Dịch giả: Thái Độ
Chương II
LỊCH SỬ MỘT CUỘC ĐẢO CHÁNH HỤT hay TROTZKY CHỐNG STALINE

 Staline là chính khách Âu châu độc nhất đã biết lợi dụng bài học cuộc Đảo chánh tháng mười 1917. Nếu tất cả các đảng cộng sản Âu châu đều phải học Trotzky về nghệ thuật cướp quyền thì các chính phủ tự do dân chủ phải học nghệ thuật bảo vệ chính quyền chống chiến thuật dấy loạn cộng sản, nghĩa là chống chiến thuật Trotzky, nơi Staline.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, cuộc tranh chấp giữa Staline và Trotzky là giai đoạn phong phú nhất mà lịch sử chính trị Âu châu đã để lại. Những dấu hiệu của cuộc tranh chấp này đã xuất hiện từ một thời kỳ rất lâu trước Cách mạng tháng 10-1917. Sau đại hội ở Luân Đôn năm 1903 khi xảy ra sự chia rẽ giữa Lénine và Martoff, giữa những đảng viên Bôn-sê-vích và Men-sê-vích, Trotzky đã công khai tách rời khỏi hệ thống tư tưởng lê nin nít: mặc dù ông không tuyên bố là theo phe Martoff, ông thấy mình gần với lý thuyết Men-sê-vích. Nhưng thật ra, nhu cầu giải thích tư tưởng Lê-nin-nít, sự nguy hiểm của chủ nghĩa Trốt-kít, nghĩa là sự nguy hiểm trong các lối giải thích sai lệch đường lối chính thống, những tà thuyết... tất cả chỉ là những cái cớ và những lời biện minh chính thức cho một sự thù nghịch đã bén rễ từ những nguyên nhân sâu xa trong tâm trạng của những lãnh tụ bôn-sê-vích, trong tình cảm và trong quyền lợi của đám đông thợ thuyền và nông dân, trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của nước Nga sau cái chết của Lénine.
Lịch sử sự tranh chấp giữa Staline và Trotzky là lịch sử của âm mưu do Trotzky chủ động nhằm chiếm quyền cùng công việc bảo vệ chính quyền chống lại Trotzky của Staline. Đó là lịch sử của một cuộc đảo chánh hụt. Để chống lại lý thuyết "Cách mạng thường trực" của Trotzky, Staline tung ra những lý thuyết của Lénine và nền chuyên chính vô sản. Ta thấy cả hai phe đều nhân danh Lénine để kình chống nhau. Nhưng những âm mưu, những cuộc cãi vã và những bài ngụy thuyết phải chăng chỉ nhằm che đậy những biến cố quan trọng hơn các cuộc bút chiến về việc giải thích chủ thuyết Lê-nin-nít? Nguyên nhân chính của cuộc tranh chấp là quyền lực. Vấn đề kế vị Lénine được đặt ra từ lâu trước khi ông chết, từ khi những triệu chứng đầu tiên về căn bệnh của ông xuất hiện, không phải chỉ là một vấn đề tư tưởng chủ nghĩa. Những tham vọng cá nhân đã được che đậy sau những vấn đề chủ nghĩa. Ta không nên để những lời biện minh chính thức về các cuộc tranh luận đánh lừa. Mối quan tâm của Trotzky trong cuộc bút chiến là nhằm chứng tỏ rằng mình là kẻ bảo vệ bất vụ lợi cái thừa sản tinh thần và trí thức của Lénine, kẻ canh chừng những nguyên tắc của cách mạng tháng mười, đảng viên cộng sản kiên trì đang chống lại sự hủ hóa thư lại trong nội bộ đảng cùng sự trưởng giả hóa guồng máy công quyền Sô viết. Còn đối với Staline, vấn đề là che dấu không cho các đảng cộng sản khác cũng như các nước Âu Châu tư bản dân chủ và tự do biết những nguyên nhân chính của cuộc tranh chấp đang diễn ra trong nội bộ đảng, giũa những đệ tử kỳ cựu của Lénine, giữa những người tiêu biểu nhất của Liên bang Sô viết Nga. Thật ra Trotzky chiến đấu nhằm chinh phục và Staline nhằm bảo vệ chính quyền.
Staline không có cái tính lừng khừng, không dễ dàng bị lôi cuốn vì một vấn đề thiện hay ác, không có cái lòng vị tha mơ hồ, không có cái tính chất thật thà và tàn nhẫn của người Nga. Staline không phải là người Nga, ông là người xứ Georgia. Mưu lược của ông là biết xử dụng lòng kiên nhẫn, ý chí sắt đá và sự khôn ngoan mà thành. Ông luôn lạc quan và bướng bỉnh. Địch thủ của ông đã nhầm lớn khi cho rằng ông ngu si, thiếu học và thiếu thông minh. Họ lầm, nhưng ta cũng không thể nói rằng ông là tay có học, một dân văn minh sành luận lý và tâm lý; nói cho rõ hơn, ông có những đặc tính trái ngược hẳn với nền tảng văn hóa và đạo đức Tây phương. Sự minh mẫn còn trong trạng thái thiên nhiên không thiên kiến về văn hóa hay đạo đức. Như người ta thường nói dáng đi phản ảnh con người. Trong kỳ Đại hội Sô viết Liên Nga, tổ chức tại nhà hát lớn Mạc Tư Khoa vào tháng 5.1929, tôi đã thấy Staline đi, thấy ông bước lên diễn đàn. Tôi đang ngồi trong hàng ghế dành cho ban nhạc, ngay dưới sân khấu khi Staline hiện ra sau hàng các Ủy viên Nhân dân, các nhân viên của hội đồng trung ương đảng. Ông ăn mặc thật giản dị, một cái áo chẽn màu xám cắt theo kiểu nhà binh với một cái quần vải mầu xẫm bó sát trong đôi giầy cao ống. Vai vuông, nhỏ thó, vạm vỡ, đầu hơi lớn với mớ tóc quăn, hàng lông mi rất đen như làm cho đôi mắt thêm dài và lớn, bộ râu đậm mầu cánh kiến làm cho khuôn mặt thêm nặng nề. Ông bước đi chậm chạp, nặng nề, gót nện xuống sàn nhà cồm cộp. Với cái đầu chúi tới đằng trước, hai tay vung vẫy, ông có dáng vẻ của một gã nông dân miền núi, thô kệch kiên nhẫn và bướng bỉnh. Trước tràng pháo tay nổi dậy như sấm chào mừng, chẳng thèm quay lại, ông tiếp tục chậm rãi bước tới, đứng đằng sau Rykoff và Kalinine, đầu ngửng lên, thản nhiên để đám đông hoan hô rồi ông đứng yên, đôi mắt lạnh lùng nhìn thẳng về phía trước. Chỉ có khoảng vài chục đại biểu Thát Đát, đại diện cho các cộng hòa sô viết tự trị của dân tộc Bachkir, Bouriate-Mongol, Daghestan và Iakoute là đứng yên trong lô của họ. Mặc những bộ đồ lụa vàng và xanh cổ truyền, với những chiếc mũ kiểu thát đát viền bạc chụp lên mớ tóc dài đen mượt, họ giương những cặp mắt sếch thản nhiên nhìn Staline, kẻ độc tài, bàn tay sắt của cách mạng, kẻ tử thù của Tây Phương, của Âu châu trưởng giả, mập ù và văn minh. Ngay từ lúc cơn cuồng nhiệt của đám đông bắt đầu dịu xuống, Staline chậm chạp quay đầu về phía các dân biểu Tartares: cái nhìn của những người Mông cổ và cái nhìn của nhà độc tài giao nhau. Một tiếng hét vang dội lên từ phía thính đường: cứu nguy nước Nga vô sản của Á châu đỏ, của các dân tộc đồng cỏ, của các sa mạc, các sông lớn châu Á. Staline lại quay khuôn mặt thản nhiên của mình về phía cử tọa. Ông bất động và người cúi xuống, đôi mắt tẻ nhạt nhìn thẳng về phía trước.

*

Sức mạnh của Staline, chính là sự điềm tĩnh và lòng kiên nhẫn. Ông coi chừng các cử chỉ của Trotzky, nghiên cứu các cử động theo dõi các bước chân nhanh nhưng bất định và nóng nẩy của Trotzky bằng bước đi nặng nề và chậm chạp kiểu nông dân của mình. Staline kín đáo khép kín, lạnh lùng, bướng bỉnh, còn Trotzky thì kiêu ngạo, dữ dội, ích kỷ, không kiên nhẫn, bị tham vọng và trí tưởng tượng của mình chế ngự. Bản chất của Trotzky là nóng nẩy cuồng nhiệt, liều lĩnh, gây hấn. Staline phê bình về Trotzky: "Một tên Do thái khốn nạn". Còn Trotzky nói về Staline như sau: "Một tên Thiên chúa giáo bất hạnh".
Trong cuộc nổi dậy tháng 10, khi không báo trước cho cả Ủy ban Trung ương lẫn Ủy hội, Trotzky ném đạo Hồng vệ của mình vào công cuộc chinh phục Nhà nước, thì Staline tránh xa. Staline là kẻ duy nhất phân biệt được những diện yếu cùng những lầm lẫn của Trotzky, và cũng là người duy nhất tiên đoán được nhửng hậu quả xa xôi của những lầm lẫn đó. Với cái chết của Lénine, khi Trotzky đột ngột đặt vấn đề kế vị Staline đã chiếm được guồng máy đảng và đã nắm được các vị trí điều khiển. Khi Trotzky kết tội Staline là đã nỗ lực giải quyết vấn đề kế vị một cách có lợi cho mình ngay từ trước khi Lénine chết thật lâu, quả thật đúng là Trotzky đã đưa ra một kết án không ai có thể chối cãi được.
Dầu sao, cũng chính Lénine trong khi đau ốm, đã cho Staline một địa vị ưu đãi trong đảng. Và Staline đã lợi thế khi đáp lại các lời kết án trên của địch thủ rằng bổn phận của ông là hiện diện đúng lúc chống lại các hiểm nguy do cái chết không thể tránh được của Lénine sẽ tạo ra. Trotzky kết án: "Đồng chí đã lợi dụng căn bệnh của Người", Staline trả lời: "Tôi làm thế để ngăn cản đồng chí lợi dụng cái chết của Người".
Trotzky đã hết sức khéo léo khi thuật lại cuộc chiến đấu chống Staline của mình. Trong các trang ông viết lại, không chỗ nào cho thấy rõ bản chất thật của sự tranh chấp này. Sự lo lắng bận tâm lớn nhất, thường trực ở Trotzky là chứng tỏ với giới vô sản quốc tế và vô sản Nga, nhất là vô sản quốc tế, rằng ông không phải là con người như người ta đã kết án, không phải là một Catalina bôn sê vích sẵn sàng phiêu lưu đủ chuyện như người ta đã gán ghép. Cái mà mọi người gọi là cơn điên rồ ấy, theo ông, chỉ là một nỗ lực diễn giải theo kiểu Lénine, chủ thuyết Lénine. Lý thuyết "cách mạng thường trực" không là một hiểm nguy cho sự thống nhất chủ thuyết của đảng hay an ninh quốc gia. Ông không hề muốn là một Luther hay một Bonaparte.
Sự bận tâm như một sử gia của ông hoàn toàn là có tính cách tranh luận mà thôi. Hầu như là đã có một thỏa hiệp ngầm, cả Staline lẫn Trotzky đều cố gắng mang lại một tính cách tranh chấp tư tưởng cho một cuộc tranh chấp thực ra là tranh chấp quyền hành. Vả lại chính thức mà nói, chưa hề có lời kết án Trotzky muốn làm Bonaparte. Một lời kết án như vậy dễ làm cho vô sản quốc tế thấy rằng cuộc cách mạng Nga đã lâm vào dốc thóai hóa trưởng giả mà chủ nghĩa Bonaparte là một trong những dấu hiệu hiển nhiên nhất. Staline đã viết trong bài tựa của cuốn sách mang tên Về Tháng Mười như sau: "Lý thuyết cách mạng thường trực chỉ là một biến thái của chủ nghĩa men-sơ-vic." Đó là lời kết án chính thức: Trotzky có tội là đã rơi vào trong sự điên khùng men-sơ-vic. Nhưng nếu có thể dễ dàng đánh lừa vô sản quốc tế về bản chất đích thực của cuộc tranh chấp Staline Trotzky, thì lại không thể che dấu nổi tình hình thực sự đối với nhân dân Nga. Tất cả mọi người đều hiểu rằng Staline không chiến đấu chống lại một thứ lý thuyết men-sơ-vic lạc đường trong mê hồn trận của các diễn giải lý thuyết Lénine, mà chống lại một Bonaparte đỏ, kẻ duy nhất có thể biến cái chết của Lénine thành một cuộc đảo chánh cùng đặt vấn đề kế vị Lénine trên bình diện nổi dậy.
Từ lúc khởi đầu năm 1924 đến khi chấm dứt năm 1926, cuộc tranh chấp duy trì tính cách một cuộc tranh luận giữa các kẻ ủng hộ lý thuyết "cách mạng thường trực" và những kẻ bảo thủ chính thống lý thuyết của Lénine, nhữmg kẻ mà Trotzky gọi là những tên giữ xác ướp của Lénine. Trotzky, với tư cách Ủy viên Chiến tranh, có quân đội cùng các tổ chức nghiệp đoàn do Tomski đứng đầu- ông này thù nghịch với chương trình của Staline, kẻ bắt các nghiệp đoàn lệ thuộc vào đảng: Tomski bảo vệ quyền tự trị họat động của nghiệp đoàn trong mọi tương quan đối với nhà nước. Lénine đã bận tâm đến sự khả dĩ có một sự liên minh giữa Hồng quân và các nghiệp đoàn ngay từ 1920. Sau khi Lénine chết, thỏa hiệp giữa Trotzky và Tomski đưa tới các hậu quả: ta thấy hình thành một mặt trận duy nhất quân nhân và thợ thuyền, chống lại sự thóai hóa tiểu tư sản và nông dân, chống lại cái mà Trotzky gọi là "Thermidor của Staline." Đối diện với mặt trận duy nhất ấy, Staline nắm giữ Guépéou (mật vụ) và bộ máy bàn giấy của cả đảng lẫn chính quyền, thấy xuất hiện nỗi nguy có một vụ 18 Brumaire mới. Danh tiếng vĩ đại bao phủ tên Trotzky, vinh quang do các chiến thắng của Trotzky đối với Youdenitch, Kolchak, Denikine, Wrangel, cùng lòng kiêu ngạo thâm hiểm và táo bạo đã làm ông trở thành một thứ Bonaparte đỏ được sự ủng hộ của quân đội, thợ thuyền cùng tinh thần cách mạng của các thanh niên cộng sản chống lại những kẻ bảo thủ chủ nghĩa Lénine cùng giới tăng lữ cao cấp của đảng. Troĩka (bộ ba, tam đầu chế) nổi danh Staline, Zinovieff và Kameneff xử dụng những mưu kế tinh tế nhất mà sự giả trá, âm mưu và cạm bẫy có thể mang lại để làm mất uy tín Trotzky trước quần chúng, gây sự bất hòa trong các đồng minh của Trotzky, reo rắc nghi ngờ và bất mãn trong hàng ngũ những kẻ ủng hộ, cùng tạo sự thất sủng và nghi ngờ đối với mọi lời nói, cử chỉ và ý định của Trotzky.
Từ lúc khởi đầu năm 1924 đến khi chấm dứt năm 1926, cuộc tranh chấp duy trì tính cách một cuộc tranh luận giữa các kẻ ủng hộ lý thuyết "cách mạng thường trực" và những kẻ bảo thủ chính thống lý thuyết của Lénine, nhữmg kẻ mà Trotzky gọi là những tên giữ xác ướp của Lénine. Trotzky, với tư cách Ủy viên Chiến tranh, có quân đội cùng các tổ chức nghiệp đoàn do Tomski đứng đầu- ông này thù nghịch với chương trình của Staline, kẻ bắt các nghiệp đoàn lệ thuộc vào đảng: Tomski bảo vệ quyền tự trị họat động của nghiệp đoàn trong mọi tương quan đối với nhà nước. Lénine đã bận tâm đến sự khả dĩ có một sự liên minh giữa Hồng quân và các nghiệp đoàn ngay từ 1920. Sau khi Lénine chết, thỏa hiệp giữa Trotzky và Tomski đưa tới các hậu quả: ta thấy hình thành một mặt trận duy nhất quân nhân và thợ thuyền, chống lại sự thóai hóa tiểu tư sản và nông dân, chống lại cái mà Trotzky gọi là "Thermidor của Staline." Đối diện với mặt trận duy nhất ấy, Staline nắm giữ Guépéou (mật vụ) và bộ máy bàn giấy của cả đảng lẫn chính quyền, thấy xuất hiện nỗi nguy có một vụ 18 Brumaire mới. Danh tiếng vĩ đại bao phủ tên Trotzky, vinh quang do các chiến thắng của Trotzky đối với Youdenitch, Kolchak, Denikine, Wrangel, cùng lòng kiêu ngạo thâm hiểm và táo bạo đã làm ông trở thành một thứ Bonaparte đỏ được sự ủng hộ của quân đội, thợ thuyền cùng tinh thần cách mạng của các thanh niên cộng sản chống lại những kẻ bảo thủ chủ nghĩa Lénine cùng giới tăng lữ cao cấp của đảng. Troĩka (bộ ba, tam đầu chế) nổi danh Staline, Zinovieff và Kameneff xử dụng những mưu kế tinh tế nhất mà sự giả trá, âm mưu và cạm bẫy có thể mang lại để làm mất uy tín Trotzky trước quần chúng, gây sự bất hòa trong các đồng minh của Trotzky, reo rắc nghi ngờ và bất mãn trong hàng ngũ những kẻ ủng hộ, cùng tạo sự thất sủng và nghi ngờ đối với mọi lời nói, cử chỉ và ý định của Trotzky. Xếp sòng mật vụ Guépéou, kẻ cuồng tín Dzerjinksi, đã bao vây Trotzky bằng một hệ thống tình báo viên cùng cán bộ gây rối khiêu khích. Bộ máy bí mật và ghê khiếp của Guépéou được xử dụng để cắt từng sợi gân của địch thủ. Dzerjinski làm việc trong bóng tối trong khi Trotzky hoạt động giữa ban ngày. Quả thực vậy, trong khi troĩka phá họai dần uy tín, làm nhơ danh tiếng của Trotzky, cố gắng trình bày ông này như một kẻ đầy tham vọng nhưng thất bại, một kẻ lợi dụng cách mạng, phản bội vong hồn Lénine, thì Trotzky lao vào tấn công Staline, Zinovieff và Kameneff cùng Ủy ban trung ương đảng, những kẻ bảo vệ chủ nghĩa Lénine, bộ máy bàn giấy quan liêu của đảng: ông tố cáo sự hiểm nguy có một vụ thermidor tiểu tư sản và nông dân, ông kêu gọi sự ủng hộ của giới đảng viên cộng sản trẻ chống lại bạo chế của giới tăng lữ cao cấp của cách mạng. Troĩka phản công bằng một chiến dịch bôi xấu vu vạ rất tàn bạo. Tất cả báo chí tuân theo khẩu lệnh của Staline. Dần dần, hàng ngũ chung quanh Trotzky thưa dần. Những kẻ yếu do dự, rút ra tránh xa một chỗ, dấu đầu dưới cánh. Những kẻ bướng bỉnh, dữ dội và can đảm nhất chiến đấu oai dũng đầu ngẩng cao, nhưng mạnh ai người ấy làm, mất liên lạc với nhau. Họ nhắm mắt lao mình vào chống bộ ba, bị mắc kẹt trong hệ thống của các âm mưu, cạm bẫy, phản bội, họ bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau. Binh sỹ và thợ thuyền coi Trotzky như là kẻ sáng tạo ra Hồng quân, kẻ chiến thắng Kolchak và Wrangel, kẻ bảo vệ tự do nghiệp đoàn cùng sự chuyên chế vô sản chống lại sự phản động của N.E.P. cùng nông dân, họ vẫn trung thành với con người của cuộc nổi dậy tháng mười cùng những tư tưởng của ông. Nhưng sự chung thủy của họ là thụ động, bất động trong chờ đợi, và trở thành một trọng lượng vô ích trong chiến thuật gây hấn và dữ dội của Trotzky.
Trong những giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, Trotzky có ảo tưởng là mình có thể tạo ra một sự phân hóa trong đảng. Với sự ủng hộ của quân đội cùng các nghiệp đoàn, ông tính lật đổ troĩka, ngăn ngừa một vụ Thermidor của Staline bằng một vụ 18 Brumaire của "Cách mạng thường trực", chiếm lấy Đảng và Nhà nước để thực hiện chương trình Cách mạng toàn diện của mình. Nhưng những bài diễn văn, những bài châm biếm, tranh luận về những cách diễn giải tư tưởng Lénine không đủ để tạo ra một sự phân hóa trong đảng. Cần phải hành động: Trotzky chỉ còn phải chọn đúng lúc nữa thôi. Các hoàn cảnh thuận lợi cho dự tính này. Các bất đồng ý kiến bắt đầu nẩy sinh giữa Staline, Zinovieff và Kameneff. Vậy tại sao Trotzky đã không ra tay?
Đáng lẽ hành động, đáng lẽ từ bỏ mọi tranh luận để sang địa hạt hành động nổi dậy, Trotzky lại để mất thì giờ của mình trong việc nghiên cứu tình hình chính trị và xã hội ở Anh, dạy cho các cộng sản Anh các quy tắc cần phải theo để cướp chính quyền, tìm kiếm những điểm tương đồng giữa quân đội thanh giáo của Cromwell và hồng quân, làm những cuộc so sánh giữa Lénine, Cromwell, Robespierre, Napoléon và Mussolini. Trotzky viết: "Lénine không thể đem so với Bonaparte hay Mussolini được, mà phải so với Cromwell và Robespierre. Lénine là Cromwell vô sản của thế kỷ XX. Định nghĩa này là lời khen ngợi cao nhất mà ta có thể mang lại cho Cromwell tiểu tư sản của thế kỷ XVI". Đáng lẽ phải áp dụng, không một chút chậm trễ, chiến thuật tháng Mười của mình để chống Staline, Trotzky lại đi lo khuyến cáo, dạy bảo các thủy thủ đoàn của hạm đội Anh quốc, các thủy thủ, thợ đốt máy, thợ cơ khí, điện khí, về những gì họ phải làm để trợ giúp cho thợ thuyền chiếm Chính quyền. Ông phân tích tâm lý quân sỹ cùng thủy binh Anh quốc để suy đoán xử sự của họ khi họ được lệnh bắn vào thợ thuyền, ông phân tích cơ cấu vận hành của một cuộc nổi loạn để trình bày từng động tác những cử chỉ hành động của người lính từ chối không bắn, của kẻ do dự, của kẻ sẵn lòng bắn bạn đồng đội nào không chịu khai hỏa. Đây là ba động tác chính yếu của cơ cấu vận hành: kẻ nào trong ba người sẽ quyết định cuộc nổi loạn? Khi ấy, ông chỉ nghĩ tới Anh quốc, chú trọng nhiều tới MacDonald hơn là Staline: "Cromwell đã không thành lập một đạo quân, mà thành lập một đảng: quân đội của ông ta là một đảng võ trang, sức mạnh của ông ta là ở điểm này". Trên các chiến trường, mọi người đã gọi các quân sỹ của Cromwell là các cạnh sắt (cotes de fer). Trotzky nhận xét: "Các cạnh sắt bao giờ cũng hữu ích cho một cuộc Cách mạng. Về vấn đề này, các thợ thuyền Anh quốc còn phải học nhiều ở Cromwell lắm". Như vậy, tại sao Trotzky còn chưa quyết định hành động? Tại sao ông không ném các cạnh sắt của mình, các quân sỹ của Hồng quân, chống lại phe Staline?
Ông chần chừ, các địch thủ lợi dụng ngay: họ cất chức Ủy viên Chiến tranh cùng quyền kiểm sóat Hồng quân của ông. Một thời gian sau, Tomski bị đẩy ra khỏi chức vụ chỉ huy các nghiệp đoàn. Kẻ cuồng tín vĩ đại, con người Catalina đáng sợ đã bị tước khí giới: hai khí cụ mà con người Bonaparte bôn-sê-vic trông cậy để thực hiện kế họach 18 Brumaire, quân đội và các nghiệp đoàn, đều quay trở lại chống ông. Cơ quan Guépéou làm tan rã dần dần danh tiếng ông, và quần chúng những kẻ ủng hộ ông, thất vọng vì những xử sự mơ hồ cùng những yếu đuối không thể cắt nghĩa của ông, đã phân tán tan rã một cách thận trọng. Trotzky đau ốm, rời bỏ Moscou. Tháng năm 1926 ông nằm trong một bệnh viện ở Berlin: tin có tổng đình công ở Anh và cuộc đảo chánh của Pilsudzki làm ông lên cơn sốt. Ông phải trở về Nga, ông không được từ bỏ cuộc chiến đấu. "Còn nước, còn tát". Kẻ sáng tạo ra Guépéou, con người tàn nhẫn và cuồng tín Dzerjinski, chết vì một cơn bệnh apoplexie vào tháng 7.1926, trong một buổi hội của Ủy ban Trung ương, khi đọc một bài diễn văn dữ dội chống Trotzky. Sự liên minh giữa Kameneff và Zinovieff chống lại Staline đột nhiên cho thấy rõ sự bất đồng đã chín muồi từ lâu rồi giữa bộ ba của troĩka. Bây giờ là cuộc chiến xẩy ra giữa ba kẻ cùng là những kẻ giữ xác ướp của Lénine. Staline cho gọi người phụ tá Menjinski, kẻ kế vị Dzerjinski, lên nắm giữ cơ quan Guépéou: Kameneff và Zinovieff đứng về phía Trotzky. Lúc hành động đã đến. Làn thủy triều phiến nghịch đã dâng lên chung quanh điện Kremlin.

*

Từ lúc khởi đầu trận chiến chống Staline, Trotzky nhận xét, về Anh quốc, rằng các cuộc cách mạng không bắt buộc phải xảy ra: "Nếu ta có thể ấn định một lộ trình hợp lý, có thể tránh được các cuộc cách mạng". Vậy mà chính Trotzky đã ấn định một lộ trình hợp lý cho các nỗ lực cách mạng, đã mang lại các nguyên tắc và quy luật cho chiến thuật nổi dậy hiện đại. Lợi dụng bài học này, vào năm 1927, chính Staline đã chứng tỏ cho các chính quyền Âu châu rằng có thể bảo vệ được Nhà Nước trưởng giả chống lại nỗi nguy hiểm của một cuộc nổi dậy cộng sản.

*

Thụy Sỹ và Hoà Lan, nghĩa là hai Quốc gia cảnh sát hóa nhất và tổ chức vững nhất Âu châu, nơi mà trật tự không phải chỉ là sản phẩm của bộ máy chính trị và bàn giấy của Nhà Nước, mà là một đặc điểm tự nhiên của nhân dân, đối với sự áp dụng chiến thuật nổi dậy cộng sản, cũng không mang lại những khó khăn lớn hơn những khó khăn do Nga của Kérenski mang lại.
Nhận định nào lại có thể cho phép ta đưa ra một khẳng định nghịch lý như vậy? Nhận định sau: vấn đề đảo chính hiện đại là một vấn đề thuộc lọai kỹ thuật. Cuộc nổi dậy là một cái máy, Trotzky nói vậy: cần phải có các kỹ thuật gia để cho máy chạy, và cũng chỉ có những người này mới làm cho máy ngừng lại được thôi. Việc làm cho máy chuyển vận không tùy thuộc các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế của một nước. Cuộc nổi dậy không thực hiện bằng quảng đại quần chúng, mà bằng một nhóm người sẵn sàng làm tất cả mọi sự, được huấn luyện về chiến thuật nổi dậy, được đào luyện để đánh nhanh, đánh mạnh vào các trung tâm sinh tử của tổ chức kỹ thuật của Nhà nước. Đạo xung phong này phải bao gồm những ế-kíp thợ thuyền chuyên môn, cơ khí viên, thợ điện, chuyên viên viễn thông tất cả đặt dưới lệnh các kỹ sư, các kỹ thuật gia am hiểu họat động kỹ thuật của Chính quyền.
Năm 1923, trong một phiên họp của Komintern, Radek đã đề nghị tổ chức ở tất cả các nước Âu châu một đoàn thể đặc biệt để chinh phục Chính quyền. Quan điểm của Radek là 4000 người huấn luyện kỹ và hành động giỏi sẽ có thể chiếm chính quyền trong bất cứ một quốc gia Âu châu nào, ở Pháp cũng như ở Anh, ở Đức cũng như ở Thụy sỹ hay Tây ban nha. Radek không tin một chút nào ở khả năng cách mạng của đảng viên cộng sản các quốc gia khác. Những lời chỉ trích của ông về người và phương pháp của Đệ tam Quốc tế cũng chẳng kiêng nể ngay cả tới những người đã chết như Rosa Luxemburg và Liebknecht. Năm 1920, trong cuộc tấn công Ba Lan của Trotzky, trong khi hồng quân tiến gần sông Vistule và ở điện Kremlin mọi người chờ đợi từng giờ tin loan báo Varsovie thất thủ, Radek là kẻ duy nhất chống lại sự lạc quan của tất cả mọi người. Chiến thắng của Trotzky tùy thuộc một phần lớn sự trợ giúp của các đảng viên cộng sản Ba Lan. Lénine tin rằng, với một niềm tin mù quáng, cuộc nổi dậy của vô sản sẽ bùng lên ở Varsovie ngay khi hồng quân tiến đến sông Vistule: "Ta không được tin cậy ở cộng sản Ba Lan, Radek quả quyết như thế, vì họ chỉ là cộng sản chứ không phải là cách mạng". Một thời gian sau Lénine tuyên bố với Clara Zetkin: "Radek đã tiên liệu cái gì sẽ xẩy ra. Hắn đã báo trước cho chúng tôi. Lúc ấy tôi quả thực đã tức với hắn, tôi đã la hắn là đồ chủ bại. Nhưng chính hắn đã có lý. Hắn biết rõ hơn chúng tôi về tình hình bên ngòai nước Nga, nhất là trong các nước Tây phương".
Nhưng đề nghị lập đoàn đặc biệt để chiếm chính quyền trên của Radek đã bị cả Lénine cùng tất cả nhân viên của Komintern phản đối. Lénine quả quyết: "Nếu chúng ta muốn giúp cộng sản các quốc gia khác chiếm chính quyền, chúng ta phải nỗ lực tạo ra ở Âu châu những điều kiện tương tự như các điều kiện nước Nga vào năm 1917". Trung thành với quan niệm chiến lược của mình, Lénine đã quên mất bài học do các biến cố Ba lan trên đã mang lại. Chỉ duy có Trotzky là ủng hộ đề án của Radek. Ông còn đi tới chỗ ủng hộ sự cần thiết phải thành lập tại Moscou một trường huấn luyện kỹ thuật cho các người cộng sản có nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy một đoàn đặc biệt để cướp chính quyền trong mỗi quốc gia. Ý kiến này sau được Hitler mang ra áp dụng, cho tổ chức ở Munich một trường lọai này để huấn luyện các toán xung kích cho Quốc Xã. Trotzky khẳng định: "Với một đoàn đặc biệt chừng 1000 người, tuyển mộ trong giới thợ thuyền Berlin và do các Cộng sản Nga chỉ huy, tôi cam đoan là sẽ chiếm được Berlin trong 24 giờ. Ông không tin ở trào lưu, ở sự tham dự của quần chúng vô sản vào hành động nổi dậy. "Sự tham dự của quần chúng võ trang có thể hữu ích, nhưng là vào giai đoạn hai, để đẩy lui một cuộc phản công của các kẻ phản cách mạng". Ông cũng thêm rằng cộng sản Đức bao giờ cũng (thế nào cũng?) bị Shupos và Reicheswehr đánh bại, ngày nào họ chưa chịu quyết định áp dụng chiến thuật tháng 10, 1917. Trotzky và Radek còn soạn thảo cả một kế họach đảo chánh ở Berlin. Vào tháng 5.1926, khi tới thủ đô Đức để giải phẫu họng, Trotzky bị kết tội là tới Berlin để tổ chức một cuộc nổi dậy cộng sản.Nhưng vào 1926, Trotzky đã không còn chú trọng đến cách mạng ở các quốc gia Âu châu nữa. Tin loan báo có tổng đình công ở Anh và cuộc đảo chánh của Pilsudzki ở Ba lan đã làm ông lên cơn sốt và vội vã trở về Moscou. Đó là cơn sốt của những ngày vĩ đại tháng 10, cơn sốt đã biến Trotzky, như Lounatcharski (nói?) thành một bình Leyde. Xanh xao và lên cơn sốt, Trotzky trở lại Moscou để tổ chức toán xung kích nhằm lật đổ Staline và chiếm chính quyền.
Nhưng Staline đã biết lợi dụng bài học tháng 10.1917. Với sự trợ giúp của Menjinski, tân giám đốc cơ quan mật vụ Guépéou, Staline đã tổ chức một đoàn đặc biệt để bảo vệ Chính quyền. Cơ quan chỉ đạo của đoàn đặc biệt này được đặt tại điện Loubianke, trụ sở của Guépéou. Mejinski đích thân coi sóc việc tuyển mộ đoàn viên đoàn đặc biệt này, chọn lựa trong giới thợ các ngành kỹ thuật của chính quyền, thợ hỏa xa, cơ khí viên, thợ điện, chuyên viên hữu tuyến và vô tuyến điện thọai. Vũ khí trang bị cá nhân của họ chỉ gồm có lựu đạn và súng lục để họ khỏi bị vướng víu trong khi di chuyển và hành động. Đoàn đặc biệt này gồm 100 toán mỗi toán 10 người, có hai mươi xe tự động bọc sắt yểm trợ. Mỗi một liên toán có một phân đội liên thanh hạng nhẹ. Những kẻ đi xe gắn máy giữ việc liên lạc giữa các toán và Loubianka. Menjinski, kẻ chỉ huy trực tiếp tổ chức này, đã chia Moscou ra làm sáu khu: một hệ thống điện thoại bí mật liên lạc giữa khu này và khu khác qua Loubianka. Ngoại trừ Menjinksi, chỉ còn có các thợ thuyền đã thiết lập đường giây này mới biết được là có (sự hiện hữu?) cùng các lộ trình của hệ thống liên lạc này mà thôi. Như vậy, tất cả các trung tâm tối hệ trọng cho tổ chức kỹ thuật của Moscou đều được nối liền bằng điện thọai với Loubianka. Nhiều tổ được bố trí ở các điểm chiến lược của mỗi khu trong các nhà: đây là những cá nhân quan sát, kiểm sóat và kháng chiến (cự?), chúng là các mắt của sợi giây truyền hợp thành hệ thống thần kinh của tổ chức.
Đơn vị chiến đấu của đoàn đặc biệt này là toán. Mỗi toán phải tập luyện chuẩn bị hành động vào một địa thế được chỉ định trước, độc lập đối với các toán khác. Mỗi người phải biết thật chính xác nhiệm vụ của toán mình, cùng nhiệm vụ của chín toán khác cùng khu. Tổ chức này, theo lời của Menjinski là "bí mật và vô hình". Các đoàn viên không mặc đồng phục, không có một dấu hiệu bề ngòai nào để mọi người có thể nhận ra được họ: sự gia nhập của bọn họ vào tổ chức cũng giữ bí mật nữa. Ngòai một huấn luyện kỹ thuật và quân sự, họ còn thụ nhận một huấn luyện chính trị nữa: kích thích lòng căm thù đối với các kẻ địch, đã biết rõ hay còn bí mật, của cách mạng, căm thù những người Do thái, những kẻ ủng hộ Trotzky. Những người Do thái không được chấp nhận vào trong tổ chức. Đây quả thực là cả một trường chống Do thái, trong đó các đoàn viên đoàn đặc biệt học hỏi nghệ thuật bảo vệ chính quyền chống lại chiến thuật nổi dậy của Trotzky. Mọi người đã bàn cãi nhiều, ở Nga cũng như ở Âu châu, về bản chất và nguồn gốc bài Do thái của Staline. Những người này cho rằng đó là một nhượng bộ phải có một cách giai đoạn đối với các thành kiến của nông dân. Những người khác lại coi đó chỉ như một thời kỳ của cuộc chiến chống lại Trotzky của Staline, chỉ vì ông này cũng như Zinovieff và Kamenev đều là người Do thái. Những kẻ kết án Staline là vi phạm luật pháp (bài Do thái bị coi như là một tội phản cách mạng và bị trừng trị nghiêm khắc bởi luật pháp) đã không để ý tới sự kiện là sự bài Do thái của Staline cần phải được xét đoán căn cứ vào các nhu cầu bảo vệ Nhà nước, và ta phải coi sự bài Do thái ấy như một trong những yếu tố chiến thuật Staline đã xử dụng để chống lại dự tính nổi dậy của Trotzky mà thôi.
Lòng căm thù của Staline đối với ba người Do thái Trotzky, Zinovieff và Kameneff không đủ để biện minh cho một sự trở lại chính sách bài Do thái của chính quyền kiểu thời Stolypine mười năm sau Cách mạng Tháng Mười 1917. Hiển nhiên ta không nên tìm những nguyên nhân của cuộc đấu tranh của Staline chống Do thái trong sự cuồng tín tôn giáo hay các thành kiến truyền thống: nguyên nhân chính là do nhu cầu chống lại những phần tử nguy hiểm nhất trong thành phần ủng hộ Trotzky. Menjinski cũng ghi nhận rằng trong thành phần ủng hộ Trotzky, hầu hết đều là Do thái. Trong hồng quân, các nghiệp đoàn, các xưởng máy, các người Do thái đều ủng hộ Trotzky. Ở Sô viết Moscou, nơi Kameneff, hệ thống thần kinh của phe đối lập với Staline đều hợp bởi những người Do thái. Muốn tách khỏi Trotzky, Kameneff và Zinovieff quân đội, các nghiệp đoàn cùng quần chúng thợ thuyền Moscou và Leningrad, chỉ cần khơi dậy lòng căm thù bản năng của dân tộc Nga đối với người Do thái là đủ. Trong cuộc chiến chống lại "cách mạng thường trực", Staline đã dựa trên lòng ích kỷ tiểu tư sản của các "kullaki" và sự ngu dốt của quần chúng nông dân chưa hề từ bỏ lòng căm thù di truyền của họ đối với Do thái. Staline dự tính dùng lòng bài Do thái để thành lập một mặt trận duy nhất gồm quân sỹ, thợ thuyền và nông dân để chống lại nỗi nguy do phe Trotzky mang lại. Menjinski đã lợi thế hơn trong cuộc chiến đấu chống phe đảng Trotzky, trong việc săn đuổi những nhân viên tổ chức bí mật Trotzky đang tổ chức để chiếm chính quyền. Trong mỗi người Do thái, Menjinski đều nghi ngờ và truy hành một kẻ bạo chúa điên khùng. Cuộc chống Trotzky như vậy đã trở thành có tính cách bài Do thái của chính quyền. Những người Do thái bị lọai bỏ một cách có phương pháp khỏi Quân đội, các nghiệp đoàn, bộ máy hành chánh của đảng và Nhà nước, ban quản trị của các tổ hợp kỹ nghệ và thương mại. Dần dần đảng của Trotzky đã từng nắm giữ các cơ quan của bộ máy chính trị, kinh tế và hành chánh bị tan rã. Trong những người Do thái bị Guépéou làm cho mất việc, mất chức, đầy ải, phân tán, hay bị đẩy ra ngòai lề xã hội xô viết, có nhiều kẻ không dính dáng gì đến Trotzky cả. Menjinski nói: "Chúng phải trả nợ đậy cho các kẻ khác, các kẻ khác phải trả nợ đậy cho tất cả." Đối đầu với chiến thuật của Staline, Trotzky chịu trận: ông bất lực không thể chống lại nỗi căm thù bản năng của dân tộc Nga. Tất cả những thành kiến của nước Nga cổ đang quay lại chống kẻ Catalina "can đảm và hèn nhát như một người Tartare".
Trotzky có thể làm gì được chống lại sự sống lại bất ngờ của các bản năng cùng các thành kiến của dân tộc Nga? Những người theo ông tầm thường nhất, trung thành nhất, những thợ thuyền đã từng theo ông trong tháng 10-1917, những binh sỹ ông đã dẫn tới chiến thắng những quân Cosaque của Kolchak và Wrangel, đều lảng xa ông. Trước mắt của quần chúng, Trotzky chỉ còn là một tên Do thái.
Zinovieff và Kameneff bắt đầu ớn lòng can đảm dữ dội của Trotzky, ý chí, kiêu ngạo, căm thù cùng sự coi thường chiến đấu của Trotzky. Kameneff, yếu hơn, bất định và hèn hơn Zinovieff, không có phản bội Trotzky: Kameneff chỉ bỏ rơi thôi. Trước ngày nổi dậy chống Staline, Kameneff hành động đối với Trotzky y hệt như đối với Lénine trước ngày cách mạng tháng 10-1917. Về sau này ông nói như sau để biện minh: "Tôi không tin cậy ở hành động nổi loạn". Về sau Trotzky nói thêm về ông này: "Hắn cũng không tin cả sự phản bội nữa" - Trotzky không bao giờ tha thứ cho Kameneff về tội không đủ can đảm để phản bội mình công khai. Còn Zinovieff không bỏ rơi Trotzky, mà phản bội vào phút chót, sau khi hành động mạnh chống Staline đã thất bại: "Zinovieff không phải là một tên hèn, hắn chỉ bỏ chạy trước nguy hiểm thôi". Không muốn giữ ở lại gần mình lúc lâm nguy, Trotzky trao cho Zinovieff nhiệm vụ tổ chức ở Léningrad những toán thợ thuyền có nhiệm vụ chiếm thành phố này khi có loan báo nổi dậy thành công ở Moscou. Nhưng Zinovieff không còn là thần tượng của quần chúng thợ thuyền Léningrad nữa. Vào tháng 10.1927, trong khi Ủy ban Trung ương đảng hội họp ở thủ đô cũ, cuộc biểu tình tổ chức chào mừng Ủy ban đột nhiên lại biến thành một cuộc biểu tình ủng hộ Trotzky. Nếu Zinovieff còn có ảnh hưởng trong giới thợ thuyền Léningrad, chuyện này chắc đã có thể là khởi đầu cho một cuộc nổi loạn. Về sau này Zinovieff nhận công về cuộc biểu tình phiến loạn đó. Thực ra, cả Zinovieff lẫn Menjinksi đều đã không ngờ là có. Chính Trotzky cũng ngạc nhiên nữa: nhưng Trotzky đã có khôn ngoan là không thử khai thác vụ biểu tình này. Quần chúng thợ thuyền Léningrad không còn được như là mười năm về trước nữa. Những hồng vệ của tháng 10-1917 đã biến thành gì rồi?
Đoàn thợ thuyền và binh sỹ thổi sáo khi diễn hành qua điện Tauride, dưới khán đài của các nhân viên Ủy ban Trung ương, bao quanh khán đài của Trotzky để hoan hô vị anh hùng của cuộc nổi dậy tháng 10, kẻ sáng lập ra hồng quân, người bảo vệ tự do nghiệp đoàn, đã cho Staline thấy rõ nhược điểm của tổ chức mật của Trotzky. Ngày hôm ấy, chỉ cần một nhóm người quả cảm là đủ chiếm được thành phố. Nhưng không phải là Antonoff-Ovseienko chỉ huy các toán thợ thuyền, các toán xung kích nữa: các hồng vệ của Zinovieff sợ bị cấp chỉ huy của mình phản bội. Menjinksi nghĩ rằng nếu nhóm của Trotzky ở Moscou cũng mạnh như ở Léningrad, Trotzky chắc đã thắng. Nhưng đất đã lở dưới chân Trotzky, ông từ lâu đã phải dự khán trong bất lực những vụ bắt bớ tù đày của các đồng chí ủng hộ mình, từ quá lâu, mỗi ngày ông đã thấy mình bị bỏ rơi bởi những kẻ bao giờ cũng chứng tỏ có can đảm và cương nghị. Ông lao mình vào trận tử chiến, tìm lại trong máu mình lòng kiêu ngạo bất khuất của kẻ Do thái bị truy hành, tìm lại cái ý chí tàn nhẫn và thù hận đã mang lại cho giọng ông âm thanh như sấm truyền của thất vọng và nổi loạn.
Cái con người xanh xao mắt cận thị mở to vì cơn sốt và thiếu ngủ, đứng giữa các cuộc mít tinh, trong sân các cơ xưởng và trại lính, trước các đám đông thợ thuyền và binh sỹ nghi ngại ấy, chẳng còn là Trotzky của 1922, 1923, 1924, thanh lịch, mỉa mai và tươi cười. Bây giờ là Trotzky của 1917, 1918, 1919, 1920 và 1921, của cuộc nổi dậy tháng 10 và của cuộc nội chiến, Catalina bôn-sơ-vích, Trotzky của Smolny và của các bãi chiến trường, con người phản kháng vĩ đại. Các quần chúng thợ thuyền Moscou đã nhìn thấy ở con người xanh xao và dữ dội này Trotzky của những mùa đỏ của Lénine. Chưa chi luồng gió khơi loạn đã thổi lên trong các cơ xưởng và trại lính. Nhưng Trotzky vẫn trung thành với chiến thuật của mình, ông không muốn lao vào chinh phục chính quyền bằng quần chúng, mà bằng các toán xung kích tổ chức trong bí mật. Ông không nhằm chiếm chính quyền bằng một cuộc nổi dậy, bằng một cuộc nổi loạn của quần chúng thợ thuyền, mà bằng một cuộc đảo chính tổ chức khoa học. Trong một vài tuần nữa mọi người sẽ cử hành lễ kỷ niệm năm thứ mười Cách mạng Tháng Mười. Các phân bộ của Đệ tam Quốc tế ở tất cả các nước Âu châu sẽ cử đại diện đến Moscou. Trotzky muốn cử hành kỷ niệm năm thứ mười chiến thắng Kérenski của mình bằng một sự chiến thắng Staline. Các phái đoàn thợ thuyền của tất cả các nước Âu châu sẽ dự khán một cuộc trở lại cách mạng vô sản chống Thermidor của các dân tiểu tư sản của điện Kremlin. Staline vừa nói vừa cười: "Trotzky chơi lận". Staline theo dõi rất sát mọi cử động của địch thủ.
Chừng một ngàn thợ thuyền và binh sỹ cựu đồng chí của Trotzky còn trung thành với quan niệm cách mạng bôn-sơ-vích, đã sẵn sàng cho ngày hành sự: từ lâu rồi, những toán kỹ thuật gia và thợ chuyên môn đã tập luyện những "họat động vô hình". Những người của đoàn đặc biệt, cho Menjinski tổ chức để bảo vệ nhà nước, đã cho thấy chung quanh họ sự chuyển vận của bộ máy nổi dậy của Trotzky: hàng ngàn dấu hiệu nhỏ báo cho họ biết nỗi nguy đã gần kề. Bằng tất cả mọi cách, Menjinski cố gắng ngăn cản những chuyển động của địch, nhưng những cuộc phá họai về hỏa xa, tại các trung tâm điện lực, điện thọai và điện tín gia tăng thêm mỗi ngày. Những người của Trotzky len lỏi vào mỗi chỗ, thỉnh thoảng gây ra những vụ tê liệt một phần của các cơ quan tế nhị nhất. Đó là những thử lửa sơ khởi của cuộc nổi dậy. Các kỹ thuật gia của đoàn đặc biệt của Menjinski, động viên thường trực, coi chừng sự họat động của hệ thống thần kinh của chính quyền, thử lại sự nhậy cảm của các bộ máy, đo lường mức độ đề kháng và phản ứng. Menjinski muốn bắt ngay Trotzky cùng những kẻ nguy hiểm nhất trong phe địch, nhưng Staline không cho. Ngay trước ngày cử hành kỷ niệm thứ mười cách mạng tháng Mười một vụ bắt Trotzky sẽ gây ra một cảm tưởng bất lợi đối với quần chúng và đối với các phái đoàn thợ thuyền của tất cả các quốc gia Âu châu tới dự lễ. Cơ hội Trotzky chọn lựa để cướp chính quyền không thể nào thuận lợi hơn thế được. Vì là nhà chiến thuật giỏi, Trotzky đã che chở cho mình kỹ. Vì không muốn có vẻ là một nhà bạo chúa, Staline sẽ chẳng bao giờ dám bắt Trotzky. Và khi nào dám, lúc ấy sẽ là quá trễ, Trotzky nghĩ như vậy: những ngọn pháo bông mười năm cách mạng vừa tắt, Staline sẽ chẳng còn nắm chính quyền nữa.
Hành động nổi dậy theo trù liệu phải bắt đầu bằng việc chiếm cứ các cơ quan kỹ thuật của bộ máy Nhà nước và bằng việc bắt các Ủy viên Nhân dân, các nhân viên của Ủy ban Trung ương cùng Ủy ban Giám sát đảng. Nhưng Menjinski đã đỡ đòn sẵn: các hồng vệ chỉ tìm thấy những căn nhà trống không. Tất cả các thủ lãnh của phe Staline đã ẩn trốn vào điện Kremlin, nơi Staline chờ đợi, lạnh lùng và kiên nhẫn, kết cục của trận giao tranh giữa các nhóm xung kích của phe nổi dậy và đoàn đặc biệt của Menjinski. Hôm đó là 7 tháng 9. 1927. Moscou đầy cờ đỏ, các đoàn đại biểu của các cộng hoà liên bang của Liên Xô từ khắp nước và từ tận cùng châu Á, đã diễn hành trước khách sảnh của Hôtel Savoy và Hôtel Métropole, nơi cư ngụ của các phái đoàn thợ thuyền của các quốc gia Âu châu. Tại Hồng trường, trước các bức tường thành của Kremlin, hàng ngàn cờ đỏ bao quanh đài mộ phần của Lénine. Về phía cuối Hồng trường, phía nhà thờ Wassili Blajenni, là hàng ngũ kỵ binh của Budyonni, bộ binh của Toukatehewski, các cựu chiến binh của 1918, 1919, 1920, 1921, những quân sỹ mà Trotzky đã dẫn tới chiến thắng trên tất cả các mặt trận của nội chiến. Trong khi Ủy viên Nhân dân Bộ Chiến tranh duyệt binh, Trotzky, kẻ sáng lập ra Hồng quân, đang định chiếm chính quyền bằng một nghìn người.
Menjinski đã áp dụng các biện pháp của mình. Chiến thuật phòng vệ của ông là không bảo vệ bên ngòai các cơ sở bị đe doạ bằng những lực lượng bao quanh, mà bảo vệ bên trong bằng một nhóm người. Đương đầu với cuộc tấn công vô hình của Trotzky, Menjinski mang ra một cuộc phòng vệ vô hình. Menjinski không rơi vào lỗi lầm là phân tán lực lượng để bảo vệ Kremlin, các Bộ, các trụ sở của các tổ hợp kỹ nghệ và thương mại, các nghiệp đoàn và các cơ quan hành chánh. Trong khi các đội cảnh sát của Guépéou lo cho an ninh của tổ chức chính trị và hành chánh của Chính quyền, Menjinski tập trung lực lượng của đoàn đặc biệt vào việc bảo vệ tổ chức kỹ thuật. Trotzky không tính tới chiến lược của Menjinski: ông nhận ra quá trễ là các địch thủ đã biết lợi dụng bài học tháng 10.1917. Khi mọi người báo cho ông biết các vụ tấn công đột kích vào các trung tâm điện thọai điện tín, hỏa xa, đã thất bại, và các biến cố đã diễn ra một cách bất ngờ, không thể cắt nghĩa được, Trotzky nhận thấy ngay là cuộc nổi dậy đã va vào một tổ chức phòng vệ, không thể gọi là một tổ chức cảnh sát, nhưng ông không làm sao nắm vững được tình hình thực sự. Sau cùng, khi ông biết cuộc tấn công vào trung tâm điện lực đã thất bại, ông đột ngột lật ngược kế họach và muốn chiếm tổ chức chính trị và hành chánh của Nhà nước. Không thể tin cậy ở các toán xung kích đã bị đánh bại và phân tán bởi tác động bất ngờ và dữ dội của địch thủ, ông từ bỏ chiến thuật của mình và tập trung tất cả nỗ lực vào cố gắng sau cùng là làm một cuộc nổi dậy tổng quát.
Lời kêu gọi ông ném ra ngày hôm ấy cho quần chúng vô sản Moscou, chỉ chừng vài ngàn thợ thuyền và sinh viên là nghe thấy.
Trong khi tại Hồng trường, trước mộ phần của Lénine, một đám đông vĩ đại tụ tập quanh Staline, các lãnh tụ của chính quyền và của đảng, các đại biểu ngọai quốc của đệ tam quốc tế, thì các người ủng hộ Trotzky tràn vào giảng đường của Đại học, đẩy lui cuộc tấn công của một đội cảnh sát rồi dẫn đầu một đoàn sinh viên và thợ thuyền tiến về phía Hồng trường. Mọi người đã chỉ trích rất nhiều về xử sự này của Trotzky. Vụ lên tiếng kêu gọi nhân dân, vụ xuống đường, lọai nổi loạn không võ trang ấy, đều chỉ là một cuộc phiêu lưu điên rồ. Sau khi vụ nổi dậy thất bại, Trotzky không còn để mình hướng dẫn bởi cái trí thông minh lạnh lùng đã bao lần, trong những giờ phút quyết định của đời mình, chế ngự bằng tính toán niềm hăng hái của trí tưởng tượng, chế ngự bằng lòng thâm hiểm trắng trợn các cơn dữ dội của nhiệt tình: say lên vì tuyệt vọng, Trotzky không còn kiểm sóat được tình hình và buông mặc mình cho bản chất đam mê đã đưa ông đến chỗ làm một nỗ lực phi lý là muốn lật đổ Staline bằng một cuộc nổi loạn. Có lẽ ông đã cảm thấy mình thua, quần chúng không còn tin cậy ở ông nữa, bạn bè thân thiết còn quá ít người trung thành. Ông cảm thấy chỉ còn thể tin cậy ở chính mình, nhưng "chưa có gì kể là mất nếu chính ta chưa mất". Mọi người còn đi tới chỗ gán cho ông cái ý định chiếm mộ phần Lénine ở chân các bức tường thành Kremlin để kêu gọi nhân dân tập hợp quanh thứ vật thần kính này của cách mạng, biến xác nhà độc tài đỏ thành một thứ khí giới công phá để hạ chế độ chuyên chế của Staline. Đó thật quả là một huyền thuyết không có gì là cao cả. Có thể ý kiến cướp lấy xác ướp của Lénine đã thoáng có trong trí tưởng tượng bị kích thích cao độ của Trotzky trong khi chung quanh ông vang lên tiếng reo hò của đám đông, và trong tiếng Quốc tế ca, đạo quân thợ thuyền và sinh viên nhỏ bé của ông tiến về phía Hồng trường, đầy binh sỹ và dân chúng, lưỡi lê tua tủa và cờ xí rợp trời.

*

Ngay sau khi đụng độ lần đầu, đoàn người ủng hộ Trotzky đã lui bước rồi phân tán. Trotzky nhìn quanh mình. Đâu rồi những đồng chí trung thành, các thủ lãnh, các tướng lãnh của cái đạo quân nhỏ bé có nhiệm vụ đi chinh phục Chính quyền? Trời sinh ra những người Do thái không phải để thích hợp với việc tranh đấu võ trang, xáp lá cà, hành động nổi dậy. Chỉ có một người Do thái duy nhất giữ đúng vị trí của mình không lùi bước trong cuộc chiến này, đó là Trotzky, kẻ nổi loạn vĩ đại, con người Catalina của cách mạng bôn-sê-vích. Trotzky thuật lại: "Một người lính bắn vào xe hơi của tôi để cảnh cáo. Một kẻ nào đó đã hướng dẫn tay hắn. Những ai có mắt để nhìn, sẽ thấy trong ngày 7 tháng 9 ấy, một vụ Thermidor trong các đường phố của Moscou". Trong những ngày lưu đầy buồn bã sau này, Trotzky nghĩ rằng Âu châu vô sản sẽ biết rút bài học kinh nghiệm từ những biến cố trên. Nhưng ông quên rằng chính Âu châu tư sản mới là kẻ lợi dụng được kinh nghiệm đó.