân không còn mang hiệu danh gì nữa. Cá nhân hết là Hùng, là Dũng, là Dự Nhượng, là Chuyên Chư v.v... Khi một người đã chín mùi cho một hành vi hy sinh cuồng tín, nếu có ai hỏi anh là ai, người ấy sẽ trả lời: tôi là Cộng sản, tôi là thanh niên Quốc xã, tôi là dân Hồi giáo, tôi là Phật tử v.v... Nó đã tự xóa bỏ lý lịch riêng tư, từ nay sự vui buồn của nó, lòng kiêu hãnh và tin tưởng của nó hoàn toàn tùy thuộc sự thắng lợi hay thất bại của tập thể. Nếu bị xa lìa tập thể thì cũng chẳng khác gì xa lìa cuộc sống.
Thế chiến thứ Hai, theo con số thống kê thì tại các trại tập trung của Đức, hầu hết những người đứng lên tranh đấu đều là những hội viên, đoàn viên hay đảng viên của một tập thể. Khi bị đem ra hành hình, họ hát bài quốc tế ca, họ trầm tĩnh đọc kinh, họ hô lớn tên tuổi anh hùng của tổ chức.
Hitler giết sáu triệu người Do thái, nhưng tới Palestine công cuộc bài trừ bị dừng lại vì người Do thái kháng cự rất hung dữ. Tại sao? Tại ở Palestine người Do thái sống tập thể khác với những người Do thái Âu châu thuần phản ứng cá nhân. Ở Âu châu họ là những người đơn chiếc. Ở Palestine họ là con dân của một dân tộc thông minh nhất thế giới.
Dân tộc Nga run sợ trước mật vụ của Staline, nhưng cũng dân tộc này đã hăng hái vô cùng khi đánh nhau với quân đội Đức. Tại sao? Tại trước mật vụ của Staline họ là những cá nhân bé nhỏ, nhưng trước xâm lăng Đức họ là cả một dân tộc vĩ đại.
Nhân tâm
Nhân chi sơ tính bản ác.
Trong cạnh tranh sinh tồn, tâm lý con người là tham sống, tham công danh, tham phú quý, tham lợi lộc.
Họ tranh đấu vì quyền lợi cá nhân.
Họ hy sinh vì sợ tập thể bỏ rơi.
Họ tin tưởng vì muốn trốn chạy sự cùng khổ của hiện tại.
Họ làm cách mạng vì muốn trả thù.
Tất cả tâm lý trên khi bị cuốn vào vận động quần chúng trở nên một thứ đam mê cuồng vọng đến nỗi có thể tin bất cứ một điều gì. Con người trong vận động chẳng khác chi con thiêu thân trước ánh đèn, anh chàng máu mê trước đám bạc.
Bởi vậy lương tâm luôn luôn chịu sự hiếp đáp của những thủ đoạn chính trị.
Có những lý do kể dưới đây:
1) Nếp sống cũ, phong tục tập quán thường thao túng con người, nếu họ có thể nhắm mắt tòng cổ thì họ cũng có thể nhắm mắt theo sự quá khích mới mẻ, miễn cái mới có sức hấp dẫn mạnh. Quần chúng đã sẵn có nộ tính, nhất đán nổi dậy cũng vẫn là nộ tính ấy nhưng theo sự dẫn dắt khác nhau mà thành những hình thù khác nhau.
2) Tâm lý quần chúng xung động biến thành vận động quần chúng. Vận động nếu cứ để nguyên không một bàn tay chính trị nào lãnh đạo, nó sẽ hệt như một người hành động vô mục đích, vô định pháp, gặp gì làm nấy. Nếu chỉ cái trường mà trước đây đã dạy dỗ nó nên người và bảo: Đấy là hình thức xâm lược văn hóa, thế là quần chúng không nghĩ ất giáp gì nổi lửa đốt luôn. Bảo bó chân là đẹp, tất cả đàn bà đều bó chân mặc đau đớn khổ sở.
3) Quần chúng tình cảm dễ bị kích động, thiếu bình hòa, giàu tính cấp bách, làm bất cứ điều gì miễn là thỏa mãn lòng say sưa, tâm trạng phản kháng và một hy vọng háo hức. Năm 1789 quốc dân nghị hội quyết nghị bản tuyên ngôn nhân quyền đưa lên vua, nhưng vua còn trù trừ chưa phê chuẩn. Dân chúng không được tin tức nên bàn tán ồn ào. Lúc ấy đại điện Versailles lại mở yến tiệc tưng bừng, vui đùa như không coi bản tuyên ngôn vào đâu. Dân chúng hoàn toàn thất vọng, thêm vào đấy là nạn đói. Danton dựa đúng lúc lòng căm phẫn chín, lên diễn đàn quy tội cho quốc vương, ông nói sở dĩ chúng ta thiếu bánh ăn là tại vua cứ ở trong cung, nay hãy đem vua ra chợ thì chúng ta sẽ chắc hết đói. Các anh em hãy đến lôi người chịu trách nhiệm về việc bánh ăn cùng vợ con hắn ra chợ. Danton đang thao thao bất tuyệt, một thiếu nữ vừa đánh thanh la vừa hô to hãy trả cho chúng tôi bánh ăn, rồi một số thiếu nữ khác ùa theo, người nào người nấy mang gậy gộc, dao nhọn, giáo mác. Ngày nhà vua quyết liệt giải tán quốc dân nghị hội, nên mang quân vào Ba lê đề phòng dân chúng bạo động. Dân chúng trông thấy quân đội vào thành nên hãi sợ, chưa biết làm thế nào. Thấy tình cảnh suy sụp đến nơi một luật sư theo phe cách mạng liền đứng giữa đám đông hô hào. Chạy bây giờ không được nữa, binh đội của bạo chúa sắp tàn sát chúng ta đến nơi, chỉ còn một cách cứu vãn tình thế là hãy vũ trang nhất tề kiên quyết chiến đấu, để bảo vệ thân và bảo vệ những người tranh đấu cho tự do, là quốc dân nghị hội. Dân chúng nghe theo ồ ạt kéo đến phá ngục Bastille.