Dịch giả: Thái Độ
Chương I
CUỘC ĐẢO CHÁNH BÔN-SÊ-VÍCH VÀ CHIẾN THUẬT CỦA TROTZKY

 Nếu Lénine là người sắp đặt sách lược của cuộc cách mạng bôn sê vích thì người bày ra chiến thuật đảo chánh tháng 10 năm 1917 lại là Trotzky.
Vào khoảng đầu năm 1929, nhờ đang ở trên nước Nga, tôi có cơ hội gặp được nhiều người có liên quan xa gần đến vai trò của Trotzky trong cuộc cách mạng. Hiện nay, Liên bang Sô viết có một thuyết chính thức về vai trò của Trotzky do Staline đề ra. Nhưng ở khắp các nơi, nhứt là ở Mạc tư khoa và Léningrad, nơi mà phe thân Trotzky tương đối mạnh hơn các chỗ khác, tôi được nghe nhiều nhận xét về Trotzky khác hẳn những nhận xét của Staline. Chỉ có một người không trả lời các câu hỏi của tôi là Lounacharski và chỉ có bà vợ của Kameneff đã cho tôi một minh chứng khách quan về thuyết của Staline; điều này cũng không lấy gì làm lạ nếu ta chưa quên rằng bà là em ruột của Trotzky.
Ở đây ta sẽ không bàn đến trận bút chiến giữa Staline và Trotzky về vấn đề "Cách mạng thường trực" hay vai trò của Trotzky trong cuộc đảo chánh tháng 10 năm 1917. Staline phủ nhận vai trò tổ chức của Trotzky, ông giành cái vinh dự đó cho một ủy ban được thành lập với Sverdloff, Staline, Boubnoff, Ouritzky và Dzerjinski, thiếu bóng cả Lénine lẫn Trotzky. Ủy ban này chỉ là một bộ phận của Hội đồng Quân sự Cách mạng mà Trotzky làm chủ tịch. Tuy nhiên, cuộc bút chiến giữa Staline và lý thuyết gia của cuộc "Cách mạng thường trực" không thay đổi được lịch sử cuộc nổi dậy tháng 10, và chính Lénine cũng công nhận rằng cuộc nổi dậy đã được Trotzky tổ chức và lãnh đạo. Lénine là người thiết lập sách lược, người xây dựng chủ thuyết, người kích động, vị thần Phúc tinh của cuộc cách mạng, nhưng người sáng lập ra kỹ thuật đảo chánh bôn sê vích phải là Trotzky.
Tại Âu châu, cái gọi là đại họa cộng sản mà chính phủ phải đương đầu không phải là cái sách lược của Lénine, mà chính là chiến thuật của Trotzky. Ta không thể hiểu được sách lược của Lénine khi tách nó ra khỏi tình thế tổng quát của nước Nga vào năm 1917. Trái lại, chiến thuật của Trotzky không liên quan gì đến những hoàn cảnh tổng quát của xứ sở; sự áp dụng chiến thuật đó khôg tùy thuộc vào những hoàn cảnh mà sách lược Lénine đòi hỏi phải có. Chiến thuật của Trotzky, căn nguyên của những cuộc đảo chánh Cộng sản tại các nước Âu châu, là một mối đe dọa trường kỳ. Nói một cách khác, áp dụng tại bất cứ một quốc gia Tây Âu nào, sách lược của Lénine cũng đòi hỏi một địa thế thuận lợi và những hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh của nước Nga 1917. Trong cuốn "Căn bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa Cộng sản", chính Lénine đã nhận xét rằng căn nguyên của tình thế chính trị nước Nga 1917 là do bốn hoàn cảnh đặc biệt và ông thêm rằng, những hoàn cảnh đó hiện không có, sẽ không bao giờ xảy ra, dù giống hệt hay chỉ tương tự tại các nước Tây Âu. Ta không cần trình bày bốn hoàn cảnh đặc biệt đó ra đây, vì ta đã dư biết đặc tính của tình thế chính trị Nga năm 1917 gồm những sự kiện gì. Sách lược của Lénine không phải là một hiểm họa cấp kỳ cho các chính quyền Âu châu. Mối họa hiện tại- và thường trực- đối với các chính quyền này chính là chiến thuật của Trotzky.
Trong những lời ghi chú cho cuốn "Cách mạng tháng mười và chiến thuật của cộng sản Nga", Staline viết rằng: Nếu ta muốn phán xét biến cố mùa Thu năm 1923 tại Đức quốc, ta không nên quên tình thế đặc biệt của nước Nga 1917. Ông thêm: "Đồng chí Trotzky nên nhớ rằng chính đồng chí đã nhận thấy tình thế tương tự hoàn toàn giữa Cách mạng tháng mười và cuộc Cách mạng ở Đức và cũng chính đồng chí là người đã trách cứ đảng Cộng sản Đức về lỗi lầm có thật hay tưởng tượng." Với Staline, cuộc Cách mạng năm 1923 tại Đức thất bại là vì thiếu những hoàn cảnh đặc biệt cần thiết cho sự áp dụng sách lược của Lénine. Ông ngạc nhiên thấy Trotzky đã đổ lỗi lên đầu những đảng viên Cộng sản Đức. Nhưng đối với Trotzky, sự thành công của một mưu toan cách mạng không tùy thuộc vào sự hiện diện của những hoàn cảnh tương tự như những hoàn cảnh của nước Nga 1917. Nguyên nhân làm cuộc Cách mạng Đức thất bại không phải là do sự không thể áp dụng sách lược Lénine. Lỗi lầm không thể tha thứ của Cộng sản Đức là đã không áp dụng chiến thuật nổi loạn bôn-sê-vích. Sự thiếu vắng những hoàn cảnh thuận tiện, tình thế tổng quát của xứ sở không ảnh hưởng gì đến sự áp dụng chiến thuật của Trotzky. Người ta không thể bào chữa cho sự thất bại của Cộng sản Đức.
Từ khi Lénine chết đi, giáo thuyết của Trotzky đã đe dọa sự nhất thống của chủ nghĩa Lê-nin-nít. Trotzky là một thứ tín đồ tôn giáo thiếu may mắn. Ông Luther này đang bị lưu đày và một số các chiến hữu quá thận trọng, đã vội vàng công khai nhận lỗi quá sớm vì không muốn hối lỗi quá muộn. Dù thế người ta cũng thấy ngay trên đất Nga, những kẻ cuồng tín chưa mất cái gan thích phê phán và họ cố gắng tìm trong lý luận của Staline những kết luận bất ngờ nhất. Lý luận này của Staline đưa đến kết luận rằng không thể có Lénine mà không có Kérenski: bởi vì Kérenski là một trong yếu tố chính của tình thế đặc biệt tại nước Nga 1917. Riêng Trotzky, ông chẳng cần đến Kérenski. Sự hiện diện của Kérenski, không hơn gì sự hiện diện của Stresemann, Poincaré, Lloyd George, Giolitti hay MacDonald, không có một tý ảnh hưởng nào dù thuận lợi hay bất lợi cho việc áp dụng chiến thuật của Trotzky cả. Vì dù đặt ra Poincaré vào vị trí của Kérenski, cuộc đảo chánh bôn-sê-vích vào khoảng tháng 10 năm 1917 cũng vẫn thành công y như vậy. Tôi đã từng gặp tại Mạc tư khoa cũng như tại Léningrad nhiều người ủng hộ lý thuyết "Cách mạng Thường trực". Họ quả quyết rằng Trotzky có thể vượt bỏ được Lénine, rằng Trotzky có thể đứng vững không cần Lénine; điều này có nghĩa là, vào tháng mười năm 1917, Trotzky vẫn có thể cướp được chính quyền cho dù Lénine cứ ở lại Thụy sỹ và không hề nắm giữ một vai trò gì trong cuộc Cách mạng Nga.
Tuyên bố quá lố, nhưng trên phương diện Cách mạng, chỉ có những ai quá đề cao sự quan trọng của sách lược mới cho rằng lời tuyên bố đó là võ đoán. Điều quan trọng là chiến thuật dấy loạn, là kỹ thuật đảo chánh. Trong cuộc xây dựng cách mạng Cộng sản, sách lược của Lénine không tạo ra sự chuẩn bị thiết yếu cho việc áp dụng chiến thuật dấy loạn: sách lược đó không thể tự nó dẫn đến sự chinh phục chính quyền. Vào khoảng năm 1919-1920 tại Ý, sách lược Lénine đã áp dụng triệt để và nước Ý vào thời đó quả là đã chín mùi Cách mạng Cộng sản. Tất cả sẵn sàng đợi một cuộc đảo chánh. Nhưng Cộng sản Ý tin tưởng khí thế Cách mạng trong nước, sự dấy loạn của từng lớp vô sản, dịch tổng đình công, sự tê liệt trong đời sống kinh tế và chính trị, sự chiếm cứ các nhà máy và đất đai bởi công nhân và nông dân, sự tan rã trong hàng ngũ Quân đội, Cảnh sát và Hành chánh, sự yếu kém của ngành Tư pháp, sự khuất phục ươn hèn của tầng lớp tư sản và sự bất lực của Chính phủ đủ giúp thợ thuyền nắm được chính quyền. Quốc hội bị các đảng tả khuynh thao túng và những họat động của Quốc hội đã giúp thêm sức cho phong trào Cách mạng của các tổ chức nghiệp đoàn. Điều thiếu sót không phải là do việc họ thiếu ý chí muốn nắm quyền, mà vì họ thiếu am tường chiến thuật dấy loạn. Cách mạng đã bị tiêu hao trong sách lược. Sách lược này chính là sự chuẩn bị cho cuộc quyết chiến ăn thua: nhưng lại không có ai biết phải điều khiển cuộc quyết chiến đó như thế nào. Thậm chí, người ta còn cho rằng chính thể quân chủ (mà hồi đó được mệnh danh là quân chủ xã hội) chính là một trở ngại lớn lao của công cuộc khởi loạn. Khối đa số Quốc hội thiên tả lại canh chừng phong trào nghiệp đoàn bị nghi ngờ có ý định chiếm quyền, không những không phải bằng đường lối quốc hội mà còn chống lại quốc hội là khác. Những tổ chức nghiệp đoàn lại nghi ngờ hành vi của quốc hội; bởi vì quốc hội định biến cuộc cách mạng thành một sự thay đổi bởi thành phần các bộ trưởng, điều chỉ có lợi cho từng lớp Tiểu Tư Sản. Làm thế nào để tổ chức một cuộc đảo chánh? Đó là vấn đề của quãng thời gian giữa năm 1919-1920 tại nước Ý cũng như tất cả các nước Tây Âu. Trotzky cho rằng những đảng viên Cộng sản đã không biết lợi dụng bài học tháng 10 năm 1917: không phải là bài học về sách lược cách mạng mà là bài học về chiến thuật dấy loạn.
Nhận xét này của Trotzky rất quan trọng trong việc tìm hiểu chiến thuật trong biến cố tháng 10 năm 1917, hay nói rõ hơn là kỹ thuật đảo chánh Cộng sản.
Người ta có thể phản đối rằng chiến thuật dấy loạn cũng chỉ là một phần của sách lược cách mạng, rằng nó chỉ là bước chót của sách lược cách mạng. Ý kiến của Trotzky về vấn đề này rất rõ rệt. Như ta đã thấy, với Trotzky, chiến thuật dấy loạn không tùy thuộc vào hoàn cảnh tổng quát của xứ sở, cũng không tùy thuộc vào sự hiện diện của một tình thế cách mạng thuận lợi cho cuộc nổi dậy. Khi đem thực hiện chiến thuật tháng 10 năm 1917, trước Nga của Kérensky cũng gặp những khó khăn y như nước Hòa Lan hay Thụy Sỹ vậy thôi. Bốn hoàn cảnh đặc biệt được Lénine nêu trong cuốn Căn bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa Cộng sản: 1) Điều kiện khả dĩ nối liền cách mạng Bôn-sê-vích vào việc thanh toán một chiến tranh đế quốc; 2) cơ hội lợi dụng khoản thời gian chinh chiến giữa hai phe quyền lực, là nếu không có cuộc chiến tranh đó, hai phe nầy sẽ liên kết với nhau để đánh lại Cách mạng Bôn-sê-vích; 3) khả năng chịu đựng một cuộc nội chiến tương đối kéo dài nhờ vào vùng đất đai rộng lớn bao la của nước Nga và tình trạng tệ hại của các đường liên lạc; 4) sự hiện diện của một phong trào cách mạng Dân chủ Tư sản trong tầng lớp nông dân.
Đã ấn định rõ tình thế của nước Nga 1917, nhưng chúng không phải là những điều kiện thiết yếu cho sự thành công của một cuộc đảo chánh Cộng sản. Nếu chiến thuật dấy loạn Bôn-sê-vích cũng phải tùy thuộc những điều kiện trong sách lược Lénine, thì ngày nay, những quốc gia Âu Châu chẳng hề có một hiểm họa Cộng sản nào.
Trên quan niệm sách lược, Lénine không có đầu óc thực tiễn, thiếu chính xác và chừng mực. Ông quan niệm sách lược cách mạng kiểu Clausewitz và như một triết lý hơn là một nghệ thuật hay một khoa học. Sau khi Lénine chết, người ta tìm thấy trong đống sách thuộc lọai gối đầu giường của ông có tác phẩm căn bản của Clausewitz: "Chiến tranh luận" do chính tay ông ghi chú: thêm vào đó, những nhận xét ghi trên lề cuốn "Nội chiến tại Pháp quốc" của Marx giúp ta hiểu tại sao Trotzky đã coi thường sở trường sách lược của Lénine. Ta không thể hiểu nguyên do vì đâu sách lược Cách mạng của Lénine đã được chính thức đề cao quá đáng như thế nếu không phải vì nhu cầu cần hạ bệ Trotzky. Xét theo vai trò lịch sử của ông trong cuộc Cách mạng, Lénine không cần phải được coi như một đại sách lược gia.
Hôm trước ngày khởi nghĩa tháng 10, Lénine còn lạc quan và nóng nẩy. Sự đắc lực của Trotzky vào chức vụ Chủ tịch Sô viết Pétrograd và Hội đồng Quân sự Cách mạng, sự thắng thế trong Sô viết Moscou đã làm ông an tâm về việc làm sao chiếm được đa số trong các sô viêt, vấn đề làm ông lo nghĩ từ tháng bảy đến giờ. Dù sao, ông vẫn lo ngại về Đại hội Sô viết lần thứ hai định tổ chức vào cuối tháng Mười. Trotzky đã tuyên bố: "Chẳng cần phải nắm được đa số trong các sô viêt, không phải cái đám đa số này sẽ cướp được chính quyền." Trotzky đã không lầm. Lénine cũng công nhận: "Thật ngây thơ nếu ta cứ đợi phải có được đa số ghế. Lénine muốn quần chúng nổi loạn chống đối chính quyền Kérenski, tràn ngập nước Nga bằng làn sóng vô sản, phát hiệu lệnh khởi nghĩa cho toàn thể dân tộc Nga, xuất hiện trên Đại hội Sô viết, khuất phục Dan và Skobeleff, hai lãnh tụ Men-sê-vích của khối đa số, công bố sự sụp đổ của chính phủ Kérenski và sự thành lập nền độc tài vô sản. Ông không nghĩ tới một chiến thuật dấy loạn, ông chỉ hình dung ra một sách lược cách mạng. Trotzky nói: "Cũng được, nhưng trước hết phải chiếm thành phố, chiếm các điểm chiến lược, lật đổ chính quyền. Để đạt được mục tiêu trên, cần tổ chức cuộc dấy loạn, cần thành lập và huấn luyện một đoàn quân xung kích. Ít người thôi, quần chúng không giúp ta được gì cả; chỉ một nhóm nhỏ là đủ".
Nhưng Lénine không muốn người ta có thể lên án cuộc khởi nghĩa bôn-sê-vích là một thủ đoạn bờ-lăng-kít: "Cuộc nổi dậy không được dựa trên một âm mưu, một đảng phái mà phải dựa trên giai cấp tiến bộ. Đấy là điểm thứ nhất. Cuộc nổi dậy phải trên trào lưu Cách mạng của toàn thể dân tộc. Đó là điểm thứ hai. Cuộc nổi dậy phải bùng nổ vào lúc trào lưu cách mạng đang dâng lên cùng độ. Đó là điểm thứ ba. Chính nhờ ở ba điều này mà chủ nghĩa mác-xít khác biệt với chủ nghĩa bờ-lăng-kít."
Trotzky nói: "Được lắm, nhưng toàn thể dân tộc thì quá nhiều cho cuộc nổi dậy. Chỉ cần một nhóm nhỏ, bình tĩnh và táo bạo được huấn luyện cặn kẽ về chiến thuật dấy loạn là đủ." Lénine công nhận: "Chúng ta phải tung ra các tiểu đội công nhân vào các nhà máy và các trại lính. Đây chính là chỗ của họ, cái nút hiểm yếu, cứu tinh của cách mạng. Chính đó là nơi chúng ta dùng những bài diễn văn cương quyết, nẩy lửa để giải thích và phô diễn chương trình của chúng ta; chúng ta sẽ đặt thành vấn đề: hoặc chương trình phải được chấp nhận trọn vẹn hoặc chúng ta sẽ khởi nghĩa."
Trotzky nói: "Được lắm, nhưng dù quần chúng có chấp nhận chương trình của chúng ta đi nữa, ta cũng không thể coi nhẹ việc tổ chức cuộc khởi nghĩa. Ta cần lựa lọc những phần tử tín cẩn sẵn sàng làm mọi công tác từ nhà máy và trại lính. Điều chúng ta cần không phải là đám đông thợ thuyền, đào binh hay những tên đào thóat. Chúng ta cần một đội binh xung kích."
Lénine công nhận: "Để thực hiện cuộc khởi nghĩa theo đúng đường lối mác-xít, nghĩa là như một nghệ thuật, chúng ta đừng để mất một phút nào, phải đồng lọat thi hành các biện pháp thiết lập bộ tham mưu của lực lượng khởi nghĩa, phân tán lực lượng, tung những trung đoàn trung kiên nhất đến những vị trí quan trọng nhất, vào hý viện Alexandra, chiếm thành Pierre và Paul, bắt giữ bộ tư lệnh quân lực và chính phủ, gửi quân chống lại đám sinh viên sỹ quan, chống lại đám kỵ binh Cossaque của Sư Đoàn Hoang Dã và phải sẵn lòng hy sinh đến người cuối cùng chứ không được để địch xâm nhập vàp trung tâm thành phố. Ta phải động viên các công nhân võ trang, kêu gọi họ tham dự trận chiến tối thượng, chiếm cứ đồng lọat những trung tâm điện thọai và điện báo, lập Bộ tham mưu của ta tại tổng đài điện thọai trung ương, liên lạc bằng điện thọai với tất cả các nhà máy, tất cả các trung đoàn, tất cả những vị trí đang chiến đấu".
Trotzky: "Được lắm, nhưng...."
Lénine tiếp: "Tất cả những điều này chỉ tương đối vậy thôi, nhưng tôi quyết ý minh chứng rằng vào thời buổi hiện tại, chúng ta không thể thực thi đúng chủ nghĩa mác-xít, đúng đường lối cách mạng mà không coi cuộc khởi nghĩa như một nghệ thuật. Đồng chí biết rõ những quy tắc tổng quát mà Marx đã thiết lập cho nghệ thuật này. Ứng dụng vào hoàn cảnh hiện tại của nước Nga, những quy tắc có nghĩa là: tấn công đồng lọat- càng bất ngờ và thần tốc càng tốt- vào Pétrograd, cả từ mặt trong lẫn mặt ngòai, từ những khu vực thợ thuyền và khu Phần Lan, từ Réval và Cronstad; dùng tất cả hạm đội để tấn công; tập trung những lực lượng lớn hơn số 20.000 người (sinh viên sỹ quan và kỵ binh Cossaque) của chính quyền. Phối hợp ba lực lượng chính của ta gồm hạm đội, công nhân và những đơn vị quân sự để chiếm cứ- trước tiên và giữ lấy với bất cứ giá nào- hệ thống điện thọai điện báo, những nhà ga xe lửa và các cầu. Phải lọc lựa những phần tử quyết tâm nhất trong các tổ xung kích, các trung đoàn công nhân cùng thủy binh và tập trung họ thành những toán có nhiệm vụ chiếm giữ tất cả những điểm trọng yếu và tham dự tất cả những trận đánh quyết định. Hãy cho những đoàn công nhân võ trang với súng trường và lựu đạn bao vây các vị trí địch cùng trường võ bị, các tổng đài điện thọai và điện báo. Chiến thắng của cách mạng Nga và cũng là của cách mạng thế giới, chỉ tùy thuộc hai hay ba ngày chiến đấu."
Trotzky nói: "Tất cả những điều đó đều đúng nhưng rắc rối quá. Đó là một kế họach quá lớn lao, một chiến lược bao gồm quá nhiều lãnh thổ và nhiều người. Nó không còn là một cuộc nổi loạn nữa mà là một cuộc chiến tranh. Để chiếm Pétrograd, không cần phải chiếm chiếc xe lửa từ Phần Lan. Khi ta khởi hành từ quá xa, ta thường ngừng tại giữa đường. Mở một cuộc tấn công với hai vạn người từ đồn Réval và Cronstad để chiếm hý viện Alexandra là quá lố, nó không còn là một trận đánh úp nữa. Trên phương diện chiến lược, chính Marx cũng thua Korniloff. Phải thu về chiến thuật thôi, hành động với một ít người trong một phạm vi giới hạn, tập trung nỗ lực trên những mục tiêu chính, đánh thẳng và mạnh. Tôi không tin nó lại quá rắc rối như thế! Những điều nguy hiểm bao giờ cũng cực kỳ giản dị. Để chiến thắng, không cần để ý đến những hoàn cảnh thuận lợi hay không. Chỉ cần đánh ngay bụng: không gây tiếng động. Dấy loạn là một guồng máy không gây ra tiếng động. Sách lược của đồng chí đòi hỏi quá nhiều hoàn cảnh thuận lợi: cuộc khởi loạn không cần gì cả. Tự nó hoàn tất nó."
Lénine nói: "Chiến thuật của đồng chí thật vô cùng giản dị, nó chỉ có một pháp tắc là phải chiến thắng. Có phải đồng chí là người thích Napoléon hơn Kérenski không?"
Những lời tôi đặt vào miệng Lénine không phải do tôi bịa đặt, chúng hoàn toàn phát xuất từ những bức thư của Lénine gửi cho Hội đồng Trung Ương đảng bôn-sê-vích vào tháng mười năm 1917.
Những ai biết được tất cả những bài viết của Lénine và nhất là những nhận xét của ông về kỹ thuật dấy loạn trong những ngày Cách mạng tháng mười năm 1905 tại Moscou, đều phải ngạc nhiên không ít về sự ngây thơ trong ý tưởng của ông về chiến thuật và kỹ thuật dấy loạn. Dù sao, phải công nhận rằng sau kỳ thất bại tháng bẩy, chỉ có ông và Trotzky là không để lạc mất mục tiêu chính của sách lược cách mạng: cuộc đảo chánh. Đúng như Lounatcharski nói sau một vài ngần ngại, vào tháng bẩy, đảng bôn-sê-vích chỉ có một mục tiêu và mục tiêu này có tính cách đại nghị là chiếm được đa số trong các sô viết, ý tưởng khởi nghĩa đã trở thành động lực cho tất cả các họat động của Lénine. Sau biến cố tháng bẩy Lénine phải trốn ở Phần Lan để khỏi rơi vào tay Kérenski và trong thời gian ở trên xứ Phần Lan, tất cả họat động của ông chỉ nhằm sửa soạn cho cuộc nổi dậy trên lý thuyết.
Người ta không thể nào giải thích khác hơn về sự ngây thơ trong dự tính mở một cuộc tấn công quân sự vào Pétrograd với sự yểm trợ của các vệ binh đỏ ở trong thành phố của Lénine. Như vậy, cuộc tấn công sẽ kết thúc thảm bại: sự thất bại trong sách lược của Lénine sẽ dẫn đến sự thất bại trong chiến thuật khởi loạn cùng với sự tàn sát các vệ binh đỏ trên đường phố Pétrograd.
Bị bó buộc phải theo dõi các biến cố từ xa, Lénine không thể nắm vững tình thế cách chi tiết, nhưng không phải vì thế mà ông nhận định các biến chuyển quan trọng của cuộc Cách mạng kém rõ ràng hơn một số nhân viên của Hội đồng Trung ương đảng bộ, những người chống lại nhu cầu của cuộc khởi nghĩa tức thời. "Chờ đợi là sát nhân", ông đã viết như thế cho Hội đồng bôn-sê-vích Pétrograd và Moscou. Trong buổi họp ngày 10 tháng 10, cả Lénine từ Phần Lan về dự mặc dù toàn thể Hội đồng Trung ương đã chấp nhận đề nghị khởi nghĩa với hai phiếu chống- phiếu của Kaméneff và Zinovieff- vẫn còn sự chống đối ngấm ngầm của số nhân viên trong hội đồng. Chỉ có Kaméneff và Zinovieff là công khai đối lập với đề nghị phải khởi nghĩa ngay tức thời; nhưng sự phản đối của họ cũng chỉ giống như sự phản đối ngấm ngầm của rất nhiều nhân viên khác. Sự căm tức của những kẻ chống đối đổ hết lên đầu Trotzky, "tên Trotzky khó thương", đảng viên bôn-sê-vích mới toanh với cái tính kiêu ngạo đã gây nên sự ác cảm và ghen ghét trong lòng một số đồng chí cựu trào.
Trong những ngày tiền cách mạng, Lénine ẩn mình tại một khu ngoại ô Pétrograd. Ông chăm chú theo dõi hành động của những địch thủ của Trotzky và luôn luôn theo sát tình thế tổng quát. Vào lúc nghiêm trọng đó, mọi sự e dè, chù trừ đều nguy hại cho cách mạng. Trong bức thư gửi đến hội đồng trung ương vào ngày 17 tháng 10, Lénine phải ra sức chống chỏi những lý luận chống đối Trotzky của Kaméneff và Zinovieff. Hai người này nhằm minh chứng những lỗi lầm của Trotzky; họ cho rằng: "Không có sự tham gia của quần chúng và không có sự yểm trợ của một cuộc tổng đình công, cuộc khởi nghĩa chỉ là một cuộc báo động dẫn tới thất bại. Chiến thuật của Trotzky đúng là đường lối bờ-lăng-kít. Một đảng mác xít không thể biến vấn đề một cuộc khởi nghĩa thành một âm mưu phiên đảo quân sự."
Trong thư đề ngày 17 tháng 10, Lénine đã tỏ ý bênh vực Trotzky. Ông viết: "Đấy không phải là đường lối bờ-lăng-kít; một âm mưu phiên đảo quân sự đúng là đường lối bờ-lăng-kít một trăm phần trăm nếu nó không được tổ chức bởi đảng của một giai cấp, nếu những người tổ chức không quan tâm đến trào lưu chính trị nói chung và tình thế quốc tế nói riêng. Giữa một cuộc phiên đảo quân sự, đáng bị kết án trên mọi phương diện, với nghệ thuật võ trang nổi dậy có sự khác biệt sâu xa." Kaméneff và Zinovieff có thể trả lời: "Trotzky chẳng từng tuyên bố rằng cuộc khởi nghĩa không cần lưu ý đến tình thế chính trị và kinh tế của xứ sở là gì? Đồng chí ấy cũng chẳng từng nhìn nhận rằng tổng đình công là một trong những yếu tố chính của kỹ thuật đảo chánh cộng sản? Làm sao ta có thể tin vào sự ủng hộ của các nghiệp đoàn và lệnh tổng đình công nếu các nghiệp đoàn lại liên kết với đối phương? Họ sẽ đình để chống lại chúng ta. Chúng ta không liên lạc cả với những tổ chức của các phu hỏa xa. Trong ủy ban thường vụ của đám phu hỏa xa chỉ có hai đảng viên bôn-sê-vích trong đám 40 nhân viên. Làm sao có thể chiến thắng mà không có sự giúp đỡ của các nghiệp đoàn, không có sự hỗ trợ của cuộc tổng đình công?" Sự chống báng khá nặng nề. Lénine chỉ có thể đối lại bằng sự nhất quyết của ông. Nhưng Trotzky cười: ông rất bình tĩnh. Ông nói: "Khởi nghĩa không phải là một nghệ thuật, đó là một guồng máy. Để vận chuyển guống máy đó, cần những chuyên viên và chỉ có những chuyên viên mới có thể hãm nó lại."
Đoàn xung kích của Trotzky chỉ gồm khoảng một ngàn vừa công nhân vừa lính và thủy thủ. Những phần tử ưu tú của đoàn này được tuyển trong đám công nhân của những nhà máy thuộc vùng Poutiloff và Wiborg, những thủy binh của hạm đội biển Ban tích và lính trong các trung đoàn xứ Lettonie. Trong vòng 10 ngày, dưới sự chỉ huy của Antonoff Ovseienko, những người này, những vệ binh đỏ đã tập dượt một lọat các cuộc "Điều Động Vô Hình" ngay tại trung tâm thành phố. Giữa đám đào binh ngổn ngang trên hè phố, giữa sự hỗn độn trong các bộ sở, các văn phòng của bộ tổng tham mưu, trong các nhà bưu điện, trong các tổng đài điện thọai và điện báo, trong các nhà ga, trong các trại lính, trong các cơ sở kỹ thuật của thủ đô; họ tập dượt giữa ban ngày, không vũ khí chiến thuật dấy loạn và từng tổ nhỏ (3 hay 4 người) đã thi hành thủ đoạn không hề bị để ý.
Trotzky đã thí nghiệm lần đầu tiên phương pháp những "Điều Động Vô Hình", từ lúc tập dượt đến khi dấy loạn trong cuộc đảo chánh tháng mười năm 1917. Ngày nay, phương pháp này trở thành một phần trong sách lược Cách mạng Đệ tam Quốc tế. Trong những cuốn khái luận của Ủy ban Thường vụ Đệ tam Quốc tế, người ta thấy có phần trần thuật và phát triển những quy tắc do Trotzky đã áp dụng. Trong những bộ môn giảng huấn tại Viện Đại học Trung Hoa ở Moscou, ta thấy có phương pháp những "Điều Động Vô Hình" mà Karakan đã khéo léo áp dụng tại Thượng Hải, dựa trên kinh nghiệm của Trotzky. Tại viện Đại học Tôn Dật Tiên ở Moscou, phố Wolkonka, những sinh viên Trung Hoa học các quy tắc mà cộng sản Đức đang thực hành mỗi chúa nhật, giữa ban ngày ngay trước mắt cảnh sát và quý vị trưởng giả ở Bá Linh, ở Dresde và ở Hambourg.
Tháng Mười năm 1917, trong những ngày tiền Cách mạng, báo chí bảo thủ, khuynh hữu Men sê vích, Cách mạng Xã hội đã không ngừng tố cáo trước quần chúng rằng đảng bôn sê vích đang công khai sửa soạn cuộc khởi loạn. Họ kết tội Lénine và Trotzky muốn lật đổ nền Cộng hòa Dân chủ để thiết lập nền vô sản chuyên chính. Báo chí của giới tư sản viết: "Họ không thèm giữ bí mật những mưu toan sát nhân của họ, công việc tổ chức cách mạng vô sản đang được thành hình công khai. Trong những bài diễn văn cho các đám thợ thuyền và lính tráng tụ tập tại các nhà máy và trại lính, các lãnh tụ bôn sê vích lớn tiếng công bố rằng tất cả đã sẵn sàng và ngày nổi loạn đã gần kề. Chính phủ đang làm gì? Tại sao chính phủ chưa bắt giữ Lénine, Trotzky và những nhân viên khác của hội đồng trung ương? Chính phủ đã xử dụng những biện pháp gì để bảo vệ nước Nga chống lại hiểm họa bôn sê vích?"
Không phải chính phủ Kérenski đã không xử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ quốc gia. Hãy công bằng mà nhận rằng Kérenski đã làm tất cả những gì ông có thể làm trong phạm vi quyền hạn của ông để chống trả một cuộc đảo chánh. Nếu ở vào địa vị của ông, Poincaré, Lloyd George, MacDonald, Giolitti hay Stréssemann cũng chẳng làm gì được hơn. Phương pháp của Kérenski gồm sự huy động những biện pháp cảnh sát từng được tín nhiệm trong mọi thời đại, ngay cả thời đại của chúng ta, bởi cả những chính quyền chuyên chế lẫn tự do. Thật là sai lầm nếu kết tội Kérenski là yếu kém và không biết tiên liệu. Chính những biện pháp cảnh sát đã không còn hữu hiệu để bảo vệ chính quyền chống lại kỹ thuật khởi nghĩa tân tiến. Lỗi lầm của Kérenski, cũng là lỗi lầm của tất cả những chính quyền, đã coi vấn đề bảo vệ quốc gia như là một vấn đề có tính cách cảnh sát.
Những người kết tội Kérenski là yếu kém và không biết tiên liệu đã quên mất tài cán và sự can trường của ông trong biến cố tháng bảy chống lại cuộc nổi loạn của những công nhân và đào binh và trong biến động tháng tám chống lại âm mưu phản động của Korniloff. Tháng tám, ông đã không ngần ngại kêu gọi đến cả những lực lượng bôn sê vích để chận đứng những kỵ binh Cossaque của Korniloff trong âm mưu định thanh toán những công trình chinh phục dân chủ của cách mạng tháng giêng. Trong dịp này ông đã làm Lénine phải ngạc nhiên. Chính Lénine phải thốt lên: "Hãy coi chừng Kérenski, hắn không phải là một thằng ngu đâu." Hãy công bằng với Kérenski: Vào tháng mười, ông không thể làm gì hơn những điều ông đã làm.Trotzky tuyên bố rằng việc bảo vệ quốc gia là một vấn đề kỹ thuật. Mà vào tháng bảy năm 1917 chỉ có một phương pháp được biết đến, một phương pháp được thực hành và đủ cho Kérenski hay Lloyd George, Poincaré hay Noske cũng thế thôi: Đó là phương pháp cổ điển với những biện pháp cảnh sát.
Để chống lại hiểm họa, Kérenski đã tung những sinh viên sỹ quan và các kỵ binh Cossaque trung thành vào điện Mùa Đông, điện Tauride, những nha sở, những tổng đài điện thọai và điện báo và những căn cứ của bộ Tổng Tham Mưu. Như vậy, 20.000 người mà ông có thể trông cậy vào đã được động dụng để bảo vệ những điểm chiến lược trong tổ chức chính trị và hành chánh quốc gia (Đó chính là lỗi lầm mà Trotzky sẽ khai thác). Những trung đoàn tín cẩn khác được tập trung chung quanh đó như ở các khu ngọai ô Tsarkoié Sélo, Kolpino, Gatchina, Oboukhowo và Poulkowo; đó là vòng đai thép mà lực lượng phải phá vỡ nếu không muốn bị bóp chết. Tất cả những phương tiện có thể bảo đảm nền an ninh quốc gia đều đã được áp dụng. Những đội Junker tuần tiễu trong thành phố cả ngày lẫn đêm. Những ổ súng máy được đặt ở các ngã tư, cuối các đại lộ chính, trên các nóc nhà khắp dọc khu công viên Newski để bảo vệ các ngả tiến tới các công trường. Những toán lính tuần tiễu giữa đám đông, những xe bọc sắt từ từ di chuyển trong những hồi còi dài. Sự hỗn độn thật là thảm hại. Chỉ vào đám đông náo nhiệt trên công viên Newski, Trotzky đã nói với Antonoff Ovseienko: Đó là cuộc tổng đình công của tôi.
Nhưng Kérenski không tự giới hạn trong những biện pháp cảnh sát, ông đã vận dụng tất cả guồng máy chính trị. Không những ông muốn liên kết với những phần tử hữu khuynh, ông còn muốn được sự ủng hộ của tả phái với bất cứ giá nào. Điều làm ông lo nghĩ chính là các nghiệp đoàn. Ông biết rằng các lãnh tụ của những nghiệp đoàn không đồng ý với các đảng viên bôn sê vích. Sự chỉ trích của Kameneff và Zinovieff về lý thuyết dấy loạn của Trotzky được căn cứ trên điểm này. Tổng đình công là một yếu tố phải có của cuộc nổi dậy. Không có cuộc đình công, các đảng viên bôn sê vích sẽ không yên tâm và sẽ thất bại. Trotzky đã định nghĩa cuộc nổi dậy: "một cú đấm vào một người tê liệt." Để cuộc nổi dậy có thể thành công đời sống Pétrograd phải bị tê liệt bởi cuộc tổng đình công. Các lãnh tụ nghiệp đoàn bất hợp tác với đám bôn sê vích, nhưng những tổ chức quần chúng lại hướng về Lénine. Thiếu sự ủng hộ của những tổ chức này, Kérenski hy vọng đọat được sự hợp tác của những lãnh tụ nghiệp đoàn. Ông đã điều đình với họ và ông đã đọat được sự trung lập của họ một cách khó khăn. Khi được báo về điều này, Lénine đã nói với Trotzky: "Kameneff có lý. Không có sự hỗ trợ của cuộc tổng đình công, chiến thuật của đồng chí chỉ có thể thất bại. " Trotzky trả lời: "Phần tôi, tôi có sự hỗn loạn yểm trợ. Nó còn đáng giá hơn một cuộc tổng đình công".
Để hiểu kế họach của Trotzky, ta cần phải xét xem tình thế Pétrograd hồi đó như thế nào? Hàng đám đào binh đông vô số kể đã bỏ hầm hố chiến tuyến đổ về thủ đô hồi đầu cách mạng tháng giêng, họ đóng trại ngay giữa phố và các công trường từ sáu tháng nay, rách rưới bẩn thỉu, khốn khổ, say sưa nhưng đói khát, e dè nhưng tàn bạo, sẵn sàng nổi loạn cũng như sẵn sàng trốn chạy và trong lòng ngập một nỗi khát khao thù hận lẫn hòa bình. Ngồi trên vỉa hè khu công viên Newski bên dòng người cuồn cuộn qua lại, hàng đám đào binh đang bán súng, tập san tuyên truyền, hạt dưa. Tại công trường Znamenskaia, trước nhà ga Moscou, sự hỗn loạn không thể nào tả xiết: đám đông dồn đến tường lùi ra, lấy lại sức, cuồn cuốn trào tới, vỡ tan ra như ngọn sóng sủi bọt trước một đống nào chiến xa, nào xe cam nhông, nào xe điện chất đống chung quanh bức tượng của Alexander III, hòa lẫn tiếng ầm ầm chối tai nghe từ xa giống như tiếng la hét trong một cuộc tàn sát.
Phía bên kia cầu Fontanka, ngay giữa ngã tư của công viên Liteyni, trẻ bán báo gân cổ rao to những tin tức, những biện pháp của Kérenski, những tuyên ngôn, công bố của Hội đồng Quân sự Cách mạng, của Hội đồng Sô viết, của Hội đồng Đô thành, những mệnh lệnh của đại tá Tổng Trấn Polkownikoff dọa bỏ tù những đào binh, cấm tụ họp, biểu tình và bạo động. Tại góc phố, thợ thuyền, lính, sinh viên, công nhân và lính thủy tụ tập, vừa lớn tiếng vừa vung chân múa tay bàn cãi. Khắp nơi, trong các tiệm cà phê, các quán ăn người ta nhạo báng các mệnh lệnh của Đại tá Polkownikoff, người người đòi bắt giữ 20.000 đào binh ở Pétrograd. Trước mặt điện Mùa Đông có hai khẩu đội 75 ly với đám Junker đang đi lại phía sau; trước bộ Tổng Tư Lệnh có hai hàng xe chuyên chở quân đội. Về phía Tổng Tư Lệnh Hải Quân, trong công viên Alesandre, một tiểu đoàn nữ quân nhân ngồi bệt xuống đất chung quanh những giá súng.
Công trường Marinskaia tràn ngập những thợ thuyền, thủy thủ, những đào binh rách rưới và tiều tụy. Một chi đội kỵ binh Cossaque canh gác điện Maria, trụ sở Thượng Viện. Họ hút thuốc, cười nói hô hố. Nếu ta chịu khó leo lên tận nóc thánh đường Isaac, về phía tây ta có thể thấy từng cuộn khói dày đặc bốc lên từ những nhà máy vùng Peutiloff, nơi mà các công nhân làm việc với súng có nạp đạn trên vai; xa hơn là vịnh Phần Lan; phía sau vịnh là đảo Rothine và đồn Cronstadt. Cronstadt đỏ, nơi mà những thủy thủ với màu mắt biếc non trẻ đang đợi hiệu lệnh của Dybenko để đi cứu Trotzky và tàn sát đám Junker. Phía kia của thành phố, một đám khói ửng đỏ trùm lên những ống khói san sát của ngọai ô Wiborg, nơi Lénine đang trốn tránh. Xanh xao và nóng nẩy trong bộ tóc giả, trông ông chẳng khác một anh kép hát rẻ tiền tỉnh nhỏ.
Trông cái vẻ một người không râu, với mớ tóc giả dính sát vào trán, ta không thể nhận ra một Lénine gớm ghiếc đang làm nước Nga rúng động. Chính nơi đây, trong những nhà máy khu Wiborg, vệ binh đỏ của Trotzky đang đợi lệnh của Antonoff Ovseienko. Cứ tối đến khi mà màn đêm như nới rộng các khu phố, các mụ đàn bà ở các khu ngọai ô, vẻ mặt âu sầu với ánh mắt lạnh lùng, lại tụ tập nhau để mò vào trung tâm thành phố. Những ngày lang thang của giới vô sản: từng đám thật đông di chuyển từ đầu này đến đầu kia của Pétrograd rồi lại quay về khu phố của họ sau hàng giờ và hàng giờ băng qua các đám mít tinh, biểu tình bạo động. Trong các trại lính, các nhà máy và tại các công trường hết mít tinh này lại đến mít tinh kia. Phải dành quyền lực cho các Sô viết. Tiếng oang oang của các diễn giả tan loãng vào rừng cờ đỏ. Trên các mái nhà, lính của Kérenski tì vai trên các ổ súng máy, thàn nhiên cắn hạt dưa và vừa nghe những giọng oang oang trong đám đông dưới phố.
Đêm buông xuống thành phố như một màn khói chết chóc. Trong khu công viên Newski, làn sóng đào binh tràn về phía bộ Tư lệnh Hải Quân. Trước thánh đường Kazan, hàng trăm lính, đàn ông, đàn bà, thợ thuyền nằm ngã nghiêng trên đất. Tất cả thành phố chìm đắm trong lo sợ, hỗn độn và cuồng loạn. Bỗng nhiên, người ta thấy những người khùng lên vì mất ngủ, tay cầm dao xông vào đám lính bảo an đang tuần tiễu, đám nữ quân nhân đang canh gác điện Mùa đông. Những tên khác tìm kiếm những tên trưởng giả, phá cửa, xông vào tận giường chúng. Cơn sốt của cuộc khởi nghĩa đã giết chết giấc ngủ của thành phố. Giống như phu nhân Macbeth, Pétrograd không còn ngủ được nữa. Đêm dài bị ám ảnh bởi mùi máu tanh.
Từ mười ngày qua, ngay giữa thành phố, vệ binh đỏ của Trotzky tập dượt cách quy củ. Chính Antonoff Ovseienko điều khiển những cuộc thao dượt của màn thử diễn cuộc đảo chánh giữa cái cảnh ồn ào náo nhiệt của đường phố, ngay bên cạnh những cơ sở có tính cách chiến lược của guồng máy hành chính và chính trị. Cảnh sát và giới chức quân sự, bị ám ảnh rằng quần chúng vô sản sẽ bất thần nổi loạn khiến họ không hề lưu ý đến những toán xung kích của Antonoff Ovseienko. Trong cái cảnh hỗn loạn vô độ ấy, ai mà phòng ngờ đến những toán công nhân ít ỏi không võ khí, những toán lính, thủy thủ đang len lỏi trong các hành lang, các tổng đài điện thoại và điện báo, các bộ sở và bộ tư lệnh, để quan sát vị trí các văn phòng, các chỗ gắn đèn điện và máy điện thoại, nhớ in vào đầu sơ đồ của các cơ sở, nghiên cứu cách xâm nhập bất ngờ vào thời lệnh, tính toán những chắc chở, đo lường các trở ngại, tìm kiếm trong tổ chức phòng thủ guồng máy kỹ thuật, hành chánh và quân sự những yếu điểm, những nhược điểm trong hệ thống phòng thủ. Trong cái cảnh hỗn độn tập thể ấy, ai mà chú ý đến hai ba tên thủy thủ, vài tên lính, một chú thợ đang lượn quanh các căn cứ, xâm nhập vào các hành lang, đi lên các cầu thang và lỡ có gặp nhau cũng chẳng thèm nhìn? Không ai ngờ là những người này đang thi hành những mệnh lệnh chính xác và chi tiết, đang thi hành một kế họach và tập dượt những bài tập có mục tiêu nhằm vào các vị trí chiến lược của công sự phòng vệ chính quyền. Những vệ binh đỏ sẽ hành động chắc ăn vì họ đã thao duợt, vô hình, trên chính ngay địa thế của trận chiến sắp diễn ra.
Trotzky đã tìm cách lấy được sơ đồ các sở kỹ thuật của thành phố. Những thủy thủ của Dybenko, được các kỹ sư và chuyên viên giúp đỡ, đang nghiên cứu tại chỗ những vị trí ống dẫn ngầm dưới đất như ống nước, ống hơi cháy, các đường dây điện lực, các đường dây điện thọai và điện báo. Hai người trong đám họ đã thám sát những ống cống chạy dưới bộ Tổng Tham Mưu. Cần phải đạt tới mức độ có thể cô lập được một khu phố hay một nhóm nhà trong vài phút. Do đó Trotzky chia thành phố ra làm nhiều khu vực, ấn định những vị trí chiến lược, phân phối các nhiệm vụ từng khu cho các toán lính và thợ chuyên môn. Cần phải có những thợ chuyên môn bên cạnh các binh sỹ: cuộc chiếm cứ nhà ga Moscou được giao phó cho hai tiểu đội gồm 25 binh sỹ người xứ Lettonie, hai thủy thủ và mười phu hỏa xa. Ba toán gồm thủy thủ, công nhân và nhân viên hỏa xa, tổng cộng là 60 người được giao cho nhiệm vụ chiếm nhà ga Varsovie. Đối với những nhà ga khác, Dybenko giao phó cho những tiểu đội 20 người. Để kiểm sóat họat động của các đường xe lửa, mỗi đội được biệt phái một chuyên viên vô tuyến. Ngày 21 tháng 10 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Antonoff Ovseienko, tất cả các toán tập dượt chiếm cứ những nhà ga. Antonoff Ovseienko theo dõi các cuộc điều động cách chăm chú và cuộc tổng duợt đã diễn ra chính xác và trôi chảy hoàn toàn. Cùng ngày đó, ba thủy thủ xâm nhập nhà máy phát điện trung ương ngay bên cạnh lối ra vào hải cảng. Nhà máy phát điện trực thuộc nha Giám Đốc Kỹ Thuật đô thành không có lính gác. Ông giám đốc nói với ba thủy thủ này: "Có phải các anh là người của quan tổng trấn phái đến? Ông đã hứa cho lính gác từ năm ngày nay". Ba thủy thủ bôn sê vích nói họ đến bảo vệ nhà máy điện chống đám vệ binh đỏ trong trường hợp có dấy loạn. Cũng tương tự như thế mấy tiểu đội thủy thủ chiếm nốt ba nhà máy điện khác của thành phố.
Cảnh sát của Kérenski và các nhà cầm quyền quân sự chỉ lo đến việc bảo vệ cơ cấu tổ chức hành chánh và chính trị; các bộ sở, điện Maria, trụ sở Thượng Viện, điện Tauride, trụ sở viện dân biểu Douma, điện Mùa Đông, bộ Tổng Tham Mưu. Trotzky đã khám phá ra điều sai lầm này và chỉ tấn công những cơ sở kỹ thuật của guồng máy công quyền và đô thành. Đối với ông vấn đề dấy loạn chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Muốn chiếm một chánh quyền tân tiến, chỉ cần một đội xung kích và những chuyên viên kỹ thuật: các toán võ trang chỉ huy bởi những ông kỹ sư.
Trong khi Trotzky tổ chức cuộc đảo chánh rất là khoa học, Hội đồng trung ương của đảng Bôn-sê-vích tổ chức cuộc cách mạng vô sản. Việc này được giao cho một Ủy ban gồm có Staline, Sverloff, Boubnoff, Ouritzki và Djerjinski, hầu hết đều là địch thủ công khai của Trotzky. Họ đang nghiên cứu kế hoạch tổng khởi nghĩa. Họ là những người, mà đến năm 1927 được Staline cố gắng gán ghép cho tất cả cái công trạng của đảo chánh tháng mười. Họ không tin tưởng một chút nào vào cuộc nổi dậy cho Trotzky tổ chức. Hắn định làm gì với đám 1.000 bộ hạ? Đám Junker sẽ dẹp tan bọn chúng không khó nhọc gì. Phải huy động tầng lớp vô sản, hàng ngàn thợ thuyền của các khu ngọai ô, khu Poutiloff và Wiborg, đám đào binh đông vô số kể, những đơn vị Bôn-sê-vích trong đám lính đồn trú tại Pétrograd hầu chống lại những lực lượng của chính phủ. Cần phải huy động cuộc tổng khởi nghĩa. Với những cuộc đánh úp, Trotzky chỉ là một đồng minh vừa nguy hiểm vừa vô dụng.
Đối với Ủy ban cũng như đối với Kérenski, cuộc cách mạng chỉ là một vấn đề thuộc phạm vi cảnh sát. Thật khó tin rằng sáng lập viên của cơ quan cảnh sát Bôn-sê-vích, của cái cơ quan có tên là Tchéka, sau này sẽ đổi tên là Guépéou, lại thuộc Ủy ban này. Bởi kẻ đó chính là Djerjinski với vẻ mặt phờ phạc và đáng gờm, người nghiên cứu hệ thống phòng thủ chính quyền Kérenski và ấn định kế hoạch tấn công.
Trong tất cả những địch thủ của Trotzky, ông là người nham hiểm và đáng sợ nhất. Trong sự cuồng nhiệt của ông có cái vẻ e dè của một mụ đàn bà. Ông là một thứ ẩn sỹ không bao giờ biết nhìn xuống bàn tay mình. Ông đã chết vào năm 1926 trước diễn đàn trong khi đang tố khổ Trotzky.
Buổi chiều trước ngày đảo chính, khi Trotzky nói với Djerjinski rằng vệ binh đỏ phải coi chính phủ Kérenski như không có, rằng không cần phải dùng đến súng máy để chiến đấu chống chính phủ mà là chiếm lấy chính quyền, rằng Thượng Viện, Bộ sở, Quốc Hội không quan trọng gì trên phương diện chiến thuật dấy loạn và không nên coi chúng là những mục tiêu của cuộc võ trang khởi nghĩa, rằng then chốt của quốc gia không phải là cơ cấu tổ chức hành chánh và chính trị, cũng không phải là điện Mùa Đông, điện Tauride hay điện Maria mà là các cơ cấu kỹ thuật, nghĩa là những tổng đài điện thoại và điện báo, các đường xe lửa các máy điện thọai điện báo, các bến tầu, các nhà máy hơi đốt, các ống nước. Djerjinski trả lời rằng nghĩa quân phải tiến tới ngay trước mặt địch thủ và tấn công vị trí của họ. "Chúng ta phải tấn công chính phủ. Chúng ta phải hạ địch thủ ngay trên địa thế mà họ phòng thủ chính quyền." Nếu địch thủ cố thủ trong các Bộ sở, trong điện Maria, điện Tauride, điện Mùa Đông, ta phải tới kiếm chúng ngay tại đấy. Rồi Djerjinski kết luận: "Để chiếm chính quyền, ta phải huy động quần chúng chống chính phủ".
Chiến thuật khởi nghĩa của Ủy Ban bị chi phối bởi thái độ trung lập của các Nghiệp Đoàn. Liệu ta có thể chiếm được chính quyền mà không cần tới sự hỗ trợ của cuộc tổng đình công? Cả Ủy Ban lẫn Hội Đồng Trung Ương đảng bộ đều trả lời "không". Cần phải phát động cuộc Tổng đình công bằng cách lôi kéo quần chúng vào phong trào khởi nghĩa. "Nhưng chỉ có chiến thuật Tổng khởi Nghĩa, chứ không phải chiến thuật đột kích, mới giúp chúng ta lôi cuốn được quần chúng chống lại chính phủ và phát động cuộc tổng đình công".
Trotzky trả lời: "Không cần tổ chức cuộc Tổng đình công. Sự hỗn loạn kinh khủng ở Pétrograd còn hữu hiệu hơn cả cuộc tổng đình công. Chính sự hỗn loạn đã làm quốc gia tê liệt và ngăn cản chính phủ chuẩn đoán cuộc khởi nghĩa. Vì không thể dựa trên cuộc tổng đình công, chúng ta sẽ dựa trên sự hỗn loạn". Người ta nói rằng Ủy ban đã chống lại chiến thuật của Trotzky vì Ủy ban cho rằng chiến thuật ấy được thành lập dựa trên một nhận định quá lạc quan về tình thế. Thật ra, có lẽ Trotzky bi quan hơn là lạc quan; ông nhận định tình thế nghiêm trọng hơn là người ta tưởng. Ông đã bất chấp quần chúng, ông biết rằng cuộc khởi nghĩa chỉ có thể trông cậy vào một số ít người. Phát động cuộc tổng đình công bằng cách lôi cuốn quần chúng võ trang đấu tranh chống chính phủ là một ảo tưởng: chỉ một số ít sẽ tham dự vào công tác khởi nghĩa. Trotzky tin chắc rằng nếu cuộc tổng đình công có xẩy ra, nó sẽ xẩy ra để chống lại đảng bôn sê vích và nếu muốn ngăn chặn cuộc tổng đình công chỉ còn cách là chiếm chính quyền ngay lập tức. Những biến động sau đó đã chứng tỏ rằng ông nhận xét đúng. Khi những phu hỏa xa, nhân viên bưu điện, điện thọai, điện báo, những công chức các bộ sở bỏ nhiệm sở thì đã quá muộn. Lénine đã nằm được chính quyền và Trotzky đã đập vỡ mặt cuộc đình công.
Sự chống đối chiến thuật Trotzky của Hội Đồng Trung Ương và Ủy ban đã tạo nên một tình thế vô lý súyt nữa thì làm cuộc khởi nghĩa thất bại. Trước ngày đảo chánh, có hai bộ chỉ huy, hai kế họach và hai mục tiêu: Ủy ban dựa trên đám đông thợ thuyền và đào binh muốn chiến đấu hạ chính phủ để chiếm quyền; Trotzky chỉ dựa vào một ngàn người, muốn chiếm quyền để hạ chính phủ. Ngay chính Marx có lẽ cũng cho rằng tình thế thuận lợi cho kế họach của Ủy ban hơn là của Trotzky. Nhưng Trotzky nhấn mạnh rằng: "Cuộc khởi nghĩa không cần đến những hoàn cảnh thuận tiện".
Ngày 24 tháng 10, giữa ban ngày, Trotzky bắt đầu cuộc tấn công. Kế họach đã được ấn định từng chi tiết bởi Antonoff Ovseienko, cựu sỹ quan quân đội Hoàng gia, nổi tiếng như là một nhà toán học tài ba và một tay chơi cờ khét tiếng cũng như là một nhà cách mạng hay một tên chuyên môn bị lưu đầy. Khi bàn về chiến thuật Trotzky, Lénine đã nói với Antonoff Ovseienko rằng chỉ có một tay cờ giỏi mới có thể tổ chức được cuộc khởi nghĩa. Antonoff có vẻ buồn rầu và bệnh hoạn: những lọn tóc dài phủ xuống vai làm ông trông giống như một vài bức hình của Bonaparte trước ngày 18 Vụ nguyệt. Cái nhìn của ông giá lạnh, khuôn mặt gầy và xanh xao ánh lên một sự trầm buồn bệnh hoạn như một xác chết.
Trong một căn phòng trên tầng lầu chót của viện Smolny, đại bản doanh của đảng Bôn sê vích, Antonoff Ovseienko đánh cờ trên tấm bản đồ thành Pétrograd. Dưới chân ông ở tầng dưới, Ủy ban đang nhóm họp để xác định ngày tổng khởi nghĩa. Ủy ban không được biết rằng Trotzky đã ra lệnh tấn công. Chỉ có Lénine là đã được báo vào phút chót về cái quyết định bất ngờ nầy của Trotzky. Ủy ban vẫn tin vào lời Lénine: có phải chính Trotzky đã tuyên bố vào ngày 21 là ngày 24 thì quá sớm mà ngày 26 lại quá muộn? Khi Ủy ban vừa nhóm thì Podwoisky trờ tới mang theo một tin bất ngờ: Vệ binh đỏ của Trotzky đã chiếm được Tổng đài điện thọai và các cây cầu trên sông Néva; vì lẽ muốn bảo đảm sự liên lạc giữa trung tâm thành phố và khu ngọai ô Wiborg cần phải kiểm sóat được những cây cầu đó. Những trung tâm phát điện của Đô thành, các nhà máy hơi đốt, các nhà ga đều đã bị thủy thủ của Dybenko chiếm. Các công việc đã diễn ra mau lẹ và trôi chảy lạ lùng. Tổng đài điện báo được khoảng 50 người vừa lính vừa Cảnh sát gác đằng trước. Sự bất lực của các biện pháp Cảnh sát đẽ hiển hiện trong cái chiến thuật phòng thủ mà người ta quen gọi là công tác an ninh và phòng vệ. Chiến thuật nầy có thể rất hữu hiệu khi dùng để đàn áp một đám đông dấy loạn, nhưng bất lực trước một nhóm người quyết tử. Những biện pháp cảnh sát không thể chống lại các cuộc đột kích: ba thủy thủ của Dybenko, đã từng tập dượt trong các "điều động vô hình" và biết rõ địa thế, len lỏi vào hàng ngũ lính gác, xâm nhập vào các văn phòng và với vài trái lựu đạn quăng qua cửa sổ đã làm cho đám lính và cảnh sát rối loạn. Hai tiểu đội thủy binh đặt những ổ súng máy tại tổng đài điện báo. Một tiểu đội thứ ba chiếm căn nhà đối diện, sẵn sàng bắn vào lưng lực lượng phản công của địch. Các xe bọc sắt đảm bảo việc liên lạc giữa những toán đang thi hành công tác tại các khu vực trong thành phố với điện Smolny. Tại những ngã tư quan trọng, các ổ súng máy được che dấu trong các căn nhà ở góc đường; các toán tuần tiễu lưu động canh chừng doanh trại của các Trung Đoàn còn trung thành với Kérenski.
Vào khoảng 6 giờ chiều tại viện Smolny, Antonoff Ovseienko bước vào phòng Trotzky, mặt xanh tái hơn thường lệ nhưng tươi cười nói: "Xong rồi". Bị bất ngờ vì các biến cố, các nhân viên chánh phủ chạy vào ẩn tất cả trong điện Mùa Đông. Điện này còn được vài Đại đội Junker và một Tiểu đoàn Nữ Quân Nhân bảo vệ. Kérenski đã đào tẩu; người ta đồn ông đã chạy ra tiền tuyến để thu nhặt quân trở về Pétrograd. Tất cả dân chúng đổ ra đường, ai cũng khao khát tin tức. Các tiệm sách tiệm cà phê, tiệm ăn và nhá hát đều mở cửa, xe điện chật ních những lính và công nhân võ trang, một đám đông khổng lồ tuôn ra như một nguồn nước dọc theo khu công viên Newski. Tất cả mọi người đều bàn cãi, tranh luận và chửi rủa Chính phủ và tụi Bôn sê vích. Những tin đồn thất thiệt nhất truyền từ miệng người này sang người kia: Kérenski đã bị giết, những lãnh tụ Men-sê-vích bị bắn trước điện Tauride, Lénine đã vào ở trong điện Mùa Đông ngay tại phòng của Nga Hoàng. Dọc theo công viên Newski, đường Gorokowskaia, đường Vosnessenski, ba huyết lộ hội lưu nơi bộ chỉ huy Hải quân, một giòng người liên tục đổ vào công viên Alexandre để xem lá cờ đỏ đã được trương lên trên nóc điện Mùa Đông chưa? Khi thấy đám Junker còn canh gác ở đó, đám đông dừng hết lại. Những ổ súng máy, những khẩu Đại bác làm đám đông ngỡ ngàng, nhìn xa hơn họ thấy hàng cửa sổ rực sáng, vắng ngắt, xe hơi xếp thành hàng trước Bộ Tổng Tham Mưu và họ không hiểu gì cả. Thế Lénine? Lénine ở đâu? Những đảng viên Bôn-sê-vích đâu?
Bảo thủ, Tự do, Men-sê-vích, Xã hội Cách mạng, không ai biết rõ tình hình, nhất định không ai chịu tin rằng những đảng viên Bôn sê vích đã nắm được chính quyền; không nên tin những tin đồn do nhân viên của điện Smolny tung ra, các bộ sở dọn vào điện Mùa Đông chỉ là một biện pháp cẩn tất, nếu tin tức đúng thì cái gọi là cuộc đảo chánh chỉ là một chuỗi các cuộc đột kích tương đối kết quả (người ta chưa biết rõ gì hết) vào các sở Kỹ thuật Quốc gia hay Đô thành. Các cơ cấu Lập pháp, chính trị và cai trị vẫn còn trong tay Kérenski. Điện Tauride, Điện Maria, các bộ sở đều không bị tấn công. Tình hình thật là kỳ quái: chưa bao giờ có ai thấy một cuộc khởi nghĩa tuyên bố đã chiếm được chính quyền mà vẫn để chính phủ tự do. Người ta kháo nhau rằng đảng viên Bôn-sê-vích không màng đến chính phủ. Tại sao họ lại không chiếm các bộ sở? Có ai có thể làm chủ quốc gia và cai trị xứ Nga mà lại không nắm lấy những cơ cấu hành chánh? Đúng là các đảng viên Bôn sê vích đã chiếm được tất cả cơ cấu tổ chức kỹ thuật, nhưng Kérenski vẫn chưa đổ và chính ông mới là người có quyền lực mặc dù trong lúc này ông đã mất quyền kiểm sóat các đường xe lửa, các trung tâm phát điện, các sở công cộng, điện thoại, điện báo, bưu điện, Ngân hàng quốc gia, các kho chứa than, chứa dầu và lúa mì. Nhưng người ta có thể phản đối rằng, trên thực tế các bộ trưởng gom lại trong điện Mùa Đông không còn can dự gì nữa, rằng tất cả các bộ sở không thể họat động. Chính phủ bị tách rời khỏi quốc gia và tất cả các phương tiện liên lạc đều rơi vào tay đảng Bôn-sê-vích. Tại các ngọai ô, tất cả các đường phố đều bị ngăn chận, không ai có thể ra khỏi thành phố; ngay Bộ trưởng tham mưu cũng bị cô lập. Đài vô tuyến điện báo ở trong tay đảng Bôn-sê-vích: thành Pierre và Paul bị vệ binh đỏ chiếm; một số trung đoàn đóng tại Pétrograd đã theo về với hội đồng quân sự cách mạng. Phải hành động ngay. Tại sao Bộ trưởng tham mưu lại ỳ ra thế? Người ta đồn họ còn đợi quân của tướng Krasnoff hiện đang tiến về thủ đô. Tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chính phủ đều đã được xử dụng. Nếu đảng Bôn sê vích chưa quyết định tấn công chính phủ, đó là dấu hiệu họ chưa đủ sức. Chưa có gì ngã ngũ cả.
Nhưng ngày hôm sau, 25 tháng 10, trong khi đệ nhị đại hội Sô viết liên Nga họp trong một căn phòng lớn của viện Smolny, Trozky ra lệnh cho Antonoff Ovseienko tấn công điện Mùa Đông, nơi các bộ trưởng của Kérenski đang ẩn náu. Liệu đảng Bôn-sê-vích có chiếm được đa số tại đại hội? Để chứng minh cho đại diện các Sô viết của toàn nước Nga rằng cuộc khởi nghĩa đã thành công thì việc bảo rằng đảng Bôn-sê-vích đã chiếm được chính quyền chưa đủ mà phải làm sao để có thể bảo rằng các nhân viên chính phủ đã bị vệ binh đỏ bắt giữ. Trotzky nói với Lénine: "Đó là cách độc nhất để thuyết phục hội đồng Trung ương đảng bộ và ủy ban rằng cuộc đảo chánh không thất bại".
"Đồng chí đã quyết định hơi chậm," Lénine nói. Trotzky trả lời: "Tôi không thể tấn công chính phủ trước khi biết chắc rằng binh sỹ trung thành sẽ không chống cự: phải để cho họ có thì giờ theo về với chúng ta. Chỉ còn đám Junker là vẫn còn trung thành với chính phủ".
Ngụy trang thành một công nhân đội một bộ tóc giả và không có râu Lénine rời chỗ trú ẩn để đến viện Smolny tham dự đại hội Sô viết. Đó là lúc buồn chán nhất đời ông: ông vẫn chưa tin rằng cuộc khởi nghĩa đã thành công. Cũng giống như hội đồng trung ương đảng bộ, Ủy ban và đa số các đại biểu tại đại hội, ông cần được biết rằng chính phủ đã đổ, rằng những Bộ trưởng của Kérenski đã lọt vào tay Vệ binh đỏ. Lénine nghi ngờ Trotzky, nghi cái bản tính kiêu căng và tự tin, cái bộ óc lắm mưu kế táo bạo của ông. Trotzky không thuộc thành phần kỳ cựu, không phải là một đảng viên Bôn sê vích mà người ta có thể nhắm mắt tin theo mà chỉ là một đảng viên mới, kết nạp sau biến cố tháng bảy. "Tôi không phải là một trong mười hai Sứ Đồ, Trotzky nói, tôi giống như thánh Phao Lồ, người đầu tiên đã giảng đạo cho những người ngọai đạo.
Lénine không bao giờ có nhiều cảm tình với Trotzky. Mọi người đều e ngại Trotzky. Tài hùng biện của ông rất đáng ngờ. Ông có cái khả năng nguy hiểm là biết khích động và xúi dục quần chúng nổi loạn. Ông là một kẻ chuyên gây ra sự chia rẽ, một kẻ phát sinh ra những tà thuyết, một người nguy hiểm nhưng cần thiết. Lénine đã nhận thấy từ lâu rằng Trotzky thích ví von với những nhân vật lịch sử. Khi ông diễn thuyết trong các cuộc mít tinh hay trong các đại hội, khi ông tranh biện trong các hội nghị của đảng, ông không ngưng ví von với thời kỳ cách mạng Thanh giáo của Cromwell hay cuộc cách mạng Pháp. Một đảng viên Mác-xít mà hay phán xét và đo lường những nhân vật cùng những sự kiện của cuộc cách mạng Bôn-sê-vích theo những nhân vật và những sự kiện của cuộc cách mạng Pháp thì rất đáng ngại. Lénine không thể quên cảnh khi vừa được thả khỏi nhà tù Kresty- nơi Trotzky đã bị giam sau biến động tháng 7- Trotzky đã đến thẳng Hội đồng Sô viết Pétrograd và trong một bài diễn văn nẩy lửa, ông đã đòi thiết lập chính sách khủng bố của nhóm Jacobin. Những đảng viên men-sê-vích đã hét lên: "Cái máy chém sẽ dẫn tới Napoléon". Trotzky trả lời: "Tôi thà thích Napoléon hơn Kérenski". Lénine sẽ không bao giờ quên câu trả lời này. Sau này Djerjinski nói: "Hắn thà thích Napoléon hơn Lénine".
Trong một căn phòng nối liền với căn phòng mà Đại hội Sô viết liên Nga đang nhóm họp, Lénine ngồi bên cạnh Trotzky trước một cái bàn đầy báo và giấy tờ, một lọn tóc giả sòa trước trán. Trotzky không thể nín cười khi nhìn thấy mớ tóc kỳ khôi này. Ông nghĩ rằng đã đến lúc Lénine có thể bỏ bộ tóc giả. Không còn gì nguy hiểm nữa, cuộc khởi nghĩa là thành công. Lénine bây giờ là chúa tể của nước Nga. Đã đến lúc Lénine có thể để râu mọc trở lại, bỏ bộ tóc giả, xuất hiện trước quần chúng. Khi đi qua Lénine để tiến vào phòng họp, Dan và Skobeleff, hai lãnh tụ của khối men-sê-vích nhìn nhau biến sắc. Họ đã nhận ra cái con người đội tóc giả, cái anh kép hát rẻ tiền tỉnh lẻ kia chính là Lénine, kẻ phá hoại kinh hồn của nước Nga. Dan thầm thì với Skobeleff: "Thế là hết". Trotzky nói với Lénine "Tại sao đồng chí còn phải nghi trang? Những kẻ chiến thắng không phải lẩn trốn." Lénine nheo mắt nhìn Trotzky, nhếch miệng cười mỉa mai. Ai là kẻ chiến thắng? Đó mới là vấn đề. Lâu một tiếng đại bác, một tràng liên thanh từ xa vọng lại. Chiến hạm Bình Minh đậu trên sông Néva, vừa nã súng vào Điện Mùa Đông yểm trợ cho cuộc tấn công Vệ binh Đỏ. Và kia tên lính thủy Dybenko, tên Dybenko khổng lồ với cặp mắt xanh biếc, với khuôn mặt đầy râu trắng mịn như tơ mà các thủy thủ đồn Cronstadt và bà Kollontai yêu mê say đắm vì ánh mắt trẻ thơ, vì cặp mắt xanh mầu biển cả, đã đến. Dybenko báo tin: "Vệ binh Đỏ của Antonoff Ovseienko đã phá được điện Mùa Đông, các Bộ Trưởng của Kérenski đã bị bắt, chính phủ đã đổ". "Thế là xong". Lénine reo lên. Trotzky trả lời "Đồng chí đã chậm 24 tiếng".
Lénine cởi bỏ bộ tóc giả, lấy tay xoa trán. Ông nói "nào đi" và tiến về phòng họp của Đại Hội. Trotzky lặng lẽ theo sau. Ông có vẻ mệt mỏi, cặp mắt sắc như mờ đi vì ngái ngủ. Lounatcharsky đã viết: "trong suốt thời gian của cuộc khởi nghĩa, Trotzky là một cái chai Leyde". Nhưng lúc này chính phủ đã đổ và Lénine đã vứt bỏ bộ tóc giả, y như người ta cởi bỏ chiếc mặt nạ. Cuộc đảo chánh chính là Trotzky, nhưng nước Nga là Lénine. Vị nguyên thủ, nhà độc tài, kẻ chiến thắng chính là ông, Lénine.
Trotzky lẳng lặng đi theo Lénine với nụ cười khó hiểu, nụ cười chỉ dịu đi khi Lénine nằm xuống.