Trong cuộc đảo chánh phát xít tháng 10-1922, một dịp may ngẫu nhiên đã khiến tôi quen biết Israël Zangwill, văn sĩ Anh, người đã không bao giờ muốn quên những ý tưởng tự do và những định kiến dân chủ của mình trong tác phẩm cũng như trong đời sống. Khi đến Florence, vừa ra khỏi ga, ông bị một vài người mặc sơ mi đen chặn bắt, những người mà ông không chịu xuất trình giấy tờ căn cước. Israël Zangwill, kẻ thù của bạo động và bất bình đẳng, là hội viên của "Hiệp hội kiểm soát dân chủ" ở Anh quốc. Thế mà những người võ trang chiếm đóng nhà ga không phải là những cảnh vệ, cũng không phải là lính, chẳng phải những nhân viên cảnh sát; đó là những sơ mi đen, nghĩa là theo ông không phải là những người có quyền chiếm đóng nhà ga và hỏi căn cước ông. Được dẫn tới Fascio, công trường Mentana, gần Arno, trong toà nhà trước kia là trụ sở của F.I.O.M (Liên đoàn công nhân luyện kim Ý đại lợi), tổ chức nghiệp đoàn xã hội mà đảng phát xít đã dùng bạo lực giải tán, văn sĩ Anh Zangwill được đưa đến trình diện viên tổng trấn Tamburini, bấy giờ là tổng chỉ huy sơ mi đen ở Florence. Tamburini gọi tôi tới làm thông ngôn và tôi không khỏi sửng sốt đứng trước Israël Zangwill, người đóng vai trò tuyệt hảo của một hội viên hoạt động đắc lực của Liên hiệp Kiểm soát Dân chủ, nạn nhân của một cuộc cách mạng không theo lối Anh, không tự do và cũng chẳng dân chủ. Ông tỏ ra giận dữ. Bằng tiếng Anh đúng nhất, ông bày tỏ những ý kiến bất xứng nhất về những cuộc cách mạng nói chung, phong trào phát xít nói riêng. Mặt ông đỏ gay vì giận, mắt ông quắc lên dữ dội nhìn viên tổng chỉ huy Tamburini vốn không biết tiếng Anh và chẳng hiểu gì về ngôn ngữ tự do dân chủ ngay cả khi người lạ này nói bằng tiếng Ý. Tôi cố gắng hết mình dịch một ngôn ngữ cứng rắn như vậy đối với người phát xít, bằng những thành ngữ lịch sự. Tôi tin là đã làm lợi cho Israël Zangwill bởi vì trong những ngày đó, Tamburini không phải là một nhân vật của Théocrite, cũng không phải là một hội viên của Hội Fabian và chẳng biết gì về một Israël Zangwill, và hầu như không tin rằng đó là một văn sĩ nổi tiếng. Ông nói: “Tôi không biết tiếng Anh và tôi không tin rằng anh dịch đúng những điều y nói. Tiếng Anh là một tiếng phản cách mạng. Người ta từng nói rằng ngay cú pháp của nó cũng tự do. Dù sao đi nữa, anh hãy mang ông này đi với anh và gắng làm ông ta quên việc khó chịu này”. Tôi ra cùng Zangwill, theo ông về khách sạn, ngồi chuyện trò cùng ông, bàn luận về Mussolini, về hoàn cảnh chính trị và về cuộc tranh đấu cướp chính quyền vừa được mở ra. Đó là ngày đầu tiên của cuộc nổi dậy. Dòng biến cố hình như tuân theo một luận lý không phải của chính phủ. Israël Zangwill không muốn tin rằng người ta đang ở cao trào của cách mạng. Ông nói: “Năm 1789 ở Paris, cuộc cách mạng không phải chỉ có trong đầu óc, mà còn cả trong đường phố”. Nói đúng ra, quang cảnh ở Florence không giống ở Paris năm 1789. Trên đường phố người ta có vẻ bình lặng, lãnh đạm và vẫn giữ nụ cười kiểu Florence cổ xưa, mỉa mai và thanh lịch. Tôi lưu ý ông rằng ở Pétrograd năm 1917, ngày mà Trotzky ban hành lệnh nổi dậy, không ai có thể nhận ra sự việc gì đang xảy ra, kịch trường, rạp xi nê, quán ăn, tiệm cà phê vẫn mở, rằng kỹ thuật đảo chánh ngày nay rất tiến bộ. Zangwill kêu lên: “Cuộc cách mạng của Mussolini à, đó không phải là một cuộc cách mạng, mà là một trò hề”. Như nhiều người có tinh thần tự do và dân chủ Ý đại lợi, ông tin rằng có sự dàn xếp giữa nhà vua và Mussolini: cuộc nổi dậy chỉ là một trò kịch để che dấu hành động của nhà vua. Dù rằng sai lầm, nhưng ý kiến của Zangwill rất đáng được tôn trọng, như tất cả những ý kiến của người Anh. Tuy nhiên ý kiến này dựa trên niềm tin rằng những biến cố trong những ngày này là kết quả của một trò chơi chính trị mà những yếu tố chính không phải là bạo lực và tinh thần cách mạng, mà là thủ thuật và tính toán: trước mắt Israël Zangwill, Mussolini là đồ đệ của Machiavel hơn là của Catilina. Nói cho cùng, ý kiến của nhà văn Anh này lúc bấy giờ và cho tới tận giờ, rất phổ biến ở Âu châu. Từ đầu thế kỷ vừa qua ở Âu châu, người ta luôn luôn có thói quen coi nhân vật và biến cố ở Ý đại lợi như những sản phẩm của một nền thẩm mĩ học cổ xưa. Cái cách thế nhận định này về lịch sử của Ý đại lợi hiện đại phần lớn phải được qui trách cho khuynh hướng tự nhiên của người Ý đối với khoa tu-từ–học, với khoa hùng biện và văn chương, những thói xấu mà tất cả mọi người Ý không có nhưng nhiều người Ý không bao giờ chữa khỏi được. Dù rằng người ta phán đoán một dân tộc theo những thói xấu hơn là theo những phẩm hạnh của dân tộc đó, tôi tin rằng không gì có thể biện chính ý kiến của người ngoại quốc về nước Ý mới, ngay cả khi khoa học tu-từ-học, khoa hùng biện và văn chương làm người ta hiểu sai những biến cố đến độ mà lịch sử có cái vẻ của một vở kịch, những anh hùng có vẻ kịch sĩ, dân tộc có vẻ của một đám đông hỗn tạp làm khán giả bàng quan. Muốn hiểu rõ nước Ý ngày nay, phải nhận định khách quan về nó, nghĩa là phải quên rằng đã có những người La-mã và những người Ý của thời phục hưng. Tôi nói với Israël Zangwill: “Ông có thể nhận thấy rằng chẳng có gì là cổ nơi con người Mussolini, ông ta luôn luôn là một người của thời đại mới”. Thuật chính trị của ông ta không phải là của César Borgia, sự quỷ quyệt và mưu kế của ông không khác lắm với Gladstone hay với Lloyd George và quan niệm đảo chánh của ông ta chẳng có gì giống với quan niệm của Sylla hay của Jules César. Vào lúc này, ông nghe nói nhiều tới César và Rubicon; nhưng đó là do khoa tu-từ-học thành tín không hề ngăn cản Mussolini quan niệm và áp dụng một chiến thuật nổi dậy tân kỳ mà để chống chọi lại, chính phủ không biết dùng cách gì khác hơn là những biện pháp cảnh sát. Israël Zangwill mỉa mai lưu ý tôi rằng bá tước Oxenstiern trong tập “Ký ức” nổi tiếng của ông, nhân bàn về từ nguyên của tiếng “César” đã tìm thấy nguồn gốc của tiếng này là ở tiếng Carthage “cesar” có nghĩa “con voi”. Zangwill tiếp: “Tôi hy vọng rằng trong kỹ thuật cách mạng của mình, Mussolini khéo léo hơn một con voi và tân kỳ hơn César”. Ông rất tò mò muốn nhìn gần hơn cái mà tôi từng gọi là bộ máy nổi dậy phát xít, bởi vì ông không hiểu được làm thế nào người ta có thể làm cách mạng mà không có những chướng ngại vật, không có những cuộc đánh nhau trên đường phố, không có xác chết trên vỉa hè. Zangwill kêu lên: “Mọi sự diễn ra trong một trật tự hoàn hảo, đó là một vở kịch, chỉ có thể là một vở kịch mà thôi!” Trên những đường phố trung tâm người ta thỉnh thoảng thấy những chiếc xe cam-nhông đầy sơ mi đen phóng hết tốc lực, những thanh niên này, đội nón sắt, được võ trang bằng súng trường, dao găm, lựu đạn và ca hát bằng một giọng kiêu hãnh, phất những lá cờ đen có thêu những chiếc đầu lâu bạc. Zangwill không muốn tin rằng những thanh niên này, hầu hết là thiếu niên, đã tạo thành những toán xung kích nổi tiếng của Mussolini, rất nhanh nhẹn và rất vũ bão trong những phương pháp chiến đấu của họ. Ông nói: “Điều mà người ta không thể tha thứ cho đảng phát xít được là đã sử dụng bạo lực". Quân đội cách mạng của Mussolini không phải là Đạo quân Cứu rỗi; những sơ mi đen không phải được võ trang dao găm lựu đạn để phục vụ sứ mạng yêu loài người, nhưng để dùng cho cuộc nội chiến. Những ai muốn phủ nhận bạo lực phát xít và muốn coi những sơ mi đen là đồ đệ của Rousseau và Tolstoi, cũng giống y như những người bằng từ chương hùng biện, coi Mussolini như một người La mã cổ, một người đánh giặc thuê thế kỷ thứ XV, hay một lãnh chúa thời Phục hưng có những bàn tay trắng mềm của kẻ đầu độc và của môn đồ Platon. Với những đồ đệ của Rousseau và Tolstoi, người ta không thể làm nổi một cuộc cách mạng mà bất quá là một cái gì gần giống như một vở kịch thôi: người ta cũng không thể chiếm được một Quốc gia được bảo vệ bởi một chính phủ tự do nữa. Zangwill nói: “Ông không phải là nhà đạo đức giả, nhưng ông có thể chứng tỏ cho tôi thấy nhờ đâu mà người ta có thể nhận ra rằng cuộc cách mạng này không phải là một trò kịch”. Tôi đề nghị ông đi cùng tôi vào buổi chiều đó để xem kỹ hơn cái mà tôi gọi là bộ máy nổi dậy phát xít. Những sơ mi đen đã chiếm bất ngờ tất cả những điểm chiến lược của thành phố và của tỉnh, nghĩa là những cơ quan sinh tử của tổ chức kỹ thuật, những nhà máy hơi đốt, những trung tâm điện lực, bưu điện, những trung tâm điện thoại và điện tín, những chiếc cầu, những ga xe lửa. Những nhà cầm quyền chính trị và quân sự đã bị bất ngờ sửng sốt bởi cuộc tấn công bất thần này. Sau vài lần kháng cự vô vọng để đuổi những phát xít khỏi ga xe lửa, nhà bưu điện và những trung tâm điện thoại, điện tín, cảnh sát rút lui về lâu đài Ricardi, nơi trú ngụ cổ xưa của Laurent de Magnifique, trụ sở của quận. Lâu đài Ricardi được bảo vệ bởi những phân đội cảnh vệ và ngự lâm quân cùng hai thiết giáp xa. Quận trưởng Pericoli không thể liên lạc với chính phủ La mã, với những nhà cầm quyền ở thành phố và ở tỉnh: Các đường dây điện thoại đã bị cắt và những họng trung liên bố trí trong những ngôi nhà chung quanh đe doạ mọi người đi tới Lâu đài Ricardi. Những đạo quân đồn trú, những trung đoàn bộ binh, pháo binh, kỵ binh, quân cảnh vệ và những ngự lâm quân đều bị cấm trại. Trong lúc này, những nhà cầm quyền quân sự theo chính sách trung lập. Nhưng đừng lạc quan về sự trung lập đó: Nếu tình hình không sáng sủa trong vòng 24 giờ, thì chắc dám hoàng tử Gonzague, chỉ huy quân đội, sẽ quyết định lập lại trật tự bằng mọi cách. Đối với cuộc cách mạng, một cuộc xung đột với quân đội có thể có những hậu quả cực kì trầm trọng. Florence, cùng với Pise và Bologne là chìa khoá giao thông giữa miền Bắc và Nam nước Ý. Để đảm bảo sự chuyển quân phát xít từ Bắc về Latium, bằng mọi giá phải giữ chìa khoá chiến lược của miền Trung Ý, trong khi chờ đợi quân đội phát xít trên đường tiến về thủ đô, ép buộc chính phủ trao quyền lại cho Mussolini. Muốn giữ Florence, chỉ có một phương tiện tranh thủ thời gian. Bạo động không loại bỏ mưu kế. Theo lệnh đại tướng Balbo, một phân đội phát xít tiến tới Nazione, tờ nhật báo quan trọng nhất ở Toscane. Được đưa tới ông Borelli, giám đốc, hiện nay điều khiển tờ Corrire della Sera, phân đội trưởng yêu cầu ông cho in ngay một số đặc biệt loan báo rằng đại tướng Cittadini, quan hộ giá của nhà vua, đã tới Milan để thương thuyết với Mussolini và rằng sau đó Mussolini đã chấp nhận thành lập nội các mới. Tin này hẳn là sai; nhưng có vẻ thực: người ta biết rằng nhà vua đang ở dinh San Rossore gần Pise, nhưng dân chúng lại không biết rằng vua đã đi La mã chiều hôm đó, có đại tướng Cittadini tháp tùng. Hai giờ sau, hàng trăm cam nhông phát xít tung rải khắp Toscane những số báo Nazione đặc biệt trên. Những đoàn tuần hành thành hình: những người lính, những cảnh vệ cặp kè thân ái với sơ-mi đen, trong niềm hân hoan về một giải pháp chứng tỏ sự khôn ngoan và long yêu nước của nhà Vua cũng như của Mussolini. Chính hoàng tử Gonzague cũng tới Fascio để kiểm chứng tin tốt lành trên, tin tức sẽ chấm dứt cơn khủng hoảng ý thức và làm ông thoát được một trách nhiệm nặng nề. Bằng radio ông yêu cầu La mã xác nhận sự thoả hiệp giữa nhà vua và Mussolini nhưng ông nói: “Bộ trưởng chiến tranh từ chối mọi xác nhận”; ông đã trả lời rằng không nên trộn lộn tên nhà vua vào một cuộc tranh chấp đảng phái, rằng tin trên có lẽ là quá sớm. Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng đối với chiến tranh, những tin chính xác luôn là quá sớm, hoàng tử Gonzague vừa mỉm cười vừa nói thêm như vậy. Đại tướng Balbo vào buổi chiều đi tới Pérouse, tổng hành dinh của cách mạng. Tổng trấn Tamburini đã cùng binh đoàn của ông đáp xe lửa để liên kết với đội sơ-mi đen trong đồng bằng La mã. Tôi đến khách sạn lúc 2 giờ sáng nhằm chứng minh cho Zangwill thấy rằng cuộc cách mạng phát xít không phải là một trò kịch. Israël Zangwill đón tôi trong dáng vẻ thoả mãn. Ông cầm trong tay số báo Nazione đặc biệt; ông nói: “Hẳn bây giờ ông tin nhà vua đã thoả hiệp với Mussolini chứ? Chắc chắn một cuộc cách mạng hiến pháp sẽ chỉ là một trò dàn cảnh”. Tôi kể cho ông nghe câu chuyện cái tin sai trên, ông tỏ ra bối rối. Ông kêu lên: “Thế còn tự do báo chí?” Hiển nhiên là một ông vua lập hiến không thể nào thoả hiệp với những người cách mạng để huỷ bỏ tự do báo chí, đó chính là một trò kịch đã trở nên nghiêm trọng. Nhưng tự do báo chí chưa bao giờ đăng tải những tin tức sai lầm. Về điểm đó thì ông chẳng chống đối được, ông chỉ nói thêm rằng trong một xứ sở tự do như Anh quốc, không phải là những tin sai lầm đã tạo thành tự do báo chí. Thành phố vắng tanh. Ở những góc phố, những lính tuần cảnh phát xít đứng im lìm trong mưa, mũ đen trùm tai. Trong Via de Pecori, một chiếc cam nhông đậu trước lối vào trung tâm điện thoại, một trong những chiếc có vũ trang trung liên và bọc sắt mà những đảng viên phát xít gọi là xe tăng. Trung tâm điện thoại bị chiếm đóng bởi những đạo quân xung kích của đội "Lys Rouge", họ đều mang trên ngực một hoa huệ đỏ. Cùng với "La Désespérée", đội này là một trong những đội dữ dội nhất của những binh đoàn ở Florence. Gần nhà ga Champ-de-Mars, chúng tôi gặp 5 xe cam-nhông chở đầy súng trường và trung liên mà những tổ phát xít của trại binh sau Giorgio đã giao cho vị tổng chỉ huy những binh đoàn phát xít. (Khắp nơi: trong những nhà máy, trong những trung đoàn, trong những nhà băng, trong những cơ sở hành chính công cộng đều có những tổ phát xít tạo thành mạng lưới bí mật của tổ chức cách mạng); súng trường và trung liên này được trao cho nhà hàng sơ mi đen ở Romagne vốn chỉ được võ trang dao găm và súng lục: người ta chờ đợi họ sắp đến bằng đường Faenza. Vị chỉ huy quân sự nhà ga nói với chúng tôi: Hình như ở Bologne và ở Crémone có những cuộc xung đột với lính cảnh vệ và bên phát xít có lẽ thiệt hại nặng". Những sơ-mi đen đã tấn công những trại binh cảnh vệ và gặp sức kháng cự mãnh liệt. Ở Pise, Lucques, Livourne, Sienne, Arezzo, Grosseto, tin tức tốt đẹp hơn: toàn thể tổ chức kỹ thuật của những thành phố này và tỉnh nằm trong tay quân phát xít. Israël Zangwill hỏi: “Có bao nhiêu người chết?”. Ông rất ngạc nhiên khi biết rằng ở Toscane không có những xung đột đẫm máu. Ông nói: "Như vậy có lẽ ở Bologne và ở Crémone cuộc cách mạng của quí ông tích cực hơn nhiều chăng. Cuộc nổi dậy Bôn-sê-vích hoàn thành gần như không có tổn thất vào tháng 10.1917 ở Pétrograd. Chỉ có chết chóc vài ngày sau khi Bôn-sê-vích nắm chính quyền, trong cuộc phản cách mạng khi mà những vệ binh đỏ của Trotzky phải ra tay đè bẹp cuộc nổi dậy của các junker, đẩy lui cuộc tấn công của quân cô-sắc của Kérenski và của tướng Krasnoff. Tôi nói: “Những xung đột đẫm máu ở Bologne và Crémone chứng tỏ rằng có vài khuyết điểm trong tổ chức cách mạng phát xít. Khi mà guồng máy nổi dậy chạy hoàn hảo như ở Toscane thì tai nạn rất hiếm”. Israël Zangwill không dằn nổi một nụ cười mỉa mai, ông nói: “Nhà vua là một chuyên viên cơ khí khéo léo: chính nhờ nhà vua mà guồng máy của quí ông mới chạy đều.” Một chiếc xe lửa xịch đến giữa một đám hơi nước và giữa một cơn náo động tiếng nói, tiếng hát, tiếng trống. Một công nhân hoả xa vai mang cạc bin đi qua tôi: “Đó là quân phát xít ở Romagne”. Thoáng chốc chúng tôi bị đứng giữa một đám sơ-mi đen, vẻ mặt rạng rỡ và xốn xang, hình đầu lâu thêu trên ngực, nón sắt sơn đỏ, dao găm giắt trên những dây lưng da to bản. Mặt họ rám nắng, có những nét cứng của nông dân miền Romagne, chòm râu nhọn của họ làm cho khuôn mặt họ có một vẻ trân tráo, bạo tợn, đe doạ. Zangwill tỏ ra không bằng lòng mấy. Ông mỉm cười trang nhã và tìm cách mở một lối đi giữa đám đông ồn ào bằng những cử chỉ lịch thiệp khiến bọn người đeo dao găm nhìn ông ngạc nhiên. Ông than phiền nho nhỏ: “Họ không có vẻ dễ mến chút nào.” Tôi nói: “Tôi hy vọng rằng ông không mong muốn rằng những kẻ làm cách mạng là những kẻ dễ mến. Không phải bằng sự dịu dàng hay mưu chước mà Mussolini lao vào cuộc chiến đấu chính trị của ông từ 4 năm nay, mà chính là bạo lực: một trong những bạo lực cứng rắn nhất, khắc nghiệt nhất và khoa học nhất”. Cuộc phiêu lưu của Zangwill quả là phi thường, bị những sơ-mi đen cuồng nhiệt bắt giữ, được thả, rồi được dẫn đi trên xe hơi giữa đêm để hiểu tại sao cuộc cách mạng phát xít không phải là một trò kịch. Ông mỉm cười: “Tôi không nên có cái vẻ của Candide giữa đám tu sĩ Dòng tên". Đúng ra ông có cái vẻ của Candide giữa đám chiến sĩ hơn, nhưng có thể nào Candide ấy lại là một người Anh và tên là Israël? Những anh chàng nông dân vạm vỡ này, mắt dữ tợn, hàm vuông, bàn tay rộng được làm ra để mà đập đánh, nhìn Zangwill từ đầu đến chân bằng những tia mắt chăm chăm và khinh bỉ, ngạc nhiên và khó chịu về một người mặc áo cổ giả có những cử chỉ nhút nhát và lễ phép nhưng lại không có dáng vẻ của một viên cảnh sát hay một dân biểu tự do. Chúng tôi trở lại xe hơi và trong khi xuyên qua những đường phố vắng vẻ, tôi nói với Israël Zangwill: “Sự khinh bỉ của ông đối với cuộc cách mạng phát xít mà ông coi như một trò kịch, quả là mâu thuẫn với sự thù ghét của ông đối với những sơ-mi đen, những người mà tư tưởng tự do của nước Anh hằng ngày chê trách là đã dùng bạo lực. Có thể nào những người cách mạng là những kẻ dùng bạo lực mà cuộc cách mạng lại là một trò kịch không? Tôi muốn nói cùng ông rằng những sơ-mi đen không phải chỉ là những người hung bạo mà là những kẻ không biết xót thương và tàn nhẫn”. Quả thực là đôi khi trên báo chí, những người phát xít chống lại luận điệu của địch thủ cho rằng họ là những kẻ hung bạo! Nhưng đó chỉ là một thứ đạo đức giả dùng cho những người tiểu tư sản. Hơn nữa chính Mussolini không phải là một người “ăn chay”, không phải là tín đồ khoa học thiên chúa giáo, cũng chẳng phải là đảng viên xã hội dân chủ. Giáo dục mác xít không cho phép ông có những thắc mắc lương tâm kiểu Tolstoi: ông không từng học những cung cách làm chính trị tốt đẹp ở Oxford và Nietzsche đã làm ông ta chán ngán thuyết lãng mạn và tình yêu nhân loại. Nếu Mussolini là một người tiểu tư sản có đôi mắt sáng, có giọng nói trong, chắc hẳn các đảng viên đã rời xa ông để chạy theo một lãnh tụ khác. Năm qua, việc đó đã xảy ra khi ông muốn ký một thoả hiệp ngưng chiến với địch thủ: trong đảng phát xít có những vụ nổi loạn, những phân ly, đa số sơ-mi đen tuyên bố tiếp tục cuộc nội chiến. Không nên quên rằng những sơ-mi đen thường xuất phát từ những đảng cực tả, nếu không phải là những cựu chiến sĩ, những thanh niên đầy nhiệt huyết. Cũng không nên quên rằng Thượng đế của những người võ trang này chỉ có thể là Thượng đế của bạo lực. Israël Zangwill nói vắn tắt: “Tôi không bao giờ quên điều đó”. Khi chúng tôi trở lại Florence vào lúc rạng đông, Zangwill đã được thấy tận mắt quang cảnh thu gọn của cả nước Ý trong những ngày này: tôi đã đưa ông đi lướt qua vùng đồng quê Florence từ Emploi đến Mugello, từ Pistole tới San Giovanni Valdarno. Cầu, nhà ga, ngã tư đường, cầu treo, đập nước, vựa lúa, kho đạn, nhà máy hơi, trung tâm điện khí, tất cả mọi điểm chiến lược đều bị quân phát xít chiếm đóng. Bất thình lình từ trong bóng tối những lính tuần tiễu xuất hiện: "Ai đi đó". Cứ 200 mét dọc đường sắt lại có một sơ mi đen. Tại những ga Pistoie, Empoli, San Giovanni, Valdarno, những toán thợ đường rầy mang theo dụng cụ sẵn sàng cắt đường trong trường hợp cần kíp. Người ta đã dùng mọi biện pháp để bảo đảm hoặc để cắt đứt giao thông. Người ta chỉ sợ một sự tăng viện cảnh vệ và quân lính về phía Ombrie và Latium để tấn công vào lưng của những binh đoàn sơ mi đen đang đi về phía thủ đô. Một xe lửa đầy cảnh vệ, đến từ Bologne đã bị giữ lại gần Pistoie cách cây cầu danh tiếng Vaioni vài trăm mét: hai bên bắn nhau và xe lửa phải lùi lại không dám qua cầu. Những đụng độ nhỏ này xảy ra ở Serravall trên đường Lucques: những xe cam nhông chở đầy ngự lâm quân bị chặn lại dưới hỏa lực trung liên không tiến lên được đồng bằng Pistoie - Tôi nói với người bạn đồng hành: "Chắc hẳn ông đã đọc câu chuyện về trận chiến ở Serravale trong cuốn Cuộc đời của Castracane của Machiavel". Zangwill trả lời: Tôi không đọc Machievel. Trời đã sáng khi chúng tôi đi qua Prato, một thành phố nhỏ gần Florence, trung tâm kỹ nghệ vải có 25.000 công nhân trong 200 xưởng. Người ta gọi đó là Manchester của nước Ý, chính ở đó Frencesco tức Marco Datini đã sinh ra, kẻ hình như là người phát minh ra phiếu hối đoái. Trên quan điểm chính trị, thành phố đó có một tiếng tăm xấu: đó là thành phố của những cuộc đình công, những cuộc nổi dậy của thợ thuyền, quê hương của Bresci, người đã giết Humbert đệ nhất năm 1900, vị vua thứ hai của nước Ý. Dân cư của thành phố có tâm địa tốt nhưng thường hay nổi giận. Đường phố nào cũng đầy công nhân đi làm việc. Họ có vẻ lãnh đạm, bước đi im lặng không ngó ngàng tới tuyên cáo của Hội đồng Cách mạng quân đội dán trên tường trong đêm. Tôi nói: "Có lẽ ông thích thú khi biết rằng chính Annunzio đã học ở trường Cicogini ở Prato". Zangwill trả lời: "Lúc này điều làm tôi quan tâm là biết được vai trò của thợ thuyền trong cuộc Cách mạng. Cái nguy hiểm cho các ông, không phải là chính phủ mà chính là cuộc đình công." Vào cuối năm 1920, vấn đề mà đảng phát xít phải giải quyết không phải là cuộc đấu tranh chống chính phủ tự do hay chống đảng xã hội càng ngày càng có khuynh hướng đại nghị và trở thành một yếu tố rối loạn lớn lao trong sinh hoạt hiến pháp của xứ sở, mà đó chính là cuộc chiến đấu chống những nghiệp đoàn công nhân, lực lượng Cách mạng duy nhất có thể bảo vệ chính phủ tư sản khỏi rơi vào hiểm họa cộng sản hay phát xít. Dù với nhiều dè dặt hơn, Giolitti đã hiểu rõ vai trò của những tổ chức thợ thuyền trong sự phòng thủ nhà nước tư sản mà Bauer đã biết khai dụng vào tháng 3-1920, chống lại cuộc đảo chính của Kapp. Những đảng phái chính trị chẳng thể làm gì chống lại đảng phát xít mà phương pháp chiến đấu (được sự bạo động của những vệ binh đỏ Cộng sản biện chính cho) không phải là một phương pháp chính trị. Hoạt động quốc hội của các đảng chính trị ấy nhằm đặt ra ngoài vòng pháp luật những lực lượng cách mạng không muốn tự "quốc hội hóa", hoặc "vào vòng pháp luật". (Các hoạt động đó không thể bắt buộc những đảng viên phát xít và cộng sản từ bỏ phương pháp bạo động. Chính phủ có thể làm gì để chống hành động cách mạng của những sơ mi đen và những vệ binh đỏ? Những đảng quần chúng (parti-masse), đảng xã hội và đảng thiên chúa giáo mà chế độ nghị hội đã giản lược vào vai trò của những đảng hợp pháp, chỉ có thể dùng để hợp pháp hóa trên bình diện hiến pháp một sự đàn áp của chính phủ. Nhưng cần phải có cái gì khác hơn là những biện pháp cảnh sát mới chấm dứt tình trạng hỗn loạn đang làm nước Ý đổ máu. Thay vì dùng quân đội chống lại hành động cách mạng của phát xít và cộng sản. Giolitti thận trọng quyết định làm trung hòa cách mạng đó bằng cách dùng hành động nghiệp đoàn của những công nhân có tổ chức. Đó là phương pháp của Bauer đã áp dụng như phương pháp phòng ngừa chống lại hiểm họa cách mạng. Nhưng phương pháp đó Bauer đã áp dụng như một người mác xít, Giolitti lại áp dụng như một người tự do. Chính như vậy mà những tổ chức nghiệp đoàn trở thành dụng cụ mà chính phủ có thể dùng để chống lại trong vòng bất hợp pháp, hành động bất hợp pháp của sơ mi đen và vệ binh đỏ. Trong tay của Giolitti, cuộc đình công trở thành một vũ khí nguy hiểm đối với phát xít và cộng sản cũng như từng nguy hiểm đối với chính phủ. Trước mắt người tư sản và chính cả thợ thuyền nữa thì cơn dịch đình công, đặc điểm của những năm 20 và 21, là một cơn bệnh của Nhà nước, là dấu hiệu báo trước cuộc cách mạng vô sản, một cơn khủng hoảng cần thiết mà giải pháp thiết yếu là cuộc nắm chính quyền của quần chúng. Cơn địch đó chính là triệu chứng một thay đổi sâu xa trong hoàn cảnh hiện diễn. Những cuộc đình công này được hướng dẫn không để chống lại nhà nước (như năm 1919), mà chống lại mọi lực lượng cách mạng muốn chiếm quyền từ bên ngoài, những tổ chức nghiệp đoàn của giai cấp vô sản hoặc chống lại các tổ chức này. Nguồn gốc sự chia rẽ từ lâu giữa những nghiệp đoàn thợ thuyền và đảng xã hội là vấn đề quyền tự trị của những tổ chức nghiệp đoàn. Những điều mà giai cấp vô sản phải bảo vệ chống lại những lực lượng cách mạng định chiếm quyền, không phải là quyền tự trị mà chính là sự hiện hữu của những tổ chức giai cấp của mình. Chính vì sự tự do của giai cấp mình mà những công nhân chống lại phát xít. Về thái độ của những nghiệp đoàn thợ thuyền đối với cộng sản, đó cũng là thái độ của những nghiệp đoàn Nga đối với đảng bôn sê vích trước cuộc đảo chính tháng 10-1917. Nhưng quan niệm tự do của Giolitti trong khi ông áp dụng phương pháp mác xít của Bauer chỉ làm cho tình hình trầm trọng thêm. Chủ nghĩa tự do của Giolitti chỉ là chủ nghĩa lạc quan không khôn ngoan. Cay độc và khinh bỉ, là một thứ độc tài ở nghị viện quá khôn khéo để tin tưởng vào những ý tưởng và quá đầy thành kiến để tôn trọng người khác, Giolitti đi đến chỗ dung hòa thái độ cay độc và khinh thị với thái độ lạc quan, đến chỗ tạo ra những tình trạng mà ông có vẻ như không quan tâm đến, dùng những thủ đoạn bí mật để làm những tình trạng rối rắm thêm nhưng lại có vẻ như là để cho chúng tự chín muồi. Ông không tin tưởng chút nào vào Nhà nước: bí mật của đường lối chính trị của ông là coi thường Nhà nước. Áp dụng phương pháp mác xít của Bauer trong chiều hướng tự do của ông là thay thế hành động đàn áp của chính phủ bằng hành động cách mạng của các tổ chức nghiệp đoàn, như thế tức là giao cho những tổ chức này vai trò bảo vệ nhà nước Tư sản chống lại phát xít và cộng sản, và do đó ông tự do thi hành chính sách "quốc hội hoá" giới vô sản, nghĩa là chính sách làm ung vữa vô sản vậy. Vào cuối năm 1959, những biến cố đã tạo ra ở Ý đại lợi một tình trạng vô song trong lịch sử những đấu tranh chính trị của Âu châu đương thời. D'Annunzio đã xâm chiếm Fiume và đe dọa bất cứ lúc nào tràn vào nước Ý để chiếm quyền với binh sĩ của ông. Ông có vài thân hữu trong giới công nhân: người ta biết những tương quan giữa Liên đoàn công nhân Hàng hải và chính phủ Fiume. Những lãnh tụ nghiệp đoàn không coi Annunzio như một kẻ thù mà như một con người nguy hiểm có thể đưa quốc gia vào vòng phức tạp quốc tế. Dù sao người ta không coi ông là đồng minh phát xít mặc dù ông có ghen tị với Mussolini và với vai trò của tổ chức cách mạng trong nội bộ Ý đại lợi. Sự kình địch giữa Annunzio và Mussolini không phải là một con bài xấu trong ván cờ của Giolitti, ván cờ mà ông ta chơi ngay thẳng trên những con bài xấu nhưng chơi gian lận với các con bài tốt. Còn về phía cộng sản thì họ kẹt giữa đám lửa giao phong giữa phát xít và chính phủ nên mất hết ảnh hưởng với công nhân. Phương pháp khủng bố ác độc và dại dột, sự hoàn toàn không am hiểu vấn đề cách mạng Ý đại lợi, sự cố chấp dùng những chiến thuật khủng bố lẻ tẻ, những cuộc nổi loạn trong trại binh và xưởng máy, cái chiến thuật kiệt quệ trong một cuộc chiến tranh ngoài phố xẩy ra, tất cả những điều đó làm cho đảng cộng sản chỉ còn giữ một vai trò thứ yếu trong cuộc đấu tranh nắm quyền; họ chỉ là những người anh hùng táo bạo và ác độc thuộc một loại bất mãn không tưởng và nổi loạn. Bao nhiêu cơ hội đã mất đi, bao nhiêu lần bỏ lỡ suốt một năm 1919, một năm đỏ, trong đó một cỡ Trotzky nhỏ nào đó, một Catilina cấp tỉnh, với chút xíu thiện chí, với một dúm người và vài tiếng súng lẹt đẹt lẽ ra đã chiếm được chính quyền mà không làm cho nhà vua, cho chính phủ và lịch sử Ý quốc phải quá bực tức. Trong những lúc rảnh rỗi ở điện Cẩm linh, cái chủ nghĩa bất mãn không tưởng và nổi loạn của những người Cộng sản Ý là đề tài đàm tiếu thích thú. Vui tính và khôn ngoan, Lénine cười chảy nước mắt về những tin tức từ Ý. "Khà khà! Cộng sản Ý đại lợi à?" Ông ta vui thích như một đứa trẻ con khi đọc những thông điệp mà d'Annunzio gửi cho ông từ Fiume. Vấn đề Fiume càng ngày trở nên một vấn đề chính trị quốc ngoại. Nhà nước do d'Annunzio thành lập tháng 9.1919 đã chạy ngược dòng thế kỷ trong vài tháng. Trong ý hướng của d'Annunzio, nhà nước ấy sẽ là nhân đầu tiên của một tổ chức cách mạng hùng mạnh, là khởi điểm của quân đội nổi dậy để tiến chiếm La mã. Nhưng vào cuối năm 1920, Nhà nước ấy chỉ còn là một thứ đấu tranh nội bộ, bị ung thối bởi tham vọng, nếp sống xa hoa và lời nói văn hoa của một ông hoàng quá hùng biện để có thể theo những lời khuyên của Machiavel. Nhược điểm của Lãnh địa này không phải chỉ nằm trong sự kiện là hiện hữu của nó là một vấn đề chính trị ngoại vi hơn là nội bộ. Sự chinh phục Fiume không phải là một cuộc đảo chính, nó đã không thay đổi được hoàn cảnh chính trị nội bộ của nước Ý; nó đã ngăn cản sự áp dụng một quyết định quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Fiume bằng một giải pháp trái ngược với quyền tự quyết của các dân tộc. Đó là giá trị to lớn của d'Annunzio và đồng thời cũng là nhược điểm to lớn của ông trong hoàn cảnh cách mạng của nước Ý. Do sự thành lập nhà nước ở Fiume, ông trở thành một yếu tố nền tảng của nền chính trị quốc ngoại nước Ý; nhưng như vậy là ông tự loại khỏi chính trường nội bộ, nơi ông chỉ còn có một ảnh hưởng gián tiếp. Vai trò mà d'Annunzio gán cho quân đội của ông đã chuyển qua đoàn sơ mi đen một cách hữu lý. Trong khi ông quanh quẩn ở Fiume, cai trị một Lãnh địa độc lập, có thể chế riêng, tài chính riêng, sứ thần riêng, thì Mussolini trải rộng hơn tổ chức cách mạng của mình trên khắp nước Ý. Bấy giờ người ta thường nói rằng d'Annunzio chỉ là một tượng trưng, một Jupiter quốc gia, vấn đề Fiume chỉ là một luận cứ mà Mussolini sử dụng để chống lại chính phủ về chính sách ngoại giao. Nhưng sự hiện hữu của chính quyền Fiume, trong một thời gian nào đó loại khỏi đấu trường cách mạng một địch thủ nguy hiểm, đối với Mussolini vẫn là một nguyên nhân bất an: sự kình địch giữa d'Annunzio và ông không phải là không ảnh hưởng tới đồng chí của ông. Những người đến với ông từ phe hữu là những người có quá nhiều thiện cảm với d'Annunzio: những người từ phe tả, đảng viên Cộng hòa, Xã hội, Cộng sản, tạo thành cái nhân chính của những toán xung kích phát xít lại không che dấu mối ác cảm của họ đối với cái thoái trào về thế kỷ thứ 15 của d'Annunzio. Sự kình địch này, chính là con bài mà Giolitti đã sử dụng nhiều lần một cách vô hiệu quả để lừa ván cờ. Ông muốn gây một tranh chấp công khai giữa d'Annunzio và Mussolini nhưng ông cũng sớm hiểu rằng dừng lâu trên một ván bài vô ích là điều nguy hiểm. Bị thúc bách giải quyết chóng vánh vấn đề Fiume, ông quyết định dùng quân đội tiến đánh Lãnh địa của d'Annunzio, và đêm trước lễ Giáng sinh 1920, ông lợi dụng trường hợp thuận tiện tung vài trung đoàn tấn công Fiume. Trả lời cho tiếng kêu la đau đớn của quân sĩ của d'Annunzio là tiếng kêu la phản kháng của toàn nước Ý. Đảng phát xít chưa sẵn sàng cho một cuộc tổng khởi nghĩa. Cuộc đấu tranh báo hiệu sẽ là rất gay gắt: những lá cờ đen, cờ đỏ của cuộc nội chiến đã tung bay khắp miền quê, phố thị, trong gió đông lạnh đầy điềm bất thường. Mussolini không những phải trả thù cho những người chết ở Fiume; ông phải phòng thủ chống lại những lực lượng phản động đe dọa chôn vùi đảng phát xít dưới tro tàn của Nhà nước d'Annunzio. Phản ứng của chính phủ và của các tổ chức thợ thuyền đã biểu lộ bằng những cuộc ruồng bố của cảnh sát và những cuộc xung đột đẫm máu do thợ thuyền chủ xướng. Giolitti muốn lợi dụng cơn khủng hoảng nội bộ đang xâu xé của đảng phát xít và lợi dụng sự rối loạn tạo ra trong hàng ngũ của đảng bởi đêm Giáng sinh thê thảm ở Fiume, để đặt Mussolini ra ngoài vòng pháp luật. Những lãnh tụ nghiệp đoàn hướng dẫn cuộc tranh đấu bằng những vụ đình công lớn. Nhiều thành phố, tỉnh lỵ, nhiều vùng bất ngờ bị tê liệt bởi cuộc xung đột vừa nổ ra trong một thị trấn nhỏ nào đó. Ngay từ những tiếng súng nhỏ đầu tiên, cuộc đình công bắt đầu; sau hồi còi thảm thiết, các nhà máy trống không, nhà nhà đóng cửa, lưu thông ngừng lại, phố xá vắng tanh mang vẻ thê thảm của cái cầu tàu của một thiết giáp hạm sắp lâm trận. Thợ thuyền trong các nhà máy trang bị để chiến đấu; vũ khí hiện ra khắp nơi; dưới những bàn tiệc, sau những máy dệt, những bình điện hay những máy sup de: người ta thấy súng đạn nằm dưới những đống than. Những người đàn ông mặt bóng dầu, cử chỉ trầm tĩnh, lướt đi giữa những guồng máy im lìm, những pít tông, búa máy, đe, cần trục, trèo lên những chòi tháp, trên những cầu lăn, trên những mái nhà nhọn có kiếng: họ đang biến mỗi nhà máy thành một pháo đài... Những lá cờ đỏ mọc trên những ống khói lò. Trong các sân, thợ thuyền tụ tập: họ chia thành đại đội, trung đội, tiểu đội. Những toán trưởng đeo băng tay đỏ ban lệnh, những toán tuần tiễu đi thám sát; khi họ trở về thì thợ thuyền rời nhà máy, bước đi im lặng, sát những bờ tường, tiến về những điểm chiến lược của thành phố. Từ khắp nơi tiến về những Trụ sở Lao động, những toán người được huấn luyện theo chiến thuật chiến tranh đường phố để bảo vệ những trụ sở của nghiệp đoàn chống lại cuộc tấn công bất ngờ của sơ mi đen. Những ổ trung liên được đặt ở khắp lối ra vào, ở khúc quẹo của những cầu thang, ở cuối những hành lang và trên những mái nhà. Lựu đạn chất đống trong những bàn giấy gần các cửa sổ. Những cơ khí viên tháo rời đầu máy, để các toa lại giữa cánh đồng, chạy hết tốc lực về các ga. Trong những làng mạc, xe cộ được đặt ngang đường để cản quân tiếp viện của sơ mi đen đi từ thành phố này qua thành phố kia. Nằm phục sau những hàng dậu, những nông dân vệ binh đỏ, võ trang súng săn, chĩa cuốc, hái, rình rập những xe cam nhông phát xít. Những tiếng súng đã nổ dọc theo các con đường và những thiết lộ từ làng này qua làng kia cho đến tận khu ngoại ô của những thành phố rợp cờ đỏ. Khi những hồi còi đình công nổi lên, những cảnh vệ, những ngự lâm quân, cảnh sát rút lui vào doanh trại; Giolitti quá giữ lập trường tự do để nhào vào một cuộc đấu tranh do những công nhân điều động thừa khéo léo để chống lại những kẻ thù của nhà nước. Trong cái trống rỗng đầy đe dọa mà cuộc đình công tạo ra chung quanh họ, những toán phát xít chuyên về chiến tranh đường phố trấn đóng tại những ngã tư, những trung đội được huấn luyện phòng thủ và tấn công các ngôi nhà sẵn sàng đi tăng cường những điểm yếu, đi bảo vệ những vị trí bị đe dọa, đi đánh chớp nhoáng giữa lòng địch thủ. Những toán xung kích phát xít được huấn luyện về chiến thuật xâm nhập, về lối đánh thần tốc, về cá nhân chiến đấu, vũ trang dao găm lựu đạn, vật dẫn hỏa, đang chờ đợi gần những cam nhông sẽ chở họ đến chiến trường. Chính những toán xung kích này được sử dụng trong công tác trả thù. Trả thù là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến thuật của sơ mi đen. Ngay khi người ta phát giác có một người phát xít nào bị giết trong một vùng ngoại thành hay trong một làng là toán xung kích được phái đến trả thù liền. Những Trụ sở Lao động, những hội quán thợ thuyền, những nơi cư trú của các lãnh tụ những tổ chức xã hội bị tấn công tức thì, bị tàn phá và bị đốt rụi. Lúc đầu, khi chiến thuật đột kích trả thù còn mới mẻ thì những vệ binh đỏ còn chống trả bằng súng và một cuộc đấu tranh tàn sát diễn ra chung quanh những trụ sở Lao động, những hội quán thợ thuyền, trên những đường phố ngoại thành và làng mạc. Nhưng chiến thuật này chẳng bao lâu đã có hiệu quả. Sự sợ hãi những trả thù đã làm giao động tinh thần chiến đấu của vệ binh đỏ, làm họ mất can đảm chống cự, làm nao núng sức đề kháng của những tổ chức công nhân. Khi sơ mi đen tiến đến là những vệ binh đỏ, những lãnh tụ xã hội, những thư ký các nghiệp đoàn, những lãnh tụ đình công đều chạy trốn về các đồng quê, trốn trong các khu rừng. Cuộc săn người không còi, không tiếng la ó diễn ra đến rạng đông, dữ dội và tàn nhẫn. Đôi khi chính dân cư của một làng nào có một phát xít bị giết phải chạy trốn, khi toán xung kích đến thì nhà cửa trống trơn, đường vắng tanh, chỉ thấy một xác sơ mi đen nằm trên hè phố. Đối đầu với chiến thuật phát xít, nhanh, mạnh, những lãnh tụ nghiệp đoàn chỉ đề ra một sự đối kháng mà họ gọi là kháng chiến không vũ trang. Dù họ chính thức trách nhiệm về các cuộc đình công, họ không biết kích thích tinh thần chiến đấu của thợ thuyền. Họ ra vẻ không biết rằng có súng đạn và lựu đạn trong những trụ sở Lao động và trong mọi hội quán thợ thuyền; tuy nhiên trong ý hướng, họ không cho rằng cuộc đình công là một biểu lộ ôn hòa, mà phải là một hành vi chiến tranh, điều kiện cần thiết để áp dụng chiến thuật chiến tranh đường phố của thợ thuyền. Họ nói: Cuộc đình công chính là cuộc trả thù của chúng tôi: đó là một sự kháng cự tay không chống lại dùi cui và dao găm của phát xít. Nhưng họ cũng biết rõ ràng thợ thuyền đã lấy vũ khí từ những Trụ sở Lao động. Chính cái không khí nặng nề sôi sục của cuộc đình công thúc đẩy người thợ lao vào cuộc đấu tranh vũ trang. Cái ý định để cho những nạn nhân vô tội không vũ trang của cơn bạo động phát xít mang cái vẻ của những con cừu non đỏ bị những con sói đen hút máu, ý định đó cũng lố bịch như ý nghĩ kiểu Tolstoi của một vài đảng viên phát xít gốc tự do không muốn chấp nhận cho những đảng viên Mussolini nổ một phát súng, đánh một cú dùi cui hay bắt uống một giọt dầu xổ. Cái đạo đức giả của những lãnh tụ thợ thuyền không ngăn cản đuợc cái chết của những sơ mi đen. Không nên tin rằng quân phát xít không biết tới những lúc nguy khiếp trầm trọng. Các khu phố, làng mạc, các vùng đôi khi cầm vũ khí chống lại họ; cuộc tổng đình công là dấu hiệu nổi dậy. Sơ mi đen bị tấn công trong nhà họ, những chướng ngại vật giăng ngoài phố, những đoàn thợ thuyền và nông dân vũ trang súng và lựu đạn, chiếm đóng làng mạc, tiến vào các thành phố và săn đuổi phát xít. Cuộc thảm sát ở Sarzana đủ để chứng tỏ rằng thợ thuyền không đạo đức giả như lãnh tụ của họ. Vào tháng 7-1921 ở Suzana, khoảng 50 sơ mi đen bị giết, những người bị thương bị cắt cổ trên băng ca ở ngưỡng cửa nhà thương; hàng trăm người khác chạy trốn về miền quê bị đàn bà mang chĩa, hái, đuổi qua những cánh rừng. Thời kỳ nội chiến ở Ý sửa soạn cho cuộc đảo chính phát xít, là thời kỳ đầy bạo động dữ dội như trên. Để thắng những cuộc đình công cách mạng và những cuộc nổi dậy của thợ thuyền và nông dân càng ngày lan rộng trầm trọng đến độ làm tê liệt các vùng, quân phát xít dùng chiến thuật chiếm đóng toàn bộ những vùng bị đe dọa. Từ ngày này qua ngày khác, sơ mi đen tập trung trong những trung tâm được chỉ định theo một kế hoạch điều động. Hàng ngàn người võ trang, đôi khi mười lăm hay hai mươi ngàn, đổ xuống một thành phố, một vùng quê, các làng mạc, được di chuyển nhanh chóng từ tỉnh này qua tỉnh khác bằng cam nhông của họ. Trong vòng vài giờ, cả vùng bị chiếm đóng được đặt trong tình trạng thiết quân luật. Tất cả cái gì thuộc tổ chức xã hội và Cộng sản: Trụ sở Lao động, Nghiệp đoàn, hội quán thợ thuyền, báo chí, hợp tác xã bị thiêu hủy và đập phá một cách có phương pháp. Những vệ binh đỏ chưa kịp trốn được thanh lọc, chà xát và tẩy não; trong hai ba ngày, những chiếc dùi cui vùng vẫy trên hàng trăm cây số vuông. Cuối năm 1921, chiến thuật này, được áp dụng một cách có hệ thống trên một mức độ càng ngày càng rộng lớn, đã đập tan những trọng điểm của tổ chức chính trị và nghiệp đoàn của giới vô sản. Hiểm họa đỏ thế là bị gạt ra xa mãi mãi, và công dân Mussolini đã rất xứng danh phụng sự tổ quốc. Lớp trưởng giả nghĩ rằng khi sứ mạng hoàn tất, những sơ mi đen có thể yên ngủ. Nhưng chẳng bao lâu họ mới hiểu rằng chiến thắng của phát xít trên thợ thuyền cũng đã đập tan những trọng điểm của Nhà nước. Chiến thuật mà Mussolini dùng để chiếm quyền chỉ có thể được quan niệm bởi một người Mác-xít. Không bao giờ nên quên rằng Mussolini được hấp thụ một nền giáo dục Mác-xít. Điều làm cho Lenine và Trotzky ngạc nhiên trong hoàn cảnh cách mạng Ý đại lợi, chính là sự bất lực của đảng Cộng sản Ý không lợi dụng được một sự gặp gỡ kỳ lạ của mọi trường hợp thuận lợi. Những cuộc tổng đình công năm 1919 và 1920, sự chiếm đóng các cơ xưởng Bắc Ý bởi những thợ thuyền đánh dấu giai đoạn quyết định, đã không làm nảy sinh ra được một lãnh tụ nào có thể lãnh đạo một nhóm nhỏ người (cướp?) chính quyền. Với hậu thuẫn là tổng đình công, bất cứ một Trotzky cỡ nhỏ nào cũng có thể chiếm chính quyền không cần xin phép nhà vua. Mussolini, vốn phán đoán tình hình bằng con mắt Mác-xít, không tin tưởng vào những cơ hội thành công của cuộc nổi dậy phải chống cự với cả lực lượng của chính phủ lẫn của giới vô sản. Lòng khinh bỉ của ông đối với những lãnh tụ xã hội và cộng sản làm ông khinh lây cả những người như d’Annunzio cho rằng có thể lật đổ chính phủ mà không cần liên minh hay trung lập hóa các tổ chức thợ thuyền. Mussolini không phải là người dễ vấp ngã vì một cuộc tổng đình công. Ông không đánh giá thấp vai trò của giới vô sản trong cuộc cách mạng. Cảm quan mới của ông, sự am hiểu theo quan điểm Mác-xít của ông về những vấn đề chính trị và xã hội trong thời đại chúng ta, không để cho ông có ảo tưởng về sự có thể hoàn thành được chủ nghĩa của Blanqui kiểu quốc gia vào năm 1920. Không nên quan niệm chiến thuật đảo chánh của phát xít là một chiến thuật của kẻ phản động. Mussolini chẳng có một chút gì giống một d’Annunzio, một Kapp, một Primo de Rivera hay một Hitler. Chính như một người mác xít mà ông định giá những lực lượng vô sản và vai trò của chúng trong hoàn cảnh cách mạng 1920, chính như một người mác xít mà ông đi đến kết luận là trước tiên phải đập vỡ những nghiệp đoàn thợ thuyền, hậu thuẫn có thể của chính phủ. Ông sợ cuộc tổng đình công: ông không quên bài học của Kapp và Bauer. Khi muốn minh chứng rằng Mussolini không phải là kẻ phản động, những sử gia chính thức của phong trào phát xít nhắc lại chương trình của đảng năm 1919. Thực ra chương trình năm 1919 là một chương trình cộng hòa và dân chủ, mà đa số sơ mi đen từng thành khẩn tin tưởng, và đoàn vệ binh phát xít già nua hiện vẫn còn trung thành. Nhưng không phải chương trình 1919 bộc lộ nền giáo dục mác-xít của Mussolini, mà chính là quan niệm về chiến thuật đảo chính của phát xít, là luận lý, phương pháp, tinh thần hệ thống mà ông dùng để áp dụng chiến thuật đó. Về sau, khi bàn về Hitler, ta sẽ thấy một chiến thuật quan niệm bởi một người mác-xít có thể thoái hóa như thế nào trong đầu óc một kẻ phản động. Những người thích nhìn phong trào phát-xít như một lực lượng bảo vệ Nhà nước chống lại hiểm họa cộng sản, như một phản ứng đơn thuần chống lại những chinh phục chính trị và xã hội của giai cấp vô sản, cho rằng vào giữa năm 1921 Mussolini đã kết toán công việc, rằng vai trò của ông đã hoàn tất. Bằng những nhận định khác hẳn, Giolitti cũng đi đến cùng một kết luận ấy từ tháng 3-1921 sau khi những cuộc tổng đình công thất bại đã cho thấy cường lực nguy hiểm của phát-xít. Cuộc nội chiến đã đạt đến mức độ bạo động khủng khiếp, cả hai phía đều tổn thất nặng nề; nhưng những cuộc đấu tranh đẫm máu này, được đánh dấu bằng những giai đoạn vô song trong những năm tháng đỏ, đã chấm dứt bằng sự thất bại của những lực lượng vô sản. Dùng con bài “nghiệp đoàn” chống lại phát-xít, Giolitti đã vấp ngã bất ngờ trước sự tan rã của các tổ chức thợ thuyền: đảng phát-xít ra khỏi trận chiến với một tinh thần gây hấn bừng bừng quyết liệt và được vũ trang một cách kinh khiếp cho cuộc đấu tranh chống Nhà nước. Giolitti có thể dùng lực lượng nào chống đối lại đảng phát-xít? Vai trò bảo vệ nhà nước của nghiệp đoàn đã chấm dứt. Những đảng phái chính trị chiếm đa số ở quốc hội cũng bất lực trước một tổ chức kinh khủng có võ trang tung hoành trên lãnh vực bạo động và hợp pháp. Ông không còn một phương sách nào kháng cự hơn là mưu toan “quốc hội hóa” đảng phát-xít. Chiến thuật cũ kỹ của kẻ tự do này trong vòng 30 năm trước đã cho nước Ý bài học kinh nghiệm về sự độc tài nghị viện phục vụ cho một chế độ quân chủ vốn không có những tiên kiến hiến pháp. Mussolini, mà chương trình chính trị không cản trở được chiến thuật cách mạng của ông, đã không để mình mắc vào bẫy của phe tả. Vào dịp những cuộc bầu cử chính trị tháng 5-1921, đảng phát xít chấp nhận tham dự vào Khối Quốc gia do Giolitti tạo lập nhằm làm giảm uy tín và làm ung thối quân sơ-mi đen bằng cuộc phổ thông đầu phiếu. Khối Quốc gia được thành hình với nhiều khó khăn lớn. Những đảng phái pháp định không chịu cùng đứng với một tổ chức võ trang vốn không che dấu chương trình cộng hòa của mình. Nhưng điều làm Giolitti bận tâm không phải là cái chương trình cộng hòa và dân chủ của năm 1919, mà chính là mục đích của chiến thuật phát xít. Chiếm chính quyền, đó là mục đích của Mussolini. Phải chấp nhận chương trình của Mussolini trên lĩnh vực bầu cử, nếu người ta muốn cho đảng phát-xít đi lệch khỏi mục đích của chiến thuật cách mạng của nó. Chỉ chơi bài rất đúng với những con bài xấu, Giolitti không may mắn gì hơn khi ông thua ván bài trong khi sử dụng lòng ghen tuông của d’Annunzio đối với Mussolini. Không để cho bị “quốc hội hóa”, đảng phát-xít vẫn trung thành với chiến thuật của mình. Trong khi độ 20 dân biểu phát xít làm phân tán nhóm đa số của khối Quốc gia, thì những sơ mi đen quay lại chống những nghiệp đoàn cộng hòa và Ki-tô giáo bằng cùng thứ bạo động mà họ đã dùng đối với những nghiệp đoàn xã hội. Để sửa soạn cho cuộc nổi dậy cướp chính quyền, điều cần thiết là quét sạch mọi lực lượng có tổ chức (dù tả, hữu hay trung lập) có thể làm hậu thuẫn cho chính phủ hoặc làm cản trở đảng phát-xít vào thời độ quyết định của cuộc nổi dậy và cắt đứt những mấu chốt vào thời điểm quyết định của cuộc đảo chánh. Không những phải phòng ngừa cuộc tổng đình công, mà còn đề phòng cả mặt trận hợp nhất của chính phủ, Quốc hội và giới vô sản. Đảng phát-xít cần phải tạo một khoảng trống chung quanh mình, phải quét tan bất cứ lực lượng có tổ chức nào: chính trị, hay nghiệp đoàn, vô sản hay tư sản, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, hội thợ thuyền, Trụ sở Lao động, báo chí, các đảng phái chính trị. Trong sự ngạc nhiên của giới tư sản phản động và tự do vốn cho rằng vai trò của phát-xít đã chấm dứt, và trong sự vui sướng của thợ thuyền và nông dân, sau khi đã dùng bạo động giải tán những tổ chức cộng hòa và thiên chúa giáo, những sơ mi đen khởi công chống những người tự do, dân chủ, tam điểm, bảo thủ và mọi người tư sản trí thức. Cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản được những đảng viên phát-xít ủng hộ hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống giai cấp vô sản. Những toán xung kích gồm phần lớn thợ thuyền, tiểu công nghệ gia và nông dân. Và hơn nữa, đấu tranh chống với giới tư sản cũng đã là chống chính phủ, chống Nhà Nước. Cảnh những người tự do, dân chủ, bảo thủ này khi kêu gọi phát-xít tham dự khối Quốc gia vội vàng đặt Mussolini vào điện Pathéon của những “cứu tinh của tổ quốc” (từ 50 năm nay nước Ý đầy rẫy “những cứu tinh của tổ quốc”: cái gì trước hết là một sứ mệnh đều trở nên một nghề nghiệp chính thức hay gần như vậy; người ta có thể chờ đợi mọi điều ở một nước đã được cứu quá nhiều lần), chính những người đó không muốn chịu hiểu rằng mục đích của Mussolini không phải là cứu vớt nước Ý theo truyền thống chính thức, mà là chiếm chính quyền: chương trình thành thật hơn chương trình năm 1919 nhiều. Nhưng bây giờ đối với giai cấp tư sản và cách mạng, không có gì kém hợp pháp, khó được chấp nhận hơn cái bạo lực phát-xít đã từng được hoan nghênh nhiệt liệt khi nó được dùng để chống lại những tổ chức vô sản. Ai tin được rằng Mussolini, con người yêu nước khi lãnh đạo đấu tranh chống cộng sản, xã hội, cộng hòa, lại ngày một ngày hai trở thành một con người nguy hiểm, một kẻ tham vọng không có tiên kiến tư sản, một tay bạo động quả quyết chiếm chính quyền chống cả Nhà vua lẫn Quốc hội? Nếu đảng phát-xít trở thành mối nguy hại cho Nhà nước, thì đó là lỗi của Giolitti. Lẽ ra phải bóp nghẹt nó đúng lúc, đặt nó ra ngoài vòng pháp luật ngay từ đầu, đè bẹp nó bằng vũ khí như người ta đã đè bẹp d’Annunzio. Cái thứ “bôn-sê-vich quốc gia” này còn nguy hiểm nhiều so với hơn bôn-sê-vich kiểu Nga, mà giai cấp tư sản có thể khẳng định được là họ không e sợ. Chính phủ Bonomi có thể sửa chữa những sai lầm của chính phủ Giolitti không? Đối với Bonomi, cựu đảng viên xã hội, vấn đề phát-xít chỉ là vấn đề cảnh sát. Giữa con người mát-xít này, người định dùng phản ứng cảnh sát bóp nghẹt phát-xít trước khi đảng chiếm chính quyền, và Mussolini, người muốn cướp thời gian, có một đấu tranh một mất một còn vào những tháng cuối cùng của năm 1921, được đánh dấu bằng những cuộc hành hình, những bạo động, những xung đột đẫm máu. Mặc dù Bonomi chống lại sơ mi đen bằng cách thành lập mặt trận hợp nhất tư sản và vô sản (được chính phủ nâng đỡ, thợ thuyền cố gắng tái lập những tổ chức giai cấp của họ), chiến thuật của Mussolini vẫn tiếp tục phát triển có hệ thống. Sau sự thất bại của cuộc ngưng chiến giữa phát-xít và xã hội, sự thiếu can đảm và thiếu sáng suốt của những đảng tư sản, lòng ích kỷ hẹp hòi của họ mong chống lại bạo lực của sơ mi đen bằng một thứ chủ nghĩa Machiavel thô kệch, hùng biện và yêu nước, tất cả điều đó đã làm công nhân mất tinh thần. Năm 1922 mở đầu một bức toàn cảnh buồn thảm và u ám: đảng phát-xít, bạo động và có phương pháp, dần dần xâm chiếm tất cả những đường gân chủ yếu của xứ sở; tổ chức chính trị, nghiệp đoàn của nó giăng phủ khắp nước Ý. Bản đồ của bán đảo, đầy thành phố, làng mạc với những người xốn xang, hăng hái và ưa gây rối, được vẽ như một bức vẽ xâm mình trong bàn tay phải của Mussolini. Bonomi đã ngã quị trong một đám vụn vôi gạch, dưới những tàn tích của thế giới chính trị và nghiệp đoàn. Nhà nước bị đảng phát-xít đã chiếm đóng toàn xứ sở vây hãm, nằm trong tay những sơ mi đen. Uy quyền của Nhà nước chỉ thoi thóp trong vài trăm đảo nhỏ là quận xã, trại cảnh sát rải rác khắp nước Ý, giữa ngọn triều cách mạng. Giữa nhà Vua và chính phủ nhen nhúm lên sự sợ hãi những trách nhiệm, hố phân cách càng rộng. Mưu mẹo cũ kỹ của những chính phủ hiến định: Nhà vua dựa vào quân đội và Thượng viện, Chính phủ dựa vào cảnh sát và Quốc hội. Điều đó cũng không khỏi khơi dậy lên lòng nghi kỵ của giai cấp tư sản tự do và của công nhân. Khi Mussolini (8.1922) loan báo cho toàn quốc biết là đảng phát-xít đã sẵn sàng chiếm chính quyền, thì chính phủ, trong một nỗ lực cùng cực, cố gắng đề phòng cuộc nổi dậy và cố gắng bẻ gãy vòng vây của phát-xít bằng một cuộc nổi loạn của thợ thuyền và nông dân. Cuộc tổng đình công bùng nổ vào tháng 8 theo lệnh của một thứ Ủy ban Cứu nguy Dân tộc qui tụ những đảng dân chủ, xã hội, cộng hòa và Tổng Liên đoàn lao công. Người ta gọi đó là cuộc “đình công hợp pháp”, trận chiến cuối cùng chống sơ mi đen của những người bảo vệ tự do, dân chủ, luật pháp và Nhà nước. Sau rốt, Mussolini đã đi đến chỗ có thể đập tan địch thủ nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất cho cuộc đảo chánh phát-xít, là cuộc tổng đình công từ ba năm nay vẫn đe dọa từng giây phút đập vỡ những trọng điểm của Cách mạng, cuộc đình công phản Cách mạng mà ông đã chiến đấu từ 3 năm trời chống lại một cách có hệ thống, bằng cách chống những tổ chức nghiệp đoàn của giai cấp vô sản. Khi chống lại phát xít bằng cách phát động cuộc phản cách mạng của công nhân, chính phủ và giai cấp tư sản tự do phản động tính bẻ gãy đà nổi dậy của sơ mi đen, do đó tránh cho Nhà nước trong một thời gian nào đó khỏi bị hiểm họa của cuộc Cách mạng. Nhưng cùng lúc mà những toán phát-xít gồm kỹ thuật gia và thợ chuyên môn thay thế những người đình công trong những dịch vụ công cộng, thì cuộc bạo động khủng khiếp của sơ mi đen trong vòng 24 giờ đã đè bẹp đạo quân bảo vệ Nhà nước qui tụ dưới lá cờ đỏ của Tổng liên đoàn Lao công Không phải vào tháng 10 mà vào tháng 8 đảng phát-xít đã nắm được chiến thắng quyết định cho cuộc chinh phục Nhà nước. Sau sự thất bại của “cuộc đình công hợp pháp”, Facta - con người nhu nhược, lương thuận và trung thành – chỉ còn ngồi ở địa vị mình để bao bọc cho nhà Vua mà thôi. Dù rằng chương trình phát-xít 1919 là chương trình cộng hòa mà những sơ mi đen của đội vệ binh cũ vẫn tin tưởng thành khẩn, nhà Vua không còn cần tới thái độ trung thành của Facta nữa: vào đêm trước cuộc đảo chánh, Mussolini cho dấu hiệu khởi nghĩa bằng tiếng hô: “Đức vua vạn tuế!” Cuộc đảo chánh không có chút gì gọi là có tính cách kịch như một vài đồ đệ Plutarque, những con bệnh từ chương, muốn gán cho. Không có những từ ngữ vĩ đại, những thái độ hào nhoáng, những cử chỉ theo kiểu Jules César, Cromwell và Bonaparte. May thay, những binh đoàn tiến về thủ đô không phải là những binh đoàn của César từ Gaules đến, và Mussolini không ăn mặc theo kiểu La mã. Người ta không viết lịch sử theo những thạch bản màu về những biến cố hay theo những bức tranh của các họa sĩ chính thức. Thật khó mà hiểu sao trước kia bức họa Napoléon của David đã từng có cái thần khí quá sáng chói, quá chính xác và quá tân kỳ như vậy lại làm cho ông khác với chính Napoléon đó được vẽ bởi David hay được điêu khắc bởi Canova, cũng như Mussolini khác với Jules César hay Bartolomeo Colleoni. Trong một vài thạch bản màu người ta thấy những sơ mi đen đi dạo, trong cuộc khởi nghĩa tháng 10-1992, xuyên qua một nước Ý trang hoàng bằng những cánh cung của Titus, những nấm mộ, những nhà mồ, những cột, cổng vòm, tượng, dưới một bầu trời đầy phượng hoàng, làm như cuộc đảo chánh phát-xít lấy nước Ý của Ovide và Horace làm kịch trường, lấy những chiến binh La mã làm những anh hùng và lấy chính Jupiter làm bầu gánh, chỉ bận tâm lo cứu những bề ngoài hợp hiến bằng quan niệm cổ điển về sự đạo diễn. Những thạch bản khác lại cho chúng ta thấy một Mussolini lãng mạn lạc lõng trong một phong cảnh tân cổ điển: ông ta đó, hoặc đi bộ hoặc đi ngựa, dẫn đầu chiến binh của ông, vị anh hùng xanh xao và tươi tắn ấy đang giải thích lịch sử theo sở thích của thạch bản màu! Trên cái nền của những thủy lộ đổ nát, trong những cánh đồng La mã khắc nghiệt và tàn khốc, Mussolini hình như nổi bật lên từ một vở kịch của Pietro Cossa, từ một câu thơ của Carducci và d’Annunzio; người ta nói rằng túi quần của ông nhét đầy sách của Nietzsche. Những thạch bản màu này đều là sự sùng thượng cái sở thích xấu xa về văn hóa và văn chương Ý trong 50 năm gần đây. Trước những hình ảnh này về cuộc đảo chánh phát-xít, người ta ngạc nhiên thấy Mussolini đã có thể lật đổ chính phủ của Facta và chiếm quyền. Nhưng Mussolini của tháng 10.1922 không phải là Mussolini của những thạch bản màu: đó là một người thời mới, lạnh lùng, bạo tợn, dữ dội và có tính toán. Vào đêm trước cuộc đảo chánh, tất cả những địch thủ của phát-xít đều bị loại khỏi vòng chiến (những tổ chức nghiệp đoàn của công nhân, đảng cộng sản, đảng xã hội, cộng hòa, thiên chúa giáo, dân chủ, tự do). Bị bóp nghẽn ngay từ tháng 8, cuộc tổng đình công không đập vỡ được những trọng điểm của cuộc nổi dậy: thợ thuyền không dám bỏ việc và xuống đường nữa. Những vụ đột kích trả thù mà phát-xít dùng để bóp nghẽn “cuộc đình công hợp pháp”, đã đập tan tinh thần chiến đấu của giới vô sản. Ngay khi Mussolini từ Milan trương cờ đen khởi nghĩa, thì những toán phát-xít gồm kỹ thuật gia và thợ chuyên môn đã chớp nhoáng xâm chiếm tất cả những điểm chiến lược của tổ chức kỹ thuật Nhà Nước. Trong vòng 24 giờ, toàn nước Ý bị quân phát-xít gồm 200.000 sơ mi đen chiếm đóng. Những lực lượng cảnh sát, những cảnh vệ, những ngự lâm quân không đủ để tái lập trật tự. Bất cứ nơi nào mà những lực lượng cảnh sát toan tính xua đuổi sơ mi đen khỏi những vị trí chiếm đóng, đều thất bại dưới hỏa lực của những ổ trung liên phát-xít. Từ tổng hành dinh cách mạng Pérouse, những nhân vật trong tứ trụ hay Ủy ban Cách mạng Quân đội, gồm Bianchi Balbo, de Vecchi, và de Bono, điều động cuộc nổi dậy theo kế hoạch do Mussolini soạn từng chi tiết. Năm mươi ngàn người tập trung trong vùng nông thôn quanh La mã sẵn sàng tiến về thủ đô: chính trong tiếng hô “Đức vua vạn tuế", mà quân sơ mi đen vây hãm La mã, và trong La mã không phải chỉ có chính phủ, còn có cả Nhà Vua. Dù rằng thái độ trung quân của Mussolini, dựa trên một quân đội cách mạng, chưa có lâu lắc gì cho lắm, một ông Vua lập hiến vẫn phải ưa thái độ đó hơn là thái độ trung quân của một chính phủ không có quân đội. Khi Hội đồng Tổng trưởng quyết định xin nhà Vua ký sắc lệnh ban hành tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, hầu như nhà Vua đã không chịu ký. Người ta không biết chính xác điều gì đã xảy ra trong trường hợp ấy; điều được biết chắc chắn là tình trạng thiết quân luật đã được ban hành, nhưng chỉ kéo dài có nửa ngày. Quả là quá ít nếu nhà Vua đã ký sắc lệnh; và quá nhiều nếu nhà Vua đã không ký. Bằng chiến thuật cách mạng đã áp dụng một cách có hệ thống trong 3 năm tranh đấu đẫm máu, đảng phát-xít đã chiếm chính quyền trước khi sơ mi đen vào thủ đô. Cuộc nổi dậy chỉ làm đổ chính phủ. Cả sự thiết quân luật, đặt Mussolini ra ngoài vòng pháp luật, lẫn sự đề kháng của quân đội cũng không thể làm thất bại được cuộc đảo chánh phát-xít vào năm 1992. Giolitti nói: “Tôi đã học được ở Mussolini điều này, là muốn bảo vệ nhà Nước cần chống lại chiến thuật cách mạng chứ không phải là chống chương trình của cuộc cách mạng đó". Ông mỉm cười thú nhận rằng ông đã không thể lợi dụng được bài học này.
HẾT